dimanche 1 novembre 2015

Ung thư, kẻ nội thù - Giao Chỉ, San Jose

https://vietbao.com/images/file/n7UDS8zc0ggBAMhO/ung-thu-nam-40.jpgVào buổi trưa thứ năm giữa tháng 10/2015  cô luật sư Jenny Đỗ đứng trước bức tường hình ảnh tù cải tạo tại Việt Museum để TV Dân Sinh phỏng vấn. Dung mạo rất trang nhã và bình tĩnh, người bệnh ung thư ở giai đoạn hiểm nghèo nhất, 49 tuổi vẫn vui vẻ trả lời các câu hỏi.
     Cô kể lại thời thơ ấu Sài Gòn gia đình ở bên chùa. Nhà trong hẻm, muốn ra đường phố phải đi qua chùa. Tuổi thơ sống trong nhang khói pha mùi hương khuynh diệp.  Chín năm cô gái lai sống  với Việt Nam Cộng Hòa. Tiếp theo là 9 năm với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Cô sống trọn vẹn suốt thời kỳ bao cấp rồi ra đi trước khi đổi mới. Cô nói về sinh hoạt cộng đồng tại Hoa Kỳ. Về cuộc đời con lai làm cho sở xã hội, làm cho sở cảnh sát, đi học, ra luật sư và mở văn phòng. Tay phải làm luật sư, tay trái làm việc xã hội. Nhưng không phải công việc xã hội tại Mỹ. Cô lo việc xã hội lầm than của trẻ em, thiếu nữ tại Việt Nam. Tổ chức bạn của Huế ra đời. Mở trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại Huế để nuôi những đứa con Việt Nam bất hạnh. 

Cô miệt mài làm việc cho đến 1 ngày phát giác bệnh ung thư vú. Đây là câu chuyện bẩy tám năm trước, lúc đó cô luật sư trẻ mới ngoài 40 tuổi. Cha là chiến binh Hoa Kỳ không hề biết mặt, chẳng làm sao mà truy tìm xem bên nội đã bị di truyền ra sao. Phần bên ngoại chẳng ai nói có bệnh ung thư. Sau này mới biết là cũng bị nhưng không nói ra.Thôi thì cứ lo điều trị .Tạm thời cắt bỏ nơi cục u đã hình thành. May mắn thay việc điều trị coi như có kết quả. Bệnh nhân tạm thời coi như khỏi bệnh "Cancer free". Thiên hạ nói như thế. Trở lại lo công việc. vẫn còn hồ sơ tòa án của thân chủ. Tổ chức đại hội áo dài phát huy văn hóa Việt Nam và quan trọng hơn hết là lo gây quỹ nuôi đàn con ở trung tâm sinh hoạt Huế. Cô gái lai Mỹ sinh ra tại Vũng Tầu, không hề thấy mặt cha. Trưởng thành tại Sài Gòn. Trải qua thời kỳ kinh tế mới ở Túc Trưng. Định cư tại San Jose nhưng lại để trái tim ở đất thần kinh. Tổ chức Friends of Hue ra đời. Mỗi ngày, từ miền Bắc Cali, Jenny vẫn lo cho 40 đứa con bất hạnh tại miền Trung Việt Nam.
.
blank
.

        Vào buổi chiều cuối tuần, đang họp bạn với thân hữu chợt bác sĩ gọi cell khẩn cấp. Bỏ hết mọi chuyện, vào nhà thương ngay, nếu không xe 911 sẽ đến rước đi. Bà bác sĩ đưa tin sét đánh. Mấy tháng trước chưa có triệu chứng mà chỉ mấy tuần, bệnh ung thư ngực tái phát cấp kỳ. Ngày cuối đã gần kề. Jenny hỏi còn bao lâu. Bác sĩ nói chừng 3 tháng. Trời, 3 tháng làm sao thu xếp kịp. Trả lời phỏng vấn cô thành thực nói rằng lúc đó không lo chạy chữa, không lo chuyện tử sinh mà chỉ lo không có đủ thời giờ để thu xếp. Sau khi lấy thêm phần tế bào nhiễm độc để thử lần cuối. Kết quả vẫn không thay đổi. Giải phát cuối là hóa trị. Nếu  buông suôi thì bao lâu. 3 tháng. Nếu làm Chemo (Hoá trị) thì bao lâu mới thấy kết quả. 12 tuần. Nếu không kết quả thì gần hết 3 tháng rồi. Phải không...Đúng như vậy...
.

      Đó là câu chuyện về cuộc chiến sau cùng của Jenny Đỗ.
     Anh Phạm phú Nam là người hỏi chuyện cũng bắt đầu qua các câu hỏi sau cùng. Chị có nhắn nhủ gì không? Nhắn rằng dự trù ra tranh cử nghị viên khu 8 San Jose nhưng sức khỏe không cho phép và đành tuyên bố bỏ cuộc. Nhắn rằng cộng đồng chúng ta nên hòa thuận và ước mong sau cùng của Jenny Đỗ là muốn có 1 trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho người Việt Nam tại San Jose.Chờ đợi 40 năm dường như đã quá lâu rồi. Nhắn rằng anh chị em con lai như Jenny nên hãnh diện là người Việt Nam, nên tìm về cội nguồn ngay trên đất Mỹ. Nhắn các bạn đồng bệnh là nên lưu ý với kẻ nội thù là bệnh ung thư. Không thể dấu diếm, không thể thương lượng, không thể chậm trễ. Hiện nay cắt bỏ hết vẫn là giải pháp tốt đẹp nhất để ngăn chận tái phát. Đây là căn bệnh có khả năng di truyền nên trong gia đình cần công khai tin tức để con cháu biết đường chạy chữa.
         Câu hỏi cuối cùng để Jenny Đỗ nhắn nhủ về các con của cô ở trung tâm Friends of Huế tại quê nhà. Suốt buổi nói chuyện cô rất bình tĩnh và linh hoạt trả lời với 1 thái độ can đảm hiếm có. Nhưng khi nói với các trại viên 40 em của trung tâm Huế cô đã nghẹn ngào. Xuân này cô sẽ không về thăm các em, có thể chẳng bao giờ cô về nữa. Các con nhớ lời cô chỉ dạy khi cô cháu ngồi với nhau. Hãy cố gắng để trở thành người gương mẫu không phải chỉ cho riêng mình mà phải thành đạt để giúp cho các em khác. Các con biết đấy. Các con đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ, hảy giúp các em khác có cơ hội như các em hiện nay.
       Hãy cố gắng cho xứng đáng với lòng mong ước của cô . Mãi mãi cô thương yêu các em. Đoạn phim này và nhiều hình ảnh khác sẽ được gửi về cho các em. Jenny nói rằng trong nỗi đau thương sinh tử, còn một chút may mắn là sự chuẩn bị ra đi.                           
Trên youtube Cali Today cô cũng nói chuyện từ tốn nhẹ nhàng nhưng phần cuối mắt rưng rưng lệ. Tưởng con có ngày lo phần chung sự cho mẹ. Ai ngờ lá xanh lại rụng trước lá vàng.

       Anh Phạm phú Nam cho biết đã có dịp phỏng vấn trên 300 người nhưng không có những lời nói cuối cùng nào được ghi nhận như trường hợp Jenny Đỗ.
.

Thế giới ung thư.
       Với chuyện của bệnh nhân Jenny Đỗ, chúng ta nên nhìn qua 1 lần thế giới ung thư.
       Ung thư là kẻ nội thù của nhân loại hiện nay. Thân thể của con người chỗ nào cũng do các tế bào làm thành. Ung thư là bệnh khi tế bào bị hủy diệt. Các nhà khoa học ghi nhận có đến 60 căn bệnh ung thư. Trên con người, góc cạnh trong ngoài chỗ nào cũng có thể có bệnh ung thư. Từ nước tóc cho đến làn da. Não bộ, tim, phổi, bộ phận tiêu hóa, bộ phận tuần hoàn, bộ phận thần kinh, tứ chi ngũ giác đâu đâu cũng có thể thành bệnh. Chỉ trừ có tế bào mắt là không bị ung thư. Tại Hoa Kỳ đã có hàng triệu bệnh nhân ung thư qua đời và hàng triệu người khác đã bị ung thư nhưng qua khỏi.
      Mỗi năm nước Mỹ có thêm 1 triệu 600 ngàn bệnh nhân mới và năm nay vào khoảng trên 500 ngàn người sẽ chết.
      Tại đất nước tiền phong của nhân loại, đầy đủ phương tiện y khoa tối tân, mỗi 1 phút trôi qua là có 1 người chết vì bệnh ung thư.
      Những người bệnh ung thư mà qua khỏi đã ngồi lại với nhau, chỉ dẫn cho các con bệnh mới phương thức chiến đấu. Chính họ cũng còn phải chống lại bệnh tái phát. Họ chia 60 loại bệnh ra làm nhiều tháng. Mỗi tháng dành cho 1 số danh hiệu bệnh tình khác nhau. Tháng giêng là tháng mở màn, tháng 2 chuẩn bị phản công, tháng 3 là bộ phận tiêu hóa và thận. Tháng tư đối tượng rất nhiều loại ung thư từ đầu cổ cho tới hạ thân. Tháng 5 dành cho da thịt và đầu óc, tháng 6 là tháng của những người chiến thắng. Riêng ngày 7 tháng 6 là Survivors Day. Cứ như thế mà tiếp tục. Nhưng đặc biệt tháng 10 này là chỉ dành riêng cho cuộc chiến chống ung thư vú. Đây là tháng của đoàn nữ binh mùa thu tử chiến với kẻ nội thù. Giặc từ trong đánh ra. Tháng 10 này Jenny Đỗ đánh trận cuối cùng. Cũng đã chuẩn bị chung sự xong rồi. Jenny chấp nhận phần số của kiếp người. Cảm ơn tâm tình đường khuynh diệp đã được mọi người đón nhận. Cô nói, một chút e ngại cô đơn khi nằm trong hầm lạnh trước khi hỏa thiêu. Buồn cho ước mơ nghị viên khu 8 xây dựng trung tâm cộng đồng San Jose không thành.Tình thương gửi về cho đám con ở Huế. Xuân này cô không về.
.

         Nữ binh mùa Thu
 Mấy tuần qua, chúng ta thấy hiệp hội chống ung thư tổ chức các cuộc đi bộ, hội thảo hết sức quy mô. Tháng 10 là tháng của quý bà. Đa số phụ nữ đeo nơ chống ung thư trên ngực áo. Tổng cộng có 54 mẫu nơ khác nhau. Quý ông bị ung thư tiền liệt tuyến ( prostate) đeo nơ màu blue nhạt. Ung thư gan là màu xanh lá cây (green). Trẻ em bị ung thư có màu vàng kim (gold), nếu là ung thư vú sẽ có màu pink.
 It người đeo màu hoa lan orchid dù là có bệnh lạ, đây là ung thư testicular. Nhưng vẻ vang nhất khi đeo màu vàng (yellow) vì đây là người đã chiến thắng ung thư ( survivorship )
.

Cắt đi cho rồi.
        Qua kinh nghiệm của luật sư Jenny Đỗ ta có thể xem lại hồ sơ của các phụ nữ danh tiếng mắc bệnh ung thư vú. Các bà tổng thống, các tài tử điện ảnh và cả các người mẫu bị ung thư nay đã thành phong trào cắt phăng cả 2 vú. Khoa giải phẫu thẩm mỹ đã giải quyết mọi chuyện hết sức êm đẹp.
        Lý do chính là việc giải phẫu và tái tạo bộ ngực hiện nay không còn nhiều khuyết điểm như ngày xưa.
       Những câu chuyện gương mẫu trên báo cho biết nhiều nữ tài tử sau khi thấy trong gia đình có người bị ung thư đã cắt phăng cả 2 vú mặc dù hoàn toàn chưa bị ung thư.
      Bởi vì ung thư ngực di truyền có nhiều khả năng trước sau cũng bị nên cắt lúc còn sức khỏe để đi giải phẩu thẩm mỹ trên làn da còn tốt trước khi qua muộn.
      Quan niệm này thật khác với số phụ nữ Việt Nam thường e ngại che dấu bệnh tình. Có người chấp nhận chết mà không chịu giải phẫu. Những minh tinh màn bạc danh tiếng Hoa Kỳ đã mở đường cho tinh thần quyết tử với kẻ ung thư nội thù. Nhưng xem ra tất cả đều đã muộn đối với cô luật sư trẻ ở San Jose. Chỉ còn chờ phép lạ. Tin đưa ra từ San Jose, độc giả bốn phương tám hướng đều quan tâm và bầy tỏ thương cảm. Có thi sĩ làm thơ khích lệ. Văn sĩ viết bài ca ngợi. Nữ bác sĩ đang dậy tại đại học TX muốn bay về CA thăm hỏi. Từ Việt Nam, có người muốn mời cô về chữa bệnh ngay tại quê hương. Rất nhiều người khác chỉ ra cả trăm phương thuốc. Nhưng điều quan trơng nhất là câu chuyện này sẽ đem lại 1 bài học cho mọi người. Hãy chuẩn bị đương đầu với kẻ nội thù. Riêng Jenny luôn luôn trông đợi phép lạ. Ông cha ta thường nói tuổi 49 và 53 là tuổi chết người. 49 chưa qua, 53 đã tới. Tôi nói với cô Jenny, cầu phép lạ cho cháu qua khỏi năm 49 sẽ sống đến 53. Đến 53 sẽ tính. Jenny nói cháu chỉ cần 3 năm là quá hạnh phúc. Nếu chỉ cho 3 tháng thì ông Trời ép cháu quá...Từ khi biết tin đến nay đã qua nửa tháng rồi. Tôi nói, với cái bệnh này, bác sĩ luôn luôn sai lầm, bác cầu cho bác sĩ sai lầm. Hãy để cho ý chí kéo thân xác, hãy sống bằng cái đầu. Tập trung các bài viết, in cấp tốc rồi Ra mắt sách có văn nghệ giúp vui. Ai cũng có những năm tháng cuối cùng, Jenny sẽ sống trọn vẹn. Ai sẽ làm thơ, ai sẽ viết văn, ai làm nhạc giúp Jenny chống kẻ nội thù, xin gửi về góp mặt trong Đường Khuynh Diệp. Tác phẩm cuối cùng ra mắt lần đầu tiên. Bìa do Jenny vẽ. Kiếm một đồng cho San Jose và một đồng cho Huế...

https://vietbao.com/a244572/ung-thu-ke-noi-thu 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire