dimanche 25 août 2013

Những sự thật không thể chối bỏ (phần 12) - Sự ngụy tạo về "Mùa Thu Độc Lập"




Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Đảng cộng sản và ông Hồ Chí Minh đã nắm quyền cai trị bằng dấu mốc “cướp chính quyền” và sau đó đã duy trì quyền lực bằng mọi thủ đoạn  mị dân. Cho đến nay, nhờ vào đội ngũ bồi bút mang hàm giáo sư sử học, tiến sỹ nghiên cứu của đảng, họ đã nhào nặn nên một cuộc Cách Mạng Mùa Thu hoàn toàn giả tạo. Chính việc này đã làm cho không biết bao nhiêu thế hệ người Việt bị rơi vào một cái bẫy: “Đảng cộng sản, Hồ Chí Minh dù có sai lầm cũng có công kháng Pháp, giải phóng dân tộc”. Nhưng sự thật có phải như vậy không?
A. Cách mạng chẳng qua là một cuộc cướp chính quyền của cộng sản: 
1. Sơ lược về tình hình thế giới: 
Sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống đất Nhật, san bằng 2 thành phố Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945, và Nagasaki ngày 9 tháng 8 năm 1945, Hoàng Đế Nhật Bản phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Nhờ vậy, đại chiến thế giới lần II, do phe Phát Xít Đức, Ý, Nhật chủ xướng từ năm 1939 được coi là chấm dứt hoàn toàn trên cả 5 Châu: Âu, Phi, Á, Úc, và Mỹ. 
Khi kết thúc đại chiến thế giới lần II, chính phủ Mỹ hỗ trợ Cao trào các Tiểu nhược quốc Thuộc địa trên toàn Thế giới, đang bị các nước Thực dân Đế quốc da trắng đô hộ cai trị áp bức, vùng lên giành lại Độc lập Tự do cho Dân tộc mình, để xây dựng Thể chế Chính trị theo mô thức Dân chủ Tự do Tư bản. 
Trong cùng lúc đó, Khối Quốc tế Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo cũng nhân cơ hội này, dùng các tay sai người bản xứ lôi cuốn các nhóm công nông vô sản dùng bạo lực hăm dọa song hành với phương thức tuyên truyền xảo quyệt, buộc quảng đại quần chúng dân lành phải đi theo dưới mỹ từ làm Cách mạng giải phóng quê hương, để bành trướng thế lực nhằm thực hiện sách lược nhuộm đỏ Toàn cấu và tiến lên “Thế giới đại đồng”. 
2. Việt Nam đã được độc lập mà không cần cộng sản: 
Tại Việt Nam, vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 (hai ngày sau khi quân Nhật lật đổ Pháp nắm toàn quyền cai trị Đông Dương), Vua Bảo Đại được Vua Nhật giúp tái lập Quốc Gia Việt Nam Độc Lập (thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam) trong Khối Đại Đông Á do Nhật chủ xướng. Ông Trần Trọng Kim đã được Vua Bảo Đại cử làm Thủ Tướng thành lập chính phủ điều hành Quốc gia, và ban bố chương trình hưng quốc vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó quy định Quốc Kỳ là cờ Quẻ Ly, Quốc Ca là bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân. 
Để chứng minh cho luận điểm này tôi xin đưa ra các bằng chứng sau đây để khẳng định rằng nước Việt chúng ta không cần Hồ Chí Minh và đảng cộng sản vẫn được độc lập như các nước khác. 
Đầu tiên, trên Wiki (http://vi.wikipedia.org/wiki/Đế_quốc_Việt_Nam) có đoạn viết: 
“Ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi tình hình chiến tranh Thái Bình Dương thay đổi bất lợi, Nhật đổi chính sách và đảo chính Pháp, bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp ở Đông Dương. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Toàn quyền Đông Dương Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư đòi người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện. Ở Huế đại úy Kanebo Noburu vào trình báo vua Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại.[1] Cùng chiều hướng đó Đế quốc Nhật Bản thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam trên danh nghĩa. Hai ngày sau, 11 tháng Ba vua Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để tuyên bố nước Việt Nam độc lập.[2] Cùng đi với Yokoyama là tổng lãnh sự Konagaya Akira và lãnh sự Watanabe Taizo.[3] Bản tuyên ngôn đó có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ mật Viện là Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính, nguyên văn chiếu chỉ đề ngày 27 Tháng Giêng ta năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại:[4] “Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.”
Như vậy đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự thực là người Nhật đã trao trả độc lập cho nước Việt Nam ta mà không phải công lao gì của cộng sản. Khi người Nhật quyết định trao trả tự do thì vua Bảo Đại cũng đã ra chiếu chỉ tuyên bố độc lập và khẳng định chúng ta hủy những cam kết bào hộ của Pháp. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy chính quyền Bảo Đại ngoài độc lập với Nhật còn độc lập với Pháp. 
Thứ hai, một đoạn văn trên website của tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận sự kiện Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam là có thật. Trong bài giới thiệu về điện Kiến Trung có đoạn: “Ngày 9 tháng 3, Nhật đảo chính Pháp và thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam. Hai ngày sau, 11 Tháng Ba vua Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Cùng đi với Yokoyama là tổng lãnh sự Konagaya Akira và lãnh sự Watanabe Taizo.”. Đây là links của bài viết: http://dulichhue.com.vn/new/vi/a4841/dien-kien-trung.html
Một website của đảng cộng sản cũng phải công nhận một sự thật lịch sử hiển nhiên là Nhật đã chấp nhận trao trả độc lập cho Việt Nam thông qua chính quyền của vua Bảo Đại. 
Thứ ba, Chính quyền Liên Xô sau khi nhận được tin Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam đã phải thốt lên qua lời của Stalin ghi trong cuốn sách có tên tạm dịch “Đường dài xã hội chủ nghĩa”. Cuốn sách này là tổng kết những phát biểu về xã hội chủ nghĩa Liên Xô và thế giới của Lê Nin, Stalin, Breznep... được viết bởi N. Badasov – một nhà nghiên cứu lịch sử tại Liên Xô – đảng viên đảng cộng sản Liên Xô. Cuốn sách tại trang 233 có viết về Stalin đã thốt lên: “Thật sự khó khăn cho hệ thống xã hội chủ nghĩa khi Việt Nam được người Nhật ưu ái”. Điều này càng minh chứng thêm cho sự kiện chính quyền Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam là có thật. 
Kết luận: Qua ba bằng chứng chúng ta thấy rằng nước Việt Nam chúng ta đã được người Nhật trao trả độc lập theo tinh thần đại đông Á mà không phải phụ thuộc vào Pháp vào Nhật về mặt chính quyền. Nhưng vấn đề ở đây, từ trước tới nay đảng cộng sản Việt Nam luôn rêu rao chính quyền của vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim là “bù nhìn”. Luận điểm này sẽ được tìm hiểu ở nội dung thứ 3 sau đây. 
3. Chính phủ của ông Trần Trọng Kim không phải chính phủ bù nhìn. 
Việc chứng minh luận điểm chính Phủ của ông Trần Trọng Kim không phải là chính phủ bù nhìn nhằm chứng tỏ sự thật: Đây là một chính phủ hợp pháp và không cần thiết phải có một chính quyền nào của cộng sản cả. 
Chính phủ của ông Trần Trọng Kim được Hoàng Đế Bảo Đại thành lập sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, rất ngắn, từ ngày 17 tháng 4 năm 1945 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945 kể cả thời gian xử lý thường vụ. Tổng cộng hơn bốn tháng. Chính phủ này thường bị những người Cộng Sản và luôn cả các tác giả các sách giáo khoa hay những nhà nghiên cứu chuyên môn ở miền Bắc thời trước và sau năm 1975 trực tiếp hay gián tiếp gọi là bù nhìn, là Việt gian, là tay sai của Nhật. Nhưng sự thật có phải như vậy hay không? 
Đầu tiên, Sự việc minh chứng rõ rệt nhất cho một chính phủ hợp hiến và không phải bù nhìn đó là việc chính quyền của ông Trần Trọng Kim tồn tại được bốn tháng, rất ngắn ngủi nhưng đã làm được nhiều việc lớn như điều đình thành công với người Nhật để họ trả lại toàn bộ ba xứ bắc-trung-nam, thống nhất đất nước, chính phủ "có quyền tự trị khác hẳn với lời đồn rằng chính phủ ông là bù nhìn". Điều này được thể hiện rất rõ trong cuốn “Một cơn gió bụi” của chính ông Trần Trọng Kim – chương 4 – Ra Huế lập chính phủ (xuất bản năm 1949 tái bản năm 1969). Một chính phủ đi từ số không, trong vòng 4 tháng tồn tại, không quân đội hùng mạnh mà chỉ thông qua đàm phán với Phát Xít Nhật đang hùng mạnh để lấy độc lập, tự trị cho nhân dân có đáng được gọi là “bù nhìn” không? Thực chất chỉ là luận điểm bôi nhọ và chụp mũ của cộng sản mà đó chính là ngón nghề quen thuộc của cộng sản. 
Thứ hai, cho đến nay chính những người cộng sản cũng đã phải công nhận một sự thật không thể chối bỏ đó là Chính phủ của ông Trần Trọng Kim không phải là một chính quyền bù nhìn mặc dù họ chưa dám thừa nhận sự vu khống của đảng cộng sản cho chính phủ của ông Kim. Trong một bài viết đăng trên website của sở văn hóa tỉnh Nghệ An có links như sau: http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song/cuoc-song-quanh-ta/3710-hue-nam-1945-va-chinh-phu-tran-trong-kim.html
Tác giả Lê Xuân Khoa trong bài viết của mình có tên “Huế năm 1945 và chính phủ Trần Trọng Kim” đã viết như sau:

“Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một hoàn cảnh rất tình cờ của lịch sử, không do kết quả tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hay một phong trào chính trị nào. Sau gần một thế kỉ bị Pháp đô hộ, lần đầu tiên nước Việt Nam được độc lập (dù mới chỉ một phần) mà không phải hi sinh xương máu.” 
Rõ ràng việc tác giả này đánh giá nước Việt Nam chúng ta được độc lập (dù chỉ một phần) mà không phải hi sinh xương máu cũng cho thấy chính phủ của ông Trần Trọng Kim là một sự công nhận đầu tiên chính phủ đó rất hợp hiến. 
Tiếp sau đó tác giả Lê Xuân Khoa viết:

“Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong những điều kiện khó khăn về chính trị, an ninh và kinh tế như vậy. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người thiệt mạng, chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm: 

1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chính cho các viên chức Việt Nam. 

2. Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp. 

3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị. 

4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị. 

5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo. 

6. Thiết lập các Ủy ban tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chính và giáo dục. 

Chỉ trong thời gian bốn tháng (từ 17 - 4 đến 16 - 8), chính phủ Kim đã thực hiện được gần hết chương trình này. Kết quả có thể được tóm tắt như sau: 

Cứu đói: Bộ Tiếp tế do bác sĩ Nguyễn Hữu Thi cầm đầu nỗ lực điều động việc vận tải thóc từ Nam ra Bắc. Lúc này, Pháp đã mất khả năng ngăn cấm việc tiếp tế gạo và, nhờ sự can thiệp của chính phủ Kim, giới quân phiệt Nhật cũng không còn thi hành chính sách độc đoán về sản xuất nông phẩm…” 
Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn chính quyền của ông Trần Trọng Kim đã thực thi được những điều lớn lao mà một chính phủ đúng nghĩa không phải bù nhìn đã thực hiện được. Ngay như công việc hết sức khó khăn là phần cứu đói cũng đã thực hiện rất tốt thông qua đàm phán với Nhật. Vậy thì đây không thể là chính phủ bù nhìn được. Tại sao chính phủ bù nhìn lại toàn làm được những điều lợi cho dân cho nước?. Đây là minh chứng cho sự bịp bợm của đảng cộng sản nhằm bôi nhọ chính phủ của ông Trần Trọng Kim. 
Có nhiều người sẽ thắc mắc một người có quốc tịch Mỹ, gốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, tiến sĩ triết học như ông Lê Xuân Khoa viết sẽ có phần “bênh vực” cho ông Trần Trọng Kim. Nhưng sự việc nó được đăng tải trên một website của tình Nghệ An, của đảng cộng sản Việt Nam cho thấy tình chính xác của bài viết. 
Thứ ba, cũng cần nhắc lại cuốn sách “Đường dài xã hội chủ nghĩa” của tác giả N. Badasov đã giới thiệu ở trên. Chính tác giả cuốn sách này khi đánh giá về lịch sử Việt Nam cũng có đoạn viết:

“Một chính phủ ngắn ngủi của một người theo trường phái dân tộc như ông Trần Trọng Kim đã nỗ lực làm được nhiều điều cho đất nước. Tiếc rằng nó không được hợp lắm trong xu hướng phát triển của phong trào cộng sản …”

Đây là một mình chứng cho thấy người cộng sản Liên Xô không hề đánh giá thấp công lao của chính quyền ông Trần Trọng Kim. Và người Liên Xô không hề coi đây là một chính quyền bù nhìn như sự chụp mũ của cộng sản Việt Nam. 
Thứ tư, Trong cuốn sách Décolonisation du Vietnam: Un Avocat Tðmoigne (Công cuộc giải thực dân của Việt Nam - Một luật sư, hồi ký) (Paris: L’Harmattan, 1994), 62; Tác giả cuốn hồi ký bằng Pháp văn này là luật sư Trịnh Đình Thảo, viết sau năm 1975 và trước khi ông mất năm 1986 nhưng tới năm 1994 mới được xuất bản ở Pháp, do trưởng nam của ông là luật sư Trịnh Đình Khải đứng tên tác giả, trang 62,63 có viết:

“Khoảng tháng 6 - 1945, khi Thủ tướng Kim gặp Tổng tư lệnh Tsuchihashi để yêu cầu Nhật dứt khoát trả lại ba tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ đất Nam Kỳ cho Việt Nam, ông đã nói: "Quân đội Nhật đã đánh quân đội Pháp và công nhiên hứa hẹn trả quyền tự chủ cho nước Việt Nam. Bởi vậy tôi không quản tuổi già và sự khó khăn của hoàn cảnh mà đứng ra lập chính phủ. Tôi làm việc một lòng giúp nước tôi, cũng như các ông lo việc giúp nước Nhật… Nếu các ông cho tôi là người làm việc cho nước Nhật, việc ấy không phải là phận sự của tôi, tôi sẵn lòng xin lui". Chỉ tiếc rằng vài tháng sau, lúc gần đạt được mục tiêu thì Chính phủ Kim phải ra đi.”

Chính tuyên bố của ông Trần Trọng Kim đã cho thấy một sự thật là ông không chịu làm việc cho Nhật mà chỉ làm một việc duy nhất là cho sự độc lập cho dân tộc Việt Nam. Vậy càng có thể khẳng định sự thật chính quyền của ông Kim không phải là chính phủ bù nhìn. 
Kết Luận: Qua 4 dẫn chứng cho ta thấy có nhiều bằng chứng bằng sự việc, tuyên bố và tư liệu trung gian, cộng sản công nhận chính quyền của ông Trần Trọng Kim thực chất không phải chính phủ bù nhìn như cộng sản tuyên truyền. Chính phủ ông Trần Trọng Kim mang tiếng là thân Nhật, nhưng thật ra chỉ là lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp để nắm lấy quyền cai trị nhằm dần dần phục hồi độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Đó là phương cách thực tế và khôn ngoan trong hoàn cảnh Việt Nam lúc đó. Mặc dù đảng cộng sản luôn luôn vu khống cho chính quyền ông Trần Trọng Kim làm “bù nhìn” cho Nhật nhưng cộng sản không có bất cứ một minh chứng cụ thể nào cho thấy điều họ nói là đúng. Đây là một hành động bóp mép lịch sử của đảng cộng sản mà đứng đầu là ông Hồ Chí Minh. 
4. Thủ đoạn cướp công của ông Hồ Chí Minh và cộng sản. 
Để thực hiện âm mưu cướp chính quyền hợp hiến của ông Trần Trọng Kim thì chính quyền Việt Minh của cộng sản mà đứng đầu là ông Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hành động mờ ám. 
Khoảng hơn 5 tháng sau ngày chính quyền ông Kim ra đời, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 (hai ngày sau khi Vua Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh do Hoa Kỳ lãnh đạo), các đoàn thể Công chức và quần chúng Việt Nam họp mít tinh trước Nhà Hát Lớn tại Hà nội, để ủng hộ ông Trần Trọng Kim tiếp tục làm Thủ Tướng. Nhưng, đã bị nhóm Việt Minh của Hồ Chí Minh trà trộn vào lèo lái biến thành cuộc xuống đường đòi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Đồng thời, nhóm Hồ Chí Minh và Việt Minh cũng đưa người vào Huế làm áp lực buộc Vua Bảo Đại phải thoái vị, để nhường quyền cho nhóm Việt Minh thành lập các Ủy ban Nhân dân Cách mạng thay thế các tổ chức hành chánh của Chính phủ Trần trọng Kim. 
Vào ngày 28-8-1945, trong khi quân đội Mỹ đổ bộ lên chiếm đóng đất Nhật Bản thua trận đầu hàng, thì 5 Đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch đại diện Liên Hiệp Quốc do Tướng Lư Hán chỉ huy, cũng tiến vào Việt Nam bằng 5 ngả: Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Móng Cái, để thực hiện việc giải giới quân Phiệt Nhật tại phía Bắc Vĩ Tuyến 16 của Bán đảo Đông Dương. Đi theo các Đạo quân Trung Hoa này, có các toán thuộc Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội về theo, để phối hợp cùng các Đoàn thể Việt Nam đấu tranh ở trong nước, thành lập Chính phủ Liên Hiệp gồm thành phần đại diện của mọi Phe nhóm Đảng phái, cũng như vận động quần chúng tham gia ứng cử và bầu cử đại diện vào Quốc Hội Lập Hiến cho Việt Nam. Mọi chuyện tiến hành êm đẹp, Hồ Chí Minh (thuộc phe Việt Minh Cộng sản chiếm đa số trong Quốc Hội) được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp, Cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, và cựu Hoàng Bảo Đại được mời làm Cố vấn cho Hồ Chí Minh Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp. 
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh, đại diện Chính phủ Liên Hiệp đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trước đông đảo Đồng bào Việt Nam tham dự cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình ở Hà Nội. 
Để chứng minh cho những thủ đoạn nhằm cướp chính quyền hợp hiến của ông Trần Trọng Kim chúng ta cần phải xem xét những bằng chứng sau đây. 
Đầu tiên, trong cuốn sách “British in Vietnam: prelude to disaster, 1945-6” của tác giả người Anh, ông Peter Neville, xuất bản 2007 có một số diễn biến đáng ghi nhận mà tác giả trình bày trong giai đoạn Nhật đảo chánh Pháp cho tới ngày Việt Minh cướp chính quyền. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp. Ông Charles Fenn là đai úy tình báo OSS của Hoa Kỳ được gửi về Đông Dương làm việc. Ông Fenn đã có một buổi gặp gỡ thú vị với Hồ Chí Minh tại Côn Minh, 17/3/1945. Fenn kể lại (trang 51):

“It seems he has already met Hall, Blass and de Sibour (all OSS officers in Kunming) but got nowhere with any of them. I asked him what he wanted of them. He said – only recognition of his group (called Viet Minh League). I had vaguely heard of this as being communist and asked him about it. He said the French call all Annamites communists who want independence - Dường như ông ta (Hồ Chí Minh) đã gặp các ông Hall, Blass và de Sibour (tất cả là sĩ quan tình báo OSS tại Côn Minh) nhưng không biết các ông ấy ở đâu. Tôi hỏi ông muốn họ làm gì cho ông. Ông ta nói - chỉ cần sự nhìn nhận nhóm của ông ta (tức là Việt Minh). Tôi ngờ ngợ đã nghe về nhóm này, họ là công sản và tôi hỏi ông Hồ về vấn đề đó. Ông ta nói người Pháp gọi tất cả ngưòi Việt là cộng sản, những người muốn độc lập.”
Qua đây chúng ta thấy được điều gì. Đó là OSS (một tổ chức tình báo Mỹ tiền thân của CIA) lúc này đang giúp Việt Nam độc lập nhưng họ đã nghi ngờ Hồ Chí Minh là cộng sản. Trên thực tế thì Hồ Chí Minh là cộng sản, nhưng ông ta lại phải chối từ điều đó và đổ cho người Pháp vu oan. Đây là khởi điểm cho dã tâm núp bóng dân tộc để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản mà tôi đã đề cập đến tại phần 11. Rõ ràng chủ nghĩa cộng sản không bao giờ cho phép tồn tại khái niệm chủ nghĩa dân tộc vì chủ nghĩa cộng sản chủ trương “Vô tổ quốc, thế giới đại đồng” thì việc đảng cộng sản và Hồ Chí Minh tiêu diệt chính quyền dân tộc của ông Kim là điều hiển nhiên phải xảy ra. 
Thứ hai, Trên tờ “Cứu Quốc” (sau này đổi tên thành tờ Nhân Dân cho đến ngày nay đề tuyên truyền cho cộng sản Việt Nam) của Việt Minh ra ngày 29/8/1945, có đăng bản tin:

“Đêm 25-8-45, máy truyền thanh vang rạy khắp mọi phố, mọi ngả đường, mọi hang cùng, ngõ hẻm dục đồng bào đúng 11 giờ ngày 26 đi biểu tình nghênh tiếp một số ủy viên trong chính phủ lâm thời và phái bộ điều tra Mỹ mới về Hà Nội. Sôi nổi và thao thức mong đợi…, Anh Võ Nguyên Giáp bằng một giọng đanh thép, vạch rõ bổn phận của quốc dân trong lúc này là phải gấp đoàn kết, gạt bỏ hẳn tư tưởng đảng phái, tôn giáo, giai cấp, mau gây một tinh thần chiến đấu hùng hậu để đối phó với mọi tình thế gay go nghiêm trọng rất có thể xảy ra…”
Và chính ông Võ Nguyên Giáp khi nói về sự kiện này đã nói:

“chúng ta phải đoàn kết và thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để thực hiện sự đoàn kết đó, trong chính phủ lâm thời sẽ có thay đổi và mở rộng phạm vi để đón tiếp các vĩ nhân…”. 
Vấn đề ở đây là: Ai là vĩ nhân cần đón tiếp và tại sao phải đón tiếp phái đoàn của Mỹ? Xin được trình bày như sau. 
Ở đây vĩ nhân mà cộng sản đề cập tới là phái bộ Mỹ OSS (Office of Strategic Services) dẫn đầu là thiếu tá Archimedes Patti (Một sỹ quan tình báo đã từng hỗ trợ Hồ Chí Minh). Hồ Chí Minh và tập đoàn cộng sản cướp chính quyền Trần Trọng Kim ngày 19/8/1945, sau lúc Nhật bị hai trái bom nguyên tử của Mỹ bỏ tại Hiroshima và Nagasaki. Như bản tin trên, Việt Minh đang thành lập “chính phủ lâm thời.” Trước khi tuyên bố chính phủ một cách chính thức, phái đoàn Việt Minh vận động ráo riết để tìm phe ủng hộ. Không ai hơn là Mỹ. Thế nên, ngày 25/8/1945, trên các làn sóng, báo chí Việt Minh kêu gọi thúc giục dân ra đường ngày hôm sau, 26/8/1945, để nghênh tiếp phái bộ Mỹ OSS cùng phái đoàn Việt Minh. Chính phủ không do dân bầu ra thì ít nhất cũng phái có một quốc gia nào khác công nhận. Nếu không thì, không hơn không kém, cũng giống như một đảng cướp từ trong rừng ra thành dùng vũ lực cướp bóc rồi tự thành lập chính phủ cho mình. Do vậy mà “tình thế gay go nghiêm trọng rất có thể xảy ra” như lời Võ Nguyên Giáp nói. Điều này cho thấy tính bất chính của chính quyền do Hồ Chí Minh đứng đầu muốn lợi dụng Mỹ để công nhận sự hợp pháp cho hành động cướp chính quyền của ông Trần Trọng Kim. 
Cuộc biểu tình ngày 26/8/1945 để chuẩn bị cho ngày 2/9/1945 kết quả như thế nào? Phái đoàn Mỹ đã không có mặt tại cuộc biểu tình. Chắc chắn ông Patti được lệnh từ Washington khi biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một thành viên quốc tế cộng sản đang hoạt động tại Đông Dương. Liền đó, ông Hồ lập tức cho Võ Nguyên Giáp hướng dẫn một phái đoàn đến ngay chỗ cư ngụ của Patti tại Hà Nội. Xin trích nguyên văn đoạn sau đây trong sách “Why Vietnam” của Patti, in dưới một tấm hình, sau trang 234:

“26 August 1945, Hanoi. Ho Chi Minh sends an official delegation headed by Vo Nguyen Giap to welcome the American OSS mission to Hanoi. While the band plays the American National Anthem, Giap and his delegation join the author and the OSS team in saluting the American flag.” Đoạn này được dịch: “Hồ Chí Minh gửi một phái đoàn dẫn đầu bởi Võ Nguyên Giáp để nghênh tiếp nhân viên tình báo OSS của Mỹ tại Hà Nội. Trong khi giàn nhạc đánh bài Quốc Ca Hoa Kỳ, ông Giáp và phái đoàn của ông ta đứng cùng với người viết sách này (Patti) và đoàn OSS nghiêm chào cờ Mỹ.” 
Võ Nguyên Giáp (cavat) tiếp đón Thiếu tá tình báo Mỹ Archimèdes Patti

Như vậy có thể thấy ông Hồ và đảng cộng sản đã lợi dụng Mỹ để thực hiện việc hợp thức hóa chính quyền cướp công của mình nhưng đã bị người Mỹ nhận ra chân tướng. 
Thứ ba, trong những chuỗi hành động mưu mô của mình nhằm thủ tiêu chính quyền hợp hiến của ông Trần Trọng Kim. Ông Hồ và đảng cộng sản không qua được mắt của chính những đồng minh của mình. Trong cuốn sách của tác giả Hà Cẩn với tiêu đề “Mao Chủ tịch của tôi” được tôi giới thiệu ở Phần 9 cũng có đề cập đến sự việc này ở trang 145 như sau:

“Việt Minh muốn họ thể hiện vai trò chính yếu trong hệ thống chính quyền Việt Nam sau khi có chính phủ lâm thời. Chính Phủ Trần Trọng Kim cần phải bị loại bỏ trước khi họ gây hại cho phong trào cách mạng vô sản mà Mao Chủ Tịch đang dìu dắt Việt Minh…”

Các bạn có thể lật lại Phần 9 để thấy một cuốn sách đã được tái bản của người cộng sản Trung Quốc công nhận âm mưu loại bỏ đối thủ của mình mà Việt Minh và Hồ Chí Minh âm mưu nhằm thực hiện cuộc “Cách mạng vô sản mà Mao dìu dắt”
Thứ tư, chúng ta thấy gì trong sự việc Hồ Chí Minh dùng tuyên ngôn độc lập của Mỹ ngày 2/9/1945? Có hai lý do ở đây: Lý do thứ nhất đó là việc Hồ Chí Minh đạo ý tưởng (đã được nhiều tác giả đề cập) nhưng lý do thứ hai không kém phần quan trọng đó là: Núp bóng Mỹ nhằm công nhận chính quyền đi cướp công của mình. 
Như chúng ta đã biết, kết thúc thế chiến thứ hai, Mỹ được coi như quốc gia sáng giá. Pháp, Anh, Nga, Tàu bị kiệt quệ về nhiều mặt... Trong lúc Hồ Chí Minh là chủ tịch của chính phủ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" mà trên thực tế chưa có quốc gia nào công nhận. Không còn ai ngoài Mỹ mà ông Hồ muốn nhắm vào. Hồ Chí Minh là một người cộng sản đã có thành tích hoạt động trên 20 năm với tập đoàn cộng sản Liên Xô, Trung Cộng. Vì quá muốn Hoa Kỳ công nhận, nên Hồ Chí Minh đã có nhiều thủ thuật trước ngày 2 tháng 9: nhờ thiếu tá tình báo OSS Archimedes Patti vận động với chính phủ Hoa Kỳ, làm những cuộc biểu dương đoán tiếp vinh danh phái đoàn OSS (như đã trình bày ở trên). Và thủ thuật cuối cùng là dùng ngay lời trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Nhưng rồi, cuối cùng thì Hoa Kỳ đã không công nhận Hồ Chí Minh. 
Không ngừng ngay tại đó sau khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi, Hồ Chí Minh tiếp tục vận động, viết thư gửi lãnh đạo Hoa Kỳ. Đã có 8 lá thư từ 1945 đến 2/1946 ông Hồ gửi cho Tổng Thống Truman (một trong các bức thư đó tôi đã gửi tới bạn đọc ở Phần 11 làm bằng chứng). Trong những lá thư, nhất là những lá thư đầu ông Hồ đề cập tới nạn đói nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ, nhưng ông Truman đã bỏ qua không hề quan tâm. Lý do tại sao? Tổng thống Truman đã thừa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một đảng viên cao cấp của Đảng Quốc Tế Cộng Sản, mặc dù ông Hồ dấu kín quá trình hoạt động cộng sản, chưa bao giờ Hồ tiết lộ vấn đề này cho những người Mỹ biết, ngay cả trong giai đoạn làm tình báo cho OSS với bí danh Lucius. 
Kết Luận: Qua 4 dẫn chứng ở trên chúng ta thấy âm mưu hết sức thâm hiểm của Hồ Chí Minh nhằm hợp thức hóa sự cướp đoạt công lao của đảng cộng sản đối với chính quyền hợp hiến của ông Trần Trọng Kim. 
B. Ông Hồ Chí Minh và huyền thoại chống Pháp
1. Ban đầu ông Hồ và đảng cộng sản không hề chống Pháp: 
Người cộng sản cho rằng Hồ Chí Minh và cộng sản có công Chống Pháp, đuổi Nhật. Ở phần trên tôi đã chứng minh Hồ Chí Minh không đuổi Nhật mà thực ra do người Nhật bị đồng Minh giải giáp và cướp công của chính quyền ông Trần Trọng Kim. Vậy còn chống Pháp thì sao? Xin được trình bày sau đây.
Đầu tiên, trong cuốn sách “British in Vietnam: prelude to disaster, 1945-6”(đã giới thiệu ở phần trên) có đoạn viết về sự việc này. Ngay lúc này mới vào 3/1945, ý đồ bất chánh đã thấy manh nha. Ông Hồ chỉ cần Mỹ nhìn nhận Việt Minh để chuẩn bị cho ngày cướp chính quyền và thành lập "chính phủ." Ông ta cũng không dám xác nhận mình là cộng sản khi bị ông Fenn hỏi, rồi nhập nhằng đỗ thừa Pháp chụp cho cả khối người Việt đấu tranh đòi độc lập là cộng sản. Khi Fenn hỏi ông Hồ về vấn đề người Pháp tại Việt Nam thì ông ta từ chối việc tổ chức của ông ta chống Pháp. Việt Minh coi vấn đề chống Pháp không là nhu cầu cần thiết lúc bấy giờ. Hơn nữa Vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập sau khi Nhật đảo chánh Pháp. Ông Neville còn nhắc lại, ngay cả Trường Chinh tuyên bố (trang 52):

“...that the Japanese takeover marked the end of 87 years of French colonialism -Người Nhật lật đổ làm dấu hiệu chấm dứt 87 năm thực dân của Pháp,’ và ông Hồ cũng nói, ‘ The French wolf was finally devoured by the Japanese fascist hyena – Con chó sói Pháp đã bị ăn tươi bởi con chó sói fascist Nhật hung tợn hơn.”
Điều này cho thấy ông Hồ và đảng cộng sản đâu có coi người Pháp là kẻ thù? Và đâu cần chống Pháp. Thực tế kẻ thù họ coi trọng là người Nhật thì lại trao trả độc lập cho Việt Nam thông qua chính phủ của ông Trần Trọng Kim. Vậy thì trong tư tưởng của ông Hồ không hề có ý tưởng chống Pháp ban đầu.
Thứ hai, Thất bại ngay ngày 2/9/1945 khi không được Mỹ công nhận (phần nêu trên), Hồ Chí Minh tính sang một thủ đoạn khác, một kế sách khác: Đi đêm với viên đại diện Pháp, Jean Sainteny, mong Pháp quay đầu trở lại Việt Nam. Sainteny lại là đảng viên Đảng Xã Hội nên việc giúp Hồ, một thủ lãnh Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng không có gì vô lý. Hơn nữa, và quan trọng không kém, tại Pháp hiện trong giai đoạn này Đảng Xã Hội đang nắm quyền quốc hội, đứng đầu bởi thủ tướng Felix Gouin (1/1946 - 6/1946). Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản sau sát nhập như một.
Ngày 28/5/1946 phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Pháp dự hội nghị tại Fontainebleau. Hồ Chí Minh cũng sang Pháp, nhưng đi riêng. Như vậy là thế nào? Hồ đã đoán được Phạm Văn Đồng thất bại nên phải làm một kế sách khác để cứu vãn tình hình. Thật vậy, Hồ Chí Minh đã đoán đúng. Phái đoàn Phạm Văn Đồng lủi thủi ra về trước sự hờ hững của quốc hội Pháp. Tại sao có điều này?
Xin trích lại nguyên văn một đoạn sau đây trong “Đồng chí Hồ Chí Minh, tác giả cộng sản E-Cô-bê-lép (đã được giới thiệu ở phần 8), trang 323: 
"Những người cộng sản Pháp đã làm hết sức mình để buộc hội đồng chính phủ phải chú ý đến ý kiến của đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tiếc rằng, Đảng cộng sản Pháp không chiếm được ưu thế trong nội các. Mùa thu 1946, những kẻ tán thành đường lối cứng rắn đối với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm ưu thế trong các giới chính phủ Pháp. Chính vào lúc này vũ đài chính trị Pháp ngả về phe hữu. Trong cuộc bầu cử ngày 2 tháng 6, Đảng cộng sản và Đảng xã hội Pháp mất đa số trong quốc hội lập hiến và ủy ban hiến pháp, còn người đứng đầu chính phủ không phải là đảng viên xã hội như trước đây nữa mà là Bi-đôn, thủ lãnh Đảng phong trào cộng hòa bình dân thuộc phái tăng lữ."
Minh chứng này cho thấy gì? Hồ Chí Minh không chủ trương chống Pháp khi còn là Pháp thân cộng sản. Khi nước Pháp đã có một chính quyền dân chủ thì đảng cộng sản Pháp đã thất bại và âm mưu của Hồ Chí Minh cũng thất bại và ông ta phải đi sang Pháp trong một kế hoạch đi đêm mới. Vậy thực chất Hồ Chí Minh chỉ chống Pháp dân chủ sau này chứ không chống Pháp cộng sản.
Thứ ba, Giáo sư William Duiker (một người thiên tả) trong sách “Ho Chi Minh A Life cũng đã đưa ra hình ảnh và những chứng minh khoa học về hiện tượng Fontainebleau này (Ho Chi Minh, William Duiker, trang 426) tạm dịch như sau:

“Vào đầu tháng 6, 1946, đại diện nước Pháp, ông Jean Sainteny đưa Hồ Chí Minh đi từ thành phố Biarritz đến Paris để dự hội nghị hòa bình tại Fontainebleau. Tại đây, ông Hồ và Sainteny chờ đợi máy bay đến khi đang ngồi trong phi trường tại Paris. Sainteny, trong hồi ký của ông, đã ghi lại là Hồ Chí Minh tỏ ra lo sợ một cách lạ lùng trên vấn đề hội họp tại Fontainebleau.” 
Thật vậy, chẳng những ông Duiker diễn tả ông Hồ tỏ ra lo sợ một cách lạ lùng còn cho người đọc thấy hình ảnh Hồ chụp với Sainteny tại phi trường Paris với gương mặt vô cùng bất bình thường.

Vậy tại sao ông Hồ phải sợ? Đó là ông Hồ sợ chính phủ Pháp dân chủ không công nhận chính quyền của mình. Một chính quyền bất hợp pháp. Và như vậy ông ta đâu có chống Pháp lúc ban đầu mà còn mong muốn chính quyền Pháp công nhận.
Thứ tư, thêm một chứng minh hùng hồn khác trong sách “Hỏi và Đáp về Cuộc Đời và Sự Nghiệp của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Viện Bảo Tàng HCM, nxb Trẻ, 1999. “Hỏi: Tạm ước 14-9-1946 do ai ký? Nhằm mục đích gì? Đáp: Tạm ước 14-9-1946 do Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp. Đây là một sách lược ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm làm cho nhân dân ta có thêm thời gian để chuẩn bị toàn quốc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Rõ ràng, quốc hội Pháp nay không còn lãnh đạo bởi phe Đảng Xã Hội và Cộng Sản nữa nên việc “liên hiệp Pháp của Hồ Chí Minh coi như không thể thực hiện một cách lâu dài như dự tính trong Hiệp Ước Sơ Bộ. Bước đường cùng, ông Hồ tìm đến gặp Bộ Trưởng Thuộc Địa, ông Marius Moutet, cũng là đảng viên Xã Hội. Hồ Chí Minh gõ cửa nhà Moutet lúc 2 giờ sáng, 14/9/1946, để hai bên ký một “tạm ước", có tên “Modus Vivendi, trong đó gồm 11 điều khoản có lợi hai bên. Tuy nhiên, tạm ước này không có giá trị gì cả, bởi Moutet không phải là đại diện của quốc hội Pháp, ông chỉ là một viên chức của bộ thuộc địa mà thôi, cũng là phe cánh của Hồ Chí Minh thời gian Hồ còn bên Pháp hoạt động trong Đảng Cộng Sản.
Đảng cộng sản giải thích trong sách giáo khoa cho rằng Hồ Chí Minh có “sách lược ngoại giao tài tình" để “có thêm thời gian chuẩn bị thật quả đúng không sai chút nào. Nhưng sự thật đó là: Đi nài nỉ không thành công, biết mình đã bị bỏ rơi, bị “phe hữu" lên nắm quyền chống lại “phe tả (tức cộng sản) nên ông Hồ đâm ra bối rối, và trong cơn túng quẩn phải làm một cách vá víu là tìm gặp Moutet ký tạm ước vô giá trị này để “câu giờ. Nhiều sách báo của cộng sản cũng hay đề cập tới 4 tháng ông Hồ ở bên Pháp để vận động. Sách ghi khá chi tiết về những nhân vật Hồ Chí Minh gặp. Họ không ai khác hơn là các thành phần của Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản Pháp. Ngay cả lúc trở về Việt Nam, ngày 22 tháng 9, 1946, ông Hồ còn nương níu một lần chót bằng cách viết thư cho một “đồng chí người Pháp là bà Sô-Dít để mong bà ta giúp đỡ làm cách nào để Pháp hợp tác với “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Vậy thực chất ký tạm ước và viết thư xin Pháp hợp tác với “Việt Nam dân chủ cộng hòa là gì? Đó chính là việc muốn Pháp để cho yên thân cướp chính quyền và cai quản đất nước. Thực chất ban đầu ông Hồ và đảng cộng sản không chống Pháp từ ban đầu.
Thứ năm, trong cuốn sách nghiên cứu khá sâu sắc về quốc tế cộng sản “Chủ thuyết của chúng ta” của học giả A.Schenalder - một đảng viên đảng cộng sản CHDC Đức - được ấn hành tại Đông Đức năm 1981, trên trang 168 (Đã giới thiệu phần 11) có nói đến Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam được tạm dịch như sau:“Ông Hồ Chí Minh mong muốn người Pháp thừa nhận chính quyền của ông ta như một sự thừa nhận sự thắng thế của quốc tế vô sản hơn là việc chống lại người Pháp.” Qua đây cho ta thấy việc ông Hồ và đảng cộng sản mong muốn được người Pháp thừa nhận hơn là thực sự giải phóng dân tộc, chống Pháp như họ tuyên truyền.
2. Thực chất của sự kiện Điện Biên Phủ 1954: 
Nhưng vấn đề được đặt ra là tại sao lại có sự kiện Điện Biên Phủ 1954? Nếu không giải thích được lý do thực sự của cuộc chiến này thì chúng ta dễ bị đảng cộng sản lừa bịp rằng họ chống Pháp giải phóng dân tộc. Tôi xin trình bày sự kiện Điện Biên Phủ như sau. Thực chất thì đảng cộng sản và Hồ Chí Minh sau khi không đạt được mục đích thân Pháp như đã trình bày ở trên thì họ quay sang chống lại Pháp để tranh thủ sự ủng hộ và thúc ép của thế giới cộng sản nên mới có cuộc chiến phí người tốn của 1954. Nếu như không có chính quyền bất hợp pháp của cộng sản mà đứng đầu là Hồ Chí Minh thì chẳng có cuộc chiến đó và dân tộc ta không phải chịu hậu quả cho đến ngày nay. Xin được dẫn chứng như sau:
Đầu tiên, chúng ta tổng hợp lại các bài mà tôi đã trình bày thì thực chất ông Hồ Chí Minh chỉ là một  gián điệp của Tàu cộng nhằm nhuộm đỏ Việt Nam rồi Hán hóa từng bước. Như vậy Hồ Chí Minh sau khi không được Pháp ủng hộ và công nhận thì đã thực hiện triệt để yêu cầu của Trung cộng để đánh Pháp. Câu nói “Đánh cho Liên Xô, Trung quốc” đã nói lên toàn bộ sự việc này. Việc tướng Trung cộng Vi Quốc Thanh chỉ huy Điện Biên Phủ cũng đã minh chứng cho sự việc đó.
Thứ hai, vào tháng 6/1946, khi chính phủ mới của Pháp, dẫn đầu là thủ tướng Georges Bidault (6/1946 - 11/1946), đã công khai chống Hồ Chí Minh với lý do ông Hồ là cộng sản. Dẫn chứng được trình bày rõ mà E-Cô-bê-lép đã ghi trong sách được trích ở trên thì việc ông ta phải chống Pháp là điều đương nhiên. Nếu không chống Pháp thì đảng cộng sản và ông Hồ Chí Minh sẽ bị nhân dân lột mặt nạ “Thân Pháp” và chiêu bài dân tộc để lừa dối nhân dân ta nhằm nhuộm đỏ Việt Nam (Phần 11) sẽ bị bóc mẽ. Đó chính là lý do chính để ông Hồ và đảng cộng sản phải tuyên bố chống Pháp.
Thứ ba, Quay ngược trở lại tài liệu của Liên Xô. Trong cuốn sách có tên gọi tạm dịch ra tiếng Việt “Liên Xô- Trung Quốc và Việt Nam, vấn đề chưa được biết” của tác giả người Nga, Ruslan Kobachenko, nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu lịch sử Châu Á từng giảng dạy tại đại học Minsk-Nga, ông cũng là đảng viên đảng cộng sản Liên Xô) đã giới thiệu ở Phần 10). Cuốn sách này đã được nhà xuất bản Lịch sử của Liên Bang Nga xuất bản năm 1995, có đoạn trong trang 200 như sau: “Người Pháp đã mắc sai lầm lớn khi không chịu công nhận chính quyền cộng sản tại Việt Nam sau ngày 2/9/1945 và điều này dẫn đến thất bại của họ tại Điện Biên Phủ 9 năm sau đó...” Tại sao tác giả này lại coi việc Pháp không công nhận chính quyền cộng sản của Hồ Chí Minh là một sai lầm? Đó chính là việc dẫn đến sự trở mặt của Việt Minh dẫn đến sự kiện Điện Biên Phủ.
Sau đó tại trang 216, tác giả lại thêm: “Việt Minh cuối cùng cũng nhận ra rằng chống Pháp là nhiệm vụ hàng đầu để cho người dân Việt Nam công nhận sự thắng thế của chủ nghĩa cộng sản. Đoạn trích này minh chứng cho việc Cộng sản Việt Nam đã nhận ra việc cần thiết phải chống Pháp như một sự tất yếu đề nhuộm đỏ Việt Nam mà ngay chính cả Liên Xô cũng nhận ra.
Kết luận: Như vậy qua 3 dẫn chứng cho thấy Hồ Chí Minh thực chất chỉ chống Pháp khi ông ta không thân được với Pháp và sự kiện chống Pháp sau này mà tiêu biểu là cuộc chiến tại Điện Biên Phủ chỉ là tấm phông cho bộ mặt thật theo cộng sản nhuộm đỏ Việt Nam của ông Hồ. 

Kết Luận Chung: 
Qua các dẫn chứng của đảng cộng sản Việt Nam, Đức, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều dẫn chứng của phía Mỹ, trung lập cũng như thân cộng cho thấy: 
- Việt Nam đã được Nhật trao trả độc lập sau khi Nhật đuổi Pháp thông qua chính quyền Trần Trọng Kim. 
- Chính phủ của ông Trần Trọng Kim là một chính quyền hợp hiến, vì dân, vì nước không phải bù nhìn như cộng sản chụp mũ. 
- Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản tìm mọi cách để được Mỹ và Pháp công nhận chứ không phải chống Mỹ, đuổi Pháp như họ thường ngụy xưng. Nhưng khi bị phát hiện ra cái đuôi cộng sản họ quay sang làm chư hầu cho Liên Xô và đặc biệt là nô lệ cho Trung cộng để đánh Pháp nhằm che đậy âm mưu cộng hóa, Hán hóa, nhuộm đỏ Việt Nam. 
- Cuộc Chiến Điện Biên Phủ và sau này là cuộc Chiến tranh Nam Bắc sau này sẽ không xảy ra gây đau thương cho dân tộc nếu có một chính phủ không cộng sản ở Việt Nam. 
- Không có cộng sản đất nước ta vẫn có độc lập và không cần đổ máu, tốn kém tài nguyên, mất biển đảo cho Trung cộng. 
Như vậy chúng ta có thể thấy “Mùa thu độc lập” mà đảng cộng sản rêu rao công trạng là ngụy tạo, cướp công của người khác, lừa dối dân tộc và cộng hóa, Hán hóa Việt Nam đồng thời gây đau thương chiến tranh cho dân tộc. Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân Việt Nam về sự việc này. Không có đảng cộng sản đất nước chúng ta sẽ độc lập và hùng mạnh chứ không chịu sự “đô hộ” của Trung cộng như hiện nay chúng ta đang thấy. 
Chính sửa và hoàn thiện: 01/08/2012 
P/S: Xin chân thành cảm ơn tác giả Truyền Tấn và Dân Làm Báo đã cung cấp thêm tài liệu về tội ác Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam. Tôi đã biết cuốn sách mà tác giả Truyền Tấn giới thiệu nhưng chưa có thời gian nghiên cứu, nhưng trong tương lai gần nó sẽ giúp ích trong việc bổ xung tài liệu tố cáo Hồ Chí Minh. Tôi mong muốn được tất cả bạn đọc góp thêm nhiều tài liệu để sớm đưa sự thật ra trước ánh sáng nhằm đưa nhân dân Việt Nam khỏi vòng kiềm tỏa của cộng sản bán nước.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire