Lao Động Việt trong tù Thái – Những mảnh đời cay đắng (Bài 1)
Nhà tù Immigration Detention Centre (IDC) Thai Lan
Đặng Chí Hùng (Laodongviet)
- Tôi viết những dòng này ra gửi tới bạn đọc bằng sự thật mà tôi đã
chứng kiến trong quãng thời gian gần 10 tháng trong nhà tù I.D.C tại
Thái Lan. Đó là chuỗi ngày tù túng, mất tự do nhưng qua đó tôi đã may
mắn hiểu thêm về thân phận những đồng bào mình trong nhà tù xứ người.
Khoan hãy nói về những đồng bào Kinh, Thượng, H’Mong đang tỵ nạn chính
trị tại nhà tù I.D.C. Bài viết này tôi xin chỉ nói về những người đi lao
động bị bắt vào tù Thái vì không có passport. Họ đến từ nhiều nơi, hoàn
cảnh khác nhau nhưng đều có một đáp số chung: Nạn nhân của một xã hội
đảo điên được điều hành bởi một đảng chỉ biết “NO” cho mình mà không
biết “LO” cho người dân. Chỉ có một điều đáng tiếc nuối là trong tù theo
quy định của cảnh sát Thái Lan, tôi không thể dùng điện thoại, máy chụp
hình… lưu lại những khoảnh khắc tâm tình bên những đồng bào Việt Nam
trong tù. Nhưng những dòng chữ này như là một lời tâm tình và giãi bày
cùng với họ.
Vào tù Thái Lan, tôi được đưa vào phòng số 7, sau đó là phòng số 15. Tuy
nhiên hai phòng này chỉ ở tổng cộng 25 ngày rồi chuyển sang phòng số 5
cho đến khi tôi ra tù đi Canada. Phòng số 5 là phòng giam cũng có đủ các
quốc gia từ Việt Nam, Ấn độ, Pakistan, Pháp, Nigieria, Trung Quốc,
Nepal… Phòng số 5 được ban quản lý nhà tù I.D.C cho tập thể dục cùng với
phòng 6. Phòng 6 là phòng giam người Việt Nam đi lao động không có giấy
tờ tùy thân chờ về nước. Người Việt ở phòng 6 khác với phòng 5 đó là
người Việt tại phòng 5 đa phần là người tỵ nạn của UNHCR.
Việc tập thể dục chung với phòng số 6 đã đem đến cho tôi một số may mắn
đó là gặp được những người đồng bào của mình với những mảnh đời thật cay
đắng. Đầu tiên đó là một trường hợp cô Vân (*), một người phụ nữ 27
tuổi cùng chồng đi lao động tại Mã Lai. Vân sống ở phòng nữ, nhưng trong
một lần tập thể dục như vậy thì cô đã gặp tôi khi cô đang được một
người tù nhân lương tâm là anh Hiền Sỹ và Chế (một người làm từ thiện
gốc Việt) dẫn đi quyên tiền và quần áo cho cô. Nhìn khuôn mặt khắc khổ,
hai dòng nước mắt tuôn trào và cái bụng to của thai nhi 7 tháng khiến
cho tất cả những người tù không kể nước nào đều hết sức xúc động. Trò
chuyện với nhau, Vân cho tôi biết, hai vợ chồng lấy nhau được gần 1 năm
thì khăn gói từ Hà Tĩnh đi sang Mã Lai làm công nhân xuất khẩu lao động
với số tiền phải đóng gần 3000 USD cho mỗi người để làm “thủ tục”. Vừa
sang đến sân bay Mã thì công ty “nhà nước” trực thuộc tổng liên đoàn lao
động của nhà cầm quyền cộng sản đã bỏ đi mặc cho chủ Mã thu hết
Passport và giấy tờ tùy thân. Hai vợ chồng Vân bắt đầu con đường làm nô
lệ cho chủ Mã.
Hàng ngày hai vợ chồng phải làm quần quật trong xưởng giày của chủ Mã từ
7h sáng đến 8h tối và chỉ nghỉ được 1 tiếng cho ăn trưa. Trong những
xưởng giày ẩm thấp và rất nhiều hóa chất, hai vợ chồng Vân làm chung với
khoảng 200 người đến từ Campuchia, Lào nhưng chủ yếu là đồng bào Việt
Nam lên tới 150 người. Ngay cả ăn uống theo Vân kể thì cũng thật tồi tệ
với chỉ một bữa ăn trưa không đủ no cho cả người ăn yếu chứ chưa nói đến
ăn khỏe. Thế nhưng cứ muộn giờ làm 5 phút là bị trừ lương, 10 phút thì
bị đánh như nô lệ. Những ông chủ Mã gốc Hoa trong nhà máy là những ông
vua, những người lao động mà đa phần là đồng bào Việt Nam của chúng ta
giống như những con vật không hơn không kém.
Trong thời gian đó, vượt lên trên sự khổ đau thì tình yêu của hai vợ
chồng Vân đã đơm hoa kết trái bằng thai nhi nhỏ bé trong bụng cô. Đến
khi thai nhi được 7 tháng thì Vân không thể làm việc được vì cái bụng
quá lớn. Hai vợ chồng đành bàn nhau để Vân về Việt Nam sinh cháu. Nhưng
về làm sao đây khi mà hộ chiếu và giấy tờ tùy thân không có? Hai vợ
chồng bàn cách định gửi thư cho đại sứ quán Việt Nam tại Mã kêu cứu.
Nhưng những đồng bào đang sống như nô lệ trong các nhà máy của Mã đều
ngăn lại vì họ đã khuyên vợ chồng Vân chớ làm chuyện dại dột. Đại sứ
quán Việt Nam tại Mã không giúp bất cứ ai đâu mà có khi họa còn vào
thân khi đại sứ quán thông báo cho chủ Mã Lai biết. Không còn đường nào,
hai vợ chồng đành quyết định “đi chui”. Đi chui có nghĩa là bỏ ra 1 số
tiền để đi đường lậu qua Thái, quaCampuchia rồi về Việt Nam mà không có
passport.
Vậy là Vân từ biệt chồng và khởi hành từ ngoại ô Kuala lumpur bằng một
chiếc xe tải bít bùng chứa gần 80 người, đến đứng còn khó khăn chứ chưa
nói đến còn thêm cái bầu 7 tháng. Trời tối, trong người chỉ còn 1 chút
tiền và 1 bộ quần áo trên mang theo, Vân tưởng như mình đang bước vào
địa ngục. Nhưng chẳng còn cách nào khác, hai vợ chồng đã phải vét hết
tiền cho chuyến đi trở về “cố quốc” sinh em bé. Vân gạt lệ trên chuyến
xe từ Mã Lai đi sang Thái Lan với thân phận của một công dân đất nước
mang danh “thiên đường”.
Nhưng thật không may là vừa qua biên giới Thái thì đoàn đi lậu gần 80
mạng đã bị cảnh sát Thái phát hiện. Thế là Vân bị bắt và sau hai giờ
thẩm vấn đã được đưa đến nhà tù I.D.C tại Bangkok. Lần này Vân được
“free” từ biên giới Mã vềBangkok vì ngồi trên xe tù của cảnh sát Thái.
Và tại I.D.C thì Vân không tiền, không quần áo trừ một bộ đồ đang mặc
trên người, không đồ ăn và không cả thân nhân.
Khi gặp tôi, Vân cho biết bên cảnh sát Thái đã thông báo cho đại sứ quán
Việt Nam tại Thái về Vân. Nhưng muốn về nước thì Vân phải có tiền mua
vé máy bay và làm giấy thông hành. Cô đã gọi về Việt Nam nhưng gia đình
không thể chạy đâu ra 6 triệu đồng để giúp cô đi về nước vì cả gia đình
đang mang nợ 6000 USD để lo cho 2 vợ chồng cô đi Mã lao động. Ngẫm lại
thì thật vô lý khi một chuyến bay từ Bangkok về Hà Nội hay Sài Gòn đều
không quá 2,500 baht tức 1 triệu 500 nghìn đồng Việt Nam (Thậm chí có
lúc báo Bangkok post trong tù còn cho thấy vé máy bay về Việt Nam giảm
giá có 1,990 baht). Vậy mà không hiểu tại sao đại sứ quán lại đòi tới 6
triệu đồng để về Việt Nam? Chỉ có trời mới hiểu mà thôi!.
Chúng tôi, những người tù mặc dù nghèo nhưng vẫn hơn Vân vì là đàn ông
và cũng có một chút tiền dành dụm mua đồăn nên chung tay lại giúp để cô
mua đồ ăn, vật dụng, quần áo và cả tiền vé máy bay. Tôi chỉ góp được 500
baht, anh Hiền Sỹ 1000 baht và rất nhiều đồng bào đi lao động trong tù
Thái góp lại, của ít lòng nhiều được gần 5000 baht. Số còn lại tổ chức
JRS là một tổ chức từ thiện hoạt động giúp đỡ người tù đã cho Vân đủ số
tiền để đưa nộp cho đại sứ quán Việt Nam mua vé và làm giấy thông hành
cho Vân. Ba ngày sau buổi gặp gỡ, Vân có vé về nước, một tuần sau Vân
nhắn tin qua JRS rằng cô đã về tới Hà Tĩnh an toàn.
Nhìn số phận của vợ chồng Vân, tôi thật buồn cho dân tộc chúng ta bởi vì
số vợ chồng Vân chỉ là một trong hàng triệu con người đã và đang làm nô
lệ trên xứ người. Họ phải ra đi vì đất nước Việt Nam không có việc làm,
không thể sống bằng đồng lương còm cõi. Thậm chí, ngay tại Hà Tĩnh quê
Vân thì người Tàu đã tràn vào đuổi dân Việt chạy dạt đi nơi khác vì
không còn đất canh tác, đất ở. Cả một chuỗi đau thương đến người dân
Việt Nam mà không có mảy may một chút quan tâm của chính phủ, sứ quán,
công đoàn nhà nước …
Số phận những người Việt như Vân còn dài và nó sẽ được tiếp tục gửi tới
bạn đọc trong thời gian tới. Nó chưa thể nào kết thúc khi mà chủ nghĩa
cộng sản độc tài còn chễm trệ trên ngai vàng để bóp nát Việt Nam.
23/09/2014
Đặng Chí Hùng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire