mardi 16 août 2022

Trở Về - Bích Huyền

“Trở Về” được phát thanh trong chương trình “Câu Chuyện Thơ Nhạc” do nhà văn Bích Huyền phụ trách vài năm trước đây trên đài VOA. Người ta đón nghe nó, không chỉ vì “Trở Về” là một áng văn hay, đậm chất thơ, mà còn bởi vì, xen lẫn trong “Trở Về” là những ca khúc luôn làm say đắm lòng người mỗi khi các giai điệu đó được ngân lên.

 
 

Trở Về - Bích Huyền (Phần 1)
*
*     *
 
Trở Về - Bích Huyền (Phần 2)
*
*     *
Trở Về - Bích Huyền (Phần 3)

 *
*     *
 



Chơi vơi trong 'Trở Về'

“Tôi về đây tìm chàng hay tìm tôi? Tìm những tháng ngày thanh xuân hoa mộng cũ, tìm những ảo ảnh đã khuất mờ. Chàng còn đây nhưng hồn đã ngả về một cõi nào. Cuộc đời đã hết, đã ở ngoài. Tôi gặp chàng nhưng tôi mất chàng. Tôi lạc tôi nhưng tôi tìm thấy tôi...”
Giọng đọc truyền cảm, da diết của nhà văn Bích Huyền cùng nhiều bài hát từng làm say đắm lòng người góp phần diễn tả thật trọn vẹn một câu chuyện tình buồn nhưng rất đẹp mang tên “Trở Về” của tác giả Nguyễn Thị Hàm Anh, gói trọn trong CD “Thềm Xưa 2” sẽ được ra mắt khán thính giả vào lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 11 Tháng Tám, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Theo nhà văn Bích Huyền, “'Trở Về' là tâm sự của một người thiếu nữ vì biến nạn 1975 đổ xuống miền Nam, phải xa cách người yêu. Khi cô trở về tìm lại người xưa thì nơi cũ đã hoang tàn, người xưa thì mắc bệnh trầm cảm, sống như một người vô hồn. Tất cả đã tan nát...”
Trở Về” mở ra bằng bước chân của nhân vật “Tôi,” người khách bộ hành, vào một buổi chiều trên thành phố cao nguyên, “với những lối đi lên đi xuống, và nhất là trên những chuyến tìm kiếm, bao giờ tôi cũng mang cảm giác trở về…”
Bước chân chứa đựng tâm trạng liệu “giữa những bộn bề lao lung của cuộc sống, cố nhân có dành một góc nhớ cho tôi?” của người về được khắc họa rõ nét hơn qua ca khúc “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Vũ Hữu Định.
Tâm tư dịu vợi của người về tìm chốn cũ với bao kỷ niệm xưa choàng sống dậy càng khiến lòng người trở nên bồng bềnh, ray rứt khi lời của bài hát “Giáng Ngọc” qua tiếng hát mong manh như sương khói của Ngọc Lan vang lên.
Nhạc chiều lang thang rũ say/ Từng giọt mưa rơi khóc trên cung đàn/ Rượu nồng ai say ngất ngây vì nhớ/ Và tình yêu đó xin ngừng bước chân...”
Cứ vậy, giọng đọc của nữ văn sĩ Bích Huyền cứ từng lúc đẩy bước chân người về tìm chốn cũ trong những ảo ảnh, hoài niệm xưa.
Không biết nhạc góp phần minh họa cho truyện, hay nỗi lòng người về trong câu truyện trở nên ray rứt lòng người hơn bởi sự lựa chọn tài tình những ca khúc lồng vào trong phần diễn đọc của người phụ trách chương trình “Câu Chuyện Thơ Nhạc” vào mỗi đêm Thứ Sáu, phát thanh trên đài VOA.
Tôi đã giữ hình bóng của anh rất lâu, giờ đây vẫn như trong giấc mơ, không thay đổi. Anh ngay trước mặt mà không thể gặp, anh chỉ cách mấy bước mà khoảng cách sao quá chập chùng. Có điều gì khác nhau giữa thực và mơ?”
Thế nhưng, “Một cuộc gặp gỡ cùng lúc mang cả hội ngộ và chia ly đến điểm tận cùng. Trả những kỷ niệm đẹp đẽ về ký ức. Trả chàng yên ổn trong thế giới của riêng chàng…”
Tiếng hát Họa Mi trong một tình khúc của Hoàng Thi Thơ, “Những ngày thơ mộng” khiến người ta bàng hoàng, bởi lẽ:
Tìm đâu những ngày thơ ước mơ?
Tìm đâu những ngày hết mong chờ?
Ngày thơ biết tìm đâu,
Ngày thơ biết tìm đâu,
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
Chàng không nói gì khi tôi đứng dậy, ánh mắt chàng kìm nén, chôn vùi nỗi đau. Chàng không tiễn tôi lên mặt đường. Tới hết lối mòn dẫn lên cổng, ngoảnh lại, tôi thấy một bàn tay khép cánh cửa lại. Ngôi nhà trở về vẻ hiu hắt, hoang phế như khi tôi đến, như không hề có sự sống nào hiện diện trong đó, chưa từng đón nhận một người khách trăm năm vừa bước vào và ra đi…”
Một tâm trạng hụt hẫng, chơi vơi của nhân vật “Tôi” trong ngày trở về tìm cố nhân là thế.
Nhưng dường như, thà là vậy, trở về để tận mắt cảm nhận sự thay đổi của cảnh vật, của lòng người, để không còn khắc khoải những mộng mị, những nhớ nhung, những ảo tưởng. Và có như vậy, mình mới trở về với chính mình.
Một chiếc xe ngựa đang gõ móng dần đến. Tôi vẫy người xà ích và leo lên. Ngọn cây đào mất ở khúc quành. Tiếng ngựa bỗng hí vang trong thinh không như lời giã biệt. Đêm đang ngả dài, loang rộng. Tôi dựa lưng vào thành xe, nhắm mắt lại. Chiếc xe lắc lư vẫn lăn bánh xuôi dốc, giờ đây, là chuyến hành trình mang tôi trở về với tôi…”
Trở Về” được phát thanh trong chương trình “Câu Chuyện Thơ Nhạc” do nhà văn Bích Huyền phụ trách vài năm trước đây trên đài VOA. Người ta đón nghe nó, không chỉ vì “Trở Về” là một áng văn hay, đậm chất thơ, mà còn bởi vì, xen lẫn trong “Trở Về” là những ca khúc luôn làm say đắm lòng người mỗi khi các giai điệu đó được ngân lên.
Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy, “Ngàn năm mây bay” của Nguyễn Hiền, “Giáng Ngọc,” “Dốc Mơ” của Ngô Thụy Miên, “Tình khúc cho em” của Lê Uyên Phương, “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương, “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ và “Giọt lệ cho ngàn sau” của Từ Công Phụng, là những tình khúc được lồng vào “Trở Về”.
Nhóm Biển Media Arts, trong tinh thần muốn lưu giữ và quảng bá những tác phẩm có giá trị về văn học nghệ thuật nên xin phép được lưu trữ những chương trình Câu Chuyện Thơ Nhạc và in ấn trong CD Thềm Xưa,” theo nhà văn Bích Huyền.
Và đó là lý do, sau “Thềm Xưa 1” với chủ đề “Huế-Sài Gòn-Hà Nội,” nay “Thềm Xưa 2” tiếp tục ra mắt khán thính giả với chủ đề “Trở Về.”
Ngọc Lan/Người Việt)
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire