vendredi 3 janvier 2014

TƯỞNG NIỆM DANH CA HÀ THANH

  
Danh Ca Hà Thanh
Tên thật: Trần Thị Lục Hà
Pháp danh: Tâm Từ
Sanh ngày: 25/7/1937
Mất ngày: 1/1/2014
Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho hương linh Bà Trần Thị Lục Hà, pháp danh Tâm Từ 
sớm được siêu sinh tịnh độ.


 
NHƯ HẢO

                     VĨNH BIỆT TIẾNG HÁT HÀ THANH – LOÀI HOA VỠ BÊN TRỜI
   (trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày thứ sáu 3 tháng 1 năm 2014)
                  
Ảnh trên là ca sĩ Hà Thanh. Ảnh dưới, từ trái sang phải là các ca sĩ Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao và Hà Thanh chụp năm 1992
"Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời, đợi mùa Xuân sang tô màu nhớ. Dừng chân trông hoa xuân hồng thắm, buồn tìm về tình ai đằm thắm, giờ vun vút trời mây.."
(Nhớ Một Chiều Xuân – Nguyễn Văn Đông)
Cứ mỗi lần nghe ca khúc này và Sắc Hoa Mầu Nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài niệm. Tiếng hát của những giọt nắng chiều tiếc nhớ. Mỗi khi chị hát đoạn “loài hoa vỡ bên trời”, trái tim tôi như ai bóp mạnh hơn, nhói hơn khi nhớ về những mùa Xuân xưa quê nhà nay đã không còn nữa..
     Những năm gần đây, Trung Trần, một cậu em tuổi đời mới 25, sống ở Cần Thơ, nhưng lại chỉ thích nghe giọng hát của các cô chú Thanh Thúy, Bạch Yến, Minh Hiếu, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Giáng Thu, Mạnh Quỳnh (Gõ Cửa), Giang Tử, Phương Dung, Mai Lệ Huyền... và những ca khúc trữ tình trước 75. Mỗi tháng, Trung thỉnh thoảng dành thì giờ nhắn tin, điện thoại thăm hỏi các cô chú, và chỉ khi nào Trung không liên lạc được, em mới ngỏ ý nhờ người viết giúp tìm. Trong số những người Trung nhờ mà tôi chịu thua suốt 3 năm qua, đó là ca sĩ Hà Thanh. Có lúc, tôi phải tìm đến các nghệ sĩ Thanh Thúy, Như Hảo, Phương Hồng Quế... những người từng một thời thân thiết với chị, nhưng chẳng ai có câu trả lời. Sau này tôi mới biết, khi thu Video cho Trung Tâm Thúy Nga bài Hoa Xuân, sau đó với Trung Tâm Asia nhạc phẩm Nha Trang, chị khám phá mình vướng vào căn bịnh ung thư máu. Từ đó, chị tránh né và gần như cắt đứt mọi liên lạc với những tình thân.
        
(Hà Thanh hát Hoa Xuân)
        
(Hà Thanh hát Nha Trang)
      Chiều thứ tư ngày 1 tháng 1 năm 2014, mới khoảng 5g00 chiều hơn, ca sĩ Mai Hương, giọng hốt hoảng báo tin: “Có tin chị Hà Thanh vừa mất, B. biết chưa?”. Tôi đang ngầy ngật vì mất ngủ nguyên đêm và nhất là vừa bước vào nhà sau một chuyến bay từ Houston trở về, chợt thót tim trước hung tin đưa tới. Chị Mai Hương chỉ biết có thế và hai chị em chỉ biết lặng im bùi ngùi qua điện thoại. Tôi gọi đến chị Hoàng Oanh, và chị cũng cho biết, đó là tin cô Bạch Lan, em gái ca sĩ Hà Thanh đã xác nhận là sự thật. Ôi, vậy là thật rồi, tháng 12 năm nay, tháng của giỗ một năm Duy Quang khuất bóng, rồi những tin buồn tới tấp của các ca nhạc sĩ Huỳnh Anh, Việt Dzũng ra đi và bây giờ vừa bước vào ngày đầu tiên của một năm mới, ngày 1 tháng 1 năm 2014, tiếng hát của những “khúc tình ca xứ Huế”, tiếng hát của những dòng nhạc Nguyễn Văn Đông, giờ đã về bên kia thế giới. Và những cú điện thoại sau đó, là những bàng hoàng, là những nấc nghẹn của Thanh Thúy, Như Hảo, Phương Hồng Quế... khi nhắc lại những kỷ niệm của những ngày còn bên cạnh Hà Thanh. 
    HÀ THANH theo tuổi ghi trên các mạng điện tử thì cô sinh năm 1939, nhưng theo các ca sĩ Thanh Thúy, Mai Hương, Hoàng Oanh, mỗi lần từ Boston bay đến Quận Cam, tiếng hát Sắc Hoa Mầu Nhớ luôn tạm trú ở chùa TQ do ni sư Chơn Đạo trụ trì, và theo lời của vị ni sư này, tuổi thật Hà Thanh là năm 1937. Khi nói về tuổi thật và tuổi trên giấy tờ, ca sĩ Thanh Thúy nói theo cảm nghĩ riêng của mình: “Chị nghĩ rằng, ghi lại đúng tuổi thật của một người đã mất, đó là điều quan trọng".
      Dưới đây là một số tư liệu được góp nhặt từ nhiều nơi, viết về cuộc đời ca sĩ Hà Thanh.
    Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Bà là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà không một người nào đi theo con đường văn nghệ, ngoài một người anh tỏ ra khuyến khích bà khi nhận thấy cô em mình có biệt tài ca hát. Là một người theo đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát trong chương trình Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế. Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, Lục Hà khi đó mới 16 tuổi tham dự. Lục Hà đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài Dòng sông xanh, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của cô: Hà Thanh. Hà Thanh tiếp tục học và có đi hát cho Đài phát thanh Huế.
    Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Bà trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội… Bà rất nổi tiếng với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Hàng hàng lớp lớp, Chiều mưa biên giới… Trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1975 ở Sài Gòn, Hà Thanh thâu âm rất nhiều cho các hãng đĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Shotguns, Trường Sơn, Premier, Continental, Sơn Ca… Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc của bà. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con gái là Kim Huyền.
    Sau năm 1975, TT Bùi Thế Dung phải đi cải tạo. Năm 1984 Hà Thanh cùng con gái được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990 vợ chồng Hà Thanh sum họp nhưng tan vỡ hai năm sau đó. Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên và có ghi âm một số CD như Hải ngoại thương ca - Giáng Ngọc thực hiện (1985), Chiều mưa biên giới - Giáng Ngọc thực hiện (1995), Sầu mộng - Phạm Vũ thực hiện (1995), Ngát hương đàm - Phật Ca (1999), Chinh phụ ca - Giáng Ngọc thực hiện (2000), Nhành dương cứu khổ - Phật Ca (2003).
   
  

                  Hà Thanh, Chim Hoàng Oanh Đất Thần Kinh                                                 Tác giả: Vương Trùng Dương
Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương: Hoàng Oanh. Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh.
Sinh trưởng ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, lớn lên bên dòng Bến Ngự đường Huyền Trân Công Chúa, Trần Thị Lục Hà sinh ra trong gia đình gia giáo có mười anh chị em, theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Là một Phật tử thuần thành, thuở nhỏ đã được quy y với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Lục Hà thích hát từ thuở mới cắp sách đến trường, dần dà năng khiếu về ca hát được thể hiện qua chương trình "Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học - Đồng Khánh" trên Đài phát thanh Huế.
Bước Đường Nghệ Thuật
Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, cô nữ sinh Lục Hà của Trường Đồng Khánh mới 16 tuổi tham dự với danh xưng Hà Thanh. Qua 6 nhạc phẩm rất khó hát được Hà Thanh trình diễn như Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) của J.Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự & Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Hà Thanh được Ban Giám Khảo chấm giải nhất với số điểm 19/20.
Tên tuổi Hà Thanh đã được giới yêu thích âm nhạc ái mộ với làn hơi trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương, có nét độc đáo trong âm điệu đất Thần Kinh. Tuy yêu nghề nhưng chưa dấn thân vào nghiệp, Hà Thanh vẫn tiếp tục con đường học vấn, chỉ hát ở Huế nhưng những ca khúc được trình bày đã vang xa khắp bốn phương trời qua lán sóng phát thanh của Đài phát thanh Huế, đánh dấu sự chờ đợi, hẹn hò của các trung tâm phát hành đĩa nhạc ở Thủ đô Sài Gòn.
Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc.
                   
Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập trong môi sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Từ đó, góp mặt với những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước, Mai Hương, Lệ Thu, Minh Hiếu, Thanh Thuý... Vào giữa thập niên 60, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội... Thời gian kế tiếp, xuất hiện trên Đài Truyền hình, một giọng ca rất Huế, một hình ảnh rất thân quen đã tạo dựng cho tên tuổi Hà Thanh với sắc thái đặc biệt gắn liền với nhiều bản tình ca in sâu vào tâm tư tình cảm tha nhân.
Vào cuối thập niên 50, Nguyễn Văn Đông cho ra mắt vài nhạc phẩm đầu tay như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Mầu Nhớ... Quái kiệt Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc Chiều Mưa Biên Giới lên đỉnh trăng sao trong khung trời ca nhạc. Thập niên 1960, Nguyễn Văn Đông làm Giám đốc nghệ thuật trung tâm đĩa nhạc Continental, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua tiếng hát Hà Thanh đã đưa người nghe lâng lâng tâm hồn, bay bỗng "theo áng mây trôi chiều hoang, bầu trời xanh xanh, vầng trăng, cờ về chiều tung bay phất phới...". Và, hình ảnh biên giới với người đi khu chiến được khơi dậy trong lòng mọi người.
Từ đó, nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông được Hà Thanh trình bày, qua gần 4 thập niên, vẫn là tiếng hoàng oanh ngân vang đầu núi. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân... của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát, vô hình chung trở nên bản quyền của Hà Thanh. Ở đó, có khi như định mệnh, thời gian ở hải ngoại, Hà Thanh gắn liền với Hải Ngoại Thương Ca. Với ca khúc Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, với Tà Áo Tím, Thuở Ấy Yêu Em, Anh Đi Về Đâu của Hoàng Nguyên, với Chùa Hương của Hoàng Quý, Dứt Đường Tơ của Văn Thuỷ và Dzoãn Mẫn với Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, và nhất là Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục... được Hà Thanh trình bày, qua bao thập niên, vẫn là giọt sương long lanh, tiếng hót của loài chim quý trên đỉnh núi, lời tình tự ngát hương.
Nổi Trôi Theo Dòng Đời
Trong văn giới, Mai Thảo đã một thời mê bóng dáng Hà Thanh. Vào thập niên 60, Mai Thảo trông coi tạp chí Kịch Ảnh nên có nhiều "quan hệ" trong giới ca nhạc. Lê Hà Nam trong bài viết về Mai Thảo đã đề cập:... "Vào cuối thập niên 50, đã từ Sài Gòn, một mình bay ra cố đô Huế; lừng lững tới tận nhà người ca sĩ họ Lục (sau nầy trở thành danh ca dưới tên H.T). Đó là Mai Thảo, ông hoàng của Đêm Sài Gòn. Không chỉ đa số các khán giả không biết mà, ngay cả song thân của người ca sĩ họ Lục cũng kinh ngạc, ngỡ ngàng khi nghe Mai Thảo nói:  "Tôi là Mai Thảo, từ Sài Gòn ra, chúng tôi thật sự muốn lấy L.H làm vợ..." Và, cũng ngay sau đó, song thân của người con gái họ Lục tự thấy rằng sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, nếu có một chàng rể như... Mai Thảo".
Hình như ca sĩ thường lập gia đình rất sớm, nhưng Hà Thanh lập gia đình vào tuổi tam thập nhi lập. Năm 1970 kết duyên với người hùng trong Binh chủng Thiết Giáp, Trung tá tá Bùi Thế Dung, Thiết đoàn trưởng. Năm 1972, Kim Huyên ra đời. Hiện nay, Kim Huyên nối nghiệp cầm ca theo thân mẫu.
Hà Thanh cùng chồng sống bên nhau được bốn năm, biến cố tang thương, cách xa mười lăm năm, mang tiếng hát "bi thương" trang trải nơi hải ngoại.
Năm 1975, phu quân Hà Thanh vào chốn lao tù và trải qua 13 năm, Hà Thanh đã chay tịnh cầu an, thề nguyện. Năm 1984 Hà Thanh và đứa con duy nhất được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990, vợ chồng được sum họp với nhau. Thế nhưng, theo dòng thời gian với bao nỗi trớ trêu của hệ luỵ, bóng tối cuộc tình đổ xuống trong tuổi bóng xế của cuộc đời sau 2 năm gần gủi bên nhau.
Tuy là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hoàn cảnh đời sống hải ngoại đưa đẩy công việc không liên quan đến nghề nghiệp trong sinh hoạt văn nghệ. Nói như thi hào Nguyễn Du "Đã mang lấy nghiệp vào thân", làm sao rời bỏ tiếng ca, giọng hát khi lòng còn tha thiết, vẫn còn trong sáng, ngọt ngào, nét độc đáo trong tiếng hát. Trong suốt thời gian vợ chồng xa cách, Hà Thanh rất ít xuất hiện trên sân khấu, con chim hoàng oanh ngậm ngùi im tiếng. Đã một thời nơi đất Thần Kinh, Hà Thanh được mệnh danh con chim hoạ mi trong vòm trời ca nhạc.
Bước vào thập niên 90, thỉnh thoảng về thăm Little Saigon, Hà Thanh xuất hiện, trình làng tiếng ca trong vài cuốn CD. Ngoài những ca khúc được hát chung với vài ca sĩ thành danh, tiếng hát Hà Thanh với CD khởi đầu Hải Ngoại Thương Ca, và CD kế tiếp Chiều Mưa Biên Giới, gồm hai mươi ca khúc quen thuộc, vang danh. Những ca khúc nầy đã một thời tạo dựng tên tuổi Hà Thanh nổi tiếng trong kiếp cầm ca. Và, ngược lại, đôi khi còn là của riêng bởi giọng ca đặc biệt ngọt ngào, thướt tha, mềm mại như lụa đào, như dáng liễu nhẹ nhàng tung bay trong làn gió nhẹ.
Ở đây, gặp lại những tình khúc một thời luyến nhớ từ Chiều Mưa Biên Giới. Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca hàng Hàng Lớp Lớp của Nguyễn Văn Đông đến Thiên Thai của Văn Cao, Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, Nỗi Niềm của Tuấn Khanh, Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng.
CD Sầu Mộng gồm mười nhạc phẩm được chọn lọc của Phạm Vũ như Hương Bay, Sầu Mộng, Mây Mùa Thu... tuy không được ái mộ nhiều nhưng cũng là món quà đóng góp trong vườn hoa nghệ thuật hải ngoại.
CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang mầu sắc Phật Giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Là Phật Tử, Hà Thanh thường đi trình diễn trong dịp lễ của Phật Giáo như công quả thệ nguyện. CD Nhành Dương Cưu Khổ được tiếp nối sau CD về đạo ca mà Hà Thanh ôm ấp trong tâm tưởng.
Kết
Hà Thanh được hầu hết mọi người ái mộ từ nhân cách của người ca sĩ đến giọng ca được trải dài trong gần nửa thế kỷ. Bước vào thiên niên kỷ mới, Hà Thanh bước sang tuổi lục tuần. Hà Thanh còn giữ được giọng ca truyền cảm, điêu luyện để đóng góp vào dòng sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, Hà Thanh thực hiện tiếng ca của con chim hoàng oanh để được lưu truyền, nếu không, phôi phai theo thời gian, mỗi chuỗi giây đưa ta về miền cát bụi... rồi một ngày nào đó, không còn tác phẩm cho đời, ngậm ngùi tiếc nuối. Trước kia, Hà Thanh không xuất hiện ở vũ trường, vào đầu thập niên 70 Hà Thanh xuất hiện với lý do đặc biệt vì không nhận thù lao.
Hà Thanh, một giọng ca bay bổng, lẫy lừng, tiếng hát đã chinh phục hàng triệu trái tim trên làn sóng điện, và, một cuộc sống trầm lặng, mộ đạo, hiếu thảo bên thân mẫu vào tuổi cửu tuần. Tiếng hát Hà Thanh cao vút, luyến láy rất nhuần nhuyễn khơi dậy nhựng mạch nguồn của nhớ nhung, của một thời yêu thương với khung trời vấn vương bao kỷ niệm, của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước... tất cả mang theo hình ảnh thân thương của bóng dáng quê hương. Tiếng hát Hà Thanh như cuốn hút người nghe thả hồn về quá khứ, thả mình trong tĩnh lặng, trong nỗi xa xăm bị đánh mất, mịt mù thức mây... được vỗ về, bầy tỏ, an ủi cho nhau bởi âm điệu ngọt ngào du dương.

HÀ THANH ( 1937 - 2014)
Tiếng Hát Mượt Mà

 



  
Tiếng hát Hà Thanh 

Ca sĩ Hà Thanh ‘Hoạ mi xứ Huế’ 
Mộng Lan & Trọng Nghĩa thực hiện
"Radio Chân Trời Mới"

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire