samedi 7 septembre 2013

Du Ca Nguyễn Đức Quang


128751-NguyenDucQuang-200.jpg   Du Ca Nguyễn Đức Quang
QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ
NHẬT THỊNH
Đông tây kim cổ, mỗi con người khi dấn thân nhập cuộc một bộ môn văn học nghệ thuật nào, đều cố để đời một tác phẩm, có khi vỏn vẹn một bài thơ, một bản nhạc mà qua bao không gian, thời gian, tên tuổi còn được nhắc nhở tới, tưởng chừng một thần tượng lưu danh thiên cổ. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, suốt một đời phục vụ nhạc du ca, bước chân không từ bỏ một vùng nào, không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, số lượng sáng tác chiếm một bề dày đáng kể, trong số đó nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" vượt lên hàng đầu, người ta thấy rrền rền trong mọi sinh hoạt.


Người đôi mươi ngân vang nhạc phẩm"Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang dù chưa một lần biết mặt, một con người luôn có nụ cười ngạo nghễ trên môi. Vào cuối năm 2007, nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang được tuổi trẻ cất cao tiếng hát trong dịp xuống đường phản đối quân Trung quốc bành trướng, bá quyền chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mãi về sau, người ta mới biết đó là nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang được sáng tác giữa thập niên 1960. Thật bất ngờ cảm động khi thấy trên mạng những mẩu tin nóng bỏng viết vội trên đường phố, những mẩu phim chụp nhanh cuộc biểu tình, những tấm hình ghi lại cảnh xô xát giữa dân chúng, thanh niên, sinh viên và công an chìm nổi, được nghe lại nhạc phẩm quen thuộc "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang. Nhạc phẩm này người ta cảm nhận được qua lần gặp gỡ một niềm vui khi tuổi trẻ say sưa hát ở California, Washington DC, Paris, Olso, Hà Nội, Sài Gòn trong các lần biểu tình chống quân Trung quốc:
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gianTrong số hàng hàng lớp lớp thanh thiếu niên hát vang trong nước hôm nay, có thể đa số họ chưa một lần nghe đến tên Nguyễn Đức Quang, và nếu có nghe, có đọc qua bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam, thì đây chỉ là một "nhạc sĩ ngụy đã theo chân đế quốc". Nhưng điều quan trọng, không phải biết hay không biết, nghe hay không nghe, mà nhạc phẩm này đã đáp ứng được ước vọng về ngày mai và tình yêu nước của tuổi trẻ. Văn hóa không giới hạn trong đời sống của một dân tộc, nó biểu hiện những gì được lưu giữ lại sau những tàn phá và lãng quên. Nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang sau biến cố 30.4.1975, được Đảng cộng sản Việt Nam xếp vào danh sách các tác phẩm "văn hóa đồi trụy", còn tìm mọi cách để xóa bỏ, tận diệt. Nhưng nhạc phẩm đã sống sót, hiên ngang ra đi và trở về.

Chưa dễ mấy ai quên, vào mùa hè năm 1973, nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang đã được coi như nhạc sinh hoạt chính của trại hè sinh viên toàn quốc, tập trung sinh viên các trường đại học, kể cả các sinh viên du học về nước nghỉ hè, do Bộ Giáo Dục và Thanh Niên tổ chức lần đầu và lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Những ngày tháng đó cuộc chiến còn khốc liệt. Người Mỹ đã rút quân về nước nên máu có chảy trên ruộng đồng thì chỉ còn máu Việt Nam. Ấn tượng "mùa hè đỏ lửa" còn in hằn sự kinh hoàng trong tâm tưởng mọi người, trận chiến trải rộng khắp nơi, khét lẹt mùi thuốc súng. Tuổi trẻ mơ ước kết thúc chiến tranh. Cuối trại hè, họ quây thành vòng tròn quanh cột cờ của trường Thiếu Sinh Quân cất cao tiếng hát cho vơi đi những khắc khoải. Nhạc phẩm"Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang khiến họ không ngưng tuôn chảy những dòng lệ:
"Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng giờ qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cườiđùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng" Họ khóc thương cho mọi người dân, cớ chi chiến tranh diễn ra trên mảnh đất này mà không là nơi khác. Chỉ mấy tháng sau, tháng 1.1974, nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang được ca vang trên những đường phố ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Trung Quốc đổ bộ Hoàng Sa, cùng lúc những bản tin từ Đà Nẵng đánh đi các nơi vội vã, thông báo danh sách những người đã hy sinh trên đài phát thanh khiến nhiều người tiếc thương. Cho đến nay vẫn chưa ai quên những người đã chết dưới tầm đạn của hải quân Trung quốc xâm phạm quần đảo Hoàng Sa tháng 1.1974, và quần đảo Trường Sa tháng 3.1988.  Tính đến nay đã 36 năm mà cộng sản Việt Nam vẫn bất lực, không tháo được cái vòng kim cô Trung quốc trên đầu, nhường cho thiên triều cả một lãnh hải chạy dài trên ba ngàn cây số, khiến ngư dân Việt Nam chỉ dám đánh cá ven bờ, dân chúng bị áp bức, đè đầu cưỡi cổ. Tuổi trẻ trong nước đã chán ngán đến buồn nôn những nhạc phẩm "Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng", "Dậy Mà Đi", "Nối Vòng Tay Lớn"...được nhắc nhở đến trong những ngày đầu phong trào, nay họ tìm thấy lại nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang diễn tả lòng yêu nước trong sáng, tích cực...
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời
        

Nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang sinh ra cùng những thăng trầm của đất nước, những thao thức của tuổi trẻ lên đường, những tâm trạng của người lính trẻ trong cuộc chiến tự vệ đầy gian khổ của miền Nam...đã diễn tả hết những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ trước sự tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người, nổi bật lên như một biểu tượng lòng khát vọng của một dân tộc đã vượt qua biết bao gian nan, khốn khó cho sự sống còn, cùng những dân tộc khác trên mặt đất này.
"Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích  loang xoang"Trước năm 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến các trường đại học lớn tại Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng Đạo, Du Ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh Niên Thiên Chúa Giáo, Gia Đình Phật Tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang, Đồng Đế...đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều không ai không thuộc nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang. Sau Tháng Tư Đen năm 1975 nhạc phẩm này đã theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức miền Nam đi vào các trại tù mọc rải rác khắp nơi từ Nam ra Bắc, các nơi đèo heo hút gió. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang được hát lên, kín đáo hay công khai, ở nhiều trại tù khắp mọi miền đất nước. Trong đói khát tận cùng, khổ nhục, đớn đau, nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang vô tình biến đổi thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam thất thế. Nhữnng năm sau đó, nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang lại được ca lên vang dội giữa Thái Bình Dương giông bão, hát vang ở các trại tỵ nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom...trong nỗi khắc khoải nhớ nhà, hát vang rền ở những trại Sungai Besi, White Head...trong các ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Olso, Sydney trong những cuộc xuống đường cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở những trại hè, trại họp bạn Hướng đạo, những Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại hải ngoại. (Nhật Thịnh, Về Nguyễn Đức Quang, Đất Đứng số 452, Thứ Sáu 8.4.2011)  

Trong những lễ tưởng niệm Nguyễn Đức Quang, các thân quyến, bằng hữu và cả những người ái mộ Nguyễn Đức Quang thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những người đã sát cánh từ gần nửa thế kỷ qua, không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhớ đến Nguyễn Đức Quang, một con người dáng cao nghều, giọng ca dũng mãnh, không cần micro, chỉ với tiếng Tây Ban cầm ấm đặt chân đến khắp nơi, từ những vùng khói lửa đến các xóm nghèo trong các đô thị, từ các sân khấu ngoài trời trong khuôn viên những trường đại học, trung học đến tận các thôn xóm xác xơ, mượn tiếng hát, lời ca để nói lên những tâm tình của một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên cùng chiến tranh nhưng trong tâm tưởng vẫn mong ước hòa bình.

Lời nhạc của nhạc phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang tương đối khó nhớ, nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như "tiếng cười ngạo nghễ", "xích kêu loảng xoảng", "trên bàn chông hát cười đùa vang vang" hay "da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi"làm nhạc phẩm trở thành độc đáo, khác những nhạc phẩm yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc trùng lập nhau.

Trong một đất nước dân tộc bị phân ly, trải qua một cuộc nội chiến kéo dài, nguyện vọng sau cùng của Nguyễn Đức Quang là hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, như lời ca của nhạc phẩm "Trên Đồi Arlington", một trong các sáng tác cuối cùng của Nguyễn Đức Quang:
"Làm sao tin thế được?
Làm sao gọi là vinh quang?
Cuộc chiến vùi sâu dân tộc,
Khơi dậy những hờn căm
Thắng ngoáy dài mũi kiếm
Thua xuống cuối biển đông
Sao gọi anh hùng được
Hồn lệ sử thấu chăng?
Đã bảo vết thương không nhắc nữa
Vì ai khoe sẹo khiến bâng kuâng
Ừ nhỉ xưa kia thành quách đổ
Thắng bại anh hùng có xứng chăng?"Nguyễn Đức Quang không dừng lại trước cái nhìn bi quan, cái tâm trạng yếm thế. Bước chân ra khỏi cuộc nội chiến khốc liệt, tàn bạo, Nguyễn Đức Quang còn chan chứa hy vọng ở tương lai, mong ước sự hàn gắn vết thương vô cùng to lớn, vô cùng hằn sâu mà chiến tranh đã để lại trong mỗi con người, đơn lẻ hay toàn thể. Nhìn những nấm mồ chiến sĩ vô danh trong nghĩa trang Arlington, tượng trưng những người lính Hoa Kỳ của hai phía trong cuộc nội chiến Nam-Bắc nay tính ra đã 150 năm. Khoảng 600,000 người Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến giữa các tiểu bang miền nam và miền bắc, nguyên nhân còn trong vòng tranh cãi. Nguyễn Đức Quang luôn nuôi hy vọng đến một thời điểm nào đó, những người lính Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh dù ở miền Nam hay miền Bắc có thể nằm cạnh nhau. Đó chính là lúc khép lại dĩ vãng, khép lại một giai đoạn lịch sử để mở đường cho một ngày mới như lời kêu gọi của những tử sĩ nhắn gửi qua lời ca. Người ta thấy ý tưởng này có tính chất nhân bản, không nhuốm màu sắc chính trị, như thế để tránh suy nghĩ nọ kia. Người cộng sản sống phi nhân bản như loài lang sói, không nghĩ đến con người khi nằm xuống, các thiếu niên mặt còn non choẹt đã bị tiêm cho mũi thuốc"sinh Bắc tử Nam", đẩy ra chiến trường khét lẹt lửa đạn, dép râu dẵm nát rặng Trường Sơn, cheo leo hiểm trở. Thú rừng đã ăn hết xương thịt họ còn đâu mà chôn cất, hơn nữa không bao giờ cộng sản nghĩ đến chuyện đi tìm hài cốt, con người được coi như một phương tiện phục vụ cho chiến tranh, như thế sống chết không phải vấn đề quan trọng để quan tâm, xong chuyện là phủi tay. Chỉ những chiến binh Mỹ tham chiến tại miền Nam trước năm 1975 mới được quan tâm, đã ba mươi sáu năm trôi qua mà đến nay họ vẫn không ngưng việc đi tìm xác:
Này bạn, cùng chiên đấu,
cùng gục ngã viên đạn ngược đường bay
Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không lời hờn oán đắng cay
Bắc Nam cùng mạch sống!
Thắng thua đều anh hùng!
Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng
chung dòng "Tổ Quốc Ghi Công"  Mỗi người khi sinh ra như đã được dành sẵn cho mình một số mệnh riêng, và số mệnh cao cả của Nguyễn Đức Quang đã gắn liền với lich sử, nói lên sự can đảm, kiên cường của người dân Việt, đau thương mà không mềm yếu, bất khuất mà không thù hận, oai hùng mà không kiêu căng. Nguyễn Đức Quang đã thay thế tuổi trẻ nói lên những lời thương yêu, bằng trái tim cương quyết, nhìn những hệ lụy ràng buộc thường ngày trong cuộc sống không bằng cái nhìn bi quan mà luôn hướng về tương lai tươi sáng đầy mộng mơ:
Trời sáng tươi đã lên rồi,
trời sáng luôn trong lòng tôi.
Cặp mắt khô sau đêm dài.
Tìm quanh đây một ngày vui.
Bà lão vun đất bên hè
Từng nhát gieo sao nhọc ghê.
Trời nắng run như cây già.
Thảnh thơi, ôi chuyện còn xa.Trái tim Nguyễn Đức Quang quá bao la, đem dâng hiến cho nhân loại nhiều hơn những gì bản thân có, bằng cả một tấm lòng, một niềm tin, và cả cuộc đời mình. Người ta nghêu ngao hát những bản tình ca của Nguyễn Đức Quang:
"Này người yêu, người yêu anh ơi,
bên kia sông là ánh mặt trời.
Này người yêu, người yêu anh hỡi,
bên kia đồi cỏ hoa đan lối
Bên kia núi, núi cao chập chùng.
Bên kia suối, suối reo lạnh lùng.
Là bài thơ, toàn chữ hư vô
Này người yêu anh ơi!
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Hoa thơm có ánh mặt trời.
Ối núi mừng vì mây đến rồi.
Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới.
Bước nhẹ và nói bên môi
Nói cho vừa...mình anh nghe thôi"Người ta hát các nhạc phẩm vui, hiền hòa, êm ấm  của Nguyễn Đức Quang, tâm hồn chan chứa những khát vọng:
Chỉ tại anh nên hôm nay về trễ
Cứ phim hay, tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo và tô màu giỏi thế
Hỏi ai còn nỡ khất hẹn ngày mai?Vậy mà giờ đây hễ gặp ai, ai nấy đều ngậm ngùi nói Nguyễn Đức Quang đã ra đi vĩnh viễn, không còn đâu nữa. Không, Nguyễn Đức Quang không đi đâu, còn ở đây với nhiều người. Nguyễn Đức Quang không chết đâu, Nguyễn Đức Quang còn hát trong tâm tưởng mỗi con người những nhạc phẩm tràn đầy sức sống. Tưởng chừng những ngày nào chỗ ngồi là sân trường đại học Sài Gòn, Huế, hay sân cờ một trường trung học tỉnh lỵ, cũng có thể chỉ là bãi cỏ khô cằn của một sân vận động, hay ngồi sát bên nhau trên nắp giao thông hào nhìn Nguyễn Đức Quang cầm cây guitare cũ kỹ, cất cao giọng hát những nhạc phẩm, được rút từng khúc ruột, để sáng tác cho quê hương, và thân phận đầy nghiệt ngã của con người. Nguyễn Đức Quang muốn nhắn nhủ dù sao đi chăng nữa, không thể thiếu một lòng chung thủy đối với đất nước:
Ta như nước dâng
Dâng tràn có bao giờ tàn,
đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vangNăm 1964, Nguyễn Đức Quang biểu diễn bản "Tôi chót sinh làm thân nhược tiểu..."  Có người phê bình:"Tại sao lại viết "chót sinh ra"? Phải hãnh diễn là được làm người Việt Nam chứ?" Nhưng Nguyễn Đức Quang không sáng tác theo lập trường, quan điểm hay chủ trương giai đoạn. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Nguyễn Đức Quang ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một đất nước đã bị các nước lớn sâu xé cắt đôi để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận dân chúng đang chém giết nhau, quê hương bị chiến tranh tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không thở than, trách móc. Bởi cuối cùng, mỗi người sinh ra trên mảnh đất này đều hãnh diễn đã "chọn nơi này làm quê hương". Một lựa chọn có ý thức, cất tiếng hát vang "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ". Bây giờ thanh niên khắp nơi vỗ tay ca: "Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang."

Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố miền Nam thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng "thân nhược tiểu" này. Một dân tộc mới giành được độc lập từ tay ngoại xâm đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản, và được hai khối đó cung cấp khí giới để đâm chém nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường. Có hai phản ứng đã trái ngược trong khung cảnh ấy. Người ta thở than, tuyệt vọng hay tìm lãng quên. Nguyễn Đức Quang, con người tích cực đã tìm thấy một lối sống lạc quan, yêu đời. Có thể từ nhỏ Nguyễn Đức Quang đã thuộc lòng Điều luật 8 : "Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi!"Nhưng không phải chỉ có thế. Con người Nguyễn Đức Quang tràn đầy sức sống, một con người không có một chỗ nào để dành cho những tình cảm tiêu cực ẩn náu.

Nguyễn Đức Quang sống trong cảnh "xương sống ta đã oằn xuống", tất không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mộng mơ siêu hình. Trái lại, bản chất Nguyễn Đức Quang rất mạnh, tâm hồn ngập tràn nam tính, không còn lẩn quất những trạng thái u sầu, ủy mị. Ngay khi mở đầu sáng tác về một điệu hát buồn, khi nhớ đến những "đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi" Nguyễn Đức Quang vẫn tỏ rõ tin tường "Trời sáng tươi trong lòng tôi!""Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui."  Thật may mắn Nguyễn Đức Quang có sẵn bản chất tích cực, lạc quan như vậy, lại gặp được một môi trường thích hợp để phát triển dòng nhạc của mình.

Khi Nguyễn Đức Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam bắt đầu chuyển mình. Năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, rủ nhau đi làm công tác để giúp những đồng bào ở nông thôn chạy ra thành phố và những nạn nhân của chiến tranh. Khẩu hiệu "giúp ích" của Hướng Đạo không phải một hiện tượng mới. Trong những năm 1950, mỗi khi Sài Gòn xảy ra trận hỏa hoạn người ta thấy các đoàn huớng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các lính cứu hỏa, giúp đỡ các nạn nhân. Sau các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng nhà cửa cho các nạn nhân, vật liệu và dụng cụ do Bộ Xã Hội cung cấp. Hình thức những công tác xã hội tự nguyện đó được phát động giữa nhà nước và xã hội gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.

Kể từ năm 1964, bột phát phong trào thanh niên, người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt trong giới trẻ nhằm giúp ích, bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo, sau tới các hội tự nguyện của học sinh, sinh viên, giáo chức. Thanh niên nhiều  hội gặp gỡ nhau thảo luận chương trình hoạt động, chẳng hạn "Liên hội Công tác Nông thôn". Cuối năm 1964, bão năm Thìn đánh vào miền Trung, các hội đoàn tổ chức chương trình cứu lụt, đưa học sinh, sinh viên, thanh niên ra các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Nam. Chính quyền lúc bấy giờ là Kỹ sư Canh nông Phan Khắc Sửu, Bộ Xã Hội do Bác sĩ Phan Quang Đán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bày dự án, và tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào. Các thanh niên tự nguyện tìm mọi cơ hội để phục vụ dân chúng, không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay hướng dẫn. Những sinh hoạt thanh niên cần những điệu ca tập thể mới, đương nhiên Nguyễn Đức Quang trở thành tiếng hát của phong trào rộng lớn này:"Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng! ...Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm!...Ta đắp bồi cho mẹ cha."

Đến "Chương Trình Hè 65", tổ chức quy mô trên 40 tỉnh thành miền Nam, tập trung hàng chục hội đoàn, đa số huynh trưởng gồm những giáo sư, huy động hàng chục ngàn học sinh đi làm công tác xã hội. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được trả thù lao và cũng không ai bị ép buộc, câu thúc. Dù họ hoàn toàn đứng ngoài lề chính quyền, không bị một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào nào chi phối, họ vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi. Người ta chưa bao giờ thấy một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động  quy mô rộng lớn như thế, tự động giải tán khi kết thúc chương trình. Năm 1966, Bộ Giáo Dục tiếp tục nuôi dưỡng phong trào với "Chương trình Phát triển Sinh hoạt Thanh niên Học đường" (CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí, phương pháp tổ chức công việc, mục tiêu chính yếu của tổ chức là phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội, mà bất cứ một nước tự do, dân chủ nào đều cần phát triển.  Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Đức Quang đã có cảm hứng sáng tác những nhạc phẩm tập thể mà ngày nay còn được phổ biến. Khi Nguyễn Đức Quang hát "những nhát cuốc..." thì thật sự Nguyễn Đức Quang đã cuốc đất thật sự, hay sống giữa đám người đông đảo đang cuốc đất. Hay trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác "Công Trường Cam Lộ"  kéo dài suốt mấy tháng ở Quảng Trị, Nguyễn Đức Quang đã hát:"Đường về công trường đường vào quê hương". Trong khung cảnh tự do phục vụ đó người thanh niên yêu đời, tự yêu mình và yêu quần chúng, ngẩng cao đầu ca bản "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ". Khi thế hệ sau cất cao tiếng hát những nhạc phẩm này của Nguyễn Đức Quang, thì trước đó vào năm 1965, chúng cũng đã được thế hệ đi trước hát vang dội, khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện, tự do, vô vị lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang biểu tượng tiếng nói của thế hệ thanh niên đó.

Không chỉ bây giờ mà trong các ngày tới, người ta vẫn nói với nhau về Nguyễn Đức Quang. Những người cùng lứa tuổi Nguyễn Đức Quang thì kể lại những kỷ niệm với "Trưởng Xưởng Du Ca Việt Nam", các người trẻ hơn sẽ nói về chuyện đã nghe Nguyễn Đức Quang hát, hay đã hát chung với Nguyễn Đức Quang, hay gặp Nguyễn Đức Quang ở những trại hè mang tên "Đường Việt Nam" được dựng lên ở nhiều tiểu bang trong các ngày đầu xa xứ. Cũng có người yên lặng không nói một tiếng, lặng yên để nhớ lại những ngày đầu tiên được hát các nhạc phẩm đậm đà tình yêu của Nguyễn Đức Quang, trong số đó có những đôi tình nhân đã sống nhờ những nhạc phẩm này của Nguyễn Đức Quang sáng tác, ngày nay họ còn kề vai nhau.

Không chỉ bây giờ mà với những ngày tới, người ta còn nói nhiều về Nguyễn Đức Quang. Những người cùng trang lứa tuổi với Nguyễn Đức Quang thì kể lại những kỷ niệm cũ, người trẻ hơn kể chuyện được nghe Nguyễn Đức Quang hát, hay đã cùng Nguyễn Đức Quang hợp ca, hay đã gặp Nguyễn Đức Quang ở những trại hè "Đường Việt Nam" dựng lên ở nhiều tiểu bang trong những ngày đầu xa xứ.

Ngày 1.4.2011, ký giả Nguyễn Văn Khanh kể chuyện một ngày cuối năm 1982, đã gặp Nguyễn Đức Quang trong chuyến bay từ bang California sang bang Virginia thăm bạn bè. Nguyễn Văn Khanh ra phi trường đón, thấy Nguyễn Đức Quang có dáng hình một thanh niên còn khá trẻ, dáng cao, người thật gầy, một tay xách va-li, một tay cầm cây đàn đứng chờ ở trạm hành lý. Tuy là lần đầu gặp nhau, nhưng không phải lần đầu được biết Nguyễn Đức Quang. Năm 1968, Nguyễn Văn Khanh đã thấy Nguyễn Đức Quang, dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ và Nguyễn Thiện Cơ đến trường Trung học Pétrus Ký để trình bày và hát nhạc phẩm du ca. Hôm đó tất cả đám học sinh đã gân cổ cùng Nguyễn Đức Quang gào thét các bản "Đường Việt Nam", "Dưới Ánh Mặt Trời", "Về Với Mẹ Cha"... và còn hát thầm khi nghe Nguyễn Đức Quang kể chuyện "Người Yêu Tôi Bệnh" hay thấy Nguyễn Đức Quang nhắm mắt ca tụng tình yêu "Như Mây Trên Cao". Tối đó ở nhà Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Văn Khanh và một số sinh viên đã vây quanh để nghe Nguyễn Đức Quang kể chuyện lần đầu tiên đưa gia đình  vượt biển, miền Nam ngã quỵ, năm năm sau ra khỏi nhà tù, vượt biên cùng một vợ hai con, cư ngụ tại Pulau Bidong một thời gian trước khi tới một góc nhỏ của xứ ngưới, nói xen kẽ những chuyện hồi thập niên 1960 cùng bạn bè xây dựng Phong Trào Du Ca Việt Nam. Cuối cùng Nguyễn Đức Quang trình bầy những nhạc phẩm mà hầu hết mọi người đều thuộc hay nói cho đúng là những nhạc phẩm đã nuôi họ lớn lên.

Cuộc gặp gỡ ở Virginia kéo dài quá nửa khuya mới chấm dứt. Mọi người chia tay nhau ra về, lưu luyến, riêng Nguyễn Văn Khanh đã ở lại vì ngày hôm sau còn phải đưa Nguyễn Đức Quang đi thăm nhiều bạn bè lâu ngày chưa gặp. Nguyễn Đức Quang cho hay "từ ngày qua Mỹ đến giờ có tật đi ngủ trễ", than phiền "nhiều việc quá làm mãi không hết", và ôm cây đàn ngồi ở ghế khẩy nhẹ từng nốt, đặt với Nguyễn Văn Khanh nhiều câu hỏi về phong trào kháng chiến lúc bấy giờ mới phát động ở hải ngoại và đời sống của người Việt tỵ nạn cộng sản tại Washington DC. Họ hầu như thức trắng đêm trò chuyện, Nguyễn Đức Quang uống tới bốn ly cà-phê do Nguyễn Văn Khanh pha, kết thúc câu chuyện bằng kể lại nhạc phẩm đầu tiên sáng tác tại Washington D.C, mà ít ai nhớ tên của nhạc phẩm, chỉ nhớ trong đó có câu: "Ngày nao dừng bước chân ghé qua nhà Mẹ già, Mẹ ngước mắt nhìn sao đời con đẹp quá". Nguyễn Đức Quang dạo đàn hát cho Nguyễn Văn Khanh nghe, cho hay bài này được viết để ca ngợi những người dũng cảm vì đại nghĩa quên mình, bỏ gia đình đi kháng chiến.

Tới khi trở lại nghề báo, Nguyễn Văn Khanh coi Nguyễn Đức Quang như ông xếp đầu tiên trong đời mình ở tờ nhật báo Người Việt. Qua lời giới thiệu của Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đức Quang điện thoại nhờ Nguyễn Văn Khanh tiếp cho một tay. Vì thế mỗi khi về Orange County, California Nguyễn Văn Khanh lại tạt qua tòa báo, nghe Nguyễn Đức Quang hỏi mọi thứ chuyện, nhưng rất ít nghe Nguyễn Đức Quang nói đến chuyện lương bổng, chỉ thấy nhắc khéo"nhớ gửi bài đều đặn" . Thân phận làm em, Nguyễn Văn Khanh chỉ biết hết dạ tới vâng, tuyệt nhiên không dám hó hé về chuyện tiền bạc. Tuy không đề cập đến vấn đề thanh toán lương bổng cho thuộc hạ, nhưng Nguyễn Văn Khanh biết Nguyễn Đức Quang rất áy náy. Khi bấy giờ tờ báo còn èo uột, mới dọn vào trụ sở mới, trông bề ngoài thì khang trang lắm, nhưng về mặt tài chánh thì chưa được sáng sủa lắm như bây giờ. Điều này sở dĩ Nguyễn Văn Khanh biết được, vì về sau có lần Nguyễn Đức Quang thốt ra ở cửa miệng: "Lúc đó anh không có tiền trả cho em vì kẹt quá." Chữ Nguyễn Đức Quang dùng là:"Anh phải chạy gạo mỗi ngày."  Nguyễn Đức Quang có thói quen cứ mỗi lần sửa soạn giao báo cho nhà in, thường chắp hai tay sau lưng đi qua đi lại trong tòa soạn, im lặng không nói với ai một câu. Khi Nguyễn Đức Quang ghé qua bên biên tập xem bài vở, tin tức, khi tạt qua khâu trình bầy (layout) xem hình thù trang báo ra sao. Đến khi sang phụ trách cho tờ Viễn Đông  và tờ Chí Linh, Nguyễn Đức Quang vẫn duy trì hành động đó. Một lần trở lại Washington DC Nguyễn Đức Quang tâm sự với Nguyễn Văn Khanh rằng trong đời không có chi khác ngoài mấy tờ  báo và mấy nhạc phẩm. Tối hôm trước ở nhà Lê Thiệp, nhiều người quây quần nghe Nguyễn Đức Quang trình bầy về các nhạc phẩm đã sáng tác ở hải ngoại. Nguyễn Đức Quang và Ngô Vương Toại hát đôi những nhạc phẩm mà họ đã nghe từ nhiều năm trước ở quê mẹ. Sau tối hôm đó Nguyễn Văn Khanh đưa Nguyễn Đức Quang ra phi trường trở về California, hỏi trên đường đi: "Anh có biết nhiều người rời Việt Nam không đem theo được gì, nhưng trong đầu có các bản nhạc anh viết không?" Nguyễn Đức Quang im lặng, đưa tay lên bóp trán. Đến khi chuẩn bị lên phi cơ, Nguyễn Đức Quang mới cho hay lần sau chớ nhắc đến chuyện về nước buồn lắm. Kể từ ngày đó, cho đến khi Nguyễn Đức Quang nằm xuống, chuyện ấy không còn được khơi dậy.

Những ngày ngụp lặn trong làng báo khi đặt chân lên quê người Nguyễn Đức Quang để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Ngày thứ Sáu 1.4.2011, Hà Giang kể chuyện chủ nhiệm Phan Huy Đạt báo Người Việt có lần rút từ ngăn kéo bàn làm việc ra một biên bản đã úa vàng của buổi họp Hội đồng Cổ đông ngày 1 tháng 1 năm 1984 ghi chép trong cuộc bầu chọn Hội đồng Giám đốc, 7 người hiên diện bầu 3 người vào Hội đồng Quản trị có Tống Hoàng, Phan Huy Đạt và Nguyễn Đức Quang. Một biên bản khác của buổi họp ngày 13 tháng 5 năm 1984 có đoạn ghi: "Quarter 2,1984, có thể bị lỗ, yêu cầu các cổ đông đóng góp thêm. Có thể mỗi người một tháng..." Theo sự giải thích của Phan Huy Đạt "Một tháng đây là một tháng lương." tức là "Không lãnh lương một tháng". Trong buổi họp có sự hiện diện của Nguyễn Thiện Cơ, Phan Huy Đạt, Nguyễn Đức Quang và Tống Hoằng. Điều này, trừ khi đảm trách công việc trong tòa soạn, ít ai có thể biết. Đã vậy, Nguyễn Đức Quang còn gắn bó với báo Người Việt từ những ngày đầu. Hà Giang viết: "Nhớ về ông, chị Huỳnh Mỹ Dung, nhân viên "Người Việt" kỳ cựu từ năm 1981, nói một mạch, như những cảm nhận này về người nhạc sĩ vừa quá cố chỉ chờ để được chia sẻ: "Anh Quang vừa là xếp vừa là đàn anh. Anh giỏi điều khiển công việc. "Người Việt" lúc đó chưa là công ty, mấy ông giám đốc chưa ai biết tới lương là cái gì." Một chuyện khác trong số nhiều chuyện chưa được tiết lộ, nhưng có biết mới thấy được sự tận tụy của Nguyễn Đức Quang thế nào trong công việc làm, kể cả khi sáng tác nhạc phẩm, và tổ chức trình diễn. Vẫn theo lời kể của Hà Giang: "Được hỏi về những kỷ niệm với ông, chị nói:" Kỷ niệm nhiều lắm, nhưng nhớ nhất mỗi lần anh Yến (Đỗ Ngọc Yến) kéo anh em đi ăn ghi sổ, anh Quang lại lén họp những người đi lại, bảo ai trả phần nấy."Nói đến những đóng góp của Nguyễn Đức Quang trong những tháng ngày làm việc ở báo "Người Việt" tỏ ra có nhiều tích cực. Phụ tá Chủ nhiệm, Đinh Quang Anh Thái, kể về Nguyễn Đức Quang: "Tôi qua Mỹ năm 1985, Nguyễn Đức Quang là người bảo tôi "bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông" lúc tôi đang...đánh cá ở San Pedro, California,đi về làm báo với anh ở"Người Việt". Hai người trình bày (layout) báo, hát nhạc du ca, có khi đang say sưa, bỗng Nguyễn Đức Quang nghiêm nét mặt, nói "phải đi kiếm mấy cái quảng cáo chứ không thì chết." Đinh Quang Anh Thái giải thích: "Lúc đó, báo "Người Việt" vẫn còn giật gấu vá vai, cứ khoảng hai tháng thì anh lại gãi đầu gãi tai bảo tôi, à cậu này, tháng này tiền lương trễ đấy nhé."Một thành viên của Hội đồng Quản trị Người Việt, Nguyễn Phước Quan, nhận xét Nguyễn Đức Quang vốn bản chất một con người nghệ sĩ, nên khi làm việc vẫn không dứt bỏ được  tính chất nghệ sĩ trong công việc làm:"Chẳng hạn khi deal với khách hàng, ông thường bảo "thôi cậu deal dễ dễ cho người ta nhờ một tí." Tuy nhiên, Nguyễn Phức Quan không phủ nhận công lớn của Nguyễn Đức Quang "là đưa ra ý kiến thực hiện trang rao vặt", một trang rao vặt sau này rất quan trọng cho doanh thu của "Người Việt". Nhận định về sự đóng góp của Nguyễn Đức Quang trong việc xây dựng và phát triển của công ty Người Việt, Phạm Quốc Bảo, một thành viên của Hội đồng Quản trị Người Việt, phát biểu: "Trong vai trò giám đốc trị sự, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã đóng góp vào việc đưa công ty Người Việt từ một tuần báo đến lúc ra được một tuần 5 số." Cho dù miệt mài, gắn bó với nhật báo Người Việt, năm 1988, Nguyễn Đức Quang vì nhu cầu tài chánh cho gia đình đã ra đi, nhưng vẫn chưa dứt được cái nghiệp báo chí cứ ám ảnh mãi. Loay hoay một thời gian với một số cơ hội khác, Nguyễn Đức Quang quyết định xuất bản tờ nhật báo Viễn Đông, trở lại cuộc đời của một nhà báo  thêm một thời gian nữa trước khi nghỉ hưu. Ký giả Vũ Ánh cộng tác liên tục cho tờ Viễn Đông trong thời gian những năm 1995-2002 trước khi Nguyễn Đức Quang bán tờ Viễn Đông. Hà Giang tiết lộ những nhận xét của Vũ Ánh viết về Nguyễn Đức Quang: "Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là người có khả năng viết những bài sâu, suy nghĩ cởi mở và độc lập, đồng thời ông có nhiều mối liên hệ với nhiều giới khác nhau trong cộng đồng nên ông vẫn có thể giữ vai trò chủ nhiệm một cách bản lãnh, khéo léo."  Và tiết lộ thêm: "Vì là tờ báo nghèo, lương hướng của chúng tôi rất khiêm tốn. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Đức Quang có tháng không lãnh lương."

Vũ Ánh nhận định Nguyễn Đức Quang dù có bị chật vật, khó khăn về vật chất như vậy, nhưng Nguyễn Đức Quang không để bị chi phối bởi đồng tiền. Hà Giang kể theo lời của Vũ Ánh: "Ông kể lại một "kỷ niệm đáng nhớ", một lần, khi "chúng tôi lên tiếng bênh vực nữ chủ nhân của một nhà hàng tại Little Saigon", chống lại "những cáo buộc vu vơ", ít lâu sau, nữ chủ nhân này sai con gái mang đến cho tờ "Viễn Đông" một quảng cáo một trang báo trong ba ngày, nhưng ông Quang "từ chối bởi vì mâu thuẫn quyền lợi, mà lúc đó, nhật báo Viễn Đông đang thiếu tiền". Vẫn theo ông Vũ Ánh, sau này nhà báo Nguyễn Đức Quang giải thích" Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tớ cũng thích thấy mẹ, thèm nhỏ dãi ra ấy chứ. Nhưng nếu muốn tiếp tục làm báo thì phải từ chối trong trường hợp này."

Xưa nay, Nguyễn Đức Quang, vốn dĩ một mẫu người làm việc vì đam mê, vì lý tưởng theo đuổi, nên khi biến cố năm 1975 ập đến như sóng cồn tại miền Nam, phải tạm ngưng sáng tác và ca hát, phải theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan khác miền Nam, bị giam giữ trong các nhà tù cộng sản mọc rải rác khắp nơi "đèo heo hút gió" từ Nam ra Bắc, đến khi được"tháo cũi xổ lồng", đã bắt ngay tay vào việc vượt biên. Khi đặt chân tới Hoa Kỳ đầu thập niên 1980, Nguyễn Đức Quang đã lăn xả vào làm tờ "Người Việt" cùng các thân hữu, làm Giám đốc Trị sự, Chủ bút và Tổng Giám đốc đầu tiên của "Công ty Người Việt" trong các năm 1984-1988, đầu thập niên 1990 ngưng một thời gian, trước khi xây dựng nên tờ "Viễn Đông" năm 1996, được sự cộng tác ban đầu của Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Ánh, lớn mạnh theo năm tháng, sau đứng ra thành lập tờ Tuần báo "Chí Linh" và Nguyệt san "Phụ nữ Diễn đàn", thành lập Công ty "Q.M.S. Media", sáng lập viên, giám đốc trại hè "Project Vietnam Foundation" mục đích tìm cách nối lại vòng tay thân ái giữa những thanh niên người Mỹ gốc Việt với những thanh niên trong nước thông qua những trại hè tổ chức bởi "Project Vietnam Foundation" . Dĩ vãng còn in hằn nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm chưa xóa mờ, nơi những vùng tương đối có an ninh, nơi các thành phố hằn đọng dấu vết của chiến cuộc, đất nước đang trong thời chiến, đầy rẫy nạn nhân chiến cuộc mà thiên tai, hỏa hoạn, lụt lội, bão tố...tạo nhiều khổ ải cho dân chúng. Xã hội còn những hố ngăn giữa giàu nghèo, những bất công, những sa đọa của chiến cuộc. Suốt hơn một năm đi và sinh hoạt, những người trẻ, trẻ cả tâm hồn lẫn thể xác, muốn tìm một con đường để phục vụ xã hội, nhiều hơn mưu đồ một việc gì đó cho bản thân. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang có được các hình ảnh, tâm tình và những suy nghĩ sống động, sát với thực tế xã hội. Du ca không làm chính trị mà trở thành một phong trào thanh niên. Vì thế không thể kết tội Nguyễn Đức Quang sáng tác những nhạc phẩm phản chiến, niềm khát khao hòa bình nếu có phảng phất trong một thiểu số sáng tác của Nguyễn Đức Quang, đó chỉ là tất yếu, bởi bất cứ một người dân thường nào đều yêu hòa bình và chán ghét chiến tranh. Phải chăng hòa bình có niềm khao khát của toàn thể dân tộc, bởi trên hành tinh này, không một ai chịu nhiều khổ đau bởi chiến tranh bằng dân tộc Việt Nam.

Hơn nữa các nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang đâu chỉ chứa chất toàn các lời ca rên xiết vì hòa bình. Số lượng những nhạc phẩm người ta lên án phản chiến thật ít oi. Tưởng nên nhớ Nguyễn Đức Quang thường chống đối mọi áp đặt, bất công, tệ trạng, điều xấu làm tha hóa con người, bởi thế đã có một giai đoạn Nguyễn Đức Quang bị chính quyền nhìn bằng con mắt nghiêm khắc. Chẳng qua bởi Nguyễn Đức Quang đã sáng tác những nhạc phẩm nói lên tệ trạng tham nhũng. Điển hình tập "Ruồi Và Kên Kên", hoàn tất năm 1970, diễn tả toàn những bi phẫn về các vấn đề lớn trong khung cảnh chính trị, xã hội đen tối của hai miền đất nước, đã trở thành cái gai cho hai phe tham chiến. Phe nào cũng là ruồi và phe nào cũng mang hình ảnh của kên kên, tuy nhiên cho đến nay nhạc phẩm vẫn được nhiều người yêu chuộng: "Im Lặng Là Đồng Lõa", "Ruồi Và Kên Kên", "Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi", "Phòng Thí Nghiệm Công Cộng", "Vụ Án Cuối Cùng"... 

Nhưng cho dù hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, dòng máu âm nhạc còn chảy mạnh mẽ trong con người Nguyễn Đức Quang. Vì thế trong thập niên cuối đời, Nguyễn Đức Quang trở lại với sáng tác và gắn bó với hoạt động của "Phong trào Du ca Việt Nam" được hồi sinh tại hải ngoại từ hơn một thập niên trở lại đây, nổi lên tựa bầy ong vỡ tổ nhao nhao khắp nơi. Nguyễn Đức Quang đi lưu diễn hiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ đến Úc Châu, Âu Châu, và tiếp tục sáng tác nhiều nhạc phẩm mới.

Tháng 3 năm 2009, người vợ thương yêu một đời của Nguyễn Đức Quang qua đời, và sau hai lần thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, tháng 2 năm 2010, Nguyễn Đức Quang về nước ăn Tết Nguyên Đán, có dịp thăm lại gia đình, anh chị em ở miền Bắc, thăm lại căn nhà cũ, nơi gia đình người em trai Nguyễn Đức Vinh đang cư trú. Đêm 19 tháng 2 năm 2010, trên căn gác ngày nào, Nguyễn Đức Quang trình diễn cho các em, các cháu và những người thân quen cũ nghe một số nhạc phẩm mới sáng tác trong những năm cuối đời tại hải ngoại.

Đây coi như lần cuối cùng Nguyễn Đức Quang trở về thăm xứ hoa Đà Lạt, để rồi ra đi vĩnh viễn, không còn bao giờ được trở lại thăm thành phố hoa đào thân thương xưa, nơi có "con phố xưa", có "con dốc nhỏ" ghi lại dấu tích tình yêu và những cảm xúc đầu đời. Không còn bao giờ được trở lại nơi đây để thấy lại những ngày đầu miền Nam khi rơi vào tay cộng sản năm 1975, nơi những nhạc, những thơ đã bị cộng sản xúc bỏ đem đi thiêu hủy, các nam nữ cán bộ cánh tay đeo băng đỏ, tham gia hăng hái chiến dịch  diệt trừ văn hóa đồi trụy "Mỹ ngụy", chỉ biết cắm đầu thi hành theo mệnh lệnh từ công an phường, công an khu vực xông vào từng nhà, trên kệ có bao nhiêu sách đem hất bỏ hết xuống đất, thoải mái quăng lên chiếc xe ba bánh dùng chở vật liệu xây dựng, xe dính đầy cát bẩn, không cần biết quyển sách ấy thuộc loại sách gì, giáo khoa hay nghiên cứu, có quyển đóng bìa da, gáy in chữ bằng kim nhũ, quyển bọc bìa đen, quyển bọc bìa đỏ. Nguyễn Đức Quang trở lại Hoa Kỳ chuẩn bị cho các buổi trình diễn nhạc du ca. Chính trong quá trình chuẩn bị cho buổi trình diễn nhạc du ca được dự kiến tổ chức vào hạ tuần tháng 2.2011, Nguyễn Đức Quang bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Ngày 11.2.2011, Nguyễn Đức Quang được chở cấp cứu vào bệnh viện "Fountain Valley Regional Hospital", California, và một tháng rưỡi sau đó, Nguyễn Đức Quang đã vĩnh viễn ra đi lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 nhằm ngày 23 tháng 2 năm Tân Mão. Ngày 23.10.2010 tại hội trường báo "Người Việt" đông đảo người đã tham dự đêm trình diễn với chủ đề "Thế Giới Âm Nhạc Nguyễn Đức Quang" khán thính giả say sưa nghe và hát với nhau những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang viết vào thời điểm các năm giữa thập niên 1960 ở Sài Gòn. Kết thúc buổi sinh họat một nữ khán giả trạc ngoài 30 tuổi cho hay những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang sáng tác có tác động mạnh mẽ, tạo một luồng sinh khí, khơi dậy lòng yêu quê hương và con người Việt Nam.

Đây là nhận xét của nhiều người trẻ tại miền Nam trước năm 1975. Khi bấy giờ cuộc chiến dâng lên cao điểm, những người cộng sản, bằng mọi giá, kể cả việc"thiêu đốt Trường Sơn" xâm lấn miền Nam hầu đạt được chiến thắng, còn người dân Nam bộ từng bước xây dựng một xã hội tự do dân chủ, nhiều tầng lớp trẻ dấn thân ngăn chặn làn sóng đỏ và đóng góp công sức để hàn gắn những vết thương rướm máu do chiến tranh ý thức hệ gây ra. Nguyễn Đức Quang đã gửi tất cả tâm can nhức nhối, quằn quại vào lời ca.

"Phong Trào Du Ca Việt Nam" và những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang chào đời trong bối cảnh đó, đóng góp nhiều trong các sinh hoạt tác động tinh thần của lớp người đông đảo. Những đêm lửa trại của Hướng Đạo, các đoàn thanh niên Nguồn Sống, Tiên Rồng, Ra Khơi...Nhìn quanh chiến tranh mỗi lúc một tàn khốc, ruộng đồng tan nát, người dân quê hoảng hốt chạy loạn, cần được giúp đỡ về y tế, thực phẩm, cần xây dựng gấp các trại tỵ nạn để đón chào mọi người...Từ trại "Công trường Thanh niên Giới tuyến", tại Cam Lộ, Quảng Trị, Nguyễn Đức Quang đã viết:
Đường về công trường là đường về quê hương
Này miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
Là  miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
Thôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
Tình như cây non vươn lên trong niềm yêu mến
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
Tình thân anh em đắp nên biết bao công trường
Vì thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
Là quê hương tôi, là quê hương tôi.
Nếu Trịnh Công Sơn viết Kinh Việt Nam vẽ ra sự tàn phá của chiến tranh, một đất nước tan hoang,  người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, người con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng và niềm mơ ước hòa bình, lời lẽ xa xôi, mơ hồ; trái lại nhạc phẩm "Tìm Về Công Trường" và nhiều nhạc phẩm khác của Nguyễn Đức Quang đã là những bài Kinh Việt Nam dành cho giờ tĩnh tâm của người trẻ tuổi ngày làm việc cực nhọc, mong làm vơi nỗi khổ đau của con người. Đây một bài kinh để hành động mà không phải để tụng niệm. Nhạc của Nguyễn Đức Quang gắn chặt với xã hội, con người, quê hương và đất nước, đập theo nhịp đập của trái tim sổi nổi của tuổi trẻ không chấp nhận hiện tại, vang trên hè phố, sân trường, cánh đồng. Nhạc của Nguyễn Đức Quang không thích hợp không khí phòng trà, nơi những giọt cà-phê nhễu xuống đặc quánh, mịt mù khói thuốc đốt cháy một đời tuổi trẻ. Nhạc của Nguyễn Đức Quang đi thẳng từ trái tim tuổi trẻ lọc qua khối óc tinh nhạy, mượn âm thanh ghi lại những suy nghĩ đó.

Các buổi họp mặt ngoài trời của tuổi trẻ chỉ cần cây đàn thùng, thảm cỏ sân khấu, mọi người cùng nghe, cùng hát những nhạc phẩm du ca của Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Trần Đình Quân, Giang Châu, Nguyễn Quyết Thắng...Nhạc phẩm "Đường Việt Nam" của Nguyễn Đức Quang được chọn làm nhạc phẩm cho chương trình nối kết tuổi trẻ trong và ngoài nước suốt ba tháng hè năm 1974. Hàng ngàn người trẻ sách đèn tại các trường đại học trong, ngoài nước đã có mặt khắp nhiều vùng của đất nước, từ bên này sông Thạch Hãn địa đầu giới tuyến Quảng Trị tới mũi Cà Mâu, thậm chí có khi đứng trên đồi Bastone nhìn xuống A Sao-A Lưới chứng kiến từng đoàn chiến xa của cộng quân Bắc Việt rầm rập xâm nhập miền Nam, mọi người cất cao giọng:"Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận, đường ngông cuồng, đường trường chinh vẫn ruổi rong. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng, mỗi xóm làng một dở dang..."

Một số đông  tham dự chương trình "Đường Việt Nam" . Hè năm 1974, trước biến cố lịch sử năm 1975, khi bỏ nước ra hải ngoại, tiếp nối con đường dang dở, thành phần có Trần Văn Bá, Đỗ Ngọc Yến, Ngô Mạnh Thu, Phạm Phú Minh, Hoàng Ngọc Tuệ, Đinh Xuân Quân, Trương Anh Thụy, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đức Quang...Đã có người nằm xuống, thấm máu mình vào đất mẹ như Trần Văn Bá khi trở về phục quốc, người khác vĩnh viễn ra đi như Đỗ Ngọc Yến, Ngô Mạnh Thu...chưa toại nguyện được thấy một ngày thanh bình như mong ước trong nhạc của Nguyễn Đức Quang:"Đường của ta đưa ta về thanh bình, đường an lành, đường thảnh thơi những ngày vui", những người còn miệt mài mời gọi "những bước chân rời, sát nhau lại vì đường vẫn còn dài."

Một trong các con chim đầu đàn của Phong trào Du ca Việt Nam, Nguyễn Đức Quang, nay không còn nữa, đã về "Bên Kia Sông" để đến quê hương Tịnh Độ, để có nhiều cảm hứng mới hơn, tiếp tục sáng tác trong sự tĩnh lặng thực sự của tâm hồn, và nhiều người còn nhớ đến Nguyễn Đức Quang vì con "Đường Việt Nam"Nguyễn Đức Quang từng đi qua và nỗi ước mơ còn bất tận đối với những lớp người đang tới.

Tại Paris, Pháp, 2 giờ chiều ngày 2.4.2011 "Nhóm Phượng Ca" và một số thân hữu Du Ca tổ chức tại trụ sở Phượng Ca, 53 rue Nationale 75013 Paris buổi tượng niệm Nguyễn Đức Quang, mục đích "cùng hát và kể lại những kỷ niệm với Nguyễn Đức Quang và với nhau"trong cuộc đời ca hát. Thực sự khi Nguyễn Đức Quang trở về lòng đất, nhưng số người cũ vẫn còn, dù cao tuổi nhưng tinh thần thanh niên chưa lụi tàn, chỉ mong cơ duyên đến để có các "Du Ca" thuộc thế hệ 2, 3 tiếp nối truyền thống "Giống Da Vàng này là Vua Đấu Tranh."  Tất cả, ai nấy đều mơ ước hát cho nhau nghe và hát cho mọi người nghe, và nhờ Nguyễn Đức Quang mà con người có dịp trải hết tấm lòng khi hát với nhau hay hát cho nhau. Nhạc phẩm đó có thể là các bản đồng ca được hàng ngàn người cùng hát, cũng có thể là những bản tình ca Nguyễn Đức Quang viết cho ai để họ hát cho riêng họ, nhưng quan trọng là những nhạc phẩm mà từng nốt, từng lời mang âm hưởng Nguyễn Đức Quang. Trong  nhiều năm, những nhạc phẩm này đã góp một phần không nhỏ giúp con tim của mọi người đập chung một nhịp, giúp tạo thành hơi thở để họ chung sống bên nhau. Họa chăng chỉ có Nguyễn Đức Quang tạo được điều kỳ diệu đó. Tưởng đã đến lúc phải tỏ lời cám ơn Nguyễn Đức Quang, và không ngần ngại bầy tỏ đã mang ơn Nguyễn Đức Quang, dù lời cám ơn này đã muộn màng.  


Bản hùng ca “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” tiếp tục vang lên -Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” bất ngờ xuất hiện trên đường phố Sài Gòn

 

CHIỀU NHẠC TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ DU CA NGUYỄN ĐỨC QUANG 1  

CHIỀU NHẠC TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ DU CA NGUYỄN ĐỨC QUANG 2

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire