vendredi 30 septembre 2022

Chuyện chẳng có gì hết (Tiểu Tử)

https://vanhoavutvbqgvn.files.wordpress.com/2012/01/tt-cho.gif?w=317&h=228Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ: kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…
…Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dãy kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.

Truyện chẳng có gì hêt - T/g: Tiểu Tử - Triệu Phổ đọc
Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi: “Hôm qua mày đi với thằng nào?.. Super… Ừ ! Ừ !… Thằng Alex hả ?… Génial! … Ừm! Ừm!… Génial!… Rồi mày làm sao?…Ừm! Ừm!…”. Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy: “Ố! Ố!… Super! Super! Génial!… Ờ… Thôi! Mày gọi lại tao há! Bye! “Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp! Coi như chuyện bình thường…
Tôi thì tôi không chịu được! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn!
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam: “Sophie! Đừng làm như vậy! Mẹ nói đừng làm như vậy!” Ngạc nhiên, tôi nhìn lại: đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con: “Mẹ dạy con làm sao? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì?” Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn: “ Sophie! Nhìn vào mắt mẹ nè!” Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie: “Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie!” Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt: “Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…”
Ngạc nhiên, tôi nói: “Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô!” Mẹ nó cười tươi: “Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói  tiếng Pháp”. Rồi cô ta quay qua nói với con: “Chào ông đi con”. Con bé khoanh tay cúi đầu: “Dạ chào ông”. Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng “Giỏi” rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quý nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Trả tiền xong, tôi quay lại nói: “Thôi! Chào cô nghen! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không?”. Cô ta cười: “Dạ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ! Chào bác”. Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá!
Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quý những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quý. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên.
Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj8hDOFHTHnXu0BKwPimoultVww_Tf4r9HEdFS4bURLo7UeqLD1NJkvNhwrt82eHiEYh3wVr0W678yYnL43VrfOPaGV8Vbxk5D7OCRROh2od8G98yBZwIWto3XWkVPhnvDlWMslmC1UJOM/s1600/loneliness_4c45c6d1ac27a_hires.jpg

Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã. Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, “hách” ghê lắm! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.
Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói:
“Không! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắc, vô hồn…”
Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó “mất gốc” đến độ như vậy! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…
Đó! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một “cái gì đó” chớ không phải “không có gì hết”. Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không “nói” lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cúi đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật. Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa: mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta: “Dạ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác!”. Và tôi tin chắc: một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương!
Bây giờ thì tôi thấy “câu chuyện không có gì hết” thật sự không phải không có gì hết !

Tiểu Tử
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire