Cam Ranh đó nước trong xanh như ngọc.
Bờ cát vàng suối tóc óng như tơ
Hàng dừa nghiêng như tiên nữ đợi chờ
Anh hãy đến và cùng em tắm nắng.
Gió rất nhẹ mà trời thì dịu mát
Núi chung quanh kia cũng đẹp như thơ
Hoàng hôn rơi con sóng chạy xô bờ.
Con sò nhỏ cũng thấy đời hạnh phúc.
Đêm buông xuống Cam Ranh sao diễm tuyệt.
Nàng Tiên Xanh xuất hiện ở Ba Ngòi.
Sao trên trời đèn tỏa sáng nơi nơi.
Cung Nguyệt Điện cũng chỉ ngần ấy đó.
Qua Cam Ranh một lần thôi nhớ mãi.
Đem trở về một nắm cát vàng tươi.
Cả mùi thơm của gió biển bồi hồi.
Cam Ranh hỡi Nàng Tiên Xanh huyền diệu!
Cali Today News - Phải - Cam Ranh là Nàng Tiên Xanh của
Đông Nam Á - là quà tặng thiên nhiên vô giá của Việt Nam và là nơi nghỉ
mát lý tưởng của du khách thế giới. Thế nhưng Cam Ranh còn là một quân
cảng chiến lược với những lợi thế có một không hai - nơi mà bao hạm đội
hùng mạnh của các đại cường đã ghé qua, đồn trú hay biến nó thành căn cứ
chiến lược: Pháp trong suốt thời kỳ đô hộ Việt Nam, Hạm Đôi Thái Bình
Dương của Nga (1903), Hải Quân Thiên Hoàng (1942), Mỹ (1965-1972) đã
biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân, không quân bất khả xâm phạm trong
Chiến Tranh Việt Nam. Sau năm 2002, khi hạm đội Nga rút khỏi Cam Ranh
thì cái tên Cam Ranh lần lần đi vào quên lãng. Thế nhưng khi “Biển Đông dậy sóng” thì
Cam Ranh lại trở thành đề tài nóng bỏng của báo chí thế giới - nhất là
với chuyến viếng thăm Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta
ngày 4/6/2012. Và mới ngày hôm qua 5 Tháng 3, 2013 tân Bộ Trưởng Quốc
Phòng Nga- Đại Tướng Sergei Shoigu trong chuyến thăm Việt Nam cũng ghé
Cam Ranh.
Hình
ảnh hai cường quốc hải quân mạnh nhất thế giới cùng ghé Cam Ranh có thể
ví như hình ảnh của hai hoàng tử đẹp trai của hai nước thù nghịch, cung
kiếm đầy mình cùng ghé thăm một người đẹp diễm kiều- thì ai muốn hiểu
sao thì hiểu. Thế nhưng phân tích nội dung chuyến thăm của hai vị bộ
trưởng quốc phòng của hai nước, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt:
-Trong chuyến viếng thăm Cam Ranh, Ô. Panetta tuyên bố, “Giữa
chúng ta (Việt-Mỹ) đã có một quá khứ với những mối quan hệ vô cùng phức
tạp, nhưng chúng ta sẽ không muốn bị ràng buộc bởi quá khứ đó mà phải
biết hướng về phía trước.”
(Thanh Niên Online) và ông mong mỏi tàu chiến Mỹ sẽ có cơ hội ra vào,
bảo trì và nghỉ ngơi tại Cam Ranh nhiều hơn. Ngoài ra thì Mỹ không có
một kết hoạch cụ thể nào cho Cam Ranh. Còn các ông Trương Tấn Sang,
Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh cùng lên tiếng yêu
cầu Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát hại và nói rõ nếu Hoa Kỳ có
bỏ lệnh cấm thì Việt Nam chỉ mua một số cơ phận bảo trì, thay thế cho
một số vũ khí mà Việt Nam tịch thu được sau 1975 có thể cho máy bay vận
tải khổng lồ C-130, xe tăng M-48 và trực thăng. Thế nhưng 9 tháng trôi
qua, chúng ta chưa thấy một chuyển động nào về phía hành pháp cũng như
lập pháp Hoa Kỳ để tăng cường thêm mối liên hệ quốc phòng Việt-Mỹ ngoại
trừ một vài hành động thiện chí nho nhỏ như “Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ giúp Việt Nam tháo gỡ bom mìn còn sót lại” (VOA) và lính Mỹ phát đồ chơi cho trẻ em Hà Nội trong dịp Tết.
-Thế nhưng trong chuyến viếng thăm của Bộ Trưởng Sergei Shoigu, hai bên
Việt-Nga đã thỏa thuận một số điểm rất cụ thể. Trong cuộc phỏng vấn với
phóng viên của VietNamNet, Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh cho biết:
1) Nga
sẵn sàng đào tạo cho Việt Nam cán bộ chỉ huy, tham mưu của hải quân, cả
chuyên môn, kỹ thuật, thủy thủ, các kíp tàu ngầm, các kỹ thuật khác. Việt
Nam đã gửi sang Nga khoảng trên 500 sĩ quan bằng các con đường hợp đồng
kinh tế, hợp đồng ưu đãi, miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm có hơn 100 suất
miễn phí đào tạo dài hạn từ chỉ huy tham mưu đến công binh chủng, văn
học nghệ thuật. Trong thời gian tới, hai bên sẽ bàn đến Chiến Tranh
Thông Tin (Cyber Wafare), một vấn đề rất quan trọng hiện nay. Việt Nam
sẽ lựa chọn người có năng lực để gửi sang Nga đào tạo. Việt
Nam cũng sẽ nghiên cứu đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của
Liên Bang Nga ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần/ tiếp vận kỹ thuật ở
các cảng Việt Nam được nhanh chóng, thuận tiện, thể hiện đúng tinh thần
đối tác chiến lược tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.
2) Về
cơ sở bảo trì, tiếp liệu, sửa chữa, đóng tàu, Việt Nam đã cho phép và
giao cho Tổng Công Ty Tân Cảng thuộc Hải quân Việt Nam chủ trì và có
tham gia liên doanh với Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, cụ thể là Liên Doanh
Vietsovpetro góp vốn. Việt Nam làm chủ và chi phối, điều hành, quản lý,
chủ quyền là của Việt Nam.
3) Về khu vực dưỡng quân, theo Tướng Phùng Quang Thanh, khu vực dịch vụ này dành cho tàu thuyền, quân nhân Nga đã được
phép của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và đang tiến hành. Nếu nhanh thì
hai, ba năm nữa sẽ xong. Phía Nga đề nghị xây khách sạn 5 sao ở phía bắc
Vịnh Cam Ranh vì đây cảnh đẹp, nắng quanh năm, trong khi Nga có mấy
tháng mùa đông lạnh giá. Sau chuyến đi dài ngày trên biển, thủy thủ Nga
có nhu cầu nghỉ ngơi. Vốn 100% là của Nga, nhưng Việt Nam được sử dụng
20% và cùng tham gia cùng điều hành. Hiện nay du khách từ Nga tới Khánh
Hòa rất nhiều và hai bên đã mở đường bay trực tiếp Vladivostok- Cam
Ranh.
4) Về
việc phân định khu vực tại Cam Ranh, Tướng Phùng Quang Thanh nói rằng
Vịnh Cam Ranh chia thành ba khu vực: Thứ nhất là dành riêng cho hải quân
đó là căn cứ tàu ngầm và tàu chiến, không cho tàu bè ngoại quốc ra vào.
Thứ hai là khu vực quy hoạch chuyên môn làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật
dành cho tàu các nước, do Tân Cảng quản lý điều hành, chủ quyền thuộc
Việt Nam, không ảnh hưởng gì lớn đến hoạt động quân sự. Thứ ba, khu vực
hoàn toàn dân sự là Cảng Ba Ngòi, hiện có cảng của Vinashin đóng tàu
thuyền. Việt Nam đã cho tàu quân sự Mỹ vào làm dịch vụ mà gần đây
nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đã vào thăm khu vực đó.
5) Về
vấn đề mua sắm vũ khi, Tướng Phùng Quang Thanh cho biết ông không thể
nói rõ chi tiết nhưng Việt Nam và Nga vốn có hợp tác về trang bị vũ khí
để hiện đại hóa quân chủng hải quân. Ngoài ra, cả sáu binh chủng của
Việt Nam đều mua các trang thiết bị, vũ khí của Liên Bang Nga vì đây là
đối tác chiến lược tin cậy, vũ khí sử dụng có hiệu quả từ trước đến nay,
giá cả cũng phải chăng.
Tuy nhiên để giảm nhẹ (play down) tính cách quá quan trọng của chuyến viếng thăm này, Bộ Trưởng Phùng
Quang
Thanh nói rằng, “Các nước đều mong muốn hợp tác với Hải Quân Việt Nam
và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Quốc, Ấn Độ cùng các quốc gia khác đều có thể
thăm viếng cảng dân sự và tiếp nhận dịch vụ bảo trì, sửa chữa tại Cam
Ranh chứ không riêng gì Nga”. Ông nhấn mạnh thêm cuộc gặp gỡ này là bình
thường, hai phái đoàn Việt-Nga không đề cập tới tranh chấp ở Biển Đông
và Việt Nam khẳng định” Quan điểm của Việt Nam là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao có một cách biệt quá lớn trong việc
tiếp cận Vịnh Cam Ranh giữa hai cường quốc Nga-Mỹ trong khi Mỹ đang đặt
trọng tâm chiến lược vào Đông Nam Á?
Đối với Mỹ:
-Quan
hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam luôn luôn bị trở ngại bởi vấn đề
nhân quyền. Các chương trình viện trợ của Mỹ cho các nước như Iraq,
Pakistan, Ai Cập, Kampuchea, Myanmar v.v…luôn luôn bị quốc hội dòm ngó,
đe dọa cắt giảm hoặc áp đặt những điều kiện khó khăn về nhân quyền,
khiến viện trợ Mỹ trở nên “khó nhá”. Chính sách ngoại giao của Mỹ là chính sách “lưỡng đầu ”, còn bị khống chế bởi quốc hội chứ không hoàn toàn phụ thuộc hành pháp như hiến pháp đã quy định.
-Mỹ vẫn còn do dự và chưa định hình xong chiến lược “Xoay Trục”. Một bước tiến sâu với Việt Nam về mặt quân sự sẽ làm “phiền lòng”
và gây phẫn nộ cho Hoa Lục. Sự đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong
lúc này, dù chỉ trên mặt trận kinh tế sẽ gây khủng hoảng thêm, điều mà
Hoa Kỳ né tránh.
-Việt
Nam luôn luôn lo ngại Mỹ chơi lá bài “Diễn Biến Hòa Bình” để lật đổ họ.
Ngoài ra, kinh nghiệm lịch sử cho thấy “đi với Mỹ” coi chừng có ngày
gặp khó khăn Mỹ “tháo chạy” và bỏ rơi đồng minh không thương tiếc.
Trong khi đó đối với Nga:
-Dù
Nga và Việt Nam ngày nay khác biệt về thể chế chính trị, Nga không bao
giờ đặt vấn đề nhân quyền và đòi hỏi Việt Nam phải theo khuôn mẫu chính
trị như Nga. Người Nga quan niệm rằng “sách lược ngoại giao” và lý
tưởng nhân quyền là hai chuyện khác nhau. Chẳng hạn Tề-Sở liên minh là
vì sự tồn vong của hai nước. Vua Sở không thể nói rằng vì vua Tề hiếu
sắc cho nên trẫm không liên minh với Tề. Đó là lối ngoại giao theo kiểu
Khổng Tử chứ không phải lối ngoại giao của Quản Di Ngô hay Phạm Lãi.
-Trong
quan hệ hợp tác chiến lược với Hoa Lục, Nga ở vào thế thượng phong. Nga
không phải nhờ cậy Hoa Lục trong một số vấn đề nóng bỏng của thế giới,
không phải con nợ của Hoa Lục. Trong khi Hoa Kỳ là con nợ của Trung Quốc
và vẫn còn phải cần Trung Quốc trong một số chuyện nhức đầu, chẳng hạn
như Bắc Triều Tiên. Nga hoàn toàn tự do, muốn liên minh với ai thì liên
minh.
-Nga
thủy chung với bạn bè. Tổng Thống Assad của Syria bị chống đối và lâm
nguy như thế nào mà Nga vẫn tiếp tục ủng hộ trong khi Ô. Mubarak là đồng
minh thân thiết của bốn đời tổng thống Mỹ, khi bị dân chúng chống đối,
Ô. Obama không một biện pháp cứu giúp mà lại nói “Mubarak must step down!”
Chắc
chắn bộ ngoại giao Hoa Lục cũng như Mỹ sẽ phải phân tích ý nghĩa của
chuyến viếng thăm Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga. Phản ứng như
thế nào ít hôm nữa sẽ rõ. Có điều trước khi đến Việt Nam Tướng Sergei
Shoigu đã thăm Myanmar, gặp Phó Tổng Thống Nyan Thun, Tướng Min Augung
Hlaynom- chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar. Nội dung các
cuộc hội đàm xoay quanh tình hình khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện
trạng và triển vọng hợp tác quân sự giữa Myanmar và Nga. Như thế sách
lược Viễn Đông của Ô. Putin sau khi định hình đã có những bước tiến cụ
thế. Bắt chước Viêt Nam theo chính sách ngoại giao đa phương, Miến Điện
hợp tác chiến lược với Ấn Độ, cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu
Châu và ngày nay hợp tác quân sự với Nga- không phải để chống Tàu nhưng
để cần bằng ảnh hưởng của Tàu và xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tự
chủ. Qua những bước đi mạnh dạn về ngoại giao lẫn chính trị người ta
thấy Tổng Thống Thein Sein là một chính trị gia thông minh, khôn ngoan,
bản lãnh chứ không thuộc loại võ biền như các ông tướng Miến Điện trước
đây. Theo BBC tiếng Việt ”Vào ngày 20/3/2012 trong chuyến thăm Việt Nam, ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Tổng Thống Thein Sein còn có cuộc tiếp xúc lần lượt với tất cả các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam, bao gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo
truyền thông chính thức trong nước thì nội dung chính các cuộc thảo
luận giữa hai bên là các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và
những cải cách mởcửa gần đây của Miến Điện.”
Rõ ràng công cuộc cải cách và đường lối ngoại giao của Việt Nam đã ảnh
hưởng rất lớn đối với Miến Điện. Nếu như mối liên hệ quốc phòng giữa
Nga- Miến Điện tiếp diễn không trở ngại thì ở Đông Nam Á - Mỹ có hai đầu
cầu chiến lược tại Phi Luật Tân và Singapore, còn Nga đặt được hai đầu
cầu chiến lược tại Việt Nam và Miến Điện. Đông Nam Á sẽ không còn ở thế “lưỡng hổ tranh hùng” mà có sự hiện diện của ba “đại cao thủ võ lâm” Hoa Lục, Nga và Mỹ.
Cam
Ranh, dù thời đại nào đi nữa vẫn là báu vật của Việt Nam hay Chiếc Nỏ
của Thần Kim Quy. Và Việt Nam đang xử dụng nó như là một kế sách giữ
nước. Họa phúc thế nào chưa rõ. Nhưng đối với các nước nhỏ, thà có sách
lược còn hơn không có sách lược nào và ngồi đó chờ chết. Vả lại theo
Binh Thư thì “vũ khí” nào cũng là vũ khí tốt khi nó được xử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Vấn đề là người xử dụng nó có “nội lực thâm hậu”
hay không. Rồi đây chỉ một hai năm nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến
hàng loạt tàu chiến của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu và kể cả
Hoa Lục…sẽ ghé Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì, thủy thủ nghỉ ngơi, tắm
mát, thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, chả giò,
nem chua, bì cuốn, cơm tấm Sài Gòn, cua, sò huyết. Nhất là đối với thủy
thủ tàu ngầm Nga, sau chuyến hải hành dài 2550 dặm Anh từ Vladivostok
tới Cam Ranh, sau bốn ngày ngày đêm tù túng trong các khoang tàu chật
hẹp, được bước lên bờ, hít thở luồng gió mát và nghỉ ngơi tại khách sạn 5
sao - thật thần tiên! Cam Ranh lúc đó đúng
là nới quần hùng tụ hội giống như một Quân Cảng Quốc Tế. Chưa bao giờ
thế giới phải chứng kiến một bối cảnh chính trị, ngoại giao lạ lùng và
rối bời kiểu “Xuân Thu Chiến Quốc” như ngày hôm nay. Do đó không một ai có thể đoán trước cái gì sẽ xảy ra cho Đông Nam Á.
Đào Văn Bình
(California ngày 6/3/2013)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire