lundi 18 juillet 2016

Tiếng Vọng từ Vực Sâu? - T. Vấn

https://vietcongonline.files.wordpress.com/2016/05/149.jpgNgày 30 tháng 6 năm 2016, nhà nước Cộng sản Việt Nam tổ chức họp báo công bố nguyên nhân vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng biển Vũng Áng khiến từ ba tháng nay, các sinh vật dưới đáy đại dương nằm chết trắng một dãy biển miền Trung Việt Nam.
Thủ phạm chính không ai khác hơn là nhà máy Formosa. Không ai ngạc nhiên về tên thủ phạm. Ai cũng biết từ lâu, kể cả các viên chức chóp bu Cộng sản VN.
Các viên chức nhà nước chủ trì cuộc họp báo thông báo cho người dân biết rằng nhờ nỗ lực của họ, công ty Formosa đã nhận lỗi và hứa bồi thường 500 triệu đô la Mỹ về những thiệt hại họ đã gây ra. Đổi lại, chính quyền CS sẽ miễn truy tố trách nhiệm hình sự công ty, vì “Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng“.

Tiếng Vọng từ Vực Sâu ? 
Tác giả: T. Vấn - Hạt Sương Khuya trình bày 

 Bỏ qua một bên sự vi phạm pháp lý trầm trọng của nhà nước Việt Nam khi chấp nhận thỏa hiệp này mà chắc chắn đề tài sẽ còn được bàn thảo rộng khắp trên các diễn đàn dân sự, ở đây chỉ muốn nói đến con số bồi thường 500 triệu đô la Mỹ của Formosa mà các viên chức nhà nước vui mừng chấp nhận.
Căn cứ vào đâu để có con số 500 triệu đô la thiệt hại?
Về vật chất, ngoài những nạn nhân trực tiếp là người dân vùng Vũng Áng, sự ô nhiễm môi trường biển Việt Nam mà Formosa gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các bữa cơm hàng ngày của mọi gia đình Việt Nam, cả ở trong nước đến hải ngoại. Bữa cơm nào có thể thiếu muối, thiếu nước mắm? Cao hơn nữa, thiếu cá, thiếu tôm, thiếu các sinh vật khác từ biển? Và thời gian của sự thiệt hại gây ra bởi sinh vật biển và sản phẩm biển bị nhiễm độc kéo dài bao lâu? 1 năm? 5 năm? 30 năm? Hay còn hơn nữa?
Rồi những hệ quả không thể tránh khỏi của môi trường bị ô nhiễm đến sức khỏe người dân, gây nên các bệnh tật khó chữa, đến việc sinh con đẻ cái bị dị tật, bị mắc những chứng bệnh hiểm nghèo bẩm sinh do cha mẹ bị nhiễm độc v..v..  Con số 30 năm của thời gian thiệt hại đầy cảm tính nhắc đến ở trên chắc không chỉ thuần cảm tính và chắc không chỉ có 30 năm, không chỉ một thế hệ, không chỉ khoanh lại ở một vùng Vũng Áng.
Chỉ mới nghĩ vội như thế, đã thấy con số 500 triệu đô la quả là một trò đùa tàn nhẫn.
Còn thiệt hại tâm lý gây ra do những ảnh hưởng vật chất ấy sẽ như thế nào ?
Người Việt Nam nào không sôi máu khi đọc từ bản tin của VnEpress dẫn lời bộ trưởng Trần Hồng Hà “còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự…”.
Không cần thiết là bao nhiêu ư? Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ hay sao? Đã nghiên cứu tường tận, tìm hiểu đến nơi đến chốn chưa mà dám bảo “không cần thiết là bao nhiêu”.
Ô nhiễm môi trường là thảm họa khủng khiếp còn hơn thiên tai, hạn hán, còn hơn chiến tranh thế giới, vì hậu quả của nó không chỉ ngừng lại trước những chấn thương vật lý, tâm lý trước mắt, mà kéo dài qua nhiều thế hệ, nhiều khu vực địa lý khác nhau.
Hãy nhìn lại thảm họa vụ nổ nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô năm 1986. Nhà văn Belarus Svetlana Alexievich, giải thưởng văn chương Nobel 2015, đã có tác phẩm “Tiếng vọng từ Chernobyl” 
https://anhbasam.files.wordpress.com/2016/07/h110.jpg?w=338&h=450
(Voices from Chernobyl) ghi chép lời kể của hơn 500 nhân chứng sống sót về những thiệt hại vật chất, tâm lý, truyền sinh, do thảm họa môi trường này gây ra.
Đọc “Tiếng Vọng từ Chernobyl”*, rồi đối chiếu với những gì xẩy ra ở Việt Nam liên quan đến thảm họa môi trường Vũng Áng trong 3 tháng qua, người đọc dễ dàng đi đến một kết luận: Chính quyền Cộng Sản, dù ở đâu, dù ở bất cứ thời điểm nào, cũng đều độc ác với dân như nhau. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ vững quyền lực; phúc lợi của người dân, của thuộc cấp là thứ yếu.
Bưng bít, dối trá, lừa đảo, bạo lực đàn áp, là những thuộc tính không thể thiếu của một chế độ Cộng sản, Liên Xô hay Việt Nam, 1986 hay 2016.
Khi người dân lên tiếng phản đối sự vô cảm của nhà cầm quyền, thì Đảng cộng sản Liên Xô bảo là do các “thế lực phương Tây” kích động. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam thì bảo là do “một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân”.
Ai không rùng mình khi nghĩ đến, rồi đây:
Liệu những nạn nhân trực tiếp chết cái chết thảm khốc của Chernobyl 1986 sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016? Nên nhớ, những nạn nhân này không chết ngay mà phải đợi 2 hay 3 năm sau căn bệnh mới phát tác.
Liệu những đứa trẻ dị tật, dị dạng, chết non của Chernobyl 1986 sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
Liệu những khu vực cư dân không thể sinh sống, những khu vực canh tác bất khiển dụng ở Chernobyl kéo dài mãi đến hôm nay sẽ có phiên bản ở một dãy bờ biển Việt Nam từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
Liệu những nỗi đau khổ của kẻ sống sót ở Chernobyl 1986, gây trầm cảm, điên loạn, và “hội chứng Chernobyl” hoành hành, sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
Liệu các quan chức Hà Tĩnh, Đà Nẵng đã tắm biển, ăn cá nướng để trấn an người dân rằng biển, cá an toàn, rồi đây cũng sẽ chịu đựng cùng một số phận cay đắng như những viên chức đảng ủy Belarus đã vì cúc cung phục vụ cấp trên nhằm giữ vững chức quyền lợi lộc, để rồi ngày nay đau xót nhìn con, nhìn cháu mình chết vì nhiễm độc, chính mình mang mặc cảm phạm tội suốt đời?
Còn nhiều lắm những gì xẩy ra ở Chernobyl 30 năm trước nay lại đang xẩy ra ở Việt Nam: quan tham lại những ăn hối lộ để con buôn tuồn hàng hóa, thực phẩm chứa đầy độc chất ra ngoài, ăn chận ăn bớt vật phẩm cứu trợ ( rồi đây trong số 500 triệu đô la Mỹ bồi thường của Formosa, sẽ có bao nhiêu đến được tay nạn nhân trực tiếp?) v..v…
Liệu rồi đây, chúng ta sẽ có tiếng vọng từ Vũng Áng, tiếng vọng từ Việt Nam, hay Tiếng Vọng từ Vực Sâu?
Liệu Vực sâu Chernobyl nhãn tiền có khiến chúng ta kinh sợ để không dám nghĩ đến vực sâu Vũng Áng, vực sâu Việt Nam?
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! (Kiều)
T.Vấn

https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/01/8954-tieng-vong-tu-vuc-sau/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire