Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)
- Nguyễn Bá Chổi vừa nhận được lá thư dưới đây của của một cựu bộ đội
cụ Hồ qua đường bưu điện. Nhận thấy nội dung liên quan đến “đại thắng
mùa xuân” mà “đảng ta” đang chuẩn bị ăn mừng ngày kỷ niệm lần thứ 38,
Chổi xin quá giang Danlambao
cho đăng lại nơi đây sau khi được sự đồng ý của tác giả bức thư với
điều kiện dấu tên. Tiện thể, người nhận xin gửi nơi đây lời cám ơn đến
anh cựu “giải phóng quân” Cách Mạng đã chia sẻ tâm sự phản tỉnh với
“Ngụy quân”.
*
Anh Chổi,
Trước hết tôi xin phép anh, thú thật, nhờ đọc những bài viết của anh
suốt mấy năm nay, từ Cu Tèo trong mục “Bác cháu ta lên mạng” đến Kỵ Binh
rồi Nguyễn Bá Chổi, tôi biết được anh từng là một người lính trong Quân
đội Việt Nam Cộng Hòa trước 30 tháng Tư 1975, và biết được tuổi anh với
tôi cũng xêm xêm nhau. Tôi viết “xêm xêm” theo kiểu nói người Miền Nam
các anh hay dùng để anh hay rằng tôi, một bộ đội cụ Hồ thập thành trước
kia nay đã tự giác tự nguyện tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc trên
con đường Ngụy-quân hóa và Mỹ-cút hóa (con cháu tôi bây giờ học tiếng Mỹ
thay vì tiếng Nga, như đảng ta đã bái bai Kinh Tế Tập Trung đói meo
chạy theo Kinh Tế Thị Trường béo bở, bỏ đồng Rúp núp đồng Đô - theo văn phong kiểu anh viết vậy).
Bởi vì sau khi giải phóng Miền Nam, tôi khoái quê hương của anh quá xá
rồi xin chọn nơi này làm quê hương luôn đó anh. Xin anh đừng buồn hay
thấy bị xúc phạm khi tôi dùng chữ “Ngụy” trong thư này, lý do giản đơn
là, một phần do quen mồm quen mép, một phần khác quan trọng hơn là, nhờ ở
lại Miền Nam, sống giữa đồng bào Miền Nam mà tôi đã chuyển biến từ sai
lầm đáng tiếc căm thù khinh bỉ Ngụy thành khoái cụ tỷ Ngụy, bái phục văn
hóa “đồi trụy” Ngụy, và nhất là Quân đội Miền Nam các anh có anh hùng
Ngụy... Văn Thà, trong khi Thủ tướng Miền Bắc của chúng tôi tự cho mình
là chân chính lại ký công hàm bán nước, dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho
Tàu cộng, mà bây giờ nhờ đọc qua loạt bài “Những sự thật không thể chối bỏ”
của Đặng Chí Hùng kèm theo những hình ảnh tư liệu dẫn chứng, tôi mới
biết được thực sự ai ngụy ai ngay, nhưng đây không phải là nội dung tôi
muốn đề cập đến trong thư này.
Thưa anh Chổi, điều tôi muốn đề cập với anh hôm nay là cám ơn các anh
đã... thua cuộc chiến tranh mà trước kia chúng tôi hăm hở gọi là “giải
phóng Miền Nam”. Thực tế cho thấy đó là “giải phóng Miền Bắc”. Nói thế
nghe ra là ”phản động”, nhưng thực chất là vậy. Nếu bác Hồ từng nói “Nước Việt nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”
- cứ cho bác Hồ nói đúng đi, mặc dầu theo sách giáo khoa Cách mạng dạy
thì Việt Nam ta không chỉ có một mà có tới 53 dân tộc (trong Nam các anh
gọi là 53 sắc tộc, xem ra đúng hơn), thì ta cũng có thể nói, nhờ chiếm
được Miền Nam mà Miền Bắc được giải phóng, sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy nay đã hiển nhiên không thể chối cãi.
Thực tế đó là gì? Cũng giản đơn và dễ dàng như tòa án Hải Phòng vừa xử
phạt tù anh em Đoàn Văn Vươn là nạn nhân, và phạt tù treo đám thủ phạm
tép riu, còn đám đầu sỏ chủ mưu thì hoàn toàn vô can, trong vụ cưỡng chế
tài sản nhân dân mà chính Thủ tướng kết luận “hoàn toàn trái pháp
luật”. Nếu các anh không thua cuộc chiến thì bộ đội cụ Hồ chúng tôi đâu
có thu được hàng tỷ khối chiến lợi phẩm mang về làm náo nức nhân dân
Miền Bắc, trong đó có cậu bé 13 tuổi quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh sau này
là nhà báo Huy Đức ghi lại:
“Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật
giản đơn: Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; Cặp nhẫn vàng chóe
trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra; Con búp bê
nhựa - biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe - buộc trên ba lô
của một anh bộ đội phục viên may mắn.
Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh... được các anh bộ đội giấu
dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương
gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày [1], Thép Đã Tôi Thế Đấy [2]… Những
chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang
ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ
mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam
không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.” (Bên Thắng Cuộc).
Còn chính bộ đội cụ Hồ như chiến sĩ gái Dương Thu Hương háo hức bao
nhiêu trên đường giải phóng Miền Nam thì sau 30/4/75, khi vào đến Sài
Gòn đã... Ta thử đọc trích đoạn cuộc trao đổi giữa cô với nhà báo Đinh
Quang Anh Thái (*)
“Đinh Quang Anh Thái: Bà từng viết rằng, ngày 30 tháng Tư năm 1975,
khi các phụ nữ khác trong đoàn quân của bà trầm trồ trước sự trù phú vật
chất của miền Nam thì bà ngồi khóc trên lề đường Sài Gòn. Bà có thể
nhắc lại tâm trạng của bà lúc đó?
-Dương Thu Hương: (thở dài) Điên rồ thì tôi có nhiều thứ điên rồ. Khóc thì tôi có hai lần khóc.
Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi
tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại
khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi
không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của
tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do;
tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong
các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy dẫy các phương tiện thông tin
như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là
những giấc mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước
quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán
bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh
Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể;
có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế
độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai
con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài
nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn
minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự
hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn
nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”
Rồi chuyện ông bác sĩ bộ đội cụ Hồ mà anh gặp tại nhà người bạn chiến
hữu của anh ở Tân Định ngay sau khi mới giải phóng Sài Gòn trông như
người ngoài hành tinh mới đến, cứ ngơ ngơ ngáo ngáo, bảo “có vào đây mới biết đồng bào Miền Bắc ngoài đó quá khốn khổ”.
Anh Chổi ơi, vài mẩu chuyện trên đây là của vài ba cá nhân lẻ tẻ nhưng
là đại diện cho tâm trạng chung của tuyệt đại bộ phận đoàn quân “đại
thắng mùa xuân” ngay sau khi mèo mù vớ được cá rán Miền Nam đó anh. Bây
giờ thôi những mẩu chuyện cá nhân để nhìn vào tổng thể sờ sờ trước mắt.
Giá như ngày đó Mỹ không chịu cút, Ngụy không chịu nhào và các anh cứ
tiếp tục giữ vững Miền Nam với chế độ Tư Bản một mình thì chúng tôi, tức
Miền Bắc, cứ vẫn xếp hàng cả ngày và chỉ được tiêu chuẩn “mỗi năm ba tấc vải thô, lấy gì che kín cụ Hồ em ơi”,
Ba Ếch cứ tiếp tục trốn chui trốn nhủi trong rừng tràm U Minh, đêm du
kích ngày chích mông, chứ làm gì có nhà thờ họ hoành tráng lừng lựng
giữa Rạch Giá như bây giờ. Nói chung không nhờ Miền Nam các anh thua thì
làm gì chúng tôi được nếm mùi bã Tư bản để được như ngày nay. Không nhờ
các anh bỏ của chạy lấy người thì của đâu cho Cách Mạng lấy làm giàu
như bây giờ. Không nhờ các anh thua cuộc thì ngày nay chắc chắn Miền Bắc
chúng tôi còn tệ hơn nước anh em XHCN Bắc Triều Tiên của cậu Giun Kim
Ủn bây giờ.
Nói túm lại, kỷ niệm ngày 30 tháng Tư 75 là để mừng cho Miền Bắc chúng
tôi được giải phóng, chứ Miền Nam các anh thì bị một vố phỏng... nhớ đời
này qua đời khác. Nhưng ở đời này, anh còn lạ gì, khốn nạn của người
này là hạnh phúc của người kia. Thôi thì Miền Nam các anh đã hưởng lâu
rồi, nhiều rồi, nhường cho đồng bào Miền Bắc chúng tôi được giải phóng
một ti, cho công bằng.
Cảm ơn anh đã đọc hết thư này của một người cựu thù cùng máu đỏ da vàng,
cùng quê hương “ông bác” mà ngày nay mỗi lần nghe nhắc đến là tôi muốn
độn thổ vì xấu hổ.
Trân trọng chào Anh,
Một cựu bộ đội cụ Hồ trong đoàn “giải phóng quân” 1975.
Sài Gòn, năm thứ 38 ngày Giải phóng Miền Bắc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire