dimanche 27 décembre 2015

Nhạc Việt Khang: ‘Anh’ và ‘Tôi’ và quê hương - Cát Linh, phóng viên RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vkhang-i-knew-answer-for-where-is-my-vietnam-cl-12182015141927.html/viet-khang-622.jpg/image“Viêt Nam ơi
Thời gian quá nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc tàu…” (Việt Nam tôi đâu?)

Có ai trong chúng ta sẽ không mang cảm giác bồi hồi, thổn thức khi nghe ba chữ “Việt Nam ơi” vang lên giữa bối cảnh đất nước lúc này?




 Có lẽ là không! Chắc chắn là không!
Vì chỉ vỏn vẹn với ba từ “Việt Nam ơi” đơn sơ, chân tình như đứa con gọi “Mẹ ơi” ngày cất tiếng nói đầu đời, ca khúc này đã chiếm trọn vẹn trái tim và tình yêu của người dân Việt. Nhạc sĩ Việt Khang đã chạm đúng vào một góc nhỏ sâu thẳm nhất trong trái tim của từng người. Nơi góc trái tim ấy, có một tình yêu mà theo nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, nó là tình yêu được phóng lớn lên từ tình yêu trai gái, gọi là tình quê hương.
Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta ai cũng được dạy cho tình yêu quê hương đất nước. Quê hương đối với nhạc sĩ Giáp Văn Thạch có thể là chùm khế ngọt, là tuổi thơ thả chơi trên đồng, đối với Phạm Minh Tuấn là giọt đàn bầu thon thả, với cố nhạc sĩ Phạm Duy là lời ru dịu dàng của mẹ. Những hình ảnh dịu dàng, yêu thương ấy… giờ ở nơi đâu? Việt Khang xót xa khi đến quá nửa đời người, đã tỏ tường nhận ra “sau những ngày tàn lửa khói”, Mẹ Việt Nam của anh, của triệu người Việt Nam khác đang “đau từng cơn xót dạ nhìn đời, nhìn “người lầm than đói khổ nghèo nàn”, nhìn “kẻ quyền uy giàu sang dối gian”.
“Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?” Câu hỏi được hát lên xót xa như đứa trẻ ngơ ngác, thảng thốt hỏi tìm Mẹ, ngày Mẹ không còn nữa.
Việt Khang hỏi, hỏi thay cho dân tộc, hỏi thay cho nòi giống Lạc Hồng khi anh nhìn thấy đất nước đang dần chìm vào bóng tối.
“Trong thời điểm mà tàu Bình Minh 2 và tàu Hải Kiên 2 của Việt Nam đang thăm dò dầu khí mà bị cắt cáp, rồi người dân xuống đường biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội bị đàn áp. Đó là thời điểm tôi sáng tác hai bài hát này.”
“Xin hỏi anh là ai?
Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!

Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?

Dân tộc anh ở đâu?
Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn sau ghi dấu
Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào…” (Anh là ai?)

Lại một lần nữa, Việt Khang đã nói lên tiếng nói chung cho người dân Việt Nam. Những câu hỏi tưởng như rất đơn giản của bài học vỡ lòng về quê hương đất nước được anh thốt lên bằng sự phẫn uất, đau đớn. “Anh” và “tôi”, dù là hai chủ thể khác nhau trong vũ trụ, nhưng cùng một dòng máu Việt Nam cùng một tiếng nói dân tộc Việt Nam, sao lại không cho tôi tỏ bày tình yêu quê hương mình?
Và anh nói rằng, bằng một tâm trạng rất thực tế và đơn giản, anh đã viết lên ca khúc này.
“Nghe tất cả lời văn cũng như tất cả giai điệu cao thấp của tôi đã làm, có những bài tôi cũng đã hát. Thì tâm trạng của tôi thế nào thì tôi bộc bạch thế đó, trong cách hát của tôi, trong lời văn tôi sử dụng.”
Tâm trạng ấy đã làm nức lòng người Việt trong và ngoài nước, những người nhìn thấy được và nghe được tình yêu quê hương của Việt Khang. Một trong những người ấy là nhạc sĩ Trúc Hồ, người đã vận động chiến dịch trả tự do cho Việt Khang, đã đưa hai bài hát của Việt Khang đến với chính quyền Hoa Kỳ, chứng tỏ cho thế giới thấy vì tình yêu quê hương mà người nhạc sĩ yêu nước phải chịu cảnh tù đày. Trong một lần nói chuyện trên kênh truyền thông Asia, nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết anh đã bị thuyết phục như thế nào trước hai tác phẩm này.
“Anh cùng hát với Việt Khang muốn nói lên sự thật là Việt Khang đã viết thay thế cho bao người. Qua bài nhạc anh mới biết Việt Khang, chứ từ xưa đến giờ anh không biết Việt Khang là ai. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Cái quan trọng hơn nữa là một nhân tài như Việt Khang…khó, hiếm. Cho nên anh sẽ cố gắng hết mình. Anh…ca luôn. Ai chê anh hát dở, hổng sao, anh cùng hát với Việt Khang. Anh có bổn phận loan cái tin này ra cho toàn thế giới biết, là Việt Nam có một nhạc sĩ, một tâm hồn đẹp, sáng tác hay, ca hay, mà chỉ vì những cái đó mà ở tù. Chuyện khó tin, nhưng có thật.”

Câu chuyện khó tin, nhưng có thật ở Việt Nam dẫn đến bản án bốn năm và hai năm quản chế cho người nhạc sĩ yêu nước. Bốn năm sau, trong những bước chân tự do đầu tiên, thở hơi thở tự do đầu tiên, Việt Khang có tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi “Việt Nam tôi đâu?” của bốn năm trước hay chưa?
“Câu trả lời của tôi còn nằm trong sự hoài bão. Là những gì đã diễn ra, tích cực như thế nào, tiến triển như thế nào, chiều hướng sắp tới. Tình hình như mình thấy cũng đã thay đổi rất nhiều. Tôi cũng cảm thấy những gì đang diễn ra là chiều hướng tích cực.”

Rất nhiều người dân Việt Nam khi được hỏi họ mong đợi gì nhất sau sự trở về của ca nhạc sĩ Việt Khang, thì câu trả lời là họ mong được nghe, được hát nhiều thêm nữa các ca khúc nói lên tình yêu quê hương, đất nước, nói lên tiếng nói thật sự của một dân tộc đã và “đang gặp nhiều đắng cay”. Và riêng anh, thì anh đã nói, kiếp tằm thì phải nhả tơ.
“Nó vẫn còn nằm trong những cái mà mình gọi nôn na là những cái thuộc về thai nghén, những cái tình cảm, ý tưởng. Vì trong cái hoàn cảnh như thế này, không phải lúc nào mình nói cũng được. Tôi thì tôi không có nói nhiều. Tôi thích làm hơn là thích nói. cho nên là không thể nói trước. Tôi là một người nghệ sĩ. Tôi thích sự thật. Sự thật là cái giá trị nhất. Không có gì thay đổi được sự thật. Lập trường của tôi là như vậy.”
Để cho “đời sau cháu con tôi làm người” thì con tằm ấy sẽ tiếp tục giăng tơ, dệt lên những ca khúc yêu nước, nói lên tiếng nói của dân tộc.  “Hoài bão” mà Việt Khang đã bày tỏ phải chăng cũng là mong muốn của toàn dân tộc, đó là đừng để ngày sau, thế hệ con cháu Lạc Hồng phải ngơ ngác, lạc loài khi bản đồ thế giới không còn nước Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/you-n-i-n-country-in-VietKhangs-music-12202015080154.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire