dimanche 3 novembre 2013

Lê Uyên Phương - Bích Huyền thực hiện




Lê Uyên Phương (1) 
Lê Uyên Phương là một trong những nhạc sĩ lớn của dòng nhạc tại Sài Gònmiền Nam Việt Nam trước 1975.
Ông tên thật là Lê Minh Lập, sinh tại Đà Lạt. Trong thời kỳ chiến tranh, giấy tờ bị thất lạc, trong hai lần làm lại giấy khai sinh, tên của ông bị nhân viên giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Từ đó ông giữ cái tên Lê Văn Lộc.
Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành nghệ danh Lê Uyên Phương.
Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt, năm 1968 hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy nghệ danh là Lê Uyên, cắt từ chữ Lê Uyên Phương. Hai người song ca được gọi Lê Uyên và Phương.
Lê Uyên Phương khởi sự viết nhạc từ 1960 với bài Buồn Đến Bao Giờ viết tại Pleiku. Những năm đầu thập niên 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc. Trong những năm 70 nhạc Lê Uyên Phương thật sự sưởi ấm những đôi tình nhân, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi đượm triết lý yêu thương đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Lê Uyên Phương đã viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đã đưa tên tuổi anh lên cao.



Lê Uyên Phương (2) 

Nhạc Lê Uyên Phương gập ghềnh, các câu nhạc có độ dài khác nhau, cách phát triển câu nhạc cũng thay đổi theo từng bài chứ không theo một khuôn mẫu nhất định. Trong phiên khúc, nhiều khi nhạc sĩ đổi từ Trưởng sang Thứ thật lạ kỳ như trong bài Đá Xanh, hay chuyển đoạn nhỏ Re thứ xen kẽ giữa điệp khúc Re Trưởng và phiên khúc cũng Re Trưởng của Đêm Chợ Phiên Mùa Đông.
Ngoài ra, cái tựa đề của bài nhạc cũng góp phần không nhỏ vào việc “loãng hóa” nhạc LUP nữa. Các tựa bài của ông hầu như cũng chỉ là định nghĩa sơ sài về nội dung bài hát, chứ không theo kiểu mẫu của nhạc pop. Trong nhạc pop, tựa bài phải nằm ở hai chỗ chiến lược là đầu bài hoặc cuối bài, và phải được lặp đi lặp lại ở điệp khúc, nhằm để người nghe nhớ bài nhạc dai hơn. Tựa bài trong nhạc Lê Uyên Phương phớt lờ một cách cố ý khái niệm tựa bài đó.
Những chi tiết nho nhỏ vừa kể trên, nếu gom góp lại vào một bài sẽ tạo nên một không khí lãng đãng, rời rạc, có lẽ vì thế mà góp phần vào cái sự buồn đau đớn chăng ?
Lời nhạc của Lê Uyên Phương cũng góp một phần rất đáng kể tạo nên nét nhạc riêng biệt của dòng nhạc này. Trong nhạc của ông, người nam và người nữ là một hiện hữu, gắn bó vào đời nhau: “tôi với em, dương trần vai tiễn đưa“, “ta từng thương mến nhau … em đành quên lãng sao?“, “em ơi, xin em nói yêu thương đậm đà“. Ông cũng sử dụng rất nhiều các hình ảnh trăng, sao, mây trời, v.v… để nói lên tâm trạng, như nhiều nhạc sĩ cùng thời.
Dòng nhạc Lê Uyên Phương thật say đắm, có thật nhiều điều cần phải được phân tích để tìm kiếm, để đồng cảm, để thấy sự thông minh trong cách tạo dựng một bài nhạc để tạo một ấn tượng, vu vơ hay say đắm, hồn nhiên hay ưu tư, buồn thoáng qua hay buồn muôn thuở.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire