Bàn về tẩy não - Trần Trung Đạo
Trần Trung Đạo (Danlambao)
- Tẩy não hay kiểm soát tinh thần là một tiến trình làm thay đổi nhận
thức và niềm tin trong con người, qua đó một người hay một nhóm người sử
dụng các phương pháp phi đạo đức để khuất phục kẻ khác làm theo các
quyết định của một người hay của một nhóm người đó. Khái niệm tẩy não
được biết đến từ lâu qua các tà đạo, chiến tranh, tình báo, tuy nhiên
chỉ dưới các chế độ Cộng Sản kỹ thuật này mới được nâng lên thành quốc
sách và được thực hiện một cách triệt để, có hệ thống, bao trùm mọi lãnh
vực xã hội và trong mọi tầng lớp nhân dân.
Tẩy não một người
Chính sách tẩy não nhắm vào từng cá nhân được phát hiện lần đầu tiên qua
hành vi của các tù binh Mỹ bị Trung Cộng bắt trong chiến tranh Triều
Tiên. Một số binh sĩ Mỹ sau khi được trao trả đã thay đổi hoàn toàn cách
suy nghĩ, thái độ và cả hành động. Tác giả Edward Hunter phỏng vấn
nhiều tù binh bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não và ghi lại trong
tác phẩm gây tiếng vang lớn Tẩy não tại Trung Cộng (Brainwashing in Red
China) xuất bản 1951. Nhà báo Edward Hunter trong tác phẩm Tẩy não, câu
chuyện của những người đã thách thức nó (Brainwashing, The Story of Men
Who Defied It) xuất bản 1956 cũng mô tả nhiều trường hợp những lính Mỹ
bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não.
Một vài trường hợp điển hình như Đại Tá Frank H. Schwable sau khi bị tẩy
não đã lên đài phát thanh Trung Cộng tố cáo chính phủ Mỹ phát động
chiến tranh vi trùng hoàn toàn tưởng tượng chống lại nhân dân Triều Tiên
hay trường hợp Trung Sĩ Claude Batchelor từ chối trở lại Mỹ. Nhiều cựu
tù binh, ngoại trừ giọng nói là của họ, từ câu văn đến dấu phẩy, dấu
chấm, cách lên giọng, xuống giọng đều giống như vẹt đã được huấn luyện
thuần thục.
Năm 1957, nhà xã hội học Albert D. Biderman trong bản tin của Viện Hàn
Lâm Y Khoa New York đã liệt kê 8 biện pháp mà các quốc gia Cộng Sản dùng
để tẩy não một người gồm (1) cô lập, tước đoạt mọi nguồn ủng hộ, làm
cho nạn nhân tùy thuộc vào kẻ tẩy não (2) độc quyền hóa khả năng nhận
thức, tập trung sự chú ý vào một mối quan hệ giữa kẻ tẩy não và nạn
nhân, (3) làm suy yếu khả năng đối kháng về mặt tinh thần cũng như làm
kiệt quệ về thể lực, (4) đe dọa, trồng cấy sự lo lắng, bất an và tuyệt
vọng vào ý thức của nạn nhân, (5) ban đặc ân để khuyến dụ sự tuân hành,
(6) làm cho thấy việc chống lại chỉ là hành động vô ích mà thôi, (7)
phát triển một thói quen tuân phục, (8) chứng tỏ việc phản kháng chỉ làm
thiệt hại cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện.
Các phương pháp tẩy não của Trung Cộng đã làm quốc hội Mỹ phẫn nộ.
Edward Hunter và nhiều tác giả khác đã được mời ra điều trần trước quốc
hội Mỹ. Dù sao, nhờ cuộc chiến Triều Tiên mà nhân loại mới biết nhiều
hơn về tẩy não, được gọi một cách văn hoa là “cải tạo tư tưởng” tại
Trung Quốc và các nước CS, trong đó có Việt Nam.
Tẩy não một dân tộc
Những năm sau 1990, nhiều nhà sử học, nhiều nhà phân tích đổ xô đi tìm
lý do tại sao phong trào CS thế giới sụp đổ, nhưng cũng có nhiều nhà
phân tích, nhà sử học khác cho rằng việc truy tìm hiểu lý do là thiếu
khoa học, chủ nghĩa CS sụp đổ là chuyện đương nhiên, câu hỏi đúng nên
đặt ra là yếu tố gì đã giúp CS tồn tại đến hơn 70 năm tại Liên Xô và các
nước Đông Âu. Phần lớn đồng ý là chính sách tuyên truyền tẩy não là cây
cột chống đỡ chế độ CS. Có người còn cho rằng tẩy não đồng nghĩa với
CS, đơn giản vì không có tẩy não, chế độ CS đã sụp đổ từ lâu lắm chứ
không đợi đến thập niên 1990.
Hai cơ quan cầm đầu chính sách tẩy não tại các quốc gia CS là Ban Tư
Tưởng Trung Ương Đảng (Việt Nam gọi là Ban Tuyên Giáo Trung ương) và Ban
Tổ Chức Trung Ương Đảng. Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng CS kiểm soát toàn
bộ đời sống tinh thần của đất nước bằng một chính sách tuyên truyền
tinh vi và có hệ thống khống chế tuyệt đối mọi lãnh vực từ truyền thanh,
truyền hình, báo chí đến phim ảnh, bích chương, hội họp, nghệ thuật,
nhà hát, sách vở v.v... Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng là cơ quan bảo vệ sự
sống còn của đảng CS như một tổ chức chính trị và đóng vai trò “tham
mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và
thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách
lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ của hệ thống chính trị; đồng thời là
cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của
Trung ương”. Tại các quốc gia CS, không một sinh hoạt xã hội nào thoát
khỏi sự kiểm soát của hai cơ quan nêu trên.
Để tẩy não một dân tộc đảng CS thay đổi mọi giá trị và nền tảng văn hóa,
lịch sử và truyền thống dân tộc, nói chung phải xây dựng những con
người tuân phục và đất nước tuân phục. Bộ máy tuyên truyền CS nặn ra
nhiều khái niệm chưa từng có trước đó “con người mới”, “xã hội mới”,
“văn hóa mới”, “anh hùng lao động”, “lãnh tụ kính yêu”. Cái gì cũng mới
nhưng thực chất đều là giả tạo. Tại các quốc gia Đông Âu ngày nay, các
“anh hùng” do các đảng CS dựng lên bị khám phá là sản phẩm tuyên truyền
và bị xóa bỏ. Đảng không chỉ có khả năng thay đổi hiện tại, vẽ ra một
tương lai nhưng còn có khả năng thay đổi cả quá khứ của cả dân tộc. Lịch
sử một dân tộc được viết bằng sử quan của đảng CS và được giải thích
phù hợp với đường lối, chính sách của đảng CS trong từng thời kỳ chứ
không phải là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thăng trầm, vinh
quang và thống khổ của dân tộc. Bộ máy tuyên truyền CS chi phối không
chỉ trong các sinh hoạt nhân văn, xã hội mà cả khoa học tự nhiên như
trường hợp lý thuyết kế thừa giống lúa của Trofim Lysenko trong sản xuất
lúa tại Liên Xô những năm 1930, tuy không làm sản lượng lúa tăng được
bao nhiêu nhưng đảng đánh bóng y thành một thiên tài.
Có người cho rằng chế độ CS thực chất là chế độ phong kiến hiện đại
nhưng so sánh đó không hoàn toàn đúng, ít ra về mặt danh xưng. Khác với
các triều đại phong kiến, các vị trí xã hội dưới chế độ CS thường được
đặt ngược. Những kẻ ăn trên ngồi tróc, thực sự làm chủ đất nước, nắm
trong tay quyền sinh sát cả dân tộc lại được gọi là “đầy tớ nhân dân”
trong lúc những tầng lớp cùng đinh trong xã hội, sống không một túp lều
tranh để ở và chết không một chiếc chiếu để bó xác lại bị gán cho một
danh xưng rất đẹp “chủ nhân của đất nước”.
Đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia cũng làm cho chính sách tẩy não thực
hiện tại châu Âu và châu Á khác nhau chút ít. Châu Âu như Liên Xô và các
nước CS Đông Âu đặt nặng yếu tố vật chất, thể xác trong lúc Trung Cộng,
Việt Nam yếu tố tư tưởng, tinh thần được chú trọng nhiều hơn. Một đối
tượng tẩy não bị bắt tại Liên Xô sẽ bị hành hạ thể xác cho đến khi thú
nhận những tội ác dù không làm, thừa nhận là sự thật dù biết đó là giả
dối trong lúc tại Trung Cộng và CSVN đối tượng đó sẽ bị “cải tạo tư
tưởng” cho đến khi gục quỵ xuống mới thôi.
Tẩy não một quốc gia thù địch
Kiểm soát tạm thời hành vi và ý chí của một cá nhân có thể chỉ cần một
thời gian ngắn như trường hợp các tù binh Mỹ trong chiến tranh Triều
Tiên nhưng kế hoạch của Liên Xô nhằm tẩy não nước Mỹ cần nhiều chục năm.
Tại sao phải cần đến vài chục năm, theo Yuri Bezmenov cựu nhân viên KGB
đào thoát và được định cư tại Canada năm 1970, giải thích đó là thời
gian cần có để xây dựng một thế hệ con người trung thành với lý tưởng CS
ngay tại Mỹ.
Yuri Alexandrovich Bezmenov là một cựu nhân viên KGB hoạt động tại Ấn Độ
trong thập niên 1960. Cha của ông là một lãnh đạo cao cấp của tổ chức
KGB. Năm 17 tuổi ông theo học ngành ngôn ngữ học tại đại học Moscow
State University do KGB trực tiếp kiểm soát. Nhiệm sở đầu tiên sau khi
tốt nghiệp của Yuri Bezmenov là Ấn Độ với trách nhiệm thực thi các chính
sách nhằm lật đổ chế độ dân chủ Ấn. Tuy nhiên, sự thán phục của ông
dành cho nền văn hóa Ấn và sự bất mãn chế độ Cộng Sản mỗi ngày một gia
tăng đã thúc đẩy Yuri Bezmenov đào thoát khỏi ý thức hệ CS.
Năm 1985, trong một buổi phỏng vấn đặc biệt với chủ đề “Làm thế nào để
tẩy não một quốc gia”, Yuri Alexandrovich Bezmenov giải thích chiến lược
của Liên Xô để thay đổi tư duy của một quốc gia đối nghịch, trường hợp
này là Mỹ.
Không giống như các phim ảnh do Hollywood dàn dựng với những màn gián
điệp gay cấn, hấp dẫn kiểu James Bond, tẩy não nước Mỹ là một tiến trình
được thực hiện từng bước, rất nhẹ nhàng, diễn ra trước mắt và trải qua
bốn giai đoạn gồm (1) lũng đoạn nền tảng đạo đức, (2) tạo sự bất ổn, (3)
gây khủng hoảng và (4) bình thường hóa. Trong bốn giai đoạn, hủy hoại
nền tảng đạo đức của một quốc gia là giai đoạn quan trọng nhất.
Mặc dù mục đích của buổi phỏng vấn nhằm giải thích cuộc chiến tranh văn
hóa tư tưởng mà Liên Xô dùng để đánh gục nước Mỹ, tẩy não cũng là chính
sách chung mà lãnh đạo các đảng CS trên toàn thế giới áp dụng.
Mỹ chẳng những không bị đánh gục mà trái lại đã góp phần quan trọng
trong việc hạ gục toàn bộ hệ thống Liên Xô. Tuy nhiên, phía thế giới tự
do, trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng tổn thất khá nặng với Cuba
(1959), Congo (1970), Ethiopia (1974), Cambodia (1975), Việt Nam Cộng
Hòa (1975), Lào (1975), Angola (1975), Mozambique, (1979), Nicaragua
(1979) bị rơi vào quỹ đạo CS.
Tạm gát qua bên cuộc chiến bằng súng đạn, trong bốn giai đoạn mà Yuri
Alexandrovich Bezmenov phân tích, giai đoạn thứ nhất, đầu độc một quốc
gia, đáng được phân tích để thấy cuộc chiến tranh văn hóa tư tưởng do
CSVN phát động đã ảnh hưởng thế nào đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong buổi phỏng vấn Yuri Alexandrovich Bezmenov cũng nhắc đến Việt Nam
và tiết lộ các chính sách do CSVN thực hiện chẳng phải là sản phẩm
riêng gì của đảng CSVN nhưng hoàn toàn rập theo khuôn mẫu của Liên Xô.
Do đó, phần còn lại của bài sẽ thay VNCH vào chỗ Mỹ.
Để hủy diệt nền tảng đạo đức văn hóa của VNCH, trước hết phải đầu độc
thành phần trí thức. Giới lãnh đạo CSVN đã tiến hành một chính sách quy
mô nhằm mua chuộc, lũng đoạn, phân hóa hàng ngũ trí thức miền Nam Việt
Nam.
Nhiều người hiểu lầm rằng đối tượng của chính sách tuyên truyền CS áp
dụng vào các thành phần ít học, dễ tin, đói khát, cùng khổ, hay “không
có gì để mất” nói theo quan điểm Marx. Không phải. Mục tiêu hàng đầu của
đảng CS là thu hút thành phần có lý tưởng, có học thức như nhà báo, nhà
xuất bản sách, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, nói chung là những thành phần
có khả năng hướng dẫn dư luận. Hàng khối trí thức miền Nam đã bị CS
tuyên tuyền, đầu độc và trở thành những công cụ của CS trong thời chiến,
khi VNCH gục xuống trong máu và nước mắt, và mãi cho đến ngày nay.
Những thành phần thân Cộng này không nhất thiết phải được kết nạp vào
đảng nhưng là những người biện hộ cho quan điểm của đảng CS bởi vì tiếng
nói của họ được xem “khách quan”, “độc lập”. Những trí thức và chính
khách này tự nhận là “thành phần thứ ba” như được gọi trong sinh hoạt
chính trị tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thực tế chính trị đã
chứng minh, không có quan điểm nào gọi là “độc lập” hay “khách quan” và
tại miền nam Việt Nam trước đây cũng không có thành phần nào đúng nghĩa
là thành phần chính trị thứ ba, ngoài hai lập trường chính trị quốc gia
và cộng sản.
Alexandrovich Bezmenov cũng giải thích xa hơn, thành phần thân Cộng chỉ
cần thiết trong giai đoạn làm sụp đổ quốc gia thù địch nhưng khi mục
đích của đảng CS đã đạt, thành phần này chẳng những không còn cần thiết
mà có thể trở thành một chướng ngại. Nhiều trong số họ phải bị giết, bị
tù và bị thanh trừng qua nhiều hình thức. Lý do? Những kẻ thân Cộng
trong chiến tranh rất dễ bị bất mãn khi thấy đảng CS nắm hết quyền hành
và do đó sẽ trở thành thù địch về mặt quyền lực với chế độ và chống đối
về mặt tư tưởng với chủ nghĩa Marx Lenin. Họ bị thanh trừng, ngoài ra,
còn vì cái tội biết CS quá nhiều. Yuri Alexandrovich Bezmenov nêu lên
trường hợp Nicaragua nơi một phe thân CS trước đó đã hoạt động chống lại
tổ chức CS Sandinistas do José Daniel Ortega lãnh đạo. Tại Afghanistan
nơi lãnh tụ CS Taraki bị Amin giết, rồi Amin bị Karmal giết, và tại
Bangladesh nơi Mujibur Rahman bị chính những người cùng chiến tuyến với y
giết.
Để chiến thắng trong trận chiến quân sự và văn hóa, ngoài khối thân CS
nêu trên, đảng CS cần một mạng lưới nằm vùng trung thành, dã man, cuồng
tín và hữu hiệu. Thành phần này cần thiết để trực tiếp thi hành các
chính sách của đảng CS tại các địa phương.
Yuri Alexandrovich Bezmenov nhấn mạnh đến thành phần nằm vùng bởi vì
không có mạng lưới nội ứng tại địa phương các lực lượng CS bên ngoài
không thể xâm nhập được. Trong buổi phỏng vấn, cựu nhân viên KGB này có
nhắc đến trường hợp một thành phố ở Việt Nam, được viết trong văn bản là
Hua, có thể ông muốn nói Huế, để nhấn mạnh đến vai trò của mạng lưới CS
nằm vùng: “Tương tự, trong một quận của Huế tại Nam Việt Nam, nhiều
ngàn người đã bị xử tử trong một đêm khi thành phố bị CS chiếm chỉ trong
hai ngày; CIA không thể nào trả lời được câu hỏi, làm thế nào CS có khả
năng biết từng cá nhân người bị xử tử, ông ta sống ở đâu, đến nơi nào
để bắt ông và để bắt trước bình minh, bỏ ông ta lên xe, lái ra khỏi
thành phố và bắn ông ta. Câu trả lời rất đơn giản. Thật lâu trước khi
chiếm thành phố đã có một mạng lưới của những CS nằm vùng; họ là dân địa
phương và là những người biết một cách tuyệt đối những ai trong thành
phố có ảnh hưởng với quần chúng, kể cả những anh thợ hớt tóc và tài xế
taxi. Những ai có cảm tình với Mỹ đều bị xử bắn.”
Thước đo của mức độ bị tẩy não
Mức độ bị tẩy não cũng có mức trầm trọng khác nhau. Một người bị tẩy não
hoàn toàn sẽ không còn khả năng để đánh giá sự thật. Sự kiện và bằng
chứng không có nghĩa gì với họ. Yuri Alexandrovich Bezmenov phát biểu từ
kinh nghiệm ở Liên Xô “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho
anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin... cho đến lúc anh ta
bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu.
Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại
về đạo đức trong con người.” Nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chịu đựng
mức độ tẩy não trầm trọng như vậy.
Tuy nhiên, cũng có những người bị tẩy não ở mức độ thấp hơn. Họ thấy
được những hiện tượng sai trái, những bất công, tiêu cực của chế độ
nhưng vẫn “chấp nhận đặc ân để sau đó tuân hành”, vẫn cho rằng “chống
lại chỉ là hành động vô ích”, vẫn “trải qua nhiều chục năm tuân phục
thành một thói quen”, và vẫn nghĩ rằng “phản kháng chỉ làm thiệt hại cho
lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện” đúng như các điểm mà
nhà xã hội học Albert D. Biderman đã liệt kê. Điều đó cho thấy, trên thế
giới, chủ nghĩa CS chỉ là một bóng ma hãi hùng của quá khứ, các dân tộc
từng bị CS cai trị từ Âu sang Á đã thức tỉnh sau bảy mươi năm chịu đựng
chủ nghĩa tàn bạo nhất lịch sử loài người nhưng tại Việt Nam vẫn còn
nhiều người bị tẩy não. Giống như đảng CS không bao giờ thừa nhận đã và
đang tẩy não cả dân tộc, không ai muốn thừa nhận mình bị CS tẩy não.
Thước đo mức độ tẩy não không phải là quá khó để xác định mà nằm ngay
trong câu trả lời cho câu hỏi rất đơn giản “Anh (chị) thật sự muốn gì
cho đất nước?”
Con đường duy nhất hiện nay là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi
bất đồng, vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận
động dân chủ tại Việt Nam đến thành công, xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị
CS, thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn
diện làm nền tảng cho việc phục hồi chủ quyền đất nước, mở đường cho một
Việt Nam thăng tiến lâu dài.
Không có con đường nào khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một câu
trả lời dứt khoát và giống nhau như thế. Ngay cả trong tầng lớp có học
thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn
nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã
đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa
đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm
trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định
để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn, nói gì thì
nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc
và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than
khóc khi họ chết.
Lịch sử thế giới chỉ riêng từ thế chiến thứ hai cho đến nay có nhiều anh
hùng đã đóng góp trí tuệ hay máu xương vào công cuộc bảo vệ tự do cho
đất nước họ hay giải phóng dân tộc họ khỏi ách thực dân. Vài trường hợp
điển hình như Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Winston Churchill (Anh), Charles
de Gaulle (Pháp), Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc), Franklin D.
Roosevelt (Mỹ). Nhưng khi họ chết, ngoài tang quyến, không có cảnh “Đời
tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” như khi Hồ Chí Minh chết và “ôm thật chặt cột nhà khóc cho thỏa nỗi xót thương”
như khi Võ Nguyên Giáp vừa chết ở Việt Nam. Bởi vì những lãnh đạo thế
giới nêu trên là những anh hùng thật, con người thật, có thành công và
thất bại, có điểm tốt và điểm xấu và cuộc đời họ được phô bày trước dư
luận chứ không phải là sản phẩm do nhà máy tuyên truyền sản xuất trong
một xã hội bị bưng bít thông tin. Tuy mức độ có khác nhau, “khóc lãnh
tụ” là đặc điểm của văn hóa CS và chỉ tồn tại tại các nước CS.
Trở lại với thành phần “nói gì thì nói”. Giới hạn trong hoạt động tri
thức của thành phần “nói gì thì nói” mỗi thời kỳ có thể được nới rộng
hơn chút ít nhưng đó không phải là sự mở rộng thuận theo đà phát triển
của văn minh nhân loại mà từ sự thỏa hiệp với đảng CS. Như kẻ viết bài
này có lần đã viết,
xã hội Việt Nam là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa
các thành phần và các thành phần này cùng tồn tại bằng cách thỏa hiệp
với nhau. Không được vượt đèn đỏ, không được lấn lề, vi phạm sẽ bị phạt.
Đảng Cộng sản thỏa hiệp với các thành phần trí thức vì mục đích duy trì
quyền cai trị đất nước. Giới trí thức thỏa hiệp với đảng để được ban
phát bổng lộc, lợi danh. Giới văn nghệ sĩ thỏa hiệp với đảng để các điều
kiện sáng tác, in ấn, phát hành được nới rộng hơn, được đi Tây, đi Mỹ
dễ dàng. Các bè phái tham ô thỏa hiệp với lãnh đạo đảng để được tiếp tục
tham nhũng cho đến khi bị lộ. Chỉ có những người cùng khổ, thấp cổ bé
miệng nhưng chiếm đa số trong xã hội, là không ai cần thỏa hiệp mà họ
cũng chẳng biết thỏa hiệp với ai ngoài số phận hẩm hiu đầy bất hạnh của
mình.
Không có gì đáng hãnh diện. Hồ nước rộng mà thành phần “nói gì thì nói”
đang bơi trong đó hôm nay hai chục năm trước là một chiếc ao nhỏ và bốn
mươi năm trước là một lỗ chân trâu nhưng dù là lỗ chân trâu, ao hay hồ
cũng chỉ là nơi tích tụ của những giọt nước tuyên truyền cùng một nguồn
nhỏ xuống suốt hơn nửa thế kỷ qua. Dù thừa nhận hay không, tầng lớp của
những người “nói gì thì nói” chính là những người bị CS tẩy não, và Việt
Nam hôm nay vẫn còn chịu đựng dưới chế độ độc tài trong khi đại đa số
nhân loại sống trong tự do dân chủ không phải vì tài năng của giới lãnh
đạo CS nhưng chỉ vì số người bị tẩy não còn quá đông.
_____________________________________
Tham khảo:
- Albert D. Biderman, Herbert Zimmer, Manipulation of Human Behavior (The), Delhaye, 1961
- Kathleen Taylor, Brainwashing THE SCIENCE OF THOUGHT CONTROL, Oxford University Press 2004
- Transcript of G. Edward Griffin interviews Ex-KGB Soviet Defector Yuri Bezmenov, Wed Jun 3 1985
- EDWARD HUNTER, Brainwashing, The Story of Men Who Defied It, New York, 1956
- Louis R. Stockstill, The Forgotten Americans of the Vietnam War, Prisoners of War—A Special Report, US Air force
- http://vi.wikipedia.org về Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Ban Tổ chức Trung Ương đảng CSVN
- Former KGB Agent Yuri Bezmenov Explains How to brainwash a nation
- Archie Brown, The Rise and Fall of Communism, HarperCollins, New York, NY 2011
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire