mardi 17 mai 2022

Trần Đĩnh và tác phẩm Đèn Cù




Trần Đĩnh và tác phẩm Đèn Cù Mặc Lâm, biên tập viên RFA   

Tác giả Đèn Cù là nhà báo kỳ cựu của tờ Sự Thật từ những ngày đầu tiên khi báo này thành lập do Trường Chinh làm Tổng biên tập. Ông sinh năm 1930 và tham gia Việt Minh vào năm 1946 tức lúc mới 16 tuổi, Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Ông là người chấp bút tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp bút những tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận.

Những phân tích tinh tế

Do làm việc trong một cơ quan báo chí cao nhất của Đảng ông có cơ hội gặp gỡ hầu hết các khuôn mặt của chế độ từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, tới Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Đỗ Mười … và những quan hệ này đã giúp ông sớm nhận ra khuôn mặt thật phía sau chiếc mặt nạ của các chóp bu cộng sản.
Sau khi vụ án “Xét lại chống đảng” diễn ra ông cũng là một nạn nhân tuy mức độ lao tù nhẹ hơn người khác nhưng đủ để ông thấy được sự đấu tranh gay gắt, sống còn giữa Mao Trạch Đông và Liên Xô cùng với nghị quyết 9 ra đời dẫn dắt cả hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng rơi sâu vào vòng kềm tỏa của Trung Quốc.
Là người theo học tại Bắc Kinh 5 năm trời, ông có những phân tích tinh tế trong “Đèn Cù” từ hành động tới cách đối xử của Mao đối với Lê Duẩn, Võ Nguyễn Giáp hay ngay cả Hồ Chí Minh trong những ngày chiến tranh chống Mỹ. Những ghi chép của ông tuy không phải là những bí mật to lớn nhưng cũng giúp cho lịch sử cận đại Việt Nam có cái nhìn chuẩn xác hơn về sự lệ thuộc của Việt Nam vào hai đầu tàu Cộng sản thế giới là Liên Xô và Trung Quốc.
Những ghi chép ấy nằm trong một văn phong tưởng chừng như hờ hững nhưng thật ra chất lửa tiềm ẩn từ trang đầu tiên tới những giòng cuối cùng. Trần Đĩnh tỏ ra không dễ dãi như cách kể chuyện của nhiều người, nhất là những người danh giá. Ông là nhà báo có cách viết của một nhà văn đậm chất trữ tình qua nhịp đập của trái tim thi sĩ.
Diễn tả sự việc cô đọng, nén thông tin đến mức có thể, nhà báo Trần Đĩnh tỏ ra rành rẽ kỹ thuật thông tin của thế kỷ 21 mặc dù ông là người đã cầm bút gần 70 năm từ ngày đầu tiên trình diện báo Sự Thật.
Khi đọc những giòng văn sau đây khó ai có thể nghĩ rằng tác giả Đèn Cù là một nhà báo, ông viết:
“Cuộn dây thừng trong tay anh tuột ra văng trên mặt nước như một lằn roi sáng quắc. Và chỉ một dìm xuống rồi một nhồi thúc lên là anh lính liền mất tăm. Khi anh dội ngược trở lên lần cuối, hai mắt anh mở đã dại đờ. Cái chết chớp nhoáng nhưng những nghi thức đi kèm nó lại từ tốn rất mực. Cặp mắt dại kia như mơ màng khép lại, tóc trên trán anh thong thả tách ra từng sợi lượn lờ rồi ngoan ngoãn theo nước mơn trớn phân chia để lần lượt rẽ trái rẽ phải hai bên, quá đều, quá phân miêng, khơi ra một đường ngôi quá thẳng, quá sạch, quá trắng ở chính ngay giữa đỉnh đầu anh. Tôi khẽ nấc và cắn chặt môi. Tôi thấy lại anh ba bốn tuổi đang ngửa mặt lên cho bàn tay mẹ định hình đường ngôi đầu tiên trong đời để anh giữ lấy mãi, đường ngôi mà nay con lũ trung thành đang tỉ mẩn xếp lại cho đúng nguyên mẫu ban đầu.”
Trong Đèn Cù không hiếm những câu văn tinh tế như vậy do đó khi đọc nó người ta thấy cảm xúc thi ca được vuốt ve và những hiện tượng chính trị thanh trừng, trù dập, bợm bãi với nhau trở nên dễ chấp nhận hơn đối với người khó tính.

Nhân chứng lịch sử

Trần Đĩnh viết trước hết cho ông, sau đó mới tới người đọc ông và cuối cùng là những thước phim tài liệu có khả năng đứng vững như nhân chứng lịch sử, lịch sử của dối trá và che dấu triệt để sự thật. Để che dấu nó, đảng Cộng sản Việt Nam rập khuôn Liên Xô và Trung Quốc, cơ quan báo chí quan trọng nhất phải có tên Sự Thật.
   

Hình chụp tại tòa soạn báo Sự Thật năm 1948, từ trái sang: Diên Hồng, Nguyễn Địch Dũng, Kỳ Vân, Lê Quang Đạo, Trần Đĩnh, Trường Chinh, Lê Xuân Kỳ, Thép Mới, Hồng Vũ. Hình do Tác giả cung cấp.

Xuyên suốt 600 trang của Đèn Cù là hai mảng quan trọng diễn ra sau khi cộng sản cướp chính quyền. Lần thứ nhất đấu tố địa chủ, cũng là dân chúng bị ép lên miễn cưỡng trở thành địa chủ qua “Cải cách ruộng đất”. Lần thứ hai đấu tố, giam cầm những đảng viên cộng sản có khuynh hướng thân Liên Xô và chống đối cuộc chiến tranh tương tàn qua tên gọi “Vụ án xét lại chống đảng”.
Trần Đĩnh không vẽ ra toàn cảnh bức tranh theo thứ tự thời gian sự kiện như thông thường. Ông kéo từng mảng nhỏ mà ông chứng kiến, tham gia ra miêu tả lại với những chi tiết sâu lắng dẫn dắt câu chuyện như mục tử nghêu ngao trên cánh đồng hoàng hôn đầy ắp những nhân chứng lịch sử. Họ tuần tự kể lại hay qua Trần Đĩnh, minh họa lại từng chi tiết với giọng văn tỉnh táo, trầm tư và rất thông minh của một cây viết kinh nghiệm lão luyện về tự thuật.
Qua lời một người bạn thân theo chân Lê Duẩn sang Trung Quốc xin Bắc Kinh giải tỏa số hỏa tiển do Liên Xô viện trợ bị Trung Quốc chặn lại vì muốn dằn mặt Việt Nam, Trần Đĩnh nhìn thấy ở Lê Duẩn một sự ê chề, bị làm nhục vì dám sang Moskva trước khi tới Bắc Kinh.
Chính ông, vào năm 1958 khi học tại Trung Quốc đã chứng kiến tận mắt sự khinh bỉ của sinh viên Trung Quốc đối với chế độ Việt Nam qua câu chuyện rất ngắn nhưng gói ghém rất nhiều sự thật về tình đồng chí quốc tế vô sản, ông kể:
“Một hôm Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân đến Bắc Kinh đại học nói chuyện với cả nghìn sinh viên. Bọn tôi nghe. Các mẩu câu hỏi, thắc mắc của sinh viên tới tấp truyền tay nhau đưa lên trên bàn Chu Ân Lai. Đến một mẩu, ông đọc to: Trung Quốc nghèo, dân Trung Quốc đói, sao cứ phải giúp Việt Nam?
Tôi thật tình xấu hổ. Sinh viên Trung quốc đòi chấm dứt viện trợ cho Việt Nam trước đông đủ các nước, nhất là trước sinh viên Hồi Giáo sáng sáng bốn năm giờ ra hành lang tụng kinh giập đầu thình thình xuống đất không ai ngủ nổi. Mà sao Chu Ân Lai không ỉm đi? Tôi hơi ức.
Chu Ân Lai giải đáp ngắn gọn, thẳng thắn. Viện trợ cho Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế nhưng có lợi cho Trung Quốc: nên đẩy chiến tranh và đế quốc ra xa Trung Quốc hay để cho chúng nó áp sát bên cạnh?”
Trần Đĩnh chứng kiến việc Mao Trạch Đông giả vờ “Chỉnh đảng” để tiêu diệt thành phần chống đối với y. Báo chí được lệnh kêu gọi phải đốt rụi những gì mà đảng sai lầm, phải “thiêu cháy đảng” để đảng tái sinh…Thế là vô số người đứng lên làm theo sự kêu gọi này mà có hay đâu đó là mồi nhử những người có tư tưởng đòi thay đổi đảng. Mao Trạch Đông dưới mắt Trần Đĩnh là một gã đồ tể máu lạnh. Cử chỉ nhỏ nhẹ, ăn nói từ tốn nhưng là để đối phương có thời gian bày tỏ ngưỡng mộ hơn là bản chất của y, một gã cộng sản có dã tâm muốn thế giới biến động để Trung Quốc đứng giữa hưởng lợi.

Những con rối không tự biết mình là rối

 

Hàng đầu từ trái qua: vợ Hà Xuân Trường, Lê Ðạt, Hồ Chí Minh, ngoài cùng bên phải là Trường Chinh, hàng sau đứng đầu bên trái là Hà Xuân Trường. Hình do Tác giả cung cấp.

Đèn Cù, ngay cái tên của tác phẩm đã nói lên sự vắt kiệt tư duy của tác giả vào quyển sách này.
Khi nói đến Đèn Cù người ta nghĩ ngay tới cái tên gốc của nó: Đèn kéo quân. Cái gốc đó phát xuất từ Tàu và người Việt sau nhiều thế kỷ đã làm theo nó một cách tự nguyện. Đèn Cù trở thành văn hóa Việt Nam, thay đổi chất liệu nhưng nội dung thì y như nguyên bản.
Nếu nhìn trên mặt bằng văn hóa thì Đèn Cù được diễn giải là hội nhập, là hòa tan và hàng chục khái niệm khác. Tuy nhiên đối với Trần Đĩnh, Đèn Cù được khai mở trong một ý niệm khác: Đảng cộng sản Việt Nam theo đuôi nhau chạy vòng tròn dưới bầu khí bị đốt lên bởi ánh nến ý thức hệ của đàn anh Trung Quốc. Họ như những con rối không tự biết mình là rối. Không những thế họ muốn mọi người phải như họ, tức là bịt tai, bịt mắt bịt cả tư duy để tin vào Trung Quốc một cách mù quáng. Sự mù quáng vì ý thức hệ sai khiến ấy trở thành bi kịch cho đất nước chỉ vì một nhóm nhỏ người lũng đoạn, thao túng mà phải chịu cảnh nồi da xáo thịt trong nhiều chục năm trời.
Trần Đĩnh không chấp nhận bị sai khiến và có chân trong cái đám đông tôn sùng Mao Trạch Đông của các lãnh đạo Việt Nam. Ông tách ra đứng riêng chấp nhận tư thế của một người ngoại cuộc, ngoại cuộc với sự tôn sùng lãnh tụ nhưng không ngoại cuộc với số phận Việt Nam:
“Sau năm năm du học tôi bắt đầu thấy đuợc một điều khôn lớn nhất: hãy cảnh giác với thần tượng và bỏ thần tượng! Do đó hãy tin trước hết ở lương tri, bản chất mình, gắng là chính mình, chớ nghe sai phái. Do đó dám phê phán, dám lên tiếng và dám chịu đựng... Cái đó nhờ phong trào phái hữu - mà tôi say sưa, sung suớng chứng kiến - phủ nhận chủ nghĩa xã hội, độc quyền lãnh đạo, những mỹ tự có tính bùa phép khiến một lớp người ít ỏi bỗng trở thành thần thánh.”
Những gì mà Trần Đĩnh tự nói với mình nhiều chục năm về trước vẫn theo đuổi suốt cuộc đời ông. Xóa dấu vết thần tượng Trung Quốc không quá khó đối với ông nhưng hai thần tượng khác bao vây trí tuệ nhà báo Trần Đĩnh thật không dễ xóa chút nào.
Người thứ nhất là Hồ Chí Minh và người thứ hai là Trường Chinh.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rơi xuống trong lòng Trần Đĩnh vì tuy ông không ký vào nghị quyết 9 ủng hộ Trung Quốc nhưng trong tư cách lãnh tụ ông đã bị phe Lê Duẩn khống chế để không dám lên tiếng khiến Trần Đĩnh tỉnh ra trước sự thật này. Nghị quyết 9 chỉ là giọt nước tràn ly khi trước đó qua Phạm Văn Khoa, một người bạn của tác giả tháp tùng với Hồ Chủ tịch sang Trung Quốc về kể lại nguyên văn rằng: “Ông Cụ sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai!”.
Trường Chinh cũng thế, tuy là bậc thầy trong nghề báo đối với Trần Đĩnh nhưng tư cách tránh né vấn đề Cải cách ruộng đất cũng như hành xử trong đời sống đã làm sự kính trọng của ông dành cho Trường Chinh hoàn toàn phá sản.
Và rồi những diễn biến trong hậu trường chính trị của Đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam đã gây đổ vỡ hoàn toàn trong con người nhà báo Trần Đĩnh. Ông phát hiện ra rằng Mao Trạch Đông là người vận động Stalin thôi không có thái độ phủ nhận đối với Hồ Chí Minh trong cái gọi là cộng sản quốc tế. Chính Stalin đã phân công cho Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam, mà trong ngôn ngữ công sản “phụ trách” đồng nghĩa với chỉ đạo, định hướng, kể cả ra lệnh.
Tác giả Đèn Cù viết: “Hệ lụy đã nằm lại sâu bền trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: vị trí đàn em, bên dưới, yên phận biết ơn đã thành nền móng cho một tư thế ứng xử với Trung Quốc. Xuân Trường cho biết Bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Sự lệ thuộc vào Trung Quốc như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm Đèn Cù. Do chạy theo một cách vô thức như những hình nhân mà nhiều đời Tổng bí thư sau Trường Chinh, Trung Quốc vẫn chiếm một vị trí cao chất ngất trong quan hệ giữa hai đảng kể cả sau cuộc chiến 1979 nhuốm đầy máu do Trung Quốc gây ra.
 

Trần Đĩnh chụp cùng Tô Hoài. Hình do Tác giả cung cấp.

Do cùng thời với các danh tài như Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Hoài, Quang Dũng, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Xuân Diệu, Phan Kế  An, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng. Tế Hanh, Xuân Tửu, Đặng Thái Mai…Trần Đĩnh có cơ hội nhìn thấy cách ứng xử của từng cá nhân trong mỗi con người của họ. Chuyện sợ hãi của những người sống trong chế độ cộng sản đã trở thành quen thuộc nhưng ám ảnh sau vụ Cải cách ruộng đất như Tô Hoài thì có lẽ đã lên tới thể loại hài hước khó ngăn tiếng thở dài. Trần Đĩnh kể lại:
“Khoảng hai trăm tù binh phi công Mỹ xếp hàng đầy hết lòng đường đi tới. Quần áo bà ba mầu xám khói nhạt. Tôi giật mình: tất cả đoàn người bị trói kia sao quá giống hệt nhau? Ở chiều cao, ở khổ người, ở dáng đi, ở nét mặt, ở tư thế và thần thái. Lầm lũi ngửng đầu nhìn thẳng vào cái không gian bao quanh đằng đằng sát khí và tiếng la ó. Thoáng rất nhanh tôi ngỡ xem một tập quần tượng đài di động được một đạo diễn tài ba điều khiển. Nhà đạo diễn đó là ý thức về giá trị tự thân. Và rất nhanh lại nghĩ ai đó đã dựng nên tập thể điêu khắc này để đối lại tượng đài Nạn nhân các trại tập trung Quốc xã.
Dân hai bên đường hò hét, đánh đấm, ném đá. Những cái đầu tù binh quay ngoắt tránh đá, tránh đấm rất nhanh. Những con mắt không một lúc nào cầu van, nao núng...
Ba chúng tôi đứng lặng trên hè. Tương quan sức mạnh quá chênh nhau tự nhiên làm se lòng. Đoàn tù binh đã đến đoạn cuối, chợt Tô Hoài nhào xuống đường, nhảy vội lên đấm một cái trượt vào mặt một người tù binh đi ở ngoài cùng.
Anh trở lại, tôi hỏi khẽ: - Đánh người ta làm gì?
Xung quanh căm thù như thế chả lẽ ba đứa mình đứng yên? - Tô Hoài che miệng tủm tỉm cười.”
Cái mỉm cười của Tô Hoài sau đó thể hiện lại một cách sắc sảo qua các cuộc đấu tố trong tiểu thuyết “Ba người khác”.
Đọc Đèn Cù cần một sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn như người nông phu cần mẫn nhặt từng hạt giống hư bỏ ra trước khi gieo giống. Những “hạt giống” trong Đèn Cù cũng vậy, có thể làm người đọc ngơ ngác vì nó tiết lộ những sự thật nao lòng, đến nỗi khó tin, nhưng tiếc thay nó lại là sự thật.

Thất tình Hồ Chí Minh?

Mặc Lâm: Tiếp tục về tác phẩm Đèn Cù xin nhà báo, nhà văn Trần Đĩnh vui lòng cho biết tại sao tới giờ này ông mới quyết định ra mắt tác phẩm này? Động lực nào đã giúp ông ngồi xuống tiếp tục viết những giòng cuối cùng của 600 trăm trang đầy ắp tư liệu lịch sử như thế?
Trần Đĩnh: “Lê Đạt là người khuyến khích, cổ động. Tôi đã định viết rồi và cũng đã viết rồi nhưng tôi không cho Lê Đạt biết là tôi đã viết. Tôi nói là viết phải cô đơn vì anh viết trong khi người ta mời anh cả ngày ra đồn, ra trạm thì anh không làm được gì cả. Phải hết sức khiêm tốn chứ tôi nói anh đừng có phổng mũi lên. Anh muốn đi đường xa thì phải chuẩn bị cho kỹ chứ đừng ầm ĩ lên thì anh sẽ thiệt. Cứ lặng lẽ, lặng lẽ như thế này. Tôi viết từ năm 1990 cho đến bây giờ, cứ lặng lẽ. Lê Đạt thấy tôi sống và viết như thế và nói “mày không viết thì tao là người thất bại” một cách để khuyến khích nhau thôi.”

 

Nhà văn nhà báo Trần Đĩnh, ảnh chụp năm 1998. Hình do ông cung cấp.

Mặc Lâm: Trong Đèn Cù có đoạn ông đã tỏ ra thất vọng và than rằng ông đã thất tình với Trường Chinh và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều gì đã làm ông tuyệt vọng về họ đến nỗi phải dùng hai từ thất tình để mà miêu tả như vậy?
Trần Đĩnh: “Thứ nhất là ông Trường Chinh ấy nói với tôi là ông ấy hoàn toàn tán thành vấn đề sống hòa bình dân chủ. Ông ấy nói với tôi rằng đồng chí Krouchev chủ trương hòa bình thì làm sao mà chửi đồng chí ấy? Cho đến lúc ông ấy gọi tôi viết hồi ký tôi biết là ông ấy nhắm tôi vì tôi với ông ấy nhiều cái hợp nhau. Thứ nhất là ông ấy thích văn tôi. Thứ hai là ông biết lập trường của tôi là giống ông ấy chứ không theo Lê Duẩn, cứng rắn theo Trung Quốc.
Lúc bấy giờ đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước hai ngả đường: theo Liên Xô hay theo Trung Quốc? Lúc đó Trung Quốc kéo mạnh lắm, kéo người bên cạnh với sức quyết tâm rất mạnh. Hơn nữa là ông Stalin nói là để Mao Trạch Đông phụ trách Việt Nam cho nên là đã có đường mòn thế rồi. Anh nên nhớ Nghị quyết 9 cụ Hồ không bỏ phiếu. Không bỏ phiếu tức là không tán thành, coi tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lenin thời đại này. Ông Lê Duẩn cũng đã xác định trong quyển sách coi tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng của Lenin trong thời đại cách mạng này. Thế mà cụ Hồ không bỏ phiếu là không tán thành rồi.
Ông Trường Chinh thì tán thành và nói rằng Trung Quốc đã đấm 9 cú đấm Thôi sơn, đánh tan chủ nghĩa Krouchev. Tôi thấy ông ấy đi ngược lại mình nên tôi có cảm giác là thất tình! Bây giờ thì mình có tuổi nên cũng hiểu là con người ta cũng có lúc lắt léo thế này thế nọ. Cuối cùng ông ấy mới kiến nghị nên mới có cái đổi mới sau này đấy chứ. Đổi mới được một tí thì ông Lê Đức Thọ lại bắt ông ấy phải về. Cụ Hồ cũng thế. Tôi thần thánh cụ Hồ vì tôi tôi nghĩ cụ sẽ nói ra sự thật. Ai ngờ đâu cụ cũng im nốt. Té ra mình là thằng bướng bỉnh cứ nói. Thất tình là như thế!”
Mặc Lâm: Sau khi Lê Duẩn bị Trung Quốc làm cho ê mặt trong chuyến đi xin Bắc Kinh cho phép hỏa tiến viện trợ từ Nga được thông cảng sang Việt Nam, phải chăng Lê Duẩn rất căm Bắc Kinh và tỏ thái độ chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ sau này thưa ông?
Trần Đĩnh: “Ông ấy chưa chống đâu, nhất định chưa chống đâu. Sau này khi Cách mạng Văn hóa thì ông ấy mới giật mình. Ông bảo không cẩn thận thì lôi thôi nhưng ông ấy cũng chưa chống. Sau này Trung Quốc lớn giọng quá  ông ấy bắt đầu giật mình. Anh nên nhớ lúc bấy giờ tôi có viết là Việt Nam như gót giày Achilles, luôn luôn đứng dưới bóng đa bóng đề của Trung Quốc chứ không thể đứng một mình được. Chúng ta cứ nói là chúng ta anh hùng nhưng chúng ta thua thằng hèn là thế. Không thể đứng một mình được. Ngay đến bây giờ cần các ông ấy đứng một mình tức là anh dám đi một mình hay không, nhưng lại không dám nên vẫn nhìn ngó anh Trung Quốc. Cái bóng đó lớn đến nỗi chúng ta không thể ra khỏi nó được.”
Mặc Lâm: Lãnh đạo Việt Nam hôm nay có vẻ chưa rút ra được kinh nghiệm thân thiện với Trung Quốc cách nào đi nữa thì vẫn bị họ khinh thường, dẫn dắt theo quyền lợi của họ. Ông đã từng biết nhiều về việc Trung Quốc coi thường Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn thậm chí với chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lý giải thế nào về hiện tượng lãnh đạo hôm nay?
Trần Đĩnh: “Lúc đầu cái chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế nó làm cho người ta đinh ninh rằng phải có phe và có người đỡ lưng cho mình cho nên có gì thì cái xe vẫn phải chạy và có người lái vẫn phải đi tiếp. Vì vậy khi Đặng Tiểu Bình lên ta bắt đầu hy vọng. Đấy là những điều ảo tưởng hết. Đinh ninh rằng Việt Nam đã đứng trên cái xe thì phải có đầu tàu, hoặc Liên Xô hoặc Trung Quốc rồi thì chúng ta sẽ tiến lên. Trước mắt họ có làm xấu thì chắc họ sẽ phá ra được, cũng như Đặng Tiểu Bình đánh Mao Trạch Đông để lên đấy. Tất cả đều bị chủ nghĩa Quốc tế vô sản làm cho bị lóa đi. Cứ đinh ninh là như vậy nên không thể đứng một mình được.
Quả thật Việt Nam có bao giờ đứng một mình được đâu. Ngày xưa chưa có gì thì đảng Cộng sản Pháp phụ trách. Tất cả những ông lãnh đạo không biết tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, chỉ biết tiếng Pháp thôi. Nga giúp tiền cho mình thì lại qua Pháp. Sau này năm 1949 thì đi sang xin  Trung Quốc. Mình không thể hiểu cái ràng buộc về ý thức hệ nó kinh khủng lắm. Con người ta không dám vượt khỏi cái  ranh giới của ý thức hệ  đã qui định được đâu. Anh phải có phe. Anh phải có đầu tàu, đầu tàu cách mạng ấy, Liên Xô lãnh đạo anh không được vi phạm không được phản bội. Anh nên nhớ ngày xưa trong đảng Cộng sản quốc tế, chi bộ của quốc tế là chi bộ của Liên Xô. Anh mà phản bội chi bộ ấy thì còn ra cái gì nữa, đúng không?
Cho nên cái tâm thức luôn luôn phục tùng, luôn luôn sợ hãi kỷ luật ấy làm cho người ta bị tù túng ghê lắm. Anh bị khống chế trước những quy luật tự anh đặt ra. Anh nên nhớ là bất kỳ một ông lãnh tụ cộng sản nào cũng đều không được phép tự lập ra đảng. Phải có Stalin bảo lập mới được lập. Anh mà tự lập anh chết ngay. Phải có sự xem xét của Stalin để nghiên cứu xem tay này được hay không. Ghê lắm. Đó là một uy lực kinh khủng.”
Mặc Lâm: Qua vụ án xét lại chống đảng, ông nhận xét thế nào về vai trò của hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ?
Trần Đĩnh: “Trước hết chính ông Duẩn xác định tư tưởng Lenin vào thời đại này. Ông Duẩn rất tán thành câu Mao Trạch Đông nói rằng “Thiên hạ đại loạn Trung Quốc được nhờ.” Có nghĩa là bạn bè mà đánh khắp thế giới, đại loạn thì chính Trung Quốc mới thoát được ra mà hưởng trong đại loạn ấy. Cái câu ấy đầy trong sách vở của Trung Quốc. Ngày xưa tôi ở Trung Quốc tôi biết. Ông Duẩn rất tâm đắc câu ấy. Bây giờ lái theo quĩ đạo ấy, chiến tranh các thứ... thì họ là người tổ chức còn ông ấy cứ theo đúng đường lối ấy. Tổ chức như vậy thì làm thế nào chống lại. Ông Thọ thì tính cách là người gian hùng làm dữ dằn lên. Bố vợ tôi do chính ông ấy giết chứ chả thấy xét lại gì cả. Có xét lại thì ông ấy cũng đã chết từ năm 46-47 rồi, Đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc ông ấy thịt hết. Ông Lê Giản chống tổng giám đốc công an xin khiếu nại mà không được.”

Anh hùng hay anh hèn?

Mặc Lâm: Trong gần cuối cuốn sách có một đoạn rất buồn: Ông khóc vì dân ta hèn và vì nghĩ như thế liên can tới cha mẹ nên ông bị mặc cảm là hỗn láo với tiền nhân, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
Trần Đĩnh: “Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt. Bom đạn không sợ nhưng rất sợ quyền lực. Chính điều đó đẻ ra việc chúng ta khó có dân chủ là vì dân trí thấp. Chúng ta đinh ninh rằng chúng ta anh hùng trước mặt “kẻ thù” nhưng đụng đến chính quyền, đến nhà nước là ta im re hết. Tôi gọi hèn là vì vậy. Tại sao tôi khóc vì tôi cảm giác nhân dân như bố mẹ mình mà mình nói xúc phạm như vậy là mình có lỗi với bố mẹ mình. Bây giờ dần trưởng thành rồi mình cảm thấy không phải như vậy nữa.”
Mặc Lâm: Và nhìn lại hoàn cảnh sống hiện nay tại Việt Nam thì ông có cảm thấy sự hèn ấy có bớt đi phần nào hay không?
Trần Đĩnh: “Bây giờ bắt đầu khá lên đấy. Dân mình bắt đầu khá lên là vì sự thật đã được cởi tất. Theo tôi tất cả đều là sự thật hết. Người ta nhìn thấy ra sự thật, cái gì là nguyên nhân. Trước đây người ta thấy nguyên nhân là đế quốc nhưng dần dần thì không phải. Dần dần thì người ta thấy nguyên nhân chính là mất dân chủ nhân dân không được coi trọng. Nhân dân chỉ có tiếng là gốc, là chủ thôi chứ không hề có quyền lực gì hết. Người ta thấy ra sự thật thôi. Người ta thấy đảng đã tước quyền của người ta. Trong quyển sách, tôi có nói với anh cục trưởng cục A25 chuyên về an ninh văn hóa, tuyên truyền là đảng có yếu kém về trí tuệ. Tôi nói với các anh ấy là đảng rất yếu kém trí tuệ mà câu này không phải tôi sáng tạo ra mà chính đảng nhận như vậy. Đảng duy ý chí mà chính vì anh kém trí tuệ nên anh duy ý chí. Anh tưởng anh có thể cầm que diêm anh có thể đun nỗi ly nước, đó là anh duy ý chí hoặc là anh kém trí tuệ.
Đảng nhận, và tôi nói theo, đảng nhận nhưng đảng không bao giờ làm, đấy là bi kịch lớn nhất của đảng. Đảng nhận dân là gốc, là chủ nhưng không bao giờ coi dân là gốc, là chủ. Đảng nói là nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng sự thật nhưng đảng không bao giờ làm. Ai nói thẳng với đảng là bị đàn áp.
Tôi tin là nếu đảng có một tí khôn ngoan thì sẽ thấy cái nguy hiểm của mình. Cứ tiếp tục cái đà này thì không ai chịu nỗi. Anh nói một đàng, anh làm một nẻo. Anh thử tưởng tượng một show về thời của thế giới New York, Paris mà anh đưa ra người mẫu toàn bằng tre bằng nứa thì ai người ta chịu được. Ở cuộc đời, anh phải luôn luôn làm cho người ta tin. Tôi nghĩ đảng phải rút cái bài học này đấy. Nói thẳng sự thật mà ai người ta nói ra thì đàn áp luôn rồi nói rằng mày nói láo!”
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/book-review-the-lantern-by-tran-dinh-ml-08092014080857.html 

*
*     * 
'Đèn Cù là tiếng kêu đau' của tôi
BBC Việt Ngữ 

 

Những ngày gần đây, dư luận đang chú ý một cuốn sách, được in tại Mỹ, của tác giả Trần Đĩnh, viết về chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuốn sách  Đèn Cù, được công bố dịp này ở hải ngoại là một 'lời kêu đau' của người viết, theo nhà văn Trần Đĩnh, tác giả cuốn tự truyện vốn đề cập nhiều chi tiết được cho là 'thâm cung bí sử' về Đảng Cộng sản Việt Nam và các 'góc khuất' trong đời tư của cố Chủ tịch Việt Nam, ông Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC hôm 01/9/2014 từ Việt Nam, ông Trần Đĩnh giải thích lý do và dự định viết và công bố cuốn sách, mà theo ông đã được khởi thảo từ năm 1991 để hưởng ứng lời kêu gọi của cố Tổng Bí thư ông Nguyễn Văn Linh về 'phá tan sự im lặng đáng sợ'.
Tác giả cũng nói ông quyết định hoàn tất cuốn sách để gửi ra hải ngoại công bố, vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông vào đầu tháng 5 năm nay để gửi một thông điệp cho Đảng.

Sự thực

Ông Trần Đĩnh cũng nói do nội dung của cuốn sách có nhiều thông tin được cho là nhạy cảm, mà sách của ông không thể công bố trong nước, và ông buộc phải gửi ra hải ngoại, sau lần chỉnh sửa, bổ sung cuối cùng vào đầu tháng 5/2014.
Ông Trần Đĩnh, sinh năm 1930, ở Hải Hưng, nguyên nhà báo của các cơ quan báo chí của Đảng như Sự Thật, báo Nhân Dân.
Ông là cây bút chuyên được đặt hàng hoặc mời viết tiểu sử, tự truyện, hồi ký cho các nhân vật cao cấp trong Đảng, trong đó có ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, cố Tổng bí thư Đảng.
Nói với BBC, ông khẳng định những gì ông viết là sự thật từ chính những gì ông chứng kiến, hoặc được các nhân chứng lịch sử chia sẻ.

*
*   *

  
"Đèn Cù" hay hành trình của một kẻ chống Mao
Thanh Phương (RFI) 
*
*     *
Đèn Cù tập 2: Bí ẩn cung đình đỏ và thân phận con người 
Kính Hòa, phóng viên RFA 

Đọc Đèn cù tập 2 người ta cũng thấy một mối quan hệ đặc biệt giữa những người bất đồng chính kiến, những người bị chế độ lên án với những nhân viên an ninh theo dõi họ. Họ tồn tại song song nhau, khai thác nhau. Bộ máy an ninh dày đặt đã gieo rắc sự sợ hãi vào trong lòng dân chúng, và cả những người có cương vị trong xã hội. Trong xã hội ấy một khi người ta ngại tiếp xúc với các cơ cấu của bộ máy quyền lực chính là lúc người ta bắt đầu có biểu hiện của sự khủng hoảng tâm thần do bị đàn áp về tinh thần.  Đó là nhận xét của Trần Đĩnh về những thân phận con người xung quanh mình và ông thường xuyên tự nhắc mình rằng trong cái sợ đó “phải ứng phó làm sao cho đúng cốt cách một con Người”.
Dù biết rằng bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng câu chuyện về những nhân vật cộng sản Việt nam mà Trần Đĩnh ghi lại, không khỏi gợi cho độc giả nhớ đến cuốn tiểu thuyết chính trị của nhà văn Pháp Andre Malraux mang tựa đề “Thân phận con người”, mô tả cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản tại Thượng hải, Trung quốc vào những năm 1930. Người ta thấy nhiều âm mưu, nhiều sự bội phản, nhiều sự cơ hội, và trên hết là sự ảo tưởng mà Trần Đĩnh gọi là sự Mộng tưởng. Sự mộng tưởng vào chủ nghĩa cộng sản ám ảnh tác giả lớn đến mức mà ông lập lại đến hai lần trong phần hai của tác phẩm Đèn cù:
“Mộng tưởng không trọng lượng nhưng đè sập biết bao đời người.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire