mercredi 5 octobre 2016

Mùa Thu Cuối Cùng - Hoàng Chính

 
Mùa Thu Cuối Cùng 1
Mùa Thu Cuối Cùng 2
Lá cây chao rụng trong thoáng gió. Bây giờ có lẽ đang là mùa thu; mùa thu Sài gòn sau những năm tháng dài tàn tạ vẫn buồn như thuở nào. Chắc phải là mùa thu, bởi vì ngoài kia đang có lá vàng, và nắng, dường như héo hắt, u uẩn. Trời cuối thu rồi, em ở đâu. Nằm trong đất lạnh, chắc em sầu. Thu ơi đánh thức hồn ma dậy, ta muốn vào thăm đáy huyệt sâu. Chép nguệch ngoạc những câu thơ Đinh Hùng lên đầu trang giấy trắng của cuốn tập Kinh-tế Chính-trị Mác-Lê-Nin, và nhớ vu vơ. Buổi học thứ mấy mươi rồi, vẫn chưa học được gì. Cũng buồn; nên buồn lắm chứ, khi mà đám bạn cùng lớp, ngồi chật ních giảng đường đang tiếp thu một cách khẩn trương và chắc chắn tư tưởng mới; họ sắp thành con người mới cả rồi! Mình chậm chạp đi dần đến chỗ thoái hóa và sẽ bị bánh xe lịch-sử nghiền nát mất thôi. Nhưng nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Đã có kẻ nào trong trường Y, trường Nha, trường Kiến trúc yêu Thụy và được yêu lại như mình đâu. Mình là trường hợp tiêu biểu cho định nghĩa về hạnh phúc của Shakespeare rồi. Kinh-tế là kiến-trúc hạ tầng cơ sở; từ kiến-trúc hạ tầng đó, sản sinh ra các kiến-trúc thượng tầng như văn hóa, chính trị, tôn giáo… Định-nghĩa cơ-bản này trích trong Tư bản luận của Các-Mác, nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên-nghiệp trang 64. Mới đó mà đã bốn năm rồi. Năm tháng không làm em thay đổi chút nào: vẫn nhát như hồi đó; vẫn “để Thụy hỏi mẹ xem sao”; vẫn “anh lộn xộn quá” mỗi lần anh đòi hôn. Lớn lắm rồi nghe cô, hai năm nữa cô sẽ là nha sĩ rồi, cái gì cũng “mẹ bảo, mẹ bảo…” làm sao mà sống. Nền kinh-tế tư sản sản sinh ra quan-hệ sản xuất tư sản mà đặc trưng của quan-hệ sản xuất này là người bóc lột người; trong tình huống đó, nền văn-hóa tư sản nhằm phục vụ giai-cấp tư sản là giai cấp thống trị trong xã-hội. Đó là một nền văn-hóa phản động. Tôn giáo là một bộ phận của nền văn hóa phản động đó. Một cơn gió lùa qua giảng đường. Một chút lạnh nhỏ nhoi, dịu dàng theo vào. Thương quá Sài gòn ơi, Sài gòn ơi. Sài gòn như cô gái bị bắt về làm hầu thiếp cho bầy thổ phỉ. Sài gòn ơi! Nên khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đánh tan chủ nghĩa thực dân Pháp ở miền Bắc thì mặc dù chủ nghĩa đế quốc Mỹ còn hoành hành ở miền Nam, Đảng và nhà nước cũng quyết định tiến hành ngay cuộc cách-mạng xã-hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Từ đó, miền Bắc trở thành hậu phương lớn phục vụ tiền tuyến lớn là chiến trường Nam bộ. Cái cậu ngồi gần cửa kia, đứng lên xem nào! Phiền quá, đang nhớ mà cũng không yên thân. Mẹ kiếp! Hắn lầm bầm trong miệng và đứng lên. Giảng viên Kinh-tế Chính-trị Mác-Lênin, nguyên là giáo sư trường đại học tổng hợp Hà Nội, nhìn hắn chằm chặp, hỏi:
“Có cái gì ngoài cửa vậy?”
“Không có gì hết, thầy.”
Hắn cảm thấy ngượng miệng khi phải gọi vị giảng viên bằng “thầy.”
Vị giảng viên sôi nổi, “Tôi không tin. Phải có cái gì đó lôi cuốn được sự chú ý của cậu chứ?”
“Nếu thế thì… có.” Văn ngập ngừng.
“Cái gì? Cậu nói cho cả lớp biết. Chính tôi cũng muốn biết cái gì đã hấp dẫn hơn cả những lý-thuyết biểu hiện của đỉnh cao trí tụê của con người trên hành tinh này, mà tôi đang báo cáo với cả lớp. Cái gì?”
“Dạ, một cơn gió.”
Có tiếng cười đâu đó ở một xó xỉnh nào trong giảng đường đông đúc. Chút ngỡ ngàng trong mắt vị giảng viên tan biến thật nhanh. Ông ta nhún vai, vẻ bất cần, nhưng giọng nói thì quyết liệt, “Có gì trong cơn gió đó? Những đổi thay có tính chất cách mạng hay vẫn chỉ gồm những rung động giáo điều, lãng mạn của tư sản phương tây?”
“Thưa thầy, cái đó tùy thầy quyết định.”
“Tôi muốn anh tư duy và vận động lao động sáng tạo của trí óc riêng anh.”
“Thưa thầy, không thể được.”
“Tại sao?”
Hắn ngập ngừng nhìn lướt qua phía trên đầu vị giảng viên. Phía sau ông ta, bức hình lãnh tụ già nua—khoác áo choàng—đưa tay chào mấy mươi triệu nô dân, như cách chúc lành của vị giáo chủ Thiên Chúa giáo La Mã ở công trường thánh Pierre, Vatican. Hắn nhủ thầm: Già quá!
Vị giảng viên vẫn đang chờ câu trả lời của hắn:
“Cậu không nên để cả lớp chờ đợi như vậy. Hãy nói cho tôi biết tại sao.”
“Tại vì… dù sao cũng chỉ là một cơn gió cuối mùa.”
“Cậu mất quan-điểm?”
“Thưa, nghĩa là sao ạ?”
“Trước khi rung cảm,” vị giảng viên mơ màng. “Con người xã-hội xã-hội chủ nghĩa cũng biết rung cảm, và rung cảm nhiệt tình nữa kia. Tôi nhắc lại, trước khi rung cảm, phải xác định quan-điểm của mình. Nếu cậu đứng trên lập trường tư sản, mọi rung cảm sẽ lệch lạc, thoái bộ, và phản động. Từ cảm xúc đi tới hành động là một bước ngắn. Cậu sẽ đi ngược chiều của cả ba dòng thác cách mạng thế giới. Tuy nhiên, nếu đứng trên lập trường quan-điểm vô sản, những rung động vô sản sẽ thuận lợi cho cuộc cách mạng vô sản trên bình diện thế giới. Nếu được như thế, cậu sẽ đi cùng chiều với bánh xe lịch sử.”
Bánh xe lịch sử. Mẹ kiếp! Hắn nhủ thầm, cứ phải nghe hoài những ngôn từ công thức như vậy chắc sẽ điên lên mất. Hắn nhớ trong những buổi họp tổ dân phố, đồng chí bí thư chi đoàn thanh niên khu phố—nguyên là sinh viên luật khoa Sài gòn—vẫn thường gằn giọng như muốn nuốt sống tất cả cử tọa, khi lặp đi lặp lại: Bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát các anh! Thụy ơi, cứu anh với. Anh sắp điên lên rồi. Thụy có buồn như anh không? Giờ này chắc nhỏ đang họp tổ. Bánh xe lịch sử chắc cũng đang lăn sau lưng nhỏ, bóp còi inh ỏi. Giận quá; giận quá!
Tiếng vị giảng-viên kéo hắn về với giảng đường, “Cậu nhất trí với tôi không?”
Hắn trả lời một cách vô cùng thiểu não:
“Thưa… Một cơn gió dù sao cũng chỉ là một cơn gió.”
“Sao nữa?”
“Và trước một cơn gió lạnh, nếu không mặc áo ấm thì dù có lập trường như thế nào đi nữa, cũng chỉ thấy lạnh mà thôi.”
Vị giảng viên chưa kịp nổi giận, thì cả lớp đã cười ồ. Hắn nghe tiếng vài đứa bạn thân ngồi rải rác trong giảng đường hét bằng tiếng Nga cái tĩnh từ duy nhất mà bọn hắn nhớ được sau những giờ Nga văn dài lê thê: Khơ-ra-shô! Khơ-ra-shô! như những thày cũ của hắn vẫn thường nói “Bien!” mỗi khi đắc chí. Một tiếng hét như muốn phá vỡ giảng đường, phát ra từ đâu đó trong những bạn bè hắn:
“Khơ-ra-shô! Ta-va-rish Ivanovitch!” (Tốt lắm đồng chí Ivanovitch ạ!)
Tiếng hét của thằng Định. Chắc chắn là như vậy, vì nó là thằng rất siêng học tiếng Nga. Định vẫn nói diễu cợt với hắn là học tiếng Nga để nghiên cứu khoa học. Mày thấy không Văn, sách vở bây giờ của tụi Nga không; hơn nữa tụi nó có trình độ khoa học kỹ-thuật ở đỉnh cao của khoa học thế giới mà! Và chính Định đặt tên Văn theo tiếng Nga là Ivanovitch. Mai mốt khỏi mất công vô quốc tịch! Nó bảo thế.
Câu trả lời của hắn, sự biểu đồng tình lộ liễu của lớp học làm vị giảng viên im lặng trong chốc lát. Ông ta khéo léo—dù sao ông ta cũng là đảng viên lâu năm, đảng viên trung kiên—nén cơn giận, mỉm cười, chậm rãi, “Các cô cậu im lặng được chưa?”
Tiếng ồn ào lắng xuống. Hắn vẫn đứng trơ vơ, nhìn lướt trên mái đầu những bạn bè cùng lớp. Tuổi trẻ này, bao nhiêu là nhiệt tâm, bao nhiêu là chất xám, đang nếu không mai một như biết bao nhiêu những ruộng đồng bỏ hoang, thì cũng bị vun xới, cho sinh ra những hoa trái dị hợm, trái mùa. Những đời tuổi trẻ này đang miệt mài gánh vác tham vọng của tuổi già của vô số những thần linh giả trá.
“Cậu tên gì?”
“Thưa… Văn.”
Vị giảng viên ném ra phán quyết cuối cùng, “Tôi đuổi cậu ra khỏi lớp.”
Ơi em dễ thương như sớm mai! câu thơ ngọt ngào trong trí nhớ hắn. Thế là anh có lý do chính đáng đi tìm em rồi. Mừng quá, lần này khỏi cần nói dối; chính thày giáo “bảo” anh ra ngoài chứ không phải anh “lặn” như mấy lần trước. Hắn lui cui dọn dẹp sách vở, xếp chiếc áo blouse cho gọn ghẽ và kẹp vào giữa cuốn tập. Hắn liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường, trước khi bước ra khỏi giảng đường. Ba giờ hai mươi lăm. Cũng được thôi! Hắn nhủ thầm vô tình bằng chính cái câu mà trước kia hắn ghét cay ghét đắng. “Cũng được thôi! Cũng tốt thôi!” Câu nói nhập cảng từ miền bắc tổ-quốc xã-hội chủ nghĩa. Cái gì “cũng tốt thôi” cả, khi nó liên-hệ ít nhiều tới Đảng, Đoàn và Hội. Hắn nhủ thầm với chính hắn: Ra sớm được bốn mươi phút, có thì giờ đón con bé trước khi đến bệnh viện nhận phiên trực đêm thì tốt quá rồi, làm gì có chuyện “cũng tốt thôi” được.
Hắn đứng trong hành lang trường đại học, bâng khuâng nhìn trời mây và những chiếc lá me vàng bay như bươm bướm lượn sau mỗi cơn gió nhẹ. Đâu đó còn vẳng lại tiếng rên rỉ trái mùa của một con ve sầu lưu lạc. Mặt trời chiều ở phương tây hắt lên không gian những phiến nắng mệt mỏi, nhuộm một màu vàng héo úa lên những đám mây èo uột. Hắn khoác cái quai vải của chiếc túi xách màu cứt ngựa lên vai, thong dong bước về khu Cơ thể học như một khách nhàn du giữa đám sinh viên xớn xác, chạy ngược chạy xuôi. Văn đi vào phòng vệ sinh của khu Cơ thể học. Mùi formol dùng để ướp xác chết đặm nồng trong không khí. Cái mùi gây gây, ngai ngái, làm tê tê, ngưa ngứa khứu giác có lẽ chẳng bao giờ hắn có thể quên được. Suốt một năm đầu trong trường Y khoa, hắn đã phải vùi đầu vào những xác chết khô queo ướp trong cái chất đục lờ lờ ấy để mổ, để học, để nhớ hết mọi hang hốc, mọi dây thần kinh, mọi mạch máu trong cơ thể người chết. Lâu dần, hắn không còn thấy khó chịu vì cái mùi nồng nồng ấy. Bẵng đi vài năm, không trở lại khu Cơ thể học, hắn quên mất mùi formol. Bây giờ phải trở lại trường, học chính-trị, có dịp ngửi lại mùi formol khi đi ngang khu Cơ thể học, hắn thấy bồi hồi như gặp lại một người quen từ lâu xa cách.
Phòng vệ sinh nam sinh viên rộng thênh thang. Hồi học năm thứ nhất, hắn và lũ bạn thường hay dùng căn phòng này làm chỗ nghỉ trưa. Hồi đó, còn chế độ “Mỹ-Ngụy,” sinh viên ăn trưa tại cafeteria. Chế độ ăn uống có viện trợ, thành ra có thịt bò, thịt heo, hoặc cá—mỗi ngày thứ sáu (vì nhà bếp do các ma soeur phụ trách, nên thứ sáu phải kiêng thịt), rau, trái cây, và sữa. Ăn trưa no xong, sinh viên—thường là năm thứ nhất—kéo nhau lên chiếm các hành lang hoặc nhà vệ sinh để nghỉ trưa, vì ở đó yên tĩnh và sạch sẽ. Những năm sau này, sinh viên (được gọi bằng cái tên dài và ngớ ngẩn: “học sinh đại học”) hoặc không đủ tiền ăn trưa ở cafeteria, hoặc không ăn nổi những món ăn độn bo bo, bắp, thóc và sạn nhiều quá, đành đem đồ ăn đã làm sẵn ở nhà lên hành lang và… nhà vệ sinh khu Cơ thể học để ăn trưa, rồi nghỉ ngơi, trước khi tiếp tục “phấn đấu” với bài vở và sinh hoạt lớp, tổ.
Trong vòng mấy tuần lễ nay, Văn có một cái thú là theo dõi cuộc đấu tranh giai-cấp gay gắt giữa các đại biểu của giai-cấp thống trị (hoặc cũng có thể là bọn cách-mạng theo đuôi) với giai-cấp bị trị trong đám sinh viên. Bãi chiến trường của cuộc chiến tranh giai-cấp một mất một còn ấy là cái vách tường của một phòng vệ sinh (mà người ta đề nghị gọi nôm na là “nhà ỉa nam”) trong khu Cơ thể học. Trận chiến bắt đầu cách đây không lâu khi một bàn tay bất mãn nào đó đã viết lên tường câu “Miền bắc cai trị miền nam.” Vài hôm sau, có người biểu đồng tình: “và Miên, Lào.” Vài hôm sau nữa khi vào nhà vệ sinh, Văn đọc được thêm một hàng chữ khác, chững chạc, viết bằng mực đỏ, như thế này “Nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một.” Cuộc chơi nguy hiểm nhưng đầy hào hứng tiếp tục. Một đầu óc bất mãn xướng “Ngày nào Hồ cạn, Đồng khô,” và một đồng chí học sinh đại học nào đó họa “Hồ chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.” Khoảng hai tuần sau, vào nhà vệ sinh, Văn thấy những câu phản động đã bị xóa bằng mực đỏ, chỉ còn lại những khẩu hiệu cũ mèm đã được tô đậm nét. Vài hôm sau có kẻ dè bỉu bằng dòng chữ nguệch ngoạc “Lấy thịt đè người.” Dòng phát biểu này chỉ sống được hai ngày. Có lẽ ban chấp hành chi đoàn Y khoa đã cử người đặc trách theo dõi cầu tiêu, nên câu “Lấy thịt đè người” cũng bị xóa bằng mực đỏ, và bị đánh chí tử bằng câu “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm.”
Hai ba hôm nay, chưa thấy được câu nào mới. Có lẽ phe “kháng chiến” đã hết súng đạn. Văn nghĩ thầm. Hắn mở cửa cầu, nhìn lên tường. Vẫn chưa có gì mới lạ. Chủ nghĩa bách chiến bách thắng thật. Có lẽ bọn phản động đã cạn đề tài. Văn bỗng thấy bực bội vì cuộc đấu kết thúc mau quá; đã thế, những khẩu hiệu cũ mòn còn nguyên đó, như thách thức, khoe khoang. Văn thọc tay vào chiếc túi vải, tìm cái bút lông. Hắn gài cửa cầu, giật nước và viết vội vàng hai câu thơ mà hắn đã soạn sẵn trong đầu từ lâu nay xuống phía dưới câu “Chủ nghĩa bách chiến bách thắng”. Văn đọc lại lần nữa tác phẩm của mình, trước khi bước ra ngoài. Thơ rằng:

“Cơm cha, áo mẹ, công thầy
văn hay, chữ tốt viết đầy cầu tiêu.”

Câu thơ không có tính giai cấp; câu thơ vô tội vạ. Văn hồi hộp bước nhanh ra khỏi nhà vệ sinh, đi vòng cầu thang xuống tầng dưới. Trước kia thang máy còn hoạt động, Văn còn cái thú đứng trước cửa chờ thang máy, và thích thú mỗi khi khám phá ra trong thang máy chỉ có mình và một cô bé trường Nha láng giềng hay một cô bé Y khoa lớp nhỏ hơn. Bây giờ thang bị cấm sử dụng, tất cả phải dùng thang bộ, cái thú ngắn ngủi kia cũng mất đi như một giấc mơ hụt hẫng. Xuống tới sân, Văn thở phào khoan khoái. Trò chơi nguy hiểm nhưng hào hứng gã âm thầm, say mê tham dự từ bao lâu nay. Hy vọng bọn giai-cấp mới sẽ đầu hàng sau cú đánh có tính cách văn hóa của Văn.
Văn đưa tay nhìn đồng hồ. Còn sớm chán. Giờ này có lẽ Thụy còn đang họp tổ. Hắn lững thững đi về phía trường Nha. Mỗi lần đi về phía trường Nha, lòng hắn luôn luôn rộn ràng một nỗi xôn xao khó tả. Mặc dầu hắn quen Thụy đã gần bốn năm nay; mặc dầu hắn đã ôm được nàng, như những cặp tình nhân ôm nhau, và đã hôn nàng không biết lần thứ mấy trăm—mỗi lần hôn Thụy, hắn đều ghi ngày giờ trong cuốn lịch bỏ túi—nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi khi đến nơi hẹn, Văn không thể nén được những nhịp đập hân hoan của trái tim. Và lúc đến bên nàng, đôi tay hắn đâm ra thừa thãi (nếu không ôm, không hôn Thụy, thì thử hỏi đôi tay này trời sinh ra làm gì? lao động vinh quang ư? Vớ vẩn, vô nghĩa!)
Văn ghé ngồi trên bức tường thấp bao quanh hành lang trường Nha, xem đánh bóng chuyền. Văn nhận ra những khuôn mặt sinh viên quen thuộc trong cả hai đội banh; đặc biệt một nữ cầu thủ sinh viên Y khoa học dưới hắn một lớp. Cô gái có những cú giao banh sấm sét. Văn tưởng chừng nếu trái banh trúng đầu mình, hắn sẽ lăn ra chết tức khắc. Nhưng đáng lưu ý hơn cả là bộ ngực đầy nhún nhẩy—dưới lớp áo thun bó sát—vô cùng sinh động theo mỗi động tác của cô gái trong sân banh. Văn thường hay hình dung ra cô gái với ngực trần, vai trần và thân trần mà buông thả cho trí tưởng tượng mặc sức vẽ vời hình ảnh những đêm dài mê muội. Nhưng những cơn mộng ảo muội ấy phai nhanh, tắt vội như thể những cảnh trên màn bạc khi đèn trong rạp chiếu bóng bất thần bật sáng, mỗi khi tên của Thụy trở về trong trí nhớ. Thụy, như bà tiên hiền hậu, có phép màu xóa tan mọi phù phép yêu ma. Văn yêu nàng đến mê muội, yêu đến độ hắn chưa bao giờ dám hình dung một Thụy trên chiếc giường nệm trắng, với thịt da trắng muốt đợi chờ, dâng hiến. Vì vậy, người nữ cầu thủ sinh viên trên sân banh đã thay thế Thụy cho những giấc mơ trần tục. Văn thích bộ ngực cô gái quá đỗi. Nó tròn tròn, cong cong, đầy đầy, rung rinh, nhấp nhô như có môt đời sống riêng, ham hố, tội nghiệp.
Đám khán giả lưa thưa vỗ tay cổ võ một cú đánh đẹp mắt của cô bé sinh viên, đánh thức Văn khỏi cơn mộng du gió thoảng. Cô gái tươi cười, nhìn lướt qua đám khán giả nhỏ nhoi, chút kiêu hãnh trong cái nhún vai rất tây làm rung rung đồi ngực. Văn đưa tay xem giờ. Giờ này chắc Thụy đã tan học. Con bé bao giờ cũng thong thả bước từ giảng đường, đi lên lầu. Cất đồ nghề (búa, kềm, “tuốc-nơ-vít,” cưa, kéo…) vào ngăn tủ cá nhân, sau đó vào nhà vệ sinh rửa mặt (thêm chút son lên môi, chút phấn hồng trên má?) thay áo blouse, rồi mới thong thả đi ra điểm hẹn. Thành ra lúc nào Văn cũng thấy nàng tươi mát, gọn gàng như cuốn vở mới sang trang. Văn mỉm cười một mình với ý nghĩ về Thụy, và cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Bỗng có bàn tay ai vỗ vào vai Văn, làm hắn giật mình, nhưng không vội quay lại. Văn mong đó là Thụy (mặc dù Thụy chả bao giờ làm vậy. Mười năm sau nữa, hắn cũng chả dám chắc là Thụy sẽ vỗ vai hắn. Người đâu mà rụt rè đến khó chịu!) Hắn đặt nụ cười lên môi, chậm rãi quay lại.
Một người con gái—không phải Thụy—đứng sau lưng Văn, bàn tay vẫn còn đặt trên vai hắn. Văn bối rối, “Ủa. Chị Đào!… Cũng coi bóng chuyền nữa sao?”
Người bạn gái học cùng lớp nhìn hắn, nghiêm trang, “Chưa về sao anh Văn?”
Văn ngập ngừng, “Bữa nay trực bệnh viện.”
Bàn tay mềm mại, mát mẻ vẫn đặt trên vai hắn.
“Bệnh viện nào vậy?”
Mùi gây gây của thịt da con gái tỏa ra, bao phủ lấy Văn. Hắn cố giữ cho hơi thở điều hòa, “Bình Dân.”
Cô gái gật gù, “Hèn chi giờ này anh còn ở đây.”
Văn ngập ngừng, “Còn chị?”
Người con gái nghiêm trang, “Tôi muốn sinh-hoạt riêng với anh.”
Nàng nhìn thẳng vào mắt hắn sau câu nói, chờ đợi. Cái nhìn làm Văn bối rối. Hắn bao giờ cũng bối rối trước mặt đàn bà con gái, không phân biệt đẹp xấu; nhất là trước những đôi mắt tròn, sâu thăm thẳm, chăm chú, soi mói, hay mời mọc.
Nàng tiếp, “Anh có bận lắm không?”
“À… thì cũng chẳng bận gì mấy…”
“Thế thì tôi có thể nói chuyện với anh Văn một chút được không? Mình lên hành lang Vi-sinh-học cho gần.”
Văn loay hoay tìm kế hoãn binh. Chẳng phải hắn sợ cái góc hành lang tối vắng trên khu Ký-sinh-trùng-học; hắn cũng chẳng sợ hãi gì con nhỏ đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh này; hắn cũng chẳng ngán gì cái mùi thịt da gợi cảm, cái thân thể no đầy dưới lớp áo chật bó kia. Con nhỏ tiên tiến này muốn chết, hắn cho chết; hắn cũng chẳng sợ gì những bài bản hắn biết cô nàng sắp giảng cho hắn về những tiền đề trong cuộc đấu tranh giai-cấp, những cặp phạm trù trong triết học Mác-Lênin hay giai-đoạn giẫy chết của chủ-nghĩa tư bản; nhưng giờ này, trên hành lang Ký-sinh-trùng-học thì không thể được. Thụy sẽ bắt gặp hắn và cô đoàn viên ngồn ngộn thịt da này. Và nếu như Thụy bắt gặp Đào với hắn trên hành lang vắng vẻ, thì có trời mới thuyết phục được cho Thụy tin rằng cô nàng mơn mởn kia là đoàn viên tiên tiến, và Văn với cô ta ngồi trên đó để “sinh hoạt riêng” (cái nhóm từ tai hại này cũng tối nghĩa nữa; tại sao không gọi là buổi cảnh cáo, buổi đe dọa, buổi hù, phiên tòa cá nhân vân vân và vân vân…) và chỉ có trời mới cứu được cái chuyện tình hắn nuôi dưỡng bốn năm trời vất vả, ngược xuôi.
Thấy Văn chần chừ, Đào bóp nhẹ vai hắn, “Anh có thể đi với tôi không?”
Văn nhún vai như muốn gỡ tay nàng xuống.
“Sợ trễ giờ mất chị Đào à.”
Đào cười, rụt tay về, sửa lại mép cổ áo nàng.
“Anh bao giờ cũng chao đảo.”
“Tại chị nghĩ vậy chứ tôi cũng tiên tiến lắm chứ bộ.”
Mắt người con gái tròn xoe vì ngạc nhiên.
“Đó là phần tự phê của anh đó phải không?”
Hắn nheo mắt, “Có lẽ.”
Đào bỗng nhiên nghiêm khắc như một cô giáo già khó tính, “Lúc nào anh cũng giỡn chơi. Chúng ta không có thì giờ đùa giỡn. Bánh xe lịch sử không cho phép thế-hệ chúng ta lề mề, chao đảo. Chúng ta có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân, và tổ quốc. Chúng ta là trí thức xã-hội chủ nghĩa. Anh chắc vẫn nhớ rằng chúng ta không còn là trí thức tiểu tư sản, sau khi chúng ta đã đứng về phía liên minh công nông, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.”
Văn xoay hẳn người về phía cô gái, co hai chân, ngồi xếp bằng trên bệ gạch, gật gù. Hắn không thể nào tin được đôi môi đỏ mọng này lại có thể nói lên những lời—theo hắn nghĩ—bệ rạc và suy đồi đến thế. Nàng cũng đẹp đấy chứ, Văn nghĩ, chỉ có điều đáng phàn nàn là nàng hơi mập; gọi theo ngôn từ bình dân là “xổ sữa.” Đôi môi của nàng trề ra sau mỗi câu nói như thể nàng bỏ dấu chấm câu. Hắn tưởng tượng cảnh hắn hôn lên đôi môi ấy. Chúng ta may mắn có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, để khơi mào cho cuộc cách mạng khoa học kỹ-thuật, trí thức xã-hội chủ nghĩa phải đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ-thuật. Anh không nhớ Lênin đã nói Chủ nghĩa xã-hội bằng chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa nông thôn. Ơi đôi môi sau bốn năm trời ăn bo bo, cơm độn khoai, độn sắn, sao vẫn mặn mà mời gọi đến thế này! Chung quanh hắn, đám khán giả thưa thớt của cuộc đấu bóng chuyền lại vỗ tay cổ võ một cú đánh ngoạn mục của ai đó. Ba dòng thác cách mạng thế giới đang cuồn cuộn chảy. Chúng ta không thể đi ngược dòng lịch sử. Anh Văn, anh nghe tôi nói không?
Văn bừng tỉnh, ngập ngừng, “Tôi có thể phát biểu được không?”
“Ừ, anh cứ nói.”
Văn mơ màng, nói như thì thầm với riêng hắn, “Chị có đôi môi đẹp, và chắc là… tuyệt vời!”
Lời khen như tiếng sét đánh ngỡ ngàng trong buổi chiều nhạt nắng. Nàng đứng sững như vừa trúng cơn gió độc. Văn bồi thêm, “Chị đừng vội kết tội tôi là suy thoái, đồi trụy. Nếu như biết thưởng thức nghệ thuật là một cái tội thì tôi sẵn sàng nhận tội. Chị có đôi môi đẹp tuyệt vời ngay cả lúc chị nói chuyện đấu tranh giai-cấp. Nhưng tôi lưu ý chị một điều; nếu chị cứ nói hoài với tôi về chính-trị, tôi sẽ có cách riêng để cho chị đổi đề-tài, hoặc ít ra làm cho chị ngưng nói chuyện đấu tranh giai-cấp; và tôi sẽ áp dụng cách đó.”
Em chỉ là người em gái thôi, Đào ạ! Báo cáo đồng chí chính trị viên, đồng chí dù sao cũng chỉ là đàn bà, đồng chí chịu sự chi phối của mọi quy luật tâm-sinh-lý. Những ý tưởng lộn xộn trong đầu óc hắn. Đôi má cô đoàn viên đổi từ xanh qua đỏ hồng. Đôi mắt chớp loạn vì bối rối, đôi môi nàng mấp máy, “Anh sẽ… làm gì?”
Văn nhìn thẳng vào mắt nàng, tự tin:
“Tôi sẽ hôn chị.”
Nàng bối rối nhìn xuống sân banh. Văn tiếp, “Cách đó sẽ làm cho chị thôi nói chuyện đấu tranh giai-cấp.”
Văn thở phào khoan khoái vì làm chủ được tình thế. Có thế chứ. Chẳng có chủ-nghĩa nào làm thay đổi được nếp suy nghĩ của con người một cách nhanh chóng bằng tiếng gõ trên cánh cửa trái tim.
Người nữ đoàn viên ném cho hắn một cái-liếc-của-con-gái-Sài-gòn-trước-ba-mươi-tháng-tư, rất ngọt, rất sắc. Và phán một câu rất cổ điển, “Anh… xưa như trái đất. Thấy mà ghét!”
Rồi quày quả bỏ đi.
Văn thích thú nhìn theo người con gái. Tư tưởng lạc hậu lại về trong trí hắn. Nàng cũng khá đẹp, và ngon lành; mỗi tội hơi mập và mở miệng ra là nói chuyện đấu tranh chính-trị. Đám khán giả lại vỗ tay reo hò một đấu thủ trên sân banh. Văn xoay người lại. Chợt nhớ đến Thụy, Văn đưa tay lên xem giờ. Bỏ mẹ! Hắn lẩm bẩm. Đã tan học cách đây mười lăm phút rồi. Tại sao con bé lại không ra chỗ này, nơi hắn đợi mỗi ngày. Thôi rồi, Văn nhớ lại khúc hoạt cảnh giữa Đào và hắn. Đó là lúc Thụy tan giờ học. Mẹ ơi! Thụy chắc là phải thấy cảnh Đào đặt tay lên vai hắn. Hồn vía lên mây, hắn cuống quýt nhảy xuống hành lang, chạy vào khuôn viên trường Nha, nơi sinh viên Nha khoa thực tập nhổ răng miễn phí. Khu thực tập trống vắng. Thấp thoáng bóng người y công quét dọn nền nhà. Tim Văn đập mạnh hơn, hắn chạy băng băng ra phía cầu thang dẫn lên khu Vi-trùng-học; khu hành lang—nơi có những hộc tủ cá nhân của sinh viên Nha khoa—vắng vẻ như hành lang một căn nhà xác. Tiếng chân hắn vang vọng, dội lại từ cuối hành lang nghe âm u, xa thẳm. Văn đi qua, đi lại trước nhà vệ sinh nữ sinh viên, hy vọng Thụy còn ở trong đó. Cánh cửa nhà vệ sinh chợt mở và một cô gái luồn qua khe cửa. Văn sững sờ. Đó là Đào. Mẹ ơi! Văn nghĩ thầm, người đâu gặp gỡ làm chi; hắn nghe tiếng cằn nhằn trong đầu. Lần này chắc hết chạy đâu được nữa rồi. Đào đứng sựng lại, bối rối nhìn hắn. Hắn cũng bối rối không kém.
Người con gái chớp chớp đôi mắt, lắp bắp, “Thấy ghét!”
Rồi bỏ đi vội vàng như chạy trốn. Hắn lừng khừng nhìn theo nàng. Bây giờ Thụy ở đâu hở trời. Từ bốn năm nay, hai người đã đuổi bắt trong cuộc chơi trốn tìm sôi nổi, hấp dẫn. Phải xuống dưới nhà để xe ngay. May ra Thụy còn đâu đó, chờ hắn (nhưng bề ngoài làm bộ bận rộn công chuyện gì đó. Con gái, ai còn lạ gì!) Hắn chạy như ma đuổi xuống nhà để xe sinh viên.
Nhà để xe chứa đầy xe đạp của sinh viên. Văn dáo dác tìm bóng dáng quen thuộc của người yêu. Giờ này, sao mà đông thế không biết. Mà hôm nay Thụy mặc áo gì hở trời! Đám bạn cùng lớp hắn cũng vừa tan học ra, đang lũ lượt dắt xe ra khỏi cổng trường. Hắn nhận ra bóng dáng quen của vài thằng bạn trời đánh cùng tổ. Hắn nghe thấy cả tiếng Định, thằng bạn giỏi tiếng Nga nhất lớp đang bô bô dưới nhà xe. Văn nhìn lướt qua hết tất cả những vóc dáng con gái trong nhà để xe. Con gái Y, Nha bây giờ đang hóa kiếp, đổi dạng: từ những vóc dáng mượt mà (lạc hậu?) với quần tây ống bó, ống loe; áo sơ mi hay áo thun ôm sát người; và tóc thề, tóc xõa, tóc uốn quăn tít, gợn sóng… đến những hình ảnh (tiên tiến?) áo bà ba đen, quần sa teng đen, dép râu thời thượng; tóc kẹp hay bện đuôi sam lủng lẳng sau lưng.
Thụy không có trong đám con gái trong nhà để xe. Văn nhìn ra sân trường. Chỉ còn một cô sinh viên Nha cùng lớp với Thụy mà Văn đã quen mặt kể từ lần đầu tiên lặn lội qua ngôi trường láng giềng hỏi thăm tìm Thụy. Cô sinh viên này đã hỏi Thụy lớn hay Thụy nhỏ. Lần đó Văn đã sựng lại, bối rối; chẳng biết Thụy của hắn là Thụy lớn hay Thụy nhỏ. Sau cùng hắn trả lời đại là Thụy nhỏ, và hắn đã trả lời đúng. Cô sinh viên ấy, lúc này đang loay hoay sửa sợi xích xe đạp bị tuột.
Văn lừng khừng đến bên cạnh cô gái, hỏi trống không vì chưa biết tên nàng, “Ủa, xe bị gì vậy?”
Cô gái ngước nhìn hắn, mái tóc dài phủ lòa xòa gần kín khuôn mặt. Nhận ra người quen, nàng cười, giọng miền nam ngọt lịm, “Dạ… bị xúc sợi dây xơn hoài.”
Văn lẳng lặng ngồi xuống bên nàng, “Để tôi sửa giùm cho.”
Người con gái ngồi xích qua một bên, nhường chỗ cho hắn. Văn choàng lại sợi dây vải của cái túi xách lên vai, ngồi xuống bên nàng, nhìn những ngón tay trắng muốt lấm lem vì dầu nhớt. Tại sao cô gái nào bên trường Nha cũng mượt mà như thế nhỉ. Hắn nghĩ thầm, và loay hoay móc sợi dây xích vào những móc răng cưa.
Hắn hỏi nàng, “Bữa nay chị có gặp Thụy không?”
Thấy nàng ngập ngừng, hắn tiếp, “Thụy nhỏ.”
Nàng vẫn ngập ngừng. Hắn móc sợi dây xích vào cái móc răng cưa xong, khẽ nâng bánh xe sau và quay bàn đạp một vòng. Bánh xe sau quay tròn. Xong xuôi. Nàng vẫn chưa trả lời hắn. Hắn quỳ một chân xuống cạnh nàng, nhắc lại, “Chắc chị không gặp Thụy?”
Nàng cười thật tươi, “Có chớ… nhưng mà…”
Hắn nóng ruột.
Nàng úp mở, “Có lẽ tại thấy anh say mê coi chiền banh quá nơn con Thụy nó bỏ dzìa rồi.”
Chết mẹ! Văn kịp khóa miệng lại trước khi ý tưởng phát thành câu nói. Hắn loay hoay tìm cách tự bào chữa, “Tại tôi bị sinh-hoạt riêng với bà phó chi đoàn Y khoa. Bà ấy công tác tư tưởng tôi dữ quá.”
“Căng hén!” Nàng chọc quê hắn bằng ngôn từ xã-hội chủ nghĩa. “Căng” nghĩa là khó khăn, gai góc, căng thẳng, rắc rối… v.v. và v.v.
Hắn biểu đồng tình, “Ừ, căng lắm.”
“Rồi anh có phải diếc bài tự kiểm không?”
“Cũng may là không bị.” Hắn phân trần. Nàng đứng lên, gỡ miếng giẻ rách gài dưới yên xe, chùi tay, rồi đưa cho hắn. Hắn đứng dậy theo, vừa chùi tay, vừa kể lể, “Bữa nay xui quá. Cũng may mà không phải viết bài tự kiểm.”
Cô gái lại cười, “Thì rồi nhỏ Thụy cũng sẽ bắt anh dziếc bài tự kiểm. Bữa nay, làm như nó có dziệc gì quan-trọng lắm muốn nói dzới anh. Tui thấy nó bức rức, bồn chồn khác hẳn mọi khi. Thôi, cám ơn anh nghe.”
Hắn gài lại miếng vải vào dưới yên xe cho nàng. Không có chi. Thôi chào chị. Hắn lừng khừng nhìn theo cô gái một lát, rồi quay đầu đi về phía nhà để xe sinh viên. Giờ này chỉ còn đi kiếm cái gì ăn, trước khi vào bệnh viện nhận phiên trực chứ biết làm gì khác nữa. Hắn mở khóa, dắt xe ra khỏi cổng trường. Chiếc xe đạp cũ kỹ rên lên cót két như con ngựa rên rỉ vì phải kéo một sức nặng quá mức.
Khi hắn cố đạp nhanh về phía ngã sáu Sài gòn, buổi chiều đã phủ xuống phố xá từ lúc nào. Bóng tối chụp xuống như tấm vải đen trên những ngõ hẻm, những góc phố lao xao tiếng người. Vài khu phố bị cúp điện, le lói ánh đèn dầu chiếu qua những khung cửa sổ mở rộng trong buổi chập choạng tối mùa thu (Sài gòn đã đánh mất mùa thu tự bao giờ?) với chút oi ả trái mùa. Tiếng động cơ những chiếc xích lô máy, xe ba gác chạy vun vút trong đường phố vọng lên thảng thốt, như những âm thanh trật nhịp trong khúc hòa tấu chiều hôm. Khói xăng tan trong không khí làm cay nồng hai hốc mũi. Văn thấy đói cồn cào.
Hắn đạp xe về phía bệnh viện Bình dân. Nhà Thụy ở phía đó.
Văn băn khoăn không biết nên ghé nhà Thụy một chút hay vào bệnh viện. Hắn đạp xe loanh quanh khu vực bệnh viện Bình dân. Con đường Phan Thanh Giản lúc chập choạng bắt đầu nhộn nhịp những sinh hoạt của buổi tối. Dịu dàng, mát mẻ. Tiếng loa phát thanh từ phòng thông tin phường khóm nào đó oang oang bản nhạc “Trường sơn đông, Trường sơn tây” quen thuộc. Bài hát mềm không chịu được. Văn vẫn nhớ Định—lại vẫn Định, cái thằng bạn tiểu tư sản ấy, phản động (“cùng hung, cực ác”) nhưng tốt với bạn hơn bất cứ chiến sĩ cách mạng nào—đã hát bản nhạc này trong một buổi sinh hoạt tổ chung với các sinh viên Y khoa năm thứ hai, khi đi công tác thủy lợi ở khu kinh-tế mới Lê Minh Xuân. Bài hát dài bắt đầu bằng câu “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…” Định chẳng sửa lời cũng chẳng đổi nhạc. Giữa lúc đám khán giả nam, nữ sinh viên lẫn lộn, ngồi thành vòng tròn chờ hắn hát, hắn ậm ừ bắt giọng, rồi thản nhiên ca mỗi một câu đầu: “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn, hai đứa ư ử… ư ử… ư ử… Xin lỗi, tôi quên mất rồi.” Hắn “ư ử” một lát rồi mới ngưng. Khán giả như hụt hẫng một chút rồi vỗ tay cổ võ rào rào. Trên mặt khán giả sinh viên lúc ấy có đủ các màu sắc: Đỏ hồng e thẹn (Ơi con gái Sài gòn, dễ thương làm sao!) trắng bệch kinh ngạc (các nữ đoàn viên tiên tiến ơi, giận dữ mà chi!) tím ngắt giận dữ (các đồng chí ơi, các đồng chí “đỏ” hơn cả cộng sản chính hiệu nữa!)
Sau buổi văn nghệ, Định bị mời đi sinh hoạt riêng với đồng chí lớp phó (hay phó lớp). Đám bạn đã phập phồng lo cho số phận của Định. Dù gì cũng đã học xong năm thứ năm. Rán một năm nữa, ra trường rồi muốn làm gì thì làm. Chọc giận bọn họ lúc này có lợi gì đâu, mà coi chừng còn bị đuổi khỏi trường về cho địa phương quản lý, thì sớm muộn gì cũng được đi Kampuchea làm nghĩa-vụ quốc-tế.
Sau buổi sinh hoạt riêng về, Định kể lại cho đám bạn nghe, ai nấy cười vỡ bụng. Đồng chí lớp phó là nữ sinh viên (lại nữ!) hỏi Định, “Động cơ nào đã thúc đẩy anh xuyên tạc lời bài hát vậy?”
Định ngơ ngác, “Tôi có xuyên tạc gì đâu.”
Lớp phó nghiêm khắc, “Anh đồi trụy hóa bài hát.”
“Bằng cách nào?”
“Anh làm sai lạc ý của tác giả.”
Định bối rối (thật hay đóng kịch? Khó lòng mà tin được bọn trí thức tiểu tư sản.)
“Chị hiểu lầm ý tôi.”
“Không phải chỉ mình tôi, mà tất cả mọi người cùng hiểu như vậy.”
“Hiểu thế nào?”
Cô đoàn viên cố giấu vẻ bực bội, “Ý tưởng hủ hóa trong cách trình diễn của anh.”
Định khẽ lắc đầu, “Tôi không hiểu nổi chị muốn nói cái gì. Tôi hát đúng với lời của bài hát. Này nhé,” hắn hát lại câu đầu của bài hát, “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn…”
“Đừng!” Người con gái hoảng hốt xua tay như sợ Định sẽ chồm qua chiếc bàn giấy mà ôm chầm lấy nàng.
Định ngạc nhiên, “Như vậy là chị muốn xuyên tạc ý của tôi cũng như của tác giả?”
Cô gái vừa bực bội vừa mắc cỡ. Định biết rõ như thế, hắn liều lĩnh bồi thêm, “Tôi biết rồi. Chị không thích cái đoạn ư ử… ư ử… chứ gì?”
“Đúng vậy!”
Đôi má cô đoàn viên trắng xanh vì giận (hay vì e thẹn?)
Định lừng khừng, “Điều đó cũng tự nhiên thôi.”
“Cái gì tự nhiên?”
“Cái ư ử… ư ử… chẳng phải riêng gì tôi, mà gặp trường-hợp chị, chị cũng phải ư ử… ư ử… mà thôi.”
Má nàng đổi sang màu đỏ hồng. Nàng gỡ chiếc kính cận ra chùi vào vai áo, như chùi sạch những bối rối, lúng túng. Định thấy những ngón tay nàng run run. Nàng đeo kính, khoanh hai tay trước ngực, mím môi với Định,
“Anh… quá lắm. Tôi sẽ báo cáo lên chi đoàn.”
Định chột dạ nhưng vẫn giữ vẻ thản nhiên, “Tùy chị. Nhưng theo tôi thấy thì chuyện đó quá bình thường. Khi nói chuyện, nếu tìm không ra đúng chữ để diễn tả, người ta hay ậm ừ. Khi hát cũng vậy, nếu chợt quên lời bản nhạc, thì chỉ còn cách ư ử… ư ử… thôi.”
Dấu vết nụ cười phảng phất trên môi nàng. Định biết nàng đang cố giết nụ cười ấy. Nàng lặp lại câu nàng mới nói, giọng mềm hơn một chút, “Anh… quá lắm!”
Định tấn công tiếp, “Tôi bình thường.”
Mặt nàng đỏ đặm thêm. Định tiếp, “Và tôi biết chị cũng bình thường.”
Buổi sinh hoạt chẳng đi đến đâu, nhưng Định đã trở thành nổi tiếng với bản nhạc “Trường sơn đông, Trường sơn tây.” Sinh viên năm thứ năm và sinh viên năm thứ hai mỗi lần nghe bản nhạc này đều nhớ tới Định; như Văn lúc này đây.
Văn lừng khừng trước cổng bệnh viện, không biết nên vào ngay hay nên ghé thăm Thụy trước. Chỉ ghé một chút thôi, (cho yên tâm vậy mà. Bốn hôm nay không gặp nhau. Xa xôi, chỉ vừa đủ để nhớ nhau, chứ đừng xa đến nỗi làm cho quên nhau. Hắn vẫn dặn dò “con bé” như thế. Và lần nào nàng cũng gật đầu, ngoan ngoãn, dễ thương.)
Văn nhún vai, quyết định dắt xe vào bệnh viện. Bốn ngày ba đêm không gặp Thụy, Văn thấy nhớ nàng quay quắt. Hắn nhớ tất cả của nàng. Từ cái cau mày dễ thương không tả nổi, đến đôi mắt hiền không chịu được, qua cái mùi nhẹ nhàng, gây gây của tóc; kế đến là cái lưng thon (những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.) Và sau cùng là đôi bờ ngực đầy vun (“một chút căng căng, vài chút mịn” như câu thơ ai đó viết ngày xưa.) Về Thụy, hắn chỉ biết có bấy nhiêu. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm hắn mê muội, như bị bỏ bùa, bị mồi chài, phù phép, trù ếm.
Ở cái lứa tuổi vô cùng sung sức này, lại đã yêu nhau có trên bốn năm trời đăng đẳng; đi chơi với nhau có đến cả trăm lần rồi, mà hắn chỉ biết có bấy nhiêu thôi về người yêu quả cũng lạ. Tụi bạn trời đánh vẫn chọc ghẹo, moi móc đủ điều về cái tình yêu platonique của hai người. Có đứa, như gã mắc dịch họ Diệp (anh chàng ba tàu học chuyên khoa Sinh-lý-học) lúc nào cũng đem những lý-thuyết về sinh lý cơ thể phối hợp với mớ lý-thuyết ngụy tạo của chính đương sự ra để thuyết phục Văn; nào là đàn ông muốn cho đầu óc quân bình và phụ nữ muốn bảo vệ nhan sắc, thì phải có quân bình về tình dục (“khí tồn tại não” v.v.) nào là lớp tế bào niêm mạc cổ tử cung phụ nữ cần hấp thu chất dinh dưỡng từ tinh trùng vân vân… và v.v.
Nó cứ lèo nhèo những lý thuyết lăng nhăng như thế, để thuyết phục Văn “tới luôn,” đến nỗi có lần Văn đâm ra nổi nóng, văng tục. Anh chàng ba tàu họ Diệp chỉ cười trừ mỗi lần bị Văn cự nự.
Có nhà chuyên viên gỡ rối tơ lòng nào đó đã trả lời nước đôi cho một cô nàng, khi nàng hỏi phải làm thế nào khi đi chơi với chàng mà bị chàng nài hoa ép liễu. Nhà chuyên viên lý luận: Nếu chàng yêu nàng thực tình thì chàng sẽ không nỡ đòi… cho bằng được, khi mà nàng không muốn. Đồng thời, nếu nàng thực sự yêu chàng, thì trong những trường-hợp như vậy, nàng sẽ chẳng nỡ từ chối chàng (cả cuộc đời còn cho được, huống chi… cái đó.) Thật là lôi thôi. Văn thì nghĩ khác. Hắn muốn để dành. Chỉ có vậy thôi! Nói vậy không có nghĩa là Thụy đã sẵn sàng cho phép. Một đôi lần, Văn cũng tính chuyện “hành quân đêm” (tên một bài hát của Quân đội Nhân dân) và làm một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng lần nào cũng vậy, bàn tay của Văn (“cái tay của anh dễ ghét quá à!”) không bao giờ luồn xuống thấp hơn ngực nàng được quá một gang tay. Dù mê muội đến mức nào, Thụy bao giờ cũng tỉnh thức đúng lúc, và đánh thức hắn ra khỏi cơn say men chiến dịch. Những lần như thế, hắn bần thần ngưng lại ở lằn ranh ngưng bắn của vùng phi quân sự.
Ơi cái vùng phi quân sự chết người!
Yêu nhau hơn bốn năm trời, chả bao giờ hai người nhắc đến chuyện ấy cả. Nàng bao giờ cũng “đừng,” “thôi mà,” vân vân và vân vân… nghe riết đâm ra quen thuộc. Đôi khi, Văn mang trong đầu ý nghĩ về một cuộc tình không trọn vẹn. Chỉ tưởng tượng ra cảnh Thụy đi lấy chồng (thằng khốn nào đó!) là hắn đã thấy nhói trong lồng ngực, như thể bị bàn tay tinh nghịch nào đó bóp nhẹ lấy trái tim. Hắn cảm thấy dễ chịu hơn khi hình dung ra cảnh Thụy chết, hoặc hắn chết; bằng không hai người phải lấy nhau. Nhưng biết làm sao mà lấy nhau được khi mà trong tất cả những giám khảo có tên trong tờ đăng ký hộ khẩu nhà nàng (bố, mẹ, hai cô em gái, bốn cậu em trai, và nàng) chỉ có một mình nàng là cho hắn điểm cao. Số mạng của cuộc tình đúng là chỉ mành treo chuông, bởi vì nàng lệ thuộc nặng nề vào bố mẹ (và lũ em, dĩ nhiên). Nàng cặp với hắn, lén lút đi chơi với hắn, lặn lội đạp xe hàng chục cây số xuống nhà hắn chơi, ngồi trên căn gác vắng nghe hắn đàn guitar, đờ người ra khi hắn hôn lên môi, và cuống cuồng khi hắn toan xâm nhập vùng phi quân sự. Tất cả những chuyện ấy, mẹ nàng hoàn toàn không biết. Mà bà cần gì biết những chuyện ấy. Ngày xưa bố nàng và mẹ nàng thì cũng chừng ấy sinh hoạt (hay là các cụ bị cha mẹ xếp đặt, bắt ngồi bên nhau, và chỉ biết mặt nhau buổi tối hôm động phòng?)
Tóm lại, mẹ Thụy—cũng như ông bố hiền như bụt—hoàn toàn không biết gì về chuyện yêu đương của Văn và nàng. Các ngài cứ ngỡ rằng hai người là bạn học, các ngài mà biết họ đã là tình nhân tự thuở nào thì kể như xong; hết mọi chuyện.
Khi Văn vào đến phòng trực thì giờ làm việc hành chánh đã chấm dứt từ lâu. Bác sĩ trưởng trại đã ra về, để bắt đầu làm phòng mạch chui. Toán y tá trực đêm đã nhận bàn giao bệnh nhân xong. Văn uể oải khoác lên mình chiếc áo blouse trắng có năm ngôi sao thêu bằng chỉ đỏ trên miệng túi áo, và buông mình nằm trên chiếc giường nệm trải drap màu trắng nhờ nhờ dành cho sinh viên trực. Đêm nay, Văn trực cấp cứu ngoại khoa; một bộ phận được xem như bận rộn nhất bệnh viện. Thời buổi nhiễu nhương, người ta giải quyết nỗi buồn thời thế bằng cách đắm mình trong men rượu, mà rượu thời nay cũng theo bánh xe lịch-sử để biến thành một thứ nước uống cháy cổ. Nghĩa là rượu chỉ còn giữ lại được mỗi một cái tên. Rượu vào, lời ra; người ta khích bác nhau, sinh đánh lộn, đâm chém, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hoặc uống rượu say, đi đứng lạng quạng, bị xe đụng, hay lái xe đâm vào người khác… Đã thế, đám con buôn còn làm cho rượu trở nên trong vắt bằng cách pha thêm thuốc rầy. Người uống bị ngộ độc, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu… Tất cả đều làm cho bác sĩ, sinh viên và y tá trực bận rộn suốt đêm.
Văn vươn vai ngồi dậy. Bây giờ còn ít bệnh nhân (giờ này dân nhậu mới khởi sự nhập tiệc, khoảng vài tiếng nữa mới có người xỉn), Văn nảy ra ý nghĩ ghé thăm Thụy. Thời giờ chẳng có mấy, chắc chẳng nói chuyện gì được nhiều. Mà ở nhà nàng thì nói chuyện gì khác được ngoài chuyện trường, lớp, học, thi, thực tập, ra trường… toàn những chuyện phi chính trị, vô giai cấp, vô tội vạ cả.
Nhưng Văn chỉ cần nhìn thấy Thụy là đủ. Cái nhìn như nguồn năng lực (hay nhiên liệu) tiếp tế cho chiếc xe chạy đường trường mệt mỏi, rã rời.
Văn đẩy cửa phòng trực bước ra ngoài. Cái phòng trực nhỏ bé như chiếc hộp con xinh xắn, chỉ vỏn vẹn có hai chiếc giường sắt dành cho sinh viên trực. Thường mỗi phiên trực có hai sinh viên. Nếu là cùng phái, họ sẽ ở chung phòng; nếu khác phái, cô nữ sinh viên sẽ đi tìm phòng khác để ngủ đêm. Văn lẩm bẩm nguyền rủa thằng bạn trực cùng phiên. Thằng Châu mắc dịch; tới giờ này mà vẫn chưa vác xác tới bệnh viện.
Văn nhìn lướt qua phòng cấp cứu. Những chiếc bàn cũ kỹ, vừa dùng làm chỗ khám bệnh, vừa dùng làm chỗ tiểu giải phẫu, vẫn còn trống trải. Người nữ y tá lơ đãng ngồi trước tập hồ sơ bệnh lý bệnh nhân ngoại chẩn dầy cộm. Đang loay hoay không biết làm cách nào để bỏ phòng trực, lặn đi thăm Thụy, thì Văn bỗng thở phào, khoan khoái. May quá! thằng Châu đã đến. Châu “kingkong” với dáng bệ vệ như con đười ươi, phản ảnh trung thực cái biệt danh rừng rú, lừng lững đi vào phòng cấp cứu, nheo mắt với cô y tá, trước khi cất tiếng chào Văn, “Khỏe không ông thày?”
Văn nhập đề ngay, “Khỏe. Ê Châu, ông coi dùm nửa tiếng, tôi đi thăm bà xã một chút.” Văn nheo mắt với Châu sau câu nói. Và không đợi Châu trả lời, hắn quay ngay trở vào phòng trực, cởi chiếc áo blouse trắng, quăng đại vào góc giường, và lẻn ngay ra ngoài.
Châu nói vọng theo, giọng diễu cợt, “Bon chen cho đã đi. Mười lăm năm sau, tao cặp đào hai chục tuổi, lúc đó em của mày đã ngoài bốn mươi; sắp ménopause. Lúc đó hối hận thì đã muộn nghe con.”
Văn biến đi ngay, không kịp trả lời; mà hắn cũng chẳng cần trả lời những câu bông đùa vớ vẩn kiểu ấy của lũ bạn. Trong cả trường Y lẫn trường Nha, chỉ có vài cặp tình nhân thực sự xứng đôi vừa lứa. Thụy và hắn là một trong những cặp hiếm hoi và sáng nước ấy. Chuyện đó ai mà chẳng biết. Thế thì hơi sức đâu phải cãi cọ cho tốn sức lao động.
Văn đi như chạy ra cổng bệnh viện. Từ bệnh viện đến nhà Thụy, chỉ có một quãng ngắn. Con đường Phan Thanh Giản (tên mới là Điện Biên Phủ) vừa chập choạng tối, đã khuấy lên những sinh-hoạt của đêm từ lúc nào. Dân lao động tất tả xuôi ngược. Xen vào đó, là những bóng (cán bộ, công nhân viên?) thong thả đếm bước tên vỉa hè, ngập ngừng trước những hàng quán bán rong trên hè phố. Và còn có những cặp tình nhân thong thả đi bên nhau, ân cần, hạnh phúc. Ở dưới những gốc cây, bên các quầy thuốc lá lẻ, những cô gái trang điểm qua loa ngồi gom lại với nhau nói chuyện tầm phào, nhưng mắt thì dớn dác, ngược xuôi, như trông đợi, tìm kiếm một điều gì. Văn nghe tiếng con gái gọi bằng một cái giọng ướt rượt và trần truồng “Em đây nè, anh à!” vọng ra từ một quầy thuốc lá lẻ. Biết là tiếng gọi đó mời mọc mình, nhưng hắn lờ đi và tiếp tục rảo bước. Văn ghé lại trước quán ăn quốc doanh, mua một bọc đậu phụng da cá, bỏ vào túi và lại cắm cúi bước. Hắn rẽ vào khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Nhà Thụy ở trong đó.
Văn đã hình dung ra hết những điều sắp làm, những câu sắp nói với Thụy. Khởi sự, Văn sẽ gõ nhè nhẹ vào cánh cổng sắt sơn xanh. Người trong nhà sẽ nhìn ra, và một người—thường là mẹ nàng—sẽ ra mở cổng. Văn sẽ lễ phép cúi đầu chào và khéo léo hỏi: “Thưa bác làm ơn cho con hỏi thăm có Thụy ở nhà không ạ?” Mẹ nàng—người đàn bà có khuôn mặt khô và cứng cỏi như một bà bí thư hay chính trị viên—sẽ gắn lên môi một nụ cười đắng như cà phê quên bỏ đường “Đi đâu mà đêm hôm thế này hả cháu?” Bà bao giờ cũng đặt một câu hỏi lạc đề đầy vẻ ân cần như thế. Văn sẽ xuống giọng thật mềm “Dạ thưa bác, tối nay con trực bệnh viện; luôn tiện ghé thăm… bác… và Thụy…” Hai chữ “và Thụy” Văn luôn luôn nói thật nhỏ, thật nhẹ; như thể muốn bỏ hai chữ đó vào giữa hai cái ngoặc đơn; có đó cũng được mà xóa đi khỏi câu văn cũng chẳng sao.
Bà sẽ gắn nụ cười thứ nhì lên môi; một nụ cười gượng gạo. Giọng bà nghiêm hơn “Em nó đang học bài. Hình như ngày mai thi cử gì đấy. Cháu có gì cần gấp lắm không?” Hẳn nhiên là “cần” và “gấp” lắm rồi, nhưng Văn sẽ chỉ cười cầu tài “Dạ cũng chẳng có gì. Nếu vậy, con xin phép để khi khác. Luôn tiện, bác cho con gửi cái này cho Thụy.” Mắt bà sẽ sáng lên như đèn pha xe Honda Nhật bản; khi hình dung ra một thư tình ướt át, đầy những lời lẽ mật ngọt của cái thằng khố rách áo ôm toan dụ dỗ con bà. (Bà đã chẳng từng phán với Thụy là “từ bốn năm nay, từ lúc thằng Văn bắt đầu dan díu với con đến giờ, lúc nào mẹ cũng thấy nó gò lưng trên chiếc xe đạp cũ rích. Chắc nó không biết tháo vát làm ăn gì cả phải không?”)
Chờ cho ánh đèn pha trong mắt bà dịu bớt, Văn sẽ móc túi đưa cho bà gói đậu phụng da cá. Bà sẽ ngạc nhiên đến bần thần như tượng đá. Bà sẽ nghĩ cái thằng này chắc nó thương con mình thực sự. Có mấy hột lạc rang lắt nhắt này mà cũng lặn lội đến nhà cho con mình. Nó cũng khéo đấy chứ; nó không lải nhải nói với mình là nó thương con mình đến ngày răng long tóc bạc, mà nó diễn tả bằng hành động. Bà sẽ xiêu lòng trước mối chân tình ấy. Bà sẽ bồi hồi bảo hắn “Văn à, bác tội nghiệp hai đứa chúng mày quá đi mất. Thôi thì…” Khi đã nói như thế là bà đã coi Văn như con cái trong nhà. Bà sẽ đồng ý chọn ngày lành tháng tốt để hai đứa thành đôi. Văn hình dung ra cảnh hắn làm chú rể và Thụy là cô dâu, trong tiệc cưới tại nhà hàng Arc-en-Ciel—mẹ nàng đã từng phán rằng ít ra cũng phải đãi ở nhà hàng Arc-en-Ciel—hắn sẽ run run “báo cáo các thày, các bạn, các bà con chú bác, cô dì hai họ…” Chỉ hình dung bấy nhiêu, Văn cũng đã thấy lòng lâng lâng như say rượu.
Thế nhưng nếu mẹ nàng—sau khi nhìn kỹ những hạt đậu phụng màu nâu nhạt—thấy đó không phải là chiếc hột xoàn sáu ly lấp lánh, bà sẽ xìu xuống như cây hoa mắc cỡ bị ai chạm phải. Bà sẽ chua chát nghĩ thằng này bộ nó nghĩ là con gái mình đói khát nên đem những đồ ăn vớ vẩn này lại cho hay sao! Bộ nó muốn đổi lạc rang lấy con gái mình đây ư. Gả con mình cho nó chắc suốt đời cũng chỉ ăn lạc rang thôi chứ gì! Bà sẽ gỡ nụ cười, cất đi. Mặt bà sẽ lạnh như tiền. Giọng nói sắc như mũi dao mổ, “Cám ơn ‘cậu.’ Con Thụy nó ăn uống no đủ rồi. Bây giờ nó đang bận, cảm phiền cậu khi khác vậy.”
Da mặt Văn sẽ dày bì lên như da xác chết ướp formol lâu ngày. Và hắn sẽ chẳng còn biết làm gì hơn là “Thôi, vậy thì xin phép bác, con về.” Mẹ nàng cũng quay ngoắt đi, bước vào nhà “Về thì về, xin xỏ cái nỗi gì!”
Chỉ hình dung có thế, Văn đã nổi gai khắp người như bệnh nhân thương hàn sắp lên cơn sốt. Bậy nào, hắn tự trấn an, không được tiêu cực như thế chứ. Đã hạ quyết tâm sẽ thắng trong trận này, là sẽ phải thắng. Mẹ đâu có sống suốt đời với em được hở Thụy! Câu này hắn đã nói với Thụy hàng trăm lần rồi. Hắn dùng nguyên-tắc tuyên truyền chính-trị để chinh phục cô gái: Cứ lập đi lập lại hoài một điều nói dối, người ta sẽ tin. Cô gái có vẻ xiêu lòng, còn mẹ nàng thì thật là căng. Không biết bố nàng trước kia, khi còn theo, tán mẹ nàng, ông có gặp khó khăn như Văn bây giờ không.
Mải suy nghĩ, Văn đã đi vào con ngõ dẫn vào nhà nàng lúc nào không hay. Xa xa, dưới ánh đèn đường lờ mờ, Văn nhận ra chiếc cổng sắt xanh thẫm trong bóng đêm. Nhà nàng tắt đèn tối thui. Dạo này, để tiết kiệm điện, dân chúng hoặc sinh-hoạt trong bóng tối, hoặc đốt đèn dầu. Nhà nàng hẳn cũng không ra ngoài thông lệ này. Càng gần đến nhà nàng, Văn càng chùn bước. Hắn thọc tay vào túi áo, lấy gói đậu phụng da cá, cầm chắc trong tay như cầm một lá bùa hộ mạng. Chỉ còn cách nhà nàng hai căn. Văn nhận thấy có tấm bảng nhỏ—hay một miếng giấy?—gắn trên cánh cổng. Chẳng lẽ bây giờ nhà nàng lại treo bảng “Coi chừng chó dữ,” Văn thầm nghĩ; vả lại, nhà nàng có bao giờ nuôi chó đâu!
Hắn bước chậm hẳn lại khi còn cách nhà nàng một căn. Và Văn chợt nhận thấy một ổ khóa to, khóa vào sợi dây xích quấn quanh trụ cổng. Nhà Thụy chẳng bao giờ khóa kiểu đó. Hắn tần ngần. Chẳng lẽ mình lộn nhà. Vô lý. Mình đã đứng bên cánh cổng sắt màu xanh kia mấy trăm lần rồi, lầm thế nào được. Văn bước chầm chậm lại trước cánh cổng. Dòng chữ viết nguệch ngoạc trên tấm bảng gỗ nhỏ, buộc vào cổng bằng sợi dây thép, hiện ra rõ mồn một dưới ánh đèn đường: “Nhà vượt biên, tài sản của nhà nước. Cấm vào.” Gói đậu phộng da cá rơi khỏi tay hắn, rớt xuống đất, phát lên một tiếng động khô và ngắn. Văn bần thần nhìn qua khung cửa sắt. Căn nhà tối thui. Cánh cửa ra vào khép hờ, lờ mờ bên hiên, hình ảnh đôi guốc của Thụy bỏ chỏng chơ, lạc lõng. Căn nhà u ám như nhà mồ. Vậy là xong. Những ngón tay Văn bấm vào nhau như gây gổ. Trong vài giây, cả đến phản xạ hô hấp tự nhiên cũng bị chế ngự. Văn nghe rõ tiếng tim mình loạn nhịp. Mùi hương của tóc nồng nàn vùng cảm giác; cái mềm của môi quấn quýt không gian. Thụy của hôm nào đứng trong khung cửa sắt này dưới ánh trăng mát rượi, và gió lộng tóc bay rối tung, hai đứa chia nhau cái kẹo mè xửng xứ Huế. Thụy của những buổi chiều Sài gòn; Thụy của áo bà ba trên khu kinh-tế mới Lê Minh Xuân; Thụy của chiếc áo blouse màu trắng với hàng chữ đỏ thêu tên trên ngực áo. Ơi bờ ngực ấm, mềm như báu vật trong cung cấm. Để Thụy hỏi mẹ xem sao đã. Anh lộn xộn quá! Người đâu lì lợm thấy ghét! Đêm Sài gòn, trăng tỏ. Phố phường ngủ say, anh đưa em về, đêm văn nghệ tất niên. Trăng xanh tròn vành vạnh nhuộm phố phường một màu sữa ảo huyền. Em áo trắng, chân son, hấp tấp, vấp ngã bên lề đường Hồng Thập Tự. Đêm áo em trắng quá nhìn không ra. Anh yêu quá đỗi câu thơ Hàn Mặc Tử, và anh yêu em không bút mực nào tả xiết. Anh kia, đứng yên không tôi bắn! Tiếng lách cách của súng đạn, và tiếng hét hằn học đầy chất thú như chậu nước lạnh hắt vào mặt Văn, đánh thức hắn ra khỏi cơn mộng du mê muội.
Văn hoảng hốt quay lại, nhưng một vật cứng và lạnh đã thúc vào lưng hắn. Văn lắp bắp, nhưng những âm rời không sắp xếp nổi thành ngôn ngữ. Văn nghe như thể ngực mình bị đè siết, ngộp thở. Đám người lố nhố vây quanh hắn như những con chó sói vây quanh con mồi. Một người mặc bộ quần áo ka ki vàng sẫm trong bóng tối—có lẽ là trưởng toán—gầm gừ, “Tổ chức vượt biên phải không? Về phường đội ngay. Các đồng chí trói nó lại!”
Không, không phải đâu, các anh lầm rồi! Tôi đâu có tổ chức vượt biên. Chào mừng cách mạng Ê-tiô-pi-a thành công. Trước thế tiến công vũ bão của các phong trào dân chủ tây phương, bọn phản động… Câm mồm lại, đã tổ-chức vượt biên, còn lẻo mép chối tội nữa hả. Thằng này, nếu không âm mưu trốn ra nước ngoài thì cũng là thành phần tổ-chức, móc nối hay chủ ghe gì đó thôi! Không! Các anh bắt lầm người rồi. Câm mồm, mày dám nói cách mạng bắt lầm hả. Cho mày đi U Minh nghe con…
Trong bóng tối đặm đầy như dưới đáy ly cà phê đặc, đám người nhùng nhằng kéo nhau đi về phía căn nhà có đèn sáng rực, và tiếng loa phóng thanh oang oang vang động. Văn nhận ra căn nhà đó, nơi mà mỗi lần ghé Thụy, hắn phải đi ngang qua. Những vòng dây thép trói nghiến vào hai cổ tay đau điếng. Văn ngửa cổ lên nhìn một lần chót bầu trời đầy sao, trước khi bước qua cánh cổng sắt phường đội. Xin từ giã đêm và những vì sao. Ơi những vì sao chỉ biết chờ đêm tối trở về, mới thì thào kể chuyện cho nhau nghe.
Mùa thu 1979

http://damau.org/archives/10461 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire