dimanche 11 janvier 2015

LS Nguyễn Hoàng Duyên về hai tác phẩm mới

 

Trao đổi với LS Nguyễn Hoàng Duyên về hai tác phẩm mới 
*
*   *
Đọc "Behind the Smoke Curtain", tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Duyên
Nguyễn Mạnh Trinh
Tới bây giờ, chiến tranh Việt Nam vẫn là một đề tài lớn của văn chương thế giới. Một đề tài có nhiều ẩn khuất bí mật, của những sự kiện đầy bí ẩn mà dần dần sau những lần giải mật của chính quyền Hoa Kỳ mới được dần dần sáng tỏ. Tác giả Nguyễn Hoàng Duyên của "Behind The Smoke Curtain" (tạm dịch Đằng Sau Màn Lửa Khói) viết về cuộc chiến và mang chúng ta đi vào một màn lưới thời thế mà ở đó những đầu mối lịch sử được dần dần gỡ ra từ mớ bòng bong của những dữ kiện lịch sử về tình báo, về truyền thông, về chính sách ngoại giao, về quân sự... để tạo thành một tác phẩm của một tác giả người Mỹ gốc Việt đầy đủ tính chất của tình yêu chân thật, của những dối trá lịch sử, của những sự thực mà ở những người bình thường không tưởng tượng nổi.
"Behind the Smoke Curtain" là một chuyện tình giữa một ký giả Hoa Kỳ và một nữ sinh viên Văn Khoa năm thứ hai của viện Đại Học Sàigòn. Mối tình bắt đầu khi hai người gặp gỡ nhau tại một đêm nhạc Trịnh Công Sơn vào một ngày tháng thật đặc biệt ngày 20 tháng 12, ngày kỷ niệm thành lập Mặt Trận Giải Phóng, một thành phần chính trị được tạo ra bởi Cộng Sản Bắc Việt. Scott, nhân vật chính, là một ký giả "freelance" của báo Los Angeles Times và cũng có học vài lớp cao học về văn chương Việt Nam. Còn Mai là một nữ sinh viên hiền thục dễ thương. Ngay buổi gặp đầu tiên này, thì đặc công Việt Cộng xuất hiện để ám sát và tuyên truyền nhân ngày kỷ niệm của chúng. Scott bị thương và Mai đã đi thăm và dần dần yêu thương nhau. Thời điểm ấy là năm 1967, lúc mà quân đội Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam và cường độ chiến tranh ác liệt nhất. Và tác phẩm cũng kết thúc ở thời điểm của năm 1975 ở phi trường Tân Sơn Nhứt những ngày cuối cùng của cuộc chiến với vợ chồng Scott - Mai và bé gái Kim Phụng.
Có người giới thiệu đây là một tác phẩm lãng mạn trữ tình đã cung cấp cho độc giả tầm nhìn rộng khắp của cuộc chiến đẫm máu nhất mà quân đội Hoa Kỳ tham dự. Với những bản tin tức truyền thông được viết từ nhân vật Scott hoặc những nhận định thời sự, kèm theo trong tác phẩm là những tiết lộ về sự dối trá và phản trắc của giới chính trị gia Hoa Kỳ. "Behind the Smoke Curtain" gửi một thông điệp chính là sự tuyên dương những thế hệ trẻ, những chiến binh của quân lực Hoa Kỳ và quân lực VNCH. Họ là những người dâng hiến lý tưởng cao thượng và đã chiến đấu mạnh mẽ kiên cường cho lý tưởng tự do dân chủ...
Tác giả mang chúng ta vào màn lưới của một cuộc tình Việt Mỹ từ những sợi chỉ lịch sử đan kết vào nhau và ông đã lần tìm những đầu mối để thấy một bức tranh thực sự của một đất nước chiến tranh. Những mất mát của cả một thế hệ, cũng như tình tiết của chính trị của bội phản, của những chính khách sẵn sàng trở mặt, của những hành vi không coi trọng nhân tính con người.
Behind the Smoke Curtain có đầy đủ những chỉ dấu của tiêu chuẩn một tác phẩm lớn. Những chủ đề chiến tranh, tình yêu, dối trá, nhìn rõ sự thực, đã được mô tả với một bút pháp có nhiều sức hấp dẫn người đọc. Một người cựu chiến binh Hoa Kỳ, Roy Russell đã phát biểu như vậy và chính ông này đã là một nhân dáng để tạo cảm hứng cho tác giả Nguyễn Hoàng Duyên viết tiểu thuyết này. Nhân vật Scott, vai chính trong tiểu thuyết đã mang nhiều hình dáng của Roy Russell ngoài đời.
Tác giả Nguyễn Hoàng Duyên trước năm 1975 ở Sàigòn là giáo sư tại đại học Sư Phạm Sàigòn với chuyên ngành của ông về hóa học. Sau khi Cộng sản chiếm được cả nước ông cũng như những nhà trí thức khác của miền Nam phải chịu "cải tạo" trong một xã hội mà sự suy thoái lên đến tận cùng. Ông phải làm nhiều nghề, đi dạy kèm tư gia về môn toán và khoa học. Tháng 12 năm 1983 ông đã vượt biển thành công sau 12 lần thất bại. Đến trại tị nạn Galang ở Indonesia ông làm việc thiện nguyện trong văn phòng của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc trước khi định cư ở Hoa Kỳ. Ông sinh sống ở San Jose làm cán sự xã hội. Vừa làm vừa học luật tại Lincoln Law School of San Jose, ông tốt nghiệp JD năm 2000 và có bằng hành nghề luật sư năm 2001. Năm sau ông thành lập tổ hợp luật sư của mình và là một trong những tổ hợp có uy tín tại San Jose. Ông còn dạy học tại Lincoln Law School về luật di trú và giữ chức vụ Associate Dean of Academics tại đại học này cho đến bây giờ.
Khi còn ở Việt Nam, như những người dân miền Nam khác, ông đã phải chịu nhiều thúc ép đe dọa như những người dân miền Nam dưới chế độ Cộng sản. Vốn không ưa trí thức, lại hay nghi kỵ và theo dõi những người mà họ nghĩ sẽ là kẻ thù của chế độ nên kiểm soát rất chặt chẽ đời sống và sẵn sàng gán tội phản động cho bất cứ người nào bởi vì chủ trương của đảng bắt lầm còn hơn bỏ sót. Ông và một số bạn đồng chí hướng như bác sĩ Nguyễn Đan Quế kết hợp với nhau trong mục đích tranh đấu cho tự do dân chủ. Công việc bị bại lộ ông phải trốn chạy để khỏi bị bắt và cuối cùng phải vượt biển để đi tìm tự do. Là thuyền nhân, sống ở trại tị nạn và làm công việc thiện nguyện giúp đồng bào trong các thủ tục đi định cư, ông đã hiểu nhiều về những nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Một nỗi băn khoăn thắc mắc ám ảnh ông. Tại sao chiến tranh Việt Nam lại chấm dứt một cách bi thảm như vậy? Có điều gì bất thường trong trận chiến cuối cùng mà một đội quân hùng mạnh như quân đội VNCH bị thua trận nhanh chóng đến như thế?
Câu hỏi ấy vẫn hoài hoài thúc đẩy câu trả lời trong suy tư của ông cho đến khi sang Hoa Kỳ sinh sống vẫn không nguôi ám ảnh. Ông đi tìm tòi trong lịch sử, trong sách vở và cả trong những tài liệu của quân đội Hoa Kỳ của tình báo, của CIA vừa được giải mật. Ông còn tìm đến các nhân chứng của một thời chiến tranh. Và kết cuộc là ông đã viết "Behind the Smoke Curtain", một tiểu thuyết nhưng đi song hành giữa sự thực và hư cấu. Từ những nhân vật tiểu thuyết do ông tạo ra, ông muốn gián tiếp nhắc đến những mặt trái của lịch sử và nỗi cay đắng của những nạn nhân Việt Nam. Viết tiểu thuyết này, ông muốn tự mình lý giải và sáng tỏ những thắc mắc đã theo ông từ nhiều năm trời.
Trả lời câu hỏi ông đã thai nghén và viết cuốn tiểu thuyết này trong thời gian bao lâu, ông nói với một đề tài ám ảnh ông nhiều năm thì thời gian bắt đầu viết cho đến khi hoàn tất cũng phải mất mấy năm trời. Rất nhiều vấn nạn được đặt ra để làm sáng tỏ sự thực mà bộ môn tiểu thuyết thì không phải như thể văn luận thuyết được. Ông đã mượn chuyện tình của một người con gái Việt Nam và một ký giả Hoa Kỳ để chuyên chở cho được một thời thế phức tạp nhiều biến cố. Dĩ nhiên, để câu chuyện vừa có tính sống động, vừa có sự lãng mạn của tình yêu, lại mang theo tính thời sự của lịch sử, là một công việc không phải dễ dàng. Ông viết với tâm trạng hăng say của một người luôn đi tìm những lý tưởng cho cuộc sống.


Tác giả Nguyễn Hoàng Duyên

Tại sao tác giả" Behind the Smoke Curtain" lại viết bằng Anh ngữ mà không phải bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông thừa nhận rằng viết bằng Anh ngữ có khó khăn hơn bởi vì những năm sống ở Hoa Kỳ chưa đủ để có kinh nghiệm sống để hòa hợp vào một nền văn hóa mới. Tuy nhiên, ông viết bằng Anh ngữ là muốn có một tác phẩm để cho giới trẻ thuộc những thế hệ sau ít thông thạo Việt ngữ đọc và hiểu được một thời kỳ lịch sử đã qua. Hơn nữa, tác giả còn muốn trình bày và giới thiệu với độc giả bản xứ những tâm tư, những nỗi niềm của một thế hệ Việt Nam trong chiến tranh, một cuộc chiến mà các chính khách đã lừa dối người dân và dẫn dắt cả quốc gia Hoa Kỳ vào những trận chiến vô nghĩa chỉ phục vụ quyền lợi cho một số ít tài phiệt.
Nếu nói rằng tác giả đã cố gắng gửi thông điệp trong tác phẩm của mình thì có vẻ hơi khoa trương một chút nhưng thực sự trong tiểu thuyết của ông mang nhiều tính thời sự và rất nhiều biến cố về ngoại giao, về chính trị, về quân sự... được đề cập đến. Từ sự kiện Việt Cộng đã lợi dụng những phong trào tranh đấu của trí thức, của sinh viên học sinh đến những dữ kiện về hòa đàm Paris, rồi tình trạng bất ổn về chính trị ở cao nguyên với phong trào đòi ly khai Fulro, tất cả đã được nhìn ngắm rất cẩn thận của một người muốn tìm hiểu tận tường trước khi viết thành tác phẩm. Có người nói, nếu mang tất cả vào tiểu thuyết thì e rằng sẽ làm cho nặng nề và cứng nhắc hơn những tình tiết cũng như bố cục truyện. Nhưng, tôi nghĩ. Với sự song hành giữa thực và ảo, tiểu thuyết "nói" được nhiều hơn bất kỳ một thể loại văn chương nào...
"Behind the Smoke Curtain" chắc không phải là một tác phẩm tự thuật hồi ký mặc dù nó chứa dựng rất nhiều sự kiện của đời sống thực. Theo tác giả thì hình ảnh và cuộc đời của người bạn Roy Russell đã gợi hứng cho ông viết tiểu thuyết này. Nhưng ông cũng phân định rằng ông viết theo bố cục của chiều dài lịch sử thực sự để làm xương sống cho những nhân vật nhiều khi là pha trộn của chân dung nhiều người trong đời sống thực.
Những hình ảnh biểu tượng cuộc sống của "Behind The Smoke Curtain" là những phiên bản của nhiều bộ mặt và có khi còn phảng phất bóng dáng của chính tác giả. Sống trong một thời đại chiến tranh thì những nhân vật ấy làm sao mà không ảnh hưởng. Dĩ nhiên, ở trong tiểu thuyết thì ảnh hưởng ấy gián tiếp và mở rộng hơn để tạo thành một thế giới khác có nhiều chất sống động. Như vậy tác phẩm có nhiều phần hư cấu không? Tiểu thuyết tự nó đã là một môi trường của tưởng tượng, nhưng căn bản phải dựa trên sự hợp lý của cuộc sống. Từ những sự kiện thực tạo thành một thế giới quan riêng và những nhân vật đã theo dòng nhân sinh để đi cho hết con đường định mệnh của mình.
Trước đây tôi có đọc một tác phẩm khác của nhà văn David Rice, tiểu thuyết "Song of Tiamen Square" viết về biến cố Thiên An Môn ở Trung Hoa, một sự kiện lịch sử có thực nhưng lồng vào những nhân vật có nét đặc biệt của thời sự. Truyện mô tả một mối tình giữa một chàng ký giả người Bắc Ireland PJO' Connor và Song Lam cô gái Trung Hoa. Mối tình ấy cũng nở hoa trên các dữ kiện chính trị nóng bỏng pha trộn giữa lòng trung thành và phản bội, giữa thủ đoạn bóp méo sự thực và lý tưởng của những người làm truyền thông. Cuốn sách đã có số lượng độc giả rất đông đảo được nhiều tờ báo, tạp chí có giá trị trên thế giới liệt vào hàng đầu những cuốn sách bán chạy trong nhiều thời điểm.
Tôi đọc "Behind the Smoke Curtain" của tác giả Nguyễn Hoàng Duyên, và để thấy rằng viết về những sự kiện lịch sử không phải là dễ dàng. Bởi vì, giữa cái ảo và cái thực, rất dễ làm cho chủ đề bị sai lạc đi. Thí dụ như khi tạo dựng nhân vật Scott, nhân vật trải qua nhiều biến cố ở một thời gian dài và không gian rộng, tác giả muốn gửi gấm điều gì, thông điệp gì trong bố cục truyện trải dài theo những biến cố lịch sử. Những bản tin được viết về những biến cố nóng hổi, những bức thư được viết để chuyên chở nỗi niềm, những điều ấy có làm phức tạp hóa tiểu thuyết hay đơn giản hóa suy tư để có nhận định rõ ràng xuyên suốt. Những mối tình vượt qua được những vòng rào giới hạn thường là đẹp nhưng có sự chia ly không toàn vẹn. Ở "Behind The Smoke Curtain" dường như dung hòa giữa hai yếu tố đẹp và chia ly.
Thời gian và không gian của "Behind the Smoke Curtain" rất dài và rộng lại có nhiều biến động nên tác giả đã dùng những dữ kiện liên quan để làm nổi bật được những nhân vật, đã sống, đã yêu, đã trải qua những tình huống đặc biệt của cuộc đời. Khi xây dựng mối tình giữa một cô gái Việt Nam và một ký giả Hoa Kỳ, hình như yếu tố sắc tộc ít ảnh hưởng mấy nhưng yếu tố chính kiến thì dường như có vị thế quan trọng hơn. Trong tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Duyên có đề cập đến vấn đề Fulro và tình trạng Tây Nguyên thời đó. Hoa Kỳ cũng đã có những hoạt động bí ẩn với những trại dân sự chiến đấu với cố vấn Biệt Kích Mỹ và lính chiến người Thượng. Do những mưu đồ của nhiều quốc gia liên quan vào nên tới ngày nay mặc dù Cộng Sản đã chiếm được cả nước nhưng chính quyền Cộng Sản vẫn phải đối phó với những biến chuyển dễ dàng làm lung lay chế độ. Thời năm 1965-1966, chính quyền VNCH, đã phải đối phó với các cuộc nổi loạn của lính Dân Sự Chiến Đấu tại các trại Biệt Kích Mỹ và sau đó đã có chính sách đối xử với các sắc dân thiểu số nâng đỡ đặc biệt hơn. Theo tác giả Behind The Smoke Curtain, thì tại sao người Việt Nam không áp dụng một thể chế như quốc gia Hoa Kỳ đa sắc tộc và đa văn hóa, mọi người sống với nhau không phân biệt chủng tộc và được đối xử bình đẳng không bị kỳ thị.
Biến cố Tết Mậu Thân cũng đầy những bí ẩn, của những phe phái trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ xung khắc nhau, từ phe của bộ ngoại giao đến phe của bộ quốc phòng, từ bất đồng ý kiến giữa các nhân viên tình báo và các cố vấn tổng thống. Thành ra, từ một chiến thắng trên trận địa đã biến thành một thất bại trong ngoại giao và truyền thông, và người Mỹ đã có ý định bỏ rơi Việt Nam. Những cuộc mật đàm giữa Kissingger và Lê Đức Thọ, với những cuộc mua bán đặt trên sinh mạng của các tù binh Mỹ POW, để có một Hội Nghị Paris chấm dứt chiến tranh mà hậu quả là 3 năm sau với sự thua trận của VNCH. Những dữ kiện trên mà tác giả đề cập đến để thấy cuộc chiến vô lý, để thấy những siêu cường đã vì quyền lợi mà bán đứng các quốc gia đồng minh và để thấy sự bội phản được xử dụng một cách dửng dưng không ngần ngại.
Phong trào phản chiến trên thế giới chính là nguyên nhân để Hoa Kỳ bán đứng đồng minh VNCH. Không nói ai cũng hiểu, khi quốc hội Mỹ từ chối quân viện cho chính quyền miền Nam Việt Nam trong khi phe Cộng sản ùn ùn tăng viện cho miền Bắc thì kết quả tất nhiên phải như thế. Nhưng trong cuộc thua bại, vẫn có những cố gắng xoay chuyển thế cờ và cũng có những anh hùng tử tiết.
Về tình yêu, khi mối tình của Scott và Mai đẹp đẽ bao nhiêu thì mối tình của Bạch và Hồng lại nhục dục và lợi dụng nhau bấy nhiêu. Bạch là một Việt Cộng nằm vùng ở miền Nam được chọn lựa sẽ là một người trong giới lãnh đạo nên được ra Bắc học và sau đó qua Nga và học tại Lemonosov University một trường Đảng cao cấp. Tại đây anh ta gặp Commissar Hồng, một cấp trên của Bạch, và hai người cặp đôi với nhau. Một phụ nữ trên 30 tuổi khao khát tình dục với một cậu sinh viên hơn 20 tuổi và họ yêu và làm tình với nhau nhưng trong sự tính toán lợi dụng. Trong khi yêu đương với Hồng, Bạch vẫn nghĩ đến Mai người mà anh ta yêu thương và ước vọng là vẫn muốn về Việt Nam, trở lại chiến trường của anh ta. Đó không phải là tình yêu mà chỉ là một phương tiện để thỏa mãn nhục dục cũng như các mưu đồ chính trị của những người duy vật Cộng Sản.
Nguyễn Hoàng Duyên đã ở lại Sàigòn dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa trong nhiều năm nên rất am hiểu về lao tù Cộng Sản. Ngục tù là một phương tiện để những người cầm quyền trấn áp dân chúng và dưới sự chỉ đạo của Cộng sản Quốc tế họ đã áp dụng những kỹ thuật phương pháp tinh vi để nhằm triệt tiêu sự đối kháng của tù nhânvà kiểm soát, chế ngự được con người trong mọi hoàn cảnh.
Có người hỏi tại sao tác giả Nguyễn Hoàng Duyên lại ghi trên đầu mỗi chương sách của mình ngày tháng năm khởi đầu sự kiện. Liệu sự biên niên ấy đã làm cho cuốn tiểu thuyết giống như một tài liệu biên khảo và sự thích thú để có sự bất ngờ bị giảm đi. Theo tôi, tác giả đã đi song hành giữa thực tại lịch sử và biến cố tưởng tượng của cuộc sống thời sự. Dung hòa cả hai là một công việc khó khăn, thực tại lịch sử thì không thể nào thay đổi thêm bớt nên những dữ kiện hư cấu có thể tạo thành những bố cục có thể làm người đọc thoát qua được thực tại lịch sử.
Trước năm 1975, Nguyễn Hoàng Duyên là một sinh viên và là người cũng tham gia trong các sinh hoạt thanh niên thời đó. Có người thì tranh đấu ở trong ý thức tự trị đại học, có người tham gia các công tác văn nghệ, xã hội. Những sinh hoạt ấy một thời nổi lên khá rầm rộ nhất là trong khoảng thập niên 60-70. Nhưng, có một điều rõ ràng là Cộng Sản đã lợi dụng rất nhiều trong công tác trí thức vận và sinh viên vận. Những cuộc ám sát như bắn chết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, như bắn sinh viên Ngô Vương Toại trong một buổi trình diễn văn nghệ hay bắn trọng thương sinh viên Bùi Hồng Sỹ. Nguyễn Hoàng Duyên đã mở đầu cho mối tình của hai nhân vật chính của mình với ngày sinh viên Ngô Vương Toại bị bắn trong tiểu thuyết của mình.
Tác giả Nguyễn Hoàng Duyên còn là một nhạc sĩ và có nhiều bản nhạc nghe khá thú vị. Mặc dù anh chỉ nhận là người mê thích và tập tành âm nhạc. Những bản nhạc như Chừng Như Em Quanh Đây, Ngôi Giáo Đường Mùa Đông, Mùa Đông và Em,... là những bản nhạc bất ngờ tạo sự thích thú cho người thẩm thấu âm nhạc.
Được hỏi là anh sáng tác những bản nhạc ấy trong hoàn cảnh nào thì anh cho biết là trong khi hoạt động với nhóm Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thì bị Công an Cộng Sản truy lùng. Trong những nơi chốn ẩn náu có chỗ ở gần một giáo đường anh đã sáng tác những bản nhạc trên.
Chiến tranh là một vấn đề lớn của mọi người Việt Nam. Nguyễn Hoàng Duyên trong thời còn là sinh viên đã nghĩ rằng tuy chiến tranh là cuộc chiến vô nghĩa lý nhưng phải chấp nhận nó và phải làm tròn nhiệm vụ của một người tham gia cuộc chiến tự vệ chống lại sự xâm lược của một chế độ ngoại lai quốc tế Cộng Sản. Tới bây giờ tác giả lại cảm thấy được sự bất công nghiệt ngã dành cho những người thua trận. Trên trường quốc tế có nhiều nhận định bắt nguồn từ sự thiên lệch bất công và chính thể VNCH đã bị nhìn ngắm với tất cả những nét tiêu cực.
Viết bằng Anh ngữ, tác giả cho là một công việc khó khăn nhưng khi nghĩ đến phải cho những người bản xứ biết sự thực cũng như các lớp trẻ Việt Nam lớn lên ở xứ người không rành Việt ngữ thì ông coi như đây là một sứ mạng mà mình phải làm. Và ông hy vọng, trong thời gian tới sẽ có cuốn tiểu thuyết thứ hai viết trong mục tiêu mà bất cứ người Việt Nam tị nạn nào cũng đều quan tâm...
Nguyễn Mạnh Trinh






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire