dimanche 22 mai 2022

Ca Dao và Dân Ca Việt Nam -Bích Huyền thực hiện

http://static.vovworld.vn/w450/Uploaded/honganh/2014_05_05/ca%20dao.jpg 
Ca Dao và Dân Ca Việt Nam -Bích Huyền thực hiện
Ca dao và dân ca là tiếng nói từ ngàn xưa, là Kim chỉ nam hướng dân dân tộc đến muôn đời sau.
Ca dao, dân ca Việt Nam để chúng ta nhìn rõ cuộc đời, thương yêu quê hương, thương yêu nhau, biết nhớ, biết cười, biết khoan hồng độ lượng, biết khóc, biết cảm nhận buồn đau.
Ca dao là từ bi, là bác ái, là cảm thông, là tha thứ…

Đường Vào Quê Hương Qua Ca Dao

Phạm Đức Tiến
 
Nếu phật giáo có tới tám ngàn pháp-môn hướng dẫn kẻ mộ đạo đến Chân, Thiện, Mỹ, thời muốn tìm về nguồn sống dân tộc, những người con yêu nước Việt có thể tìm ra bao lối về, trong đó Ca Dao có thể được coi như là một nẻo về của tâm thức, một trong muôn vạn đường vào dân tộc Việt Nam.

Như nhạc sĩ Phạm Duy đã viết: " Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, à a ơi tiếng ru muôn đời..." và " Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi..." , ngôn ngữ do đó không những chỉ là một phương tiện để truyền-thông, diễn đạt tình ý con người mà còn là hơi thở, sinh khí phản ảnh nền văn-hoá của một dân tộc, và gắn liền với vận-mệnh của một quốc-gia. Khi còn ấu thơ, chúng ta hầu hết đều được nghe những lời ru đầy tình tứ dân tộc trong các giấc ngủ chập chờn, và cho đến bây giờ, lang thang nơi xứ lạ quê người, " Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" thỉnh thoảng vô tình bắt gặp trên các tạp chí Việt ngữ những câu Lục Bát quen thuộc như:

" Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng."

hay

" Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."

Ít ai trong chúng ta để ý rằng đó chính là những câu CA DAO giữa rừng Tục-ngữ, Ca-dao, và Dân-ca bàng bạc trên nên trời văn học bình-dân Việt Nam.

Vậy để nhận diện được những lời CA DAO như trên, ở đây chúng ta sẽ thử định nghĩa CA DAO một cách tóm tắt.

CA DAO là những câu hát ngắn, không có chương khúc. Tuỳ theo nội dung, số câu có thể diễn đạt từ hai, bốn, sáu, tám hay dưới hình thức song Thất Lục Bát, Lục Bát biến thể. Với âm điệu phong phú, những câu ca dao do đó có thể được ngâm nga hay hát lên mà không cần phải có tiếng đệm, tiếng láy, và thường để diễn tả tính tình, phong tục tập-quán của người bình-dân. Do đó CA DAO có khi còn gọi là PHONG DAO, do tiếng PHONG từ phong-tục. Vì sự phong phú trong nội dung ca dao, ở đây chúng ta sẽ giới hạn bài viết trong phạm vi Ca Dao Tổng Quát, tạm gác sang một bên những bài ca dao với nội dung hài hước, gia đình, và trữ tình.

Trước hết, muốn tìm hiểu những cơ duyên giao cảm cho sự chào đời của ca dao, thiết nghĩ không còn gì hơn là chúng ta ngược về quá khứ, trở về với xã-hội Việt Nam ngàn năm về trước. Có thể nói đơn vị căn bản của quốc-gia Việt Nam ngày xưa là làng quê bao bọc bởi những luỷ tre xanh, vốn được coi như là một lớp tường thành thiên nhiên ngăn chặn ngoại xâm. Giửa lớp tre xanh cổ kính đó, đời sống và tâm tình người dân mộc mạc hầu như cô động, tách biệt với những sinh hoạt bên ngoài, ngay cả với những làng xa xóm giềng. Chính khung cảnh xã hội biệt lập này phải chăng đã là một môi trường thuận tiện, làm nảy sinh những điệu hò câu hát là một trong vài thú tiêu khiển đơn sơ thường nhật thuở bấy giờ. Khi ta buồn ta không biết tỏ bày cùng ai, thôi thì ra đứng ngõ sau mà than rằng:

" Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ.
Nhện ơi! nhện hởi! nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi! sao hởi! nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà,
Bóng sao Tinh-đẩu đã ba năm tròn,
Đá mòn, nhưng da chẳng mòn,
Tào-khê nước chảy vẫn còn trơ trơ..."

Chỉ một bài ca dao ngắn ngủi, chúng ta đã có thể tưởng tượng ra một cảnh đồng quê Việt Nam trầm mạc trong một đêm trời lấp lánh đầy sao, và sau mái nhà tranh, ánh trăng chênh chếch soi bóng trên mặt ao mơ hồ bóng cá lội. Để rồi trong ánh trăng thanh, kẻ cô dơn bâng khuâng tự hỏi:

" Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi, gọi là núi non?
Trăng bao nhiêu tuổi, trăng tròn?
Núi bao nhiêu tuổi, núi còn trơ trơ?"

Từ nổi buồn bâng quơ, khi đối diện với khung cảnh thanh tịnh, bát ngát của một đêm trăng toàn bích, kẻ cô đơn như chợt bước vào một thế giới vô ưu, đượm màu triết lý:

" Đố ai biết đá mấy hòn?
Tua-rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm?
Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
Đố ai quét sạch lá rừng?
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Đố ai lặn xuống vực sâu,
Mà đo miệng cá, uốn câu cho vừa?
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát? Ta chừa nguyệt hoa."

Những người dân quê của xã hội thời xưa không phải lúc nào cũng ưu tư phiền muộn, vì còn có biết bao nhiêu công việc đồng áng trông đợi. Để bù đắp cho nỗi vất vả của kẻ chân lấm tay bùn, hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên-đán, người dân Việt Nam lại gác cày, vui chơi cho bỏ những lúc làm lụng cực nhọc:

" Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư, đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan-ngọ, trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn, bán trăm,
Tháng Bảy, ngày rằm, xá tội vong nhân.
Tháng Tám, chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín, chung chân buôn hồng.
Tháng Mười, buôn thóc, bán bông,
Tháng Một, tháng Chạp, nên công hoàn toàn..."

Một khi đã trở về đời sống hằng ngày với những lo toan, người dân quê Việt Nam, vốn mang tâm hồn của một thi sĩ lãng mạn, cũng phải phơi bày một phần nào tâm tư và lề thói cư xử thực tế mà xã hội Việt Nam đã ngầm chấp nhận; trong đó hình thức ăn vận bề ngoài cốt biểu lộ sự tự trọng nay đã được tô điểm trở thành méo mó:

" Áo dài chớ tưởng là sang,
Bởi không áo ngắn, mới may áo dài."

Cảm thấy nguỵ biện không xong, ta lại bèn than rằng:

" Cha đời cái áo rách này,
Mất chúng, mất bạn vì mày, áo ơi!"

Từ nỗi ta thán vô ích, ta đâm ra tức tối tạo-hoá đã gây ra cảnh đời đen bạc, để rồi đi đến lý sự cùn, nhạo báng:

" Hơn nhau tấm áo, manh quần,
Thả ra ai cũng ở trần như ai."

Tới đây chúng ta không thể bật cười khi chợt nhớ một câu " ca dao thời đại" tương tự:

" Học cho lắm, tắm cũng ở truồng."

Thế mới biết, tâm tư và tính tình người Việt Nam chúng ta trải qua bao thời đại hầu như không hề thay đổi. Thế nên:

" Cơm ăn chẳng hết thì treo,
Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng."

Hay tương tự như thế:

" Cà thâm thường bỏ góc chạn,
Đến khi hoạn nạn, lại hỏi cà thâm."

Hoặc thẳng thừng hơn:

" Khi vui thì vổ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai."

Kể gì người đời, vì ngay cả đến trời ta vẫn thường hay bỏ quên.

" Có bệnh thì vái tứ phương,
Không bệnh, chẳng mất nén hương giấy vàng."

Hỷ, nộ, ái, ố, và ganh ghét, đố kỵ, bội bạc vốn là những dặc tính tất nhiên của mọi xã hội, trong ca dao Việt Nam, những điều này còn được diễn tả mĩa mai cay đáng hơn:

" Lúc khó thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đổ Trạng, chín nghìn anh em."

Thói đời là thế nhưng sao tráng được, bởi chưng:

" Lòng sông, lòng biển, dễ dò.
Nào ai bẻ thước mà đo lòng người."

Ca dao như thế, ngoài tính cách phô trương những nét trữ tình và phong tục, tập quán của xã hội Việt Nam, còn chê bai thói đời đen bạc, tư cách thấp của con người: nhưng đó chính là một kho tàng luân lý vô giá, một bài học hữu ích cho kẻ hậu sinh tập rèn nhân cách.

Đường vào dân tộc qua ca dao như đường thiên lý, dài vô hạn. Càng đi, ta càng khám phá ra nhiều điều thích thú có liên quan đến đời sống, tâm tư, và cung cách xử thế của người dân Việt, lồng trong một khung cảnh đầy màu sắc quê hương. Cứ như lữ khách đi vào lòng dân tộc, bắt đầu từ ải Nam-Quan đến mũi Cà Mau. Qua mỗi địa danh, lữ khách dừng lại chiêm ngưỡng thắng cảnh cùng các di tích lịch sử, sực nhớ đến công lao dựng nước của tiền nhân.

" Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng."

Hay là:

" Lạy trời cho cả gió Nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm ra khơi."

Đường vào dân tộc qua ca dao còn dài, chúng ta có thể dừng chân tạm nghỉ để ngày mai lại sẽ lên đường. Viết đến đây, kẻ viết bài bỗng sự nhớ đến một câu ca dao của tiền nhân như báo trước sự đổi đời lịch sử ngày ba mươi, tháng tư năm 75:

" Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông."

Lịch sử phải chăng là một vòng tròn khép kín, một sự lập lại. Biết đâu vài chục năm nửa, cháu chắt những người Việt hải ngoại khi muốn tìm về dân tộc Việt Nam qua ca dao bằng... COMPUTER, lúc bấm nút chợt mới ngẩn người vì thấy những câu " CA DAO" khó hiẻu như sau:

" Mai mốt ông về có thằng túm hỏi.
Mầy qua bên Mỹ học được củ gì?
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi.
Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li!"

(thơ Cao Tần)
Phạm Đức Tiến

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire