vendredi 26 janvier 2018

Cái Bánh Chưng Cuối Năm - Nguyễn Thị Tê Hát

Cái Bánh Chưng Cuối Năm
https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcS-rdtFn6s8M6CAswH9wSaGqQybKMrHGyeIaTm75KmTjmdTw4mW
Anh!

Cuộc đời là một đổi thay không ngừng, là một con đường dài được đan kết bằng những đêm đen, bằng những ngày tiếp nối, tiếp nối mãi cho đến tận cuối đường. Tuổi thơ, hạnh phúc, tiếng cười, nước mắt chỉ là những cụm hoa hai bên đường mà em đã đi qua. Tuổi thơ hồn nhiên trong trắng, có hoa, có bướm, có tiếng cười dòn vang trong vùng ký-ức nào đó đã là những hành trang đưa em vào đời, vào đời với những bước chân chim ngập ngừng nhưng vững chắc. 


 
*
*     *
Cái Bánh Chưng Cuối Năm 
Nguyễn Thị Tê Hát - Sơn Huy & Thục Quyên diễn đọc

Nơi đây xuân đang về, về giữa tiết đông lạnh giá nơi xứ người, nhưng vẫn mang em trở về với quê-hương, về với Qui-Nhơn, với cái tỉnh lỵ bé nhỏ, cái tỉnh lỵ đã nuôi, đã ôm ấp, đã vuốt ve tuổi ô-mai của em trong đó với những sáng tươi hồng, với những phố chiều lang thang với chúng bạn sau những giờ tan học, hay bên những ly thạch mát lạnh ở Tuyết-Trắng, hoặc cười đùa bên những chồng bánh bèo cao ngất ở đường Phan-Bội-Châu, hay nhảy nhót trên những tảng đá ngả nghiêng nằm chồng lên nhau ở Ghềnh-Ráng, hay với bãi biển nhấp nhô sóng nước, hoặc với Cù-Lao-Xanh với những san-hô huyền-hoặc, hay lại lãng-mạng ngồi bên mộ Hàn-Mặc-Tử để mơ mộng về một chuyện tình nào đó.

Nhưng điều em không quên được mỗi dịp xuân về, tết đến là cái bánh chưng bé nhỏ đã được gói với tất cả trìu mến từ đôi bàn tay già nua của Ba anh, cái bánh chưng vuông vắn nằm đặc biệt giữa những đòn bánh tét tròn lẳn gói lá chuối xanh trông thật ngộ-nghĩnh, để anh cứ ôm đàn nghêu ngao đùa hát "Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ..." để cả nhà cười cho em giận đến muốn khóc.

Nhà anh ở gần chân núi, với một vườn trái cây bao bọc như những trái cấm đã dụ dỗ đám con gái tụi em đến gần. Đường vào nhà anh quanh co khúc-khỉu, qua những thửa ruộng thơm mùi lúa mới, hay khô cằn nứt nẻ sau những mùa gặt hái với những tháng hạ miền trung nóng cháy bỏng thịt da, với những con đề gập-ghềnh suýt ngã... Nhưng, những trái xoài xanh ửng chín, những chùm tầm-ruột chua chua, những trái ổi xanh trên cao đã mê-hoặc, đã dẫn đường đưa em đến nhà anh vào những chiều cuối tuần, cho em được đùa giỡn cười vui với bạn bè dưới những gốc xoài hay trên cây ổi. Hoa lài trắng nhà anh lúc nào cũng thơm ngát từ một góc vườn như chỉ chờ em hái. Sự có mặt của em đã làm xao động sự êm đềm của những trưa hè tĩnh mịch với những tiếng ve kêu inh-ỏi trên những cây vú sữa, trên những cây nhãn cao xum xuê cành lá chung quanh nhà. Cái kiếng đeo mắt nằm hờ hững trên sống mũi Ba anh hết làm em e-sợ như lúc ban đầu khi em lén hái những trái xoài xanh trên cây. Ba và Chị anh đã hiền hoà dễ mến đối với riêng em. Những trái ngọt đầu mùa luôn đặc biệt để dành cho em đã làm bạn gái của anh phân bì hờn giận. Em vô tư với những tháng ngày trôi qua, quanh em chỉ có những tiếng đàn ca, chỉ có những vần thơ rơi rụng vào những chiều cuối tuần họp bạn, để thấy hồn mình lớn dần nương theo thời gian qua đi với những trái xoài xanh rồi chín, với từng cái bánh chưng đặc biệt cuối năm được nấu lẫn lộn trong nồi với những đòn bánh téc mà bao lần nghịch ngợm em đòi gói thử, em gói mãi, em gói hoài mà vẫn không thành bánh, và cho đến bây giờ... đã bao năm dài trôi qua, đã biết bao nhiêu đổi thay tiếp nối trên tuổi đời chồng chất, em vẫn chưa tập gói lại cái bánh tét năm nào mà Ba anh đã chỉ dạy.

Với những tình cảm đơn sơ chân thật mà mọi người đã dành cho em để em ngây thơ bên đám bạn từ từ bỏ cuộc chơi. Em, em không muốn bỏ, em muốn cuộc chơi cứ kéo dài cho em được cười hoài trong đó, để em được hồn nhiên trong sự chiều chuộng đó. Nhưng, cuộc đời không như ước mơ nên anh không còn muốn tham dự cuộc chơi với em. Anh đã bỏ cuộc chơi, anh đi vào quân ngũ, anh sắp sửa lấy vợ... Em buồn khi thấy mọi người như quên em, như bận rộn tíu tít với đám cưới anh gần kề, nhưng rồi em vẫn lại là em, vẫn ngây thơ hồn nhiên đùa vui với mọi người, trong khi anh lại im-lìm lặng-lẽ, anh hút thuốc nhiều hơn, anh trầm ngâm ít cười với em hơn, anh lẩn tránh mọi người để ôm đàn ngồi một mình dưới gốc xoài xa tận cuối vườn. Em thấy một cái gì khác lạ trong anh, nhưng em không dám hỏi, không dám đến gần, không dám khuấy động sự im lặng của anh, em không hiểu được điều gì đang làm anh day dứt, hay tại em không dám tìm hiểu điều gì đó đang tàng ẩn trong anh cho đến một tối em đang học bài, bạn anh đến gọi em ra, cứ ngần ngại, một lúc lúng túng:

- Cô có biết vì sao hắn lấy vợ không?

Em thản nhiên vô tư cười cười:

- Anh hỏi kỳ chưa? thì tại anh ấy thương Chị Nhị.

Bạn anh nhìn em không chớp mắt trong thoáng giây rồi nói giọng thật khẽ :

- Hắn đang thất tình nên uống rượu say mèm ở nhà anh, bé đến được không?

Em tròn mắt ngạc nhiên kêu lên:

- Cái gì mà thất tình? ngày mai lấy vợ rồi mà còn thất tình gì nữa, í a, cái ông này kỳ quá!

- Thế bộ cô không biết hắn thương cô thật hả?

Em sửng sốt, đỏ mặt:

- Anh nói cái gì?... thương em? thương gì kỳ vậy? mà sao anh biết anh ấy thương em?

- Hắn nói với anh lâu rồi, anh tưởng cô biết là hắn thương cô chứ?... nhưng hắn bảo với anh là hắn không dám nói với cô vì thấy cô ngây thơ quá, không để ý gì cả nên hắn không nói được.

Em bần thần buông giọng:

- Thương em?... thương em sao lại đi lấy Chị Nhị?... nhưng ngoài anh ra có ai biết là anh ấy thương em không?

Bạn anh giọng buồn buồn:

- Hắn là con trai độc nhất nhưng không được hoãn dịch vì lý do gia cảnh nên phải nhập ngũ nay mai, Ông cụ cứ bắt hắn lấy vợ để có cháu nối dõi tông đường. Chuyện này chỉ có anh và gia đình hắn biết thôi. Hắn uống từ chiều đến giờ, say quá, anh chạy vội đến đây xem Bé có thể đến thăm hắn một tý được không?

Nước mắt em rưng rưng, em lắc đầu nhè nhẹ, một cái gì như oà vỡ trong em. Người em tê lạnh, em cúi đầu nhìn xuống những ngón chân đang di mạnh dưới đất, nước mắt em từng giọt rơi nhanh. Bạn anh thở dài hỏi:

- Ngày mai rước dâu, chiều tiệc cưới, em có đi không?

Nước mắt em rơi rơi, lòng em thổn thức, em không trả lời, vụt bỏ chạy nhanh lên lầu đóng vội cửa phòng úp mặt xuống gối nức nở. Em khóc, em khóc thật nhiều, khóc như không muốn ngừng và em cũng không hiểu tại sao em lại khóc nhiều như thế? tại sao em lại khóc? những giọt nước mắt đó có ý nghĩa gì? em cũng không hiểu và em cũng không muốn hiểu tại sao?...

Đám cưới của anh có rất nhiều người đến dự, anh vẫn ân cần săn sóc em như mọi lần, dù ánh mắt của anh hơi bối rối, dù ánh mắt của em hơi ngỡ-ngàng lẩn tránh. Chị Nhị duyên dáng xinh đẹp bên anh, chị Nhị xinh như bất cứ cô dâu nào trong ngày cưới. Nhưng anh, sao nụ cười của anh không tròn cho em e-ngại? cho em băn-khoăn? Từ lúc biết chuyện do bạn anh kể lại, em cũng chưa hề hỏi lại lòng mình sao em lại ngu-ngơ không biết gì? Sao anh cứ im lặng không nói cho em biết? tại em còn nhỏ, tại em quá ngây thơ ư?... và tại sao em lại quá hững hờ vô tâm đến như thế? Nhưng, bây giờ ngồi đây, đã bao năm dài trôi đi lặng-lẽ, bao nhiêu cái cuối năm cứ lần lượt đến rồi đi trong đời em nơi xứ lạ quê người, em đang hỏi lòng mình tại sao? tại sao? để rồi em không có câu trả lời cho chính em lúc này. Tiệc cưới hôm đó anh say nhiều, nhưng anh vẫn còn tỉnh để hoà đồng với mọi người trong ngày vui của anh, nên ai cũng cười cười, nói nói... và em, em cũng cười, nhưng nụ cười của em không còn dòn tan như xưa được nữa.

Hai tuần sau, anh lại trở về đơn-vị cho kịp cuộc hành-quân ở Hạ- Lào, chiến cuộc càng ngày càng gay go. Ở Paris, người ta đang bàn cãi về súng đạn, hoà bình. Hoà bình vẫn còn rong ruổi nơi nào đó nên chiến tranh vẫn lan tràn thôn xóm, những tiếng pháo kích đến gần thành phố hơn, người người từ thôn quê đã bồng bế nhau lên thành phố để chạy trốn bom đạn. Khu đất trống trước con đường nhà em đã tràn ngập những mái nhà mới, vội vàng cất lên bằng nhiều miếng sắt, miếng gỗ không đều nhau, được kết vào làm thành 4 bức tường che mưa, che nắng. Ngoài đường áo lính nhiều hơn, xe nhà binh cũng chạy nhiều hơn, trong Thánh đường em thấy khăn tang trắng cũng nhiều hơn và những ngày phép anh về thăm nhà cũng vội vã hơn.

Trận chiến ở Hạ-Lào đã kết thúc khốc liệt, đã trả giá cho hoà-bình với một giá quá đắt, với bao nhiêu người ngã gục, với bao nhiêu người trở về không nguyên vẹn, trở về trong mệt mỏi đắng cay, trong mất mát ê -chề. Ngày đó anh cũng trở về, anh trở về với một thân hình tiều-tuỵ, áo quần rách nát, thương tích đầy mình, nhưng hạnh phúc đã đền bù cho anh bằng sự chào đời của đứa con đầu lòng, bé Tường Vy, tên của một loài hoa mà em, anh đều thích. Bé Tường Vy bụ bẫm theo ngày tháng, theo chiến cuộc nổi trôi và sau lần về thăm nhà đó, anh lại phải trở ra đơn vị, nơi đèo heo hút gió, nơi có núi rừng, có bom đạn, nơi cô độc vây quanh để một tháng sau... mọi người đều bàng hoàng sửng sốt khi hay tin anh không còn nữa. Anh còn, nhưng chỉ còn im lìm trong tấm poncho. Người ta đã trả anh về cho gia đình bằng một cỗ quan tài với một xác thân không nguyên vẹn với lá Quốc-kỳ nằm hờ hững bên trên cỗ quan tài trong một chuyến bay đặc biệt, để rồi vắng bặt những tiếng cười đùa réo gọi thân quen, tất cả thuộc về anh như biến mất trên cõi đời này, không còn gì, tất cả không còn gì...

Ngày đưa anh đến nơi an nghỉ, mọi người tiếp nối hàng dài đi trên những con đường gồ ghề, quanh co đến chân núi, nơi anh yên nghỉ suốt đời. Ba anh lẽo đẽo đi bên như một cái bóng cao vất-vưởng. Chị Nhị lê bước theo cánh tay người thân đang kể-lể khóc than. Nước mắt em cũng đầm đìa tuôn rơi đi bên cạnh Chị anh, em khóc với chị, em khóc cho anh, và em giận anh ghê đi, sao anh nỡ lòng nào bỏ lại tất cả những người thân trong đó có em để ra đi? Sao anh không đứng xuống để đi như bao nhiêu người khác mà lại nằm lỳ trong cái hộp gỗ cho người ta khiêng anh đi như thế? Anh lười đi đến thế sao? Sao anh không đứng xuống để hái giùm em những trái xoài xanh trên cao? Hay đưa em đi hái những lá sung non cho Mẹ em làm gỏi? Sao anh không đứng xuống ôm đàn hát chọc em là Cô Em Bắc-Kỳ nho nhỏ nữa đi anh? Tội nghiệp Ba anh, thấy ông, lòng em ngút ngàn đau xót với sự đau khổ Ông đang cưu-mang, Ông già nua cô-quạnh quá anh biết không? Tội nghiệp Chị Nhị, người đàn bà chưa kịp hưởng hạnh phúc gia đình sao anh nỡ bỏ đi? Con anh đó, bé Tường Vy của anh đó, sao anh đi được cho đành?... Em nói với anh trong em, em nói hoài, em kể lể hoài và những tiếng khóc của người thân đưa anh xuống huyệt hoà lẫn tiếng cầu kinh làm lòng em tê thắt, làm em thấy xót xa khi nghĩ anh phải nằm đó cô lẻ một mình nơi hoang vu lạnh-lẽo, nơi một vài mộ bia lác-đác của gia đình. Lúc ra về, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, em tự hỏi, anh nằm đó, không biết anh có buồn có giận vì sự ngây-thơ vô tình của em không nhỉ?...

Khi anh nằm xuống được 2 ngày thì có hiệp-định ngừng chiến. Ai nấy đều đau lòng và tức tối cho sự ra đi quá vội vàng của anh. Ngày tháng trôi nhanh, thỉnh thoảng em ghé thăm nhà, Chị Nhị bế con về bên Ngoại. Ba anh lặng-lẽ hơn, già yếu hơn. Đôi vai như oằn nặng bởi sự khổ đau chồng chất lên tâm hồn ông. Chị Thanh Ba im lìm hơn trước, mọi người như ít nói hơn, căn nhà vắng vẻ hơn và em hình như cũng trưởng thành hơn trong cái mất mát anh bỏ đi. Cây trái ngoài vườn cũng không còn làm em cuống-quýt, không còn mê hoặc em nữa, tuy trái vẫn còn xanh, tầm ruột vẫn chua và hoa lài vẫn thơm ngát ở một góc vườn... Từ đó, em ít vào thăm gia đình anh, em chỉ vào có một vài lần vào những dịp cuối năm để rồi em không vào nữa, em không vào vì em muốn trốn tránh cho em phải nghĩ về về anh, về cái ngu-ngơ em đã vô tình có, vì em không muốn phải chứng kiến cái đau khổ đang đè nặng lên vai Ba anh, lên Chị anh và em thật sự cũng muốn trốn tránh cái kỷ niệm ngọc ngà của em có tiếng cười vui, có hạnh phúc, có tiếng đàn ca trong đó.

Hôm nay, biết bao nhiêu năm dài em không gặp lại những người thân của anh, không gặp lại bạn bè cũ. Em không biết Chị Nhị sẽ thế nào sau ngày anh ra đi? Chị còn quá trẻ phải không anh? Chắc bé Tường Vy đã lớn và xinh đẹp lắm anh nhỉ? chắc Ba anh không còn nữa. Còn Chị Thanh Ba thì sao?... em không đoán được... Mắt em cay cay, mũi em nồng nồng và hình như em đang khóc, em khóc cho anh, khóc cho những người thân của anh, khóc cho tuổi thơ của em quá hồn nhiên trong trắng trong thiên đường tuổi nhỏ, để rồi giờ đây em tự hỏi không biết cây cối, vườn tược nhà anh có còn xum xuê cành lá? trái có còn sai ngọt? hay tất cả cũng tàn úa theo sự nổi trôi của cuộc đời, của vận mệnh đen tối của đất nước?

Nơi đây, xuân đang đi về, tết sắp đến, lại thêm một cái tết nơi xứ người, em chợt muốn viết về anh, về một kỷ niệm khó nhạt phai, kỷ niệm của tuổi thơ như một áo choàng đủ màu sắc mà Ba Mẹ, anh em, bạn bè đã tô màu rực rỡ để làm cho tuổi vào đời của em thêm ý nhị. Hôm nay, em viết một lần về anh, một lần duy nhất rồi thôi, để xin là những đoá hoa trắng trên mộ anh của những ngày cuối năm, để xin là cái bánh chưng đặc biệt ngày nào mà gia đình anh đã ân cần gói với tất cả tình thương cho em trong đó. Cái bánh chưng luôn nhắc nhở em về một khoảng trời xanh với ngôi nhà gần chân núi, để em được trở về quê hương, thăm lại thị-xã Quy-Nhơn, thăm lại cái thị-xã bé nhỏ nhưng nhiều tình người, cái thị xã nuôi dưỡng ấp ủ tuổi con gái, tuổi ô-mai của em, để em được nhìn lại ngôi nhà cũ cua em ở đường Đoàn-Thế-Khuyến, để em được đi trên con đường dẫn em vào nhà anh, để em được thăm hỏi từng gốc xoài, từng gốc nhãn, từng gốc vú-sữa. Để em được với tay hái những trái ổi xanh, những chùm tầm-ruộc vàng tươi hay bứt nhẹ những chùm hoa lài ở một góc vườn xưa cũ. Để em được trân trọng đặt lên mộ Ba anh, mộ của anh với tất cả sự chân thành của một người em gái nhỏ mà anh và gia đình đã ân-cần trang điểm cho tuổi thơ của em thêm phần rực-rỡ. Để em được mang theo hành trang đó đi vào đời cho đến tận cuối đường... 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire