TRÚC MAI
TIẾNG HÁT TRANG CHÂU MƠ HÓA BƯỚM
Vào ba năm chót của thập niên 50, phòng trà Hòa Bình gần Bùng Binh Sài Gòn có những ca sĩ nồng cốt là Bạch Yến, Bích Chiêu, Thùy Nhiên và Thái Xuân, Yến Hương, Trúc Mai. Sau khi Yến Hương và Thái Xuân lần lượt rời khỏi phòng trà này thì đã có Ngân Hà và Bạch Quyên thay thế. Hát nổi đình nổi đám nhất là Bạch Yến và Bích Chiêu. Có giọng kim quyến rũ nhất là Thùy Nhiên và hiền lành nhất là Bạch Quyên. Mảnh mai kiều nhược nhất là Ngân Hà. Nhưng còn đẹp nhất phải nói là Trúc Mai.
Đối với tôi, thuở đó Trúc Mai là một giọng hát mới ra nghề, vì tôi chưa hề nghe cô hát trên làn sóng điện lẫn trong đĩa nhựa và chưa được nghe báo chí nhắc tới cô. Giờ đây, trên 40 năm qua, nhắc tới Trúc Mai trong một cuộc điện đàm, nữ ca sĩ Quỳnh Giao có cho tôi biết: “ Theo Quỳnh Giao, Trúc Mai hát khá hơn một cô ca sĩ sinh viên đã từng nổi tiếng từ 1962 trở về sau. Chị ấy hát trước sau bằng giọng thật, không bẻ qua giọng mái. Giọng Trúc Mai ấm áp. Ngặt một nỗi chị ấy cứ hát các ca khúc theo thể điệu bolero hoài nên khán thính giả sành điệu không biết được cái đẹp của giọng hát chị ấy ”.
Tôi chợt nhớ:
- Tôi có nghe Trúc Mai hát bản “ Chiều Tàn ” của Lam Phương, khi lên cao, cô ta hát chẳng những không gãy mà còn khá trơn.
Quỳnh Giao nhấn mạnh:
- Đó cũng là ca khúc theo thể điệu bolero.
Tôi nhớ hình như Trúc Mai khi hát bản đó đổi theo thể điệu rumba lente thì phải. Nhưng thật ra điệu bolero hay điệu rumba lente đều là loại nhạc vũ trường làm sao có thể đằng vân lên chỗ thính phòng cao sang thanh thoát được? Tuy nhiên có những bản bolero rất tuyệt vời, rất nghệ thuật một cây xanh dờn như bài “ Bolero ” của Ravel mà điện ảnh gia Claude Lelouch đã làm nhạc phông ( musique de fond ) cho cuốn phim “Les Uns Les Autres” của ông ta. Lại nữa, ca khúc “ Xóm Đêm ” của Phạm Đình Chương vốn là một nhạc phẩm có giá trị há không theo thể điệu bolero hay sao ? Cho nên bản “ Chiều Tàn ” đối với tôi dù có theo thể điệu bolero đi nữa thì vẫn là một ca khúc đẹp xuất sắc trong số nhạc phẩm của Lam Phương. Và cũng như Túy Hồng, Trúc Mai hát bản đó rất điệu nghệ.
Trở lại những năm đầu của phòng trà Hòa Bình. Thường mỗi tối, khi Bạch Yến và Bích Chiêu đến đó trình diễn đều có bà mẹ của mỗi cô đi theo chăn giữ. Một ẩm khách mặt “ngầu” sau khi chiêm nghiệm nhan sắc từng nữ ca sĩ của phòng trà Hòa Bình, bảo tôi:
- Người đáng được mẹ theo chăn giữ phải là Trúc Mai chớ. Coi kìa, khách đực rựa tới đây ai cũng thích nghe Bạch Yến và Bích Chiêu hát, nhưng thiệt ra họ thích ngắm Trúc Mai hát đúng hơn. Cổ đẹp quá mà ! Ngắm cổ hát rồi họ trồng cây si luôn ở đây. Hiểm nghèo cho cổ lắm đa ! Cổ chẳng những cần có mẹ theo bảo vệ mà cần phải có vệ sĩ hoặc cảnh sát hộ tống để chống cự nếu rủi có tên du côn si tình nào đó muốn làm ẩu với cổ.
Tôi nhìn Trúc Mai rự rỡ trong chiếc áo dài màu hồng phấn đang hát bài “Kiếp Hoa” của Dương Thiệu Tước trên bục cao, bảo anh bạn ẩm khách:
- Rủi tên vệ sĩ động lòng thỏ dạ chồn, rủi rồi viên cảnh sát động lòng dơi dạ chuột thay phiên làm ẩu cô thì sao ?
- À, vậy để tui dạy cho mẹ cổ và cổ vài miếng võ phòng thân.
Tôi đốp chát ngay:
- Rủi anh động lòng beo dạ cọp xơi tái cô thì sao?
Nói thế thôi chứ Trúc Mai có một nhan sắc để đàn ông thương mến, chớ không để đàn ông “động lòng thỏ dạ chồn” hay “ động lòng dơi dạ chuột ” hoặc “ động lòng beo dạ cọp ” gì gì ráo. Cô có vóc vạc không cao không thấp, khuôn mặt tròn, sống mũi dọc dừa, cặp mắt lóng lánh ánh thu ba, cặp mày tỉa hơi mỏng, cặp môi mủm mỉm. Thuở đó, các phụ nữ Sài Gòn theo thời trang sát nút thường vẽ cặp mày dầy cỡ 5 ly để được giống Elizabeth Taylor trong phim “ The Last Time I Saw Paris ” hoặc để được giống Audrey Hepburn trong phim “ Sabrina ”. Nhưng Trúc Mai vẫn tỉa cặp mày hơi mỏng, uốn theo nét cong của đôi mắt. Thuở đó, phụ nữ ưa mặt áo in những bông hoa không rõ nét, in những đốm, những vệt, những tảng màu không ra hình thù gì cả. Trúc Mai trái lại mặc áo dài chỉ một màu thuần nhất, không in hoa, không thêu hoa, và cũng không dính sao lấp lánh như loại áo của nữ ca sĩ đàn chị Ánh Tuyết. Tuy thế, cô vẫn chọn màu tươi sáng để may mặc : màu hường ửng tím của những cánh sen Tây Vực, màu hoàng yến sóng sánh nắng đẹp đầu xuân, màu hoàng cúc đậm đà thắm thiết, màu cát thúy như da trời quang đãng tiết xuân phân, màu hồng phấn như màu vóc nhiễu nhập cảng từ bên Thượng Hải, màu ngọc thạch như màu lá chuối vừa nẩy nở trên bẹ nõn nà, màu thúy ngọc vừa xanh thăm thẳm vừa sáng lóng lánh như mắt của Nữ Hoàng điện ảnh Michèle Morgan của xứ Pháp.
Giữ lúc Thái Thanh đeo cả một hiệu kim hoàn vào người để chường mặt dưới ánh đèn sân khấu thì Trúc Mai chỉ đeo loại nữ trang bằng vàng pha đồng: bông tai kiểu phổ thông, vòng tay kiểu thường, sợi dây chuyền có gắn miếng mề-đai hình chữ Thọ khắc theo lối Triện … Cô không ăn diện theo nữ sinh mà cũng không ăn diện theo nghệ sĩ. Cô ăn diện theo các thiếu nữ thuộc giai cấp trung lưu vừa rời khỏi nhà trường để trở thành các công chức, các cô giáo dạy trường tiểu học. Tuy nhiên trên sân khấu nhỏ của phòng trà hay trên sân khấu lớn trong chương trình Đại nhạc hội, màu áo và màu trang điểm của cô chẳng những không bị ánh đèn nuốt chững mà trái lại chúng còn lồ lộ vẻ thắm thiết và tươi rỡ rỡ biến cô thành một bông hoa nổi bật trên nền huyết dụ của bức màn nhung.
Hồi còn cộng tác với phòng trà Hòa Bình, Trúc Mai nổi tiếng qua bản “ Bambino ”, một bản ruột của danh ca Dalida. Bản này cũng đã được Kim Vui và Tuyết Hương hát, vậy mà chỉ có Trúc Mai được khán thính giả tán thưởng và được báo chí nói tới dù tiếng hát của Kim Vui rất là vang lộng. Có lẽ khi hát bản nầy, ngoài giọng hát dễ thương ra, Trúc Mai còn có dáng dấp tươi trẻ, khuôn mặt thật xinh xắn dễ thương chăng ? Tiếng hát của Trúc Mai thanh thanh và mỏng nhẹ. Cách trình bày các bản nhạc khác ngoài bản “ Bambino ” rất thờ ơ uể oải, ngay cả các bản Việt Nam. Có lẽ cô tin tưởng ở tiếng hát của mình vốn đã có sẵn tính chất gợi cảm rồi, cô cần chi than van nức nở, cần chi ưỡn ẹo làm nũng làm duyên với khán thính giả. Cô cũng ngân nga ; chuỗi ngân kéo dài tới đâu cô cũng chẳng quan tâm. Khán thính giả sở dĩ yêu mến giọng hát của cô ở chỗ thanh ngọt như nước cam vắt pha mật ong, không một dấu vết điệu đà nũng nịu nào. Và khi cô hát, cô cũng không cười cầu tài với khán giả, cũng chẳng liếc tống tình phe râu mày, cũng chẳng làm mặt đưa đám ma khi hát một bài ai oán não nùng. Cô chỉ tạo một niềm vui đằm thắm, một chút ánh sắc linh hoạt trên khuôn mặt điềm đạm của mình mà thôi. Dường như cô hát cho cô, chứ không nhắm vào một đối tượng nào, một thành phần nào để hát.
Nhưng vào năm 1965, trong một buội Đại nhạc hội do ông bầu Duy Ngọc tổ chức, Trúc Mai đã làm cho giới yêu nhạc phải bàng hoàng sửng sốt khi hát bài “ Hàn Mặc Tử ” của Trần Thiện Thanh. Khi cô hát dứt, tiếng vỗ tay, tiếng la hét tán thưởng nổi lên như dậy sóng, như tiếng thính giả trong diễn trường hoan hô tài hùng biện của diễn giả trên diễn đàn. Vài hôm sau, báo chí nồng nhiệt ca tụng cô. Cô diễn tả một bài hát không có phẩm chất bao nhiêu bằng một giọng hát đằm thắm, bằng một ý tình súc tích, bằng một sắc thái gợi cảm một cách tiềm ẩn và thâm thúy. Bài hát này tháp vào tên tuổi cô phép cân đấu vân của Tôn Hành Giả để bay lên đỉnh danh vọng cao chót vót.
Bởi bài hát “ Hàn Mặc Tử “ nhờ Trúc Mai mà nổi tiếng nên từ hai câu hát trong bài này là:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Bị các “ chị em ta ” trong các snack bar ( bọn tục tử chúng tôi gọi là sờ-nách-ba ) sửa lại thành:
Ai mua trinh tôi bán trinh cho
Trinh nằm yên trên nệm mouse đợi chờ
Không ai lấy làm lạ rằng về sau, Trúc Mai ưa hát các ca khúc theo thể điệu bolero của Trần Thiện Thanh, Hoài Linh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, Anh Chương, Anh Thy ..v..v.. . Ở bài “ Tuyết Trắng ” của Anh Chương, cô hát cũng khá quyến rũ. Cho nên càng lúc cô càng xa những nhạc phẩm có giá trị. Nhạc phẩm theo thể điệu bolero đã đưa tiếng hát cô đi sâu vào tâm hồn quần chúng, đi sâu vào niềm ái mộ của họ, tiếc thay chúng trì níu cặp cánh của tiếng hát đó, không cho nó bay lên giới sành điệu và không cho nó trở lại những nhạc phẩm có giá trị.
Tiếng hát của Trúc Mai êm như mộng đẹp, lộng lẫy sắc màu như cõi ảo tưởng của những kẻ đang độ yêu đương, đang độ nhìn đời qua những trang sách thần tiên. Người nghe có cảm tưởng tâm hồn mình hóa thành bướm bay lên cõi lãng uyển bồng lai nào đó qua hai câu thơ của Lý Thương Ẩn trong bài “ Cầm Sắt ” :
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục Đế xuân tâm thác đỗ quyên
Tiếng hát đó có cái sang trọng quý phái riêng, có cái trong ngời làm người nghe thanh thản. Họ nhìn thấy chung quanh mình ánh nắng thêm tươi vàng, cỏ cây thêm thắm biếc, bông hoa thêm ý nhị, con người thêm dễ thương. Dù cô hát những bản buồn đi nữa thì nỗi buồn trong bài hát quá mơ hồ cho nên thính giả chỉ tìm gặp cái dễ thương, đằm thắm ý tình ở trong ấy mà thôi. Nó đến với chúng ta bằng cơn gió không phơi phới xôn xao, cũng không thê thiết lạnh lùng mà chỉ hiu hiu mỏng nhẹ mơn trớn tà áo thiếu nữ, âu yếm vuốt mái tóc bồng của chàng thi sĩ mới sáng tác những bài thơ như lứa trái chín đầu mùa.
Trúc Mai đem tiếng hát dễ thương của mình ra hải ngoại để hành nghề ca hát thêm 15 năm nữa. Cô giải nghệ trước khi phong trào băng hình bộc phát ( có lẽ tạm đúng hơn ). Nhưng đâu đó, tiếng hát của cô rải rác trong một số băng nhạc hùng hậu của các trung tâm ở hải ngoại. Nó vẫn còn gợi lại cho họ thời tân nhạc bắt đầu đi sâu vào quần chúng......... Thuở đó, qua bài “ Hàn Mặc Tử ”, tiếng hát của cô ghi một vết son tươi thắm trong lịch sử ca nhạc nước nhà.
Hoa Bướm Ngày Xưa
Chiều Hoang Vắng
Cho Tôi Sống Lại Một Ngày
Về Miền Tây
Hương Giang Còn Tôi Chờ
Trúc Mai / Kể Chuyện Trong Đêm
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire