Giữa Tàn Phai - Hoàng Nga - Hồng Vân diễn đọc
Giữa Tàn Phai
Để nhớ ba mươi năm Quỳnh tạ thế.
Tôi nói với Hà, tôi đã kể hết chuyện “mối tình tay ba” giữa hai đứa với anh chàng học cùng trường cho ông anh tôi nghe rồi. Hà nói, mi kể chi dị rứa. Nhưng lát sau Hà lại hỏi, rồi ổng nói răng. Tôi cười. Nói tau với mi bỏ hắn là đúng rồi. Mi không bị la chi hết hả? Không. Ra chơi, Hà chép miệng, ông anh mi dân trường tây, coi bộ phóng khoáng hơn anh chị tau. Tôi đáp, chắc tại ổng đang yêu.
Trưa Hà theo tôi về nhà. Tôi bảo Hà lên lầu trước, còn mình thì chạy xuống bếp dặn chị người làm mang cơm lên cho hai đứa. Lúc tới bậc thang cuối cùng, thấy Hà còn đứng tựa lan can ở đó, tôi ngạc nhiên, ủa răng mi đứng đây. Hà không trả lời, mà hỏi lại, hồi nãy, phải ông anh mi vừa đi xuống đó không. Ông mô? Nhà tôi ngoài ông anh ruột, ba mẹ tôi còn nuôi thêm hai ông anh con cậu và con cô. Một ông lớn, hai ông ngang tuổi nhau. Hà bảo ông mang kính cận. Tôi ừ. Hà hỏi lại, ổng ở Sài gòn mới về hả. Tôi lại ừ. Tôi đã kể cho Hà nghe khá nhiều về anh tôi, nhưng đây mới là lần đầu Hà nhìn thấy anh. Tôi và Hà, thân nhau lâu, nhưng có một khoảng thời gian khá dài không cùng học chung lớp, cũng không chơi với nhau. Hai đứa giận nhau. Đúng ra Hà giận tôi, vì tôi đổi đi lớp khác. Mấy năm sau, có dịp học cùng, lại có dịp yêu chung một “thằng”. Nhường qua nhường lại như cải lương. Cuối cùng hai đứa quyết định thực hiện câu Mường Mán viết cho báo Tuổi Ngọc, khoác áo gấm cho tình bạn, khoác vải thô cho tình yêu.
Thuở mười sáu, mười bảy tuổi, bày đặt nói chuyện tình yêu, nhưng chưa đứa nào biết tới cái nắm tay, nụ hôn. Áo gấm, vải thô nghe mà nhức nhối. Trưa hôm đó, tôi thấy Hà có vẻ hơi là lạ. Lúc hai đứa đang học chung bài lượng giác, Hà bỗng đòi nghỉ ngang, điều chưa bao giờ Hà làm. Tôi nói, tau nghi ngày mai ông Bích kêu tau lên bảng quá, ổng hằm hè tau từ tuần trước rồi, biểu, tôi nghe đồn cô học giỏi lắm mà tôi chưa thấy chi hết. Hà thở ra, tự nhiên buồn quá mi ơi. Học không vô.
Tôi thả bút xuống bàn học. Học không vô thiệt. Nên ông thầy mới hằm hè tôi. Nên hồi đầu năm cha hiệu trưởng mới gọi Hà vào văn phòng, la một trận, tự dưng mà con học xuống dốc như vậy là sao! Hà và tôi, mỗi đứa một lớp, lúc nào cũng đứng chon von, chót vót trên mấy chục đứa trong nhiều năm. Học chung lại với nhau, lo áo gấm vải thô, mấy tháng liền, chẳng đứa nào lấy nổi cái bảng danh dự. Ngày nào gặp nhau cũng nói, phải chỉnh đốn lại tư tưởng, phải lo học nhiều hơn. Nhưng cuối cùng cả hai đều không chỉnh đốn, không lo gì cả.
Buổi chiều Hà về rồi, ông anh tôi đi uống cà phê với bạn, trước khi ra khỏi nhà, anh quay lại. Hà đó hả, lớn, dễ thương ghê. Tôi cười, làm thinh. Sáng hôm sau, Hà hẹn tôi ở quán phở đầu phố. Khi tôi đạp xe đến, Hà đã đứng chờ ở ngưỡng cửa nhà Hiền, đối diện với tiệm phở. Hiền cũng chơi chung với chúng tôi, thân với Hà hơn. Tuy nhiên không như hai đứa, Hiền quả như cái tên của mình, nhút nhát, rụt rè. Và cũng không như tôi với Hà, già trước tuổi đến hằng bao nhiêu năm; đám bạn chúng tôi nói, hai con bây lạ dễ sợ. Chuyện yêu chung một thằng con trai của tôi và Hà đã làm nhiều đứa ngạc nhiên. Ngẩn ngơ. Về sau, biết chúng tôi làm thơ và tập viết lách, đám con gái ngưỡng phục hết mình. Hà đã rủ tôi viết chung một cuốn tiểu thuyết. Mười sáu tuổi, hai đứa làm chuyện không tưởng được –chúng tôi viết chuyện tình. Nhưng không phải về chuyện anh chàng “bắt cá hai tay”. Mỗi ngày chúng tôi thay nhau “feiulleton” một đoạn tình yêu tuổi mới lớn. Không nắm tay và không hôn nhau. Độc giả là lũ con gái cũng chưa biết yêu, chưa biết nắm tay. Phê bình cũng là cả bọn. Một đứa làm nhiệm vụ thư ký, tẩn mẩn ghi chép, đứa khác đem đi copy về làm của riêng.
Sáng hôm ấy, vừa khóa xe, tôi vừa nói với Hà, ông anh tau khen mi dễ thương. Từ phía sau lưng tôi, Hà nói, rứa hả. Rồi làm thinh. Tôi tưởng Hà không chú ý, hay nghĩ ngợi gì đến anh, câu nói của anh, nhưng đến lúc đã gọi xong thức ăn, Hà bỗng ngó tôi. Hôm qua mi nói ông anh mi đang yêu phải không. Tôi cười. Không phải đang, mà yêu lâu rồi, chừ mới được trả lời. Ai? Hà hỏi. Tôi loay hoay lau hai đôi đũa cho hai đứa, đáp. Quỳnh, mi biết Quỳnh không? Hà chớp mắt, quay đi ngó người bồi bàn đang mang phở ra cho chúng tôi. Chị của Mai Hương phải không. Tôi ừ. Hà nhận xét, mặt con nớ dễ thương, nhưng cái miệng ngó hơi đỏng đảnh. Tôi gật đầu. Quỳnh đẹp hơn.
Quỳnh, Lâm Du Ngọc Quỳnh, chị của Mai Hương, suốt cả thời mới lớn, ông anh tôi ngồi đâu đó sau lưng trong lớp học, vẫn mơ ước hàng trăm lần, hàng ngàn lần được nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, được vuốt khẽ lên làn suối tóc đen mượt, được nói những ngôn từ yêu thương với người con gái ấy... Nhưng vẫn ngày hai buổi bao nhiêu năm như thế, anh cứ chỉ là người con trai lặng yên ở phía sau. Cứ đi về không ánh mắt, nụ cười Quỳnh đuổi theo.
Mãi cho đến về sau này, khi không còn chịu nổi cái không khí lớp học mà mấy mươi năm sau, anh bảo sặc mùi thực dân, rồi mãi cho đến lúc bỏ trường lớp đi rồi, anh mới được nghe một vài âm vọng từ phía Quỳnh.
Tôi nói với Hà, anh kể chuyện anh và Quỳnh cho tôi nghe sau khi tôi thành khẩn khai ra chuyện tay ba của ba đứa chúng tôi. Hà uống ngụm sữa đậu nành. Lát sau mới hỏi lại. Hiện tại là hai người đang yêu nhau? Tôi chậc lưỡi. Tau không rõ. Nhưng chắc là đang yêu nhau.
Hà không nói gì. Nên tôi cũng thôi, không kể thêm. Hai đứa im lặng rất lâu như những hôm về học, đạp xe đi cả đoạn đường dài, mà chỉ nhìn nắng rớt rơi trên những tàn cây. Đến lúc đã tính tiền xong, chuẩn bị rời khỏi quán, Hà mới chuyển đề tài, trở lại chuyện học hành, nhắc tôi về cái dự tính sau này sẽ đi du học của hai đứa.
Tháng chín. Miền trung không có mùa thu, nhưng thị xã tôi vào lúc ấy, bầu trời không còn trong xanh, cũng không có những hôm lãng đãng mây trắng. Mà âm u xám và buồn như màu sữa pha. Từ chỗ tôi hay đứng trong cửa sổ mỗi ngày, đã không còn có thể nhìn thấy được chóp ngọn Hải Vân. Con sông chạy quanh thành phố, cũng đục ngầu phù sa, và những ngôi nhà nằm dọc bờ bên kia, đối diện trường học tôi, chỉ còn thấp thoáng, lờ mờ ẩn hiện như trong tranh vẽ.
Tháng chín, lớp học chúng tôi có vài ba xáo trộn. Nhà trường nhận thêm năm bảy học sinh mới, tản cư từ mặt trận Thường Đức, mùa hè năm ngoái về. Tôi nói với Hà, gia đình tôi chắc sẽ dọn vào Sàigòn. Ba mẹ tôi đang kiếm mua nhà ở đó. Hà ngạc nhiên. Mẹ tau cũng đang tính dọn đi. Chắc không đợi hết niên khóa. Hà bảo. Nghe, tôi liền bật lên tiếng kêu. Mừng rỡ. Rứa mà tau cứ lo từ bữa ông bà già tính chuyện. Sợ xa mi, không dám kể sớm. Hà nói. Tau cũng tưởng mỗi đứa sẽ ở một nơi. Bà già tau nghĩ, ở đây chắc không còn yên nữa đâu.
Ở đây, thành phố tôi sinh ra, lớn lên, và gắn bó như gắn bó với một người tình. Nơi tôi, Hà và gia đình hai đứa đã từng tính toan sẽ để chúng tôi rời khỏi khi xong trung học, sang tít tắp một nơi nào đó bên kia trời tây, nhưng thật sự, chắc chắn không bao giờ tính toan đến chuyện chúng tôi sẽ không quay về. Nên hẳn nhiên, cả hai chúng tôi, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ bỏ lại sau lưng khung trời đầy ăm ắp kỷ niệm như vậy.
Cả khi chiến tranh loang ra như một vết dầu, mấp mé đến tận thành phố -mùa hè trước đó, cậu tôi mất tích trong một trận đánh lớn cách thị xã không xa- nhưng chúng tôi vẫn không làm sao tưởng tượng nổi người lớn, mẹ Hà, ba tôi nghĩ rằng thị xã sẽ không còn là nơi nương náu tốt cho chúng tôi. Hằng ngày, người lớn nói chuyện về chiến tranh, và toan tính chạy trốn đến những nơi an toàn hơn, chúng tôi cũng đã từng lo sợ theo, nhưng ở cái lứa tuổi nào đó, con người ta chỉ có thể mơ hồ cảm nhận, chỉ có thể loáng thoáng nhìn thấy điều gì đó chẳng lành. Và ngày ngày, vẫn rân ran quán xá nào mới mở, quần áo, thời trang nào mới ra. Tôi và Hà, như người lớn, bắt chước người lớn, túi rủng rỉnh tiền cha mẹ cho, không cần bọn con trai, tự đưa nhau đi uống nước ở những quán cà phê sang nhất thị xã, những nơi có tên Tây, không khí Tây, với đèn mờ, với dương cầm, với lò sưởi, với thảm lót sàn... Thư chị tôi từ Frankfurt, Darmstadt gửi về, làm hai đứa còn mường tượng đến một chân trời xa rộng hơn. Tôi chỉnh đốn, đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ đều đặn, siêng năng hơn. Hà bảo lần này vào Sàigòn, hai đứa phải đồng ý chuyện để gia đình mua xe máy cho hai đứa chạy. Hà nói. Đường xá Sàigòn xa, tới lui học hành chung với nhau dễ hơn. Trước, cả tôi lẫn Hà đều phản đối cật lực, đều chỉ muốn đến trường bằng xe đạp để áo dài, tóc dài vờn bay.
Tháng chín, chiều tan học, vẫn những tàn mơ trên các con đường về nhà, tôi và Hà vẫn luôn chọn con đường xa nhất, nhiều bóng cây nhất để đạp xe đi chung với nhau. Cuộc sống vẫn yên bình, ngọt ngào và đáng yêu như truyện, như thơ trong quãng đời chúng tôi làm thiếu nữ.
Tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra, có một sáng tháng chín, tôi đã đến trường trong một nỗi kinh hoàng. Bầu trời đã buồn bã, và tối xám như không còn hôm nào tối xám hơn vậy. Tôi đi học muộn. Gặp Hà ở ngưỡng cửa phòng khánh tiết. Thường, đứa tới trễ sẽ hỏi han bạn trước, nhưng hôm ấy tôi không cách gì mở nổi nửa lời. Tôi sững người ra ngó Hà. Tôi sững người ra nhìn tà áo Hà trắng toát nổi bật bên cạnh khung cửa nâu đen. Và tôi đã đứng sững, như người chết.
Hà nhìn tôi, ngạc nhiên, có chuyện chi mà mặt mày mi ngó ủ dột dữ. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi muốn nói. Quỳnh chết rồi, nhưng không cách gì nói được. Tôi cứ đứng trơ ra đó. Và mãi cho đến sau này, tôi cũng nhớ rõ là bao lâu, tôi mới báo được cái tin dữ ấy cho Hà. Chẳng biết tôi đã nói với Hà bằng những từ ngữ nào, mà chỉ nhớ giọng Hà kêu lên rất thảng thốt. Quỳnh mô? Mắt Hà mở lớn như không hiểu được tôi đang đề cập đến chuyện gì. Ở độ tuổi chúng tôi thuở ấy, cái chết, hoàn toàn là chuyện không mường tượng nổi, huống chi người chết trẻ, như Quỳnh, là Quỳnh.
Dạ tôi thót lại. Tôi đáp. Quỳnh, Ngọc Quỳnh. Giọng Hà bàng hoàng. Chúa ơi! Răng rứa? Tôi không trả lời được. Hà hỏi lại. Có thiệt là Quỳnh không? Tôi quay đi, lần này thì tôi thật sự không dám ngó Hà nữa. Tôi sợ sẽ bật khóc. Tôi ôm chặt lấy cặp sách vào ngực, nói vội. Thiệt. Không tặc.
Không tặc, rớt máy bay, chuyện vừa mới làm bàng hoàng cả thị xã, cả nước chỉ cách đấy mấy ngày. Nhiều người trí thức và có địa vị của thị xã chúng tôi đã chết trong chuyến bay oan nghiệt ấy. Nhiều người. Nhưng chúng tôi chỉ nghe tiếng tăm của họ, không quen. Chỉ có Quỳnh. Chỉ có Quỳnh thôi. Tiếng Hà bên tai tôi nghi ngờ. Có thiệt là Quỳnh không mi? Rồi Hà lại hỏi. Nhưng mà răng lại là Quỳnh?
Sao lại là Quỳnh? Sao lại là những người không oán thù gì với ai như vậy. Tôi làm sao có thể biết được. Quỳnh làm sao có thể biết được. Chẳng ai có thể biết được. Cái chết thường đến bất ngờ, nhưng người ta chết vì có kẻ muốn cướp máy bay, muốn sang chiến tuyến khác giữa thời điểm hai miền nam bắc giao tranh ác liệt như vậy, với người lớn, với kẻ gây ra tang tóc chiến tranh, có ý nghĩa như thế nào, và tại sao, thì những đứa con gái như tôi, như Hà, như Quỳnh thuở ấy, làm sao có thể hiểu được.
Tôi không đáp được thêm lời nào. Chúng tôi không biết nên nói gì với nhau thì đúng hơn, nên cứ đứng lặng yên ngay giữa lối đi. Bình thường vào giờ đó, chúng tôi sẽ chộn rộn kéo nhau ra một góc sân, ồn ào tán dóc chuyện trên trời dười biển, từ truyền hình, phim ảnh, đến sách vở, áo quần, thời trang. Hoặc không thì hai đứa sẽ lao nhao đi theo đám bạn nghịch ngợm chọc ghẹo bọn con trai cùng lớp. Sáng hôm ấy, chuyện tôi đem tới, không chỉ đơn giản, buồn, đối với hai đứa; không chỉ bất ngờ, mà đã vượt lên trên mọi thứ. Có điều gì đó, hơn cả sự sợ hãi, hơn cả nỗi cùng khủng vây lấy chúng tôi.
Lát sau chừng như Hà có vẻ bình tĩnh lại. Hà nhỏ giọng, hèn chi sáng ni tau gặp con Mai Hương ngoài cổng, mắt đỏ hoe.
Cái câu Hà nói, thật hết sức bình thường, vô cùng bình thường, nhưng đã hơn ba mươi năm trôi qua mà tôi vẫn nghe như ở đâu đây. Vẫn bên tai, thật gần. Rất gần. Vẫn như trước mặt mình là hình ảnh em gái Quỳnh đâu đó ngoài sân trường. Vẫn cái tà áo trắng của Mai Hương, của Hà trắng toát giữa bầu trời mù. Vẫn hiển hiện cách rõ ràng cái không khí ảm đạm của một buổi sáng tháng chín trong tôi.
Khi vụ không tặc xảy ra, tôi không nhớ rõ lắm vào lúc nào, buồi sáng hay chiều. Chỉ nhớ quanh chúng tôi, người lớn bàn tán xôn xao về những nhân vật quan trọng, những người thuộc giới trí thức bị nạn trên chuyến bay ấy. Chiếc Boeing bốn trăm lẻ bảy. Chiếc máy bay nổ trên không bằng một quả lựu đạn rồi rơi xuống đất giữa đường bay từ thị xã tôi vào thủ đô. Kẻ gây ra cái chết của nhiều người vô tội ấy, tôi nhớ rất rõ, không còn trẻ, nhưng cũng không đủ già để có thể gọi là người chán đời, không còn muốn sống. Con người ấy, chắc chắn đã biết mình muốn điều gì, làm điều gì, và có lẽ rất tỉnh táo, nên khi nhận ra viên phi công không làm đúng lịnh anh ta yêu cầu -bay ra Bắc; đã làm nổ tung quả lựu đạn tháo chốt sẵn cầm trên tay, kết liễu cuộc đời không chỉ riêng mình bản thân anh ta, mà tất cả mọi người có mặt.
Tôi nói với Hà, anh tôi vừa về đến nhà chiều qua. Vài ngày trước đó, anh mới từ thị xã vào Sàigòn. Mới vừa hẹn với Quỳnh sẽ đi thăm khi Quỳnh vào đến nơi. Những tháng năm dài, chờ đợi một cái ngoái đầu, một nụ cười, ánh mắt quay lại, tưởng nghỉ hè xong, vào lại thủ đô lần này, anh và Quỳnh sẽ có nhiều thời gian ngọt ngào đằm thắm với nhau. Nhưng không. Cái định mệnh tàn khốc đã đến với anh, với Quỳnh. Như một vệt sáng tắt ngấm, một đốm lửa tàn trong đêm tối. Quỳnh biến mất ra khỏi cuộc đời, biến mất vĩnh viễn đột ngột, bàng hoàng ra khỏi anh, giấc mơ anh.
Tôi kể cho Hà nghe, sáng hôm anh thức dậy, chuẩn bị đi học, và chuẩn bị tối ấy sẽ đến thăm Quỳnh, thì nghe radio đưa tin không tặc. Chuyến bay từ thị xã vào Sàigòn đã rớt cánh nửa đường. Thông tấn xã Việt Nam đọc danh sách người tử nạn ngay lúc anh vừa chân trong chân ngoài ngưỡng cửa. Một người trong những bạn bè anh, cùng ở chung nhà trọ, nói lớn, chờ chút. Rồi tiếp liền sau đó, tụi bây im lặng, để coi có người quen của mình hay không. Bạn anh nói, không biết đùa hay thật; nhưng khi nghe, anh cũng dừng lại đôi giây. Và rồi anh chăm chú. Anh nghe từng cái tên được xướng lên. Anh nhận ra. Không, chẳng có ai quen. Chẳng có ai thân.
Chẳng có ai hết. Chỉ trừ một người. Chỉ trừ một cái tên anh từng gọi hằng bao nhiêu lần trong mơ, hằng bao nhiêu lần trong trí. Anh sững sờ chết lặng ở ngưỡng cửa. Anh mở mắt to nhìn vào trong nhà. Anh không thấy ai. Mọi người chừng cũng không ai thấy anh. Không ai dám thấy anh.
Cái tên đã vang lên như một cơn bão. Như một tiếng sét. Như một phát súng. Bắn trúng vào giữa trái tim anh. Anh kinh hãi. Rồi anh bàng hoàng.
Tôi nói với Hà. Xác Quỳnh cháy xám đen. Co quắp. Tôi kể cho Hà nghe. Nhiều người đã chết trong tư thế như vậy. Giống hệt như Quỳnh. Gần như chẳng còn ai có thể nhận ra xác người thân mình. Gần như chẳng có ai có thể phân biệt được xác Quỳnh với xác những người cùng chết với Quỳnh. Anh cũng nói, anh không thể nào còn nhận ra Quỳnh. Quỳnh dịu dàng. Quỳnh mềm mỏng. Quỳnh dễ thương của anh. Anh không thể nào tưởng tượng được hình hài nằm đó, xác người nằm đó, giữa những hình hài, những xác người, là Quỳnh.
Anh xanh mướt như một tàu lá khi về đến thị xã. Cả nhà tôi không ai dám hỏi han anh. Như bạn bè anh đến thăm đã không dám tỏ bày với anh điều gì. Mẹ tôi lắng lo nhìn anh lên lên xuống xuống, đi đi về về. Lặng lẽ như một bóng câm. Tối tối anh ngồi giữa vùng ánh sáng nhạt nhòa. Bài hát thật buồn, thật đớn đau cứ quay đi quay lại. Hai vai anh có khi rung, khi rũ xuống như một thân lá chết. Đừng bỏ em một mình, đường về nghĩa trang mênh mông...
Cuộc sống khép lại như bức màn sân khấu khép lại sau lưng chúng tôi. Chiều tháng chín năm xưa, tôi và Hà theo anh đi thăm mộ Quỳnh, từ trên đồi thông cao đứng nhìn xuống mặt biển bao la và cát trắng, hai đứa đã ngẩn ngơ tự hỏi, bên kia cái chết là gì. Hà viết cho anh mấy trang giấy vở học trò. Tôi thay anh làm thơ. Cho Quỳnh. Tháng chín tôi về với em. Cơn mưa rớt hạt nặng thêm nỗi lòng... Cả hai chúng tôi, đều bồng bềnh như trên những đám mây như vậy suốt bao nhiêu ngày tháng dài.
Ba mươi năm sau, Hà viết thư cho tôi. Người ta đang kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng miền nam. Ba mươi năm đã qua đi trong cuộc đời của hai đứa bọn mình, ngày xưa, cái chết nó ghê gớm quá đối với chúng ta, nhưng tau đang nghĩ, phải chi mình được chết ngay từ lúc trẻ như Quỳnh, chắc có lẽ, đã còn hơn. Chắc có lẽ, đã thảnh thơi.
Chắc có lẽ. Tôi trả lời Hà như vậy. Và buồn tênh nhìn lại những đoạn đời mình và bạn đã qua đi, tự hỏi, có còn nỗi nhọc nhằn nào hơn những nỗi nhọc nhằn, những tháng năm cùng khủng hai đứa từng trải hay chăng. Hà viết, ở đây nhiều khi nghe Trịnh Công Sơn, Lặng Lẽ Nơi Này, mà tau không thể ngăn được giọt nước mắt cứ ứa ra ở đầu mi.
Tôi phương trời xa, cũng chỉ một góc trời, một góc đời mòn mỏi. Tôi viết trả lời Hà. Định mệnh chưa bao giờ nở nổi nửa nụ cười, cuộc sống chưa bao giờ phóng khoáng nuông chiều hai đứa, nên chắc có lẽ, cái chết cũng sẽ không đến dễ dàng và không thảnh thơi với cả hai chúng ta đâu.
Hà hẹn tôi, về đây đi, tau với mi bay về thị xã, hai đứa mướn xe đạp, đi lại những con đường mình đã đi, tới những nơi mình đã tới. Rồi leo cả những con dốc mình từng leo. Để, kẻo lực sắp tàn, hơi sắp kiệt, làm sao có thể sống lại một thời, Nga ơi!
Trước khi gác máy, Hà rủ tôi về thăm mộ Quỳnh. Tôi ừ. Hứa hẹn với Hà chuyến về. Gác máy xong, tôi ngồi nhìn lặng vào bóng đêm như nhìn những tàn phai của cuộc đời; nhớ đến lời Hà. Lực sắp tàn, hơi sắp kiệt. Và tôi tự hỏi lòng, nhưng còn bao lâu nữa thì chúng tôi mới đến được nơi Quỳnh đã đến?
Để nhớ ba mươi năm Quỳnh tạ thế.
Tôi nói với Hà, tôi đã kể hết chuyện “mối tình tay ba” giữa hai đứa với anh chàng học cùng trường cho ông anh tôi nghe rồi. Hà nói, mi kể chi dị rứa. Nhưng lát sau Hà lại hỏi, rồi ổng nói răng. Tôi cười. Nói tau với mi bỏ hắn là đúng rồi. Mi không bị la chi hết hả? Không. Ra chơi, Hà chép miệng, ông anh mi dân trường tây, coi bộ phóng khoáng hơn anh chị tau. Tôi đáp, chắc tại ổng đang yêu.
Trưa Hà theo tôi về nhà. Tôi bảo Hà lên lầu trước, còn mình thì chạy xuống bếp dặn chị người làm mang cơm lên cho hai đứa. Lúc tới bậc thang cuối cùng, thấy Hà còn đứng tựa lan can ở đó, tôi ngạc nhiên, ủa răng mi đứng đây. Hà không trả lời, mà hỏi lại, hồi nãy, phải ông anh mi vừa đi xuống đó không. Ông mô? Nhà tôi ngoài ông anh ruột, ba mẹ tôi còn nuôi thêm hai ông anh con cậu và con cô. Một ông lớn, hai ông ngang tuổi nhau. Hà bảo ông mang kính cận. Tôi ừ. Hà hỏi lại, ổng ở Sài gòn mới về hả. Tôi lại ừ. Tôi đã kể cho Hà nghe khá nhiều về anh tôi, nhưng đây mới là lần đầu Hà nhìn thấy anh. Tôi và Hà, thân nhau lâu, nhưng có một khoảng thời gian khá dài không cùng học chung lớp, cũng không chơi với nhau. Hai đứa giận nhau. Đúng ra Hà giận tôi, vì tôi đổi đi lớp khác. Mấy năm sau, có dịp học cùng, lại có dịp yêu chung một “thằng”. Nhường qua nhường lại như cải lương. Cuối cùng hai đứa quyết định thực hiện câu Mường Mán viết cho báo Tuổi Ngọc, khoác áo gấm cho tình bạn, khoác vải thô cho tình yêu.
Thuở mười sáu, mười bảy tuổi, bày đặt nói chuyện tình yêu, nhưng chưa đứa nào biết tới cái nắm tay, nụ hôn. Áo gấm, vải thô nghe mà nhức nhối. Trưa hôm đó, tôi thấy Hà có vẻ hơi là lạ. Lúc hai đứa đang học chung bài lượng giác, Hà bỗng đòi nghỉ ngang, điều chưa bao giờ Hà làm. Tôi nói, tau nghi ngày mai ông Bích kêu tau lên bảng quá, ổng hằm hè tau từ tuần trước rồi, biểu, tôi nghe đồn cô học giỏi lắm mà tôi chưa thấy chi hết. Hà thở ra, tự nhiên buồn quá mi ơi. Học không vô.
Tôi thả bút xuống bàn học. Học không vô thiệt. Nên ông thầy mới hằm hè tôi. Nên hồi đầu năm cha hiệu trưởng mới gọi Hà vào văn phòng, la một trận, tự dưng mà con học xuống dốc như vậy là sao! Hà và tôi, mỗi đứa một lớp, lúc nào cũng đứng chon von, chót vót trên mấy chục đứa trong nhiều năm. Học chung lại với nhau, lo áo gấm vải thô, mấy tháng liền, chẳng đứa nào lấy nổi cái bảng danh dự. Ngày nào gặp nhau cũng nói, phải chỉnh đốn lại tư tưởng, phải lo học nhiều hơn. Nhưng cuối cùng cả hai đều không chỉnh đốn, không lo gì cả.
Buổi chiều Hà về rồi, ông anh tôi đi uống cà phê với bạn, trước khi ra khỏi nhà, anh quay lại. Hà đó hả, lớn, dễ thương ghê. Tôi cười, làm thinh. Sáng hôm sau, Hà hẹn tôi ở quán phở đầu phố. Khi tôi đạp xe đến, Hà đã đứng chờ ở ngưỡng cửa nhà Hiền, đối diện với tiệm phở. Hiền cũng chơi chung với chúng tôi, thân với Hà hơn. Tuy nhiên không như hai đứa, Hiền quả như cái tên của mình, nhút nhát, rụt rè. Và cũng không như tôi với Hà, già trước tuổi đến hằng bao nhiêu năm; đám bạn chúng tôi nói, hai con bây lạ dễ sợ. Chuyện yêu chung một thằng con trai của tôi và Hà đã làm nhiều đứa ngạc nhiên. Ngẩn ngơ. Về sau, biết chúng tôi làm thơ và tập viết lách, đám con gái ngưỡng phục hết mình. Hà đã rủ tôi viết chung một cuốn tiểu thuyết. Mười sáu tuổi, hai đứa làm chuyện không tưởng được –chúng tôi viết chuyện tình. Nhưng không phải về chuyện anh chàng “bắt cá hai tay”. Mỗi ngày chúng tôi thay nhau “feiulleton” một đoạn tình yêu tuổi mới lớn. Không nắm tay và không hôn nhau. Độc giả là lũ con gái cũng chưa biết yêu, chưa biết nắm tay. Phê bình cũng là cả bọn. Một đứa làm nhiệm vụ thư ký, tẩn mẩn ghi chép, đứa khác đem đi copy về làm của riêng.
Sáng hôm ấy, vừa khóa xe, tôi vừa nói với Hà, ông anh tau khen mi dễ thương. Từ phía sau lưng tôi, Hà nói, rứa hả. Rồi làm thinh. Tôi tưởng Hà không chú ý, hay nghĩ ngợi gì đến anh, câu nói của anh, nhưng đến lúc đã gọi xong thức ăn, Hà bỗng ngó tôi. Hôm qua mi nói ông anh mi đang yêu phải không. Tôi cười. Không phải đang, mà yêu lâu rồi, chừ mới được trả lời. Ai? Hà hỏi. Tôi loay hoay lau hai đôi đũa cho hai đứa, đáp. Quỳnh, mi biết Quỳnh không? Hà chớp mắt, quay đi ngó người bồi bàn đang mang phở ra cho chúng tôi. Chị của Mai Hương phải không. Tôi ừ. Hà nhận xét, mặt con nớ dễ thương, nhưng cái miệng ngó hơi đỏng đảnh. Tôi gật đầu. Quỳnh đẹp hơn.
Quỳnh, Lâm Du Ngọc Quỳnh, chị của Mai Hương, suốt cả thời mới lớn, ông anh tôi ngồi đâu đó sau lưng trong lớp học, vẫn mơ ước hàng trăm lần, hàng ngàn lần được nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, được vuốt khẽ lên làn suối tóc đen mượt, được nói những ngôn từ yêu thương với người con gái ấy... Nhưng vẫn ngày hai buổi bao nhiêu năm như thế, anh cứ chỉ là người con trai lặng yên ở phía sau. Cứ đi về không ánh mắt, nụ cười Quỳnh đuổi theo.
Mãi cho đến về sau này, khi không còn chịu nổi cái không khí lớp học mà mấy mươi năm sau, anh bảo sặc mùi thực dân, rồi mãi cho đến lúc bỏ trường lớp đi rồi, anh mới được nghe một vài âm vọng từ phía Quỳnh.
Tôi nói với Hà, anh kể chuyện anh và Quỳnh cho tôi nghe sau khi tôi thành khẩn khai ra chuyện tay ba của ba đứa chúng tôi. Hà uống ngụm sữa đậu nành. Lát sau mới hỏi lại. Hiện tại là hai người đang yêu nhau? Tôi chậc lưỡi. Tau không rõ. Nhưng chắc là đang yêu nhau.
Hà không nói gì. Nên tôi cũng thôi, không kể thêm. Hai đứa im lặng rất lâu như những hôm về học, đạp xe đi cả đoạn đường dài, mà chỉ nhìn nắng rớt rơi trên những tàn cây. Đến lúc đã tính tiền xong, chuẩn bị rời khỏi quán, Hà mới chuyển đề tài, trở lại chuyện học hành, nhắc tôi về cái dự tính sau này sẽ đi du học của hai đứa.
Tháng chín. Miền trung không có mùa thu, nhưng thị xã tôi vào lúc ấy, bầu trời không còn trong xanh, cũng không có những hôm lãng đãng mây trắng. Mà âm u xám và buồn như màu sữa pha. Từ chỗ tôi hay đứng trong cửa sổ mỗi ngày, đã không còn có thể nhìn thấy được chóp ngọn Hải Vân. Con sông chạy quanh thành phố, cũng đục ngầu phù sa, và những ngôi nhà nằm dọc bờ bên kia, đối diện trường học tôi, chỉ còn thấp thoáng, lờ mờ ẩn hiện như trong tranh vẽ.
Tháng chín, lớp học chúng tôi có vài ba xáo trộn. Nhà trường nhận thêm năm bảy học sinh mới, tản cư từ mặt trận Thường Đức, mùa hè năm ngoái về. Tôi nói với Hà, gia đình tôi chắc sẽ dọn vào Sàigòn. Ba mẹ tôi đang kiếm mua nhà ở đó. Hà ngạc nhiên. Mẹ tau cũng đang tính dọn đi. Chắc không đợi hết niên khóa. Hà bảo. Nghe, tôi liền bật lên tiếng kêu. Mừng rỡ. Rứa mà tau cứ lo từ bữa ông bà già tính chuyện. Sợ xa mi, không dám kể sớm. Hà nói. Tau cũng tưởng mỗi đứa sẽ ở một nơi. Bà già tau nghĩ, ở đây chắc không còn yên nữa đâu.
Ở đây, thành phố tôi sinh ra, lớn lên, và gắn bó như gắn bó với một người tình. Nơi tôi, Hà và gia đình hai đứa đã từng tính toan sẽ để chúng tôi rời khỏi khi xong trung học, sang tít tắp một nơi nào đó bên kia trời tây, nhưng thật sự, chắc chắn không bao giờ tính toan đến chuyện chúng tôi sẽ không quay về. Nên hẳn nhiên, cả hai chúng tôi, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ bỏ lại sau lưng khung trời đầy ăm ắp kỷ niệm như vậy.
Cả khi chiến tranh loang ra như một vết dầu, mấp mé đến tận thành phố -mùa hè trước đó, cậu tôi mất tích trong một trận đánh lớn cách thị xã không xa- nhưng chúng tôi vẫn không làm sao tưởng tượng nổi người lớn, mẹ Hà, ba tôi nghĩ rằng thị xã sẽ không còn là nơi nương náu tốt cho chúng tôi. Hằng ngày, người lớn nói chuyện về chiến tranh, và toan tính chạy trốn đến những nơi an toàn hơn, chúng tôi cũng đã từng lo sợ theo, nhưng ở cái lứa tuổi nào đó, con người ta chỉ có thể mơ hồ cảm nhận, chỉ có thể loáng thoáng nhìn thấy điều gì đó chẳng lành. Và ngày ngày, vẫn rân ran quán xá nào mới mở, quần áo, thời trang nào mới ra. Tôi và Hà, như người lớn, bắt chước người lớn, túi rủng rỉnh tiền cha mẹ cho, không cần bọn con trai, tự đưa nhau đi uống nước ở những quán cà phê sang nhất thị xã, những nơi có tên Tây, không khí Tây, với đèn mờ, với dương cầm, với lò sưởi, với thảm lót sàn... Thư chị tôi từ Frankfurt, Darmstadt gửi về, làm hai đứa còn mường tượng đến một chân trời xa rộng hơn. Tôi chỉnh đốn, đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ đều đặn, siêng năng hơn. Hà bảo lần này vào Sàigòn, hai đứa phải đồng ý chuyện để gia đình mua xe máy cho hai đứa chạy. Hà nói. Đường xá Sàigòn xa, tới lui học hành chung với nhau dễ hơn. Trước, cả tôi lẫn Hà đều phản đối cật lực, đều chỉ muốn đến trường bằng xe đạp để áo dài, tóc dài vờn bay.
Tháng chín, chiều tan học, vẫn những tàn mơ trên các con đường về nhà, tôi và Hà vẫn luôn chọn con đường xa nhất, nhiều bóng cây nhất để đạp xe đi chung với nhau. Cuộc sống vẫn yên bình, ngọt ngào và đáng yêu như truyện, như thơ trong quãng đời chúng tôi làm thiếu nữ.
Tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra, có một sáng tháng chín, tôi đã đến trường trong một nỗi kinh hoàng. Bầu trời đã buồn bã, và tối xám như không còn hôm nào tối xám hơn vậy. Tôi đi học muộn. Gặp Hà ở ngưỡng cửa phòng khánh tiết. Thường, đứa tới trễ sẽ hỏi han bạn trước, nhưng hôm ấy tôi không cách gì mở nổi nửa lời. Tôi sững người ra ngó Hà. Tôi sững người ra nhìn tà áo Hà trắng toát nổi bật bên cạnh khung cửa nâu đen. Và tôi đã đứng sững, như người chết.
Hà nhìn tôi, ngạc nhiên, có chuyện chi mà mặt mày mi ngó ủ dột dữ. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi muốn nói. Quỳnh chết rồi, nhưng không cách gì nói được. Tôi cứ đứng trơ ra đó. Và mãi cho đến sau này, tôi cũng nhớ rõ là bao lâu, tôi mới báo được cái tin dữ ấy cho Hà. Chẳng biết tôi đã nói với Hà bằng những từ ngữ nào, mà chỉ nhớ giọng Hà kêu lên rất thảng thốt. Quỳnh mô? Mắt Hà mở lớn như không hiểu được tôi đang đề cập đến chuyện gì. Ở độ tuổi chúng tôi thuở ấy, cái chết, hoàn toàn là chuyện không mường tượng nổi, huống chi người chết trẻ, như Quỳnh, là Quỳnh.
Dạ tôi thót lại. Tôi đáp. Quỳnh, Ngọc Quỳnh. Giọng Hà bàng hoàng. Chúa ơi! Răng rứa? Tôi không trả lời được. Hà hỏi lại. Có thiệt là Quỳnh không? Tôi quay đi, lần này thì tôi thật sự không dám ngó Hà nữa. Tôi sợ sẽ bật khóc. Tôi ôm chặt lấy cặp sách vào ngực, nói vội. Thiệt. Không tặc.
Không tặc, rớt máy bay, chuyện vừa mới làm bàng hoàng cả thị xã, cả nước chỉ cách đấy mấy ngày. Nhiều người trí thức và có địa vị của thị xã chúng tôi đã chết trong chuyến bay oan nghiệt ấy. Nhiều người. Nhưng chúng tôi chỉ nghe tiếng tăm của họ, không quen. Chỉ có Quỳnh. Chỉ có Quỳnh thôi. Tiếng Hà bên tai tôi nghi ngờ. Có thiệt là Quỳnh không mi? Rồi Hà lại hỏi. Nhưng mà răng lại là Quỳnh?
Sao lại là Quỳnh? Sao lại là những người không oán thù gì với ai như vậy. Tôi làm sao có thể biết được. Quỳnh làm sao có thể biết được. Chẳng ai có thể biết được. Cái chết thường đến bất ngờ, nhưng người ta chết vì có kẻ muốn cướp máy bay, muốn sang chiến tuyến khác giữa thời điểm hai miền nam bắc giao tranh ác liệt như vậy, với người lớn, với kẻ gây ra tang tóc chiến tranh, có ý nghĩa như thế nào, và tại sao, thì những đứa con gái như tôi, như Hà, như Quỳnh thuở ấy, làm sao có thể hiểu được.
Tôi không đáp được thêm lời nào. Chúng tôi không biết nên nói gì với nhau thì đúng hơn, nên cứ đứng lặng yên ngay giữa lối đi. Bình thường vào giờ đó, chúng tôi sẽ chộn rộn kéo nhau ra một góc sân, ồn ào tán dóc chuyện trên trời dười biển, từ truyền hình, phim ảnh, đến sách vở, áo quần, thời trang. Hoặc không thì hai đứa sẽ lao nhao đi theo đám bạn nghịch ngợm chọc ghẹo bọn con trai cùng lớp. Sáng hôm ấy, chuyện tôi đem tới, không chỉ đơn giản, buồn, đối với hai đứa; không chỉ bất ngờ, mà đã vượt lên trên mọi thứ. Có điều gì đó, hơn cả sự sợ hãi, hơn cả nỗi cùng khủng vây lấy chúng tôi.
Lát sau chừng như Hà có vẻ bình tĩnh lại. Hà nhỏ giọng, hèn chi sáng ni tau gặp con Mai Hương ngoài cổng, mắt đỏ hoe.
Cái câu Hà nói, thật hết sức bình thường, vô cùng bình thường, nhưng đã hơn ba mươi năm trôi qua mà tôi vẫn nghe như ở đâu đây. Vẫn bên tai, thật gần. Rất gần. Vẫn như trước mặt mình là hình ảnh em gái Quỳnh đâu đó ngoài sân trường. Vẫn cái tà áo trắng của Mai Hương, của Hà trắng toát giữa bầu trời mù. Vẫn hiển hiện cách rõ ràng cái không khí ảm đạm của một buổi sáng tháng chín trong tôi.
Khi vụ không tặc xảy ra, tôi không nhớ rõ lắm vào lúc nào, buồi sáng hay chiều. Chỉ nhớ quanh chúng tôi, người lớn bàn tán xôn xao về những nhân vật quan trọng, những người thuộc giới trí thức bị nạn trên chuyến bay ấy. Chiếc Boeing bốn trăm lẻ bảy. Chiếc máy bay nổ trên không bằng một quả lựu đạn rồi rơi xuống đất giữa đường bay từ thị xã tôi vào thủ đô. Kẻ gây ra cái chết của nhiều người vô tội ấy, tôi nhớ rất rõ, không còn trẻ, nhưng cũng không đủ già để có thể gọi là người chán đời, không còn muốn sống. Con người ấy, chắc chắn đã biết mình muốn điều gì, làm điều gì, và có lẽ rất tỉnh táo, nên khi nhận ra viên phi công không làm đúng lịnh anh ta yêu cầu -bay ra Bắc; đã làm nổ tung quả lựu đạn tháo chốt sẵn cầm trên tay, kết liễu cuộc đời không chỉ riêng mình bản thân anh ta, mà tất cả mọi người có mặt.
Tôi nói với Hà, anh tôi vừa về đến nhà chiều qua. Vài ngày trước đó, anh mới từ thị xã vào Sàigòn. Mới vừa hẹn với Quỳnh sẽ đi thăm khi Quỳnh vào đến nơi. Những tháng năm dài, chờ đợi một cái ngoái đầu, một nụ cười, ánh mắt quay lại, tưởng nghỉ hè xong, vào lại thủ đô lần này, anh và Quỳnh sẽ có nhiều thời gian ngọt ngào đằm thắm với nhau. Nhưng không. Cái định mệnh tàn khốc đã đến với anh, với Quỳnh. Như một vệt sáng tắt ngấm, một đốm lửa tàn trong đêm tối. Quỳnh biến mất ra khỏi cuộc đời, biến mất vĩnh viễn đột ngột, bàng hoàng ra khỏi anh, giấc mơ anh.
Tôi kể cho Hà nghe, sáng hôm anh thức dậy, chuẩn bị đi học, và chuẩn bị tối ấy sẽ đến thăm Quỳnh, thì nghe radio đưa tin không tặc. Chuyến bay từ thị xã vào Sàigòn đã rớt cánh nửa đường. Thông tấn xã Việt Nam đọc danh sách người tử nạn ngay lúc anh vừa chân trong chân ngoài ngưỡng cửa. Một người trong những bạn bè anh, cùng ở chung nhà trọ, nói lớn, chờ chút. Rồi tiếp liền sau đó, tụi bây im lặng, để coi có người quen của mình hay không. Bạn anh nói, không biết đùa hay thật; nhưng khi nghe, anh cũng dừng lại đôi giây. Và rồi anh chăm chú. Anh nghe từng cái tên được xướng lên. Anh nhận ra. Không, chẳng có ai quen. Chẳng có ai thân.
Chẳng có ai hết. Chỉ trừ một người. Chỉ trừ một cái tên anh từng gọi hằng bao nhiêu lần trong mơ, hằng bao nhiêu lần trong trí. Anh sững sờ chết lặng ở ngưỡng cửa. Anh mở mắt to nhìn vào trong nhà. Anh không thấy ai. Mọi người chừng cũng không ai thấy anh. Không ai dám thấy anh.
Cái tên đã vang lên như một cơn bão. Như một tiếng sét. Như một phát súng. Bắn trúng vào giữa trái tim anh. Anh kinh hãi. Rồi anh bàng hoàng.
Tôi nói với Hà. Xác Quỳnh cháy xám đen. Co quắp. Tôi kể cho Hà nghe. Nhiều người đã chết trong tư thế như vậy. Giống hệt như Quỳnh. Gần như chẳng còn ai có thể nhận ra xác người thân mình. Gần như chẳng có ai có thể phân biệt được xác Quỳnh với xác những người cùng chết với Quỳnh. Anh cũng nói, anh không thể nào còn nhận ra Quỳnh. Quỳnh dịu dàng. Quỳnh mềm mỏng. Quỳnh dễ thương của anh. Anh không thể nào tưởng tượng được hình hài nằm đó, xác người nằm đó, giữa những hình hài, những xác người, là Quỳnh.
Anh xanh mướt như một tàu lá khi về đến thị xã. Cả nhà tôi không ai dám hỏi han anh. Như bạn bè anh đến thăm đã không dám tỏ bày với anh điều gì. Mẹ tôi lắng lo nhìn anh lên lên xuống xuống, đi đi về về. Lặng lẽ như một bóng câm. Tối tối anh ngồi giữa vùng ánh sáng nhạt nhòa. Bài hát thật buồn, thật đớn đau cứ quay đi quay lại. Hai vai anh có khi rung, khi rũ xuống như một thân lá chết. Đừng bỏ em một mình, đường về nghĩa trang mênh mông...
Cuộc sống khép lại như bức màn sân khấu khép lại sau lưng chúng tôi. Chiều tháng chín năm xưa, tôi và Hà theo anh đi thăm mộ Quỳnh, từ trên đồi thông cao đứng nhìn xuống mặt biển bao la và cát trắng, hai đứa đã ngẩn ngơ tự hỏi, bên kia cái chết là gì. Hà viết cho anh mấy trang giấy vở học trò. Tôi thay anh làm thơ. Cho Quỳnh. Tháng chín tôi về với em. Cơn mưa rớt hạt nặng thêm nỗi lòng... Cả hai chúng tôi, đều bồng bềnh như trên những đám mây như vậy suốt bao nhiêu ngày tháng dài.
Ba mươi năm sau, Hà viết thư cho tôi. Người ta đang kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng miền nam. Ba mươi năm đã qua đi trong cuộc đời của hai đứa bọn mình, ngày xưa, cái chết nó ghê gớm quá đối với chúng ta, nhưng tau đang nghĩ, phải chi mình được chết ngay từ lúc trẻ như Quỳnh, chắc có lẽ, đã còn hơn. Chắc có lẽ, đã thảnh thơi.
Chắc có lẽ. Tôi trả lời Hà như vậy. Và buồn tênh nhìn lại những đoạn đời mình và bạn đã qua đi, tự hỏi, có còn nỗi nhọc nhằn nào hơn những nỗi nhọc nhằn, những tháng năm cùng khủng hai đứa từng trải hay chăng. Hà viết, ở đây nhiều khi nghe Trịnh Công Sơn, Lặng Lẽ Nơi Này, mà tau không thể ngăn được giọt nước mắt cứ ứa ra ở đầu mi.
Tôi phương trời xa, cũng chỉ một góc trời, một góc đời mòn mỏi. Tôi viết trả lời Hà. Định mệnh chưa bao giờ nở nổi nửa nụ cười, cuộc sống chưa bao giờ phóng khoáng nuông chiều hai đứa, nên chắc có lẽ, cái chết cũng sẽ không đến dễ dàng và không thảnh thơi với cả hai chúng ta đâu.
Hà hẹn tôi, về đây đi, tau với mi bay về thị xã, hai đứa mướn xe đạp, đi lại những con đường mình đã đi, tới những nơi mình đã tới. Rồi leo cả những con dốc mình từng leo. Để, kẻo lực sắp tàn, hơi sắp kiệt, làm sao có thể sống lại một thời, Nga ơi!
Trước khi gác máy, Hà rủ tôi về thăm mộ Quỳnh. Tôi ừ. Hứa hẹn với Hà chuyến về. Gác máy xong, tôi ngồi nhìn lặng vào bóng đêm như nhìn những tàn phai của cuộc đời; nhớ đến lời Hà. Lực sắp tàn, hơi sắp kiệt. Và tôi tự hỏi lòng, nhưng còn bao lâu nữa thì chúng tôi mới đến được nơi Quỳnh đã đến?
*
* *
* *
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire