lundi 7 octobre 2013

Ca Nhạc Sĩ Duy Khánh


Duy Khánh (1938-2003)
một giọng ca vàng truyền cảm
đầy tình tự dân tộc


Lưu đày trên quê nhà:



Sau biến cố 30 tháng tư 1975, tôi gặp anh một lần tại nhà anh Nguyễn Văn Dục, là người anh kế Duy Khánh. Sau đó, tôi vào trại tù cải tạo ròng rã 10 năm, còn anh ở lại lăn lóc với cuộc sống mới không lối thoát. Xin đừng ai trách anh đã sáng tác bản Sao Ðành Bỏ Quê Hương để Việt Cộng dùng làm lợi khí tuyên truyền khi những làn sóng ngươi bò nước ra đi tìm tự do. Là một ca sĩ chuyên nghiệp, là một người lính Chiến tranh Chính trị, lại thuộc một gia đình mà Việt Cộng đánh giá đại phản động; tất cả anh chị em, người thì đã ra đi, người thị bị tù cải tạo lâu dài, mọi phương kế sống của anh bị phong toả hoàn toàn. Anh cô đơn và tuyệt vọng thực sự. Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mượn danh Thông Tin Văn Hóa địa phương lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước 1975, như các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, và các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến v.v... rất thành công.

Lúc đó anh làm được rất nhiều tiền, đời sống có phần khá hơn trước nhiều, nhưng tâm trạng vẫn là buồn. Anh uống quá độ và có lẽ do đó gây ra bệnh tình hôm nay.

Tôi có nghe nói đến bản nhạc Ðiệu Buồn Chia Xa nhưng không rõ ra đời tại Mỹ vào năm nào nào. Nhưng khi xem anh hát bài Người Lính Già Xa Quê Hương, tôi thấy hình ảnh của chính mình trong tương lai. Ngậm nhấm nỗi căm hờn mà nhìn ngày tháng đi qua nhanh trên đất khách quê người; tưởng lại một thời oanh liệt xưa và ước mong một ngày về tươi sáng.

Tôi gặp lại anh năm 1988 tại Vũng Tàu. Khi này anh đã thành hôn với chị Thúy Hoa. Anh ra Vũng Tàu tổ chức nhạc hội rất thành công. Người miền Nam vẫn hâm chuộng giọng ca tuyệt vời của anh. Anh cũng thăm dò đường vượt biên nhưng thấy vô cùng hiểm nguy. Lúc đó đã có chương trình đoàn tụ và HO, nên tôi khuyên anh nán chờ.



Những ngày cuối đời:



Duy Khánh đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10-8-1988 qua sự bảo lãnh của người em là Nguyễn Thị Giáng Tuyết. Trên đất tự do, lần cuối cùng tôi đến thăm anh trong một căn nhà nhỏ ở Anaheim, Orange County, năm 1994. Ở đây anh sống hơi chật vật cùng chị Thúy Hoa và ba con, một trai và hai gái. Anh đã trông xuống sắc lắm. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của những năm dài sống trong chế độ Cộng sản. Buồn và vô vọng, anh đã uống nhiều rượu. Các loại rượu quốc doanh toàn là chất độc hoá học mà các công ty nhà nước làm ăn cẩu thả miễn sao thu được nhiều lợi nhuận. Anh có vài lần ngõ ý muốn đi Austin hát, và nhờ tôi tổ chức giùm các chương trình nhạc hội. Tôi phần không có khả năng tổ chức, phần e rằng giọng hát của anh không được giới trẻ ưa chuộng nên chỉ ầm ừ qua chuyện. Nghệ sĩ sân khấu hay điện ảnh khi về chiều, còn có thể đóng các vai lão. Còn ca sĩ khi đã lớn tuổi, làn hơi không còn phong phú, thì khó kiếm được chỗ đứng cạnh tranh cùng các ca sĩ mới lên tươi tắn và giọng ca trong trẻo. Người nghệ sĩ biết dừng lại vào lúc mình đạt đến tột đỉnh vinh quang của nghệ thuật là hay nhất. Vì luôn luôn để lại trong lòng người hâm mộ hình ảnh huy hoàng nhất, tươi đẹp nhất của mình.

Tôi có nghe anh hát trong vài băng nhạc Asia và đĩa CD. Nghe anh mà lòng cứ tê tái, nước mắt cứ chực tuôn trào vì giọng ca của anh vẫn còn còn phong phú và truyền cảm như xưa. Nghe anh mà hình dung hình ảnh quê nghèo và những người nông dân tả lơi lam lũ trên cánh đồng đã cằn cỗi vì nắng hạ mưa đông. Nghe anh để tưởng như những âm thanh trầm bổng của chuông chùa Thiên Mụ vang lên trong buổi chiều tịch mịch bên dòng sông Hương. Nhưng ngoại hình anh thì không còn ăn ảnh nữa. Khuôn mặt anh đã nhiều nếp hằn nhọc nhằn năm tháng chồng chất. Anh vẫn phải hát, vì ngoài tình yêu gắn bó của nghệ thuật, đó còn là sinh kế của anh. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ!

Bạn bè đã hết lòng vì anh. Một tháng trước ngày anh mất, ngày 10 tháng 1, họ đã tổ chức một nhạc hội khiêu vũ mang chủ đề Tạ Tình Tiếng Hát và Giòng Nhạc Duy Khánh với sự góp mặt của các nam, nữ ca sĩ như: Thanh Thúy, Thanh Mai, Kim Tuyến, Nguyễn Hưng, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo, Bảo Yến... thu hút khoảng 600 khách mộ điệu tại vũ trường Majestic, Huntington Beach. Ðêm nhạc hội thành công vượt ngoài sự mong ước của ban tổ chức.

Sau nhiều năm tháng ra vào bệnh viện vì những căn bệnh trầm kha, Duy Khánh đã từ giã gia đình và bạn bè, khán giả hâm mộ để đi vào miền vĩnh hằng vào lúc 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California. Anh hưởng thọ 65 tuổi (1938-2003). Tang lễ của anh đã quy tụ hầu như tất cả giới văn nghệ sĩ Việt Nam tại hải ngoại; trong đó Phạm Duy đã nói lên những tâm tình dầy yêu thương trìu mến và khâm phục đối với anh, một người em, một người bạn mà nhờ đó nhạc của Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ khác đã đi vào bất hủ.
Đỗ Văn Phúc

Tưởng Niệm tiếng hát Duy Khánh
    
 
 
Tiếng hát DUY KHÁNH 
 

Người Lính Già Xa Quê Hương (Duy Khánh)


Đi Tìm Bóng Mát Quê Hương



Tiếng Hát Và Tác Phẩm (Duy Khánh)



Quê Ta Ơi (Duy Khánh)



Sớm Muộn Tôi Cũng Về



Ngày Con Về (Duy Khánh)



Lính Và Đời Lính (Duy Khánh)



Gửi Người Về Cát Bụi (Duy Khánh)



Hòn Vọng Phu (Duy Khánh)



Tạm Biệt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire