samedi 8 octobre 2016

THƠ NHẠC TRONG TÙ (Nguyễn Mạnh An Dân)

traituCS 
THƠ NHẠC TRONG TÙ 
Nguyễn Mạnh An Dân-Cát Bụi trình bày  

THƠ NHẠC TRONG TÙ (Nguyễn Mạnh An Dân)
Mắt rưng rưng lệ cờ vàng
Tiếng hô xé nát ruột gan thân này
“Hạ kỳ” súng bắt đều tay,
Xin chào đất nước lần này nữa thôi.
(Nguyễn Tư)
Ba mươi tháng tư, ba mươi bảy năm trước, từ một doanh trại buồn thảm nào đó, người chiến sĩ, người nghệ sĩ Nguyễn Tư đã nhỏ lệ khi đứng nghiêm chào lá quốc kỳ lần cuối. Những giọt lệ buồn chắc chắn không chỉ ứa trên mắt, nghẹn trong tim của Nguyễn Tư và đồng đội của anh, mà những giọt lệ buồn thảm và bi uất đó đã ngập tràn trong lòng mỗi người Việt Nam tự do trong ngày đất nước đã ngưng tiếng súng trong một nền hòa bình rơi nước mắt. Giọt lệ buồn không chỉ ứa ra vì những buồn đau, mất mát của từng mỗi cá nhân mà nó còn tuôn tràn để tiết thương cho cả một dân tộc và riêng cho một quân đội hào hùng nhưng bất hạnh, anh dũng mà oan khiên của chúng ta. Rồi từ những bất hạnh, những oan khiên đó, người lính, người tù miền Nam đã cắn răng lại, đã gượng đứng vững trên đôi chân của mình và trải lòng ra với chiến hữu, với đồng bào mình:
Tôi là người lính phải đầu hàng khi còn đang chiến đấu.
Tôi là người tù bị lưu đày trên chính quê hương tôi.
Đã bao năm trôi qua,
Núi sông ơi bao giờ tôi quên giây phút
Khi bóng cờ ngã xuống súng buôn xuôi
Chiến y buồn phơi thây trên đường phố
Kiếp tù binh khép lại đời chiến binh.
Tôi không bao giờ quên máu xương bạn bè đã đổ xuống cho quê hương,
Tôi không bao giờ quên những hy sinh âm thầm của anh em trong ngục tối
Khi trái tim còn nồng nàn
Khi ánh mắt còn thiết tha
Tôi xin làm người lính sau cùng ngã xuống
Cho những người thân yêu,
Cho anh em, cho đồng bào mãi mãi yên vui.
(Vương Quang Tuệ)
Rất nhiều người lính, hữu danh, vô danh đã bắn đến viên đạn cuối cùng và nằm xuống ở khắp các mặt trận lớn nhỏ. Rất nhiều người lính khác, từ những tư lệnh quân, sư đoàn quyền uy đến anh khinh binh số hai nhỏ bé đã tự kết liễu đời mình để trả cái giá danh dự cho tổ quốc của một người lính đúng nghĩa nhưng cũng còn rất nhiều người lính khác còn sống để chia với tổ quốc những tai ương, chịu với dân tộc những thảm họa:
Rồi từ đó quê hương ta điêu tàn
Rồi từ đó Việt Nam ta lầm than
Rồi từ đó ta sống trong đọa đày
Trong ngục tù nghe buốt giá tim ta.

Người lính có buồn lòng nhưng không nản lòng, bởi vì:

Lửa vẫn cháy sáng ngời trong ngục tối
Niềm tin còn vang dây khắp nơi nơi
Ai ngã xuống cho lời ca vang dậy
Ta hát người nghe bài hát ngục tù
Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Ta vẫn sống tim vẫn còn nung nấu
Trong ngục tù ta mài sắt gươm đao
Còn hơi thở ta còn luôn chiến đấu
Còn hơi thở ta còn nuôi chí quật cường.
(Vương Quang Tuệ)
Những lời nhạc tôi vừa gởi đến quí vị được viết từ trại giam Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Bài thứ nhất có tên là Bài Ca Người Tù Binh và bài thứ hai là Tiếng Hát Từ Ngục Tối. Những tiếng kêu bi uất và hào hùng từ trái tim người lính, người tù như một ngọn lửa, như một chất thép giữ vững niềm tin, nối chặt vòng tay của những lính sa cơ. Nó đã khơi dậy những hy vọng, nhen nhúm một phong trào đấu tranh bền bỉ và kiên cường. Tuy nhiên, tác giả của nó đã phải trả giá cho thái độ dũng cảm của mình. Sáu tháng biệt giam với hai chân bị xiềng bằng kẽm gai còn nguyên gai nhọn đã tàn phá thân xác người chiến sĩ đáng yêu của chúng ta, anh không bao giờ còn đi lại được bình thường như chúng ta nữa, chỉ có trái tim anh là vẫn luôn cứng cáp để chuyển lời nhắc nhở chính mình, nhắc nhở đồng đội mình, đồng bào mình một thái độ sống đáng sống:
Xưa họ Đặng đã bao đêm dưới nguyệt
Mài kiếm linh mà nhớ chuyện quốc thù
Nay xin hỏi cả bốn phương hào kiệt.
Nhục năm nào thế đã đủ hay chưa?
(Phạm Nam Quân)
Xin hãy cùng tôi nhớ lại những ngày không thể quên:
Thiếu ăn người ta vất vưởng
Thiếu không khí người ta chết ngay,
Thiếu tự do người ta vẫn sống
Nhưng đời ngựa kéo, trâu cày.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Chữ “đời ngựa kéo trâu cày” tác giả muốn thể hiện bằng hai nghĩa: đen và bóng. Nói nghĩa đen vì quả thật người tù bị bắt làm trâu bò kéo cày ở nhiều trại giam trong cả nước và nghĩa bóng vì xét về nhiều phương diện, từ vật chất đến tinh thần, đời sống người tù không phải là đời sống của một con người. Hãy tưởng tượng, những người lính oai hùng và lãng mạn của một quân đội lãng mạn và oai hùng bỗng chốc trở thành người tù với:
Áo bao cát, giép lốp xe,
Bình đông nước lã kè kè bên hông
Sáng bụng đói, trưa cũng không
“Trên” kêu khắc phục làm xong vụ mùa.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Người lính miền Nam đủ kiên cường để chấp nhận, đủ kiêu hãnh để ngẩn đầu, họ không bi lụy thở than nhưng cũng có lúc chua chát, nghẹn cười trong nước mắt:
Vắt ơi đừng cắn nữa nghe.
Chừa tao chút máu đốn tre trên rừng
Chỉ tiêu mới đạt nửa chừng
Dù tao đã hạ không ngừng quyết tâm.
(Nguyễn Tư)
Tôi biết, nhiều người trong quý vị ở đây là “tù cải tạo”, tôi biết nhiều người khác trong quý vị ở đây biết rõ thế nào là “tù cải tạo”. Tôi cũng biết nhiều người trong số những kẻ chiến thắng nếu có chút tim óc đều biết rõ thế nào là trò lừa mị khi sử dụng mỹ từ “cải tạo”. Thực chất đây là một bản án tử hình gián tiếp. Tránh cho chế độ tiếng ác hung tàn những vẫn đạt được mục đích họ muốn bằng phương cách “cho ăn thật ít, bắt làm thật nhiều và nhốt không có hạn kỳ”. Người lính sa cơ biết rõ thảm kịch của số phận mình, họ đủ kiêu hãnh để chấp nhận, đủ dũng cảm để đối đầu, họ không than vãn, trách oán gì cho chính mình, nhưng trong tận cùng tâm khảm của những chiến sĩ miền Nam, những người con hẩm hiu của tổ quốc vẫn luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình, luôn quặn lòng trước những thảm họa của đất nước mình, những bi kịch của tổ quốc mình, của đồng bào mình. Xin cho người lính được một lần nhớ về những người đã nằm xuống, nhớ về mẹ già, em thơ, nhớ về “một nửa của mình” như một lời tạ lỗi và tri ân.
Hãy cùng nhớ lại những hình ảnh não lòng:
Hai người tù khiên một người
Tấm ni lông rách hở đôi chân gầy
Vệ binh cầm súng quay quay
Quát: Đào cái lỗ, lấp ngay, rồi về.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Rất nhiều “cái lỗ” đã được đào vội ở Trãng Lớn, ở Kà Tum, ở Hàm Tân, ở Đồng Tháp, ở Kum Tum, ở Tuy Hòa, ở Bình Điền, ở Nghĩa Lộ, ở Cổng Trời, ở khắp các trại tù lớn nhỏ trong cả nước.
Áo quan bằng chiếu lác tù
Chôn người lấp cả sương mù cuối năm
Chết đứng từ hồi bảy lăm
Đến nay mới chịu chết nằm đó thôi.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Người lính, người tù đã thanh thản ra đi, đã “chết nằm” để không còn phải kéo dài nỗi đau “chết đứng” nhưng còn những người ở lại, quặn lòng nhìn cả một thế hệ, tương lai của dân tộc sống cảnh đọa đày:
Bé thơ lòng trắng như bông
Lê la hè phố trường không một giờ
Ngọc quí thiếu dũa cũng mờ
Nữa là hoa nhỏ phất phơ giữa đời.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Những đóa hoa nhỏ phất phơ giữa đời. Buồn lắm, đau lắm nhưng cũng chưa đau, chưa buồn, chưa đáng âu lo bằng cả một kế hoạch, muốn biến từng con người, biến cả một dân tộc thành những con người máy không óc không tim:
Em bé được lệnh vẽ cờ
Tay run, bụng đói gượng tô nền hồng
Máu người khô từ bên trong
Mặt ngoài vẫn phải vui mừng, vỗ tay.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
“Vui mừng vỗ tay” . Nỗi vui gượng của em bé đói không có ngày mai có khác nào hình ảnh người lính, người tù bị buộc phải vui mừng, buộc phải “hồ hởi phấn khởi” tri ân những kẻ đã giam cầm, đày đọa mình, đày đọa cả dân tộc mình. Người tù không thể im lặng, không để đồng lõa với những trò lừa mị đáng hổ thẹn và vào những ngày cuối tháng 6 năm 1975, chưa đầy 1 tuần lễ sau khi bị lùa vào các trại giam, những người tù tại L1 T5, hòm thư 7591 trại Trãng Lớn đã chuyền miệng cho nhau một bài thơ nhỏ, rất nhẹ nhàng, rất thơ nhưng là một tiếng nói dõng dạc, khẳng quyết không chấp nhận lối nói, cách sống rập khuông, một chiều như lời một bài hát người tù buộc phải hát: “… nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương….”.

Dù yêu tất cả loài hoa
Sao tôi vẫn ghét nếu là hướng dương
Mênh mông trời đất vô thường
Lẽ đâu chỉ biết một phương mặt trời
Dù yêu tất cả tiếng người
Sao tôi vẫn ghét những lời nói chung.
Tâm hồn ta rộng vô cùng
Lẽ đâu ngôn ngữ đóng khung hẹp hòi.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Người tù không than vãn gì cho mình, nhưng đau lòng khi nghĩ về mẹ, người mẹ Việt Nam không một ngày vui thời chinh chiến và chịu cảnh đọa đày ngày đất nước được ca ngợi là hòa bình, thống nhất:
Chiều đi lao dịch về nhà
Thấy ngoài đồng gió thổi bà mẹ quê
Thay trâu cày dưới chân đê
Mưa thu nặng hạt, nón mê bật vành.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Người tù lại ứa lệ khi nghĩ đến mẹ mình, người mẹ mà:
Ngày con rời trường gian lao đời lính,
Tóc hớt ba phân mẹ cũng dâng Phật tóc mình
Con ăn nhà bàn bữa kịp bữa không
Mẹ cũng hai lần tương cà dưa muối
Con ứng chiến đêm lưng đèo dốc núi
Thức cùng con bên tượng Phật Mẹ quì…”
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Và bây giờ con vào tù:
…Hỏi con chẳng biết bao giờ được ra
Ngày ngày cúng phật dâng hoa
Một bông sen nhòa lệ nhòa thành hai
(Nguyễn Hữu Nhật)
Rồi trái tim người tù quặn thắt khi nghĩ đến một nửa của mình, nghĩ đến những người tình, người vợ thời chiến, nghĩ đến những người bông hoa buồn “đêm nghe tiếng đại bát” và cùng chung chịu với người thương mọi gian nan, khốn khó. Người tù nghĩ đến cô tiểu thư Sài Gòn của mình, hình ảnh tiêu biểu cho nhiều, rất nhiều những tiểu thư miền Nam, những người vợ lính, vợ tù miền Nam, mỗi ngày phải đổi 4 chuyến xe bus từ Phú Nhuận đi Bình Tây để dạy học, hàng tháng nôn nao chờ ngày được mua thực phẩm tiêu chuẩn với vài lạng thịt, lựa thứ thật nhiều mỡ, đem về thái nhỏ thắng lên, giữ phần phần tốp cho mình và dành năm ba muốn nhỏ mỡ nước chờ ngày thăm tù. Nàng không than vãn buồn đau gì cho mình, nhưng luôn chia với người thương nỗi đau về cơn đau của dân tộc:
Cô giáo vào dạy học trò
Nhìn đâu cũng thấy buồn xo mắt người
Bài học xã hội tốt tươi
Đến giờ phải giảng, ngậm ngùi, lại thôi.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Ôi! xin được một lần nhớ về em, chia với em nỗi đau chung:
Đường xa nón lá bung vành
Thương em lả ngọn rau xanh bờ rào
Em về bước thấp, bước cao
Nước mưa, nước mắt lẫn vào nước non.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Trái tim héo úa và phiền muộn của người lính miền Nam rộn rã nhịp đập ngày gặp gỡ hiếm hoi có được.
Chỗ em đứng chờ anh ra 
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng 
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay
Nhìn trời sóng mũi cay cay
Mấy năm mới được có ngày gặp nhau
Một giờ gặp mặt qua mau
Năm ba câu chuyện đâu đâu đã tàn
Tự dưng thương ghế thương bàn
Nơi em đã để cho làng hương rơi
Anh muốn kêu lên: Em ơi!
Nhớ gì nhớ đến chết người như không.
(Nguyễn Hữu Nhật)
Rồi cũng có ngày người tù trở về, trở về với một hình hài não lòng:
Cô em lấp ló bên rào
Hỏi thăm anh ở trại nào về đây.
Thực tình em đâu có hay
Cứ tưởng học tập đôi ngày rồi ra
Nào ngờ khi trở lại nhà
Thấy anh tàn tạ sao mà thảm thương.
(Nguyễn Tư)
Hình ảnh người tù có thể thảm thương dưới đôi mắt bàng quang của người đời nhưng cho dù thế nào, nó mãi vẫn là những gì đẹp nhất, thân quý nhất với một nửa của họ, bởi vì:
…Người về như là mưa lũ
Tưới trên vườn hồn em khô
Người về như là ngăn giữ
Hóa đá thân em từng giờ.
Người về thắp lại ánh lửa
So giây chơi một đoạn buồn
Cuộc đời tự dưng thấy ấm
Tiếng hát xanh ngời lòng em…
(Hà Thúc Sinh)
Người lính, người tù, những “mưa lũ”, những “ánh lửa” của một người đã tạ tình, đã luôn mơ những sum vầy với những gì không thể thiếu:

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em.
(Tô Thùy Yên)
Đẹp biết bao, mừng vui biết bao khi sau những tháng năm dài chia lìa nghiệt ngã là chút hạnh phúc mong manh, chút niềm vui đoàn tụ. Tuy nhiên, bóng đen của kế hoạch hồi hương, của chính sách đày người “kinh tế mới” lại tiếp tục vùi dập, đẩy người tù về nơi vô định
Tù về con nửa hàm răng
Nghèo mua rau muống già ăn đỡ lòng
Sợi dai nên cứ lòng thòng
Ngẩn cổ mà nuốt, đứng tròng con người.
(Nguyễn Tư)
Người cộng sản có thể đã thành công một nửa trong kế hoạch vùi dập và thuần phục người tù của họ. Gọi là một nửa vì họ đã có thể làm thể chất của người tù hao mòn, sức lực của người tù cạn kiệt nhưng họ đã không thể, không bao giờ có thể tước đi ý chí và niềm tin của người tù:
…Đời anh gắng liền đám đông
Tự do hoặc chết chứ không cuối đầu
Người mà chằng khác ngựa trâu
Hỏi em mơ ước sông lâu làm gì
Sống hèn thà chết ngay đi…
(Nguyễn Hữu Nhật)
Nhiều năm tháng đã trôi qua, nhiều biến cố lịch sử trọng đại đã xảy xa, Liên sô và các nước cộng sản Đông Âu đã lột xác, đã chuyển mình. Ánh lửa của dân chủ, tự do đã phủ tràn trên toàn vùng Bắc Phi và tỏa dài trên toàn thế giới. Những câm nín, uất nghẹn, những nhẫn nhục cam chịu đã có dấu hiệu bùng lên trên quê hương Việt Nam. Chúng ta có quyền tin tưởng một ngày không xa, chúng ta sẽ có dịp nhỏ lệ thêm một lần nữa trước lá quốc kỳ thân yêu của mình. Đây không phải là những giọt lệ buồn khi “hạ kỳ lần cuối” mà là những giọt lệ hân hoan khi được nhìn thấy lá quốc kỳ thiêng liêng của tổ quốc, biểu tượng của tự do, dân chủ và nhân quyền được trả về đúng vị trí của nó trong lòng dân tộc. Xin hãy cùng nhau ước mơ và hy vọng.
Xin chân thành cảm ơn những khuôn mặt trầm buồn, những ánh mắt xót xa chia xẻ của quí vị, và xin trân trọng kính cháo tất cả quý vị.
Nguyễn Mạnh An Dân

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire