samedi 5 décembre 2015

Nhạc sĩ Anh Bằng, một người Việt thương quê mình.- Tuấn Khanh

imagesCho đến khi nằm xuống, nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn những bài hát và dự án còn dang dở. Sức làm việc của ông thật đáng nể. Nhiều tổng kết cho rằng số lượng  tác phẩm của ông để lại khoảng 650 bài, nhưng thực tế còn nhiều hơn như vậy, bởi gần mười năm đau yếu, ông vẫn không thôi sáng tác.
Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015)  viết rất nhiều thể loại, có lẽ vì vậy mà ông cũng là nhạc sĩ hiếm hoi trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có rất nhiều bút danh. Bản tính hào sảng của ông cũng khiến cho gia tài âm nhạc của ông càng đồ sộ hơn, với hàng loạt các ca khúc sáng tác chung với nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ – với tên chung là Lê Minh Bằng.

Năm 1975, khi nhạc sĩ Anh Bằng ra đi định cư ở Hoa Kỳ, dù lúc đó đã bước sang tuổi 50, nhưng ông vẫn sung sức trong sáng tác và đầy hoài bão trong việc dựng lại một cộng đồng sinh hoạt âm nhạc Việt ở xứ người. Công việc này lại suôn sẻ hơn, khi bà Thy Vân, con gái của ông Anh Bằng kết duyên với ông Bạch Đông, một người Việt ở Mỹ, một chuyên gia về âm thanh. Năm 1980, băng casette đầu tiên của Trung tâm Asia ra đời với các tác phẩm của Anh Bằng đã là một sự kiện của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, vượt biên giới lan vào tận trong nước.
Trung tâm âm nhạc Asia dần dà trở thành một trong những chỗ dựa tinh thần quan trọng của người Việt xa quê hương. Với khuynh hướng thuần âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Anh Bằng nhưng phát triển theo khuynh hướng công nghệ giải trí của Hollywood do ông Bạch Đông dẫn dắt, khiến Trung tâm Asia nhanh chóng trở thành một cái tên thân quen của các cộng đồng Việt không chỉ ở Mỹ mà còn ở Châu Âu, Úc… Vào thời điểm rực rỡ nhất của Asia, ít ai biết được rằng các tên tuổi của âm nhạc Mỹ cũng có mối quan hệ với trung tâm này, thông qua giám đốc điều hành là Bạch Đông. Thân thiết nhất, phải kể đến Richard Carpenter, ca sĩ – nhạc sĩ, và là người sáng lập nhóm Carpenter.
Một trong những sản phẩm được tuyển chọn bởi nhạc sĩ Anh Bằng, thành công đến mức bất ngờ – đến nay vẫn còn nghe lưu hành ở Việt Nam, là băng cassette Liên khúc Hoà tấu. Vào thập niên 80, ông Bạch Đông cho biết có đến hơn 200.000 băng cassette được phát hành và tạo một thành công đủ để mở đường cho sự lớn mạnh của Trung tâm Asia sau này. Tính đến hôm nay, kể cả cd và các bản chép không bản quyền, album này có thể đã vượt con số hàng triệu.
Giữa cuối thập niên 90, ông Bạch Đông rời Trung tâm Asia và chuyển sang sống, làm việc ở Thái Lan. Công việc được giao lại cho nhạc sĩ Trúc Hồ. Lúc này ông Anh Bằng cũng bắt đầu cũng vào giai đoạn sức khoẻ không được tốt, nên công việc chính do bà Thy Vân hoàn toàn kiểm soát. Tuy vậy khuynh hướng của trung tâm Asia vẫn là tâm nguyện của nhạc sĩ Anh Bằng: giữ gìn và phát triển dòng nhạc của miền Nam tự do trước năm 1975.
Đất Nga Sơn, Thanh Hoá thật sự kiêu hãnh với hai cái tên lớn trong văn học nghệ thuật Việt Nam: đó là nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Anh Bằng. Hữu Loan lớn hơn nhạc sĩ Anh Bằng 10 tuổi, nhưng cuộc đời của hai con người tài hoa này lại có nhiều nét tương đồng đến ngạc nhiên.
Nhà Thơ Hữu Loan khi bất đồng về việc thảm sát của chính quyền cộng sản trong chính sách cải cách ruộng đất, đã cứu cô con gái còn sống sót trong một gia đình tư sản từng giúp cho cách mạng và lên núi ẩn cư. Ông rời bỏ Hà Nội và chọn sống cô đơn để làm người tử tế. Nhạc sĩ Anh Bằng thì do gia đình bất đồng với những người cộng sản nên từng bị tuyên án tử hình, một người anh của nhạc sĩ cũng bị cộng sản thủ tiêu. 1954, khi ông Hữu Loan bỏ lên núi thì ông Anh Bằng cũng di cư vào Nam, để lại nơi chôn nhau cắt rốn những kỷ niệm tha thiết, được diễn tả trọn vẹn trong bài Nỗi lòng người đi. Toàn bộ lời bài hát, có hai câu để diễn đạt nỗi niềm của ông, rất dễ nhìn thấy là “Thăng Long ơi, năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời, ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi” và “Sài gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời”. Bất kỳ ai tinh ý cũng có thể nhìn thấy nỗi buồn của chàng thanh niên ra đi, mang theo chí lớn nhưng không thành, được hát lên như một tiếng thở dài cho thời thế.
Trong nửa thế kỷ, cả hai nhân vật tài hoa của Nga Sơn đã làm nên những huyền thoại cho riêng mình. Một người vạc tan đá núi tạc thành huyền thoại, một người viết nên những khúc ca, chồng chất nỗi buồn cao như núi.
Hai lần ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng là hai chặng thời gian đầy biến cố của người Việt Nam. Bị cuốn vào thời cuộc và chìm trong mệnh nước nổi trôi, âm nhạc của ông cũng ngập trong nỗi buồn của riêng mình, của đời người.
Một trong những bài hát, có thể nói được hết cõi lòng của nhạc sĩ Anh Bằng, có lẽ là bài Cõi Buồn, phổ thơ của nhà thơ Phong Vũ. Nỗi tiếc nhớ bạn bè, tuổi thanh xuân và mọi ước nguyện còn dang dở đã dẫn đến cao trào với phần điệp khúc như niềm tuyệt vọng “Ta muốn kéo mặt trời lặn đàng Đông mọc đàng Tây. Ta muốn giam thời gian trong khám tù đày…”. Bất kỳ ai, lúc này khi hát lên, cũng có thể cảm nhận hết sự cô đơn và muộn phiền của ông.
Giới âm nhạc chuyên nghiệp hay gọi tên nhạc sĩ Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lam Phương là tứ trụ của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam. Tài năng, sự đa dạng về phong cách, nhạc thuật, tính khai phá… của những con người này dàn trãi gần như toàn bộ trên lịch sử âm nhạc miền Nam Việt Nam từ 1954-1975 và vẫn tiếp tục nối dài từ đó đến nay.
Nhạc sĩ Phạm Duy có bài Bà mẹ Gio Linh (1948) thì nối tiếp với tinh thần đó, nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Chuyện Một Đêm (1968). Cả hai hai bài hát này vang vọng nỗi đau của người mẹ trong chiến tranh, khi đứng trước cái chết của con mình. Đi cùng với chính sử Việt Nam hiện đại, các tác phẩm này là một trong những phần bổ sung và thể hiện rõ nhất tâm tình, số phận con người Việt qua nội chiến, bên cạnh tập Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn.
Đầu năm 2013, nhạc sĩ Anh Bằng gọi nhạc sĩ Việt Dzũng đến để bàn bạc việc ông muốn thực hiện một băng nhạc tranh đấu. Việc Trung Quốc cấm cản đường biển, tấn công ngư dân Việt, bức hại quê hương… khiến ông cũng muốn hành động. Cho nhạc sĩ Việt Dzũng nghe bài Giặc đến nhà, nhạc sĩ Anh Bằng nói rằng có thể ông sẽ không còn làm gì được nữa và muốn thực hiện một album như phần để lại, một di nguyện của một người yêu thương đất nước mình, dân tộc mình. Lúc đó, chân ông đã run, mắt ông đã mờ, tai ông không còn nghe rõ, có những cuộc trò chuyện phải viết ra trên giấy, nhưng ông nói mình đã viết nhiều bài hát tranh đấu như vậy. Tiếc thay, tháng 12/2013, nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời, công việc còn đang dang dở cùng với lúc sức khoẻ của nhạc sĩ Anh Bằng ngày càng yếu hơn.
Như những bài hát đã viết, mang đầy lời hẹn và tiếc nhớ của mình, giấc mơ về lại quê hương của một người Việt tha hương mãi mãi còn dang dở, nhưng cuộc đời của ông thì lại quá đỗi trọn vẹn cho thế gian này, khi không ngừng cống hiến cho âm nhạc, cho con người Việt Nam. Khó mà biết được, ông ra đi thanh thản, hay ở cõi xa xôi nào đó, vẫn mơ về từng chiếc ghế đá, từng góc công viên, về những món nợ ân tình mà cuộc đẩy đưa khiến ông không bao giờ còn cơ hội để đáp đền.

https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/11/26/nhac-si-anh-bang-mot-nguoi-viet-thuong-que-minh/ 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire