Buổi Chiều Trong Thành-Phố
Buổi Chiều Trong Thành-Phố-Sơn Huy & Thục Quyên
Góc đường Trần Qúy Cáp & Phường Cũi
Buổi Chiều Trong Thành Phố
Phạm Văn Nhàn
Mười
năm. Phải. Tôi trở về lại thành phố mà tôi đã lớn . Những con đường.
Những góc phố như ngày nào tôi đã đi qua và nhìn thấy. Phố vẫn như cũ,
chẳng có gì thay đổi sau mười năm tôi ra đi. Không như những thành phố
tôi đã trải qua. Những ngôi nhà cao từng mới cất. Những con đường mở
rộng cho những chuyến xe cơ giới nhà binh vận chuyển. Thành phố mà tôi
trở về hôm nay vẫn mang bộ mặt của một cô gái quê còn rụt rè, nhút nhát,
không chịu tô thêm chút son phấn để thành phố có một bộ mặc mới, đẹp
hơn. Nhưng dù gì trong cuộc chiến vừa qua, nó ít mang tính mỹ hóa hơn
các thành phố khác.
Nhưng
ở đâu rồi cũng thế, cũng những chiếc xe nhà binh với ngôi sao trắng
chạy qua vội vã. Và, chị Khản vẫn thường viết thư cho tôi kể về những
đêm pháo kích hay những tiếng đại bác vẫn nổ đì đùng dội về trong đêm.
Những lá thư của chị như một chuyện cổ tích ngàn lẽ một đêm, kể hoài kể
mãi không hết những chuyện xảy ra ở quê nhà.
Nhưng
bây giờ thì khác, thật sự tôi đã trở về. Khi tôi bỏ cái lớp áo bên
ngoài từ một thành phố rộn rịp người ta bỏ chạy ở thị trấn Ba Ngòi. Một
bà già ngồi bán nước trà nóng bên lề đường với một cậu bé, có lẽ là cháu
ngoại hay nội chi đó, giúp bà mang ly trà nóng tới cho khách. Thấy tôi
cởi giầy cởi áo bỏ lại. Bà nhìn rồi hỏi: cậu có áo quần xi-vin không?
Tôi cười: vầy cũng được mà bác. Có nghĩa là chỉ cần cái quần xà lỏn màu
cứt ngựa với cái áo thun trắng mặc trong người. Ngày hôm nay tôi thấy
tôi nhẹ tênh. Chẳng vướng bận gi sau 10 năm làm lính. Tôi thấy bà nói
chi đó với đứa cháu, thằng bé chạy về nhà mang ra cho tôi một bồ đồ. Tôi
mặc vào cụt ngủn. Thằng bé đứng nhìn rồi cười. Tôi cũng cười theo với
nó. Buổi trưa ở Ba Ngòi nắng gắt. Ngột ngạt bởi người là người từ miền
ngoài đổ về. Tiếng khóc tiếng la của trẻ con. Tiếng chửi bới ỏm tỏi từ
một góc phố trên quốc lộ. Tiếng bánh xe cơ giới rít mạnh trên mặt đường
như giận dữ tạo nên một âm thanh nghe chát chúa, khô khốc. Tôi nhìn
thằng bé, nhìn bà già nói lời cảm ơn rồi đón xe xuôi Nam.
Thằng bé nhìn theo, nói vói: bồ đồ của ba cháu đấy, chú mặc lấy hên.
Tôi đưa tay vẫy nó. Buổi trưa ở Ba Ngòi một lần hôm đó là thôi, và tôi
không trở lại.
Chị
Khản dặn: cậu đi chơi cẩn thận, thành phố còn bất ổn lắm đó. Tôi cười:
ai biết mình đâu chị. Vừa nói tôi vừa đưa tay lấy cái nón nỉ của thằng
cháu con chị Khản. Cái nón nhũn vành vì đội lâu ngày, lụp xụp xuống vành
trán. Tôi nói với chị, tôi đi. Chị hỏi: tối về dùng cơm, chị chờ. Tôi
cười cười: thôi chị ạ. Tắp vào nhà thằng bạn nào đó rồi cũng xong. Cẩn
thận. Chị dặn lại: thành phố hôm nay có những con người lạ lắm.
Mười
năm, con đường từ nhà chị Khản xuống phố vẫn còn nhiều ổ gà. Vẫn dãy
phố cổ im lìm, mệt mỏi. Bên kia đường là khu bịnh viện. Chiếc cổng sắt
đóng kín, một vài chiếc xích lô nằm chờ khách như một thói quen mỗi ngày
họ đến rồi đi. Cứ thế tôi đi suốt dọc con đường mà tôi đi lại hàng ngày
thuở còn đi học. Hàng phượng bên đường vẫn xanh lá. Từ ngã tư bưu điện,
nơi phát xuất những con đường xuống biển, ra ga mà ngày nào tôi cũng
đạp xe đi đi lại lại với lũ bạn. Tiếng cười. Tiếng chọc phá vui ngày nào
như còn đâu đây bên những gốc phượng già. Chiếc cầu sắt đen sậm bắt qua
sông thời Pháp thuộc như nhịp thở của người dân trong thành phố. Gãy đi
thời kỳ nước lụt năm nào được sửa lại cũng bằng với những thanh sắt đen
sì đó. Dòng sông với dãy phố chạy dài dọc theo con đường dẫn xuống
biển. Dãy phố lầu quét vôi vàng đã tróc lớp vôi cũ từng mảng lớn. Một
bức tường chắn ngang chiếc đầu máy xe hủ lô thời Pháp của ty lục lộ vẫn
còn đặt ở đó. Mấy mươi năm rồi khối sắt và nước sơn màu vàng đã bạc mầu.
Nhà
người bạn tôi đây. Mở cánh cổng bên hông ra nhà sau. Nước cống thải
chạy dọc theo bức tường của ty lục lộ cũ bốc lên có mùi hôi. Cửa đóng
chặt. Tôi nhón người nhìn vào nhà. Trống vắng. Có tiếng người ho trong
dãy hành lang dài mờ mờ với những chiếc thùng gỗ lớn hình tròn dùng để
làm nước mắm trong dãy nhà dọc đối diện với bức tường của ty lục lộ cũ,
mà khi vào tôi không để ý. Tiếng người đàn ông hỏi:
- Ông tìm ai đó?
- Dạ. Tìm anh Khanh ạ!
- Đi hết rồi. Đi hơn tuần nay, lúc thành phố mới lộn xộn.
Tôi nói: Vậy hả bác?
Vừa nói tôi vừa bước chân xuống bậc cấp của ngôi nhà định đi. Người đàn ông lại hỏi vói:
- Sao cậu không đi như nhà cậu Khanh?
- Đi đâu hả bác ?
-
Thì đi chứ đi đâu. Đi tìm một chỗ để sống. Lộn xộn mà. Mấy người nhà
giàu đều đi hết. Mấy ngày nay tôi cũng chẳng dám ra đường. Sợ tai bay vạ
gió.
Tôi cười cười rồi chào ông ra đi. Có tiếng người con gái ngồi đâu đó. Nói:
- Ba cứ nói. Không sợ!
Người đàn ông nói thêm:
- Cậu không biết. Hai hôm trước chợ bị đốt. Tôi tưởng cả thành phố cháy theo ngôi chợ rồi.
Tôi
nói: vậy hả! Rồi đi dọc theo bờ sông. Biển không xa, chỉ cách vài con
đường. Nhớ lại, ngày còn đi học, vào những đêm thanh vắng thường ngồi
trên sân thượng nhà Khanh có thể nghe từng tiếng sóng vỗ bào bờ. Dưới
sông, những chiếc thuyền đã vào bến đậu. Và ánh đèn điện leo lét dưới
chân cầu sắt đen sậm đủ để soi rõ những chiếc thuyền đánh cá từ biển vào
chạy qua cầu về trên xóm lò heo. Đèn trên cầu vẫn sáng lờ mờ như thời chiến tranh đệ nhị sợ máy bay đồng minh thả bom. Và ngôi vườn hoa cổ trong thành phố cũng thế.
Thành
phố mười năm trước tôi ở vẫn ánh đèn lờ mờ soi không tỏ lắm trên những
con đường rợp bóng me Tây hay phượng vĩ. Và bây giờ vẫn vậy.
Thằng bạn đã ra đi. Còn ai nữa. Tôi đến nhà vài đứa cũng cửa đóng then gài. Thành
phố như vừa trải qua cơn bão lớn. Cuốn trôi hết tất cả ra biển. Con
đường chính. Phố xá đóng cửa. Rác rến ngập trên vỉa hè. Chỉ còn vài ba
ngôi nhà cửa hé mở. Một tiệm sách vẫn còn mở hờ cánh cửa. Tiệm sách này của một ông thầy dạy học trường tư. Tôi
vào mua một tờ báo. Nhật báo cũng chẳng có. Chỉ còn vài ba tạp chí văn
học. Thấy tên của người bạn in trên bìa tạp chí BK. Thích quá, mua ngay.
Định tối về nhà chị Khản nằm dài dưới nền gạch hoa mà đọc. Tôi hỏi ông
chủ tiệm sách: còn tạp chí nào khác nữa không? Ông ta cười méo xẹo: làm
gì còn, tháng này không có báo chí chi cả. Đường bị cắt khoảng rừng lá.
Xe Sài Gòn không ra được.
Lâu,
không gặp người bạn văn này. Kể từ khi rời khỏi Tháp Chàm. Hắn đi chinh
chiến biệt tăm. Tôi cũng thế. Biền biệt chiến chinh. Thôi được, cứ đọc
văn của người bạn như đã thấy bạn. Thằng bạn nóng tính. Cái nóng của
người lính bình thường khi bị xúc phạm. Cả tôi nữa, cũng thế. Để rồi cả
một chai bia không biết làm sao trút hết cơn giận đập bể nát trên mặt
bàn trong ngôi nhà tranh ở ngoại ô thành phố Qui Nhơn mà đáng lẽ phải
đập chai bia ấy lên trên đầu của người bạn thơ khi hắn mới bị bắt về tội
trốn lính. Cũng vì mấy chữ mà hắn gọi chúng tôi là lính đánh thuê.
Rời
khỏi con phố chính, đi ngược lên dóc cầu tìm tới quán cà phê bên cạnh
vườn hoa cổ. Cái quán cà phê có tự hồi nào, lâu lắm dưới tàn cây me Tây.
Ngày đó, mỗi lần về thăm phố, mấy đứa bạn hay rũ ra đây ngồi uống cà
phê, tán ngẫu hóng gió từ dưới sông lên và nghe nhạc TCS. Lạ, ở ngoài
chiến trường về mà sao vẫn thích nghe loại nhạc này. Có lẽ cũng cầu mong
một sự an bình nào đó cho bản thân qua những dòng nhạc của ông. Thực tế
và hiện hữu. Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường
dừng chỗi đứng nghe...Chị Khản vẫn thường viết thư cho tôi và cũng
thường ca cẩm như thế. Đại bác ...dội về thành phố...., ngồi uống cà phê
buổi sáng nơi ngôi quán này, nghe bạn bè nói lại một cô giáo đi chiếc
xe PC để tới trường dạy học. Khi đi ngang qua sân quần vợt bên hông toà
tỉnh thì pháo kích. Cô giáo ngã chết bên chồng sách vở học trò của cô
vừa chấm điểm tối hôm qua. Những bông hoa tươi thắm của mấy cháu học
sinh đem tới đặt nơi cô nằm xuống. Tươi mát những đoá hoa của tình thầy
trò. Bây giờ, tôi lại đến quán này. Sân quần vợt vắng tanh. Cô chủ quán
giờ đã già hơn những năm trước. Giờ này, cô cũng chẳng nhìn ra tôi. Bộ
áo quần xi vin rộng lùng thùng. Cái nón nỉ nhũn vành của đứa cháu. Đôi
dép nhật lẹt xẹt trên đường. Chẳng ai biết tôi là ai. Và, tôi cũng chẳng
biết ai. Khi một vài thanh niên ngồi bàn bên trong đưa mắt nhìn tôi có
vẻ...khi thấy tôi bước vào cửa. Có lẽ họ nghĩ tôi như chị Khản đã nói:
Thành phố hôm nay có nhiều kẻ lạ. Bởi vì, khi tôi mới bước chân vào
quán, họ im lặng và sửa lại thế ngồi. Tôi lạ lắm sao dưới vành nón nỉ
lụp xụp như thế này?
Nắng
chiều trải trên những ngọn cây trong công viên. Gió dưới sông thổi lên
mát. Ngôi quán trở nên xa lạ một cách lạ lùng. Đâu rồi những người bạn
một thời cà phê thuốc lá. Đâu rồi những buổi sáng ngồi uống cà phê nghe
chim sáo hót trên những tàn cây cao trong công viên. Đâu rồi những hoa
vong nở rộ đỏ thắm trên cành. Những buổi sáng đẹp trời lạ lùng với những
đứa bạn... Tôi trả tiền ra đi, cô chủ quán ngồi bó gối trên cái ghế
bành bện bằng những sợi dây mây, tôi thấy những ngón chân của cô nhịp
nhịp trên thành ghế với lớp sơn móng chân đỏ tróc ra trông nham nhở. Cô
chủ quán cũng chẳng nói chẳng rằng. Có lẽ cô cũng nhìn tôi: thành phố
có nhiều kẻ lạ.
Rời
quán, định đi về nhà chị Khản, nằm dài dưới nền gạch đọc cái truyện của
người bạn trong tờ tạp chí vừa mới mua.Nhưng rồi tôi đi dọc theo bờ
sông ngược lên đầu nguồn đến một xóm chài. Phải rồi. Bạn bè đã bỏ đi. Hi
vọng còn một người bạn đang tu
trên chùa. Tôi tìm đường lên động cao. Dưới chân động là xóm chài và
dòng sông uốn quanh. Bóng chiều ngã về phía Tây. Mặt trời đỏ ối trên
những đám mây chiều u uẩn. Những ngôi nhà sàn. Những người con gái đang
vá lưới, nhìn tôi: thành phố có nhiều kẻ lạ. Tôi tìm đường lên chùa.
Những người con gái này như mối ăn ánh đèn đêm. Tối xuống là áo quần
nhiều màu sắc lượn phố cười nói ồn ào trên đường hay vào rạp xem cải lương. Tôi biết như thế mười năm về trước.
Đường
lên chùa, ẩm nước. Những dòng nước vẫn rỉ ra hàng ngày hàng đêm từ
trong động cát chảy ngoằn ngoèo ra sông. Đường lên chùa đã xây bằng
những bậc cấp, dễ đi. Đứng trước cổng tôi ngần ngừ nên vào hay trở ra.
Giờ này, có lẽ sắp công phu. Nhưng, người bạn tôi đã thấy. Chiếc áo nâu di chuyển từ trên bậc thềm chùa đi ra cổng:
- Ông mới về đó à?
Tôi dở cái nón nỉ xuống cầm trên tay, vái một vái.
- Vâng! Thầy mạnh giỏi?
- Vẫn mạnh. Còn ông?
- Lo!
Ông cười. Nụ cười hiền.
Bây
giờ chúng tôi không phải là những thằng bạn khi xưa nữa. Ngày nó vừa
học xong trung học, bỏ vào Sài Gòn đi tu ở một ngồi chùa nào đó. Không
còn mầy tao như ngày nào thả rong ngoài ruộng để chơi những trò chơi của
trẻ con nữa, mà hôm nay tôi phải xưng hô đàng hoàng hơn.
- Lo cái gì? Thầy hỏi.
- Đủ thứ!
- À! Tôi hiểu rồi: cái có và cái không của ông hôm nay phải không? Ông lại cười. Nụ cười đôn hậu.
Tôi
nói thầm trong bụng: chán bỏ mẹ khi tới thăm ông. Nhưng còn ai nữa đâu
khi mười năm tôi trở lại thành phố này. Chúng nó đã bỏ đi hết rồi. Chỉ
còn tôi với ông là bạn cũ.
- Thầy cứ nói. Sao lại không lo. Thầy khác. Tôi khác. Khi mà...
- Tương lai của ông đã mất...?
- Không phải thế. Tôi..sợ việc khác...
Thầy nhìn xuống dòng sông, cười:
-
Địa ngục. Thiên đàng. Khổ. Sướng chứ gì? Này ông: địa ngục chẳng có mà
thiên đàng cũng không. Đừng lo. Tất cả là huyễn hết. Ông vẫn an nhiên tự
tại. Ngày hôm nay có khác hơn ngày hôm qua. Nhưng ông vẫn là ông tự tại
trên cõi đời này. Cõi đời này có mà không, thì ông lo nghĩ làm gì cho
bạc tóc.
Rồi ông nắm tay tôi, nói:
- Vào đây.
Trên
lối đi vào chùa, những bông sứ trắng rụng đầy. Một mùi thơm thoang
thoảng trong không gian chiều xuống. Mặt trời vẫn ửng đỏ trên dòng sông.
Tôi và ông ngồi xuống trên băng đá, dưới những tán bông sứ. Dưới chân
đồi, dòng sông vẫn chảy không ngừng. Và, cái làng chài nhỏ bé kia vẫn có
cuộc sống như ngày nào, dù cho bạn bè tôi có bỏ đi. Sông và làng chài
vẫn hiện hữu. Tôi và người bạn tu hành vẫn còn đây trong thành phố mà
tuổi thơ của tôi và ông vẫn còn chất ngất hương thơm. Như mùi hoa sứ hôm
nay trước sân chùa.Ông nói:
- Ông có thấy gì không?
- Thấy gì?
- Mùi hoa sứ.
- Có nghe thấy.
-
Đấy. Mười năm, ông chinh chiến, có khi nào ông để tâm mà nghe cái mùi
hoa rất đơn sơ này đâu? Tuổi nhỏ của ông và tôi hay đi nhặt những hoa sứ
này trong ngôi vườn của một ông Tây trên toà sứ. Lúc ấy bọn mình ngỡ là
bình yên. Ai ngờ, ông nhỉ ! Nhưng, bây giờ ông ngồi lại đây với tôi, và
ông đã thấy ông rồi đó.
Tôi cười nhìn xuống dòng sông.
Người
bạn tu hành của tôi nhìn về chân trời phía Tây đỏ ối ánh mặt trời
chiều. Nói. Giọng nói nhẹ tênh trong hơi thở: ông đừng bỏ đi đâu nữa.
Tất cả rồi cũng là không. Ông ạ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire