Lễ khánh thành bức tường tưởng niệm bẩy vị anh hùng tuẫn tiết 30 tháng tư 1975 tổ chức 10 giờ sáng thứ bẩy ngày 5 tháng 4-2014.Tại Viện Bảo Tàng Việt Nam số 1650 Senter Rd, San Jose CA 95112. Lối vào trên đường Pheland. Tôi riêng nghĩ rằng dù gọi là bức tường nhưng ý nghĩa như một mộ bia tập thể cho 7 vị anh hùng. Gọi là khánh thành nhưng mang hình thức một ngày tang lễ muộn màng gần nửa thế kỷ. Tôi viết bài này tặng cho các bạn trẻ đã hoàn tất một công tác ý nghĩa từ cả hai cõi âm dương.
Tháng 4 năm 2014 tại Hoa Kỳ tôi ghi lại chuyện 39 năm về trước. Cuối tháng 12 năm 1974 Bắc quân dốc toàn lực tổng tấn công miền Nam. Trận mở đầu thăm dò đánh Phước Long. Địch vừa đánh vừa nhìn qua Hoa Thịnh Đốn. Hoa Kỳ án binh bất động. Sau Paris, tù binh đã trở về, quốc hội Mỹ quay lưng nhìn về hướng khác. Khi Sông Bé, thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam kêu cứu. Saigon chỉ còn trong tay một phần của liên đoàn 81 để gửi lên tiếp viện. Những người lính biệt kích anh hùng mỏi mệt vừa từ mặt trận Phước Thành được kéo về tưởng chừng sau 3 tháng hành quân nay tạm nghỉ. Nào ngờ lại được trực thăng vận xuống giữa vùng lửa đạn để đánh trận tuyệt vọng tại Phước Long. Ngày 6 tháng 1 năm 1975 Phước Long hoàn tòan thất thủ. Đây là trận mở đầu cho cuộc chiến tranh kết thúc. Kể từ Genève 54 chia đôi đất nước, sau 21 năm từ chiến tranh chính trị đến chiến tranh quân sự, miền Nam lại thua trận chỉ trong 3 tháng mở đầu của năm 1975. Sau Phước Long, Saigon trải qua cái tết 75 buồn bã rồi cùng một lượt các chiến trường nổ súng. Ngoại trừ miền Tây tạm yên, các mặt trận đều bị tấn công. Từ miền Đông, lên cao nguyên, xuống duyên hải và ra miền Trung. Năm sư đoàn cộng sản tấn công Ban Mê Thuộc ngày 1 tháng 3-1975. Ngày 8 tháng 3-1975 thêm 5 sư đoàn cộng sản tấn công Huế, cùng 1 lượt 3 sư đoàn đánh vào Quảng Ngãi. Riêng Ban Mê Thuộc hoàn toàn do cộng sản kiểm soát ngày 14 tháng 3-1975. Qua ngày hôm sau tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra Cam Ranh đưa quyết định bất hạnh nhất của đời binh nghiệp khi ra lệnh rút quân đoàn II. Tiếp theo là một loạt các lệnh bất thường cho quân đoàn I. Hà Nội vừa đánh vừa thăm dò Hoa Thịnh Đốn. Saigon vừa rút lui cũng vừa thăm dò Hoa Thịnh Đốn. Mọi việc không còn như xưa. Ngân khoản viện trợ cuối cùng của Hoa Kỳ chỉ đủ dành để cất lều và dự trù nuôi ăn cho hàng ngàn người tỵ nạn đến Mỹ. Qua tháng 4 phòng tuyến cuối cùng của Saigon tan vỡ tại Xuân Lộc. Sau khi ban hành những quyết định sai lầm tai hại khôn cùng, tổng thống Thiệu từ chức với bài diễn văn oán trách đồng minh Hoa Kỳ. Nhưng ông cũng vẫn được đồng minh chở đi kịp thời ra khỏi nước. Phó tổng thống Trần văn Hương lên cầm quyền cố giữ cho đủ 1 tuần rồi thể theo yêu cầu của quốc hội giao quyền cho đại tướng Dương văn Minh. Lúc đó nước đã đến chân, không còn giải pháp nào để lựa chọn. Hải quân VNCH trước khi ra khơi lần cuối đã cử đề đốc tham mưu trưởng Diệp Quang Thủy lên gặp ông Minh để mời xuống tàu. Đại tướng Minh với chút khí phách Nam Kỳ đã từ chối để ở lại nhận ngàn cân tủi nhục. Lúc đó là chiều 29 tháng 4-1975.
Cũng vào chiều 29 tháng 4-1975 được tin vợ con đã vào Tân Sơn Nhất để di tản, tướng Phạm văn Phú, tư lệnh quân đoàn II uống thuốc tự vận tại nhà. Trên đường vào phi trường, được tin chồng tự vẫn, bà Phú và con quay trở về đưa chồng vào nhà thương Đồn Đất (Grall). Sáng 30 tháng 4 khi tướng Minh còn đang soạn bài kêu gọi buông súng, tướng Phú đã qua đời. Ông chết trước khi có lệnh đầu hàng. Tướng tư lệnh quân đoàn II tự vẫn để trả món nợ của riêng ông về trách nhiệm mặt trận cao nguyên.Tướng Phạm văn Phú, nguyên là tù binh trận Điện Biên Phủ, quê Hà Đông, khi chết ông 47 tuổi. Ông ra đi trước khi chiến tranh chấm dứt được vài giờ. Gia đình đã trở lại chôn cất ông và sau đó kẹt lại tại Việt Nam.
Những cái chết anh hùng
Trong lịch sử kháng Pháp của dân tộc Việt đã có biết bao nhiêu anh hùng tuẫn quốc. Năm 1867 trong Nam có cụ Phan thanh Giản tự vẫn để nhận tội làm mất 3 tỉnh miền Tây. Năm 1873 cụ Nguyễn Tri Phương tự vẫn ở ngoài Bắc, tiếp theo năm 1882 tổng đốc Hà Nội, cụ Hoàng Diệu tự vẫn vì không giữ được thành. Chuyện bây giờ ở thời cận đại là cái chết của các anh hùng Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 4-1975. Trong cái tháng 4 oan nghiệt đó hàng trăm quân cán chính đã tự vẫn. Tuy nhiên để ghi nhận vào bảng vàng, bia đá, chúng ta cần có đủ hình ảnh, nhân chứng, tài liệu thật chính xác.
* Cái chết mở đầu trước giờ cuối cùng của cuộc chiến là của thiếu tướng Phạm văn Phú. Tiếp theo ngay sau khi đại tướng Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa 30 tháng 4-75 thì người tự vẫn công khai và đầu tiên là trung tá cảnh sát Nguyễn văn Long, quê ở Huế 56 tuổi. Ông tự tử bằng súng lục lúc 11:30 ngay trước tượng thủy quân lục chiến Việt Nam, ngó qua quốc hội. Những người vô danh và anh nhà báo Pháp chở xác ông vào nhà thương Đồn Đất của Pháp. Tình cờ tướng Phú cũng chết tại nhà thương này vào buổi sáng cùng ngày. Trong khi tại Saigon có 2 chiến binh tự sát thì trung tá Đỗ Đình Vượng dẫn trung đoàn về bộ tư lệnh sư đoàn 5 tại Bến Cát. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ tư lệnh sư đoàn mời các sĩ quan tập trung về ăn cơm trưa. Mọi người không còn ai bình tĩnh mà ăn uống. Riêng ông Vỹ ăn đủ 3 bát cơm thường lệ rồi cho lệnh các đơn vị trưởng tùy nghi. Ông lui vào phòng riêng dùng súng tự vẫn. Ông là người thứ ba. Tướng Lê Nguyên Vỹ quê Sơn Tây chết năm 42 tuổi. Vợ con di tản qua Mỹ mấy tháng sau mới biết tin. Gia đình sau này bốc mộ đem về quê cũ tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bàn thờ ông để trong đình làng ghi rõ là Lê tướng công, tư lệnh sư đòan số 5 quân đội Saigon. Người thứ tư tuẫn tiết bằng thuốc độc là chuẩn tướng Trần văn Hai tư lệnh sư đoàn 7 tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Trước khi ra đi vào chiều 30 tháng 4-1975 tướng Hai có điện thoại từ giã tướng Hoàng văn Lạc tư lệnh sư đoàn 9. Ông Hai quê Gò Công, qua đời năm 50 tuổi. Người thứ năm là tướng Lê văn Hưng, tư lệnh phó quân đoàn 4, tự vẫn bằng súng vào buổi tối 30 tháng 4-1975. Ông Hưng lúc qua đời có đông đủ vợ con và các sĩ quan cận vệ. Lúc đó khoảng 9 giờ tối. Ông quê ở Gia Định và ra đi năm 42 tuổi. Vị tư lệnh quân đoàn 4, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đã sống 1 ngày 30 tháng 4 rất dài. Riêng ngày 29 ông đã nhận lệnh đón phái đoàn chính phủ VNCH từ Saigon xuống, nhưng rồi lệnh hủy bỏ. Suốt ngày 30 tháng 4, ngay sau lệnh đầu hàng ông đã có dịp gặp phái đoàn cộng sản 2 lần nhưng rồi lại cho biết chưa sẵn sàng. Chiều 30 tháng 4 ông còn đi thăm thương binh tại quân y viện Phan thanh Giản. Qua đêm không ngủ, sau khi thắp hương thỉnh chuông lạy Phật, tướng Nguyễn Khoa Nam lấy súng lục tự tử vào sáng 1 tháng 5-1975. Ông Nam sinh quán Thừa Thiên, chết độc thân năm 48 tuổi. Người sau cùng ghi danh trên bảng tưởng niệm là đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Ông Cẩn chiến đấu đến giờ phút cuối trong ngày 30 tháng 4-1975 và bị bắt tại Chương Thiện. Ông là một trong các sĩ quan đã tiếp tục chiến đấu. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị bắt giam, bị tra tấn hành hạ suốt 4 tháng. Ông bị xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ngày 4 tháng 8-1975. Ông Cẩn quê Rạch Giá, khi qua đời trẻ nhất 37 tuổi. Cùng bị xử bắn có 4 vị quận trưởng Chương Thiện và các trưởng ty. Tiểu khu Chương Thiện quyết chiến đến giây phút cuối nên bị xử bắn nhiều nhất.
Bia Đá ngàn thu. Trong chiến sử thế giới, hai bên tử sĩ hy sinh là chuyện thường tình. Khi nước Nhật bại trận, các sĩ quan theo tinh thần võ sĩ đạo truyền thống, nhiều người tự vận. Chuyện này đã được thế giới biết đến.
Lễ khánh thành
Buổi lễ khánh thành sẽ là 1 ngày hết sức đặc biệt với sự tham dự của các quan khách Việt Mỹ. Ban tổ chức đã phổ biến thư trên báo chí, radio, TV và trên internet. Địa điểm tại Viện Bảo Tàng Việt Nam số 1650 Senter Rd, San Jose- CA 95112. Lối vào trên đường Pheland. Tổ chức từ 10 giờ sáng thứ bẩy ngày 5 tháng 4-2014. Nếu không có gì trở ngại, kính mời quý bà, quý cô mặc áo dài, quý vị cựu quân nhân mặc quân phục. Chương trình sẽ thực hiện bằng Anh và Việt ngữ. Mở đầu nghi lễ chào cờ mặc niệm sẽ do toán quốc quân kỳ của US Army. Ban quân nhạc Hoa Kỳ sẽ hòa tấu quốc ca Hoa Kỳ và quốc ca Việt Nam Việt Nam Cộng Hòa. Phần nghi lễ quan trọng nhất là việc mở các tấm vải phủ trên bức tường. Ban tổ chức thực hiện 7 bóng bay lớn có viết chử thảo danh tánh các vị anh hùng. Theo thứ tự ngày giờ hy sinh từng trái bóng và hương linh anh hùng sẽ bay lên trời xanh. Mỗi bóng bay lên là có súng nổ. Khởi đầu là tướng Phạm văn Phú và sau cùng là đại tá Hồ ngọc Cẩn. Phần ý nghĩa nhất cần ghi nhận là lần đầu tiên ban tổ chức mời được tất cả đại diện các gia đình của 7 vị anh hùng từ bốn phương về tham dự. 7 vị tướng lãnh và cấp chỉ huy có danh trên bảng tưởng niệm đã trở thành các anh hùng bất tử tượng trưng cho cả QLVNCH. Đặc biệt các cựu chiến binh của quân đoàn 4, của sư đoàn 7, của tiểu khu Chương Thiện, của sư đoàn 5 BB, của cảnh sát quốc gia đều có thể tìm thấy ý nghĩa thiêng liêng, một chút riêng tư trong tình huynh đệ chi binh. Bài báo này xin gửi đến các bạn như là 1 bản báo cáo và 1 lời ân tình, xin mời đến dự.Bên cạnh bức tường tưởng niệm, còn có 1 biểu tượng hết sức ý nghĩa. Có thêm phần triển lãm một mộ bia lấy từ nghĩa trang quân đội đem về năm 2004. Nếu chưa từng về thăm nghĩa trang quân đội, các bạn sẽ có dịp ghé đến đây thắp 1 nén hương cho người anh hùng tử sĩ vô danh. Một bia mộ đặt ngay tại Việt Museum nhân dịp khánh thành bức tường tưởng niệm. Đây là lễ giỗ 30 tháng 4 dành cho các anh hùng tuẩn tiết. Lễ giỗ muộn màng mà cộng đồng làm chung với gia đình tang gia 39 năm sau. Xin hãy đến 1 lần với buỗi lễ và sẽ nhớ suốt đời vì đã mang ý nghĩa thiêng liêng nối kết mối liên hệ giữa người ra đi trong lòng đất quê hương và người ở lại hải ngoại đến giây phút này. Bia đá đợi chờ, 39 năm sau.
Giao Chỉ San Jose
Làm ngơ sao đành
Lời cảm ơn
Ngày thứ bẩy 5 tháng 4-2014 biệt đoàn văn nghệ Lam Sơn khánh thành bức tường tưởng niệm 7 vị anh hùng VNCH tại Việt Museum. Đây là món quà quý giá nhất dành cho viện bảo tàng ghi dấu 39 năm từ ngày mất miền Nam. Tôi viết bài này 1 lần nữa để cám ơn anh chị em Lam Sơn.
Vấn đáp lịch sử
Vào buổi chiều cuối tháng 3-2014, như thường lệ, lớp tiểu học của các em bé Hoa Kỳ xếp hàng vào thăm Việt Museum. Vòng qua tay mặt, các em xem con tàu vượt biên TÂN PHÁT. Cô giáo đặt giây thừng xuống đất đúng theo kích thước con tàu. 28 em ngồi xuống nền ciment trong khu vực ghi dấu. Tương đương với số người vượt biên năm 1982 trên con tàu đã được vớt.
Ngày thứ bẩy 5 tháng 4-2014 biệt đoàn văn nghệ Lam Sơn khánh thành bức tường tưởng niệm 7 vị anh hùng VNCH tại Việt Museum. Đây là món quà quý giá nhất dành cho viện bảo tàng ghi dấu 39 năm từ ngày mất miền Nam. Tôi viết bài này 1 lần nữa để cám ơn anh chị em Lam Sơn.
Vấn đáp lịch sử
Vào buổi chiều cuối tháng 3-2014, như thường lệ, lớp tiểu học của các em bé Hoa Kỳ xếp hàng vào thăm Việt Museum. Vòng qua tay mặt, các em xem con tàu vượt biên TÂN PHÁT. Cô giáo đặt giây thừng xuống đất đúng theo kích thước con tàu. 28 em ngồi xuống nền ciment trong khu vực ghi dấu. Tương đương với số người vượt biên năm 1982 trên con tàu đã được vớt.
Bài thuyết trình rất ngắn được trình bầy. Sau khi chấm dứt cô giáo hỏi rằng các em đã hiểu rõ chuyện con tàu tự do chưa. Đám trẻ đáp ngay rất ồn ào: yes . .Lại hỏi: Có bao nhiêu người trên con tàu này. Trả lời: 28 người. Có bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam. Một triệu người. Có bao nhiêu người đã chết: 300 ngàn. Tại sao thuyền nhân lại ra đi. Tất cả các em nhỏ đều cất tiếng 1 lượt: Freedom.
Tôi đứng xem cảnh tượng mà xúc động can tràng. Bài học thật ngắn trong giây lát đủ tóm gọn 20 năm lịch sử thuyền nhân Việt Nam. Vì tự do 1 triệu người ra đi, 300 ngàn người chết. Quay sang phía tay phải. Cô giáo nhìn tấm bảng tưởng niệm tạm thời bằng gỗ rồi giảng bài về lịch sử chiến tranh rất ngắn. Chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu người Việt chết. 58 ngàn lính Mỹ chết. Miền Bắc thắng miền Nam. Tháng 4-1975 có nhiều người tự tử. Trong đó là 7 vị có hình trên trên bia tưởng niệm. Bài giảng rất ngắn vừa xong cô giáo hỏi các em. Vietnam war có bao nhiêu lính Mỹ chết. Trả lời 58 ngàn. Bao nhiêu người VN chết. Trả lời 1 triệu người. Tại sao có hình 7 người trên bia này. Một em giơ tay dõng dạc trả trời: Từ chối đầu hàng. Refuge to surrender. Và câu hỏi sau cùng. Những người anh hùng này chết vì lý do gì. Nhiều em giơ tay và cả lớp đồng thanh trả lời: Chết cho quê hương. Die for their country.
Cứ như thế, mỗi tuần 1 hay 2 lần, các lớp tiểu học trong quận Santa Clara thay phiên đến thăm Việt Museum và sẽ học được 2 bài học.
Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa.
Các em đều biết có 58 ngàn lính Mỹ hy sinh tại Việt Nam. Một triệu người Việt từ lính cho đến dân cả 2 bên chết trong chiến tranh. Một triệu người vượt biên, 300 ngàn người chết trên biển. Tại sao lại ra đi. Vì tự do. Có 7 vị anh hùng được khắc tên trên bia đá. Tại sao họ chết. Chết cho quê hương.
Những câu hỏi được đặt ra đã có câu trả lời từ thế hệ Hoa Kỳ tương lai. Các em đã được chỉ dẫn và các em đã ghi nhận. Còn phần quý vị có biết không. Những vấn đáp lịch sử của chúng ta đã thể hiện ngay tại San Jose. Sao ta không ngó lại một lần. Làm ngơ sao đành.
Ngày 30 tháng 4
Mỗi năm tháng 4 lại trở về. Ai cũng có 1 ngày 30 tháng 4. Ngày 30 tháng 4 của tôi là 1 cuộc trốn chạy đau thương dù là ra đi có trật tự trên giang hạm của quân vận. Chẳng kém gì hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khơi lần cuối. Dù là ra đi có trật tự sau lệnh đầu hàng, nhưng cũng vẫn là thua cuộc và tháo chạy.
Ngày 30 tháng 4 của bạn cùng khóa chúng tôi là ngày dẫn đến trình diện, tiếp theo là ngục tù.
Ngày 30 tháng 4 của đa số đồng hương là kinh tế mới, vượt biên và thảm họa biển Đông.
Đối với luật sư Thu Hương ở San Jose 30 tháng 4 là ngày đại tang. Cha cô là tỉnh trưởng hy sinh tại Hậu Nghĩa. Anh trai cô tự sát ngày 30 tháng 4 bằng cây súng của thân phụ.
Đối với cô Kiều Trang, 30 tháng 4-75 là ngày đi tìm xác chồng nhưng không thấy tại chiến trường An Lộc.
30 tháng 4 của cô vợ anh Lộc, không quân 20 tuổi là ngày vác bầu lên phi cơ chuyến sau cùng đi Mỹ một mình. Cô sanh con gái trong trại tỵ nạn. Chồng phi công kẹt lại đi tù rồi trốn trại và bị bắn chết. Hai mươi năm sau mẹ con về tìm mộ đem tro tàn qua Mỹ.
30 tháng 4 là ngày vợ thiếu úy nhẩy dù trại Hoàng Hoa Thám thuê xe chở xác anh về quê chồng Rạch Giá.
30 tháng 4 là ngày cô nha sĩ Sài Gòn sinh ra con gái trên tàu Trường Xuân ngoài khơi Thái Bình Dương.
30 tháng 4 cũa cô Tiểu Quyên là ngày đi chôn người yêu tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
30 tháng 4-75 chấm dứt chiến tranh Việt Nam ghi dấu 1 triệu người chết ở cả 2 bên.
Trong sử Việt những cái chết lẫm liệt nhất dành cho Phan thanh Giản trong Nam và Nguyễn tri Phương, Hoàng Diệu ngoài Bắc.
Và trang sử Việt cận đại ngày 30 tháng 4 dành cho thân nhân các anh hùng tuẫn tiết. Ngày tang của cả gia đình. Cũng là ngày tang của cả Việt Nam Cộng Hòa.
Hàng năm, vào ngày 30 tháng 4 có ít nhất là 7 gia đình tưởng niệm người cha anh hùng của 3 miền Nam Trung Bắc. Năm nay, các gia đình của 7 liệt sĩ không tưởng nhớ cha anh trong cô đơn.
Sau gần 4 thập niên, gối đầu qua 2 thiên niên kỷ, với tấm bia vĩ đại dành cho tập thể anh hùng, cả cộng đồng tham dự tang lễ hồi tưởng. Làm ngơ sao đành.
Diễn tiến buổi lễ
Chúng tôi tưởng tượng và mô tả cho các chiến hữu buổi lễ khánh thành Bức Tường Tưởng Niệm như thế này.
Chiều ngày thứ tư 2 tháng 4-2014 nhân viên viện Bảo Tàng Việt Nam đã thu xếp công trường tạm xong. Hoa đã trồng kín các con đường. Con thuyền thúng bên cạnh thuyền vượt biên đã biến thành thuyền hoa tưởng niệm. Lều đã chuẩn chuẩn bị sẵn đề phòng trời mưa. Tất cả các quan khách chính quyền đã nhận lời tham dự. Thượng nghị sĩ, dân biểu liên bang, tiểu bang, các giám sát viên quận hạt, các nghị viên thành phố.
Ban tổ chức Biệt Đoàn Lam Sơn nghĩ rằng phe ta ai cũng biết rõ 30 tháng 4-75 và những anh hùng bất tử. Lần này cần giới thiệu cho quan khách Hoa Kỳ. Đài truyền hình và báo Mỹ đã dự trù sẽ đến làm tin. 8 giờ sáng thứ năm 3 tháng 4-2014 hãng làm mộ bia chở bức tường từ miền Bắc Cali đem xuống. Hãng cần cẩu từ miền Nam sẽ đến công trường lúc 8 giờ 30.
Cần cẩu dự trù bốc bức tường 8 ngàn pounds đưa qua hàng rào và đặt vào vị trí. Nhà thầu sẽ sơn quét lại bệ tượng đài lần chót. Hoa trắng sẽ trồng chung quanh. Ghế sẽ sắp chỗ cho quan khách, cho gia đình các tử sĩ anh hùng và cho ban quân nhạc Hoa Kỳ.
Ban nhạc sẽ trình diễn quốc ca Mỹ Việt cho phần lễ nghi. Phút mặc niệm sẽ tiếp theo bằng điệu TAP, một ngôn ngữ truy điệu chung dành cho các binh đoàn của thế giới tự do.
Các gia đình tử sĩ anh hùng sẽ được giới thiệu theo thứ tự giây phút hy sinh vào tháng 4-1975.
Tang gia đi trên thảm đỏ với áo cài hoa trắng tiến vào lễ đài. Mỗi gia đình sẽ có 1 bóng bay thật lớn đem theo danh tính của người cha anh hùng lần lượt bay trên trời xanh.
Và sau cùng tất cả các quan khách Việt Mỹ và ban tổ chức cùng mở tấm màn danh dự để khánh thành Bức Tường Tưởng Niệm. Một tác phẩm đầy ý nghĩa thiêng liêng phải chờ đợi 39 năm sau các hậu duệ của chiến sĩ anh hùng mới hoàn tất. Một công trình đầu tiên mở đường cho nhiều bức tường tưởng niệm trên khắp thế giới.
Một buổi lễ đầy ý nghĩa như thế, xin mời chiến hữu đến dự. Đâu là tình huynh đệ chi binh, đâu là tình quân dân cá nước, đâu là những người con cháu bà con thân thuộc của quốc gia nghĩa tử. Làm ngơ sao đành.
Xin đừng hỏi tại sao.
Họp bàn nội bộ với anh chị em Lam Sơn. Có người nói rằng sao Lam Sơn không tìm vị trí khác mà phải xây dựng Bức Tường Tưởng Niệm ở nơi kín cổng cao tường cạnh Việt Museum. Lam Sơn vốn biết rằng dù San Jose đất trời bát ngát nhưng xây dựng bên ngoài, lấy đâu quân số mà canh gác ngày đêm. Chỉ cần homeless và du đãng qua đêm là bức tường danh dự trở thành tường khổ nhục. Chưa nói đến chuyện thù nghịch phá hoại cố ý. Bức tường cạnh Việt Museum là nơi lý tưởng . Có 16 ngàn tử sĩ của Nghĩa trang quân đội hiện diện. Có bia ghi nhớ 300 ngàn thuyền nhân chết ở biển Đông. Có cờ vàng ngày đêm bay phất phới. Có quy chế đóng mở với hàng rào bao quanh, có Ranger tuần tra 24/7.
Lý do an toàn là nhu cầu số 1.
Lại có người hỏi rằng tại sao không có anh em cựu quân nhân đ ảm trách nghi lễ quân cách. Các cháu thưa với Bác rằng, xin phép 1 lần để các hậu duệ tổ chức. Xin các bác cựu chiến binh đóng vai thượng khách ngồi chung với quan khách dân cử. Trước sau những người anh hùng VNCH rồi cũng qua đi như Mc. Arthur đã nói. Xin để các con cháu điều động chiến binh trẻ tuổi Hoa Kỳ rước cờ vàng và cử hành quốc ca VNCH. Đó chính là cây đuốc vàng của tinh thần tổ chức trao lại thế hệ nối tiếp. Các cựu quân nhân anh hùng của VNCH, các chàng trai trẻ tuổi nhất của hàng ng ũ chiến binh miền Nam năm nay ít nhất cũng ngoài 60 tuổi. Đã đến lúc ngồi xuống ghế danh dự, xin con cháu thực sự tổ chức lễ vinh danh.
Đoàn viên Lam Sơn 39 năm trước mới lên 5 lên 10. Có em chưa sinh ra đời. Bọn nhỏ nay làm chuyện lớn. Xin quý niên trưởng vui lòng cho phép. Làm ngơ sao đành.
Giao Chỉ, San Jose
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire