mardi 30 avril 2013

Thiêng Liêng Như Những Linh Hồn

Thiêng Liêng Như Những Linh Hồn

 
 Mẹ tôi chỉ là một thư ký thường cho một công sở ở Sài Gòn trước năm 1975. Vào cái trưa ngày 30 tháng 4, 1975, khi biết chắc miền Nam đã thất thủ và Việt cộng đang từ từ tiến vô Sài Gòn, mẹ tôi lặng lẽ mở tủ lấy lá cờ quốc gia, bỏ vô chiếc thau đồng vẫn thường để đốt vàng bạc trong các dịp cúng giổ trong gia đình, rồi đem xuống bếp, thắp ba cây nhang lâm râm khấn vái trước khi châm lửa đốt. Lúc đó chúng tôi cũng biết việc cất giữ những gì thuộc về chế độ cũ sẽ mang tới tai họa cho gia đình, huống chi là lá cờ quốc gia, nên mẹ tôi phải đốt đi; nhưng những điều mà mẹ tôi giải thích sau đó về việc khấn vái trước khi đốt lá cờ mang một ý nghĩa khác hơn mà suốt đời tôi không quên được.
 Mẹ tôi nói: "Biết bao nhiêu anh chiến sĩ quốc gia đã chết dưới lá cờ ni, chừ vì thời thế mà mình phải đốt đi, mình cũng phải xin phép người ta một tiếng!"
 Thế rồi, những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản bắt đầu đến với người dân miền Nam. Như bao nhiêu gia đình khác, gia đình tôi ngơ ngác, bàng hoàng qua những chiến dịch, chính sách liên tiếp của Việt cộng. Hết "chiến dịch đổi tiền", "chính sách lương thực, hộ khẩu", đến "chính sách học tập cãi tạo đối với ngụy quân, ngụy quyền", "chiến dịch đánh tư sản mại bản", "chính sách kinh tế mới",.. và nhiều nữa không kể hết. Ai nói Việt cộng ngu ngốc, chứ riêng tôi thì thấy họ chỉ vô đạo đức và kém văn hóa, kỹ thuật; chứ thủ đoạn chính trị thì thật cao thâm! Chính sách nào của Việt cộng cũng làm cho người dân miền Nam khốn đốn, dìm sâu con người đến tận bùn đen.
 Đầu tiên là "chiến dịch đổi tiền", họ phát cho mổi gia đình một số tiền bằng nhau, như vậy mổi gia đình đều nghèo như nhau, không ai có thể giúp ai đươc. Họ tuyên bố vàng, bạc, quý kim, đá quý là thuộc tài sản của Nhà Nước, ai mua, bán, cất giữ thì bị tịch thu. Kế đến là "chính sách hộ khẩu", tức là mổi gia đình phải kê khai số người trong gia đình để được mua lương thực (tức là gồm khoai, sắn và gạo mốc) theo tiêu chuẩn, nghĩa là mổi người (mà họ gọi là "nhân khẩu") được 13 kg lương thực mổi tháng.
 Bao vây như vậy vẫn chưa đủ chặt, Việt cộng sau đó còn ban hành lệnh cấm người dân mang gạo và các loại hoa màu khác từ vùng này sang vùng khác, bất kể là buôn bán hay chỉ là để cho bà con, con cháu. Thành thử các vùng thôn quê miền Nam (vốn dư thừa lúa gạo) mà lúc bấy giờ cũng không thể đem cho bà con, con cháu ở thành phố; nhiều bà nội, ngoại phải giấu gạo trong lon sữa guigoz để đem lên thành phố nuôi con cháu bị bệnh hoạn, đau ốm, ...
Như vậy là họ đã hình thành một cái chuồng gia súc-người khổng lồ, con vật-người nào ngoan ngoãn thì được cho ăn đủ để sống, con nào đi ra khỏi cái chuồng đó thì chỉ có chết đói. Chính sách này còn cao thâm ở chổ mà miền Nam ngày trước không có là không thể có cái việc "các má, các chị nuôi giấu cán bộ giải phóng trong nhà" như Việt cộng đã đĩ miệng, phỉnh phờ người dân trước đây.
Ba tôi rồi cũng đi tù "cải tạo" như bao nhiêu sĩ quan, công chức miền Nam khác, mẹ tôi ở lại một mình phải nuôi bầy con nhỏ. Bây giờ mổi khi hồi tưởng lại đoạn đời đã qua, tôi vẫn tự hỏi, nếu mình là mẹ mình hồi đó, liệu mình có thể bươn trãi một mình để vừa nuôi chồng trong tù vừa nuôi một đàn con dại như vậy không ? Trong lòng tôi vẫn luôn có một bông hồng cảm phục dành cho mẹ tôi và những phụ nữ như mẹ tôi đã đi qua đoạn đời khắc nghiệt xưa đó.
 Từ một công chức cạo giấy mẹ tôi trở thành "bà bán chợ trời" (bán các đồ dùng trong nhà để mua gạo ăn), rồi sau khi kiếm được chút vốn đã "tiến lên" thành một "bà bán vé số, thuốc lá lẻ" đầu đường. Thời đó, cái thời chi mà khốn khổ! Mẹ tôi buôn bán được vài bữa thì phải tạm nghỉ vì hễ khi có "chiến dịch làm sạch lòng, lề đường", công an đuổi bắt những người buôn bán vặt như mẹ tôi, thì phải đợi qua "chiến dịch" rồi mới ra buôn bán lại được. Có khi mẹ tôi đẩy xe vô nhà sớm hơn thường lệ, nằm thở dài, hỏi ra mới biết mẹ tôi bị quân lưu manh lường gạt, cụt hết vốn.
 Thời bấy giờ, do chính sách "bần cùng hóa nhân dân" của Việt cộng đã tạo ra những tên lưu manh, trộm cắp nhiều như nấm. Có tên đến gạt mẹ tôi đổi vé số trúng mà kỳ thật là vé số cạo sửa, vậy là mẹ tôi cụt vốn; có tên đến vờ hỏi mua nguyên một gói thuốc lá Jet (thời đó người ta thường chỉ mua một, hai điếu thuốc lẻ, nên bán được nguyên gói thuốc là mừng lắm), thế rồi hắn xé bao lấy một điếu, rồi giả bộ đổi ý, trả gói thuốc lại, chỉ lấy một điếu thôi, vài ngày sau mẹ tôi mới biết là hắn đã tráo gói thuốc giả!
 Một buổi tối, tôi ra ngồi chờ để phụ mẹ tôi đẩy xe thuốc vô nhà, thì có một anh bộ đội, còn trẻ cỡ tuổi tôi, đội nón cối, mặc áo thun ba lỗ, quần xà lỏn (chắc là đóng quân đâu gần đó) đến mua thuốc lá. Hồi đó, bộ đội Việt cộng giấu, không mang quân hàm nên chẳng biết là cấp nào, chỉ đoán là anh nào trẻ, mặt mày ngố ngố là bộ đội thường, cấp nhỏ, anh nào người lùn tẹt, mặt mày thâm hiểm, quắt queo như mặt chuột thì có thể là công an hay chính trị viên,...
 Anh bộ đội hỏi mua 3 điếu thuốc Vàm Cỏ, rồi đưa ra tờ giấy một đồng đã rách chỉ còn hơn một nửa. Mẹ tôi nói: "Anh đổi cho tờ bạc khác, tờ ni rách rồi, người ta không ăn." Anh bộ đội trẻ măng bỗng đổi sắc mặt, cao giọng lạnh lùng: "Chúng tôi chưa tuyên bố là tiền này không tiêu được!" À, thì ra những thằng oắt con Việt cộng này cũng biết lên giọng của kẻ chiến thắng, giọng của kẻ nhân danh một chính quyền! Lúc này tôi mới sực thấy cái quần xà lỏn màu vàng mà hắn đang mặc được may bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ! Mẹ tôi lẳng lặng lấy tờ tiền rách và đưa cho hắn 3 điếu thuốc. Khi hắn đã đi xa, mẹ tôi vò tờ bạc vất xuống cống và nói nhỏ đủ cho tôi nghe: "Thôi kệ, một đồng bạc, cãi lẫy làm chi cho mệt... Hắn mặc cái quần..., làm chi rứa, thắng trận rồi thì thôi, sỉ nhục người ta làm chi nữa, con hí?". Thì ra mẹ tôi cũng đã nhận ra cái quần hắn mặc may bằng lá cờ quốc gia và điều mà mẹ tôi quan tâm nhiều hơn là lá cờ, chứ không phải tờ bạc rách!
 Khi Việt cộng mới chiếm miền Nam, nhiều người vẫn tưởng Việt cộng cũng là người Việt, không lẽ họ lại đày đọa đồng bào. Nhưng sau nhiều năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, tôi hiểu ra rằng Việt cộng xem dân miền Nam như kẻ thù muôn kiếp, họ tự cho họ là phe chiến thắng "vẻ vang" và có quyền cai trị tuyệt đối đám dân xem như không cùng chủng tộc này.
 Một hôm, đang ngồi bán thuốc lá, mẹ tôi tất tả vô nhà, kêu đứa em tôi ra ngồi bán để mẹ đi có việc gì đó. Một lúc sau mẹ tôi trở về và kể cho chúng tôi một câu chuyện thật ngộ nghĩnh. Mẹ kể: "Mẹ đang ngồi ngoài đó thì nghe mấy bà rủ nhau chạy đi coi người ta treo cờ quốc gia trên ngọn cây. Té ra không phải, có cái bao ny-lông màu vàng có dãi đỏ, chắc là gió thổi mắc tuốt trên ngọn cây cao lắm, người ta tưởng là cờ quốc gia. Mà lạ lắm con, có con chó nó cứ dòm lên cây mà sủa ra vẻ mừng rỡ lắm, rứa mới lạ, chắc là điềm trời rồi!" Mẹ tôi là vậy đó, bà hay tin dị đoan, nhưng chính ra là mẹ tôi nhìn mọi việc bằng tình cảm trong lòng mình.
 Thời gian trôi mãi không ngừng... Cuối cùng rồi ba tôi cũng may mắn sống sót trở về sau gần 10 năm trong lao tù cộng sản, mẹ tôi vẫn bán thuốc lá lẻ, chúng tôi sau nhiều lần bị đánh rớt Đại Học, đành phải tìm việc vặt vãnh để kiếm sống. Đôi khi tôi tự hỏi, cuộc đời mình sẽ ra sao, liệu mình có thể có một mái gia đình, vợ con như bao người khác không trong khi mà cả gia đình mình không hề thấy một con đường nào trước mặt để vươn lên, để sinh sống với mức trung bình!? "Mọi người sinh ra đều bình đẳng .. và ai cũng được quyền mưu cầu hạnh phúc ..." câu ấy nghe có vẻ hiển nhiên và dễ dàng quá; nhưng phải sống dưới chế độ cộng sản, việc gì cũng bị truy xét lý lịch đến ba đời, mới thấm thía ý nghĩa và hiểu được vì sao người ta dùng câu ấy để mở đầu cho bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bất hủ.
Một ngày khoãng đầu năm 1990, công an phường đến đưa cho ba tôi một tờ giấy có tiêu đề và đóng dấu của Công An Thành Phố, nội dung vỏn vẹn "đến làm việc". Gia đình tôi lo sợ là ba tôi sẽ bị bắt vô tù lại, ba tôi thì lẳng lặng mặc áo ra đi, hình như các ông "sĩ quan học tập" về đều trở thành triết gia, bình thản chấp nhận thực tại. Hay là thân phận của con cá nằm trên thớt, thôi thì muốn băm vằm gì tùy ý.
 Rồi ba tôi về nhà với một tin vui mà cả nhà tôi có nằm mơ cũng không thấy được, công an thành phố kêu ba tôi về làm đơn nộp cho Sở Ngoại Vụ vì gia đình tôi được Nhà Nước "nhân đạo" cho đi định cư ở Hoa Kỳ! Thật không sao kể xiết nổi vui mừng của gia đình tôi với tin này, đang từ một cuộc sống tuyệt vọng nơi quê nhà mà nay được ra đi đến một quốc gia tự do, giàu mạnh nhất thế giới! Những ngày sau đó lại cũng là mẹ tôi đi vay mượn, bán những món đồ cuối cùng trong nhà chỉ để có tiền làm bản sao photocopy các giấy tờ "Ra Trại" của ba tôi, khai sinh của chúng tôi, đóng tiền cho "Dịch Vụ", ... để làm thủ tục xuất cảnh.
 Chỉ khoảng 6 tháng sau là gia đình tôi lên máy bay để bay qua trại chuyển tiếp bên Thái Lan. Tôi lên máy bay, ngồi nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất dưới kia mà nước mắt cứ trào ra không ngăn được. Thế là hết, đất nước này của tôi, thành phố Sài Gòn này của tôi, nơi mà tôi sinh ra và lớn lên, một lát nữa đây sẽ vĩnh viễn rời xa, bao nhiêu vui buồn ở đây, mai sau chỉ còn trong kỷ niệm! Tôi quay lại nhìn thấy ba tôi mặt không lộ vẻ vui buồn gì cả, còn mẹ tôi thì nhắm mắt như đang cầu nguyện và mẹ tôi cứ nhắm mắt như thế trong suốt chuyến bay cho đến khi đặt chân xuống Thái Lan, mẹ tôi mới nói: "Bây giờ mới tin là mình thoát rồi!"
Sau khoảng 3 tuần ở Thái Lan, gia đình chúng tôi lên máy bay qua Nhật, rồi đổi máy bay, bay đến San Francisco, Hoa Kỳ.
 Ngày đầu tiên đến Mỹ được người bà con chở đi siêu thị của người Việt, thấy lá cờ Việt Nam bay phất phới trên mái nhà, mẹ tôi nói: "Ui chao, lâu lắm mình mới thấy lại lá cờ ni, cái cờ quốc gia của mình răng mà hắn hiền lành, dễ thương hí?". Rồi mẹ kêu tôi đi hỏi mua cho mẹ một lá cờ quốc gia bằng vải, đem về cất vào ngăn trên trong tủ thờ.
 Chúng tôi dần dần ổn định cuộc sống, cả nhà đều ghi tên học College, mẹ tôi cũng đi học College nữa và xem ra bà rất hứng thú với các lớp ESL (English as a Second Language); đặc biệt là các lớp có viết essays (luận văn).
 Mẹ tôi viết luận văn rất ngộ nghĩnh, thí dụ đề tài là "Bạn hãy nói các điểm giống nhau và khác nhau của một sự việc gì đó giữa nước Mỹ và nước của bạn" thì mẹ tôi lại viết về lá cờ quốc gia. Ý mẹ tôi (mà chắc chỉ có mình tôi hiểu được) là nước Việt Nam có đến hai lá cờ khác nhau với hai chế độ tương phản nhau mà người Mỹ thời này hay ngộ nhận cờ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng của Việt cộng; trong khi lá cờ đó không phải là lá cờ thiêng liêng của người Việt tại Mỹ. Rải rác trong suốt bài luận văn dài tràng giang đại hải của mẹ tôi là những mẩu chuyện thật mà mẹ tôi đã trải qua suốt thời gian sống dưới chế độ Việt cộng. Mẹ tôi kể là mẹ thấy bà giáo Mỹ đọc say mê (tôi nghĩ có lẽ là bà giáo Mỹ sống ở nước tự do, dân chủ không thể ngờ là có những chuyện chà đạp, bức hiếp con người như thế dưới chế độ cộng sản). Khi bài được trả lại, tôi cầm bài luận của mẹ tôi xem thì thấy bà giáo phê chi chít ngoài lề không biết bao nhiêu là chữ đỏ: "interesting! ", "Narrative", "I can’t believe it!",... và cuối cùng bà cho một điểm "D" vì... lạc đề!
 Cuộc sống chúng tôi dần dần ổn định, vô Đại Học, lấy được bằng cấp, chứng chỉ, rồi đi làm, cuộc sống theo tôi như thế là quá hạnh phúc rồi. Dạo đó, có anh chàng Trần Trường nào đó ở miền Nam California, tự nhiên giở chứng đem treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt cộng trong tiệm băng nhạc của anh ta làm cho người Việt quanh vùng nổi giận, đồng bào đem cả ngàn lá cờ quốc gia, nền vàng ba sọc đỏ đến biểu tình trước tiệm anh ta suốt mấy ngày đêm. Mẹ tôi ngồi chăm chú xem trên truyền hình và nói với tôi: "Tinh thần của người ta còn cao lắm chớ, mai mốt đây mà về thì phải biết!" Ý mẹ tôi nói là sau này khi không còn cộng sản ở Việt Nam nữa thì chắc đồng bào sẽ hân hoan trở về treo lên cả rừng cờ quốc gia chớ không phải chỉ chừng này đâu.
Thời gian trôi nhanh quá, chúng tôi đã xa quê hương gần 20 năm, Việt cộng vẫn còn đó, vẫn cai trị đất nước tôi. Sau này do chúng tôi, kể cả cha chúng tôi nữa, đều học xong và ra đi làm, không ai có thể chở mẹ tôi đi học ESL nữa nên mẹ tôi phải ở nhà thui thủi một mình, buồn lắm. Có lần tôi hỏi mẹ có muốn về Việt Nam một chuyến để thăm bà con lần cuối không, mẹ tôi nói: "Không, về làm chi, rồi mình nhớ lại cảnh cũ, mình thêm buồn; khi mô mà hòa bình rồi thì mẹ mới về!" Ý mẹ nói "hòa bình" nghĩa là khi không còn cộng sản nữa.
 Rồi mẹ tôi bệnh, đưa vô nhà thương, bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị ung thư phổi, cho về nhà để Hospice Care đến chăm sóc (Hospice là các tổ chức thiện nguyện ở khắp nước Mỹ, nhiệm vụ của họ là cung cấp phương tiện, thuốc men miễn phí nhằm giảm nhẹ đau đớn cho những người bệnh không còn cứu chữa được nữa). Mẹ tôi mất không lâu sau đó. Mẹ nằm lại đất nước Mỹ này và vĩnh viễn không còn nhìn thấy lại quê hương mình lần nào nữa.
 Trong lúc lục giấy tờ để làm khai tử cho mẹ, tôi tìm thấy chiếc ví nhỏ mà mẹ tôi vẫn thường dùng để đựng ít tiền và các giấy tờ tùy thân như thẻ an sinh xã hội, thẻ căn cước,.. Trong một ngăn ví là lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng giấy, khổ bằng chiếc thẻ tín dụng mà có lẽ mẹ tôi đã cắt ra từ một tờ báo nào đó. Tôi bồi hồi xúc động, thì ra mẹ tôi vẫn giữ mãi lá cờ quốc gia bên mình, có lẽ lá cờ vàng hiền lành này đối với mẹ tôi cũng thiêng liêng như linh hồn của những người đã khuất.
NGUYỄN KIẾN VIỆT

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire