vendredi 22 juillet 2016

Nhạc Sĩ Vinh Sử - (Giờ Thy Lan - Nụ Hồng Tạ Ơn)

Vinh Su 
Nhạc Sĩ Vinh Sử - (Giờ Thy Lan - Nụ Hồng Tạ Ơn)

Nhạc Sĩ Vinh Sử 1
Nhạc Sĩ Vinh Sử 2 

Gia cảnh và tình trạng sức khỏe mới nhất của hai Nhạc Sĩ Vinh Sử và Phùng Trọng giờ ra sao? (Trần Quốc Bảo) 

Loạt bài tuần này, người viết xin ghi lại cuộc điện đàm mới nhất cuộc phỏng vấn 2 nhạc sĩ: Vinh Sử và Phùng Trọng, hai trong số những nhạc sĩ nổi tiếng ở Sàigòn trước 75 nay đang gặp cảnh ngặt nghèo. Nhạc sĩ Vinh Sử vừa trải qua cơn giải phẩu cơn bệnh ung thư ruột già và hiện chỉ còn 52 kg vì Anh chỉ có thể ăn nhiều nhất là một tô cháo cho một ngày. Nhạc sĩ Phùng Trọng năm nay 78 tuổi và đã giải nghệ khá lâu vì tuổi già sức yếu.

    Để có ngân quỹ tương trợ 2 Anh cũng như để giúp một số ca nhạc sĩ sẽ gặp khó khăn sau này, một số nghệ sĩ hải ngoại như Bích Chiêu – Trung Chỉnh – Thanh Lan – Carol Kim – Ngọc Minh – Trường Hải – Mai Lệ Huyền – Tuấn Vũ –Vy Vân – Ngọc Hiếu – Connie Kim – Kim Tuyến – Phượng Linh – Trang Thanh Lan – MC Ngọc Phu – Linh Phương – Phượng Khanh – Diễm Hương – Quốc Anh – Phương Hồng Quế – MC Trần Quốc Bảo.. đứng ra tổ chức một đêm gây quỹ vào lúc 9g tối Chủ Nhật ngày 20 tháng 4 năm 2014 tại khiêu vũ trường Bleu (chi phí này sẽ do AC Quốc & Phi Khanh bảo trợ). Về mặt quảng cáo và tiền ấn loát in vé sẽ do tuần báo Việt Tide bảo trợ. Chương trình còn được sự nhận lời ủng hộ hiện kim của các ca nhạc sĩ Tuấn Khanh, Thanh Thúy (100$), Hương Lan, Kiều Loan (100$), Trường Hải (100$), Ngọc Đan Thanh, Trần Quảng Nam (50$), Phương Hồng Ngọc, Băng Châu, Linh Phương..

     Sau nhiều lần gọi điện thoại về cho nhạc sĩ Vinh Sử, mãi đến 1g00 khuya thứ ba, rạng sáng thứ tư 26/3, người viết mới nghe được tiếng nói của Vinh Sử thật yếu ớt trên đầu máy. Tác giả Gõ Cửa Trái Tim, Không Giờ Rồi.. cho biết mấy ngày nay Anh phải liên tục vào nhà thương vì ruột đau trở lại. Anh nói: “Từ ngày mổ ruột già, dù ăn một chút thôi, ăn vào là thức ăn nở ra và nằm đó luôn. Ví dụ 8g sáng ăn miếng cháo, ăn xong cái bụng chướng lên, đến 8g chiều là o muốn ăn gì luôn.. Coi như mỗi ngày chỉ ăn một buổi sáng, sau đó là no luôn và cả ngày không thể ăn được nữa.. Bây giờ tôi chỉ còn 52 kg.. Kiểu này chắc chết.”. Tôi nói đùa với Anh: “Báo chí và nhiều người gọi Anh là Vua nhạc “Sến”, Vua mà băng hà sớm là thần dân.. giận đó nhe”. Tiếng Vinh Sử cười buồn: “Vua gì nữa.. Giờ thân xác nằm một chỗ, buồn lắm B. ơi”..

     Thời gian này, người nhạc sĩ sinh năm 1944 ra vào nhà thương hơi nhiều, giọng nói có phần mệt mỏi, tuy nhiên Vinh Sử vẫn không quên nhờ tôi cám ơn đến nhiều người đã giúp Anh trong thời gian lận đận nhất của đời mình. Trong đó có vợ chồng Giao Linh, cách đây hai tháng, mang đến tận nhà tấm nệm mới để Ông nằm. Căn phòng Quận 7 Ông mướn chỉ có 10m vuông, để tấm nệm xuống là đã chiếm gần hết lối đi vào.

    Cách đây hai hôm, nhạc sĩ Tuấn Khanh có gọi đến tôi để tìm số phone Phùng Trọng lẫn Vinh Sử, và mặc dù Ông rất bận với tiệm Phở Hoa Soan, nhưng tác giả Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ.. vẫn dành thì giờ quý báu của mình gọi về thăm hỏi 2 người. Vinh Sử cho tôi biết Anh cảm động trước tình cảm ấy của NS Tuấn Khanh.. “Ngày xưa, ông Tuấn Khanh làm cho Đài Phát Thanh Saigon, tôi thường đem nhạc mới của mình nhờ Ông quảng bá giúp. Tôi còn nhớ, đó là cái thời vừa viết xong mấy bài Đêm Lang Thang, Còn Nhớ Không Em, Xóa Tên Người Tình, Yêu Người Chung Vách, Nhẫn Cỏ Cho Em, Làm Dâu Xứ Lạ.. là phải chạy tới gõ cửa nhờ Ông.. Xa nhau bao năm, nhờ tin báo chí loan tải, Ông gọi ngay về thăm hỏi khiến tôi xúc động vô cùng”.

     Khi tôi nói số tiền kỳ này thu được sẽ chia làm 3 phần, một phần gửi Vinh Sử, một phần gửi Phùng Trọng, phần còn lại sẽ bỏ vào Quỹ hầu có thể tương trợ cho các ca nhạc sĩ trước 75 sau này gặp cảnh ngặt nghèo, Vinh Sử cắt đứt lời nói và hỏi: “Ủa, tôi nghe nói Phùng Trọng đi Mỹ lâu rồi mà.. Nhà Phùng Trọng hồi trước ở Cô Bắc Cô Giang..”,
- “Trời, ai nói anh vậy.. Ông Phùng Trọng bây giờ khổ lắm, nhà ở mướn, tháng nào chưa kịp trả tiền, chủ nhà khóa cửa không cho vào nhà, bây giờ phải đi bán số dạo nuôi thân. Có ai nghĩ là tay trống lẫy lừng một thời của Saigon mà giờ sống khốn khổ như thế không?”
- “Vậy B. cho tôi số phone ngay đi.. Vài hôm nữa, tôi ráng lết đi ghé thăm Ông ấy.. Vậy mà bao năm qua giữa Saigon, tôi cứ tưởng Phùng Trọng đã đi Mỹ hay đã chết rồi..”
    Nhạc sĩ Tuấn Khanh và tôi có cùng một thắc mắc: “Đã gọi là Vua Nhạc Sến, trúng rất nhiều bài, Ông phải có tiền nhiều lắm chứ. Ngoài nhạc, Vinh Sử còn làm thương mại ngành giầy dép Bata..
-“Vậy tiền bạc anh đi đâu?”
- “Sau 75, tôi nhiều lần đi vượt biên, vốn liếng cạn dần. Rồi 10 năm trước, chuyện vợ con một lần nữa làm tôi trắng tay”..
- “Còn 6 đứa con của Anh, tụi nó có giúp phụ gì anh thêm không?”
- “Tôi thấy con mình cũng nào khá giả gì nên cũng không muốn nhận. Tụi nó cũng đến thăm.. và đó cũng là an ủi của tôi rồi. Thỉnh thoảng, có người trên Hội Âm Nhạc ghé trả tiền tác quyền, coi như kiếm được chút cháo tháng đó.. À, mà cho tôi gửi lời thăm Phương Hồng Quế. Hồi xửa, Quế có ca mấy bài mới của tôi, nghe dễ thương lắm, bây giờ đứng ra giúp tôi và anh em chuyện này, tôi cảm ơn lắm”.
    Giọng Vinh Sử càng lúc càng mệt, hơi thở đứt quãng từng hồi. Không muốn làm phiền anh nữa, tôi xin phép ngừng dây nói.. Giọng chàng quyến luyến như không muốn rời xa làm tôi tưởng nhớ đến hình ảnh một vị vua khi chiều tà không muốn tạ từ chiếc ngai vàng.. Ngoài trời đã gần 2 giờ sáng, và trong căn phòng này, gió từ đâu thật lạnh, lại dâng lên..
 

 
 
 

 



  
Nhạc Sĩ Vinh Sử - (Giờ Thy Lan - Nụ Hồng Tạ Ơn)
*
*     *
  
Tuyển Tập Những Sáng Tác Hay Nhất Của Vinh Sử

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire