samedi 24 février 2018

HUYỀN THOẠI DẠ LAN

http://hon-viet.co.uk/DaLan.jpg
Dạ Lan 1 (Hoàng thị Xuân Lan)

 http://hon-viet.co.uk/DaLan2.jpg
 HỒNG PHƯƠNG LAN - South Carolina Mỹ Linh


Văn Quang, Viết từ Saigon Friday, 10 June 2011
Tôi không nhớ rõ năm đó là năm nào, có lẽ là những năm 1960. Khi đó, Đại tá Trần Ngọc Huyến làm Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau mới đổi tên là Cục Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Có thể nhận định vị đại tá này là một vị Cục Trưởng trí thức, sáng giá nhất. Chính ông là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội (PTQĐ) và lập tức được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục TLC để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chiến. Và cũng dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên (XNV) được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ XNV của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu. Hai tiếng Dạ Lan có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm (chương trình này được phát vào buổi tối vào lúc 19g). Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ XNV đó cũng lại là Lan, nhưng là Hoàng Thị Xuân Lan nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

Tất nhiên, chương trình của Đài Phát thanh Quân Đội thì do đài này phụ trách phần nội dung. Tất cả bài vở, cách chọn nhạc, chọn tin do tiểu ban Chương Trìnnh Đặc Biệt của Đài này chịu trách nhiệm, tiểu ban này do Đại Úy Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh phụ trách.

Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ XNV khác có giọng nói y hệt XNV cũ khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài PTQĐ cho đến phút chót. Như thế, thời gian chị Mỹ Linh làm XNV Chương trình Dạ Lan khoảng 6-7 năm. Năm 1969, khi tôi về làm Quản Đốc Đài PTQĐ thì chị Mỹ Linh đã làm ở đây rồi. Sau đó anh Mai Trung Tĩnh giải ngũ, Đại Úy Dương Ngọc Hoán làm trưởng ban chương trình và là người phụ trách Chương trình Dạ Lan cũng như Chương trình Đồng Minh Vận. Chị Mỹ Linh hiện đang sống tại Mỹ và thường làm XNV cho các chương trình ca nhạc.


HOÀNGXUÂN LAN - Sài Gòn


HÔNG PHƯƠNG LAN - South Carolina

Nhưng theo tôi thì Chương trình Dạ Lan còn âm vang mãi trong lòng các "anh trai tiền tuyến và em gái hậu phương" mới là quan trọng. Cả hai nữ XNV đều đáng được ghi nhận thành tích như nhau. Còn rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đã từng góp công góp sức cho chương trình này như nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Ngọc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Đức, Văn Đô, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, Đào Duy, Thục Vũ... Các nhà văn, nhà thơ như Huy Phương, Nguyễn Triệu Nam, Nhất Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng (thầy khóa Tư), Dương Phục, Phạm Huấn, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Tô Kiều Ngân... Tôi không thể nhớ hết.
Văn Quang

..................
Đã là người Việt Nam, đã sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, đa số chúng ta, ít ra là một lần, nếu không nói là nhiều lần, đã mở radio để nghe đài QUÂN ĐỘI và lắng nghe CHƯƠNG TRÌNH DẠ LAN.

CHƯƠNG TRÌNH DẠ LAN, một huyền thoại về đời lính, về những người em gái Hậu Phương và các anh trai Tiền Tuyến.

Trong cuốn băng nhạc anh chị Bảy tặng cho tôi, có phần cô Dạ Lan đã giới thiệu về Binh chủng Biệt Động Quân, như sau:

“Biệt Động Quân, những chiến sĩ Mũ Nâu, với huy hiệu “Thần Hổ” oai hùng và dũng cảm, đã làm khiếp đảm quân thù với những chiến thắng ở Bình Long, An Lộc và trên khắp bốn vùng chiến thuật, từ Quảng Trị tới Mũi Cà Mâu, đã làm rạng danh 7 Liên Đoàn Biệt Động Quân, những chiến sĩ vô địch của những trận chiến sình lầy nước đọng”.

Không cần phải là lính “Biệt Động”, chỉ nghe, đọc những lời mà Dạ Lan giới thiệu các chiến sĩ Mũ Nâu, ta đã cảm thấy thích thú và cảm phục những chàng trai Biệt Động rồi, rồi, nói chi mình chính là lính Biệt Động, nghe những lời của cô Dạ Lan, hãnh diện biết là bao!

Đặc biệt, cô Dạ Lan đã nói về Nguyễn Ngọc Lân như sau:

“Noi gương những bậc đàn anh, như Trung Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, Nguyễn Văn Dần, Tiểu Đoàn 44 Biệt Động Quân và những anh hùng Mũ Nâu Vô Danh khác, Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân, Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân đã một sớm lên đường thề quyết thi hành nhiệm vụ của người trai thời loạn.

Tiễn đưa anh, có lời hứa sắt son của người em gái hậu phương sẽ kiên trì chờ đợi anh trở về trong chiến thắng vinh quang.

Nhưng, người chiến sĩ Biệt Động Quân đó đã ra đi mãi mãi tại chiến trường Bình Long, để lại sau lưng cả một vùng trời thương tiếc”.

Bài hát này, Dạ Lan xin gởi tặng cho các anh chiến sĩ Biệt Động Quân kiêu hùng”.

Bài hát đã hay, nhưng lời giới thiệu mới là hay hơn nữa.

Tôi nhắm mắt nghe từng tiếng hát của Hoàng Oanh, nghe từng nốt nhạc của Văn Phụng, tưởng chừng như mình đang ở Pleiku, đóng quân ở làng Thanh An.

Thời đó, tôi cũng đã nghe chương trình Dạ Lan và những bài hát về Lính. Lời nói của Dạ Lan thật là êm nhẹ, ngọt ngào, đã gởi những bài hát tình cảm, những bản hùng ca đi vào lòng người chiến binh.
Chương trình Dạ Lan đã đến với các anh trai tiền tuyến từ năm 1964 cho đến ngày cuối cùng của đời người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Nguyễn Khắp Nơi 

https://i.ytimg.com/vi/AskZKDRTsBc/hqdefault.jpg

Viết thêm về trường hợp Dạ Lan

1962: Theo đơn xin, tôi được chấp thuận đổi ra Ðài Ðông Hà, tôi rủ Trung Úy Ðặng Trí Hoàn (nhà thơ Hà Huyền Chi) đi theo làm phụ tá Quản Ðốc Ðài. Thời gian này chúng tôi tuyển cô Hoàng Xuân Lan, một nữ sinh ở Ðà Nẵng làm xướng ngôn viên. Cô Xuân Lan này sau đó về Saigon phụ trách chương trình Dạ Lan rất nổi tiếng trên Ðài Phát Thanh Quân Ðội.

1971: Mới về coi Nha Vô Tuyến Truyền Thanh 2 tuần thì một buổi sáng cô Hoàng Xuân Lan, tức Dạ Lan 1… gặp tôi, xin vào làm tại Đài Phát Thanh Saigon. Lúc đó không trống chỗ xướng ngôn viên, nhưng tôi biết khả năng của cô Hoàng Xuân Lan, người em gái hậu phương năm nào xa xưa … gửi thư tới chị Linh Lan trên Văn Nghệ Tiền Phong, “nhờ chuyển thơ cho … thi sĩ nhất tuấn”
Ngày ở Đài Đông Hà, cô còn nhỏ tuổi, tôi để Sỹ Quan Phụ Tá Đài chỉ bảo cho cô, coi như người em. Sau này về Saigon, cô đang nổi danh tột cùng trong chương trình Dạ Lan thì bị báo chí ( ký giả Tô Văn chủ chốt, rồi nhiều báo khác ùa vào… hội chợ ) chỉ trích hàng loạt. Tôi khi đó không làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội, nhưng thấy Đài không một ai lên tiếng.
Huy P., Mai Trung T., Nhật Trường, Dương Ngọc H. …đâu cả rồi ? Cả Nha Chiến Tranh Tâm Lý, cũng yên lặng. Khó hiểu !

Tôi đơn phương nhẩy vào trận chiến và đã viết một bài khá dài kể lại hết kỷ niệm của Hoàng Xuân Lan với đài Phát Thanh Đông Hà, khi có Hà Huyền Chi, nhất tuấn ở đó.
Tôi quen gia đình cô Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1, biết cụ thân sinh và 2 bà chị của Dạ Lan 1 ở Đà Nẵng. Lâu quá, quên rồi, nhớ loáng thoáng ... bài của nhất tuấn là bài duy nhất bênh Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1 ngày đó in trên tuần báo Điện Ảnh của anh Mai Châu. Ngay sau đó, thân phụ cô Dạ Lan 1 từ Đà Nẵnng vào gặp và cám ơn tôi cùng thiết tha gửi Dạ Lan 1 cho tôi.

- Ông Đại Úy đã cho cháu làm việc từ Đông Hà. Cháu nó còn dại lắm, nay nó vào Saigòn xin ông đại úy giúp đỡ dậy bảo cháu..

Cô Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1 vào ngành phát thanh sau cô Dạ Lan 2 (Hồng Phương Lan-Mỹ Linh) cả 5 năm nhưng ngay cả khi làm chức vụ Kiểm Soát Viên Phát Thanh, dưới quyền giáo sư Lã Quý N. ( bạn tôi) cô cũng làm việc rất đàng hoàng. Gần đây, anh Hoàng Hải Thủy có đăng hình Dạ Lan 1. Tấm hình này , khi nhà nhiếp ảnh tài danh Nguyễn Kỳ, (người đã chụp rất nhiều hình cho quý vị nữ sinh Trung Vương giữa thập niên 1950 và cho cả Dạ Lan 1 giữa thập niên 1960), anh Nguyễn Kỳ qua Mỹ trễ, liên lạc với tôi, hỏi địa chỉ Dạ Lan 1, tôi cho số điện thoại ngay… và hai người liên lạc lại tốt đẹp.

Ký giả Anh Vân (Take2Tango) cùng viết với tôi trên Văn nghệ Tiền Phong Hải Ngoại và Tiểu Thuyết Nguyệt San của anh Hồ Anh (thời gian thi sĩ Hoàng Anh Tuấn làm với Hồ Anh, trước các anh Hà Bỉnh Trung, Hoàng Ngọc Liên, đã kỳ công làm được cuộc phỏng vấn và kiếm tấm hình Dạ Lan 2 posted trên Take2Tango .

Ôi nếu viết về Dạ Lan 1 và Dạ Lan 2 thì liên miên .

Còn những bài thơ Đêm Ngà Ngọc…

“….Giấc ngủ đông dài em đã dậy
Hoa đăng bừng sáng giữa trời mê
Tình dâng lấp kín Đêm Ngà Ngọc
Hương dạ lan xưa biển gọi về.

Thôi khóc chi em ngày tháng cũ
Ngàn sau xin đổi một đêm nay
Đây hồn đã trải xin em ngự
Rót hết cho nhau những đắng cay.

Sa mạc nghìn trùng anh đã khát
Từng âm thanh nhỏ của yêu đương…”

ĐHCT
(Gác trọ tháng 10/1988)

Tháng Tư Đen, có một người tù , sau hơn 13 năm nơi Đại Học Máu , thóat chết bao lần…bơ vơ giữa cuộc đổi đời, trên căn gác trọ nghèo nàn …tương tự như trường hợp Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh đang muốn chết đi, bỗng gặp và ân ái với vợ của Đoàn chính Thuần. Thế cho nên, Đoàn Chính Thuần tưởng chính là bố của công tử Đoàn Dự, vua lăng ba vi bộ, nghĩa đệ của Kiều Phong, Bang Chúa Cái Bang. Ai có ngờ đâu….

Ôi viết về Dạ Lan 1 và Dạ Lan 2 thì liên miên . .

Người vào nghề Phát Thanh năm 1957- 1958 thì là Dạ Lan 2, người vào nghề sau 1962 lại là Dạ Lan 1. Thế là thế nào?... Mà sự thực chính là như vậy !!

Tác giả giờ đây cũng lẫn lộn về tâm trí từ 2004 (bệnh Alzhmer), không sao nhớ chắc về ngày tháng, chi tiết.
Nhưng còn nhớ khá rõ:

Cả hai Dạ Lan 1 va Dạ Lan 2 hiện còn sống.

Dạ Lan 1 nổi danh với Chương trình Dạ Lan (64-66) thì ở với Đài Phát Thanh Quốc Gia Saigon tới phút chót, khi Ông Vũ Ánh bàn giao Đài cho Bắc Quân, rồi sau đó ... nổi trôi theo mệnh nước. Hiện có con gái (cháu Từ Ngọc Ánh Ngọc cùng gia đình ở Pháp).
Còn bà mẹ cháu, Dạ Lan 1 khi ở trong Chùa, khi ở trọ, làm công tác Thiện Nguyện, vẫn suốt đời trân quý những ngày tháng trong ngành Phát Thanh từ Đông Hà (1962) tới Saigon, tới Dalat, từ 2 đài Quân Đội tới 2 Đài Phát Thanh Quốc Gia.

Dạ Lan 2 nổi danh với chương trình Dạ Lan từ 1967 toi 1975, đã phục vụ Đài Quân Đội từ 1957 tới Tháng Tư Đen 1975 .
Dạ Lan 2 , nhân viên, cũng như Văn Quang, Quản Đốc Đài, cùng kẹt lại ở ở VN chịu bao gian khổ như mọi người. May mà sau này, ông chồng Dạ Lan 2 và vài người con trai liều chết vượt biên nên sau đó Dạ Lan 2 và con nhỏ ket lại cũng đoàn tụ cùng gia đình ở Mỹ. Bây giờ Dạ Lan 2 vẫn làm việc thiện nguyện khi có đoàn thể nào xa, gần ... nhờ tới Dạ Lan 2 để làm xướng ngôn viên cho các chương trình đặc biệt. Có thời gian khá lâu, nghe nói khi qua Mỹ, Dạ Lan 2 dậy tiếng Việt cho những người Mỹ.

Cả 2 Dạ Lan 1 va Dạ Lan 2 đều còn sống.

Cả những người coi Đài Quân Đội va Quốc Gia liên hệ tới 2 Dạ Lan còn sống: các cựu Trung Tá Nguyễn Văn Thúy, Phạm Hậu, Văn Quang ...

Những người liên hệ tới Chương Trình Dạ Lan (Đài Quân Đội) và Dạ Lan 1:
Thi sĩ Hà Huyền Chi, Đỗ Duy Chương, Dương Ngọc Hoán, Nguyễn Văn Nam, còn sống cả.

Ông Nguyễn Kỳ, người chụp hình Dạ Lan 1 vào năm 1964 và sau này qua Mỹ tìm liên lạc được với Dạ Lan 1 (2007/2008?) v/v tấm hình lịch sử ngày đó, cũng còn sống mà.

Ông Vũ Ánh người bàn giao Đài Phát Thanh Quốc Gia/Saigon, 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 cho CSBV còn sống mà.

Dạ Lan 2: Đài Quân Đội với các ông cựu Quản Đốc Vũ Quang Ninh, Vũ Đức Minh, Phạm Hậu, Văn Quang còn sống cả mà. Cứ từ từ tìm hiểu ngọn ngành.

Nên giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp của Miền Nam.
Các Biên Tập Viên/Phóng Viên của cả 2 Đài ... họ giỏi lắm lắm. Những Kỹ Thuật Viên, các chuyên viên Chương Trình họ cũng giỏi, rất giỏi về chuyên môn và rất yêu nghề. Họ, Hành Chánh Quản Trị, Chương Trình hay Kỹ Thuật của cả hai Đài PTQĐ, PT Quốc Gia đã cùng chịu muôn ngàn hung hiểm qua những biến cố của Đài hồi Tết Mậu Thân (1968) và những trận đánh ngoài chiến trường..Mùa Hè Đỏ Lửa......
Luôn cả khi họ ra Hà Nội 1973 ( Dương Phục, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam (xin coi Phạm Huấn & Nguyễn Đình Tòan trong sách : Một Ngày Tại Hà Nội)

Dạ Lan 2, một trong vài người thâm niên nhất trong ngành Phát Thanh Quân Đội, từ Phần Phát Thanh Quân Đội Huế, rồi tới Đài Phát Thanh Quân Đội/Saigon 1957, khi trụ sở Đài còn ở Hồng Thập Tự, lúc nhất tuấn cũng như Văn Quang người Pleiku, người ở Quy Nhơn, đều chưa làm Phát Thanh thời gian đó.

Sau Tháng Tư Đen Văn Quang vào Trại Cải Tạo, Dạ Lan 2 cùng bạn đồng nghiệp Phát Thanh Quân Đội cũng nếm đủ vinh nhục, trải bao dâu biển.

Nhưng chỉ có Dạ Lan 1, Dạ Lan 2 cùng Văn Quang và Vũ Ánh là sống chết với Đài Phát Thanh Quốc Gia & Đài Phát Thanh Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam thân yêu của chúng ta tới phút cuối cùng.

Hy vọng trước khi chết, nhất tuấn sẽ viết thêm về những người rất đặc biệt của ngành Phát Thanh như Huy Quang Vũ Đức Vinh, Văn Quang và Vũ Ánh, những người mà nhất tuấn vẫn rất kính phục, biết ơn và cầu nguyện cho họ.

Lại... Ướt Mi !!

(tôi cung cấp địa chỉ số điện thoại của hai vị phu nhân DL 1 DL 2… Vì nay họ gần & ngoài 70 tuổi .
Mong Khánh Ly.Net/Phố Xưa có dịp mời họ họp mặt hàn huyên với các cựu quân nhân & Gia Đình Quân Nhân và tất cả chúng ta, những người đã và vẫn quý mến Chương Trình Dạ Lan) (*)

Phạm Hậu
(04/2005)



(*) Bài này đã đăng trong Kỷ Yếu của Vô Tuyến Truyền Thanh (04/2005) . Hôm nay, 12/02/2009 , chúng tôi liên lạc lạc với đại úy Dương N Hoán và Trung Tá Văn Quang, những người phục vụ tại Đài Phát Thanh Quân Đội tới 30/4/75, hỏi thêm chi tiết, cũng như đọc bài của ký giả Anh Vân nên sửa lại, lý do bài trước chúng tôi viết có nhiều chỗ khiếm khuyết vì nhớ sai sau thời gian xa Đài Phát Thanh Quân Đội quá lâu. Và viết thêm về Dạ Lan 1, khi cô bị báo chí Saigon ngày đó đả kích.
Xin quý vị độc giả lượng thứ, và xin tùy nghi đọc thêm bài của ký giả Anh Vân về Dạ Lan 2 trên website : Take2 Tango, mục Thiên Hạ Sự và chọn số 3.
Người ntuấn giúp để có hình Dạ Lan 1 là ông Nguyễn Kỳ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại Saigon trước 1975. Không phải là nhà văn Hoàng Hải Thủy!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire