vendredi 23 janvier 2015

Di sản Việt - Phù Đổng Thiên Vương: Huyền thoại và thông điệp

Phù Đổng Thiên Vương: Huyền thoại và thông điệp! 

http://i.ytimg.com/vi/oIdEYIjMa0Y/hqdefault.jpg

Có lẽ bất cứ người Việt nào cũng biết đến huyền thoại Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương, nhưng huyền thoại trên để lại thông điệp gì cho hậu thế? Huyền thoại Việt rất thâm ý và kín đáo để lại cho hậu thế nhiều lời nhắn gửi mang tính chất giáo dục và huyền thoại Thánh Gióng để lại điều gì cho chúng ta? Mời qúy vị cùng theo dõi...   

Phù Đổng Thiên Vương: Huyền thoại và thông điệp! 

 Triết lý Việt – Phù Đổng Thiên Vương  

I. Chính truyện

Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Ân vương (ở Trung Quốc) lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.
Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời nói rằng:
– Không gì bằng cầu Long Quân để nhờ âm phù.
Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì cảm sấm mưa, thoắt thầy một ông già cao hơn sáu thước, mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.
PDTV1
Hùng Vương bước đến nói rằng:
– Này binh nhà Ân sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì xin bày cáo cho.
Ộng già giây lát mở thẻ ra bói, thưa với vua rằng:
– Sau ba năm giặc mới qua đánh.
Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng:
– Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.
Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.
Vừa đúng ba năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang. Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.
Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn 60 tuổi mới sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngữa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:
– Sinh được thằng này thì chỉ biết ăn uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.
Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:
– Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.
Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ báo với xóm làng:
– Con tôi đã biết nói.
Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước sứ giả về nhà.
Sứ giả hỏi rằng:
– Mầy là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?
Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo Sứ giả rằng:
– Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.
Sứ giả chạy về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:
– Thế thì ta không lo gì vậy.
Quần thần đều tâu:
– Một người đánh giặc làm sao phá nổi?
Vua nói:
PD1
– Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là lời nói không, các ngươi không nên ngờ.
Rồi sai người tìm sắt cho được năm mươi cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt; Sứ giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo sợ hỏi con.
Đứa trẻ cả cười nói rằng:
– Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.
Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây hoa lau mà che nữa.
Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhẩy, nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:
– Ta là Thiên Tướng đây!
Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ân cả vỡ, trở giáo chạy lùi, Ân Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng
thì la liệt sụp lạy và hô rằng:
– Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.
Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.
Hùng Vương nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng một trăm khỏanh để làm lễ hưởng tế xuân thu.
Đời nhà Ân hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.
Man Di bốn phương nghe được như vậy cũng đều thần phục, về phụ với Vương. Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu tại Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế lễ vậy.
Có bài thơ rằng:
Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn.
Muôn tía nghìn hồng chói thế gian.
Ngựa sắt ở trời, danh ở sử.
Uy linh lừng lẫy khắp giang san.

II. Triết lý tiềm ẩn
Truyện Phù Đổng Thiên Vương hẳn nhiên là một huyền thoại. Vài người có thể gọi đó là huyền sử. Ở đây, huyền sử có thể được định nghĩa như là huyền thoại dựa trên vài sự kiện lịch sử có thật; tuy nhiên, chuyện thật đã được huyền thoại hóa quá nhiều. Vấn đề chúng ta đang giải quyết, không phải là tìm hiểu xem trong truyện Phù Đổng Thiên Vương có sự kiện lịch sử nào có thật hay không, nhưng nhìn toàn câu truyện như là một huyền thoại.
Huyền thoại, cũng như tất cả các loại tiểu thuyết khác, luôn luôn là phản ánh của ý thức và tiềm thức của tác giả. Khi huyền thoại đã trở thành truyện cổ tích hay huyền sử của một dân tộc, huyền thoại trở thành phản ánh tiềm thức của cả dân tộc đó.
Phần ý thức của huyền thoại, nếu có, thì đã chết mất sau nhiều ngàn năm, vì tác giả của huyền thoại đã biến mất và không ai biết được thực sự tác giả ý thức chuyện gì. Hơn nữa, một huyền thoại có thể kết hợp do rất nhiều tác giả qua rất nhiều ngàn năm, những ý thức hỗn hợp đó không ai có thể tìm thấy.
Tuy vậy, tiềm thức của huyền thoại trường tồn. Huyền thoại được dân tộc hóa, được cả một dân tộc chấp nhận, say mê, và lưu luyến, vì sức lôi cuốn, quyến rũ nào đó từ trong lòng huyền thoại đối với cả dân tộc. Sức quyến rũ đó hiện hữu vì nó phản ánh những ước muốn, những suy tư, nhiều khi chưa được ý thức hóa, hoặc không thể thực hiện được trên thực tế, vẫn còn chìm đắm trong tiềm thức và thể hiện thành những giấc mơ. Huyền thoại của một dân tộc chính là sự thể hiện tiềm thức của dân tộc đó qua những mơ mộng thần thoại.
Như vậy, giấc mơ Phù Đổng Thiên Vương diễn tả những ước muốn, những suy tư gì nhỉ?
pd2
Câu chuyện thật ngắn, nhưng đi từ thời bình đến thời chiến, từ triều đình đến một gia đình ở nông thôn. Câu chuyện bàng bạc những ‎ý niệm chính trị, chiến lược và giáo dục căn bản cho một quốc gia hùng cường. Tìm hiểu những suy tư căn bản này, tức là tìm hiểu những tư tưởng giáo dục, chính trị và chiến lược căn bản cho dân tộc Việt Nam, tức là tìm hiểu cái, trên l‎ý thuyết, ta gọi là lập trường dân tộc, và trên thực hành, ta gọi là hệ thống chính trị, giáo dục, kinh tế… phù hợp với dân tộc Việt Nam.
Trong phần sau đây, tác giả sẽ bàn về ba điểm chính của truyện Phù Đổng Thiên Vương. Thứ nhất, quan niệm giáo dục; thứ hai, quan niệm chính trị; và thứ ba, quan niệm chiến lược. (Trong truyện có sự xuất hiện của nhiều con số, nhất là số ba và những bội số của nó. Các đọc giả muốn tìm hiểu ý nghĩa triết lý của những con số, xin đọc quyển Kinh Hùng và các sách khác trong bộ Triết Lý An Vi của giáo sư Kim Định).
A. Giáo dục
Quan niệm giáo dục Việt Nam được diễn tả bằng hành động của người mẹ đối với cậu bé lên ba. Cậu bé chỉ biết ăn và nằm, không biết nói, có nghĩa là cậu bé có vẻ rất chậm lụt, u mê. Người mẹ hẳn nhiên là rất buồn bã: “Con mình sao không được như con người ta. Con người ta thông minh, ăn nói hoạt bát, chạy nhảy nhanh nhẹn, chứ đâu có ăn và nằm và câm như con mình.” Và khi đứa trẻ bắt đầu nói câu đầu tiên, là chỉ nói chuyện điên, kêu mẹ mời sứ giả của vua vào, và kêu sứ giả bảo vua làm ngựa sắt, gươm sắt… Nếu thực sự đứa bé nói chuyện điên, thì không biết cái đầu của bà mẹ còn nằm trên cổ được bao lâu.
Dầu vậy, những lời nói điên khùng của đứa con dốt nát đó không làm cho người mẹ bỏ qua lời nói của con. Người mẹ vẫn chấp nhận may rủi cho cái đầu của mình, và thử làm theo lời con. Hành động treo sinh mạng của mình trên sợi chỉ mành chỉ để cho đứa con dốt nát của mình thử ý kiến của nó, là hành động rất can đảm, quý vị ạ. Cũng nhờ bà mẹ có can đảm chấp nhận may rủi mà Việt Nam có thiên tướng Phù Đổng.
Việc giáo dục ngày nay cũng vậy, bố mẹ cần chú tâm đến ý muốn của con cái. Dù là đôi khi tư tưởng của con cái có vẻ rất là quái gở. Nếu con mình vẫn giữ vững lập trường của nó sau khi mình đã giải thích cặn kẻ, hãy để cho con thử ý kiến của nó, và hãy đứng sau lưng đỡ nó khi nó vấp ngã. Giáo dục như vậy là giáo dục Việt Nam. Lối giáo dục này nằm rành rành trong truyện Phù Đổng Thiên Vương mấy ngàn năm về trước. Nhiều người nói rằng con cái Việt Nam phải nghe lời bố mẹ răm rắp, con cái không có quyền có ý tưởng mới lạ quái gở; chỉ có cái đám Mỹ hóa mới để con cái nói đủ thứ chuyện. Nói như thế là sai, giáo dục Việt nam chính thống là giáo dục cởi mở như trong Phù Đổng Thiên Vương. Bố mẹ nên mừng rỡ khi con mình có những ý tưởng mới lạ. Nên giúp con phát triển tư tưởng mới lạ và cùng con cái tìm hiểu tư tưởng đó. Nếu mình không đồng ý với con, thì để cho nó thử ý của nó. Dĩ nhiên là cha mẹ phải chấp nhận may rủi; luôn luôn đứng sau lưng con đỡ nó khi nó vấp ngã. Nếu nó sai, nó sẽ học khôn; nếu nó đúng, đời nó có lợi.
Giáo dục theo lối cha mẹ nói gì con phải gật theo, không phải là lối giáo dục Việt Nam, mà là giáo dục nô lệ. Khi người Tàu cai trị Việt Nam, họ không muốn dân Việt Nam biết suy nghĩ, họ đốt sách vở của người Việt, và họ muốn dân Việt phải nghe theo họ răm rắp. Gọi dạ bảo vâng. Và lối giáo dục đó dần dần ăn sâu vào gia đình Việt nam; dĩ nhiên là có lợi cho người Tàu, vì lối giáo dục đó đào tạo một đám dân nô lệ chỉ biết dạ, vâng.
Vì vậy, các vị bố mẹ, hãy suy gẫm chuyện Phù Đổng Thiên Vương; hãy đến gần con cái; hãy chú ý đến các tư tưởng mới lạ, dầu là quái gỡ, của con cái; hãy vui mừng khi con cái biết suy nghĩ mới lạ; hãy chấp nhận may rủi; và hãy để con cái phát triển tư tưởng cá nhân của nó. Sợ hãi là nguồn gốc của nô lệ. Nếu bố mẹ sợ hãi tư tưởng mới lạ quái gỡ của con cái, mà nhất định theo lối giáo dục nô lệ, thì chính mình đã biến con mình thành những nô lệ mới trong xã hội mới, dù ở Hoa Kỳ hay bất cứ nơi đâu.
B. Chính trị
Phù hợp với phương cách giáo dục cởi mở phía trên, truyện Phù Đổng Thiên Vương diễn tả một hệ thống dân chủ cao độ. Nhà vua cai trị bằng ý kiến và sự khôn ngoan của dân chúng, và nhân dân là sức mạnh duy nhất của quốc gia.
pd3
* Hùng Vương, khi cần ý kiến về chính trị, thấy có ông già quái gỡ hát múa ngoài đường, là gọi vào xin ý kiến. Ông già vào cũng không nói năng chi, đợi vua hỏi mới trả lời. Ông già là biểu tượng của sự khôn ngoan của nhân dân. Thường thường người lớn tuổi suy tư cặn kẻ hơn người nhỏ tuổi; vì vậy ông già là biểu hiện cho sự khôn ngoan. Ông già ở ngoài đường, không quen biết gì với vua cả, chỉ là một người dân như mọi người dân khác thôi. Vì vậy, ông già là biểu hiện của dân chúng.
Ông già lại hát múa ngoài đường như là người điên, có nghĩa là nhân dân dầu có vẽ ngu dốt điên cuồng vẫn luôn luôn là kẻ thông thái nhất trong việc trị nước. Các nhà lãnh đạo, các nhà cách mạng, phải biết rằng mình không thể khôn ngoan hơn nhân dân được. Đừng cho rằng dân chúng dốt nát, trình độ thấp kém, không biết gì, để rồi lạm dụng quyền hành, biến thành kẻ độc tài bất tài.
Ông già vào cung vua vẫn không nói năng chi, đợi vua hỏi mới trả lời. Nhân dân là vậy, nhân dân luôn luôn thầm lặng, nhân dân không bao giờ tuyến bố ồn ào. Các nhà lãnh đạo phải đến gặp dân, phải hỏi ý dân, dân mới trả lời. Nhân dân không tuyên bố sự khôn ngoan của mình bừa bải. Đừng bao giờ đợi nhân dân tự động cho ý kiến.
* Nhân dân gồm mọi hạng người, không phải chỉ có những kẻ to lớn, quyền thế, hoặc có vẻ hiểu biết (biểu hiện bằng ông già cao hơn sáu thước, mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ), mà còn là những người có vẻ kém hiểu biết nhất, có vẻ bất tài vô dụng nhất (biểu hiện bằng đứa trẻ lên ba mà chỉ biết ăn và nằm). Cũng như ông già, đưa trẻ không nói, đến lúc sứ giả vừa đi ngang qua mới nói. Sự im lặng được nhấn mạnh hai lần trong câu truyện. Các nhà lãnh đạo phải đặc biệt chú ý đến điểm này, nhân dân không bao giờ nói, trừ khi được hỏi đến.
Nhân dân nói ra nhiều khi nghe rất điên khùng, như cậu bé đòi vua làm ngựa sắt, gươm sắt… Nhưng dầu điên khùng cách mấy đi nữa thì nhân dân luôn luôn đúng, luôn luôn biết mình muốn làm gì, làm được gì.
* Không những nhân dân luôn luôn có lý, mà nhân dân là sức mạnh duy nhất của quốc gia. Cậu bé một mình phá giặc. Quần thần sợ quá phải tâu vua: “Một người đánh giặc sao phá nổi.” Một người đây là hình ảnh của nhân dân trong một khối. Hình ảnh của những người dân quê mùa có vẻ bất tài vô dụng, nhưng khi phải chiến đấu, lại là sức lực duy nhất của quốc gia. Giáo sư Kim Định viết: “Thánh Dóng (Phù Đổng Thiên Vương) không chi khác hơn là bóng dáng con người đại ngã tâm linh có tầm vóc như vũ trụ được biểu lộ ra ngoài bằng tinh thần tự lực, tự cường của dân nước Văn Lang, ngày thường không ai để ý đến (nói bóng là trẻ ba năm chưa biết nói); nhưng khi phải đối phó với nguy cơ thì đức tự lực tự cường dâng lên tầm kích vũ trụ, nâng con người lên ngang hàng cùng trời, đất, đáng mặt dẫn đầu các anh hùng trong nhân thoại Việt…” Lối giải thích chính trị của tác giả và lối giải thích thuần túy triết l‎ý của giáo sư Kim Định, dầu ngôn từ khác nhau, vẫn là một tinh thần đại ngã của dân tộc Việt Nam.
* Lối cai trị bằng cách đi khắp nơi hỏi han ý kiến dân chúng và làm theo lời dân chúng, dù dân chúng nói năng có vẻ rất quái gỡ điên rồ là lối cai trị dân chủ. Ý dân là ‎ trời. Và lối cai trị dân chủ có sức mạnh vạn năng, Tiền nhân ta vẫn biết rằng nếu nghe lời dân thì dầu có giặc Ân hùng mạnh, Việt Nam vẫn thắng. Trong thực trạng chính trị, lối cai trị này thật là sáng suốt. Vì chiến tranh được chính nhân dân đổ xương đổ máu chiến đấu, các vị lãnh đạo đâu có phải là người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường; nếu kế hoạch không hợp ý dân, người dân làm sao hăng say chiến đấu. Hiệu lực dân chủ trong chiến tranh, nhiều ngàn năm về sau, còn thể hiện rõ ràng hơn trong Hội Nghị Diên Hồng của nhà Trần.
Sự quan trọng của nhân dân còn được nhấn mạnh trong truyện Phù Đổng Thiên Vương bằng cách thần thánh hóa nhân dân. Ông già là Long Quân và cậu bé là thiên tướng. Vua phải nghe lời người trời; tức là vua phải nghe theo lời nhân dân. Và cứ như Hùng Vương, nghe theo nhân dân răm răp ắt là đánh đâu thắng đó.
* Chuyện Phù Đổng Thiên Vương còn diễn tả hệ thống kinh tế tư sản, tự do và sự vắng bóng của ghen tị giai cấp trong văn hóa Việt Nam. Ông già bảo vua Hùng Vương tìm trong thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong “tước ấp”. Tước là chức vụ, ấp là một mảnh đất khá rộng. Cậu bé là con của một ông “nhà giàu”. Cậu bé đánh giặc xong không cần tước ấp mà lại đi thẳng lên trời. Điều này có nghĩa là nhân dân chiến đấu không phải vì tư lợi, nhưng nhân dân vẫn ưa chuộng hệ thống kinh tế tư sản. Dân Việt Nam không chống đối ông “nhà giàu”, ngược lại vẫn ưa chuộng ông nhà giàu có con là anh hùng cứu quốc. L‎ý thuyết đấu tranh giai cấp vô sản tư sản, vì vậy, xa lạ với truyền thống dân tộc Việt Nam trong Phù Đổng Thiên Vương.
Độc giả nên nhớ rằng huyền thoại là một giấc mơ. Nếu đấu tranh giai cấp ảnh hưởng nặng nề trong tiềm thức dân Việt Nam, truyện Phù Đổng Thiên Vương không thể có anh hùng nhà giàu được. Dù tác giả câu truyện có viết “nhà giàu”, thì mấy ngàn năm sau sẽ biến thành “nhà nghèo”, nếu thực sự dân Việt Nam có ý niệm đấu tranh giai cấp tiềm ẩn. Sự xa lạ của đấu tranh giai cấp trong văn hóa Việt Nam còn thể hiện rất nhiều trong những huyền thoại khác, như Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
* Hệ thống dân chủ trong truyện Phù Đổng Thiên Vương còn được diễn tả rõ ràng hơn, bằng biện pháp đi tìm nhân tài. Khi cần nhân tài, nhà vua tìm cả trong nước, dầu đứa bé con lên ba cũng được sử dụng. Hệ thống chính trị như vậy không có giai cấp. Ai cũng có thể làm quan được nếu có tài. Lối tổ chức chính trị như vậy khác với hệ thống tổ chức nhằm giữ quyền hành độc đoán trong tay một thiểu số cầm quyền, như chế độ phong kiến của tây phương. Hơn nữa, trong hệ thống dân chủ Phù Đổng, người tài luôn luôn có dịp thi thố tài năng của mình, không bị đè nén vì giai cấp hay vì l‎ý do nào khác.
pd4
Tác giả cần nhấn mạnh ở đây, dân chủ thực sự thể hiện trong hành động của nhà cầm quyền. Tư tưởng dân chủ có thể thực hiện được nếu vua, như vua Hùng Vương chú trọng đến nhân dân.
C. Chiến lược
Trong hệ thống giáo dục và chính trị Phù Đổng, những quy ước chiến lược được thiết lập rõ ràng. Chiến lược là biện pháp phối hợp các hoạt động và hệ thống chính trị, kinh tế, giáo dục để phục vụ mục tiêu tối hậu của quốc gia. Mục tiêu tối hậu của quốc gia, thể hiện trong truyện Phù Đổng Thiên Vương, là bảo tồn sức mạnh quốc gia trước đe dọa xâm lăng.
* Quy ước chiến tranh Phù Đổng khởi đầu bằng hệ thống cởi mở và hệ thống chính trị dân chủ, lấy dân làm sức mạnh như đã nói trên. Hệ thống quân sự được tổ chức trên hai khái niệm liên hệ chặt chẻ với nhau.
Thứ nhất, tổ chức quân sự là tổ chức cởi mở, cho mọi nhân tài cùng tham dự. Tổ chức quân sự này dùng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, làm nền tảng cho sự đoàn kết của quân đội. Hiện tượng đứa bé gốc gác nông dân được nắm quyền chinh phạt nhà Ân diễn tả tinh thần cởi mở của quân đội. Tinh thần yêu nước diễn tả bằng hiện tượng cậu bé đi thẳng lên trời thay vì ở lại nhận tước ấp.
Lối tổ chức quân đội này là tổ chức quân đội ngày nay áp dụng. Dưới chế độ phong kiến tây phương, mỗi lãnh chúa có quân đội riêng. Quân đội lãnh chúa lấy tư lợi và sự trung thành với lãnh chúa làm căn bản. Quân lính không có ý thức quốc gia mà chỉ có ý thức lãnh chúa. Vì vậy, trong một quốc gia có nhiều lãnh chúa, quân đội của các lãnh chúa không thống nhất và thiếu nền tảng đoàn kết cho quốc gia.
Tại những quốc gia cổ Hy Lạp, khi quân đội là một giai cấp biệt lập với các giai cấp khác, chiến lược không liên hệ gì tới nhân dân, vì quân đội xa cách với nhân dân. Kể cả trong các quốc gia phong kiến, vấn đề chiến lược rất ít lệ thuộc vào nhân dân, vì nhân dân không có quyền lợi gì trong chiến tranh cả. Nhân dân không có tài sản, nếu có chiến tranh là nhân dân chỉ có chiến đấu và chết để phục vụ tài sản của lãnh chúa.
* Nhận định trên đưa đến khái niệm tổ chức quân đội thứ hai của Phù Đổng. Nhân dân phải là nhân dân hữu sản, biểu hiện bằng ông nhà giàu. Khi có chiến tranh, nhân dân không những chiến đấu vì lòng yêu nước mà vì còn bảo vệ tư sản của mình. Lòng yêu nước có sẵn trong nhân dân nhưng nó vẫn trừu tượng. Lòng yêu nước cần được bổ sung bằng quyền tư hữu để nhân dân thấy quyền lợi trước mắt. Ảnh hưởng của tư hữu trên lòng hăng say chiến đấu của quân đội được biểu hiện bằng cậu bé thiên tướng con ông nhà giàu, và sự ban thưởng tước ấp do ông già khuyên vua.
Tóm lại, hệ thống giáo dục cởi mở, chính trị dân chủ, và kinh tế tư sản của Phù Đổng đưa đến tổ chức quân đội lấy dân, quyền tư hữu của dân, và lòng yêu nước làm căn bản. Tổ chức quân đội đó có sức mạnh trong thời chiến, biểu hiện bằng chiến thắng quân Ân. Trong thời bình hệ thống chính trị cũng làm nhân dân vui vẻ, như lúc bắt đầu vào truyện Phù Đổng Thiên Vương.
* Khi tổ chức quân đội đã phù hợp với hệ thống giáo dục, chính trị và kinh tế của quốc gia rồi, vấn đề nền tảng cho sức mạnh quân đội đã được giải quyết xong. Truyện Phù Đổng Thiên Vương còn đưa ra vài lý thuyết chiến lược khác.
Thứ nhất, binh sĩ phải được lo lắng nuôi dưỡng tử tế; quốc gia không thể để binh sĩ thiếu thốn. Hiện tượng cậu bé ăn uống hoài, cả làng xóm phải lo ăn lo mặc, diễn tả sự quan trọng‎ của vấn đề nuôi dưỡng binh sĩ.
Câu chuyện còn diễn tả hậu quả kinh tế của việc nuôi dưỡng một đoàn quân. Cậu bé nhỏ xíu mà cả làng phải lo. Như vậy, những vị lãnh đạo quốc gia phải lo nuôi dưỡng binh sĩ tử tế, quân đội mới có sức mạnh. Nhưng coi chừng, chiến tranh trường kỳ sẽ làm cho nền kinh tế suy sụp, vì một người lính hao tốn bằng năm bằng mười người thường.
Thứ hai, Phù Đổng Thiên Vương còn đưa ra quy ước chiến lược “tấn công phòng thù” và vận tốc để chủ động chiến trường. Trong truyện, quân đội nhà Ân đến núi Trâu Sơn, quân đội phòng thủ của Hùng Vương thay vì án binh bất động chờ tấn công, thì lại ra tay tấn công nhà Ân ở Trâu Sơn. Phòng thủ một lãnh thổ bằng cách tấn công quân đội xâm lăng, thay vì chỉ chờ bị tấn công, là chiến pháp nhằm chủ động chiến trường đã được nhấn mạnh nhiều, từ Tôn Tử đến Clausewitz.
Chủ động chiến trường không những chỉ nhờ tấn công mà còn nhờ vận tốc. Trong truyện nói đến ngựa sắt chạy như bay. Đây cũng là vấn đề Tôn Tử và Clausewitz nhấn mạnh rất nhiều. Một quân đội thiếu vận tốc, bị động, chỉ chờ tấn công là quân đội chết. Vận tốc cao làm cho quân đội có thể lùi khi địch tiến, tiến khi địch lùi, và tấn công khi địch sơ hở.
Các khái niệm chiến lược chú trọng về tấn công và vận tốc khác với quan niệm chiến lược cổ điển của tây phương lệ thuộc vào bị động phòng thủ trong những thành quách khổng lồ. Mấy ngàn năm trước tiền nhân của ta đã thấy những khái niệm chiến lược mà tây phương mới bắt đầu sử dụng gần đây. Napoleon là chiến lược gia tây phương đầu tiên sử dụng tấn công và vận tốc trong lịch sử Âu Châu cận đại.
III. Kết luận
Truyện Phù Đổng Thiên Vương, một huyền thoại, một giấc mơ của dân tộc Việt Nam, cũng như những giấc mơ khác của dân tộc Việt, mang trọn tâm tư của dân tộc Việt, mang trọn kiến thức của dân tộc Việt. Những kiến thức trong những huyền thoại nhiều ngàn năm về trước lại là những kiến thức giáo dục, chính trị, kinh tế, chiến lược thực tiễn trong thế giới hiện đại. Những kiến thức đó rất gần với chân lý vì đã trường tồn mấy ngàn năm. Đám con cháu hậu tiến, không thấy được những tinh hoa cao vời đó, mà còn cho rằng văn hóa Việt Nam cổ hủ, là đã có mắt không tròng vậy.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/2009/11/14/tri%E1%BA%BFt-ly-vi%E1%BB%87t-%E2%80%93-phu-d%E1%BB%95ng-thien-v%C6%B0%C6%A1ng/ 
*
*    *
  
PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG - NgoNguyenTran

1 commentaire: