Đúng vào ngày 8 tháng 4 năm 1975 bốn mươi năm về trước trận chiến 12
ngày đêm tại Xuân Lộc vẫn còn sống mãi trong lòng rất nhiều người đặc
biệt là các đơn vị tham gia trực tiếp.
Mặc Lâm được dành riêng một cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ binh cũng là vị tướng mang trọng trách bảo vệ vành đai Xuân Lộc trước cuộc tấn công của quân đội miền Bắc nhằm chiếm lĩnh Biên Hòa và tiến về Sài Gòn sau đó.
Mặc Lâm được dành riêng một cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ binh cũng là vị tướng mang trọng trách bảo vệ vành đai Xuân Lộc trước cuộc tấn công của quân đội miền Bắc nhằm chiếm lĩnh Biên Hòa và tiến về Sài Gòn sau đó.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Thiếu tướng Lê Minh Đảo đã dành cho đài
Á châu Tự do cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Thưa ông ngày 8 tháng 4 hàng
năm chắc có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tướng lãnh của ông,
xin Thiếu tướng cho biết diễn tiến trận đánh này để thính giả, độc giả
của đài có cơ hội biết thêm những gì mà nhiều người chưa rõ ràng lắm
thưa ông.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Tôi có lời chào tất cả quý thính giả
của đài Á châu Tự do và chào ông Mặc Lâm. Bây giờ tôi xin đi thẳng vào
vấn đề của mặt trận Xuân Lộc. Mặt trận Xuân Lộc nó ác liệt đẫm máu ngay
vào ngày đầu tiên 8 tháng 4 năm 1975 và kéo dài cho tới ngày sư đoàn 18
rút ra khỏi trận địa vào ngày 21 tháng 4. Cộng sản Bắc Việt đã tung vào
mặt trận này một quân đoàn tăng cường gồm 3 sư đoàn là sư đoàn 341, sư
đoàn 7 sư đoàn 6 và một sư đoàn pháo 130 ly, 122 ly và phòng không.
Trung đoàn chiến xa và các đơn vị đặc công.
Đến 5 ngày sau sau khi họ thiệt hại khá nặng nề thì họ tăng cường
thêm trung đoàn biệt lập 95A cùng với sư đoàn 325 nữa. Lực lượng này do
Tướng Hoàng Cầm chỉ huy nhưng sau 5 ngày tổn thất thì họ điều Trần Văn
Trà xuống điều nghiên và sau đó Trần Văn Trà chỉ huy luôn các đơn vị này
của giai đoạn hai.
Còn lực lượng của VNCH trong 5 ngày đầu tiên chỉ có sư đoàn 18 bộ
binh trừ một tiểu đoàn tăng phái cho quân đoàn III đưa qua sư đoàn 25.
Có tiểu đoàn 82 biệt động quân họ rút đi từ Lâm Đồng tạm ghé Long Khánh
để dưỡng chân và chờ về Sài Gòn. Chúng tôi đã trang bị tiếp tế cho tiểu
đoàn này đầy đủ và họ sẵn sàng ứng chiến. Khi họ ứng chiến ở đó thì cộng
sản đánh vào đêm 8 thì họ kẹt lại và lực lượng này đặt dưới quyền chỉ
huy của tôi. Cho nên tôi có một tiểu đoàn Biệt động quân cộng thêm các
lực lượng địa phương quân, nghĩa quân và tiểu khu Long Khánh. Về lực
lượng yễm trợ thì có sư đoàn III không quân gồm có các phi tuần khu trục
và các trực thăng chở quân và võ trang của Biên Hòa.
Về diễn tiến của cuộc hành quân này thì vào ngày 8 cộng quân ồ ạt tấn
công dưới chiến thuật của họ là tiền pháo hậu xung tức là họ pháo kích
trước rồi cho đơn vị xung phong vào sau. Họ pháo ác liệt trong suốt ngày
đầu tiên 2.000 quả tối đêm 8 rạng ngày 9. Đến sáng họ cho hai mũi tấn
công có chiến xa yễm trợ, tức nhiên họ bị chúng tôi đẩy lui ra ngoài.
Ngày thứ hai họ cũng tiếp tục tấn công như vậy, pháo vào 2.000 quả họ
bắn vào thành phố kể như nát hết tất cả nhưng đơn vị chúng tôi thiệt
hại rất ít vì tôi đã tổ chức trận địa trước và tôi biết pháo nó sẽ rớt ở
trong chứ không thể rớt ở rìa ngoài trong khi chúng tôi đóng ở rìa bên
ngoài chờ họ. Ngày thứ ba họ tiếp tục tấn công vũ bão như vậy là 3 ngày
tất cả, mỗi ngày gần 3 trung đoàn kể như một sư đoàn.
Sau ba ngày tấn công họ vẫn không vào được và tổn thất rất nặng nề.
Trong ba ngày đó họ tổn thất khoảng một sư đoàn rưỡi cho nên tới ngày
thứ tư, thứ năm thì lực lượng họ yếu dần họ chỉ tấn công lấy lệ nhưng mà
cường độ pháo của họ vẫn tiếp tục mạnh mẽ áp đảo thật nặng vào thị xã
Xuân Lộc và các đơn vị phòng thủ.
Đến đây thì mặt trận Xuân Lộc có biến chuyển khác. Quân đoàn thấy mặt
trận trở nên quan trọng ở đó cho nên ông Tư lệnh quân đoàn là Trung
tướng Toàn mới tăng cường cho tôi một lữ đoàn I nhảy dù với bốn tiểu
đoàn. Trực thăng từ Biên Hòa do Chinook đưa vào. Tôi đưa một tiểu đoàn
để giữ sân bay Long Khánh giúp cho ông Đại tá Phúc Tỉnh trưởng Long
Khánh để có lực lượng bảo vệ cho vững chắc để tôi yên tâm một chút.
Ba tiểu đoàn còn lại đánh từ ngoài đánh vô sau lưng địch bọc phía
trong và ở ngoài đánh vào cũng như một ổ bánh mì sandwich. Nếu chúng tôi
còn tiếp tục ở lại thì có thể nói với anh rằng tôi sẽ bắt luôn một tiểu
đoàn của cộng quân bị kẹt vì họ không còn ai tiếp tế cho họ hết tại một
vườn cây ăn trái tại Xuân Lộc.
Có những lúc chúng tôi phải đánh với họ một chống ba, có nơi một
chống tới năm và có nơi như ở đồi Móng ngựa chúng tôi chỉ có hai đại đội
phải chống nguyên cả một trung đoàn tăng cường chia làm ba hướng vào
nhưng mà họ cũng khó mà đánh thủng chúng tôi được. Tại sao? Có thể nói
chúng tôi yếu lực lượng nhưng mình yếu thì mình dùng mưu, dùng kế hoạch,
mình không dùng sức.
Trận địa đó tôi đã tổ chức hai tuần lễ trước rồi cứ giao thông hào mà
đánh. Tôi gài họ vào trong đó để họ dính vào trận địa pháo của tôi. Tôi
có những cái hỏa tập ở nhiều khu vực chọn trước vì biết được họ tới đó
sẽ bị cầm chân. Trong này tôi đánh ra cầm chân họ mà vô không được thì
họ phải nằm ở đó. Khi họ nằm ở đó thì tôi cho pháo binh pháo vào tiêu
diệt. Pháo binh tôi đem ra ngoài tất cả và tôi bắn vào trong thành phố
yễm trợ các đơn vị cho nên sự thiệt hại của họ rất lớn.
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng với tình hình mà Thiếu tướng vừa
diễn tả đâu có gì quá nguy hiểm khiến ông phải rút quân ồ ạt vào ngày 20
tháng 4? Có gì thay đổi quan trọng khiến cho ông buộc phải rút quân
thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Tình hình bắt đầu thay đổi khi ngày
16 tây thì mặt trận Phan Rang bắt đầu bể, một quân đoàn gọi là quân đoàn
2 Hương Giang họ đi ở quốc lộ 1 xuyên qua Phan Rang họ xuống Phan Thiết
để về Sài Gòn. Họ đi vô Bình Tuy ngang Xuyên Mộc về Bà Rịa để tấn công
con đường Bà Rịa đi Biên Hòa, đây là một sự uy hiếp vì họ không thể đi
ngõ Xuân Lộc nên họ đi ngõ đó. Đồng thời Trần Văn Trà đã thay đổi kế
hoạch họ đánh phá rất mạnh vào phi trường Biên Hòa vì họ biết phi trường
đó còn thì sẽ yễm trợ cho chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi có chừng 50 phi
xuất của Biên Hòa thành ra yễm trợ cho chúng tôi nhất là trực thăng võ
trang anh em đó đánh rất là ngoan cường, đánh rất hay rót bom lên địch
thành ra họ bị thiệt hại rất nhiều vì phi pháo của chúng tôi.
Chiến đoàn 52 của tôi ở tại ngã ba Dầu giây họ đánh nhiều ngày hết
đạn dược rồi nên họ xuyên rừng đi thẳng vào rừng, họ đi xuyên rừng Bình
Sơn để về Biên Hòa. Trước sự uy hiếp trên quân đoàn sợ rằng mặt trận của
tôi nằm ở phía trên mà cộng sản nó đã lọt được vào bên dưới do quân
đoàn Hương Giang đi từ bên kia nó vòng ngõ tắt về Biên Hòa cho nên ông
trung tướng Toàn ra lệnh phải thay đổi chiến thuật, xin Tổng thống Thiệu
và Tổng thống chấp nhận phải đổi chiến thuật là đưa sư đoàn 18 bộ binh
về giữ mặt trận Trảng Bom, giữ quốc lộ 1 từ Trảng Bom về Biên Hòa.
Mặt trận này hồi nào đến giờ do chuẩn tướng Khôi, tư lệnh lữ đoàn 3
thiết giáp, đem chiến đoàn lên giữ mặt trận đó mà không lên tiếp được
cho sư đoàn 18 tại vì ổng kẹt ngay chỗ đó vì tụi Việt cộng nó chận và
ổng phải cầm cự ở đó. Thật ra thì ông Toàn cũng muốn giữ lực lượng đó để
bảo vệ cho quân đoàn III nếu cái đoạn này mà lữ đoàn 3 dính vào mà nó
đánh vô thì ổng không có đường mà đỡ, ổng ra lệnh cho tôi rút càng sớm
càng tốt.
Một đơn vị khi đang chạm súng mạnh và hàng ngày như thế này mà phải
rút quân là chuyện khó vô vàn. Đánh thì dễ còn rút thì dễ hỗn loạn và bị
thua nhưng bây giờ lệnh thì phải rút. Kế hoạch tôi rút là dùng một
chiến thuật không ngờ. Cái táo bạo của tôi là đi vào con đường hậu
phương của nó. Đó là liên tỉnh lộ Long Giao, con lộ đi từ Long Giao
xuống ranh giới của quận Đức Thạnh ở Bình Giả đi về Bà Rịa con đường đó
dài khoảng 30 cây số.
Tôi biết khi họ đánh mặt trận lớn bên ngoài thì chỗ này không đáng
kể, họ coi không quan trọng, họ điều nghiên chỗ khác coi như chỗ đó
không có.
Muốn rút trên con đường này tôi lại ra lệnh lần nữa là không rút ban
ngày, rút ban ngày địch nó biết nên tôi rút ban đêm. Bắt đầu 8 giờ tối
tôi cho rút quân vì tôi biết cộng sản không bao giờ có thể nghĩ rằng một
đại đơn vị của quân lực VNCH mà rút quân vào ban đêm như thế này hết,
họ không bao giờ ngờ! Sáng hôm ông Toàn ra lệnh tìm cách rút quân thì
tôi đã cho lệnh tất cả lữ đoàn dù và một tiểu đoàn của tôi ở trên Núi
Thị nã pháo vào các vị trí của họ và mở cuộc tấn công để làm cho họ thấy
rằng chúng tôi bắt đầu phản công để tiêu diệt họ thì họ lo chống đỡ và
nghĩ rằng chúng tôi đánh họ chứ họ không biết khi đó tôi chuẩn bị rút
đi.
Rút quân trong cuộc hành quân này thì rất táo bạo nhưng phải bình
tĩnh tối đa, rút từng đơn vị. Trước hết tôi cho trung đoàn của tôi đi
đầu, trung đoàn đó được một đơn vị pháo lớn tại căn cứ Long Giao của
trung đoàn 48 nằm đó nó yễm trợ. Khi họ rút được êm rồi thì đơn vị pháo
đó rút sâu dưới kia họ bắn ngược lên. Sau đó là lực lượng cơ giới do ông
Đại tá Tham mưu trưởng hành quân (đại tá Hứa Yến Lến) của tôi ổng dẫn
đi, đem hết tất cả cơ giới nặng, cả xe cả xác chết của binh sĩ mình
trong ngày hôm đó không đi được bỏ lên xe chở về hết tất cả.
Kế đó là lực lượng tiểu khu xong rồi thì mới tới lực lượng của tôi là
trung đoàn 43 do ông Đại tá Lê Xuân Hiếu và tôi cùng đi với ổng đi bộ
để chỉ huy. Lực lượng sau cùng là Lữ đoàn dù và tiểu đoàn 2/43 của sư
đoàn 18 rút sau. Cuộc rút quân này tương đối an toàn lắm. Chúng tôi đã
đem tất cả đại bộ phận của mình đi ra khỏi Bình Giả sáng ngày hôm sau
vào lúc 9 giờ thì tới rồi.
Chỉ có buổi sáng do rút trễ cho nên quân dù bị kẹt vì nó biết được do
những đơn vị bôn tập nó đánh vội vàng đánh vào đại đội pháo của dù khi
đại đội này rút đi. Nhưng rồi sau khi đến nơi tôi bay tới yễm trợ ngược
trở lại với anh em dù, lúc 12 giờ trưa thì anh em cũng rút ra hết tất
cả.
Mặc Lâm: Vâng thưa Thiếu tướng cho tới hôm nay vẫn
còn một câu hỏi đặt ra trước việc có nhiều người cho là hai trái bom
CBU-55 đã thả trong trận chiến khu vực Tân Lập nhưng cũng có người đã
khước từ nói là chuyện này không có. Xin Thiếu tướng cho biết vấn đề này
như thế nào.
Xuân Lộc ngày 13/4/1975
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: CBU-55 thì nó hút hết tất cả không
khí oxygen làm người ta chết chứ còn hai trái bom mà đánh ở đó là BLU 82
đó nặng 14 ngàn pound nói theo kilogram thì nó chừng 7 tấn. Trái bom đó
Hoa Kỳ họ đem qua Việt Nam họ dùng trong khi họ còn ở đây. Quả bom đó
để tại Việt Nam nhưng không có ngòi nổ vì họ đã đem ngòi nổ về Mỹ. Và
khi có phái bộ của ông đại tướng Frederick Weyand ổng qua duyệt xét tình
hình, mang hai chiếc tank M48 trên phi cơ Galaxy để làm quà viện trợ
cho quân lực VNCH đồng thời chở các em mồ côi về Mỹ. Chiếc phi cơ này bị
rớt ở Tân Sơn Nhất. Phái bộ này họ đem mấy cái ngòi nổ cho mấy quả bom
BLU 82 qua bởi họ thấy cộng sản nó đi lẹ quá họ cho VNCH cái đó để cản
bước tiến của cộng sản. Trong mặt trận Xuân Lộc của tôi được họ cho 2
trái. Tôi không biết là có cái này đâu, tôi phải nói là như vậy.
Tôi chỉ biết là mỗi một ngày tôi chấm tọa độ. Tối tôi chấm tọa độ nơi
nào cộng sản đóng quân, chẳng hạn chỗ này sư đoàn đóng chỗ này trung
đoàn đóng, chỗ này là điểm tập trung quân của quân đoàn còn chỗ này là
điểm của một đơn vị sắp sửa xuất phát. Tại sao tôi biết? Bởi vì trong
cuộc chiến thì tới giờ này tôi nói luôn cho biết về vấn đề gọi là mật
mã. Tháo ra hết tất cả mật mã của cộng sản thì chúng tôi có Phòng 7 họ
gửi bao nhiêu chúng ta mở ra hết tất cả. Buổi chiều khi họ truyền tin
thì chúng tôi bắt được hết. Họ báo tất cả bức điện của họ bằng chữ, ví
dụ một lô chữ azkd...nhưng trong số chữ đó chúng tôi biết đọc ra mật mã,
chính chỗ đó nên tôi đánh trúng họ và họ thiệt hại rất nhiều.
Trung tâm phối hợp hỏa lực của tôi chiều nào cũng kiểm tra cái này
hết. Những mục tiêu xa tập trung những đơn vị của họ ở gần trên Định
Quán thì tôi xin quân đoàn cho tôi đánh mục tiêu này. Tôi xin đánh vào
mục tiêu đó nhưng tôi không biết rõ là quân đoàn đánh bằng quả bom BLU
82. Sự thiệt hại của địch quân rất cao. Còn một quả nữa thì tôi thấy nó
không ép-phê gì trong trận địa của tôi, trái thứ hai không kết quả bao
nhiêu.
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng sau khi miền Nam hoàn toàn thất
thủ thì Thiếu tướng cũng như toàn bộ sĩ quan, cán bộ viên chức cao cấp
của VNCH đều bị giam giữ và chế độ mới gọi những tù nhân này là tù cải
tạo. Có bao giờ ông đòi hỏi chế độ phải thay đổi cách gọi như vậy mà
phải gọi chính xác những người tù này là “tù binh chiến tranh” hay
không?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Lúc đó chúng nó cả vú lấp miệng em nó
nói: các anh còn cái gì nữa, còn đất nước đâu? Sự thật thì chúng tôi có
còn đất nước đâu? Lực lượng bạn, đồng minh đã phản bội rồi. Tất cả các
nước ký Hiệp định Paris họ đều êm re, họ như đầu hàng trước bạo lực của
Cộng sản. Chúng tôi là những con người sống lạc loài trong xứ sở của
mình mà cộng sản gán cho chúng tôi thành tội nhân của chiến tranh thành
ra chúng tôi không nói được.
Chúng áp đặt chúng tôi, buộc tội chúng tôi ngay trong cái bản án, thí
dụ một ông Trung tá thì nó đề: Ông Trung tá can tội gì? Can tội Trung
tá tiểu đoàn trưởng hay cái gì đó. Còn tôi, tôi là Lê Minh Đảo, can tội
gì? Can tội Tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh! Như vậy sư đoàn 18 bộ binh là
cái tội sao? Nó nắm quyền sinh sát trong tay nó nói gì nó nói làm sao
chúng tôi nói được. Chúng tôi không nghe nó nói, chúng tôi chỉ kiên
cường bất khuất trong nhà tù, cắn răng mà chịu.
Nó bắt mình quỳ nhưng mình không quỳ. Anh em họ chiến đấu một cách
can trường như vậy. Đến ngày bắt buộc chúng nó phải thả chúng tôi ra có
người nào trong đó mà được chúng tẩy não, rửa sạch theo cộng sản đâu?
Mặc Lâm: Trong lúc bị giam giữ cá nhân Thiếu tướng và các
vị tướng khác có được đối xử một cách khác biệt hay không, chẳng hạn về
tiện nghi cũng như chế độ ăn uống có đặc biệt hơn những anh em khác?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Nó giam riêng chúng tôi, nó sợ giam
chung với nhau thì dù sao chăng nữa kỷ luật quân đội cũng như hệ thống
quân giai anh em họ còn nể trọng chúng tôi thành ra khó cho nó. Nó giam
riêng chúng tôi nó hành hạ chúng tôi kiểu khác.
Có lần nó thử đưa tôi với ông Tướng Sang về trại giam Nam Hà nhưng do
sự kính nể của anh em đối với cấp chỉ huy và thấy tôi bắt đầu quậy thì
nó đem tôi về lại.
Mặc Lâm: 30 tháng 4 năm nay là kỷ niệm 40 năm cuộc di tản
khổng lồ của người dân Việt. Nhìn ngược lại cuộc chiến đã qua Thiếu
tướng thấy điều gì cần phải ghi nhớ và mổ xẻ như một kinh nghiệm sống
không thể quên cho toàn dân tộc?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Khi cuộc chiến tranh chấm dứt rồi tôi
đang bị cộng sản đày đọa, bây giờ nhìn ngược lại cuộc chiến tranh Việt
Nam trong suốt hai mươi mấy năm chúng tôi đã chiến đấu để bảo vệ đất
nước mà rốt cuộc chúng tôi không làm tròn nhiệm vụ của mình là bảo vệ
người dân Việt Nam thoát khỏi ách cộng sản.
Tôi nghĩ cuộc chiến nó như thế này, cuộc chiến tranh Việt Nam nếu anh
nhìn kỹ từ sau năm 1945 sau khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt
thì Việt Nam là một điểm nóng trong chiến tranh lạnh kéo dài 50 năm giữa
thế giới tự do và bên kia là cộng sản độc tài Nga và Trung cộng. Nó kèn
cựa dành giựt từng quốc gia, từng tất đất để lấy ảnh hưởng của mình.
Còn Việt Nam là điểm nóng trong cuộc chiến tranh lạnh đó. Nó lạnh nhưng
Việt Nam thì nóng.
Bây giờ nhìn lại: Ai thắng, ai bại, ai thua, ai đau khổ nhiều nhất?
Tôi thấy rốt cuộc lại thì Mỹ thắng, thắng vẻ vang trong cuộc chiến tranh
lạnh kéo dài 50 năm. Mỹ đã hoàn toàn triệt tiêu chế độ cộng sản ở Liên
xô.
Mỹ dùng chiến tranh Việt Nam để rồi bắt tay được với Trung Quốc. Họ
đã hóa giải được với Trung cộng để kéo Trung Quốc về làm lực lượng của
mình để rồi tiếp tục sức mạnh của Mỹ với sự để yên của Trung Quốc và
chấp cánh thêm để đập tan Xã hội chủ nghĩa của Liên xô là mối đe dọa của
thế giới tự do thì tôi thấy Mỹ đã thắng. Mỹ vì quyền lợi của họ cũng
như thế chiến lược của họ, họ bội ước với VNCH, họ bỏ rơi VNCH đem VNCH
dâng cho cộng sản Tàu để liên minh với cộng sản Tàu.
Không phải mình ghét hay căm thù mình nói mà đây là sự thật lịch sử.
Tội đồ của dân tộc Việt Nam là cộng sản Việt Nam đã cõng rắn cắn gà nhà.
Họ đã hiến dâng cái giang san này cho kẻ thù phương Bắc. Họ cầm quyền
cai trị, đày ải dân mình. Họ dâng đất dâng biển của mình cho Tàu, cam
tâm làm nô lệ cho phương Bắc đổi lấy quyền cai trị ngồi lên đầu dân tộc
cỡi cổ vĩnh viễn.
Bây giờ tôi nói về nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam: toàn thể
nhân dân cả hai miền Nam Bắc chứ không phải chỉ có miền Nam không mà là
miền Bắc. Miền Bắc đã hy sinh rất nhiều những đứa con ưu tú của mình.
Cái sức sống của quốc gia của từ 3 tới 4 triệu người. Rồi cũng cái tập
đoàn đó nghe lời lường gạt họ gây tang tóc cho gần 1 triệu người ở miền
Nam nữa. Năm triệu thanh niên miền Nam và miền Bắc đã chết oan uổng vì
sự ngu xuẩn tàn độc của đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói đây là một
thiệt hại to lớn cho dân tộc chúng ta do Cộng sản Việt Nam đã tạo ra
cuộc chiến tranh này đưa Việt Nam đến sự đau khổ ngày hôm nay.
Sự đau khổ của người dân Việt Nam thì ai là người đau khổ tột cùng?
Chính người phụ nữ Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, nhất là ở ngoài Bắc
thì nhiều hơn. Họ mất chồng, mất cha, mất con. Chính đây là sự đau khổ
của chị em trong cuộc chiến tranh oan nghiệt này đã làm cho đất nước
Việt Nam của chúng ta đầy tang tóc và nước mắt lúc nào cũng không ngưng
chảy cho đến ngày hôm nay.
Chúng ta thấy rằng ngày nào họ còn cai trị đất nước thì cộng sản Tàu
còn bành trướng theo kiểu mới đối với dân tộc của ta và dân tộc sẽ chết
dần chết mòn đi đến diệt vong.
Mặc Lâm: Đó là với người cộng sản Việt Nam, riêng về Hoa Kỳ
một thời từng là đồng minh cay đắng của VNCH thì ông có kinh nghiệm gì
để chia sẻ thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Tôi nói như thế này, tôi có thương mà tôi cũng có buồn!
Tôi thương và kính trọng nhân dân Hoa Kỳ họ đã dang tay rộng mở đón
tiếp chúng ta, lòng họ hào hiệp lắm nhờ họ mà chúng ta mới sponsor cho
người Việt ngày nay. Những người mà tôi kính trọng, tôi thương và tôi
khóc đó là những người lính Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Họ có lý tưởng
anh à. Họ chiến đấu vì lý tưởng tốt đẹp cho tự do và họ làm tròn bổn
phận công dân của họ nhưng vì thế lực chính trị của Hoa Kỳ, những thế
lực mà tôi không ưa được. Họ sống theo mùa, họ sống như con cắc kè họ
đổi màu đủ thứ hết trơn. Họ chỉ vì quyền lợi cá nhân của họ, họ vì quyền
lợi đảng phái của họ mà họ đã giết cả một dân tộc người ta một cách tàn
nhẫn không tiếc thương gì cả.
Họ cũng giết người dân tộc của họ một cách lạnh mình. Những người
lính Mỹ từ Việt Nam trở về có được họ đón tiếp gì đâu? Những người này
là anh hùng của nước Mỹ. Họ phải được nước Mỹ tôn sùng họ, kính trọng và
tổ chức những lễ vinh danh họ cũng như lo cho đời sống của họ không để
họ như ngày nay. Tôi trân trọng cám ơn tất cả những người Mỹ có lòng hào
hiệp đã cưu mang dân tộc Việt Nam.
Mặc Lâm: Vâng, trong 40 năm qua bên cạnh những khó khăn mà
người tỵ nạn gặp không thể không nhìn thấy những thành tựu của những
người trẻ trên nhiều lĩnh vực. Thiếu tướng nghĩ gì về họ?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Ngày hôm nay tôi rất sung sướng mà
nói với anh điều này: tuổi trẻ Việt Nam là nguồn sinh lực, một điểm tựa
hết sức vững chắc cho tương lai Việt Nam sau này. Mình phân tích để thấy
tuổi trẻ Việt Nam họ hội nhập nền văn minh các quốc gia mà họ lớn lên ở
đây, họ gọi là tổ quốc của họ. Họ hoàn toàn không chịu một chút ảnh
hưởng nào của nền văn hóa hủ lậu, lạc hậu của các triều đại phương Bắc
vua chúa ngày xưa. Có những điều làm cho dân tộc không thể nào tiến bộ
được.
Tuổi trẻ ở đây họ hoàn toàn thoát khỏi cái đó trong khi trong nước
hỏi là làm sao thoát Trung, tội nghiệp tuổi trẻ trong nước! Tuồi trẻ hải
ngoại đã hấp thụ được nền văn hóa phương Tây với văn minh khoa học kỹ
thuật cũng như cuộc sống mới ngay thẳng, tự do, cởi mở hiểu được quyền
con người. Đó là điều mà tôi hết sức tâm đắc.
Trong 40 năm qua đám trẻ của mình rất hiếu học, siêng năng, nó có
truyền thống siêng năng từ cha mẹ đã làm vẻ vang cộng đồng Việt Nam khi
đóng góp với cộng đồng hải ngoại. Từ Việt Nam sang đây họ lấy gia đình
làm căn bản. Họ sống dưới sự giáo dục của cha mẹ cũng như cha mẹ họ có
sự hào hùng do chống cộng sản ở bên kia. Họ lấy sự chết ngoài biển khơi
để làm sự sống mới. Cái giá nó nặng lắm cho nên họ khuyên bảo dạy dỗ con
cái và con cái họ cũng hiểu điều đó và rất thương gia đình. Họ hiểu thế
nào là sự đau khổ của Việt Nam và họ biết quê mẹ của họ là Việt Nam.
Các thế hệ cha mẹ tiếp tục đi đừng xao lãng việc đó! Phải làm thế nào
dạy dỗ cho con cái, hướng dẫn con cái mình phải biết lịch sử Việt Nam.
Phải hiểu biết thật tường tận và trung thực. Thật trung thực chứ không
méo mó sai lầm về lịch sử Việt Nam.
Nó biết cái đó để nó thương mình, nó thương những người đã chiến đấu
để cho nó có cuộc sống ngày hôm nay như thế này. Mà khi nó thương cha mẹ
nó thì tự nhiên nó thương nước Việt Nam.
Mặc Lâm: Đó là người trẻ, thích hợp với cuộc sống mới rất
dễ dàng, còn riêng với thế hệ thứ nhất, những người cùng thời với ông
khi ra nước ngoài ông có suy nghĩ gì về họ? Đặc biệt là đồng đội từng
chiến đấu với Thiều tướng?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Thế hệ chúng tôi hồi tôi mới qua đây
tôi thấy anh em buồn lắm. Mấy anh em có vẻ còn mặc cảm là người thua
cuộc thì thường thường tôi hay đi nói với anh em đừng mặc cảm. Các anh
em đã làm hết bổn phận của các anh em rồi, chúng ta bị ngoại cảnh cũng
như bạn đồng minh không cho chúng ta dịp thắng, các anh em đã làm hết
bổn phận rồi. Qua đây các anh em biến tất cả đau thương của mình, sự cực
khổ của mình để dạy dỗ con cái để nó thay thế mình nó làm những chuyện
mà mình không làm được, tôi nói mọi người hãy tiếp tục đi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Thiếu tướng Lê Minh Đảo về những chia sẻ mà ông vừa trình bày với thính giả, độc giả của Đài Á châu Tự do.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire