Viết
về hội họa có lẽ không ai có đủ “thẩm quyền” hơn các họa sĩ. Họ là
những người trong nghề nên có những nhận xét chuyên môn mà những người
“ngoại đạo” như tôi không thể nào có được. Muốn làm nhà phê bình hội họa
lại càng khó hơn vì chưa chắc một họa sĩ tài hoa đã là một nhà phê bình
xuất sắc.
Thế
cho nên, bài viết này chỉ là một cái nhìn của người thưởng ngoạn những
bức hí họa của họa sĩ Nguyễn Hải Chí (*) mà lâu nay ta biết đến qua cái
tên Chóe trên báo chí.
Sự
nghiệp hí họa của Chóe kéo dài qua hai thời kỳ, từ năm 1969 dưới thời
VNCH và chấm dứt vào năm 2003 trong thời CHXHCN. 2003 là năm ông qua đời
vì biến chứng của bệnh tiểu đường sau một thời gian bị lòa con mắt,
đành phải “bó tay” xếp cọ. Họa sĩ mà mắt bị lòa thì cũng chẳng khác nào
ca sĩ bị mất giọng.
Họa sĩ Chóe
(Ảnh Nguyễn Phong Quang)
Bước
đường dẫn đến nghệ thuật của Nguyễn Hải Chí quả là… đặc biệt. Người
thanh niên sinh trưởng tại An Giang bước vào nghệ thuật qua lãnh vực văn
chương chứ không phải bằng con đường hội họa. Ông tâm sự:
“Tôi
đến với nghệ thuật vì... mê gái. Năm 20 tuổi, tôi thầm yêu trộm nhớ một
cô gái Sài Gòn. Cô ấy có cả một tá sĩ quan chế độ cũ săn đón, còn tôi
chỉ là một anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người
đẹp... Tôi biết nàng là độc giả của một tờ báo, vậy là tôi liều mạng
sáng tác truyện ngắn với hy vọng sẽ được đăng...”
Chàng
trai si tình làm liều thế nhưng lại có kết quả mỹ mãn: người con gái
tên Nguyễn Thị Kim Loan đã trở thành vợ của ông cho đến ngày ông lìa
đời. Và cũng nhờ si tình nên ông bước thẳng vào nghề viết lách, lại còn
đoạt giải nhất về truyện ngắn của báo Tiền Tuyến năm 1969.
Cũng vào cuối năm đó, ông đã quen biết với nhiều nhân vật của làng báo Sài Gòn trong đó có nhà văn Viên Linh, chủ bút tờ Diễn Đàn. Khi họa sĩ chính của Diễn Đàn ra đi, bí quá, Viên Linh mới bảo: “Ông thử vẽ đi!”
Nguyễn Hải Chí kể tiếp, “Trước
đây tôi chỉ mày mò học của một thầy giáo làng, nhưng nể bạn cứ vẽ liều.
Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: “Ông tên Chí,
vậy thì ký là Choé!”. Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành
bút danh…”
Từ tờ Diễn Đàn, ông còn vẽ cho tờ Báo Đen
năm 1970, nhưng sự nghiệp vẽ tranh của Chóe vẫn chưa được độc giả lưu ý
lắm. Thời đó, báo chí Sài Gòn đã có hai cây bút biếm nổi tiếng là Ngọc
Dũng ký Tuýt và Đinh Hiển ký Hĩm. Phải đợi đến khi chuyển qua cộng tác
với báo Sóng Thần của Chu Tử ông mới bắt đầu được biết tới qua những bức hí họa.
Hí
họa vẽ trong những năm 1972-1973 là những bức tranh lột tả tình hình xã
hội tại miền Nam thời bấy giờ. Dĩ nhiên trong loại tranh biếm người họa
sĩ chỉ vẽ ra những cảnh đáng phê phán, khác hẳn với loại tranh cổ động,
tuyên truyền cho cái hay, cái đẹp của xã hội hoặc chế độ. Chính yếu tố
này đã đi sâu vào suy nghĩ của người xem tranh, vì trông thì vui mắt
thật nhưng vẫn có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ…
Dưới
đây là những hình ảnh trong tranh của Chóe: từ chiếc cyclo thường thấy
nơi thành thị xa hoa, đến hình ảnh người nông dân gầy giơ xương ở thôn
quê và cuối cùng là một con gấu mang tên Prices (giá cả) to béo, ục ịch
đang leo trên những bậc thang được kết bằng hình người…
(Vẽ tháng 8/1972)
(Vẽ tháng 3/1973)
(Vẽ tháng 5/1973)
Năm
1973 cũng là năm diễn ra Hiệp định Paris về Việt Nam nhằm chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình giữa 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết
tại Paris ngày 27/1/1973.
Lê
Đức Thọ và Henry Kissinger, hai nhân vật chủ yếu trong cuộc đàm phán,
cả hai ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Đây là đề tài thời
sự nóng bỏng để báo chí khai thác và dĩ nhiên cũng là đề tài cho những
bức hí họa của Chóe. Chân dung các nhân vật được lần lượt xuất hiện trên
báo chí Sài Gòn.
Đầu
tiên là Lê Đức Thọ của phía VNDCCH, người đã từ chối không nhận giải
Nobel Hòa bình. Qua nét bút của Chóe, ông Thọ có hai chiếc răng cửa thật
dài để chống đỡ cho bảnh Hiệp định (Agreement). Anh du kích thuộc Mặt
trận Giải phóng miền Nam nhỏ bé đang lăm lăm khẩu súng nép mình dưới bản
Hiệp Định…
(Vẽ tháng 4/1973)
Phía
Mỹ có ngoại trưởng Henry Kissinger được Chóe vẽ với một cái miệng có
hình lỗ khóa. Trong cặp mắt kính của Kissinger mang hình ảnh một bên là
tháp Eiffel và bên kia là hình ngôi sao cũng có hình lỗ khóa. Chiếc mũi
của Kissinger lại chính là chìa khóa, chắc là để mở miệng và mở mắt cho
vị ngoại trưởng Mỹ gốc Do Thái này.
(Vẽ tháng 6/1973)
Cả
hai nhân vận Lê Đức Thọ và Kissinger còn xuất hiện trong một bức tranh
vẽ vào tháng 6/1973. Chóe vẽ hai người đang ngồi trên một con ngựa gỗ,
một loại đồ chơi của trẻ em thời xưa để tạo cảm giác ngựa đang phi nhưng
chỉ lắc lư tại chỗ chứ không hề chuyển động. Giữa hai nhân vật được che
phủ bằng một tấm chăn có dòng chữ “Negotiations”, hay còn gọi là Đàm
phán:
(Vẽ tháng 5/1973)
Bối
cảnh chính trị thế giới vào thời điểm 1973 là cuộc “đi đêm” giữa Nixon
và Mao Trạch Đông. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến Hiệp định Paris năn
1973. Cái “bắt tay hữu nghị” Hoa Kỳ - Trung Cộng được Chóe vẽ trên
“chiếc cầu dựng bằng người”, tượng trưng cho hai miền Nam – Bắc Việt
Nam. Chiếc cầu còn được đóng đinh vào chân của hai người dân để gia cố
cho sự bền vững của tình hữu nghị Tư bản – Cộng sản:
Chóe
còn tiên đoán hòa bình cho Việt Nam bằng bức tranh một người Việt gầy
giơ xương đón nhận hòa bình với chiếc nón lá. Khi “trái bom” hòa bình
rơi xuống, chiếc nón lá bị rách toạc. Nhân vật trong tranh khiến có
người liên tưởng đến một đệ tử của “cái bang” với chiếc nón lá xin tiền.
Tác giả chỉ vẽ có vậy, ai muốn hiểu sao thì hiểu!
Lúc sinh thời, họa sĩ Chóe cho rằng nghề của ông là vẽ “hí họa”, chứ không phải “biếm họa”. Ông nói: "Xin
bạn hãy cùng tôi gọi con đường này là hí họa, vì hí họa là con đường
rộng và lòng ta rộng theo… Trong hí họa cần cả nội dung lẫn hình thức.
Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng
giảm được số chữ phải ghi trong tranh. Hí họa cần nhất là dễ nhìn, dễ
phân biệt, tập trung làm nổi bật ý chính, tạo cho người xem chú ý ngay
về sự khập khễnh của hình thức rồi mới dẫn dắt họ đến cái phi lý, cái lố
bịch của nội dung”.
Chân dung tự họa của Chóe (1992)
Hí họa của Chóe được các báo danh tiếng thế giới như The New York Times, Newsweek... chọn đăng. Cũng trong năm 1973, cuốn The World of Choé
(Thế giới của Choé) được nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại Mỹ
do công trình thu thập của nhà báo Barry Hilton. Một trong những bức
tranh trong cuốn sách này, tuy là hí họa nhưng lại mang nét buồn của đất
nước chiến tranh khi thế giới bước vào mùa Giáng sinh vui vẻ trong năm
1972.
Ông
già Noel Việt Nam áo quần tả tơi, đầu đội nón lá và trên vai là chiếc
đòn gánh với hai cái thúng thủng đáy, trống không, không quà Giáng sinh
mà cũng chẳng nụ cười. Nếu quan sát kỹ hơn người xem sẽ thấy hai ngón
chân cái của ông giao nhau vì ông vốn là người… Giao Chỉ.
Năm 2004, Chóe mang 29 bức tranh chân dung sơn dầu về những người phụ nữ đoạt giải Nobel sang Stockholm nhân Ngày Việt Nam
tại Thụy Điển. Giới thưởng ngoạn nghệ thuật ở Bắc Âu có dịp nhìn lại
những khuôn mặt nữ nổi tiếng thế giới như Berthan Von Suttner (Nobel Hòa
bình, 1905), Grazzia Deledda (Nobel Văn chương, 1926), Sigrid Undset
(Nobel Văn chương, 1928), Emily Greene Balch (Nobel Hòa bình, 1946),
Rosalyn Yalow (Nobel Sinh lý học & Y học 1977), Rigoberta Menchu
(Nobel Hòa bình, 1992) và cả chân dung Afred Nobel, người sáng lập giải
thưởng.
Chân dung Afred Nobel
Nhà báo Lê Minh Quốc nói về Chóe: “Tôi
ấn tượng nhất Choé ở bức hí họa vẽ một người phụ nữ gánh trên vai cả
trái đất mang tên Phụ nữ nước tôi. Đó là bức tranh đầy ý nghĩa về vai
trò của người phụ nữ Việt Nam. Việc bức tranh ấy được chọn triển lãm hội
hoạ quốc tế chứng tỏ tài năng của họa sỹ. Rất lâu nữa Việt Nam mới có
được một họa sỹ biếm tài năng như Choé”.
Chóe đem bộ tranh Phụ nữ nước tôi đi dự triển lãm tranh quốc tế tại các thành phố lớn bên Nhật theo lời mời của lãnh sự Nhật Bản năm 1995. Theo tôi, bức tranh Chồng Con trong số tranh triển lãm mới “ấn tượng” nhất.
Tranh
vẽ một người đàn bà mặc áo dài nhưng lại đi chân đất. Trên vai có đòn
gánh nặng chĩu, một đầu là người chồng với chai rượu trong tay và điếu
thuốc trên miệng. Đầu bên kia là 5 đứa con ngồi lọt thỏn trong một cái
thúng. Tranh chỉ vỏn vẹn có hai chữ Children và Husband nhưng lại nói
rất nhiều về sự tảo tần và chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam.
“Chồng con” (1995)
Bà Kim Loan nói về người chồng quá cố:
“Có thể nói là cuộc đời của chồng tôi rất nhiều thăng trầm. Trước giải
phóng ông là quân nhân, sau được chuyển về làm ở Bộ Tổng tham mưu của
chế độ cũ nhưng thời đó có luật cấm quân nhân làm báo. Tuy nhiên vì mê
nghề báo nên ông vẫn lén lút viết và đến năm 1974 bị lộ, bị bắt, ở tù
được mấy tháng thì miền Nam giải phóng thì ông được tự do. Sau năm 1975,
ông làm cho báo Lao Động gần một năm thì bị đưa đi học tập cải tạo cùng
một số văn nghệ sĩ miền Nam. Nhưng thời gian cải tạo quá dài, đến 9
năm, từ 1976 – 1985 mới trở về”.
Bà Kim Loan trong buổi lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của họa sĩ Chóe
Những
ngày cuối đời khi không còn nhìn rõ để vẽ, Chóe quay qua làm thơ. Những
câu thơ dưới đây tuy không vần điệu nhưng đã nói lên nỗi lòng của người
họa sĩ tài hoa:
Trót làm người vui tính.
Khi gặp chuyện đau lòng.
Ta không dám khóc.
Bằng nước mắt…
Cuối
năm 2002, Nguyễn Hải Chí được đưa sang Mỹ với hy vọng những tiến bộ y
khoa có thể giúp ông kéo dài tuổi thọ. Ngày 18/1/2003, bác sĩ ở Virginia
đã chích thuốc phục hồi thị lực cho ông. Khi được nhìn bằng mắt của
mình, chỉ trong khoảng nửa giờ, ông vẽ cấp tốc một mạch 6 bức tranh. Một
trong số 6 tác phẩm đó, ông đã vẽ những khuôn mặt cười, tràn đầy lạc
quan, lúc nào cũng… chí chóe:
***
Chú thích:
(*)
Nguyễn Hải Chí (1943 – 2003) là một họa sĩ vẽ tranh biếm nổi tiếng với
bút danh Choé, ngoài ra ông còn có bút danh Trần Ai, Cap, Kit. Ông được
coi là "họa sĩ biếm số một của Việt Nam" với những tranh biếm đặc sắc
phê phán những thói hư tật xấu của xã hội qua nhiều thời kỳ. Ông vẽ chủ
yếu là tranh sơn dầu, giấy dó và tranh lụa. Ngoài vẽ, Chóe còn được biết
đến như một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.
Nguyễn
Hải Chí sinh ngày 11/11/1943 tại Cái Tàu Thượng, Hội An, Chợ Mới, An
Giang. Sau đó gia đình ông chuyển về xã Vĩnh Tế dưới chân núi Sam, Châu
Đốc. Do hoàn cảnh gia đình rất nghèo, ông phải nghỉ học từ năm lớp 2, đi
làm kiếm sống từ năm 9 tuổi. Ông làm đủ nghề: đập đá, đốn củi, chăn bò
mướn...
Năm
1960, bị cán bộ Cộng sản ép lên núi hoạt động du kích nên ông bỏ trốn
về Mỹ Tho, xin làm việc tại một phòng vẽ quảng cáo và học vẽ tại đây.
Năm 1964, ông đi quân dịch, năm sau được chuyển về làm việc tại Bộ Tổng
Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lúc này ông bắt đầu làm thơ, viết
truyện gửi đăng báo. Từ đó ông đã thâm nhập vào làng báo Sài Gòn.
Cuối năm 1969, ông chuyển qua vẽ hí họa cho tờ Diễn Đàn, ký tên Choé, nghệ danh do nhà văn Viên Linh đặt, lúc đó là chủ bút báo Diễn Đàn.
Một số tranh của ông đã đụng đến vấn đề “nhạy cảm” do đó ông bị chính
quyền VNCH bắt giam từ tháng 2 đến tháng 4/1975. Sự kiện 30/4/1975 diễn
ra, Nguyễn Hải Chí thoát khỏi trại giam của An ninh Quân đội tại số 8
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.
Mấy tháng sau ông được nhận vào làm báo Lao Động Mới
với nhiệm vụ trình bày tờ báo. Tháng 4/1976, ông bị bắt đi học tập cải
tạo cùng với các văn nghệ sĩ miền Nam cho đến cuối năm 1985 tại các nhà
giam Chí Hòa rồi trại cải tạo Gia Trung, Pleiku. Sau đó ông vượt biên
nhưng bị bắt và phải trở lại tù thêm lần nữa.
Từ
năm 1990, do không xác định được thời hạn tù, ông bị từ chối đơn xuất
cảnh theo diện H.O. Ông ở lại Việt Nam hành nghề vẽ tranh bán cho khách
nước ngoài. Ông cộng tác với phòng tranh Tự Do tại Thành phố Hồ Chí
Minh, để trưng bày và bán tranh lụa, giấy dó và tranh sơn dầu, ký tên
Vân Bích. Ít lâu sau, ông được nhiều tờ báo trong nước đề nghị cộng tác
trở lại. Tranh của ông tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạo được
phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu
cực của xã hội.
Năm
1997, Choé bị đột quỵ, dẫn đến bại liệt một thời gian. Trước đó ông
cũng đã mắc phải bệnh tiểu đường. Từ năm 1998 tới 2001, ông có 2 lần
sang Pháp điều trị nhưng không thuyên giảm. Từ năm 2001, ông bắt đầu đi
đứng khó khăn, mù mắt trái, mờ mắt phải, từ đó không vẽ nữa mà chuyển
qua làm thơ, viết nhạc.
Cuối
năm 2002, ông được bạn bè giúp đỡ đưa sang Virginia, Hoa Kỳ chữa bệnh.
Ngày 22/2/2003, ông đột ngột bị ngộp thớ, 10 ngày sau đột quỵ và đứt
mạch máu não. 3 giờ 50 phút sáng ngày 12/3/2003, ông qua đời tại bệnh
viện Fairfax, Virginia. Lễ tang được cử hành tại nhà thờ các thánh tử
đạo Arlington, sau đó được đưa về Việt Nam an táng tại nghĩa trang nhà
thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài rất nhiều tranh biếm đã được đăng trên các báo, còn những tuyển tập thu thập các tác phẩm của Chóe:
Sách
The World of Choé
(Thế giới của Choé), do nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số
tranh biếm họa của ông, do nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại
Mỹ năm 1973.
Lai rai vẽ viết - bút ký (nxb Lao Động, 1992)
Tử tội - tuyển tập tranh hí họa, thơ, văn, nhạc (nxb Tiếng quê hương, Hoa Kỳ, 2001)
Nghề cười, tuyển tập tranh, thơ, văn, nhạc (nxb Văn hóa Văn nghệ, 2013)
Một số ca khúc:
Gió - (Hồng Nhung hát), nghe tại:
Mưa - (Cẩn Vân hát), nghe tại:
Bên vườn nhà em – (Nguyễn Chánh Tín hát), nghe tại: http://cothommagazine.com/ nhac/BenVuonNhaEm-NHC-NCT.mp3
Khi đến cuối đời
Vinh dự
Khi dứt cơn mưa
Dù ta xa nhau
Ngả lưng trên đồi
(Nguồn: Wikipedia)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire