Sáng ngày 20 tháng 12-2013, nghe tin ký giả Khúc Minh báo tin Việt Dzũng đã ra đi, cũng là lúc vùng trời Bắc Mỹ tuyết rơi nhiều. Trời Tây Bắc trắng xóa một màu thanh bạch như để đón một người con về vùng trời miên viễn. Ngay tức khắc, tin tức loan đi nhanh và rộng khắp địa cầu. Những người thương yêu anh đều bàng hoàng gọi cho nhau, báo tin cho nhau và… khóc với nhau. Một người bạn thân thiết đã rời thế gian.
Xin kể cho bạn nghe vài điều về Việt Dzũng: một con người phi thường, một người bạn chí tình, một chiến sĩ tranh đấu chống cộng sản không mệt mỏi, một ca nhạc sĩ yêu đời, một xướng ngôn viên vui tươi, một nhà báo nhiều khả năng,…
Thời trung học ở Việt Nam, Việt Dzũng tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, là học sinh trường Lasan Taberd Sài Gòn. Là một thanh niên trong một gia đình Công Giáo có 4 anh chị em. Vượt biển trốn cộng sản bằng thuyền. Cha là bác sĩ, y sĩ trưởng Bộ Tổng Tham Mưu và Sư Ðoàn 5 QLVNCH. Mẹ là giáo sư trường trung học Gia Long ở Sài Gòn.
Lui lại những năm của thập niên 70, sau khi cộng sản chiếm trọn nước Việt Nam, kể khi từ bên Nhật Bản dấy lên phong trào tranh đấu của các sinh viên du học tại Tokyo, rồi lan qua các thành phố khác. Tại Nhật Bản là nơi Việt Dzũng có người chị đang du học, Tổ Chức Người Việt Tự Do là tên một tổ chức được thành lập bởi những sinh viên Việt Nam không chấp nhận cộng sản. Ngay từ sau ngày 30 tháng Tư-1975, khi cộng sản chiếm trọn nước Việt Nam, Tổ Chức Người Việt Tự Do ra đời tại Nhật Bản và lan qua các quốc gia có người Việt tỵ nạn cộng sản và các trại tỵ nạn cộng sản ở vùng Ðông Nam Á. Việt Dzũng sớm có mặt cùng với các sinh hoạt của tổ chức này.
Chính nhạc sĩ Việt Dzũng là một người tỵ nạn cộng sản, vượt biển bằng thuyền và bắt đầu con đường tranh đấu, sau khi đặt chân đến bến bờ tự do. Anh lưu diễn qua các trại tỵ nạn để mong xoa dịu nỗi đau của những thuyền nhân đã vượt trùng dương bằng con thuyền mong nhanh trên biển Ðông, mà có đến phân nửa đã bỏ thây trong lòng biển cả. Một mặt anh nói cho thế giới biết thảm nạn thuyền nhân, một cuộc ra đi trốn chạy cộng sản, có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Một loạt các bài hát về thuyền nhân được anh sáng tác trong giai đoạn này đã lay động tâm cang nhiều người, trong đó có ca nhạc sĩ Joan Baez, một người nổi tiếng của phong trào phản chiến của Mỹ, chống lại chiến tranh Việt Nam. Tháng Năm – 1979, Joan Baez đã tố cáo Việt cộng trên 4 tờ báo lớn nhất của Hoa Kỳ rằng, “cộng sản Việt Nam là thủ phạm làm nên những cơn ác mộng”. Việt Dzũng đã cùng với Joan Baez hát chung nhiều lần ở các trường đại học vùng Trung Nam Hoa Kỳ. Thời gian này, các chiến dịch cứu người vượt biển của Liên Hiệp Quốc và của nhiều quốc gia tự do hoạt động rất tích cực trong công tác cứu thuyền nhân trên biển Ðông.
Cũng trong thời kỳ này, cùng với ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh kết nghĩa chị em. Hai chị em cùng nhau lên đường, lưu diễn tại nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ và các quốc gia tự do trên thế giới. Họ không chỉ ca lên những lời hát cho thân phận thuyền nhân, nạn nhân cộng sản, mà còn thổi thêm ngọn lửa cho phong trào phục quốc, hát cho những người quay về đối đầu trực diện với kẻ thù cộng sản, quyết giành lại giang san Việt Nam. Những bài ca rực lửa tranh đấu, nung nấu tấm lòng yêu quê hương đất nước.
Hai nhạc sĩ này cùng với nhiều người khác thành lập Phong Trào Hưng Ca, cho ra đời nhiều bài ca tranh đấu, gọi là chiến đấu ca. Phong trào này đã giúp rất nhiều cho người Việt tại hải ngoại còn giữ được tấm lòng đối với non sông đất nước và quyết tâm chống lại chủ nghĩa cộng sản gian tà, đến nay vẫn còn hoạt động.
Việt Dzũng không chỉ là ca sĩ hay nhạc sĩ mà là một nhà báo, một ký giả có nhiều khả năng. Việt Dzũng cộng tác với tờ báo ra đời sớm nhất ở hải ngoại là Hồn Việt, rồi Người Việt, Tay Phải, Nhân Chứng,… và rất nhiều tờ báo khác ở nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ và Canada. Báo nào cũng muốn kéo anh về. Về radio và truyền hình, ít ai có thể bì được tài ăn nói có duyên, kiến thức rộng, lôi cuốn thính giả và khán giả. Việt Dzũng còn là một người từng huấn luyện nhiều bạn trẻ về khả năng báo chí, truyền thông và văn nghệ.
Trung tâm băng nhạc Asia, đài truyền hình SBTN, Radio Bolsa,… là những mái gia đình ấm cúng của anh. Anh cứ trả lời như thế mỗi khi có ai hỏi anh có gia đình chưa.
Cuộc đời cứ trôi qua, Việt Dzũng vẫn cứ yêu đời và yêu người mà các văn nghệ sĩ, gặp ai cũng nói, Việt Dzũng là người hiền hậu vui tính, yêu đời và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Rất nhiều người kể về Việt Dzũng. Lâu nay và những ngày qua, chắc các bạn đã đọc được rất nhiều bài viết về Việt Dzũng, kể cả những người ở trong nước. Mấy khi chúng ta tìm được một điều gì của ai đó đã không hài lòng với Việt Dzũng.
Việt Dzũng ra đi, để lại một trống vắng rất lớn trong lòng những người yêu mến anh. Mùa Noel đến gần, đem lại cho nhiều người trong chúng ta, một niềm vui lớn là đón Chúa Hài Ðồng. Nhưng làm sao chúng ta khỏi bùi ngùi vì vừa mới tiễn biệt một Việt Dzũng thân yêu của chúng ta rời xa thế giới này.
Cầu nguyện cùng Thượng Ðế sớm đưa linh hồn Joachim Việt Dzũng về miền vĩnh cửu.
Sơn Hà
(Tây Bắc Hoa Kỳ - 21- tháng Mười Hai -2013)
Tiếc Thương Việt Dzũng (SBTN Dallas Fort Worth)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire