lundi 30 juin 2014

Nhạc Sĩ Phùng Trọng - Giờ Thy Lan - Nụ Hồng Tạ Ơn

 
Nhạc Sĩ Phùng Trọng   (Giờ Thy Lan - Nụ Hồng Tạ Ơn) 

Nhạc Sĩ Phùng Trọng 1
Nhạc Sĩ Phùng Trọng 2

Phùng Trọng dù nghèo nhưng vẫn chấp nhận đi làm bằng chính mồ hôi nước mắt của mình ngày ngày trên đường phố. 
 
Ban nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng một thuở lẫy lừng. Từ trái: Lê Duyên (mandolin), Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống), Duy Mỹ (hát) 
 Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng một thuở lẫy lừng. Từ trái: Lê Duyên (mandolin), Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống), Duy Mỹ (hát)
khanh-bang-phung-trong 

khanhbangthoidai 

45 phút tâm tình cùng với Nhạc Sĩ Phùng Trọng, đời sống giờ ra sao? (Trần Quốc Bảo)

Phùng Trọng tên thật là Bùi Hữu Trí sinh ngày 4 tháng 4 năm 1936 cùng năm với Duy Khánh, Hùng Cường. Ông là một tay trống lẫy lừng tại Saigon những năm đầu thập niên 60. Đó là khoảng thời gian Phùng Trọng đi lính bên ngành Công Binh, gặp Khánh Băng trong cùng đơn vị, cả hai lập ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng, sáng làm việc trong văn phòng, tối ra ngoài cùng biểu diễn ở Olympia, Văn Cảnh, phòng trà Khánh Ly.. và nhất là các Club Mỹ. Tiếng trống Phùng Trọng, tiếng guitar Khánh Băng, tiếng bass Duy Khiêm, tiếng mandolin Lê Duyên, có nhiều lúc cùng với tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9, tiếng harmonica Tòng Sơn phối hợp với các giọng ca Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh, Kiều Oanh, Ngọc Vân, Hoàng Hạc, Duy Mỹ.. đã tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của ban Khánh Băng – Phùng Trọng những đêm Sàigòn hoa mộng cũ.

Những ngày huy hoàng đó của tay trống Phùng Trọng giờ đây đã xa xôi. Ánh nắng chiều héo hắt đã phủ xuống ngập đầy trên cuộc đời người nhạc công tài hoa từ nhiều năm qua giữa một Saigon cũng đã quá nhiều những thay đổi.

“Nhưng năm tháng vô tình và lòng người cũng vô tình, rồi mộng úa thay mầu xanh..”

Người viết sau khi tìm kiếm số điện thoại của Phùng Trọng nhiều lần không được, cuối cùng phải gọi về Saigon nhờ nữ ca sĩ Giao Linh thân chinh đến tận nhà Ông ở tuốt Bình Tân.. Đến nhà có lúc khóa cửa, chị đợi mãi phải quay về. Một hôm đi diễn, Giao Linh gặp Tòng Sơn, người nhạc sĩ harmonica cho biết: “Hôm bữa đi ngoài đường, gặp Phùng Trọng đi bán vé số dạo. Cầm lòng không đậu, Anh đi hát có bao nhiêu nhiều tiền, móc túi ra gửi hết”. Nhờ vậy, Tòng Sơn mới lấy được số điện thoại P.T ngay hôm đó.

Khi Giao Linh gọi sang cho số phone, chị nói: “Tìm hoài mới có đó Bảo, ghi xuống kỹ nha.. (090)9665411”. Sau đó, tôi điện thoại anh nhiều lần nhưng không thấy ai bắt máy. Giao Linh một lần nữa, phải đến tận nhà, nói có nhiều người xa gần muốn tìm anh để giúp đỡ. Sau đó, tôi gọi tiếp thì được nghe tiếng Phùng Trọng quen thuộc cất trên đầu giây nói. Tôi mừng quá, nói lớn:

-“Trời ơi, anh đi đâu mà tụi em tìm mãi thời gian qua.. Đến nhà không thấy. Điện thoại không bắt..”

“Bây giờ khổ quá Ông ơi, tui phải đi bán vé số mỗi ngày. Không có nhà cửa ráo trọi. Ở nhà mướn, đầu tháng thiếu tiền, nó khóa cửa đuổi ra ngoài đường. Chừng nào có tiền thì mới cho vô.. “

Tiếng Phùng Trọng thật buồn xa vắng, pha lẫn một chút gì đó trách phận bùi ngùi. Tôi nói: “Anh ở Sàigòn mà sao không ai biết.. Ngay cả Anh Vinh Sử còn nói với TQB là Ông Phùng Trọng mất lâu rồi mà..”.

-“Tui nghèo quá không có tiền. Mắc cở, tui không dám đi kiếm anh em, thằng nào thân lắm thì mới đi kiếm. Mình có tên có tuổi hồi đó, bây giờ khổ quá, thì thôi..

Và chính bởi lòng tự trọng, Ông chẳng đi tìm ai hết, ngoại trừ hai người bạn mà Phùng Trọng nghĩ là thương Ông nhất, đó là hai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Lê Duyên.

- “Ai là người nhạc sĩ thân thiết mà anh còn gặp?”

- “Nguyễn Ánh 9 đó.. Tui nghèo quá, thỉnh thoảng nhờ nó giúp đỡ Ông ơi.. Còn nữa.. Biết Lê Duyên không?”

- “Dạ biết.. Anh Lê Duyên chơi mandolin hay lắm..”

- “Lê Duyên bây giờ ở Phú Nhuận gần nhà Phạm Duy cũ đó..”

Nói chuyện với Phùng Trọng bây giờ, câu gì cũng dễ làm cho Ông tủi thân, ngoại trừ khi nhắc về quá khứ Sàigòn và những người bạn cũ.. Phùng Trọng khoe:

- “Ông Tuấn Khanh có gọi về thăm tui..”.

- “Vâng, tác giả Hoa Soan Bên Thềm Cũ đã gọi xin em số phone của anh. Ổng ấy bận với nhà hàng mà có lòng quá”.

Phùng Trọng hỏi thăm về Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh.. Khi hỏi ông còn nhớ bài hát gì mà ban Khánh Băng – Phùng Trọng ngày xưa thường trình diễn với mấy ca sĩ đó.. Người nhạc sĩ nói ngay bài hát của Kiều Loan: “Bài gì đó.. quên tên rồi..”. Ngần ngừ vài giây, Phùng Trọng đọc chậm vài lời trong bài hát.. “Câu gì đó.. Uhmm.. Be sure to wear some flowers in your hair.. Aaa! Đó là ca khúc San Francisco, còn Ngọc Mỹ có bài I Left My Heart In San Francisco cũng dữ lắm”.

Sau biến cố 1975, tất cả sinh hoạt vũ trường, phòng trà gần như tắt hẳn. Thời gian đầu, Phùng Trọng phải theo những đoàn hát cải lương sinh sống, trong đó có đoàn Thanh Nga, rồi sau đó lần lượt là những đoàn kịch Bông Hồng, Kim Cương.. Người nhạc sĩ trống hồi tưởng lại:

- “Đến chừng tụi nó cho mở dancing, tui về làm Nam Đô, Vĩnh Lợi, rồi mấy phòng trà nho nhỏ ở Gia Định. Có cả Đệ Nhất Khách Sạn chung với Trần Trịnh.. À! Nghe nói Anh Trịnh chết rồi phải không?”

- “Dạ, Anh Trần Trịnh mất hồi tháng 11 năm 2012. Rồi sao nữa anh?

- “Thì, đến khi 65 tuổi là nghỉ luôn..”

- “Sao lại nghỉ vậy anh. Buồn chết?”

- “Chủ chê mình già quá, không ai mướn mình nữa hết.. Mà nè..”

Giọng Phùng Trọng chợt đổi tông lên cao, giọng có vẻ reo vui:

“A.. Bảo ơi, cho tui gửi lời thăm Phương Hồng Quế nhe..”.

Ông khoe Phương Hồng Quế biết đứa con trai lớn của mình

- “Thằng đó chết mấy năm nay rồi. Nó tên Trung, từng chơi bass cho nhà hàng của Phương Hồng Quế. Nó sinh năm 1960. Chết lúc 50 tuổi.

- “Ngoài Trung ra, anh còn đứa con nào nữa không?”

- “Thì còn thằng hiện giờ nè. Nó tên Bùi Hữu Trai, 18 tuổi”.

- “Tên gì anh?? Trai?”

Ông cười to và nói:

- “Tui tên Bùi Hữu Trí. Tụi Mỹ lúc đó cứ gọi tui là Trai.. cho nên tui đặt tên thằng nhỏ này tên Trai luôn..Bây giờ ở chung với tui”.

- “Nó con bà nào.. Con bà trước hả?”

- “Con bà hiện giờ nè..”

- “Còn ai đặt tên cho anh là Phùng Trọng?”

- “Hồi đó làm báo tui để tên Bùi Hữu Trí. Bà chị nói: Trong lớp, ai cũng biết tên mày là Bùi Hữu Trí.. để tao lấy một cái tên khác cho mày.. Thế là Bà đặt cái tên Phùng Trung Trọng.. Mấy người quảng cáo trên báo nói tên dài quá.. thế là để Phùng Trọng luôn từ ngày đó”.

Gần 45 phút trò chuyện, tiếng cười của Phùng Trọng bắt đầu nghe rộn ràng hơn trên đầu giây nói. Kỷ niệm như giòng sông nhỏ, lặng lẽ ra đi, và hôm nay, lặng lẽ trở về.. Giờ đây ở Cali, đồng hồ điểm 4 giờ sáng, và ở Saigon, có lẽ đã 7g chiều. Giờ đây trên đường phố giữa tám nẻo thị thành, có ai biết được rằng, giữa lúc thành phố lên đèn, đang có một người bán vé số cố mau trở về nhà. Buổi cơm chiều nay với người vợ và đứa con trai nhỏ sẽ là buổi ăn rộn ràng nhất cuộc đời Ông từ sau 75 đến giờ.. Một buổi ăn vô cùng hạnh phúc.. vì thời gian cứ trôi, cứ trôi.. nhưng lòng người đã chẳng vô tình như Ông từng nghĩ.

http://thanhthuy.me/2014/04/05/45-phut-tam-tinh-cung-voi-nhac-si-phung-trong-doi-song-gio-ra-sao-tran-quoc-bao/ 

 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire