jeudi 12 février 2015

Di sản Việt: Thần Thoại TÁO QUÂN Và Ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch tại Việt Nam

http://sohanews2.vcmedia.vn/k:2015/taoquan-1423561390331/nhung-luu-y-dac-biet-khi-cung-ong-cong-ong-tao-ai-cung-nen-biet.jpg 
  
Thần Thoại TÁO QUÂN Và Ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch tại Việt Nam 
Truyenhinhvietnam1
*
*    *

Tản mạn về Táo Quân

Hàng năm, cứ vào hăm ba tháng Chạp, gia đình nào cũng nấu chè xôi hoặc bánh trái để làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời.

Theo truyền thuyết, ông Táo là sứ giả của Ngọc hoàng Thượng đế được biệt phái xuống trần gian để ghi chép việc thiện ác ở đời. Mỗi cuối năm phải về Trời để dâng sớ tâu rõ công tác của mình đã làm được để Thượng đế có cơ sở thưởng phạt công minh đối với loài người.
Táo được chia ra làm hai cấp: Thổ Táo và Thần Táo. Thổ Táo được nặn bằng đất sét có hình dạng như hình khối chữ nhật, trên hơi nhỏ, dưới hơi lớn, hơi khom lại, có nhiệm vụ đội nồi đội chảo trong việc nấu nướng hàng ngày của nhân gian. Thời gian công tác của Thổ Táo là một năm. Lúc nào cũng có đủ ba ông chụm đầu lại mới làm được việc. Đến ngày hăm ba tháng Chạp, Táo được miễn nhiệm. Dù còn nguyên vẹn hay đã bị sứt mẻ, người ta cũng cứ mang các ông ra an vị nơi gốc cây cổ thụ trong làng hay dưới chân gò mối, nhường quyền đội nồi lại cho các ông mới. Năm này qua năm khác, Thổ Táo từ trong bếp của nhiều gia đình cho ra “định cư” cứ chồng chất cao lên thành đống. Những nơi này tự nhiên lại trở thành chỗ linh thiêng, không ai dám cả gan đụng đến dù chưa ai thấy được sự linh thiêng đó như thế nào.
Nhiều nhà sử dụng kiềng ba chân hoặc hỏa lò để nấu nướng cũng ăn theo ngày ông Táo. Nghĩa là đến hăm ba tháng Chạp cũng thay mới đổi cũ y như thế.
Dù suốt cả năm phải giam thân vào nơi khói lửa, Thổ Táo vẫn được có người trọng vọng gọi là vua bếp. Đó cũng là sự an ủi cho Táo.
Tan man ve Tao Quan
 Cá chép cho Táo Quân cưỡi về trời. Ảnh minh họa.
Thần Táo không ngồi dưới bếp, mà lại được ngự trên trang thờ nghiêm túc. Ngài là vị thần được Thượng đế sắc phong làm “Đông trù tư mạng táo phủ thần quân” có bổn phận ghi chép việc thiện ác của con người. Vì là Thần nên không ai biết hình dạng của người ra sao, do đó người ta cứ tha hồ mà tưởng tượng. Và cũng do từ chức năng của Ngài mà mọi người đều phải kính cẩn đèn chong hương thắp thường xuyên.
Thời gian ông Táo về chầu trời, những người lếu láo thường hay vui miệng đùa “Có nói bậy nói bạ, làm sai quấy điều gì” cũng không sợ ông Táo biết được.
Hồi ông nội tôi còn sống, đến ngày hăm ba tháng Chạp sau lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời, cụ thường bảo chúng tôi: “Đêm nay ráng thức để nghe ông Táo xé dây đai cột áo về trời!”. Cụ bảo đùa, nhưng chị em chúng tôi tưởng thật, cố ý để tâm ngoài vườn chuối. Trời khuya im ắng, thỉnh thoảng chỉ nghe có tiếng gió khua xào xạc, không nghe được có tiếng ai xé dây chuối cả.
Ông nội tôi tuy nói đùa, nhưng cũng có cái lý của cụ. Xưa nay không ai nói ông Táo có mặc quần bao giờ. Thực tế đã chứng minh điều này.
Lễ cúng đưa, ngoài chè xôi hoa quả, thế nào cũng phải có một “bộ đồ ông Táo” mua về từ hàng quán để ông Táo có áo mới mà mặc khi về chầu trời. “Bộ đồ ông Táo” chỉ gồm ba chiếc áo dài cắt ra từ loại giấy ngũ sắc, tuyệt nhiên không thấy có chiếc quần nào. Kèm theo với bộ đồ ấy, thế nào cũng có một xấp vàng bạc để ngoài làm lộ phí đi đường.
Tan man ve Tao Quan-Hinh-2
 Cứ vào hăm ba tháng Chạp, gia đình nào cũng nấu chè xôi
hoặc bánh trái để làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời. Ảnh: Internet.
Tôi không hiểu sao Táo gồm có một bà hai ông. Tuy nhiên theo sự tích lý giải thì: Thuở xưa, có hai vợ chồng nhà kia sống với nhau thật hạnh phúc trong sự giàu sang. Người chồng vì sự giàu có mà sanh tánh tiêu pha phung phí. Đến lúc khánh tận, buồn bã bỏ nhà ra đi. Người vợ kiên nhẫn ở lại, cần mẫn làm ăn đợi chồng về. Đến lúc có ăn có mặc trở lại, người chồng xưa cũng vẫn biền biệt không nghe tin tức gì. Đợi lâu không thấy chồng về, người vợ bèn lấy chồng khác.
Một hôm, trong lúc chồng vắng nhà, đột nhiên thấy có một gã hành khất đến cửa ăn xin. Nhìn người đàn ông tiều tụy, hốc hác, người vợ cũng nhận ra được chồng cũ của mình. Giữa khi hai người còn đang quấn quýt tâm sự bên nhau thì bất chợt người chồng mới trở về. Người vợ hốt hoảng, đem giấu chồng cũ vào đống rơm sau hè. Tưởng là yên, ai ngờ lúc nhen lửa nấu bếp bị gió thổi làm bay tàn lửa bốc cháy đống rơm. Thấy chồng cũ bị cháy thiêu, người vợ thương tình nhảy vào chết chung với chồng. Người chồng mới thấy vợ mình chết cũng không đành lòng, nhảy vào chết theo.
Thượng đế thương tình cho cả ba người được làm vua bếp, phong chức “Đông trù tư mạng táo phủ thần quân”. Chỉ là “thần quân” mà không thấy có “thần nương” thì chắc là còn phân biệt nam nữ. Vì thế mà người đời cũng chỉ gọi là ông Táo.
Táo chắc yêu thích trẻ con nên thường hay chọc ghẹo. Chẳng thế mà, trẻ con có ấm đầu sổ mũi người ta vẫn thường đổ thừa cho ông Táo quấy phá. Và thế là cứ xuống bếp lấy một chút lọ nghẹ trên đầu ông Táo quẹt lên giữa trán trẻ con để làm phép.
Táo cũng vốn là ông thần hiền từ, không làm hại ai. Vậy mà khi oán ghét ai, hoặc trả thù, người ta đã lấy hình ảnh của tên đối thủ đem dằn dưới đít ông Táo để ếm đối, trù ẻo.
Những việc làm trên, chỉ thấy làm mà không thấy có kết quả. Đó cũng chỉ là hình thức mê tín của thời trước, nay chắc không còn.
Ngày nay dường như không còn ai dùng ông Táo để nấu bếp nữa. Có chăng cũng chỉ là ít ỏi nơi những làng quê hẻo lánh. Thời buổi văn minh hiện đại, việc nấu ăn đã thay thế bằng bếp ga, bếp điện. Táo không còn phải khổ cực sống trong khói lửa để quanh năm suốt tháng phải đội nồi, đội chảo. Nhưng thần Táo thì vẫn thấy nhiều nhà còn thờ. Ngày hăm ba tháng Chạp mỗi năm, lệ cúng ông Táo vẫn còn lưu giữ. Đó là một trong những tập tục truyền thống của dân tộc ta.
Theo Giác Ngộ 
*
*    *
http://www.luanhoan.net/gocchung2014/html/bm%2024-01-2014%2005_files/image002.jpg 
Táo Quân, Không Phải Ca Riêng Người Việt Nam  
Nhất Thụ Đỗ Thiên Thư

Hăm ba tháng Chạp tới rồi,
Hôm nay ông Táo về trời phải không?

Đường trời diệu vợi, mênh mông,
Ông đi hỏa tiễn?
hay dùng phi ?
Văn minh thời buổi bây giờ,
Người ta tiến bộ nên lờ ông luôn
Ngựa ông, chép không còn,
Đầu ông, cái cánh chuồn cũng không
Thói đời khoa học cuồng ngông.
Còn toan phế thải Táo Công về vườn.

Chỉ nói cách đây chừng hai mươi năm, mỗi dịp sửa soạn đón xuân về, tất cả mọi gia đình Việt Nam không thể nào bỏ qua được lễ ông Táo. Hôm ấy ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch - tại sao lại hai mươi ba? - khi ấy cành nêu chưa dựng, bánh chưng chưa nấu, nhưng nhịp sống khắp nơi từ thành thị đến thôn quê bắt đầu lắng xuống, mỗi nội trợ hôm đó đi chợ, không ai bảo ai, đều nhớ mua một con chép thật to. phải lựa cho kỳ được con nào thật tươi, thật khỏe. Về đến nhà, việc đầu tiên kiếm một chậu nước rồi thả vào, mặc cho bơi. Đàn trẻ nhỏ vừa , vừa thích thú, đang định lấy chiếc que chọc cho quẫy mạnh, thì đã bị mắng, vội rụt tay lại, nhưng không quên nêu ra câu hỏi ngây thơ:
- Mẹ ơi! Mua cá để làm gì?
Bà mẹ hiền, tuy hơi bực mình, nhưng cũng đành phải trả lời: "Cá để làm ngựa cúng ông Công".
"Cá mà lại làm ngựa?". Tất nhiên lũ trẻ phải nghĩ như vậy nhưng biết rằng chuyện cúng lễ là việc rất quan trọng của người lớn, hỏi thêm nữa có thể bị ăn đòn, nên chúng rủ nhau lảng đi chơi.
Thực ra, các vị nội trợ đảm đang và hiền từ của chúng ta nhiều lúc cũng phải tự mình hỏi mình: "Tại sao Táo Quân lại cần đến cá chép?". Điều này, cho đến nay vẫn còn là bí mật, hoặc giả người nào đầu tiên đã đặt ra những tục lệ đó cũng chỉ do một sự tình cờ.
Lục trong đống sách vở cũ, chúng ta chỉ được biết thêm rằng cá chép có tên là "lý ngư" vốn được coi là một giống thông minh trong loài thủy tộc. Người ta còn chép truyện ở vực vũ môn, thuộc ngọn sông Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên bên Tàu, có giống cá chép, hàng năm đến đó thi nhau nhảy, con nào vượt khỏi sẽ hóa rồng.

SỰ TÍCH VUA BẾP

Từ con cá chép đến ngựa ông Táo, rồi lại từ Táo quân đến ngày 23 cuối năm, quả thực phong tục tín ngưỡng của ông cha chúng ta đã có những gì rất đặc biệt nhưng cũng rất mịt mờ. Nhưng, chưa hết! Lễ ông Táo, ngoài con cá chép, có nhiều nhà kèm thêm hai cây mía dài, dựa hai bên bàn thờ, nói là làm gậy cho ông chống đi đường lên chầu trời. Không kể đến ba chiếc mũ cánh chuồn, ba bộ áo và ba đôi hia bằng giấy bắt buộc phải có, nếu không thì nhất định không phải là lễ Táo Công!
Nhắc đến con số 3 trên đây tức là phải kể đến chuyện cổ tích Táo Quân:
Ngày xưa, tại Việt Nam, có một cặp vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi. Họ không có con, anh chàng Trọng Cao mê đánh bạc. Khuyên can chồng nhiều lần không được, Thị Nhi bỏ nhà ra đi. Một ngày kia, trên bước đường lưu lạc, nàng gặp một người đàn ông thương tình giúp đỡ và nhiều lần che chở. Cảm vì nghĩa, trọng vì tài, Thị Nhi kết duyên với chàng, tên anh là Phạm Lang. Trọng Cao đánh bạc thua nhiều, nên gia cảnh ngày càng sa sút, cho đến lúc hóa thành trắng tay. Buồn cho mình, lại nhớ đến người vợ khổ sở khi xưa, anh quyết chí đi tìm. Giữa một ngày 23 tháng Chạp cuối năm, định mệnh dun dủi dẫn anh tới cửa nhà vợ cũ, khi ấy đã ôm cầm thuyền khác. Gặp người chồng mặc dù xưa kia lầm lỗi, nhưng lúc đó đã thành một người hành khất, rách rưới đáng thương, Thị Nhi không cầm được lòng, lại nhân khi Phạm Lang đi săn vắng, liền đem cơm và quần áo ra giúp cho Trọng Cao. Tình xưa nghĩa cũ, đôi bên còn đang khóc lóc, hàn huyên, thì chợt Phạm Lang đi săn đã về tới cổng.
Trong một phút không kịp đắn đo, Thị Nhi tưởng như mình đang làm một việc lầm lỗi, ám muội. Nàng xui Trọng Cao ẩn vào trong một đống rơm ngoài sân bếp. Trớ trêu làm sao, Phạm Lang lại vừa săn được một con nai, nên anh quăng con vật vào giữa đống rơm rồi châm lửa đốt để làm thịt. Ngọn lửa bốc to, mà Trọng Cao vì không muốn làm hại đến danh giá của vợ cũ, nên đành chịu chết cháy. Thị Nhi thấy vậy cảm thương cũng nhảy vào đống lửa. Đến lượt chàng Phạm Lang, thấy vợ hủy mình, cũng nhảy vào lửa chết theo.
Chuyện kể tiếp rằng, về sau Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy cả ba người đều có tiết nghĩa nên phong cho làm ba vị thần Táo Quân, được dân gian hàng năm hương khói phụng thờ.
Tất cả giai thoại trên, nhằm giải nghĩa điển tích "hai ông một bà" đối với chúng ta, chỉ là một chuyện tưởng tượng vừa ngớ ngẩn vừa buồn cười. Có thể một câu chuyện tương tự đã từng xảy ra, nhưng tất nhiên nó không liên quan gì đến ông "Vua Bếp".

TÁO QUÂN TRUNG HOA

Bằng chứng là người Trung Hoa cũng có Táo Quân. Ông Táo Tàu được liệt kê trong danh sách những vị thần của Lão Giáo, trông coi việc nhân gian. Theo đạo Lão, thế gian chia làm ba giới: thiên đình, âm phủ và thủy phủ. Đứng đầu hết là Thái Thượng Lão Quân, ở thiên đình thì có Tứ Đại Thiên Vương, Nhị Thập Bát Tú, Lôi Thần, Vũ Thần, Vân Thần, và Phong Thần. Trông coi việc nhân gian là Nam Tào coi việc sanh, Bắc Đẩu giữ sổ tử cùng với Ngũ Phương Thần, Tứ Thời Thần, Đương Niên Thần, Đương Cảnh Thần, Thành Hoàng Thần, Thổ Công, Táo Quân, Môn Thần, Tài Thần Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân… Ở âm phủ thì có Thập Điện Diêm Vương Địa Tạng Vương; thủy phủ có Tứ Hải Long Vương cùng các vị Hà Bá.
Táo Quân Trung Hoa rất linh thiêng, có lẽ vì ông ở trong bếp nên biết hết chuyện của người đời. Hàng năm, vẫn theo sách vở Lão Giáo, thì cứ đến ngày 23 tháng Chạp, cách một tuần bước sang năm mới các vị Táo Quân lại trở về trời để tâu hết việc thiện ác của nhân gian.
Hà Nguyên Phủ, một học giả đời Thanh, trong cuốn "Táo Công truyện" và "Táo Công kinh", kể rằng thi sĩ Tô Đông Pha, khi làm Thái Thú đất Tô Châu, đã nhờ Táo Quân hiển linh, mà diệt được bệnh thiên thời, cứu nguy cho dân chúng. Vào một đêm 23 tháng Chạp, Thái Thú họ Tô, nằm mơ thấy một vị thần mũ cao áo dài, tự xưng là Táo Quân, cưỡi ngựa đến trước phủ, kêu ông mà bảo rằng: "Đất Tô Châu này hung thần nhiều, cát thần ít. Các vị cát thần thấy hung thần lộng hành quấy phá nhân gian nên chán nản bỏ đi. Bọn hung thần mặc sức hoành hành, nhiễu hại dân lành, bắt đem về nộp cho Diêm Vương, xung vào đội binh quỷ sứ. Vậy muốn dân được bình yên, phải giết trâu bò làm lễ cúng các hung thần, cầu xin họ dời đi nơi khác".
Tô Đông Pha, tỉnh dậy, làm theo lời Táo Quân truyền, quả nhiên sang năm sau bệnh dịch biến hết. Nhớ ơn ông Táo mách bảo, Tô Thái Thú truyền cho dân trong toàn hạt Tô Châu, từ đó mỗi năm cứ đúng ngày thần mộng, lại sắm áo mũ giấy, ngựa giấy để cúng Táo Quân, tiễn đưa ông Táo lên trời.
Tục lệ cúng hia mũ cho ông Táo có lẽ bắt đầu từ đời nhà Thanh truyền khắp nước Trung Hoa rồi sang Việt Nam.
Lễ ông Táo, nếu theo đúng sách, phải lập hai bàn thờ, bởi vì theo thuyết của Hà Nguyên Phủ: Táo Quân có hai vị, một vị coi sóc tật bệnh, một vị xem xét tội ác, nên phải cúng hai bộ y phục giấy, ngựa giấy mới đủ.
Người Việt Nam thường cúng Táo Quân và khấn theo sách "Thọ Mai Gia Lễ" của Hồ Gia Trân: "Đông Trù tư mệnh, Táo Phù Thần Quân, cúi xin chứng giám. Ngày tháng thoi đưa, năm vừa tháng Chạp, các tội lỗi đầu năm chí cuối, xin ngài châm chước ít nhiều. Trong cửa nhà, từ trẻ đến giá, xin ngài phù hộ cho mạnh khỏe".
Ngày lễ Táo Quân, tại miền Nam trước đây, có tục đốt hết chân hương ở bàn thờ, rồi thay cát trắng mới vào mấy bình hương.
Người ta thường lẫn Táo Quân với Thổ Công. Thổ Công là vị thần được thờ phụng suốt năm, bất cứ ngày kỵ lạp nào cũng phải được nhắc đến. Và Táo Quân cũng không phải là vị thần Hành khiển được cúng vào chiều ba mươi cuối năm. Sách "Chu Lễ" có từ đời nhà Châu, cho rằng có 12 vị thần Hành khiển lần lượt thay đổi nhau:
Năm Tý: Lý Tào phán quan, Chu vương hành khiển.
Năm Sửu: Khúc Tào phán quan, Triệu vương hành khiển.
Năm Dần: Tiêu Tào phán quan, Ngụy vương hành khiển.
Năm Mão: Liễu Tào phán quan, Trịnh vương hành khiển.
Năm Thìn: Biểu Tào phán quan, Sở vương hành khiển.
Năm Tỵ: Hứa Tào phán quan, Ngô vương hành khiển… vân vân và vân vân.

TÁO QUÂN HY LẠP

Trong bầu không khí rét mướt của một chiều cuối đông, hai bàn thờ đặt trước sân bếp, những nén hương khói lên cuồn cuộn, tiếng xuýt xoa khấn vái của vị gia chủ khăn đóng áo dài, với bóng dáng vô hình của các vị linh thần lẩn khuất đâu đây, làm tăng thêm sự trang trọng của thời gian và của kiếp người. Bầy trẻ nhỏ thì thầm bảo nhau: "Thế là ông Táo đã lên chầu trời!". Trong bếp, bà mẹ hiền đang đốc thúc gia nhân đem mấy cỗ đầu rau, mấy chiếc hỏa lò năm cũ ra chôn ngoài vườn, rồi quét dọn bếp nước sạch sẽ, đặt vào đấy vài cỗ đầu rau mới.
Nhìn vào cỗ đầu rau, chúng ta chợt hiểu cái bí ẩn của sự tích "hai ông một bà": bà đầu rau chính là khối đất nặn nhẵn nhụi chắc nịch đặt ở giữa, với hai "ông" là hai khối đất khác, mảnh mai và hơi cao hơn, đặt phía trước, phân ra hai bên.
Táo Quân, Táo Công hay "Vua Bếp" của chúng ta chính là hình ảnh tượng trưng cho mỗi gia đình, chồng vợ, cha mẹ, anh em, con cái sống chung dưới một mái nhà, vui vẻ có nhau, lo buồn có nhau.
Cùng một văn minh Đông Phương người Nhật Bản hình dung Táo Quân bằng vị thần Inari. Thần Inari Nhật không thờ trong bếp, mà lại thờ ngoài vườn. Cũng như Táo Quân, Inari bảo vệ cho từng gia đình, và mỗi năm phải được cúng vào ngày Ngọ thứ nhất. Inari lại có hai chú hồ ly là bộ hạ, làm môi giới trần gian. Bởi vậy muốn được Inari ban phúc cho trước hết phải lo lót với hai chú hồ ly, được tạc tượng miệng ngậm một chiếc thìa khóa. Thần Inari có đền thờ chính tại tỉnh Yamasiro, ngày nay là Usimi. Thần rất ưa được cúng bằng những chiếc bánh đậu hũ chiên, gọi là "Gammodoki". Thần là một trong vô số các vị Kami, linh thần ban phúc giáng họa cho trần gian.
Người Tây Phương, khi mới đặt gót tới Việt Nam và Trung Hoa, thấy có tục thờ cúng Táo Quân, họ liền theo thần thoại Hy Lạp mà dịch "Vua Bếp" là Dieux Lares.
Lares, Táo Quân Hy Lạp, vốn có nguồn gốc từ văn minh étrusque, cổ Ý Đại Lợi, phát triển rất sớm từ hơn một ngàn năm trước Thiên Chúa kỷ nguyên. Lares là vị thần chủ yếu của mỗi gia đình, dưới vị thần này còn có các "dieux mânes", nói chung những người đã khuất. Thần Lares được thờ chung với thần Pénates, trông coi về sự thịnh vượng sung túc, cũng như người giữ thức ăn. Táo Quân Hy Lạp được hình dung với một con chó nằm phủ phục dưới chân. Mỗi buổi sáng, thần được cúng dâng các món ăn, hoa trái và rượu chát. Táo Quân cũng được người Hy Lạp tượng trưng bằng ngọn lửa để trên bàn thờ mỗi gia đình, và phải được giữ cho không bao giờ tắt. Sự tín ngưỡng thần thoại làm cho người ta tin rằng, nếu không may ngọn lửa thờ bị tắt đi, thì gia đình không thể thoát khỏi sự lụn bại suy vong. Không cứ mỗi nhà có Táo Quân, mà mỗi làng, mỗi tỉnh, quốc gia đều có một Táo Quân. Khi nào, thành phố gặp tai nạn, bị phá hủy, thì người ta phải cố gắng bảo vệ ngọn lửa thiêng và mang đi nơi khác. Do đó, thần thoại Hy Lạp có câu chuyện hòang tử Eneé, khi thành Troie bị người Hy phá hủy, mang lửa thì Táo Quân trốn, sang miền Ý Đại Lợi ngày nay, kết duyên với nàng Lavinie, rồi lập ra xứ La Mã.

ÔNG TÁO VẪN CÒN

Ngày nay, trừ ra một số rất ít gia đình nệ cổ còn giữ tục cúng ông Táo, ông "Vua Bếp" linh thiêng cưỡi cá chép, đội mũ cánh chuồn đã gần biến hẳn trong nếp sinh hoạt của người dân Việt Nam. Khoa học văn minh với những bếp điện, tủ lạnh, đã đánh những đòn cuối cùng để kết thúc chiến dịch "Chống ông Táo" khởi đầu từ phong trào văn nghệ Tự Lực văn đoàn với những tuần báo trào phúng "Phong Hóa" và "Ngày Nay", kể từ khoảng năm 1935.
Táo Quân không còn nữa trong tín ngưỡng, nhưng dưới một hình thức khác, vẫn còn tồn tại trong văn chương. Hàng năm, trong những tập báo Xuân, hay báo Tất niên, chúng ta vẫn có những bài "lập bô" của ông Táo, kết toán niên đế, với những giọng hài hước, cay chua. Trong một số báo tết "Phong Hóa" trước đây, các nhà văn Tự Lực đã diễu ông Táo bằng một bài thơ về sự "không mặc quần".

Hăm ba ông Táo dạo chơi Xuân
Đội mũ đi hia, chẳng mặc quần
Trời hỏi: "Làm sao ăn mặc thế?"
Thưa rằng: "Hạ giới nó duy tân!"

Hẳn không còn ai lấy những chuyện diễu cợt đó làm phiền lòng. Cũng như chúng ta đã từng thích thú và buồn cười khi ngâm nga những vần "Gởi ông Táo" của một thi sĩ nho gia: Đồ Cổ.

Hôm nay tháng Chạp, hăm ba,
Phố phường nhộn nhịp sao nhà vắng không?
Lẽ ra vàng khối, mũ rồng
Bởi chưng thua bạc nên không có gì.
Lòng thành xin tiễn ông đi
Thiên đình cuốc bộ, ông thì tâu cho
Tâu dùm cho phận nhà nho
Ơn trời mạnh giỏi ấm no đủ dùng
Không ham miếng đỉnh chung
Không cầu phú quý, không mong phát tài
Đã bao nhiêu bận tâu trời
Mỗi năm một lượt, phí lời không đâu
Năm nay chán chẳng buồn tâu
Máy mồm dặn với mấy câu gọi
Để tôi trêu cụ Trời Già
Điên gan, cụ tức thằng cha dở người
...

Cái duyên của Táo Quân với báo chí Việt Nam hẳn sẽ còn dài. Dưới mỗi ngọn bút đặc sắc, ông Táo biến thành muôn hình muôn vẻ. Biết đâu đấy không một cách hiệu nghiệm nhất để giữ lại những sắc thái của dân tộc, những vang bóng của nếp sống , thời đại văn minh nguyên tử luôn luôn bắt buộc chúng ta phải gạn lọc khắt khe, đem sắp xếp vào những tủ sách, những viện Bảo tàng

Nhất Thụ Đỗ Thiên Thư

newvietart.com


 

 

 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire