vendredi 31 mai 2013

DÒNG NHẠC TUỔI TRẺ YÊU NƯỚC

DÒNG NHẠC TUỔI TRẺ YÊU NƯỚC

 
  Ngồi trên chuyến bay từ San Francisco trở về lại Paris, mang theo tâm trạng vui buồn, chút bâng khuâng nghĩ về những người bạn, người anh mà tôi đã có dịp được kết thân sau chuyến đi ra mắt dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước tại San Jose miền Bắc Cali, nơi có những trái tim Việt Nam lưu lạc đang thổn thức ngày đêm về một Việt Nam u tối , biết bao sinh linh  sống cảnh lầm than trong những mảnh đời nghiệt ngã trước sức mạnh của kẻ cường quyền, bàn tay bạo lực ấy đang xiết dần mòn hơi thở Mẹ Việt Nam trong nỗi đau thống hận.


  Tôi đến với dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước chẳng bởi một tình cờ, mà do từ nỗi trăn trở về  một đất nước mang đầy những vết tích oan khiên, ở nơi đó con người được đối xử theo nghĩa «thống trị và bị trị», những người tuổi trẻ ấy đã sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhất, họ trưởng thành trong một nền giáo dục mang đầy kịch tính, được che đậy bằng những mỹ từ  cao đẹp huyễn hoặc, và từ những bất công của xã hội, nhất là khi nhìn thấy sự nhu nhược của đảng cộng sản trước cảnh ngư dân bị tàu cộng đàn áp, và họ…. những trái tim xanh không bị nhuốm mùi bùn, đã đứng lên và làm ngọn đuốc tiên phong mở ra một sinh lộ mới cho dân tộc cùng chung bước. Việt Nam Tôi Đâu là bước đi khởi đầu cho một cuộc cách mạng dấn thân bằng những tháng năm tù tội, đánh thức tuổi trẻ ý thức hơn về sự vẹn toàn lãnh thổ. Việt Khang đã nhấn mạnh ở chủ đề Việt Nam Tôi Đâu, và anh đã thổn thức với «Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất» câu hỏi ấy ít nhiều cũng tác động đến những trái tim còn đang mê muội, từ chửi rủa đi đến tìm hiểu đó là bản năng của tuổi trẻ, từ đó…Ngọn Đuốc Việt Khang đã thắp sáng lên tinh thần dân tộc mà chúng ta có thể thấy ở phiên tòa của Phương Uyên và Nguyên Kha vào ngày 16-05-2013 vừa qua. Hồn thiêng sông núi đã hiển linh thôi thúc những đứa con mang trong mình giòng máu Lạc Hồng cùng đứng lên đi làm lịch sử. Từ những cuộc xuống đường dù ít ỏi và bị đàn áp dã man bằng những cú đạp hận thù của người đồng chủng, sự phẫn nộ đã thúc đẩy Anh Là Ai ra đời, một lần nữa Việt Khang đã cho chúng ta thấy sự hèn hạ của đảng cộng sản «Ác với dân, hèn với giặc», cái giá cho sự lên tiếng đó Việt Khang đã phải trả bằng bốn năm tù giam và hai năm quản chế. Dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước chẳng phải bắt đầu từ Việt Nam Tôi Đâu, dòng nhac ấy đã như những con sóng ngầm được kết tụ từ ý thức hệ của những người trẻ, biết phân biệt giữa chính tà. Trước khi Việt Nam Tôi Đâu ra đời thì đã có Người Việt Nam, Hào Khí Rồng Tiên, Oai Hùng Đất Việt, Hãy Thắp Lửa Lên v..v..của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, anh là một nhạc sĩ đã viết lên những tác phẩm nói về tình yêu quê hương, nêu cao tinh thần dân tộc.


  Người Việt Nam…. là một trong những tác phẩm mà nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình đã sáng tác dưới bút hiệu Hoàng Nhật Thông và được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Đan Trường. Nói đến nhạc phẩm này để chúng ta thấy rằng, dù sống trong một môi trường mà nền âm nhạc đã bị tha hóa bởi một nền văn minh «hỗn tạp», nơi đó người  nhạc sĩ đã trở thành những người «thợ sáng tác» theo lối công nghiệp, theo đơn đặt hàng….thì Trần Vũ Anh Bình vẫn ôm ấp trong lòng một tình yêu quê hương nồng nàn…


Yêu sao người Việt Nam đẹp màu da pha mưa nắng
Lấp lánh trong màu mắt cháu con nòi giống máu Tiên Rồng
Thời cha ông sức gai chông, ngàn năm lưu dấu non sông
Đẹp mãi nhé những tâm hồn Việt Nam dấu yêu


Người Việt Nam tiến lên
Cho quê hương ngời sáng
Trời đông thêm rạng ngời
( Người Việt Nam- Hoàng Nhật Thông)


Hay…
Oai hùng đất Việt ngàn năm văn hiến,
Nghìn năm trước Tổ Tiên Cha Ông dựng xây
Nghìn năm trước Tổ Tiên oai phong còn đây
Cho cháu con muôn đời mãi luôn tự hào
Trước nguy biến Sơn Hà máu loang thắm quê nhà
Quyết tranh đấu ta nắm tay cùng bước chân xa
Đây con tim vì Quê Hương Đất Nước
Quyết đấu tranh cho non sông Việt Nam
( Oai Hùng Đất Việt –Hoàng Nhật Thông)


  Mỗi lời ca của Trần Vũ Anh Bình là một lời hiệu triệu của Hội Nghị Diên Hồng, toàn dân có nghe chăng, Sơn Hà đang nguy biến, lòng này cuộn trào dâng, sục sôi chí khí phục hưng…..


Đây Việt Nam Hồn Thiêng từ bao đời
Lời vọng vang nghìn năm từ núi sông
Vùng trời đông này mau bước thành rồng
Lòng hờn căm dâng cao một trời
Máu thắm loang một đời
Vùi xác thân, dân Việt Nam
Lòng này cuộn trào dâng
Sục sôi chí khí phục hưng
Hồn Việt chợt bừng sáng
Cho sức sống luôn kiêu hùng
Rạng ngời vùng trời đông
Dâng sóng quất trôi quân thù
Khiếp nhược ngoại xâm
(Hào Khí Rồng Tiên-Hoàng Nhật Thông)


Và….
Hãy thắp lửa lên…xóa hết giặc thù
Bập bùng..bập bùng lửa cháy
Lửa cháy sáng trong tim
Một lần tuổi trẻ vùng lên, khi nước non kêu gọi
Hãy thắp lửa lên hỡi thanh niên Việt Nam
( Hãy Thắp Lửa Lên- Hoàng Nhật Thông)



  Trần Vũ Anh Bình đã yêu con Người Việt Nam qua hình ảnh ngàn năm dựng nước của Cha Ông, anh biết quý trọng công sức Tiền Nhân đã bao đời gầy dựng…Đẹp mãi nhé những tâm hồn Việt Nam dấu yêu, Người Việt Nam tiến lên, cho Quê Hương ngời sáng, trời Đông thêm rạng ngời.
Từ những tâm hồn Việt Nam trong sáng ấy, hai người nhạc sĩ trẻ có chung một lý tưởng đã tìm đến nhau, họ nhìn nhau bằng ánh mắt thương cảm cho một thế hệ đen tối đang bị nhà cầm quyền đóng đinh trên thập tự giá, chân lý bên kia đồi thương khó là một vũng lầy của sự chết, mà Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã chọn con đường đau thương để dấn thân cho sự mất còn của Dân Tộc,  Dòng Máu Oai Hùng đã không thể ngăn bước chân của những người con mang dòng Lạc Việt, nếu Bạch Đằng Giang đã trở thành bản hùng ca bất diệt trên dòng sông lịch sử, là biểu tượng cho ý chí độc lập chống ngoại xâm thì Dòng Máu Oai Hùng một lần nữa  là lời hiệu triệu những bước chân Việt Nam cùng tiến lên cho nền Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền.


Cất tiếng lên! Dòng máu oai hùng Việt Nam
Khắp bốn phương hân hoan reo vang
Đã đáp lại từng lời gọi mời
Lời Sông Núi uy phong vang vọng trời Đông
Này tuổi trẻ ơi! Quê Hương mình đang rướm máu
Xin hãy góp lại giọt máu tuổi trẻ Việt Nam
Cùng lên tiếng Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền
Cùng lên tiếng để xóa hết nỗi ưu phiền
Tuổi trẻ oai hùng dòng máu thắm
Tuổi trẻ chung lòng vòng tay nắm
Cất tiếng lên đấu tranh cho nước non mình
( Hoàng Nhật Thông- Việt Khang)

  

  Nếu như dòng nhạc của Trần Vũ Anh Bình là những con sóng ngầm, thì Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai chính là những con gió tạo thành cơn bão táp phá vỡ bức tường hèn nhát của một thế hệ bị giam cầm trong ngục tù của “chủ nghĩa tuân thủ”. Từ đó…dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đã tuôn chảy như cơn thác lũ, những khát khao về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền đã vượt lên mọi sợ hãi, Từ Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Phương Uyên và Nguyên Kha  lần lượt cất lên những tiếng nói đánh dấu một giai đoạn lịch sử hùng hồn của thế kỷ 21, “Tôi không chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản, mà chống đảng thì  không phải là tội”. Lời tuyên bố của Nguyên Kha đã đi vào lịch sử, trong 38 năm qua….biết bao tiếng nói từ trí thức đến các nhà đấu tranh dân chủ gạo cội, không đi quá trong khuôn khổ “ Tôi không chống đảng…. tôi chống sự bất công, chống tham nhũng, chống độc tài” nhưng Nguyên Kha đã thể hiện tinh thần bất khuất như tiếng nói dõng dạc của Trần Bình Trọng khi xưa “ Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” Nguyên Kha đã bước ra chiến trường không mang trên mình một manh áo giáp, những con người đang ngất ngưởng trên ngôi cao quyền lực kia nếu còn biết đến hai chữ liêm sĩ cũng phải tháo nón nghiêng mình ngưỡng phục. Viết đến đây… những giọt nước mắt tự hào đang trào dâng trong tôi, niềm kiêu hãnh sau những lần trình bày những tác phẩm của các em, cho dù bất cứ nơi đâu hay bối cảnh nào, dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đều hiện diện khi có mặt tôi, tôi không màng khán giả có thích nghe hay không, có nhiều tiếng vỗ tay hay không, điều đó không còn là vấn đề mặc cả cho một lý tưởng mà tôi đã chọn.
 Để bước theo Ngọn Đuốc Việt Khang, như ngọn sóng sau dồn con sóng trước chẳng ngừng, một dòng nhạc mới nối tiếp cho Việt Nam Tôi Đâu. VIỆT OAN…người nhạc sĩ trong bóng đêm , đã viết lên những bản trường ca mới cho một cuộc  nổi dậy tiêu diệt bọn ác bá tham quan , đánh đuổi bọn giặc nô ra khỏi bờ cõi.  “Bữa Cơm Tù” như một lời chia sẻ với những người anh em đang sống trong cảnh khốn cùng của địa ngục trần gian…


Bữa cơm tù, ngày ngày muối trắng cơm chua thiu
Bốn năm thằng, bạn tù chia sớt ăn chưa no
Tại vì chống đối tham ô
Tại vì chống đối cộng nô
Tại vì chống đối tàu gian
Giờ này đây tay xiềng chân xích
……
Tấm thân gầy, ngày ngày cuốc đất thay con trâu
Sống qua ngày, thằn lằn rắn rết ăn cho xong
Đêm đêm về, tâm sự nhiều nỗi buồn đau
Thương cho người, bạn tù không nói năng vội đi.
(Bữa Cơm Tù- Quốc Nội)


  Sau nỗi đau tận cùng là sự khởi sắc bắt đầu cho một cuộc chiến mang đầy nỗi thống hận, những tâm hồn tuổi trẻ ấy đã biến đau thương thành sức mạnh, một lần nữa lời hiệu triệu kêu gọi “ Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên”  cùng đè bẹp lũ cộng nô, xé tan quân giặc tàu…


Anh em ta là những người yêu nước
Qua nhiều năm dưới ách tham ô bạo quyền
Nhìn đồng bào con cháu kêu gào quặn đau
Bọn cộng nô ngồi chốc mua vui hưởng thú
……
Đứng lên, đứng lên đồng bào ơi
Đứng lên, đứng lên đòi nợ máu
Đòi lại máu người thân
Chết oan vô tội tình
Vì bè lũ cộng nô
Bán nước gây tội ác
Đứng lên, đứng lên tuổi trẻ ơi
Đứng lên, đứng lên đừng sợ hãi
Đè bẹp lũ cộng nô
Xé tan quân giặc tàu
Ngàn năm sau con cháu
Còn nhớ nhắc tên người
( Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên- Việt Oan)


  Từ những Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên, đến Đoàn Kết Chống Giặc Tàu, Đánh Đuổi Cộng Nô. Việt Oan luôn kêu gọi sự đoàn kết, kêu gọi tuổi trẻ hãy làm một cuộc cách mạng bản thân, bước qua nỗi sợ hãi, noi theo bước Cha Ông, làm ngọn đuốc tiên phong, xóa tan đi những bóng đêm của gông cùm, ngục tối. Người nhạc sĩ nhốt mình trong bóng đêm ấy, không phải để bảo vệ cái thân xác phàm mà anh đã nguyện hiến mình cho Tổ Quốc, anh chọn sự khôn ngoan để giữ Ngọn Đuốc Tuổi Trẻ không bị dập tắt bởi sức cô…lực yếu. Chúng ta biết đến Việt Oan qua những lời ca đanh thép, hãy bước tới thêm một bước để nhìn rõ hơn trái tim đang vụn vỡ của anh trước cảnh lầm than của bọn ác bá tham ô đang sống trên xương máu đồng bào…hãy nghe tiếng gào thét của anh qua tác phẩm “Đồng Bào Đồng Chí” ….


Đồng Bào và đồng chí
Hai đường lối sống không như nhau
Đồng bào tay lấm đất bùn
Gầy xanh xao cháo trắng khoai cầm hơi
…..
Đồng chí hỡi sao anh tàn sát đồng bào
Làm tay sai cho tàu
Đem đất nước dâng cho tàu gian
Đồng chí hỡi sao anh độc ác bạo tàn
Người yêu nước xuống đường
Anh đem nhốt, anh giam, anh đọa đày
Đồng bào và đồng chí
Sau này không biết ra sao đây
Giặc tàu tràn lan phố phường
Con cháu mình lưu vong sống đọa đầy.
(ĐồngBào Đồng Chí- Việt Oan)


  Từ Đồng Bào Đồng Chí, đến TO nhỏ nhỏ TO, Đúng…Đồng Chí Nói. Việt Oan đã nói lên tất cả những sự thối nát của nhà cầm quyền, lời ca và tiếng hát anh đã xuyên thủng bộ máy tuyên truyền của đảng, đang sử dụng truyền thông bằng mọi cách che mắt, bịt tai người dân qua những hành động bán nước dâng đất cho tàu cộng. Ngoài ra Việt Oan cũng không quên vinh danh người anh em Việt Khang đang sống trong vòng lao lý, qua những tác phẩm Việt Khang Anh Hùng, Anh Là….như một lời tri ân đến một người con của Tổ Quốc, đã hiến trọn thân mình cho núi sông. Để phá tan huyền thoại “hồ chí minh”, Việt Oan đã cùng với Việt Quyền, một bước chân mới đang bước theo Ngọn Đuốc Việt Khang, những người sinh sau cuộc chiến, giờ đây đã nhìn ra sự phá sản toàn diện từ kinh tế, giáo dục, nền tảng đạo đức cũng như niềm tự hào dân tộc sau 38 năm cai trị toàn Quốc của nhà cầm quyền cộng sản. Nhạc phẩm “ Nếu Em Gặp Bác” là mồ chôn “ Tư Tưởng Đạo Đức Hồ Chí Minh” qua lối châm biếm mà các em ít nhiều cũng bị ảnh hưởng từ một xã hội mà quyền tự do ngôn luận chỉ được nằm trong một khuôn khổ “cho phép”.


Nếu một mai em có về gặp bác
Gặp lão hồ ly, xác chết phơi khô bên đường
Lão có hỏi, đất Việt êm ấm chưa
Theo bước hồ già, đừng sợ em cứ dối trá đi
……..
Nếu lão hỏi đất Việt êm ấm chưa
Tôi sẽ trả lời, đất Việt đẹp lắm người ơi…
Người có biết không quê hương mình đẹp lắm
Từ Bắc vô Nam, là một bức tranh quê hương nghèo
Đảng vẫn ngang tàn, đàn áp cướp bóc hại dân
Nhà nước ban quyền, đầu gấu đánh đập dân oan
Xiềng xích lao tù, đảng chuốc lên đầu nhân dân.
( Nếu Em Gặp Bác- Việt Oan- Việt Quyền)


  Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đang như những nhánh sông thoát dần ra biển cả, những trái tim xanh thấm nhuần tình dân tộc đang quyện lẫn trong vũng xoáy yêu thương, ở nơi đó có bài tình ca đoàn kết cùng chung sức phá tan bức gông xiềng độc tài đảng trị, thêm một bàn tay, thêm một sức mạnh. “Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương” với bút hiệu Vô Danh đã khiến người nghe ray rức, thương cảm cho một mái đầu non chập chững bước vào cuộc đấu tranh mà hành trang mang theo chẳng có gì ngoài một trái tim, dù biết mình “kém cỏi”, Vô Danh vẫn không ngại ngùng viết lên những ca khúc như một bức tranh được vẽ lên bằng ngòi bút trẻ thơ…


Mình cùng giòng máu xin anh đừng giết nhau
Để đấng anh hào cùng nắm tay nhau
Đem bầu nhiệt huyết đánh tan quân tàu
( Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương- Vô Danh)


  Đó là lời kêu gọi của Vô Danh khi nhìn cảnh công an đàn áp  người biểu tình, bắt giam người yêu nước, tôi thương em vì những câu nói ngây ngô không thù hận, nhưng em biết đau nỗi đau dân tộc khi thấy bọn tàu gian đàn áp ngư dân, em biết khóc khi thấy chiếc roi đồng chủng quất mạnh vào thân xác những kẻ thế cô làm tim em rỉ máu. Nếu như em có bảo với tôi rằng “ hồi nhỏ nhà em nghèo lắm, em không được đi học” thì em hỡi…..em vẫn hơn cả trăm cả ngàn những kẻ mang danh trí thức,  những kẻ quyền cao chức trọng gấp vạn lần, bởi những con người ấy cũng như loài thú chỉ biết chăm sóc cho bộ lông của mình.
Tuổi thơ tôi được nuôi lớn bằng tiếng bom đạn, bằng đôi tay ghì báng súng của Cha Anh. Tuổi trẻ tôi là những ngày lang thang tìm miếng sống, được nấu trong một nồi khoai “thống nhất”,  một đống xương “ hòa bình”  ninh nhừ từ công thức “ giải phóng”. Nếu nói đó là sự bất hạnh thì tôi nghĩ chẳng còn gì bất hạnh hơn cho những người tuổi trẻ sinh sau cuộc chiến, vì ít ra tôi cũng được sống qua một giai đoạn tự hào, đáng sống. Nhưng các em tôi…những người trẻ hôm nay, họ là nạn nhân của một cuộc chiến được kết thúc bởi những bộ não hoang tưởng, và “gia tài của Mẹ để lại cho con” sau 38 năm là một nước Việt băng hoại được thay thế từ những chủ thuyết ngoại lai cài cấy vào bộ não son trẻ làm tê liệt đi những mầm xanh tươi của dân tộc. Lịch sử không phải là một cuốn sách cứ đốt đi là hết, ngụy quyền cộng sản có đốt đi trăm ngàn trang sử, cũng không đốt được tinh thần dân tộc đã được nung nấu từ  những chiến công hiển hách của Cha Ông đã bao đời gầy dựng. Bạch Đằng Giang còn đó, hồn Hát Giang vẫn sống trong lòng mỗi người con dân Việt, dòng lịch sử oai hùng ấy vẫn chảy, vẫn sống mãi với những bản hùng ca mà thế hệ bao đời đã truyền lại cho con cháu. Và “ Danh Anh Hùng “ đã được viết ra từ những bản hùng ca ấy, đó chẳng phải là niềm đáng tự hào sao…tiếp tục đốt đi, tiếp tục xé đi hỡi những bàn tay đòi che cả ánh mặt trời.


Danh Anh Hùng còn đây
Bia Anh Hùng còn đó
Đền thờ ta vẫn thấy
Xin người hãy cùng noi gương
Gương yêu nước đáng ghi đáng nhớ
Tuổi trẻ ơi, hãy cùng tôi
Đem người bán nước ra xử tội hình.
(Danh Anh Hùng- Vô Danh)


38 năm kể từ ngày gẫy súng….38 năm chờ đợi, biết bao người mang theo mối hận Nước vào trong mộ phần, niềm hy vọng tưởng chừng đã chết ấy, như một thân cây bỗng hồi sinh từ những cơn mưa sau những ngày nắng hạn, lịch sử đã không tàn nhẫn với những người con đã hy sinh thân mình để bảo vệ miền Nam trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm. Danh dự của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được phục hồi sau bao nhiêu năm bị chà đạp và sỉ nhục bằng những đòn thù hèn hạ nhất. Ngày hôm nay, những người tuổi trẻ không nợ nần gì với cuộc chiến ấy, đã phá tan bức tường bưng bít để thấy rõ hơn giá trị của người lính Việt Nam Cộng Hòa, cái nhìn thiện cảm ngày một nhiều hơn, và từ thiện cảm đi đến niềm tự hào, đất nước này đâu thiếu những người con sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc. Sự kiện Hoàng Sa lần đầu tiên đã được nhắc đến nhiều nhất kể từ đầu năm 2013, những buổi thắp nến tưởng niệm do nhóm thanh niên Hà Nội tổ chức một cách trang nghiêm với những lời tri ân tinh thần dũng cảm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc phẩm “Biển Của Quê Hương”  được sáng tác cũng vào thời điểm tưởng niệm những anh hùng Vị Quốc Vong Thân, kèm theo lời  nhắn của tác giả “ Để tưởng niệm và vinh danh những anh hùng đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 19-01-1974”. Khi nhận được bản nhạc từ nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước tôi đã xúc động đến rơi nước mắt, mỗi lời nhạc là một ánh sáng mở ra cánh cửa tù ngục đã giam hãm danh dự người lính Việt Nam Cộng Hòa trong suốt 38 năm dài, cuối cùng chính nghĩa đã trở về đúng với bản chất của nó.


Lầm lũi những con tàu ra khơi mờ trong sóng cuộn
Hoàng Sa dưới gót tàu xâm lăng chờ trông réo gọi
Đời anh có xá gì hiểm nguy nợ sông núi thề
Tử sinh giữ thân Mẹ bình yên vẹn nguyên mới về
…..
Trùng khơi xa quân Nam xông pha
Diệt tàu xâm lăng, đạn thù bủa vây
Các anh gục ngã, biển của quê hương
Cuồng nộ đau thương
Ôm xác những đứa con anh hùng.
(Biển Của Quê Hương- Trần Bảo Như)


  Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, mỗi giai đoạn là một cung bậc tùy theo duyên số của mỗi người gặp phải, tôi sinh ra và lớn lên giữa cuộc binh biến, tiếng bom đạn dường như đã trở nên quen thuộc với những người con dân miền Nam, chiến tranh đã tạo ra những người anh hùng để tôi ngưỡng mộ bằng mắt thấy….tai nghe, hay những cái chết hiên ngang trong ngục tối để lại những bi lụy cho người thân yêu phải ôm nỗi đau đi hết đoạn đường trần. Những mảnh đời côi cút ấy không biết giờ đây sau 38 năm có tìm được một chút bình an, hay vẫn lang thang ở một nơi nào đó vất vưởng qua ngày, nỗi bất hạnh này là do đâu….ai đã gây ra cảnh “ Cha chết Mẹ buồn đau, Mẹ theo Cha bỏ mặc em cho đời”. Xót Xa Phận Mồ Côi là một tác phẩm được phổ từ bài thơ Tự Do của tác giả Tâm Thu mà tôi đã vô tình đọc được trên net. Ngày nay….những mảnh đời bất hạnh ấy vẫn lê la khắp mọi nẻo đường, hay trên những bãi rác về đêm, ngoài cặp mắt vô hồn….. thân thể ấy đã chết rồi trong vũng tối tương lai.


Đêm vắng đìu hiu trên vỉa hè đường phố
Thằng bé co ro ngơ ngẩn nhìn thế nhân
Manh áo rách đời tả tơi
Thịt da cằn khô vàng khói
Chân nấm vết nứt sần chai
……
Nhiều đêm khuya em khóc
Thương nhớ Cha thương Mẹ em khóc ngâu
Cha chết trong ngục sâu
Xác phơi giữa rừng không nhang khói
Đòn rơi trên thân xác
Cha cắn răng không hàng quân sói lang
Trăm vết thương hằn đau
Rồi Cha đi bỏ mình em trên đời
Cha chết Mẹ buồn đau
Mẹ theo Cha bỏ mặc em cho đời.
( Xót Xa Phận Mồ Côi- TTYN)


  Để yểm trợ cho Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước, cá nhân tôi không làm được gì ngoài dùng tiếng hát mà tôi may mắn có được để đưa những suy tư của các em đến đồng bào Hải ngoại cũng như Quốc nội, tôi cũng như các em….Chỉ là những viên gạch lót đường, đem lời ca tiếng hát để kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia xây dựng ngôi nhà Việt Nam, với hy vọng sẽ làm cho những giọt mồ hôi nhễ nhại nếu như có chảy xuống thì cũng để đánh đổi một nụ cười cho hậu thế. Các em đang là những chiến sĩ nơi tiền tuyến, chúng ta là những người hậu phương, hãy sống lại tình Quân Dân như cá nước, cho Việt Nam da vàng máu đỏ, nét môi cười một trời Tự Do. Quê Hương Ngày Về là một tác phẩm mà tất cả con dân Việt đều mong muốn để kết thúc một giai đoạn lịch sử tàn khốc nhất, đen tối nhất mà cộng sản Việt Nam đã đem về từ một chủ thuyết ngoại lai đầy đọa con Dân Việt trong suốt thập niên qua. “Hát Cho Tuổi Trẻ Uyên Phương- Nguyên Kha” mà nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh đã viết cho các em trước khi phiên tòa ngày 16-05 xảy ra, tinh thần Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phương Uyên, Nguyên Kha sẽ mãi mãi bất diệt, hãy thắp sáng lên tinh thần của TUỔI TRẺ bằng yêu thương, bằng những giọt máu chảy về tim thắm tươi tình Dân Tộc. VIỆT NAM MUÔN NĂM.


Tiền kiếp quay về
Từ Đống Đa Bạch Đằng xuôi dòng sông Hát
Uy Linh Tiền Nhân phảng phất khắp Sơn hà
Em đứng hiên ngang, giữa cộng thù bán nước
Nanh vuốt hung tàn, cắn xé nát quê Cha
Máu em đã đổ, dòng Lạc Hồng xót xa
Gậy gộc giáng xuống, Tự Do sẽ nở hoa
Tuổi trẻ ơi, tuổi trẻ ơi
Ơi Phương Uyên, ơi Nguyên Kha
Đứng lên đứng lên đồng bào ơi đứng lên
Quyết ta quyết không thể làm ngơ mất nước non
Cộng nô phải hết, toàn vẹn Giang sơn
Giữ gìn bờ cõi, Việt Nam Muôn Năm.
(Hát Cho Tuổi Trẻ- Phương Uyên Nguyen Kha- Huỳnh Công Ánh)
Cảm ơn em Việt Thơ ( Một thành viên trong nhóm TTYN) đã  thực hiện Video clip rất xúc động.


   “Tuổi trẻ yêu nước không phải là một tổ chức chính trị. Tuổi trẻ yêu nước là nơi quy tụ những thành phần sinh viên, ca nhạc sĩ dùng biểu ngữ tờ rơi và lời ca tiếng hát để nói lên suy nghĩ của mình về quyền con người và sự bất công trong xã hội. Mọi thành viên trong nhóm Tuổi trẻ yêu nước đều không phân biệt chức vụ như các tổ chức chính trị hải ngoại và chúng tôi không bị chi phối bởi bất cứ tổ chức nào tại hải ngoại”. Đó là lời phát biểu của em Nguyễn Thiện Thành mà tôi nghe được trên đài RFA qua cuộc phỏng vấn cùng với tác giả Mặc Lâm. Với tôi….Tuổi trẻ yêu nước chỉ đơn thuần là những người nghệ sĩ, họ không có “khả năng” hay một chút tham vọng về chính trị, điều đáng trân quý là họ biết dùng âm nhạc để phục vụ cho Tổ Quốc, đó chẳng phải là điều chúng ta mong mỏi sao? Tôi luôn đặt những suy tư rằng…Trong ba mươi mấy năm qua mới có được một nhóm thanh niên có khả năng và có tấm lòng cất lên tiếng hát mà họ coi đó như là một vũ khí duy nhất nằm trong khả năng mình có được, dù chưa hoàn chỉnh vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sự đào tạo chuyên môn, nhưng điều đó chưa hẳn cần thiết cho một tâm hồn trong sáng, bước ra chiến trường áo giáp duy nhất mà họ có được là TINH THẦN DÂN TỘC. Nếu như những người còn lại trong nhóm đều chịu chung số phận như Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phương Uyên, Nguyên Kha…liệu rồi đây có còn ai trong Quốc nội tiếp tục cất lên tiếng hát nói lên sự bất công của xã hội, hay còn ai kêu gọi những lời hiệu triệu để thanh niên cùng đứng lên làm một cuộc cách mạng, phá vỡ gông xiềng đang giam nhốt 90 triệu người con dân Việt trong ngục tù tăm tối, lời khuyến khích ủng hộ tinh thần là điều cần thiết nhất mà Tuổi trẻ yêu nước đang cần từ những đồng bào hải ngoại, không ai có thể tách riêng họ, vì sự thật Tuổi Trẻ Yêu Nước chỉ có một gia đình duy nhất, đó là TỔ QUỐC VIỆT NAM. Họ là những đứa con thân yêu của Tổ Quốc và sẽ là chủ nhân của Đất Nước trong tương lai, rồi đây chính họ…những người Tuổi trẻ yêu nước nói riêng, tất cả thanh niên Việt Nam nói chung, chính họ sẽ là những người đi viết lại một trang sử mới, một trang sử hào hùng không chất chứa hận thù, vì hận thù chính là sự ngăn cách ngấm ngầm để đi đến những cuộc nội chiến vô bổ mà Cha Ông đã vấp phải, hãy để cho trang sử mới được viết lên bằng yêu thương, và trong đó chỉ có Hồn Người Việt Máu Đỏ Da Vàng. VIỆT NAM MUÔN NĂM.


Paris Tháng 5- 2013
Hạt sương khuya

mercredi 29 mai 2013

TỪ HÀ NỘI ĐẾN SÀI GÒN 1954 - 1975.......

TỪ HÀ NỘI ĐẾN SÀI GÒN 1954 - 1975
Lữ Tuấn


2201630150_aa91b2383f_o

Tháng 6 năm 1954 đúng 50 năm về trước, là lúc mọi người trong vùng kiểm soát của chính phủ Quốc Gia ở Bắc Việt cực kỳ lo lắng và hoang mang sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiều tin đồn trái ngược càng làm cho mọi người thêm sợ hãi. Khoảng 20 tháng 6, tại Nam Định và các tỉnh phụ cận, có tin đồn được lan truyền nhanh chóng nói rằng quân đội Pháp và quân đội Quốc Gia sẽ rút khỏi Nam Định và các tỉnh phía Nam Hà Nội. Từ hôm ấy, hàng loạt doanh trại được tháo gỡ vội vàng, xe vận tải quân sự chở vật liệu nặng bắt đầu theo nhau từ Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình đổ về Nam Định cùng các xe cộ từ Nam Định nối nhau đi Hà Nội. Kho đạn Nam Định cho phá hàng loạt đạn súng cối và đạn pháo binh ở vùng đất hoang phía tây thành phố.
Bộ Tư Lệnh Pháp và chính quyền Bảo Đại không hề lên tiếng về tình hình tại Bắc Việt. Bộ Chỉ Huy Pháp tại Nam Định vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị cuộc diễn binh hùng hậu vào ngày quốc khánh Pháp, 14 tháng 7 năm 1954 mà họ đã loan báo trước. Vào lúc này, đã có tin đồn ông Ngô Đình Diệm sẽ về nước làm thủ tướng. Những truyền đơn đầu tiên ký tên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ủng hộ ông Diệm xuất hiện lác đác ở Nam Định.
Ba ngày cuối cùng phi cơ quân sự lên xuống liên tiếp. Khi đã chuyên chở gần hết vật dụng và người, trạm hàng không quân sự Nam Định bắt đầu cho mọi người tự do lên phi cơ C-47 còn trống nhiều chỗ để đi Hà Nội.
Nam Định bắt đầu hoảng hốt thực sự từ ngày 28 tháng 6 khi điện bị cắt. Thành phố tối mù. Nhiều người chen chúc mua vé xe hoặc thuê xe di tản về Hà Nội. Nam Định là nơi số doanh trại và binh lính dầy đặc nhất Việt Nam. Trước đó từ 9 giờ khuya là giờ giới nghiêm, thành phố vắng vẻ không một bóng người trên phố xá. Nay đột nhiên tất cả chìm trong không gian đen thui, nhưng lại cựa mình mạnh hơn trong bóng tối. Trên đường phố người ta đi lại đông đúc khác thường quá cả giờ giới nghiêm.
vn54_01
Đường phố Hà Nội, hình chụp vào tháng 7 năm 1954.
(HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm)
Gia đình tôi lúc ấy đang ở một căn cư xá công chức nơi mẹ tôi làm việc. Lúc 7 giờ sáng, một anh lính tống thư viên người Pháp vào sở đưa một giấy báo di chuyển, ghi đúng số người thuộc quyền sở này và gia đình nhân viên kể cả 4 gia đình ở cư xá. Tất cả mau lẹ tập trung đợi xe. Sau đó chừng 15 phút, một tiểu đội Bảo Chính Đoàn dẫn 4 xe vận tải trưng dụng của tư nhân đến nơi và cho biết đúng 8 giờ kém 15 mọi người phải có mặt đầy đủ trên xe.
Việc di tản có vẻ đã được chuẩn bị nhiều tuần lễ trước đó. Số người ngồi trên xe thoải mái rộng rãi vì không ai mang theo đồ đạc gì nhiều ngoài một vài chiếc valise và túi xách tay gọn nhẹ.
Lệnh di chuyển cho biết đoàn xe này phải qua trạm kiểm soát phía bắc hướng đi Phủ Lý-Hà Nội vào khoảng giờ nhất định mà tôi nhớ là sau 8 giờ và trước 8 giờ 10 phút. Lệnh này cũng cảnh cáo nếu xe nào đến sớm quá hay muộn quá theo giờ ấn định sẽ bị ủi ra khỏi mặt đường để tránh nhiễu loạn giao thông.
Hồi đó tôi còn là học trò. Vội vàng xếp quần áo, hình ảnh, giấy tờ cần thiết, cuống cuồng không biết phải mang theo gì và phải bỏ lại món nào. Lúc còn chừng 25 phút, tôi xin phép mẹ tôi chạy ra phố nói là để chào mấy thằng bạn. Cô ruột tôi , người nuôi nấng tôi từ nhỏ không chịu vì sợ tôi chậm trễ e sẽ kẹt lại. Nhưng mẹ tôi hiểu ý, mỉm cười can thiệp nói, “Chị cứ cho nó đi, nó không dám về muộn đâu.”
Mẹ tôi thừa biết tôi đi đâu. Tôi đạp xe với tốc độ không thua các tay đua vòng quanh Đông Dương, xẹt qua trước nhà cô bạn mà tôi thương vụng nhớ thầm từ năm 17 tuổi và chưa hề mở lời yêu đương.
Nàng đang ngồi chải tóc ở cửa sổ trên lầu. Không rõ nàng có nhìn thấy tôi hay không, nhưng tôi vội vàng đánh bạo thu hết can đảm hôn gió trên bàn tay phải ném về phía cửa sổ rồi lao xe như gió về nhà, trước giờ xe chạy khoảng 10 phút. Ở miền Bắc hồi ấy trai gái còn nhút nhát, phải can đảm lắm mới dám làm như thế vì tôi linh cảm chuyến đi này sẽ lâu lắm., có thể là cả đời. Sau này trong đời lính chưa bao giờ tôi phải vận dụng can đảm cao độ như vậy dù gặp nhiều tình thế rất khó khăn nguy hiểm.
Quân cảnh Pháp thi hành đúng giờ giấc như quy định. Tại trạm kiểm soát Cổng Hậu, từng đoàn xe gồm năm mười chiếc có lính hộ tống được cho khởi hành. Một vài xe đến muộn phải đậu một bên đường chờ giải quyết sau. Trên đường đi, tại mỗi cây cầu đều có một toán Công Binh đặt sẵn chất nổ. Một trung sĩ Công Binh Việt Nam cho biết họ phải phá nổ các cầu này khi đơn vị cuối cùng đi qua.
Buổi trưa đoàn xe chúng tôi đi đến Hà Nội. Gia đình tôi về ở nhà người thân. Đêm hôm ấy thị xã Phủ Lý bị một sư đoàn Việt Minh tấn công. Thành phố đã hư hại sẵn nay lại chịu tàn phá gần hết những gì còn lại.
Cuộc rút lui này tuy tiêu biểu cho việc Pháp thua trận nhưng lại là cuộc rút lui thành công. Dựa vào tài liệu của Pháp và thực tế quan sát thấy tại chỗ, cho thấy Đại Tá Vanuxem chỉ huy trưởng Phân Khu Nam đã điều động cuộc rút lui mau lẹ, có trật tự với tổn thất nhẹ không đáng kể. Đoàn quân rút lui vượt qua nút Phủ Lý trước khi bị địch đánh chận.
Kế hoạch tỉ mỉ do bộ tham mưu Pháp bí mật soạn thảo, trong đó chỉ có các sĩ quan từ đại úy mới được cho tham dự. Mọi việc đánh máy, chuyển nhận công điện, văn thư tài liệu đều do các cấp sĩ quan từ đại úy trở lên đích thân thi hành. Bí mật được giữ đến phút chót. Chỉ có một điều đáng tiếc là nhiều đội dân quân tự vệ ở nhiều làng mạc các tỉnh vùng này kể cả quanh những trung tâm chiến lược như Phát Diệm, Bùi Chu bị Pháp bỏ rơi. Nhiều dân quân chạy không kịp bị Việt Minh bắt và giết hại.
Hà Nội vốn yên tĩnh, lúc đó đang sống thanh bình không nghe tiếng súng. Những vũ trường, hàng quán sang trọng và độc đáo với những thắng cảnh nổi tiếng đầy bóng dáng người đẹp thướt tha. Cuộc di tản 4 tỉnh phía Nam làm cho đường phố Hà Nội đông người thêm nhưng vẫn không mất vẻ mỹ lệ của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.
Lúc ấy hội nghị Geneve bắt đầu họp. Ai cũng thấy phe Cộng Sản đang nắm ưu thế. Những người có quan tâm đều lo ngại không biết sẽ đình chiến kiểu nào. Có thể là hai bên ngưng bắn xen kẽ mà sau này năm 1972-73 người ta gọi là “giải pháp da beo.” Cũng có thể là chia đôi đất nước thành hai miền Nam và Bắc. Người ta cũng bàn tán gay go về ranh giới đình chiến sẽ nằm ở vĩ tuyến nào? Vĩ tuyến 13, 16 hay 19?
Đầu tháng 7, ông Diệm ra Hà Nội. Một số đông đảo dân chúng chào đón ông, và nhiều người hy vọng vị nhân sĩ này sẽ cứu vãn tình hình. Sau đó ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Diệm chính thức nhậm chức thủ tướng. Ông thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt. Các đoàn thể, đảng phái chống Cộng đều ủng hộ đường lối này. Nhiều sĩ quan, binh sĩ cũng sẵn sàng tham gia việc phòng thủ lãnh thổ phe quốc gia đang nắm giữ. Một số đông đảo đặt niềm hy vọng lớn lao vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ thay thế người Pháp.
Nhóm chúng tôi là đảng viên Đại Việt và Quốc Dân Đảng đều hăng hái tham gia tuyên truyền vận động ủng hộ chủ trương giữ Bắc Việt. Đêm đêm, chúng tôi đi ném truyền đơn ở khu Hồ Tây, Cổ Ngư, Ngọc Sơn và nhiều nơi khác kể cả những nơi có lính Pháp lui tới. Hà Nội bắt đầu có không khí căng thẳng và phảng phất mùi chiến tranh.
Đường phố Hà Nội về khuya lần đầu tiên có những bóng dáng cảnh sát võ trang súng trận Mas-36 và quân phục tác chiến đi tuần tiễu. Nhưng các cơ sở dân sự cơ yếu và doanh trại quan trọng của Quân Đội Quốc Gia đều thấy có lính Maroc hoặc da đen canh gác, rõ ràng là Pháp đang phòng ngừa chính biến chống lại họ.
Ngày 14 tháng 7, quân đội Pháp tổ chức diễn binh ờ Bờ Hồ phía Tòa Thị Chính. Thông cáo và bích chương của Pháp vẽ hình nắm đấm được thấy khắp nơi. Pháp giải thích rằng rút 4 tỉnh phía Nam là bàn tay trước kia xòe ra nay nắm lại để đánh mạnh hơn. Tất nhiên ít ai tin vào luận điệu này.
Đám học sinh chúng tôi từ Nam Định chạy về nhiều đứa tình nguyện vào Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị và lục tục lên đường khoảng trước ngày 15 tháng 7 năm 1954. Phần còn lại thường tìm gặp nhau trao đổi tin tức và bàn luận về tình hình đất nước.
Chiều 21 tháng 7 năm 1954 khi bọn tôi đang tụ họp thì có tin trên đài Con Nhạn (Hirondelle) của quân đội Pháp vang lên lời loan báo “Hiệp Định Đình Chiến đã được ký kết.” Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn. Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến. Báo này cho hay đất nước phân chia ở sông Bến Hải, Vĩ Tuyến 17.
Tân Thủ Tướng Pháp Mendès-France nhậm chức ngày 17/6/54, đã tuyên bố rằng ông ta sẽ từ chức nếu không đạt được thỏa hiệp trước ngày 20 tháng 7 năm 1954. Vì thế hiệp định Geneve về Đông Dương được ký lúc sáng sớm ngày 21 nhưng nhà cầm quyền Pháp đã cho đồng hồ ngưng chạy từ đêm trước để làm như lúc ấy vẫn còn là ngày 20. Tại Việt Nam thời điểm này là trưa ngày 21.
Hà Nội liền thay đổi rõ rệt. Niềm hy vọng giữ Bắc Việt lịm tắt dần và dân chúng nóng lòng về tin tức sẽ có cuộc di cư. Một số bài trên báo chí đang từ thái độ chống cộng quay dần sang ủng hộ Việt Minh. Người các tỉnh đổ về Hà Nội đông đảo. Cán bộ Việt Minh cấp thấp ra vào Hà Nội dễ dàng. Đồ chơi trẻ em bày bán trước dịp Trung Thu có những chiếc máy bay, xe thiết giáp, xe chở lính, tàu thủy được sơn cờ đỏ sao vàng. Các cơ quan an ninh chẳng ai thèm để ý.
Một số cán bộ Việt Minh quen biết gia đình tôi đến thăm và khuyên gia đình tôi nên ở lại nhưng mẹ tôi và tôi đã dứt khoát ra đi. Sau đó 4 tháng, chúng tôi gặp lại vài người trong số cán bộ này ở Sài Gòn. Chính họ cũng đã mau chóng nhận rõ thực chất của Cộng Sản và kịp thời ra đi trước khi cảng Hải Phòng đóng cửa tháng 3 năm 1955.
Những gia đình chuẩn bị di cư đem đồ đạc bày bán dọc bờ hồ Thiền Quang làm thành một thứ chợ trời. Một buổi sáng sớm khi những người đầu tiên đang lục tục khuân đồ đạc đến chợ thì thấy có một lá cờ đỏ sao vàng treo trên tàng cây cao chừng ba bốn mét. Một thanh niên nổi nóng trèo lên giật lá cờ ném xuống đất.
Một trung tá người Pháp đi bộ ngang qua hung hăng can thiệp, lớn tiếng đại ý nói đó là quốc kỳ của một nhà nước, không được xúc phạm. Ông ta không ngờ những người bán chợ trời đều không ưa lá cờ máu ấy. Thế là xô xát xẩy ra, kết quả viên trung tá bị trọng thương vì gạch đá gậy gộc cho đến lúc xe quân cảnh Pháp cấp cứu.
Tin tức về di cư được loan báo chính thức vào đầu tháng 8. Nhiều nhà giầu đã đi vào Nam bằng phương tiện riêng. Đại đa số còn lại đợi ghi danh di cư bằng phi cơ và tàu biển. Trong nhóm chúng tôi từ Nam Định lên, phần đi Khóa 5 Thủ Đức, số còn lại một phần tham gia đoàn cán bộ xã hội được gửi vào Nam để phụ trách các trại tiếp cư do Bộ Xã Hội thiết lập. Tôi ở trong số này. Buổi chiều ngày 11 tháng 8 năm 1954 bốn đứa bọn tôi đi bộ thăm tất cả các di tích và thắng cảnh quanh Hà Nội lần cuối.
vn54_02
Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 với một số người Bắc di cư trên tàu USS Bayfield khi tàu vừa cặp bến Saigon. Sau Hiệp Định Geneve, tàu USS Bayfield là một trong những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam. (HÌNH ẢNH: Trung Tâm Quân Sử Hải Quân Hoa Kỳ).
Sáng sớm 12 tháng 8 khi qua cửa kiểm soát phi trường Gia Lâm, một trung úy Nhảy Dù người Pháp hỏi chuyện chúng tôi vì thấy 25 đứa trong đoàn cán bộ xã hội toàn là thanh niên còn trẻ. Sau khi nghe chúng tôi nói rõ lập trường và mục đích ra đi, ông ta nắm tay chúng tôi giọng xúc động nói rằng, “Nước Pháp đã liên tiếp sai lầm để các bạn chịu hậu quả đau đớn hôm nay.” Nói xong không ai ngờ viên trung úy trẻ dưới 30 này bật khóc, nước mắt chảy dài trên má.
Chúng tôi cũng cảm động tuy nhiên vẫn còn cầm được nước mắt. Nhưng khi phi cơ lượn một vòng lấy cao độ, tất cả đều ngó xuống. Giữa tấm thảm mây mưa xám xịt che kín bên dưới phi cơ có một khoảng trống vuông vắn hiện ra Hồ Gươm và 36 phố phường. Cảnh tượng tuy tầm thường nhưng lại gây xúc động mạnh, khiến đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Đây là lần chúng tôi vĩnh biệt Hà Nội. Vĩnh biệt miền Bắc.
Sau những giờ bay dài phi cơ đến Tân Sơn Nhất, cảnh những con rạch đỏ ngầu giữa hai hàng dừa xanh làm chúng tôi tươi vui hơn. Được đưa về nhận việc tại trại Bệnh Viện Bình Dân dưới quyền Bộ Xã Hội, ngày hôm sau chúng tôi được phân phối đi các trại tiếp cư khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Đợt đầu tiên đồng bào di cư bằng cầu vận chuyển của chính phủ và các nước trợ giúp đã vào Sài Gòn từ đầu tháng 8 năm 1954.
Nhờ vào dịp hè, các trường học vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được trưng dụng để đón nhận người di cư đến bằng phi cơ quân và dân sự, các quân vận hạm Mỹ như Marine Serpent và Marine Addler, các mẫu hạm Anh và Pháp. Trại tiếp cư lớn nhất vùng Sài Gòn là trại Phú Thọ Lều (sát trường đua Phú Thọ, gồm hàng trăm lều vải lớn mỗi lều chứa bốn năm gia đình do quân đội Mỹ dựng. Gọi là Phú Thọ Lều để phân biệt với trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ ở gần kế đó. Trại Phú Thọ Lều chứa trên 10 ngàn người.
Trợ cấp tiền mặt một ngày cho mỗi người lớn 12 đồng, trẻ em 6 đồng, dư để ăn ba bữa tươm tất. Lúc ấy một bát phở hay một tô hủ tiếu giá 3 đồng, một bữa cơm ở quán ăn xã hội hai món canh và mặn giá 5 đồng. Chai bia 3 đồng kể cả nước đá, một gói thuốc lá Ruby 8 đồng. Lương giáo viên tiểu học khoảng hơn 4,000 đồng, lương trung sĩ 2,200 đồng, lương cán bộ ngang lương thấp là 1,500 đồng. Một căn nhà gỗ lợp tôn 4×20 mét ở mặt đường khoảng chợ Hòa Hưng giá chừng 30,000 đồng.
Đời sống trong các trại tiếp cư rất đa dạng. Sống chật chội chung đụng và ồn ào, làm nảy sinh nhiều vui buồn, đụng chạm, kết bạn, rã bạn, tạo ra những mối tình ái lăng nhăng xấu tốt đủ cỡ đủ kiểu. Những cảnh âu yếm giao tình nặng nhẹ bên bờ bụi gần trại trong đêm khuya vắng vẻ của trai gái, vợ chồng đủ lứa tuổi, là những nét sinh hoạt rất sống động có đủ vui, buồn, yêu, giận, phát khóc và nực cười.
Từ tháng 8 năm 1954, mỗi ngày có trung bình hàng ngàn người từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn bằng đường hàng không và nhiều ngàn người mỗi tuần bằng tàu chiến. Công việc định cư được tiến hành song song và khẩn thiết. Phủ Tổng Ủy Di Cư lúc ấy đã thay thế bộ Xã Hội trong nhiệm vụ chuyên biệt này.
Thời gian tạm cư kéo dài đến cuối năm 1954 và các trường học được trả lại cho học sinh. Trại Phú Thọ Lều giải tán. Người di cư theo nhau đi định cư khắp nơi, ở nhà tư hoặc ở các trại định cư khắp các tỉnh. Tính đến chuyến tàu sau cùng tháng 3 năm 1955 có khoảng 950,000 người từ bắc Vĩ Tuyến 17 di cư vào Nam.
Nếu tính theo giấy tờ, con số này có thể lên tới hơn 1 triệu vì có sự gian lận sổ sách của một số viên chức cán bộ lợi dụng thủ tục khai và lãnh tiền trợ cấp dễ dàng. Và không phải 90% người di cư là tín đồ Công Giáo như nhiều người nhận định. Số đồng bào Công Giáo di cư có lẽ chỉ chiếm khoảng 70% tổng số.
Một điểm đáng ghi nhận là đáng lẽ số người di cư còn cao hơn nữa nhưng vì vụ tướng Nguyễn Văn Hinh chống ông Diệm và những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng Bình Xuyên đầu năm 1955 ở Sài Gòn nên nhiều người Bắc không dám vào Nam. Tin tức về vụ này làm một số rất nhiều người đã định ra đi nhưng vì e ngại loạn lạc mà đổi ý.
Nói chung, sự xuất hiện của ông Ngô Đình Diệm và thái độ can dự của người Mỹ đã gây được tin tưởng trong một số đông đảo người miền Bắc khiến họ yên tâm vào Nam. Đại đa số thành phần trí thức, chuyên viên cao cấp như kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên trung cấp, thợ giỏi, đã rời bỏ đất Bắc khiến chính quyền ông Hồ Chí Minh gặp khó khăn lớn trong mục tiêu xây dựng một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật mà họ cho là xương sống của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa.
Cuộc di cư năm 1954 tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lịch sử Việt Nam. Xin ghi lại một vài sự kiện nổi bật xảy ra và những nét đặc biệt của cuộc di cư sau Hiệp Định Geneve 1954 điển hình tại vùng thủ đô Sài Gòn.
Trước hết phải nhìn nhận cuộc di cư đã giúp hàn gắn những chia cách đáng buồn giữa hai miền trong nước. Tình trạng chia rẽ do hậu quả của những năm dài dưới chế độ thuộc địa Pháp đã tiêu tan mau chóng. Những dị biệt về phong tục, ngôn ngữ vì ngăn cách, lâu ngày được san bằng gần hết. Những ngăn cách và hiểu lầm còn lại không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Về mặt chính trị và xã hội, sau nhiều biến chuyển và chiến tranh, cuộc di cư vĩ đại năm 1954 đã góp phần thay đổi bộ mặt bề ngoài cũng như nếp sống của dân chúng đến chỗ tốt đẹp, phong phú hơn.
Trước tháng 10 năm 1954, chính quyền địa phương còn gần y nguyên như thời Pháp Thuộc. Văn thư, giấy tờ, tên công sở, phố xá còn dùng tiếng Pháp. Từ khi chính phủ Ngô Đình Diệm nắm toàn quyền sau những âm mưu đảo chánh bất thành, luật lệ được thi hành nghiêm chỉnh. Nhiều cải cách hành chánh đã làm giảm hẳn nạn giấy tờ nhiêu khê. Văn thư, giấy tờ đều bắt đầu dùng tiếng Việt. Xin Tư Pháp Lý Lịch bây giờ chỉ mất một tuần thay vì đợi 3 tháng. Xin chứng nhận bản sao đợi lấy ngay hay sau vài giờ thay vì một tuần lễ. Các cuộc cải tổ mạnh mẽ được tiến hành có kết quả tốt nhờ phần nào ở sự ủng hộ tích cực của đồng bào di cư đối với chính phủ.
Cuộc đổi tiền Đông Dương thành tiền Việt Nam năm 1955 trong 3 ngày không giới hạn số lượng là một đòn bất ngờ vô hiệu hóa hàng tỷ bạc Đông Dương mà chính quyền Hồ Chí Minh thu gom được ở miền Bắc vì họ không kịp chuyển vào Nam để đổi lấy tiền miền Nam mới. Đợt đổi tiền này cũng chấm dứt luôn thói quen tiêu dùng coi nửa tờ giấy bạc 1 đồng như 5 cắc (hào). Khi cần xài hay trả lại 5 cắc, chỉ cần xé đôi tờ giấy bạc một đồng. Đành rằng tập tục này không áp dụng cho những giấy bạc mệnh giá trên một đồng.
Lúc ấy ảnh hưởng tuyên truyền của Cộng Sản rất mạnh ở nam phần ngay tại Sài Gòn. Nhiều người mở đài Hà Nội công khai mà không ai bắt bớ. Nhiều người miền Nam ít hiểu biết về thực tế Cộng Sản đã thật thà hỏi mấy đồng bào di cư mới gặp gỡ rằng “Ngoài Bắc đã độc lập rồi, mấy thầy cô dô đây làm chi?” Do đó đã xẩy ra một số đụng chạm nhỏ trong tháng đầu. Dần dần đồng bào miền Nam mới nhìn đồng bào di cư một cách có thiện cảm hơn.
Trong bối cảnh ấy, lực lượng học sinh di cư đã dẫn đầu cuộc biểu tình vào dịp 20 tháng 7 năm 1955 đòi tống xuất các đoàn đại biểu của quân đội Cộng Sản từ Hà Nội trú đóng tại hai khách sạn Majestic và Galliéni (đường Trần Hưng Đạo). Khi bị khiêu khích, cuộc biểu tình biến thành bạo động, gây thiệt hại nặng cho hai khách sạn nhưng không có thương vong quan trọng. Những hành vi cương quyết của quần chúng khiến bọn thân Cộng Sản không còn nhởn nhơ tuyên truyền bán công khai như trước.
Người di cư tiếp xúc, trao đổi với dân chúng địa phương mau chóng tạo ra những hiểu biết và thông cảm. Về kinh tế thương mại, người Bắc vào Nam đã mở mang thương trường, ra các cửa hàng nhất là hàng ăn. Năm 1954 hầu hết cửa tiệm ăn do người Hoa kinh doanh, và họ dành độc quyền ngành lúa gạo cũng như các sạp thịt ở mọi chợ. Đời sống dễ dàng ở miền Nam khiến người Việt ít muốn cạnh tranh, ngay như ngành công chức cũng không hấp dẫn nhiều người. Bà con lao động xích lô kiếm đủ tiền tiêu trong ngày nhiều khi đẩy xe lên lề dưới bóng cây làm một giấc, khách gọi mấy cũng từ chối. Cách biệt giầu nghèo ở Nam Việt lúc ấy rất ít.
Các tầng lớp dân di cư cần cù chịu đựng tham gia thị trường lao động đã làm cho đời sống kinh tế miền Nam lên cao nhưng lại buộc mọi người phải làm ăn chăm chỉ hơn. Một số người địa phương không hài lòng vì nếp sống thong thả lè phè cũ đã mất đi không còn trở lại.
vn54_03
Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).
Trang phục phụ nữ hai miền khác nhau, nổi rõ nhất là giới nữ sinh trung học tuổi đôi tám. Nữ sinh Hà Nội làm dáng sớm hơn, quần hẹp, áo dài nở vòng số một. Nữ sinh Sài Gòn vận quần trắng rộng, áo bà ba trắng nhiều hơn áo dài được may vòng số 1 tương đối phẳng phiu có lẽ vì đó là cách tỏ ra là con nhà nghiêm túc. Sau hơn một năm các cô hai miền tự nhiên hòa hợp cách ăn mặc, bọn thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi không còn phân biệt được gốc gác các cô qua y phục nữa. Điều quan trọng và dễ thương hơn hết là những câu chuyện tình Bắc duyên Nam đã nhiều khi hóa giải rất nhiều cho những mâu thuẫn văn hóa chính trị.
Các trường phía Bắc di chuyển vào Sài Gòn giữ gần y nguyên ban giám hiệu và tổ chức riêng. Từ Hà Nội vào, Chu Văn An tiếp tục tại cơ sở cạnh Petrus Ký. Trưng Vương học chung cơ sở nhưng khác giờ với Gia Long… sau hai ba năm mới ra học ở các cơ sở riêng trước Thảo Cầm Viên. Mấy năm sau nữa thì học sinh gốc hai miền dần dần pha trộn.
Chuyện đáng nhớ là năm 1955 học sinh Bắc vào Nam và các bạn gốc miền Nam mở chiến dịch phá bỏ tên đường tiếng Pháp. Nhờ đó mà việc đặt tên đường mới, vốn là việc mất nhiều công sức, đã được Tòa Đô Chánh Sài Gòn thực hiện trong vòng khoảng một tháng.
Về mặt văn hóa và báo chí, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ Bắc vào Nam đã hòa hợp với đồng nghiệp miền Nam tạo ra sinh khí mới, lối viết và văn phong, sắc thái trong sáng, có sức truyền đạt hơn. Sau một thời gian ngắn người đọc chỉ có thể nhận thấy một số khác biệt ít ỏi giữa bài vở sách báo do các tác giả gốc từ các miền khác nhau viết ra.
Đặc biệt là về tân nhạc, lớp nhạc sĩ và ca sĩ cũng như những người yêu nhạc từ miền Bắc vào Nam đã lôi cuốn được phong trào âm nhạc mới phát triển mạnh để tiến đến tới cao điểm nghệ thuật ca nhạc trong các thập niên sau. Và ngược lại số người Bắc di cư hâm mộ ca nhạc kịch cải lương cũng gia tăng nhiều.
Về mặt ăn chơi, sự thay đổi rõ rệt hơn. Sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới, khu mại dâm Bình Khang bị đóng cửa đầu năm 1955. Giữa năm 1954 cả Sài Gòn hình như chỉ có 2 hay 3 tiệm phở Bắc. Chỉ sau vài tháng số tiệm phở tăng đến hàng chục. Các quán cà phê cũng lục tục ra đời cùng với các ngành buôn bán khác. Các xuất gọi là phụ diễn tân nhạc trước khi chiếu phim chính ra đời dần dần tiến đến những buổi trình diễn âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “nhạc hội” giúp vào việc phổ biến âm nhạc sâu rộng hơn. Trước đó hoạt động âm nhạc chỉ được biết qua các chương trình ca nhạc và các cuộc thi hát, tuyển lựa ca sĩ của các đài phát thanh quốc gia, đài quân đội và đài Pháp Á cùng hai đài Huế và Hà Nội.
Ngôn ngữ hai miền sau cuộc di cư cũng thay đổi và pha trộn về từ ngữ tuy vẫn giữ những nét độc đáo của từng vùng mà không lai giọng. Điểm đáng lưu ý là sau nhiều năm gia đình gốc gác miền Bắc di cư có con cái đứa thì nói giọng địa phương (Nam hay Trung), đứa thì nói giọng Bắc, đứa thì nói cả hai ba giọng tùy theo môi trưởng xóm giềng và trường học. Nhưng không mấy ai nói lẫn lộn cùng một lúc các giọng khác nhau.
2200839095_edda0f9272_o1
Về mặt đời sống xã hội, người di cư dần dần và chậm chạp chịu ảnh hưởng bởi lối sống phóng khoáng, chân thật, thẳng thắn của dân miền Nam. Sau một thế hệ, tính nết người Bắc di cư khác hẳn tính nết của đồng hương của họ còn ở lại quê nhà. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975 người ta càng thấy điều này rõ rệt hơn khi gặp đợt Bắc Kỳ mới vào Nam.
Trong đời sống tinh thần, có hai sự kiện đáng nhớ trong thời gian ấy. Một là trước ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội thì chùa Một Cột, di tích quý báu nhất của Việt Nam bị kẻ vô danh phá bằng chất nổ. Rất may chùa chỉ hư hại một góc. Nghe tin ấy chúng tôi đều hết sức buồn phiền. Hai là giữa lúc nhịp độ di cư đang lên cao thì Hoàng Dương, em nhạc sĩ Hoàng Trọng cho ra đời ca khúc Hướng Về Hà Nội với lời ca tha thiết “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi… mái trường phượng vĩ dâng hoa, dáng chiều ủ bóng tiên nga… biết đâu ngày ấy anh về.” Ca khúc này khiến lứa tuổi 18, 19 chúng tôi cảm thấy rõ điều mà các văn thi nhạc sĩ gọi là “tan nát cõi lòng.”
2388937673_b0c203cf80_o2
Dĩ nhiên trong ngót một triệu người Bắc di cư có đủ mọi thành phần tốt xấu kể cả đầu trộm đuôi cướp, quan lại tham nhũng, trọc phú bất lương, tay sai thực dân và nội tuyến Cộng Sản. Nhưng so với số các phần tử tinh hoa của xã hội, số người yêu nước, chuyên viên giỏi các loại, các nhân sĩ, trí thức, chiến sĩ quốc gia chân chính, thì những phần tử xấu xa nói trên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé.
Một số người cho rằng người miền Bắc di cư đã là chứng nhân lịch sử khiến đồng bào miền Nam hiểu rõ bản chất của chế độ Cộng Sản. Điều đó có thể đúng một phần nhỏ. Phần quan trọng hơn là chính vì thực tế những đường lối mà Cộng Sản thi hành tại miền Nam tại nông thôn từ khoảng năm 1961 trở đi. Từ đó họ đã thấy rằng chế độ Cộng Sản đi ngược lại quyền lợi và sự an hòa của nhân dân ta nhất là giai cấp nghèo khổ ở nông thôn.
2614259143_d7783c57d6_o
Tôi và các bạn cùng lứa tuổi di cư vào ở miền Nam gần 40 năm tính đến năm 1990 qua di trú sang Hoa Kỳ. Tuy sinh ra trên đất Bắc nhưng chỉ ở Bắc dưới 20 năm trong đó mới biết chuyện đời được dăm ba năm. Vì thế chúng tôi có hai miền quê quán. Quê quán thứ nhất ở miền Bắc còn ở trong tim nhiều hơn. Quê quán thứ hai ở miền Nam sau ngày di cư năm 1954 mới thực sự chứa đựng nhiều vui buồn, yêu thương, giận dỗi, vinh quang và tủi nhục vì trải qua quãng đường đời dài 40 năm với biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Lữ Tuấn


HỒI KÝ SÀI GÒN NGÀY DÀI NHẤT  CỦA DUYÊN ANH
 
1      2      3      4      KỲ CUỐI

HỒI KÝ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH


(Xin Qúy VBấm vào từng số bên dưới để đọc)

1      2      3      4           6      7      8      Kỳ Cuối




HỒI KÝ TRẦN ĐỘ

(Xin Qúy VBấm vào từng số bên dưới để đọc)

1      2      3     4      5


HỒI KÝ ĐỒNG BẰNG GAI GÓC CỦA XUÂN VŨ

(Xin Qúy VBấm vào từng số bên dưới để đọc)

1      2      3      4


HỒI KÝ ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN CỦA XUÂN VŨ


1      2      3


HỒI KÝ MẠNG NGƯỜI LÁ RỤNG CỦA XUÂN VŨ

 
1      2      3      4      5 


HỒI KÝ ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN CỦA XUÂN VŨ

 
1      2      3      4      5

HỒI KÝ XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN CỦA XUÂN VŨ:

1      2       3       4      5      6      Kỳ Cuối

NHẠC SỸ TÔ HẢI - HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN


1           3     4          Kỳ Cuối

HỒI KÝ CỦA LINH MỤC CAO VĂN LUẬN:
BÊN GIÒNG LICH SỬ
 
1.    2.   3.    4.    5.    6.    7.    8.    9.    10.    11.    12.    13.    14.    15.
 
HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HANH:

(Xin Click vào từng số bên dưới để đọc)

 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
 
HỒI KÝ CỦA TRẦN QUANG CƠ
 
1. KỲ 1   2.  KỲ 2    3. KỲ 3   4.  KỲ CUỐI
 
 HỒI KÝ TÔI ĐI TÌM TỰ DO CỦA NGUYỄN HỮU CHÍ:
 


 HỒI KÝ VÕ LONG TRIỀU: MỐC LỊCH SỬ
(Xin bấm Vào từng Link bên dưới để đọc)
 
.
 

  HỒI KÝ TÔI PHẢI SỐNG - LINH MỤC NGUYỄN HỮU LỄ

 
HỒI KÝ ĐÊM GIỮA BAN NGÀY - VŨ THƯ HIÊN

Để thấy rõ thêm về bộ mặt thật của Hồ Chí Minh và Tập Đoàn Cộng Sản Việt Nam cũng như để hiểu rõ hơn về sự bịp bợm, mị dân qua cái gọi là GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 của Bên Thắng Cuộc, kính mời quý vị đọc lại ĐÊM GIỮA BAN NGÀY của VŨ THƯ HIÊN:
 
 
BÊN THẮNG CUỘC
  Phần I:

1.  CHƯƠNG I    2. CHƯƠNG 2 A    3. CHƯƠNG 2 B    4.  CHƯƠNG 3
5. CHƯƠNG 4    6. CHƯƠNG 5    7. CHƯƠNG 6    8. CHƯƠNG 7
9. CHƯƠNG 8     CHƯƠNG 9     CHƯƠNG 10    CHƯƠNG 11

Phần II

1. CHƯƠNG 12    2. CHƯƠNG 13    3. CHƯƠNG 14    4. CHƯƠNG 15
5. CHƯƠNG 16    6. CHƯƠNG 17    7. CHƯƠNG 18    8. CHƯƠNG 19
9. CHƯƠNG 20     CHƯƠNG 21    CHƯƠNG 22    CHƯƠNG -  KẾT