THANH THÚY 1: VĨNH BIỆT SAIGON
Viết tặng Chị.
Lúc còn trong trại tị nạn, mình cứ ngỡ khi đi ra ngoài là sẽ không bao giờ gặp lại nhau, sẽ không bao giờ được nói thứ tiếng mình yêu thương, sẽ không bao giờ nghe lại được những bản nhạc thân thương của những ngày xưa cũ.
Mỗi lần có một gia đình sắp ra đi, là y như rằng phải có một buổi tiệc tiễn đưa đầy nước mắt. Người ta ôm nhau khóc, thức trắng đêm để tâm sự. Bao nhiêu nỗi niềm cứ được dịp trút hết ra. Vừa mới một lần lênh đênh trên đại dương, hình ảnh sóng nước muôn trùng, không thấy đâu là bến bờ vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm. Mình cứ ngỡ đâu bên ngoài trại tị nạn rồi cũng sẽ như một đại dương khác, không biết đâu là bến bờ, không biết bao giờ trông thấy nhau. Vì bao nhiêu viễn ảnh mập mờ đó, ôm nhau mà khóc lúc chia tay cũng là điều dễ hiểu thôi.
Không biết từ đâu và lúc nào, bỗng dưng người ta khám phá ra có một người nào đó mang theo được vài cuốn cassette nhạc Việt Nam. Thế là cả trại như lên cơn sốt. Người nào cũng ao ước có một cuốn cassette nhạc Việt trước khi rời trại, để lở mai này bên ngoài trại sẽ không còn bao giờ nghe lại được những giòng nhạc yêu thương, ấp ủ từ thửo chào đời. Mọi người ùn ùn kéo nhau đến “thăm” người đồng hương tốt bụng nọ, để tìm cách “sang” lại mấy cuốn cassette hiếm quí kia. Một người đồng hương tốt bụng biến thành hai, rồi ba, rồi rất nhiều đồng hương tốt bụng khác.
Trong trại chỉ có một tiệm bán tạp hóa thật nhỏ, hàng hóa mang về chỉ giới hạn. Bao nhiêu cuộn cassette đem về đều bán hết thật nhanh chóng. Ngay cả máy cassette, đem cái nào về là bán hết ngay cái nấy. Mấy người bán hàng đã rất ngạc nhiên, không hiểu sao mấy người tị nạn này chỉ đến mua cassette mà thôi. Hàng hóa khác cứ nằm ì một chổ. Làm sao họ hiểu được nổi lòng của nhóm người mang kiếp sống lưu đầy, lòng lúc nào cũng nhớ thương về quê hương giờ đã mịt mù xa.
Thời gian đó, máy cassette còn rất thô sơ, chỉ chạy được một lần một cuốn băng mà thôi. Làm gì có hai bên để thâu trực tiếp từ bên này qua bên kia. Làm gì có dây nhợ để sang thẳng từ máy này qua máy nọ. Cách thâu thời bấy giờ là để hai máy sát vào nhau rồi bấm thâu, thế thôi. Còn muốn tối tân hơn, tránh không cho tiếng động từ ngoài vào, thì chỉ cần phủ lên hai cái máy cassette vài tấm mền, thế là xong. Cần gì dây nhợ lôi thôi. Mỗi cuốn cassette khoảng từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Vừa ngồi nghe nhạc, vừa đấu láo, vừa “nhâm nhi” một ly “nước lạnh” (vì không có tiền mua cafe), đời còn gì hạnh phúc hơn. Thế mới thấy người ta yêu thương, gìn giữ lời ca, tiếng nhạc như thế nào. Mai này, ra ngoài kia, chưa biết trôi dạt về đâu, chưa biết lênh đênh đến bao giờ, thế mà người ta chỉ cần mấy cuốn cassette làm hành trang để tiếp tục cuộc hành trình vô định.
Riêng đối với chúng tôi, nhất là chị Thanh Thúy, chúng tôi đã phải bán lần hồi mấy sợi giây chuyền, nhẫn… đeo trong người, để có tiền mua các thứ cần thiết, và mua cassette để đem đi thâu. Ngoài việc là món ăn tinh thần cần phải có, những cuốn cassette thâu “dã chiến” trong trại hầu hết đều có tiếng hát chị, xem như một phần đời của chị. Nếu bảo những cuốn cassette này là gia tài của chị, có lẽ cũng không sai.
Chị rất vui, ôm theo mớ gia tài đi định cư tại Las Vegas vào gần cuối năm, cứ nghĩ rằng mình đã là người thật giàu có, trong tay có cả một kho tàng vô giá. Nào ngờ đâu, phẫm chất của mấy cuốn cassette này thật là tệ hại. Mới nghe có một vài lần là băng đã bị nhảo. Giọng hát của ca sĩ hoặc trở nên eo éo như giọng mấy con chipmunk, hoặc xuống thật thấp kéo dài lê thê như giọng một ông già sắp đứt hơi. Chưa kể băng bị đứt , bị rối bời hoặc quấn vào máy, cạy mãi mới ra. Gia tài bỗng chốc tan như mây khói…
Chân ướt chân ráo đến đây, tiếng Mỹ không rành, ̣nói chuyện với người Mỹ mà mõi cả tay. Nơi chúng tôi định cư, người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thức ăn Việt Nam lại càng hiếm, đôi khi thèm nước mắm không biết kiếm đâu ra. Có một lần, chúng tôi đã lái xe mấy trăm dặm chỉ để về Los kiếm cho ra một chai nước mắm…
Âm nhạc là cuộc đời, ca hát là hơi thở, chị hình như không còn niềm vui sống khi không được hát. Nhất là khi trong lòng còn vương tâm trạng đau buồn của kiếp tha hương. Thêm vào đó, chị lại mang thêm hoài bảo bảo tồn và phát huy nhạc Việt, sau khi chứng kiến cảnh “trùm mền thâu băng” của người tị nạn.
Chị về Los, tìm đủ cách liên lạc lại được với anh Hoàng Thi Thơ. Anh Thơ đã đồng ý viết hòa âm và tìm dùm chị nhạc sĩ hầu lập ra một ban nhạc để thâu băng. Trong khi đó, nhờ sự giúp đỡ của các anh chị em trong giới nghệ sĩ, chị đã liên lạc lại được với các anh Anh Bằng, Lam Phương, Tô Huyền Vân, Song Ngọc và Nam Lộc. Chị ngõ ý nhờ các anh viết bài dùm chị, hoặc nếu đã có sẵn thì cho phép chị thâu thanh. Các anh nhạc sĩ cũng nôn nóng không kém gì chị. Họ chỉ muốn trút xuống thật nhanh tất cả tâm sự hoặc nỗi niềm chất chứa trong lòng vào trang nhạc kể từ lúc mang vào người thân lữ thứ.
Thời gian đó, thiếu thốn đủ mọi thứ, vì tất cả đều còn quá mới và xa lạ. Nhạc sĩ sống rải rác khắp nơi, tập hợp họ lại cũng là cả vấn đề. Thời bấy giờ, nào ai dám “mơ mộng” đến việc “nhờ” nhạc sĩ Mỹ thâu băng cho mình. Mớ nữ trang đeo trên người khi ra đi đã bán hết rồi, lương hướng thì ba cộc ba đồng, không đủ sống. Thế mà còn tham lam thực hiện một cuốn băng. Bởi thế nghệ sĩ đã mấy ai giàu, lúc nào cũng chỉ lo cho “món ăn tinh thần” nhiều hơn là cho chính bản thân.
Thêm một trở ngại khác là việc kiếm phòng thâu cũng không mấy dễ dàng. Phòng thâu cho vừa túi tiền thì lại quá ít “track”, phải thâu tới thâu lui nhiều lần mới xong được một bản nhạc. Chưa kể tới việc in bìa có bỏ dấu tiếng Việt lại là một thử thách khác. Rồi còn việc sang băng và phát hành nữa. Sau khi thâu xong, làm sao phổ biến sâu rộng đến đồng hương, đang sống kiếp tha hương khắp nơi trên thế giới…
Với bao nhiêu khó khăn và trở ngại, chị vẫn bất chấp mọi hiễm nguy, một thân một mình chạy đi, chạy về những đoạn đường dài mấy trăm dặm giữa Las Vegas và Los để lo thâu cho bằng được cuốn băng Vĩnh Biệt Saigon. Kể ra thì chị quả thật quá “gan lì.”
Cuối cùng rồi thì bao gian nan cũng đều vượt qua. Cuốn cassette “Vĩnh Biệt Saigon” đã hoàn tất trong thời gian kỷ lục, cho kịp phát hành vào dịp kỷ niệm một năm người dân Việt mang một đại tang chung. Tất cả các anh nhạc sĩ và chị đều chia sẻ niềm hân hoan khi cầm trên tay đứa con tinh thần mà mọi người đã nuôi dưỡng trong mấy tháng qua. Cùng lúc cũng là dịp cho nước mắt rơi khi phải nói lời chia tay. Mai đây trên đường đời muôn ngã, ai biết được rồi số phận mỗi người trôi nỗi về đâu.
Dù cuốn băng “Vĩnh Biệt Saigon” đã được thực hiện trong những hoàn cảnh thật eo hẹp, đơn giản, thô sơ, không đầy đủ nhạc khí như mơ ước, nhưng “Vĩnh Biệt Saigon” đã như là một chứng nhân ghi lại tâm trạng chung của muôn người lìa xa quê hương đất tổ, với những ngày đầu sống kiếp tha hương bơ vơ, ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Đó là cuốn băng nhạc ghi đậm nhiều kỷ niệm sâu xa, kỷ niệm của tình nghệ sĩ, tình đồng hương, tình người… Nhiều người Việt tha hương đã xem cuốn băng nhạc này như một phần trong cuộc đời mới của họ. Sau này, tôi được biết cuốn băng này không biết nhờ đâu về lọt đến quê nhà, và vào cả trong lao tù. Nhiều người, dù nghe trong lén lút, cũng đã rất trang trọng cuốn băng này.
Bao nhiêu tháng tư đã trôi qua…
Bây giờ, tất cả mọi thứ đã trở nên quá dễ dàng. Nhạc sĩ, bài bản, phòng thâu, nhạc khí, nhà in, phát hành… (và ngay cả nước mắm). Các nhạc sĩ đàn anh vẫn say sưa sáng tác, chưa kể đến các nhạc sĩ tài năng mới. Nhạc bản về đề tài nào cũng sẵn sàng. Phòng thâu muốn bao nhiêu track cũng được. Nhạc khí nếu không có sẵn thì tạo bằng computer cũng dễ thôi. Nhà in tiếng Việt hả, có gì khó khăn đâu? Những thứ chữ ngoằn ngoèo còn in được, huống gì là tiếng Việt.
Sản xuất và phát hành lại càng không thành vấn đề. Chỉ cần bán được một cuốn băng thôi, là nhạc của mình đã xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, sợ gì không phát huy và phổ biến được nhạc Việt Nam. Đã có biết bao nhiêu người “tử tế” sản xuất và phát hành “dùm” mình rồi, mình không phải nhọc công mua bán lôi thôi. Chỉ khổ một nỗi bao nhiêu là vốn liếng, công trình tim óc của nghệ sĩ, coi như một “gia tài” khác, cũng phút chốc tan thành mây khói.
Nào, giờ mình bàn đến nước mắm. Mua ở tiệm nào đây, tiệm Việt, tiệm Tàu, tiệm Thái, tiệm Phi, và ngay cả một vài tiệm Mỹ… mà phải “on seo” mới được nghe. Chai nhỏ, chai lớn, mắm cất bao nhiêu ngày, pha chế hay nguyên chất, sản xuất từ tỉnh nào, xứ nào, v.v… và v.v… Ôi thôi, nhiều quá, kể không hết…
Thế nhưng, hình như vẫn còn thiếu một điều gì. Một điều gì man mác, khó tả…
Bao nhiêu tháng tư đã trôi qua…
Bây giờ, muốn nhạc gì cũng có, thật dễ dàng. Nhưng “Vĩnh Biệt Saigon” hình như đã nằm sâu trong tiềm thức, nghe lại vẫn cảm nhận được một nỗi buồn không tên, một hoài niệm về nơi xa xôi đó. Ngay cả bây giờ, chỉ cần nghe nhạc dạo mở đầu cuốn băng, tôi vẫn hình dung được sự ngơ ngác, lạc loài của những ngày đầu đến nơi đây. Một nơi chốn những tưởng là tạm dung, nhưng nào ngờ… Chỉ cần nghe nhạc dạo mở đầu cuốn băng, tôi có thể bật cười cho những ngu ngơ của mình ngày xưa đó, hay cũng có thể lại mũi lòng, khóc lóc…
Bao nhiêu tháng tư đã trôi qua…
“Vĩnh Biệt Saigon” vẫn còn đây, nhưng người xưa nay đâu?
Anh Hoàng Thi Thơ, người đã bỏ tâm huyết nhiều nhất vào cuốn băng này, nào là đặt bài bản, viết hòa âm, tập hợp ban nhạc, những ngày dài ở phòng thâu để điều khiển mọi thứ… giờ đã vĩnh viễn ra đi. Tuy anh ra đi, nhưng người ở lại chẳng bao giờ quên anh, người đã đóng góp hết cả đời mình cho nền âm nhạc Việt. Những anh nhạc sĩ khác, mỗi người sống một cuộc đời riêng tư, thăng trầm và vui buồn theo từng định mệnh riêng của họ.
Dù gì đi nữa, tôi tin rằng thế hệ con cháu sau này sẽ tìm đến “Vĩnh Biệt Saigon” khi muốn hiểu biết về một đoạn đời mà cha ông họ đã trải qua. “Vĩnh Biệt Saigon” muôn đời vẫn còn đó trong tôi và trong những ai còn nhớ thương và ngậm ngùi về thân phận một cánh chim phải lìa xa tổ ấm.
Thanh Châu
tháng 4-2010
http://thanhthuy.me/thanh-thuy-1-vinh-biet-saigon/thanh-thuy-1-vinh-bi%E1%BB%87t-saigon-thanh-chau-vi%E1%BA%BFt/
Tâm Sự Người Không Quê Hương
Nhạc và lời: Thanh Thúy
Thanh Thúy hát...
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire