mercredi 25 février 2015

Ngày Xưa Đâu ? (Kb. Nguyễn Hiếu)

Ngày Xưa Đâu ? (Kb. Nguyễn Hiếu)
 
Thời gian của quãng đời còn lại mỗi ngày một ngắn hơn, dần dần rồi ai cũng phải ra đi. Giờ ngồi đây mà nghĩ thật nhiều những ngày ở quê nhà với biết bao là niềm thương nỗi nhớ. Từ ngày đất nước đổi đời đến nay gần bốn mươi năm tưởng thời gian sẽ phôi pha, nhưng không, càng ngày càng nhớ nhiều hơn. “Cũng may bên này thời gian trôi vun vút, không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc một dòng sông…”

Gần hai mươi năm nay, hằng ngày tôi phải lái xe đi làm trên freeway từ Sacramento tới Stockton, mỗi bận mất bốn mươi lăm phút, một ngày tôi có chín mươi phút cho riêng mình trong lúc lái xe để nghĩ về những hình ảnh xa xưa ở quê nhà. Trên đường đi làm về, tôi hay nhìn cảnh vật hai bên đường mà tưởng tượng những vùng chiến đấu ngày nào để giữ từng phần đất thân yêu với những con đường làng, cây xanh trái ngọt, cùng ruộng vườn bao la.

Cũng trên đường về, có những chiều mưa lại nhớ da diết những buổi mưa chiều từng vùng hành quân sau những giờ chiến đấu với quân thù, anh em lại chia sẻ để ấm lòng với những điếu thuốc lá, những muỗng cơm gạo sấy với thịt hộp ba lát và nhất là những buổi cơm chiều có canh chua lá vang nấu với thịt gà hộp và có cơm chiên Dương Châu (gạo sấy chiên với gà hộp). Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy thèm món cơm chiên Dương Châu kiểu nhà binh này. Rồi cũng những chiều mưa rừng, ai cũng riêng tư với chất ngất nhớ thương về người yêu ở hậu phương. “Mưa Sài Gòn còn buồn không em, ta tìm đâu ngày cũ êm đềm, những con đường ngập nước mưa đêm, từng quầy hoa, ghế đá công viên….”

Những buổi bình minh, lái xe đi làm trong nắng ấm, lại nhớ tới những buổi sáng có chim rừng vui hót, hoa lá nghiêng ngã theo từng cơn gió nhẹ như nhảy múa, tưng bừng reo vui cùng những người lính rừng để bắt đầu cho ngày mới. Vui mừng vì biết mình còn sống thêm một ngày cho cuộc chiến. “Nắng nơi đâu cũng là nắng ấm, nhưng ấm đâu bằng nắng ấm quê hương…”

Thời gian cuối tháng Ba 1975, vết thương vừa lành tôi phải từ giã gia đình để trở về đơn vị, ba tôi dẫn ra tiệm hủ tíu ăn sáng, ông nói: “ Tình hình không còn hy vọng và chiến trường càng khốc liệt hơn con nên ở nhà”. Tôi ngồi im chỉ nghe, không nói gì. Ăn xong, tôi nói với ba tôi: “Thưa ba con đi!” . Thấy ông bùi ngùi, tôi không dám nhìn ngay ông.

Tôi nghĩ làm sao bỏ bạn bè, anh em đã từng chiến đấu bên nhau, sao đành ở lại để nhìn anh em chết đuối trong lằn đạn quân thù để bảo vệ miền Nam thân yêu. “Bước chân đi, không dám nhìn trở lại lần nữa, bước chân đi, xin chấp nhận niềm bất hạnh đó…”

Trở về đơn vị trong thời gian này thì tuyến Xuân Lộc ngày nào cũng đánh, ngày nào cũng có nhiều anh em ra đi và càng ngày trận chiến càng khốc liệt hơn. Khi đơn vị rút về Trảng Bom để lập tuyến phòng thủ mới. Trong lúc mở đường máu rút quân thì tôi bị thương nơi tay phải. Cũng nhờ hai phi tuần khu trục anh dũng, từ phi trưởng Biên Hoà lên thả những quả bom Napalm làm tuyến lửa để chặn bước tiến quân địch. Tôi cùng một số anh em được tản thương bằng M 113 và chiếc tải thương này bị B40 bắn cháy. Tất cả trong xe chết hết chỉ còn mình tôi nhảy ra được và đơn vị đến giải cứu.

Về Tổng Y Viện Cộng Hoà điều trị được hai ngày thì Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Tôi và một số anh em thương binh phải lết ra khỏi bệnh viện mỗi người dùng tàn lực và cách riêng của mình để trở về với gia đình. Tôi phải lội bộ từ bệnh viện dọc đường Lê Văn Duyệt về đến đường Phan Đình Phùng nhờ người bạn học chở về.

Trên đường về từ bệnh viện, dọc đường VC pháo hoả tiễn 82 ly vào thành phố, nhiều người dân bị chết. Bọn 30/4 đeo khăn đỏ trên vai áo lấy súng Colt 45 và M 16 bắn tứ tung như chưa bao giờ được bắn. Tôi thất thểu bước đi mà lòng thấy ê chề, hởi ơi! Và tự nói: “Thôi hết rồi, ngày xưa ơi!”

Không biết bao giờ trở lại với những ngày xưa thân ái để nhìn lại dòng sông quê hương hiền hoà, chầm chậm trôi, những em bé vui đùa trên lưng trâu, những thảm ruộng bồng bềnh theo chiều gió, những tình quê mộc mạc nhưng nồng nàn, những thầy cô sẽ đọc cho các em nghe bài Tôi Đi Học của Thanh Tịnh, được nghe giảng về Anh Phải Sống của Nhất Linh, Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng. Những bài thơ mới Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ, thơ Trào Phúng của Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương………………..

Ngày Xưa Đâu ?


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire