Saturday, 30 March 2013 09:41
Giao Chỉ, San Jose.Đêm canh thức 1974
Ngày 1 tháng 11 năm 1974 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn chính phủ, các tướng lãnh lên làm lễ tưởng niệm tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Hiệp định Paris đã ký kết. Mỹ đã rút quân về. Quân Bắc Việt vẫn nằm lại miền Nam. Trận chiến dành dân lấn đất vẫn đổ máu. Nền hòa bình giả tạo đang che đậy những ngày bão nổi sắp đến.
Dù vậy toàn quốc miền Nam vẫn còn nhớ đến 16 ngàn tử sĩ nằm tại nghĩa trang Biên Hòa. Từ hôm trước, sinh viên sỹ quan quân trường Thủ Đức tham dự đêm canh thức. Trên cánh đồng mộ chí 125 mẫu bao la, một nửa đã có phiến xi măng sơn trắng. Một nửa còn đắp đất.
Hàng trăm cây đuốc thắp sáng những con đường và chung quanh nghĩa dũng đài. Hàng ngàn nén hương được cắm xuống. Chiến binh của trung đội thao diễn danh dự trong quân phục liên quân gác quanh vành khăn tang trên Nghĩa Dũng đài. Sinh viên sỹ quan chia nhau đảm trách 24 trạm gác tư thế thao diễn nghỉ. Một tiểu đoàn địa phương quân tiểu khu Biên Hòa lo an ninh vòng ngoài. Đêm canh thức hết sức vĩ đại và bi tráng. Khi tiếng kèn truy điệu nổi lên trong canh khuya. Khói hương bay tỏa lên trời và những giọt nước mắt chảy xuống trên mặt các sinh viên sỹ quan trừ bị 20 tuổi. Nếu chưa bao giờ sống trong cảnh tượng vĩ đại đó thì làm sao nói chuyện nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Sẽ không bao giờ hiểu được lúc nào là giây phút người chết và người sống gặp nhau.
Thùng dầu thô của ông Thiệu.
Sau 1 đêm dài gần như không ngủ, các sinh viên, binh sĩ và sỹ quan trách nhiệm từ bộ tổng tham mưu đến công binh và quân nhu bắt đầu chuẩn bị cho ngày đại lễ.
Xe của các tướng lãnh và thành viên nội các đến trước 9 giờ. Nghĩa trang hình con ong quay đầu ra xa lộ. Trên ngọn đồi nhỏ có đền liệt sĩ là đầu ong với mũi kim chạy dài ra đến tượng Thương Tiếc. Chiến binh dàn chào từ xa lộ, qua tượng chiến sĩ, cổng tam quan, đền tử sĩ cho đến nghĩa dũng đài.
10 giờ sáng trực thăng của tổng thống, phó tổng thống và chủ tịch quốc hội hạ cánh.
Sau nghi lễ khai mạc tưởng niệm và dâng hương, tổng thống Thiệu châm lửa đốt một thùng dầu thô lấy từ mỏ dầu Bạch Hổ. Lúc đó có tin những dàn khoan dầu Hoa Hồng, Bạch Hổ và các nơi khác tại biển Đông trong vùng lãnh hải tại Việt Nam đã có dầu.
Bằng tiếng nói nghẹn ngào, tổng thống nói rằng: "Bây giờ Mỹ đã bỏ đi, chúng ta phải chiến đấu một mình.. Cầu trời giúp cho có dầu, chúng ta có phương tiện để tiếp tục cuộc chiến".
Phần căn bản của Kiếm đài hùng vĩ này sẽ phải hoàn tất tháng 4 -1975. Sau đó phía trong và ngoài vành khăn tang sẽ khắc hình ảnh các chiến dịch lịch sử giữ nước ngày xưa cho đến các trận Quảng Trị, Bình Long sau này.
Đại lễ khánh thành toàn diện nghĩa trang quân đội Biên Hòa dự trù sẽ tổ chức ngày 19 tháng 6 năm 1975.
Ngày đó không bao giờ tới.
Nhưng riêng ngày 1 tháng 11 năm 1974 thì các phu nhân và các nữ quân nhân thay nhau thắp nhang trên những ngôi mộ.
Đó là ngày đại lễ tưởng niệm cuối cùng của 16 ngàn tử sĩ nằm tại nghĩa trang Biên hòa.
Những nén hương lịch sử
Đầu tháng 4, 1975 phái đoàn quốc hội Hoa kỳ qua thăm Việt Nam để ước lượng tình hình lần cuối.
Bộ tổng tham mưu VNCH đem vũ khí tối tân chiến lợi phẩm của cộng sản ra trưng bày. Chuẩn bị buổi thuyết trình qua đề tài yêu cầu quân viện. Đoàn xe của dân biểu Mỹ chạy ngang qua nhưng không ghé lại theo chương trình. Phái đoàn Mỹ cũng chạy ngang qua nghĩa trang Biên Hòa nhưng chẳng ai quan tâm hỏi han. Lên bộ tư lệnh quân đoàn III để hỏi tin tức chiến trường. Họ có ý lấy thành tích ra tận mặt trận nghe tiếng pháo của Bắc quân. Không kèn, không trống rồi các ông bà dân biểu về Mỹ, đó là lần sau cùng lập pháp Hoa Kỳ quay lưng lại Việt Nam.
Đại tướng Frederick C. Weyand, nguyên tư lệnh quân lực Mỹ cuối cùng tại Việt Nam lúc đó là tham mưu trưởng lục quân. Ông được tổng thống Mỹ ủy nhiệm qua Việt Nam lượng định tình hình quân sự vào giờ chót. Trên đường thăm quân đoàn III, trực thăng của đại tướng đã bất ngờ đáp xuống nghĩa trang Biên Hòa. Cuộc viếng thăm hoàn toàn ngoài chương trình. Toàn thể liên đội chung sự lúc đó chỉ có 1 chuẩn úy Thủ Đức mới ra trường là sĩ quan trực.
Là giáo sư bị động viên, anh sĩ quan có đủ chữ nghĩa để hướng dẫn ông đại tướng từ Ngũ Giác Đài và phái đoàn đến thăm. Mộ sơn trắng là tử sĩ chết từ 1968. Mộ đắp đất có bia là chết từ 72, 73. Mộ chưa có bia là vừa hy sinh trong tháng qua. Mộ có cắm cờ là mới đem về. Thi hài các chiến binh Xuân Lộc thuộc sư đoàn 18 còn nằm trong nhà xác. Ông tướng hỏi tổng số bao nhiêu mộ. Thưa hơn 16 ngàn. Tiếp theo, anh chuẩn úy đã theo đúng nguyên tắc nên chỉ dẫn cho đại tướng làm theo thủ tục. Đưa đại tướng ra phần mộ chiến sĩ vô danh. Đưa hương cho ông tướng tưởng niệm. Đại tướng làm đúng theo lời hướng dẫn. Ông chắp tay rồi quỳ gối trước phần mộ và cắm hương. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn III đứng yên lặng phía sau.
Đại tướng Weyand đã làm một cử chỉ đẹp nhất của người chiến binh Hoa Kỳ đối với tử sĩ Việt Nam vào ngày giờ sau cùng. Bắt tay anh chuẩn úy bằng cả 2 tay, đại tướng từ giã nghĩa trang quân đội VNCH. Anh phóng viên của AP chụp hình, nhiếp ảnh gia của Stars and Tripes đi theo đã quay được những thước phim vô cùng xúc động.
Đại tướng về Mỹ báo cáo tình hình cho tổng thống. Dù biết rằng bất khả nhưng ông vẫn ghi rằng muốn chặn đứng Bắc quân cần có ngay lời tuyên bố quyết liệt của Hoa Kỳ và B52. Nhưng chuyện nghĩa trang Biên Hòa ông giữ cho riêng ông. Lúc còn tại chức ở Việt Nam, tướng Weyand luôn luôn tin tưởng rằng nếu được yểm trợ đầy đủ về tinh thần và vật chất, QLVNCH sẽ chiến thắng. Chuyến đi Việt Nam lần cuối vào tháng 4-75, ông tướng thấy lòng tan nát. Ông đã mất tháng 2-2010, thọ 93 tuổi. Mong rằng sau này có người chiến binh Cộng Hòa ghé lại nghĩa trang quốc gia vùng Thái Bình Dương tại Honolulu, tìm mộ đại tướng và thắp một nén hương.
Những nén hương sau 75.
Cuối tháng 4-75 cơn hồng thủy ập đến, chẳng còn ai quan tâm đến nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Đơn vị công binh phụ trách công trường nghĩa dũng đài vẫn tiếp tục công tác. Những tấm ciment cuối cùng đã đổ xong và kéo lên đỉnh ngọn kiếm. Anh lính công binh đứng trên đỉnh kiếm của Nghĩa dũng đài ngó về Saigon thấy trực thăng Mỹ lần lượt bốc người đi. Ngó ra xa lộ thấy quân dân từ Long Khánh tất tả rút về.
Bên dưới liên đội chung sự tràn ngập xác đưa về bằng các loại phương tiện. Cả dân lẫn quân, tất cả các binh chủng. Nhiều gia đình có thân nhân tự lo tẩm liệm, nhận quan tài và đào huyệt chôn cất lấy. Chiều 30 tháng tư qua ngày 1 tháng 5-1975 hàng trăm xác còn lại đã được chôn tập thể. Không còn nén hương nào dành cho người nằm dưới lòng đất quê hương. Phải đến đầu thập niên 80 các gia đình tại Việt Nam mới tìm lên thăm mộ. Có nhà cải táng về quê, có gia đình tu sửa tại chỗ.
Năm 1985 anh em tù “tập trung cải tạo” được tự do mới trở về thăm chiến hữu. Năm 1990 hải ngoại bắt đầu nhớ tới nghĩa trang Biên Hòa. Đại tá Lê Đình Luân luẩ quẩn trên nghĩa trang mấy ngày trước khi HO qua Mỹ. Ông làm báo cáo nhưng không biết gửi cho ai. Thượng sĩ Trần Văn Tảo đại diên anh em thương binh Biệt Khu thủ đô bắt đầu những lần tảo mộ có quay phim chụp hình. Những chuyến viếng thăm đầy nước mắt, những nén hương tình nghĩa đã thắp lên. Những cô con gái của quốc gia nghĩa tử đã họp đoàn thăm mộ cha anh. Những nén hương cắm xuống đôi khi còn kèm theo một điếu thuốc lá với rất nhiều nước mắt.
Trong suốt 38 năm qua nghĩa trang Biên Hòa đã trải qua những giai đoạn hết sức đau thương nhưng đặc biệt là vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Mười năm đầu nghĩa trang bị tàn phá, phế bỏ và xâm lấn chung quanh trên các phần đất chưa có mộ và người ta vô tình chiếm dụng cả những nơi nhiều xác vô danh chôn tập thể bên dưới. Một đơn vị huấn luyện tân binh trồng cây và xây tường chung quanh để làm nơi tập lính. Vẫn còn có tử sĩ và mồ tập thể bên ngoài bức tường. Khi đơn vị rút đi, nghĩa trang được giao cho dân sự với tên mới là Bình An. Tuy gọi là nghĩa địa nhân dân nhưng thực sự không có dân sự nào được chôn tại đây. Các công trình chung xuống cấp, hư hỏng và hoang phế. Đồng hương và chiến hữu về tảo mộ chui nên làm được đến đâu hay đến đó. Chính quyền địa phương quản trị nghĩa trang không có lệnh chính thức từ trung ương nên quyết định rất tùy tiện.
Cho đến cuối tháng 2 vừa qua, những hình ảnh phổ biến đã cho những tin tức mới về một nghĩa trang xưa đầy kỷ niệm
Thiếu tá Nguyễn đạc Thành hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao của chính quyền cộng sản Việt Nam lên thăm nghĩa trang Biên Hòa. Phái đoàn thắp hương khấn vái. Nén hương của thứ trưởng là nén hương chính trị. Ai cũng biết rõ như thế. Nhưng sự hiện diện của nhân vật cao cấp cộng sản là một thứ chỉ thị bất thành văn cho chính quyền địa phương. Dù bất cứ dưới danh nghĩa gì thì chúng ta cũng có thể hy vọng sự tồn tại của nghĩa trang Biên Hòa. Và sẽ dễ dàng cho việc tu bổ dù là khiêm nhượng cho cả một công trình vĩ đại trước 1975. Cụ thể nhất là dọn sạch nghĩa dũng đài và đưa mộ tập thể dưới lòng đất vào bên trong. Một tuần sau, thiếu tá QLVNCH Nguyễn Đạc Thành lại hướng dẫn ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon lên thăm nghĩa trang cùng với viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng lại thắp hương khấn vái. Nén hương của ông lãnh sự là nén hương ngoại giao. Nhưng ông là người Mỹ gốc Việt nên mùi nhang khói có tình quê hương. Điều quan trọng trên hết là sự hiện diện của ông mang dấu ấn của Hoa Kỳ. Trước sau chỉ có nén hương của Nguyễn Đạc Thành là có tình chiến hữu.
Mục tiêu đơn giản
Năm 1975 chúng ta mất cả miền Nam. 50 thành phố, thủ đô Saigon, bộ tổng tham mưu và dinh tổng thống. Riêng nghĩa trang quân đội dường như 16 ngàn chiến hữu vẫn nằm yên dưới lòng đất. Các công trình kiến trúc tuy hoang phế và chịu đầy thương tích nhưng vẫn còn đó.
Bây giờ 38 năm sau, ông cựu thiếu tá thiết giáp QLVNCH 72 tuổi, quê Bến Tre, nguyên chỉ huy trưởng trung tâm hành quân tiểu khu Châu Đốc, tóc bạc, quần áo chững chạc, phong thái điềm đạm lại là người dướng dẫn cho các viên chức cao cấp cộng sản Việt Nam và tư bản Hoa Kỳ viếng thăm nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Chúng ta không thể có được hình ảnh như vậy từ 10, 20 hay 30 năm trước.
Khỏi phải đoán già đoán non, chẳng phải nghe cộng sản nói hay nhìn cộng sản làm. Ai cũng biết với Hà Nội đây là thủ đoạn chính trị. Cộng sản bày tỏ tinh thần hòa giải muộn màng qua hình ảnh nghĩa trang. Phía Hoa Kỳ dù có thiện chí nhân đạo nhưng cũng có nhu cầu ngoại giao. Phía chúng ta đơn thuần là tình chiến hữu. Ông già Bến Tre Nguyễn Đạc Thành chỉ có mục đích lo cho xác anh em, lo chỗ anh em ta nằm được sạch sẽ. Tìm cách đưa anh em dưới mộ tập thể vùi dập bên ngoài vào bên trong gần kề các chiến hữu. Ngày xưa đất nghĩa trang trên 120 mẫu, 16 ngàn tử sĩ an táng trên lưng con ong theo vòng cung từ tâm điểm Nghĩa dũng Đài ra phía ngoài. Năm 75 quân dân chánh phe cộng sản mặc sức chiếm ngụ chung quanh phần đất chưa xử dụng. Nhìn vào bản đồ không ảnh, ta thấy việc chiếm đóng vô tội vạ lấn cả vào khu có mộ chính thức cũng như khu mồ tập thể. Bức tường xây quanh hiện chỉ còn 60 mẫu. Biết rõ chuyện xẩy ra như thế, không tìm cách cấp cứu, các công trình xây cất quy mô bên ngoài sẽ đè lên xương cốt chiến hữu, làm ngơ sao đành?
Chuyện tao, tao tính.
Ở San Jose có một góa phụ của tù cải tạo, quê Cần Thơ. Bà tả lại chuyện ra Bắc thăm chồng. Dẫn các con nhỏ dưới trời mưa tầm tã đứng bên hai bờ rào nhìn thấy chồng trong trại đau ốm gần chết. Cộng sản không cho thăm. Hai bên rào cùng khóc dưới trời mưa. Người tù miền Nam biết đây là lần cuối nên ra dấu cho vợ tìm đường nuôi con. Bà vợ ông trung tá vùng 4 nói rằng: Tụi cộng sản này vô nhân đạo, không có lương tri, không nói được. Việc mày mày tính, việc tao tao tính. Bà về lại Sài Gòn đóng tàu đem con vượt biển. Sau khi định cư ở Mỹ, bà trở về tìm xác chồng ở miền Bắc đem chôn tại miền Nam.
Việc mày mày tính, việc tao tao tính. Đó chính là con đường đấu tranh của chúng ta đối với chiến dịch nghĩa trang Biên Hòa.
Sau 38 năm tảo mộ chui, 16 ngàn chiến sĩ nằm trong lòng đất lại bị bưng bít không có khói hương tưởng niệm. Nay là lúc nghĩa trang Biên Hòa phải đưa ra ánh sáng. Giữa thanh thiên bạch nhật, hình ảnh nghĩa trang phải được thân nhân biết đến, 80 triệu dân trong nước biết đến. Đồng minh Hoa Kỳ phải biết đến. Toàn thể đồng bào hải ngoại phải biết đến. Và sau cùng chính quyền cộng sản phải biết đến.
Còn chuyện bên trong, việc mày mày tính , việc tao tao tính. Tới luôn đi bác Thành.
Câu chuyện bên lề.
Tôi đem chuyện nghĩa trang Biên Hòa nói với các chiến hữu. Bác sĩ đại tá mũ đỏ Hoàng cơ Lân từ bên Pháp qua thăm viện bào tàng ở San Jose hết sức quan tâm. Ông là người gởi cho tôi tài liệu về các nghĩa trang của nhiều phe thù nghịch sau đệ nhị thế chiến tại Âu châu. Ông nói rằng đồng hương về Việt Nam nên thăm nghĩa trang. Đó là cách giữ cho nghĩa trang tồn tại.
Nhẩy dù Bùi Đức Lạc nói rằng mũ đỏ vẫn tảo mộ hàng năm. Trung tướng Lâm quang Thi nói rằng không biết đầu đuôi ra sao mà trên nét nó chửi quá. Ông chưa cho biết ý kiến riêng.
Tôi hỏi thăm 2 chiến hữu thiết giáp. Đại tá Hà mai Việt, bạn thân từ tiểu học. Anh thành thật nói rằng bây giờ đang bỏ hết ngày giờ cuối của cuộc đời cho tác phẩm sau cùng viết về chuyện Việt Nam thời kỳ 50-60. Anh không tin cộng sản. Anh gián tiếp quản ngại rằng nếu tôi tham dự vào việc này có thể bị cháy.
Tôi thưa rằng, mình đã 80 tuổi. Cháy được sẽ thành than. Còn không thì trước sau cũng hỏa thiêu mà thôi. Nhưng thôi không chọc quê bạn Việt nữa. Để hôm nào sách hoàn tất sẽ lo cho bạn ra mắt tại San Jose, nếu chưa bị cháy.
Tôi lại quay sang hỏi ông thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, thủ khoa khóa Nam Định, nguyên tư lệnh sư đoàn 3 BB, gốc thiết giáp. Ông nói chuyện này cần ủng hộ. Bèn gửi cho ông 1 bản tôi lên tiếng ủng hộ thiếu tá Đạc Thành. Nói riêng với các bạn thân cao niên Bắc Kỳ, hình như anh em ta suy tính nhiều quá, người anh hùng đất Thăng Long ngày xưa bỗng mệt mỏi. Phen này trận nghĩa trang Biên Hòa đành phải để phe Nam Kỳ ông già Bến Tre phối hợp với ông lãnh sự Mỹ Gò Công hợp đồng tấn công cho anh em tử sĩ được nhờ. Đây là đấu tranh chính trị, đây là tiếp tục cuộc chiến chứ có hòa bao giờ.Việc nó nó tính, việc mình mình tính. Bà quả phụ Cần Thơ đã nói thế. Bà quả phụ Sa Đéc, Khúc Minh Thơ khi gặp phe cộng sản tại Nữu Ước cũng nghĩ như thế. Chị em chúng tôi mà ngồi chờ các ông cứ mãi mãi can trường trong chiến bại thì bao giờ mới có HO. Vào đất địch lo chuyện chung sự cho chiến hữu là chuyện khó nhất. Cộng sản nó đứng chình ình khắp nơi không đánh, các bạn trẻ cứ quân ta mà dã, các cậu làm cho các bạn tôi đọc bài chửi bới mất mẹ nó tinh thần.
Tới luôn đi bác Thành. Năm 20 tuổi không sợ. Vì không thấy quan tài không đổ lệ. Trên 70 tuổi, điếc không sợ súng. Còn gì nữa đâu mà quản ngại. Hãy nhớ rằng anh có hàng trăm tử sĩ đã được bốc mộ luôn luôn phù hộ. Và 16 ngàn chiến binh các quân binh chủng nằm chờ. Đã bắt đầu mà không đi tới, sau này ở quân khu chín suối, gặp lại anh em, biết ăn nói làm sao.
Tới luôn đi bác Thành.
http://www.baocalitoday.com/index.php?option=com_content&view=article&id=13057:ngha-trang-bien-hoa-38-nm-sau-bai-th-2-ti-luon-i-bac-thanh-&catid=1:cng-ng&Itemid=49
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire