Làm thinh-Tiểu Tử-Triệu Phổ (1)
Làm thinh-Tiểu Tử-Triệu Phổ (2)
Làm thinh
Tiểu Tử
Cái làng nhỏ đó nằm gần biển Manche, cách thành phố Etretat (miền bắc
nước Pháp) độ 10 km. Trong làng có chừng năm chục nóc gia nằm chùm nhum
lại thành một khu, trừ một cái nhà nằm rời xa một mình về phía biển.
Người trong làng gọi cái nhà đó là “ nhà ông Lê “.
Cách đây mấy năm, ông Lê -người Việt Nam độ 40 tuổi- từ Paris ra đây mua
lại cái nhà đó để làm nhà nghỉ mát. Mùa hè và các ngày lễ lớn, ông đưa
vợ con -vợ người Pháp và hai con trai chín mười tuổi- ra đây đổi gió và
lâu lâu ông cho bạn bè mượn năm bảy hôm. Ông có mướn một người trong
làng -tên Jean Marie- trông nom nhà cửa và cắt tỉa vườn tược cây trái.
Mới đầu, người trong làng cứ tưởng ông Lê là người Tàu. Cho nên, họ hơi
dè dặt. Chừng biết ổng là người Việt Nam, họ cởi mở hơn, thân thiện hơn.
Làm như, đối với họ, người Tàu là người ngoại quốc xa lạ, còn người Việt
Nam thì ít nhiều gì cũng đã từng được xem là người trong nhà! Họ càng có
cảm tình với ông Lê khi biết rằng ổng qua Pháp học từ hồi mười lăm tuổi,
rằng ổng tốt nghiệp trường Arts et Métiers, rằng ổng làm chức lớn trong
cơ quan Nhà Nước v.v... Họ hay nói với nhau: “Vợ chồng ông Lê thật dễ
thương”.
Vùng này cao hơn mặt biển hai ba chục thước mà cuộc đất lại không lài
lài xuống lần khi ra gần biển như ở những nơi khác, nên không có bãi. Ở
đây, biển đâm thẳng vô bờ, loại bờ đá dựng thiên nhiên sừng sững như một
bức tường cao thật cao. Những ngày biển động, sóng đập vào chân tường đá
nghe ầm ầm. Vì nhà ông Lê nằm cách bờ đá dựng không xa, nên vào những
ngày đó, từ trong nhà nghe âm vang tiếng sóng giống như những tiếng thở
dài.
Hè năm đó, ông Lê và gia đình ra đây nghỉ mát chỉ có ba tuần thay vì một
tháng như thường lệ. Ông nói với ông Jean Marie -người quản gia- rằng
phải trở về Paris để đón cha mẹ từ Việt Nam qua. Ông Jean Marie hỏi ông
có định đưa ông bà cụ ra đây chơi không thì ông Lê trả lời rằng không,
bởi vì ông bà cụ mới xuất ngoại lần đầu tiên nên phải đợi một thời gian
cho quen với khí hậu phong thổ.
Vậy mà chỉ mươi ngày sau, thấy ông Lê chở ra đây một ông già tóc trắng
với hai va-ly hành trang. Người quản gia nghĩ: “Chắc định ở lâu nên mới
mang hành trang nhiều như vậy”. Ông Lê giới thiệu: “ Đây là cha tôi. Còn
đây là Jean Marie, quản gia”. Sau đó, ông nói: “Trong thời gian cha tôi
ở đây, tôi xin nhờ bà Jean Marie lo dùm việc nấu nướng giặt giũ giống
như những lúc gia đình tôi ra đây nghỉ mát. Có điều là cha tôi không thể
đi chợ ở Etretat như chúng tôi vẫn làm lâu nay, nên tôi nhờ ông bà lo
giùm luôn vụ này. Đổi lại, tôi sẽ tăng tiền thù lao của hai ông bà lên
mười phần trăm. Tôi xin ông bà chấp nhận cho”.
Sau khi gọi điện thoại về nhà bàn tính với vợ, ông Jean Marie bằng lòng.
Tiếp theo đó, ông Lê trao cho ông Jean Marie một số tiền và nói: “Đây,
tôi gởi ông bà một tháng tiền chợ. Tôi dự trù dư dả phòng khi cha tôi
cần mua những gì khác, nhưng nếu thấy thiếu thì điện thoại cho tôi hay
để tôi gởi ra thêm. Mỗi cuối tháng, tôi sẽ gởi tiền để gối đầu cho tháng
kế tiếp, ông bà yên tâm”. Ông Jean Marie hỏi: “Còn bà cụ đâu? Sao không
cùng ra đây với ông cụ?”. Ông Lê trả lời như không trả lời: “Mẹ tôi ở
Paris”. Rồi sau khi nói mấy lời cám ơn ông Jean Marie, ông bắt tay từ
giả người quản gia và ông già tóc trắng để trở về Paris, vội vã như
không muốn vấn vương gì nữa! Thấy ông Lê đối xử với ông già tóc bạc như
là một người quen thường, ông Jean Marie vừa ngạc nhiên vừa bất nhẫn,
bởi vì ông nhận thấy rõ ràng ông già tóc bạc đó và ông Lê thật sự giống
nhau như hai cha con.
Ông già ở trong nhà ông Lê như một cái bóng. Ông không xem tê-lê, không
nghe ra-đi-ô. Ông cứ ngồi ở xa long hút thuốc liên miên, mắt nhìn thẳng
ra cửa kiếng hướng về phía biển, giống như đang coi một cái gì ở ngoài
đó. Ở ngoài đó không có gì hết! Không có một cái cây, không có một lùm
bụi. Cỏ dại cũng không mọc cao. Mặt đất trống trơn chạy thẳng ra bờ đá
dựng. Từ chỗ ông ngồi, nhìn ra chỉ thấy đất và trời. Lâu lâu, vài con
hải âu bay phớt ngang, và lâu lâu trên nền trời trong xanh của mùa hè,
một sợi mây đi lạc. Chỉ có bao nhiêu đó, vậy mà ông cứ ngồi nhìn, nhìn
đăm đăm.
Mới đầu, ông bà Jean Marie cứ tưởng rằng ông già không biết nói tiếng
Pháp. Nhưng sau mấy lần hỏi han thấy ông trả lời trôi chảy mạch lạc, ông
bà mới yên tâm. Có điều là hỏi thì ông mới trả lời chớ không thấy bao
giờ tự ông gợi chuyện. Suốt ngày, ông làm thinh. Cần dùng gì thì ông
viết ít chữ rồi gắn trên mặt tủ lạnh. Ông bà Jean Marie thấy vậy cũng
ráng giữ ý không làm tiếng động khi quét dọn hay đi ra đi vào. Nhiều
khi, họ có cảm tưởng như trong nhà không có ai hết! Chỉ có mùi khói
thuốc là nhắc đến sự hiện diện của ông già.
Ông già đó tên Lê Tư. Hồi thời trước -cái thời mà miền nam Việt Nam chưa
biết mùi cộng sản- ông Tư là một nhà thầu xây cất rất có bề thế ở
Sàigòn. Ông giao du rộng, lại “biết cách giao du”, thêm giỏi tính toán
sắp xếp nên ông trúng thầu nhiều công trình lớn của Nhà Nuớc và của các
công ty ngoại quốc. Do đó, càng ngày ông càng nổi tiếng và sự nghiệp thì
cứ nhân lên gấp năm gấp mười. Dù vậy, ông không bao giờ chối bỏ cái gốc
hàn vi của ông và rất tự hào đã bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.
Ông thường nói: “Hồi tôi từ Đà Nẳng vô Sàigòn, tôi chỉ có một chiếc xe
đạp cũ và cái nghề thợ hồ. Ban ngày đạp xe đi làm, ban đêm đạp xe đi học
thêm ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp và hội Việt Mỹ. Hồi thời đó, quanh năm
suốt tháng, tôi chỉ biết có thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, để
dành tiền gởi về cho cha mẹ ở Đà Nẳng và để đóng các học phí. Vậy mà tôi
vẫn không ngã lòng. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng phải cố gắng
vươn lên, bởi vì không ai giúp mình bằng mình hết. Nhờ vậy mà bảy tám
năm sau, tôi đã có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với các nhà thầu
khác. Rồi thì xây cất hết công trình này đến công trình khác, có khi hai
ba công trình cùng một lúc, cơ sở cứ lớn lần lớn lần để trở thành bề thế
như ngày hôm nay. Nghe tôi nói tôi bắt đầu sự nghiệp bằng con số không
chẳng có mấy ai tin hết “.
Khi đã khá giả, ông mới cưới vợ. Ông hay nói đùa: “Tình phải có tiền đi
theo nó mới vững. Giống như bê-tông phải có cốt sắt nó mới bền!”.
Ông bà Lê Tư chỉ sanh có một người con trai đặt tên Lê Tuấn. Năm Tuấn
được mười lăm tuổi, ông gởi con qua Pháp học. Ông muốn nó học ngành kiều
lộ để sau này trở về nối nghiệp ông. Ông nói: “Việt Nam mình cạnh tranh
không nổi với hãng thầu ngoại quốc bởi vì mình có binh mà thiếu tướng”.
Và ông hy vọng trong tương lai, con ông sẽ thực hiện những công trình vĩ
đại, vượt trội hẳn những gì ông đã làm. Để cho ông được nở mặt.
Cái tương lai đó bỗng tắt ngúm chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày 30
tháng tư, 1975.
Trước cái ngày đen tối đó, một người như ông Lê Tư dư sức để di tản dễ
dàng. Vậy mà không thấy ông nhúc nhích. Ông cứ điềm nhiên hút thuốc,
uống trà, xem truyền hình, nghe ra-đi-ô. Giống như một kẻ bàng quan. Bà
Lê Tư thì cứ đi ra đi vô, hết gọi điện thoại cho bà bạn này đến gọi cho
bà bạn khác. Rồi thúc giục ông đi di tản. Bà nói:
- Trời ơi! Mấy bả đi hết rồi kìa!
Ông cười:
- Thì ai sợ cứ đi. Bà yên tâm. Tôi bảo đảm không có sao hết. Nói thiệt
với bà, “họ” đã liên lạc với tôi cách đây hơn tháng, nói rõ rằng họ cần
dùng những người như tôi để xây dựng lại đất nước. Cho nên, bà thấy tôi
không? Tôi bình chân như vại!
Điều mà ông không nói cho bà biết là từ bao lâu nay, ông vẫn đều đặn gởi
tiền giúp cách mạng qua ngả thằng cháu -cũng gốc liên khu năm như ông-
đang hoạt động ở mấy tỉnh miền Đông. Chính người cháu đó đã cho người về
gặp ông để giải thích rõ ràng chủ trương đường lối của cách mạng. Nhờ
vậy, ông mới vững tâm tin tưởng.
Đâu dè, sau khi cách mạng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, cách
mạng quay về đánh tư sản. Ông Lê Tư cũng “bị” mời đi “làm việc” như mọi
người. Ông có xuất trình giấy chứng minh của Liên khu bảy, là vùng ông
đã giúp đỡ, nhưng “lá bùa” đó không linh! Ông cũng nghĩ đến thằng cháu
cách mạng, nhưng bây giờ ông không biết nó ở đâu để gọi nó đến làm
chứng. Vì vậy, ông vẫn bị mời tới mời lui để “làm việc”. Mỗi lần làm
việc, họ quay ông như con dế! Đến nỗi về sau, mệt mỏi quá, chán chường
quá, thấy nói gì cũng vô ích, nên ông bèn làm thinh, mặc cho họ muốn nói
gì thì nói, hỏi gì thì hỏi. Rồi đến lần “làm việc” cuối cùng, ông cũng
làm thinh ký tên trên xấp giấy tờ họ đưa ra, ông ký mà không thèm đọc
qua một chữ! Lần đó, ông bước ra khỏi cơ quan, có cảm tưởng như đang
sống trong một thế giới khác, một thế giới lộn ngược! Ông không còn khái
niệm không gian thời gian. Ông chỉ biết rằng sau cái phút ký tên đó, ông
trắng tay. Và ông còn nghe trong đầu câu nói ơn nghĩa “nhờ ông đã sớm
giác ngộ cách mạng nên không phải đi cải tạo”. Ông lái xe về nhà như một
người máy. Ông đâu biết rằng trong cuộc “đổi đời vĩ đại” này, con người
đâu còn sống bằng lý trí: con người chỉ sống bằng bản năng thôi!
Về đến trước cổng nhà, bỗng nhiên ông Lê Tư nhận thức rằng tất cả những
gì trực thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ đang đợi ông ở nhà.
Xưa nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quyết định. Bà Lê Tư luôn
luôn làm theo ý của ông, không bao giờ thắc mắc. Bởi vì bà hoàn toàn tin
tưởng vào người chồng mà lúc nào bà cũng cảm phục như một thần tượng. Bà
nói: “Từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp đồ sộ như vầy, không phải ai
làm cũng được!”. Và bà thường ví chồng bà như một cây cau vững chắc để
bà bám vào đó như một giây trầu. Vậy mà bây giờ bây giờ Ông Lê Tư không
biết ví mình như cái gì nữa. Cách mạng mà ông đã giúp từ ngày ông dựng
nghiệp, hôm nay nhân danh gì gì đó, đã biến ông thành con số không. Dễ
dàng như người ta cầm nùi giẻ bôi hết những hàng chữ phấn trên một bảng
đen, bôi mà không cần biết những hàng chữ đó viết những gì! Chỉ trong có
một khoảnh khắc, ông chẳng còn gì hết và bản thân ông cũng không là gì
hết! Ông đã trở thành một “thứ gì” đó không có tên, một sản phẩm của
cách mạng mà sách vở xưa nay chưa thấy có định nghĩa!
Ông bước vào nhà mà cảm thấy mình lêu bêu như bọt nước, không làm chủ
được gì hết, kể cả làm chủ chính bản thân mình! Cái biệt thự có hồ tắm
vườn hoa, có năm ngăn bảy nắp, mà ngày xưa ông đã xây cất cho tương xứng
với địa vị xã hội của ông bây giờ bỗng trở nên ngạo nghễ, vô duyên.
Nhà vắng teo. Một số gia nhân đã xin nghỉ việc từ những ngày sôi động,
số còn lại đã được cho nghỉ ngay sau ngày 30 tháng tư. Bà Lê Tư chắc
đang làm gì ở dải nhà sau nên ông không nghe tiếng động. Ông đốt điếu
thuốc rồi ngồi xuống phô-tơi nhìn thẳng ra vườn. Ông nhìn mà không thấy
gì hết! Yên lặng.
Tiếng bà Lê Tư làm ông giựt mình:
- Sao ông? Họ đòi gì nữa vậy?
- Họ đâu có đòi. Họ lấy.
- Lấy gì?
- Lấy hết tài sản của mình.
Giọng bà bỗng cao lên một nấc:
- Lấy hết tài sản?
Ông nhìn bà rồi trả lời bằng cái gật đầu. Giọng của bà lại cao thêm một
nấc:
- Gì lạ vậy? Tự nhiên rồi đòi lấy tài sản của người ta. Đó là ăn cướp
chớ đâu phải lấy! Rồi ông trả lời làm sao?
Ông thở mấy hơi thuốc, rồi mới nói:
- Thì tôi giao hết lại cho họ chớ còn làm sao?
Bà chỉ kêu được một tiếng “Trời!” rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn
thẳng ra vườn. Bà nhìn mà cũng không thấy gì hết! Yên lặng. Một lúc sau,
ông nói, giọng thật trầm tĩnh:
- Bà nghĩ coi. Bây giờ họ là kẻ chiến thắng. Quyền sanh sát nằm hết
trong tay, họ muốn nói gì làm gì mà không được.
- Còn luật pháp để đâu?
- Luật pháp của ai?
Bà làm thinh. Một lúc sau, bà nói:
- Hôm trước ông nói họ đã móc nối với ông để ông ở lại giúp họ xây dựng
gì gì đó. Sao bây giờ họ lột hết của ông vậy?
Ông làm thinh. Khói thuốc trong miệng bỗng trở nên thật đắng. Ông nghe
thèm một hớp trà hay một hớp nước lạnh, hay bất cứ một chất lỏng nào
cũng được để ông nuốt xuống “cái gì đó” đang nghẹn ngang ở cổ. Ông dụi
điếu thuốc rồi đi lại bar ở góc xa-long rót một ly nhỏ Porto uống ực một
cái, giống như người ta bị mắc xương. Xong ông trở lại phô-tơi ngồi
xuống, đốt điếu thuốc. Chất rượu đang nồng trên mũi, nhưng sao khói
thuốc vẫn còn nghe thật đắng!
Giọng bà Lê Tư có vẻ trách móc:
- Chớ phải ông nghe lời tôi đi di tản như thiên hạ thì đâu có sao.
- Đi di tản cũng mất hết chớ hơn gì.
- Sao mất hết được? Ông quen lớn nhiều mà không hốt được một mớ đem đi
theo à? Có nhiều người còn gởi được bàn ghế và vô số đồ cổ nữa. Như anh
X., như anh T., như ông tướng Z toàn là bạn thân của ông không.
Ông làm thinh. Bà vẫn nói, càng nói giọng càng gay gắt:
- Thà rằng mình đi, cái gì không đem theo được là mình bỏ. Tụi nó có
lấy, cũng là lấy những gì mình bỏ. Chớ còn bây giờ, tụi nó bóp họng ông
để lấy, bộ ông không thấy tức sao?
Ông làm thinh. Ngừng một lúc như để suy nghĩ, rồi bà nói một câu giống
như bà đóng sập cánh cửa sắt để nhốt ông trong một nhà tù:
- Chẳng bằng ông muốn ở lại để giúp cách mạng chớ gì? Phải không?
Ông nuốt nước miếng mấy lần, rồi tiếp tục làm thinh. Bây giờ, ông thật
sự thấy mình như bọt nước trôi lêu bêu, không bám được vào đâu hết?
Chiều bữa đó, “cách mạn”g đưa đến mười mấy thanh niên trai gái và một
toán bảo vệ cầm súng để làm công tác kiểm kê. Họ bắt mở hết các hộc, các
kệ, các tủ để họ đem ra đếm từng món, không bỏ sót một nơi nào hết, một
món nào hết. Đêm, họ ngủ lại trong nhà ông Lê Tư để sáng sớm hôm sau họ
tiếp tục. Xong công tác kiểm kê, người cán bộ chỉ huy chỉ định một nhóm
bốn người ở lại để canh giữ những gì đã kiểm kê, sợ ông bà Lê Tư ăn cắp
mang đi! Gã còn nói như ra lịnh:
- Từ hôm nay trở đi, anh chị phải dọn ra nhà sau để ở, không được bước
lên đây nữa. Anh chị cũng không được quyền sử dụng chiếc ô-tô bây giờ
thuộc diện quản lý của Nhà Nước. Khi ra vào nhà, anh chị phải dùng cái
cổng hậu, không được đi bằng cổng chánh. Rõ chớ?
Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư cũng làm thinh. Nhưng hai sự làm thinh đó
không cùng một ý nghĩa: ông làm thinh vì biết rằng có nói gì cũng vô ích
còn bà làm thinh là vì bà hận ông vô cùng!
Từ ngày dọn xuống ở trong một nhà phụ -có ba dải nhà phụ trước đây dùng
cho gia nhân- và từ ngày biết rằng văn phòng, các kho vật liệu, kho dụng
cụ cơ giới, biệt thự ở Núi Lớn Vũng Tàu, các chương mục ở ngân hàng?v.v.
đã hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, bà Lê Tư ít nói chuyện với ông.
Nhưng hầu như ngày nào bà cũng ngồi nói một mình, nói trổng, cố tình nói
lớn tiếng để cho ông “phải” nghe. Bà cứ lải nhải với giọng trách móc
chanh chua, hết chuyện tin lời cách mạng, đến chuyện mất hết của cải,
rồi bắt qua chuyện di tản, chuyện ở “chui rút” trong nhà của bếp của
bồi. Còn ông thì cứ làm thinh ngồi nghe, nghe riết mà tóc của ông càng
ngày càng bạc trắng!
Thời gian đi qua. Một hôm bà bỗng nói với ông:
- Tôi đã nhờ người quen trong toà đại sứ liên lạc được với thằng Tuấn ở
Paris. Nó sẽ lo giấy tờ cho mình qua bển.
Bây giờ, mọi sự đều do bà quyết định, ông chỉ làm thinh đi theo. Bây
giờ, người chồng “thần tượng” của thời trước chỉ còn là một cái bóng!
Bây giờ, bà mới là thân cây cau, còn ông, ông chỉ là một thứ giây
trầu... Đúng là một sự “đổi đời vĩ đại”
Ít lâu sau, chính bà đã chạy chọt đút lót để có xuất cảnh cho hai vợ
chồng bay qua Paris, vào giữa mùa hè năm đó.
Ông Lê, người con trai của ông bà Lê Tư, đến đón ông bà ở phi trường
Charles De Gaulle. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông Lê Tư có cảm
tưởng như mình vừa sống lại. Ông ôm con siết mạnh, rồi buông ra để nhìn.
Lòng tràn sung sướng, ông vừa cung tay đấm nhẹ lên vai con, vừa chửi
đổng: “Cha mày!”. Rồi tiếp: “Ba tưởng không còn gặp lại con nữa chớ!”
Trong một khoảnh khắc, ông tìm lại được lời nói và cử chỉ của một con
người bình thường, con người của thời trước tháng tư 1975.
Trên đường về nhà, ông Lê vừa lái xe vừa hỏi về những chuyện đã xảy ra ở
Việt Nam trong những ngày sôi động của tháng tư, nhứt là ở đoạn “mấy
thằng Mỹ kéo nhau chạy sút quần”. Nghe lời nói và giọng điệu của con,
ông Lê Tư cảm thấy có “cái gì không ổn”, nhưng ông nghĩ: “Có lẽ tại nó ở
bên nây lâu quá nên nó nói tiếng Việt không biết chọn lời”. Rồi ông kể
lại những gì mắt thấy tai nghe. Người con lâu lâu khoái chí, vỗ tay lên
tay lái, gục gặc đầu “cho tụi nó chết”.
Bổng người con hỏi:
- Còn mấy thằng tướng nguỵ?
Câu hỏi đó như ánh sáng bật lên trong bóng tối để ông nhìn thấy rõ sự
thật: không phải con ông không nói rành tiếng Việt mà là con ông nghiêng
về phía bên kia, cái phía đã lật lọng, ăn cháo đá bát, cái phía đã lấy
hết tài sản của ông một cách ngang nhiên trắng trợn! Trời đất chung
quanh bỗng như sụp xuống! Tuy nhiên ông vẫn trả lời:
- Mấy người đó thì ba không biết.
- Tụi nó chạy ra đảo Guam hết. Thằng chủ chạy thì thằng tớ phải chạy
theo chớ dám ở lại đâu. Tưởng ba biết gì kể lại nghe chơi chớ ở bên nây
báo chí tê-lê nói đầy đủ. Trên tê-lê thấy nhiều thằng tướng ngơ ngác như
bầy gà nuốt giây thun!
Người con nói xong cười lên khoái trá. Ông Lê Tư nghe giận phừng lên
mặt! Ông đưa tay định xáng cho thằng con một cái, nhưng ông kềm lại kịp.
Ông bỏ tay xuống mà nghe ngực mình tức ran. Tự nhiên, ông ứa nước mắt.
Từ phút đó, ông làm thinh. Thấy như vậy, tưởng cha bị mệt vì cuộc hành
trình quá dài nên ông Lê cũng không hỏi tiếp.
Bà Lê Tư ngồi ở băng sau, không chen vô một lời. Bà cảm thấy rồi đây sẽ
không thể nào ở chung với một thằng con như vậy được. Bà đã tưởng đi ra
khỏi xứ để khỏi phải thấy hằng ngày những chuyện trái tai gai mắt, nào
ngờ qua đây gặp thằng con không biết học ở đâu mà ăn nói giống “tụi nó”
y chang! Nhưng không sao. Rồi bà sẽ mua nhà ở riêng. Bà dư sức. Với số
hột xoàn mà bà đã cất giấu sau 1975 và bây giờ đang nằm an toàn trong
cái giỏ mây hai đáy bà ôm trong lòng, bà dư sức. Cho dù bà phải cưu mang
suốt phần đời còn lại ông chồng mà bà đã không còn coi là thần tượng
nữa, từ lâu.
Về đến nhà -ở Neuilly Sur Seine, khu nhà giàu- ông Lê giới thiệu vợ con
rồi đưa cha mẹ lên phòng trên lầu, nói:
- Ba má nghỉ một chút rồi xuống ăn trưa.
Bữa ăn được dọn lên từng món theo phong cách tây phương. Vợ ông Lê hỏi
han lễ độ và kín đáo chăm sóc ông bà Lê Tư. Hai thằng con ông Lê -giống
mẹ hơn giống cha nên ít thấy lai Việt- không biết một tiếng Việt. Chúng
ăn nhanh nhanh. Xong món thứ nhì, chúng không đợi món kế tiếp, vội vã
rút lên phòng. Suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ vây quanh mấy món ăn nấu theo
tây, bởi vì ông Lê khoe có bà bếp giỏi. Bà bếp, người Pháp, có bước ra
chào ông bà Lê Tư.
Nhờ vậy, không khí trong bữa ăn không đến nỗi nào tẻ lạnh.
Sau bữa ăn, vợ ông Lê vì tế nhị, muốn để cho chồng và cha mẹ nói chuyện
riêng với nhau, nên xin phép lên lầu. Bà dặn chồng:
- Anh không nên nói chuyện nhiều. Ba má chắc cần phải ngủ vì sai giờ
giấc. Mình còn nhiều thì giờ mà.
Khi bước qua xa long để uống cà phê, ông Lê hỏi:
- Ba má định qua đây ở chơi bao lâu?
Ông Lê Tư châu mày, nhìn bà. Bà trả lời:
- Ba má định qua ở luôn chớ đâu phải ở chơi.
Người con ngạc nhiên:
- Ủa? Sao lại ở luôn? Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào
ngồi trên đầu trên cổ mình hết. Tất cả đều thuộc về mình, không còn sợ
thằng ác ôn nào cướp giựt nữa. Như vậy mà ba má định bỏ xứ qua đây ở
luôn. Thiệt là vô lý!
Hồi nãy, trên xe về đây, ông Lê Tư còn nghĩ rằng thằng con ông chỉ
nghiêng về phía bên kia. Bây giờ thì quá rõ ràng: nó đã đứng hẳn về phía
bên đó. Ông nghe lòng quặn thắt: chẳng những cách mạng đã cướp hết tài
sản của ông, mà tụi nó còn cướp luôn thằng con duy nhứt của ông, cướp từ
hồi nào rồi.
Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư hơi mất bình tĩnh:
- Tại con không biết. Tụi nó lấy hết tài sản của ba má rồi còn đuổi
xuống ở căn nhà của bồi, rồi lại bắt không được đi cổng chánh phải đi
cổng hậu. Bây giờ tụi nó sợ mình không chấp hành chỉ thị nên kéo kẽm gai
cô lập căn nhà ba má ở. Con nghĩ coi sống làm sao?
- Buổi đầu lúc nào chẳng có chuyện sai sót. Rồi cách mạng sẽ trả lại hết
cho ba má, yên tâm đi! Điều mà con muốn nói là chưa chi mà ba má đã muốn
bỏ xứ ra đi giống như bè lũ đĩ điếm trộm cắp tháo chạy mấy ngày trước
giải phóng làm con thấy không hãnh diện chút nào hết!
Câu nói chưa dứt, ông Lê Tư đã đứng phắt dậy, làm thinh đi thẳng lên
lầu. Bà Lê Tư cũng nối gót, nhưng bước chân bà nặng chình chịch. Đứa con
máu mủ mà bà mới ôm hun thắm thiết hồi nãy trên phi trường, bây giờ bỗng
giống như người xa lạ. Bà cảm thấy hụt hẫng đến độ bà không biết phải
làm gì, nói gì. Đến giữa cầu thang, kềm không được, bà ôm mặt khóc tức
tưởi.
Suốt buổi chiều, ông Lê Tư ngồi trong phòng làm thinh hút thuốc. Ông
không nghe buồn ngủ, ông chỉ nghe mệt - thật mệt - và chán chường - thật
chán chường. Ông bắt gặp lại tâm trạng của ông vào những ngày cuối cùng
của thời ông bị cách mạng quay hằng bữa để ông kê khai tài sản một cách
“đầy đủ và trung thực”!
Bà Lê Tư cũng không ngủ. Bà điện thoại để liên lạc mấy bà bạn đã định cư
ở Pháp, nhứt là ở vùng phụ cận Paris. Rồi bà hẹn hò. Sung sướng như thấy
chân trời đang mở rộng.
Sau bữa ăn tối, đợi bà Lê và hai con lên lầu, bà Lê Tư nói:
- Chị bác sĩ A sáng mai lại rước má về nhà chỉ chơi vài bữa. Sau đó, có
lẽ sẽ qua nhà bà dược sĩ L. Ở đây, má có nhiều bạn bè lắm, con đừng lo
cho má. Con chỉ cần lo cho ba thôi.
Ông Lê Tư nhìn thẳng mặt con, giọng nghiêm trang:
- Ba nói thật: ba với con không hạp nhau. Ba không thể ở chung với con
được. Ba xin con cho ba ở một nơi nào khác, ở một mình cũng không sao.
Ông nói “xin con cho ba”, đó là sự thật. Bởi vì bây giờ ông hoàn toàn
trắng tay. Xưa nay, tiền dư ra, ông cho bà một phần để mua hột xoàn, còn
bao nhiêu ông chuyển hết qua chương mục của người con.
Ông Lê ngồi làm thinh, không biết ông đang nghĩ gì. Cũng là làm thinh,
nhưng sự làm thinh của ông khó hiểu hơn sự làm thinh của ông bà Lê Tư!
Vậy rồi sáng hôm sau, bà bác sĩ A lái xe lại rước bà Lê Tư. Tiếp theo là
ông Lê chở người cha ra ở cái nhà nghỉ mát ở gần bờ đá dựng. Suốt cuộc
hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, hai cha con không nói với nhau một
lời!
Từ ngày ra đây ở, ông Lê Tư cảm thấy cuộc đời mình như đang đi vào một
ngõ bí. Không sống được với cách mạng, đã đành. Còn lại bà vợ thì bây
giờ bả coi mình như cục bứu trên lưng. Rồi đến thằng con, đối với mình,
nó còn lạ hơn người xa lạ! Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy hết ngày này
qua ngày khác mà con người ông sa sút thấy rõ. Bây giờ, ông ốm nhom. Đi
đứng đã phải chống ba-toon và đêm đêm cứ phải nằm trằng trọc tới khuya
lơ mới dỗ được giấc ngủ. Thấy tội nghiệp, ông bà Jean Marie hay thừa dịp
đưa nước trà hay cà phê để ngồi lại gợi chuyện vẩn vơ. Họ cũng ngạc
nhiên tự hỏi sao không thấy ai gọi điện thoại hỏi thăm ông già này hết.
Làm như ông không có mặt trong cuộc đời này. Cho nên họ tận tình chăm
sóc ông từng chút. Đến nỗi, về đêm, bà Jean Marie thường đợi ông lên
giường nằm đàng hoàng mới tắt đèn đóng cửa đi về nhà! Ông Lê Tư rất cảm
kích nên lâu lâu ông phá lệ làm thinh để nói hai tiếng “cám ơn”, nhẹ như
hơi thở.
Một hôm, ông Lê Tư bỗng thèm nhìn mặt biển, cái biển mà từ hôm ra đây
-đã gần hai tháng- ông chỉ nghe tiếng của nó rì rào ngoài kia thôi. Ông
bèn chống ba-toon bước từng bước run run đi lần ra hướng đó. Cứ đi vài
bước là ông phải dừng lại một lúc để thở, nhưng ông vẫn cố bước đi.
Bây giờ thì ông đã đứng trên mép bờ đá dựng. Dưới chân ông, rất sâu phía
dưới, là biển. Biển xanh dờn, kéo dài ra chân trời. Trời nước mênh mông.
Gió muối và mùi thơm thơm của rong rêu nhắc ông nhớ cái biệt thự ở mỏm
núi lớn Vũng Tàu. Ông đã xây cất biệt thự đó để làm nơi tiếp tân nên có
một sân gạch thật rộng hướng về phía biển. Ông hay đứng ở đó nhìn chân
trời như ông đang đứng nhìn chân trời bây giờ. Cũng trời, cũng nước,
cũng một đường gạch ngang. Hồi đó, lúc nào ông cũng thấy chân trời đang
mở rộng cho ông, cái hồi mà ông làm chuyện gì cũng thành đạt. Bây giờ,
cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang nhưng sao ông không thấy
nó mở rộng cho ông một chút nào hết! Ông chỉ thấy toàn là bế tắt. Chân
trời là đường chấm dứt một cái gì: trời cao nghiêng xuống đến đó là hết,
biển rộng vươn dài đến đó cũng là hết! Giống như cuộc đời của ông bây
giờ. Của cải: hết! Vợ con: hết! Sức khoẻ của ông rồi cũng sẽ hết! Hết!
Hết!
Bỗng, ông Lê Tư liệng mạnh cây ba-toon xuống biển, giống như ông dứt
khoát không cần dùng đến nó nữa. Rồi ông hít một hơi dài, nhắm mắt bước
thẳng vào khoảng không trước mặt, giống như bước qua một lằn ranh tưởng
tượng.
Từ bây giờ, ông Lê Tư làm thinh vĩnh viễn.
Chiều hôm đó, ông Jean Marie gọi điện thoại về Paris. Không có người bắt
máy, nhưng có máy nhắn tin nên ông nhắn: “A lô! Tôi là Jean Marie. Tôi
xin báo tin buồn: ông cụ đã từ trần. Ông đi dạo gần tường đá dựng chẳng
may rơi xuống biển. Nhà chức trách đã vớt được xác đem về nhà xác bịnh
viện Etretat. Yêu cầu ông bà ra gấp. Vợ chồng tôi xin chia buồn. Thành
thật chia buồn”.
Tiểu Tử
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire