dimanche 1 novembre 2015

JENNY DO: Đường Khuynh Diệp và Cây Nhân Sinh

Năm 1957, Hãng Điện Ảnh Metro Goldwyn Mayer và đạo diễn Edward Dmytryk thực hiện xong cuốn phim RAINTREE COUNTY[1] tại Hoa Kỳ, căn cứ vào cốt truyện của Ross Lockridge, Jr.[2] Cuốn phim này khi trình chiếu tại Pháp và Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và lấy tên là L’ARBRE DE VIE [tạm dịch là “Cây Nhân Sinh”].  Trong số diễn viên, nổi bật nhất là Elizabeth Taylor, thủ vai người đẹp miền Nam, Susanna Drake, còn Montgomery Clift thì thủ vai người hiền phương Bắc, John Wickliff Shawnessy.  Cả hai nhân vật có chung một tâm sự, một ao ước: tìm thấy “Cây Mưa Hoa”/Raintree, tìm thấy “Cây Nhân Sinh”/L’Arbre de Vie.[3]


Thật vậy, ngay trong phần nhạc mở đầu cuốn phim này, Nat King Cole đã hát: “Người ta bảo rằng tại Quận Raintree, có một cây cao chót vót với những chùm hoa vàng óng ánh.  Bạn sẽ thấy một cây mưa hoa, như một nội tâm…, hay một giấc mơ mê hồn…”[4] Rồi tới lúc Susanna hỏi: “Cây mưa hoa ư?  Thế sẽ xẩy ra sao khi thấy cây mưa hoa đó ?[5] John Wickliff trả lời: “Cây đó sẽ mở mọi cánh cửa và chữa khỏi mọi thương tích”.[6] Susanna nói theo: “Bao lâu nay, em từng tìm kiếm một cây tương tự”[7] ̶  cây nhân sinh mầu nhiệm, cứu nhân độ thế.
Năm 2008, Jenny Do cũng dấn thân vào một cuộc tìm kiếm tương tự, dưới tường thuật một lộ trình mệnh danh là “Đường Khuynh Diệp,[8] mà âm hưởng phần nào vang vọng “Đường Tơ Lụa” ngày xa xưa của những cuộc phiêu lưu mua bán, vận chuyển tơ lụa liên lục địa, từ Á Châu, qua Trung Đông, để cung cấp thị trường Âu Châu.  Nhưng đặc biệt, “Đường Khuynh Diệp” lại là một cuộc hành trình nhiều ý nghĩa hiện sinh, qua nhiều dạng tường thuật phối nhập.
Về bố cục, «Đường Khuynh Diệp» phân mảnh trong không gian và thời gian thành những đoạn đường tìm kiếm, gặp gỡ, thành những “trạm” tường thuật hiện sinh. Tác giả đã phân tâm, phân mảnh “Đường Khuynh Diệp” thành bốn đoạn chính trong cốt truyện, đó là “Đường Khuynh Diệp ― Phần I, II, III” và “Đường Khuynh Diệp ― Đoạn Kết”.
Trước hết, “Đường Khuynh Diệp” khai mở như một tự truyện.[9] Jenny, tác nhân trong tự truyện này, sau nhiều tháng điều trị bệnh ung thư vú bằng phép hoá trị, hay chemotherapy, đã từ Hoa Kỳ về Châu Á để dưỡng bệnh, “thay đổi không khí, giải tỏa tâm trí, tìm thêm sức sống.” [ĐKD, Phần I]
Tác nhân đã chọn “Đường Khuynh Diệp” làm lộ trình kèo dài cuộc sống, vì tin vào sức mạnh mầu nhiệm, cải tử hoàn sinh của cây khuynh diệp,[10] nên đã quyết định trở về nước “trầm mình trong hương vò của lá,… để thấy tăng thêm năng lực.[11] Tác động tìm kiếm lá khuynh diệp nhằm mục đích điều trị bằng dược thảo, sau khi con bệnh đã từng “hốt thuốc tam thất, hốt lá đu đủ, uống cỏ”.[12] Nhưng vì căn bệnh ung thư lại xẩy ra trên cơ thể của Jenny, một người nữ sinh đẻ tại Việt Nam, nên tác nhân muốn tìm ra bằng được cây khuynh diệp Việt Nam, với những sắc thái, hương vị “bẩm sinh”, bám chặt vào địa danh cố quốc.  Từ một cuộc hành hương của người lâm bệnh, một tín đồ cởi mở, “Đường Khuynh Diệp” đã mỗi lúc mỗi đi sâu vào nội tâm của người tìm niềm sống, dần dần trở thành sự hồi hướng về quá khứ, gắn bó với ý nghĩa nguồn gốc của chính mình.  Tìm kiếm hưởng vị “khuynh diệp trong trí nhớ” là thế.
http://baocalitoday.com/userfiles/4354e6d08bee47b4b6a55ebc7a2511d6.jpg 
Nhưng sự tìm kiếm cây lý tưởng đó đã không thể thực hiện được qua những hoàn cảnh quá thực tế, trong những không gian quá phũ phàng.  Đất “Nắng Quái Kampuchea” không có nổi một bóng cây khuynh diệp.  Do đó:
“Mùi khuynh diệp đã không đến với tôi tại Phnom Penh…”
“Tôi hoàn toàn không tìm được hương vị khuynh diệp nơi xứ sở của kỳ quan Angkor Wat”… [ĐKD, Phần I, “Nắng Quái Kampuchea”]
Cơn rét quá tàn khốc tại Hà Nội làm tê liệt mọi nỗ lực tìm kiếm sinh khí của Jenny.  Tại đó, tác nhân không có dịp tìm thấy cây khuynh diệp.  Ngay cả thứ hoa mận vùng đất Hoà Bình, như một hình ảnh thay thế cho cây khuynh diệp cũng không thể tìm ra:
“Hoa mận vẫn biệt tăm. Thì ra năm nay hoa mận nở sớm và đã rụng hết khi cái rét tràn về. Chúng tôi tay trắng quay về Hà Nội” [ĐKD, Phần II]
Từ trạm này sang trạm khác, con đường nối thẳng những cuộc tìm kiếm “hương vị khuynh diệp” tiếp tục không đưa tới đích mong muốn, trong sự lồng ghép của thất bại trong thất bại, của vô hiệu trong vô hiệu, của vắng vợi trong khoảng trống, mỗi lúc thêm tách mảnh, đến độ hương vị lá thơm cũng biến thể, nhạt nhoà không nhận ra, ngay cả khi cây khuynh diệp bỗng dưng xuất hiện:
Dốc Lết cũng thật hoang dã, nhưng sau vài bữa lang thang, cuối cùng tôi cũng tìm được bóng mát của cây khuynh diệp đợi mong.  Tôi vò mãi lá khuynh diệp để tay thêm xanh nhưng không hiểu sao bàn tay tôi vẫn trắng và mùi hương chỉ thoang thoảng. Thế nghĩa là sao? Tay tôi đã khác xưa và mùi khuynh diệp đã thay đổi? [ĐKD, Phần II]
Lá hay người đã “khác xưa”?  Cảnh hay người đã “thay đổi”?  Đó là câu hỏi hay nhận định nghẹn ngào khi nữ khách không thấy dấu hiệu hay hương vị của cây nhân sinh mong đợi.  Nhưng nhận định như thế chưa đủ để giải mã tác động nội tâm, vừa tâm linh, vừa siêu thực mà tác nhân mỗi lúc chuyển diện.  Hương vị khuynh diệp, trong cuộc hành trình tìm kiếm của tác nhân giải bệnh, giải khổ, không phải là một thực thể khả dụng, khả khán, nên không thể khả chấp nguyên vẹn bằng thị giác, vị giác, lẫn khứu giác.  Thực sự, dầu khuynh diệp không phải là một liều thuốc cải tử hoàn sinh mà lại ẩn dụ một giá trị biểu tượng sâu sắc khác: tìm “cây khuynh diệp” và kiếm hương vị khuynh diệp là tìm lẽ sống để biết rõ ý nghĩa và giá trị hiện hữu của cuộc sống, trong đó, khổ đau, chết chóc có tính cách lây biến, bao la, tập thể.  Của đa số, của nhiều hoàn cảnh đổ vỡ, đày đoạ khác nhau.
Tác giả đã khéo léo giúp tự truyện tháo mảnh trên “Đường Khuynh Diệp”, mỗi lúc đa diện, đa trạng, mở rộng chân trời, trong cuộc hành trình tìm kiếm giải thoát, bằng những mảnh gương soi sáng[13] sinh tử, khổ đau đồng tâm điểm của chúng sinh, của con người.  Đó là kỹ thuật trước tác lồng ghép “truyện trong truyện”, mà André Gide gọi là “mise en abyme”.[14]
Trong nội cảnh của từng trạm gặp gỡ bên lề, tác-nhân-con-bệnh trở thành người-chứng-của-khổ-đau, như tại hậu cảnh của những cuộc tàn sát tập thể trên Đất Miên thác loạn:
Gần 3 triệu người đã mất mạng một cách dã man trên đất này, trong đó có một số người không nhỏ là người Việt.  Mấy ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được sự độc ác của loài người lại sâu thẳm đến thế.
Khi thăm trại chôn người Choeung Ek, tôi phải đối diện với sự hãi hùng chưa từng gặp. Ngoài các mộ tập thể loang lở trên khu đất rộng, ngoài tòa lầu sọ người cao đến rùng mình, ngoài những đống quần áo phảng phất dấu bùn và máu khô, những đôi dép há mõm, những đống xương ống chân tay, những cái ly đựng răng hàm của nạn nhân, tôi còn thấy những cây có bát nhang và giỏ trái cây treo lơ lửng trên cành. Tôi cố nén xúc động. Tự hỏi tại sao người dân lại thờ những cây này. Mấy giây sau thì tôi vỡ lẽ. Trên thân cây có những vết dao sâu hoắm ngang dọc chi chít. Thì ra trẻ em đã bị đè vào những cây này trước khi thân hình bị chặt ra. Ở các hố chôn người đã được tìm thấy ở chung quanh, có biết bao xác đã không được nguyên vẹn hình hài. Có một hố đa số xác phụ nữ và trẻ em không có đầu và quần áo. Đã hơn 30 năm trôi qua, vậy mà người viếng thăm Choeung Ek vẫn có thể nhìn thấy xương vụn và quần áo của nạn nhân còn nằm rải rác đâu đó bên bờ các ngôi mộ tập thể [ĐKD, Phần I, “Nắng Quái Kampuchea”].
Cũng như người xưa đã từng bôn ba qua những cánh sa mạc khô khan, nghiệt ngã, trên con đưởng tải lụa viễn xứ cầu phúc lợi, nay Jenny trong cuộc hành trình về Châu Á tìm nguồn sống, đã tạt qua những mảnh đất “nắng quái Kampuchea”, để tận mắt chứng kiến những cánh đồng sát sinh,[15] những ngôi mồ tập thể của hơn ba triệu nạn nhân, sau khi bị hành hạ, tùng xẻo, “cáp duồn”, tàn sát oan ức, dã man.  Những hiện tượng khủng khiếp đó là hậu quả trắng trợn của một giai đọan lịch sử nhân loại tối tăm, suy sụp, thác loạn; của thứ tư tưởng tha hoá, diệt chủng; của ý thức hệ cộng sản mù quáng, vô nhân đạo, tăng trưởng bởi sự thù hằn độc ác của những đầu đảng, tù trưởng khát máu, dốt nát, những Pol Pot và đồng bọn Miên cộng.
Sinh mạng của con người không còn tùy thuộc vào lẽ sống sinh tồn tự nhiên, hài hoà với môi trường, với luân lý, lẽ phải.  Sinh mạng của con người cũng không còn được giải thích bằng tín ngưỡng tôn giáo hay bằng thứ định mệnh an bài, khả chấp. Sự tàn sát quy mô của ba triệu người dân vô tội trở thành một hiện tượng quái gở, vượt khỏi mọi giải thích hợp lý, hợp nhân, hợp đạo.  Những cuộc tàn sát tập thể, phi nhân, phi nghĩa đó trở thành một thứ ung thư đang di căn, lở loét, tàn phá ngay trong lòng nhân loại, một căn bệnh hiểm độc, tới ngày nay vẫn tác quái, sát hại, bất trị.  Còn biết bao nhiêu lò sát sinh tập thể khác, do ô nhiễm môi trường, do tai hoạ nhân tạo, do chiến tranh quy ước lẫn vô thường, nguyên tử, khủng bố… Pol Pot và đồng bọn vẫn biến dạng đổi hình, lúc ma quái, lúc bạo tàn, để tiếp tục triệt hạ loài người.  Họ là những tà khí, phát xuất từ ngoại thể, và cũng trào phá ngay trong nội giới.  Họ là những thứ “phiệt”, những quan niệm hành động quá khích, quá đáng, tham lam, do chính con người biến thể chủ trương và tạo dựng để cướp đoạt và triệt hại con người.  Và cũng để tự huỷ.   Sinh tử trở thành sự đột phá vô cùng nhanh chóng, bất khả cưỡng, như một cuộc thử thách tột độ, ngông cuồng, vô nghĩa.
Hiện tượng khổ đau, nguy nan còn liên hệ tới nhân cách của một xã hội sa đoạ, biến thải, với những nhu cầu sinh tồn hèn hạ nhất, dưới áp lực của đói khổ, thiếu thốn, dốt nát:
“Nếu hôm qua người Miên và người Việt là nạn nhân của phong trào diệt chủng của Pol Pot, thì hôm nay họ là nạn nhân của một tội ác mới. Đó là tội buôn người. Những cuộc mua bán người Việt, Miên để làm nô lệ đang được tiếp diễn hàng ngày tại Kampuchea” [ĐKD, Phần I, “Nắng Quái Kampuchea”].
Kampuchea trở thành đất chứa những ổ điếm trá hình phòng trà và  “những thế giới đen” bỉ ổi, mà kẻ hành nghề bán dâm là những phụ nữ xinh đẹp, phần đông là người Việt.  Theo báo cáo của TIP (Trafficking In Persons Report) của những năm 2005-2007, rất phiều phụ nữ, trẻ em 9, 10 tuổi đã trở thành nạn nhân của các cuộc “mua bán người” ở Kampuchea.  Họ từng bị ép, dụ, trao bán, đôi khi bởi chính người thân kẻ thuộc, trong thế mưu sinh khốn cùng, tuỳ thuộc vào nhu cầu của giới “mua hương”.
Trên mảnh đất Miên nắng quái, tác nhân tuyệt vọng không tìm thấy được cây khuynh diệp mong muốn, vì mùi tinh khiết của lá dầu thơm đã bị lấn át bởi mùi “hương” trụy lạc của phụ nữ, trẻ thơ bị dày vò, ô uế bởi con người vô luân, nhiều nhục dục:
“Tôi hoàn toàn không tìm được hương vị khuynh diệp nơi xứ sở của kỳ quan Angkor Wat, nhưng cảm thấy người tôi thêm được một sức sống mới vô hình.  Tôi phải làm gì đó.” [ĐKD, Phần I, “Nắng Quái Kampuchea”]
Giữa những cảnh huống đau lòng trên, tác nhân “đã quên hết đi căn bệnh của mình” khi thấu hiểu rằng, tại nơi cố quận, con người sống và chết thật khó khăn, ai oán.  Tác nhân không còn giữ trong tay vết tích lá khuynh diệp, vì còn nặng lòng và bận tâm “khiêng quan tài” cho người khác [ĐKD, Phần II], hoặc công phẫn trước những “guồng máy bóc lột công sức lao động” của người dân địa phương, thấp kém, thiệt thòi:
Trong khung cảnh uy hiếp này là những công nhân nam nữ ốm tong teo, đứng thành hàng luôn tay làm những động tác giống như là đuổi theo các máy móc kia.  Trong nhóm người này tôi nhận ra có những đôi mắt còn quá trẻ, quá non nớt. Bên cạnh các đôi mắt đó tôi thấy xuất hiện những nhãn hiệu quen thuộc như Albertson’s, Gamestop, Pizza Hut, 99 Cents, KFC, Safeway, v.v.  Hết khu vực này đến khu vực khác, tôi không thể ước lượng được có bao nhiêu những con người lam lũ kia đang làm việc trong hoàn cảnh đó. Họ làm việc trong cơn nóng ác nghiệt, trong sự ồn ào đe dọa của máy móc, không mũ bảo hiểm, không găng tay, không có gì để bảo vệ lỗ tai. Tôi không thể tưởng tượng được họ có thể làm việc như thế ngày này qua ngày khác. [ĐKD, Phần III].
“Đường Khuynh Diệp” đã lần lượt biến thể qua nhiều “trạm” đối tác, mà khung cảnh là những trường hợp “tận cùng” (cas-limites) khiến người trong cuộc phải lựa chọn giữa tù túng và giải thể, giữa đập phá và nguyên vẹn, giũa sống và chết, giữa nhân cách và tha hoá.  Khổ đau, chết chóc đều có ý nghĩa, có tác dụng bồi bổ cho cuộc sống, trên bình diện hiện hữu toàn năng:
Sau khi Thi nằm xuống, bố mẹ Thi yêu cầu trao tất cả tiền phúng điếu cho hội Friends of Huế Foundation để giúp các trẻ em khác. Mộ của Thi chưa xanh thì chúng tôi nhận được tin từ miền Trung là có 6 em nhỏ đang cần mổ tim cấp bách. Nếu không thì các em sẽ không thoát hiểm. Trong đó có một em cũng cùng ngày tháng sinh của Thi. Mỗi một cuộc mổ tim tốn khoảng 1000 Mỹ kim. Mẹ Thi yêu cầu Hội ra tay ngay. Chúng tôi liền lập tức chuyển số tiền phúng điếu khoảng 5000 Mỹ kim cộng thêm 1000 nữa của một gia đình khác cho để cứu sáu em này. Và chúng tôi cũng sẽ lo luôn thủ tục mua xe lăn cho hai em ở Thị Nghè… [ĐKD, Đoạn Kết]
Kết cuộc, tìm “cây khuynh diệp”, như tìm cây “nhân sinh”, không có nghĩa là tìm giải pháp cải tử hoàn sinh, từ bỏ cái chết, mà thực sự chỉ là tìm hiểu lẽ sống, biết rõ ý nghĩa và giá trị hiện hữu của cuộc sống, trong đó, khổ đau, chết chóc, sinh tử, nhân từ, nhân ái có tính cách vô thường, vô hạn, vô ngã:
Trên đường khuynh diệp, tôi đã đối diện những cánh chim đói khát gãy đường bay, những cặp chân gỗ khập khễnh, những lằn roi cá đuối, những bờ vai nhỏ quắp co trong cơn lạnh, những da thịt bị xâm lăng và hành hạ, những cái chết vì sinh nhai, những xác thân vô tội bị hành quyết trên thân cây, những bàn tay run rẩy nhận gạo, những nụ cười nhân ái, những ánh mắt đầy tình người, những vòng tròn nhân quả … Tôi đã đi suốt một vòng tròn. Đã tưởng mất mùi hương có tác động hồi sinh. Để tìm lại được nó ở nơi bất ngờ nhất. Ở điểm bắt đầu.
Đường khuynh diệp là thế. Không dài nhưng rất tròn. Vòng tròn tử sinh. Vòng tròn tiếp trợ. Đây là vòng tròn của những người tìm người để thấy mình, tìm ra rồi lại cho đi, cho đi nhưng vẫn còn đó, còn đó lại chia cho lẫn nhau, một chút tình người, một chút tương lân, một nỗi cảm thông, đơn sơ mà quyết liệt. Tôi đã đi tìm khuynh diệp ở vùng quá khứ. Nhưng khuynh diệp vẫn ở quanh tôi, trong hiện tại. Và trên vùng tương lai. Của tôi. Và của mọi người. [ĐKD, Đoạn Kết]
“Khuynh Diệp” là loại cây có lá thơm [diệp] dễ gây cảm xúc thoải mái [khuynh động] nơi người gần gũi, tiếp nhận và hưởng thụ.  Vậy về bản chất, “Khuynh Diệp” trong phép ẩn dụ có thể được so sánh ngầm với một tác phẩm, tác văn, vì cả hai đều tiêu biểu cho hương sắc mỏng manh, những giá trị chao đảo, dễ gây xúc động.  Nếu tích cực, đó là những bóng mát thơm tho, những cành hoa mận cuối mùa, những tư tưởng tử tế, nhân bản.  Nếu tiêu cực, đó là những thể xác bị xô đổ, triệt hạ vì căm thù, trục lợi, ghen ghép [khuynh hãm, khuynh tâm] với những căn phận hẩm hiu, thua kém [khuynh phúc, khuynh trắc].
Tác phẩm nhân văn chân chính, tự nó không mùi, không sắc, vô thường, vô hạn, vô ngã.  Con người tiêu thụ lại muốn tròng vào cổ nó những hạn hẹp nô tì, phế phán cho điểm, sau khi trục lợi, buôn chữ bán danh.
Vậy muốn nguyên vẹn, cuộc hành trình tìm “Cây Khuynh Diệp”, về mặt trước tác, phải là tìm kiếm lại con đường sáng tạo.  Khởi đầu bằng những thao thức đa mang của tác giả.  Giữa đường bằng cuộc trùng khởi tìm tòi vô hạn, vô thường, vô ngã.  Đến cuối đường, hay tại những trạm gặp gỡ, bằng sự tham gia của độc giả qua đường, quá giang, tiếp tay, tiếp sức chiết lá, ghép cành từ cây tư tưởng, để tự mình khai mở một cuộc hành trình tiếp nối tìm hương vị “Khuynh Diệp” của chính mình.  Khi người tìm nguyên thủy không còn đó.

TS LS Lưu Nguyễn Đạt
Đăng lần đầu Feb 8, 2010
Cập nhật Oct 17, 2015

[1] Raintree County (film) The novel was made into a 1957 film starring Montgomery Clift, Elizabeth Taylor, Eva Marie Saint, Nigel Patrick, Lee Marvin, Rod Taylor and Agnes Moorehead. It was adapted by Millard Kaufman and directed by Edward Dmytryk. In the credits for the film, the author’s name is misspelled (Ross Rockridge Jr).
[2] Raintree County is a novel by Ross Lockridge, Jr. published in 1948. It tells the story of a small-town Midwestern teacher and poet named John Shawnessy, who, in his younger days before his service as a Union soldier in the Civil War, met and married a beautiful Southern belle; however, her emotional instability leads to the destruction of their marriage.
[3] La Metro-Goldwyn-Mayer, dans l’espoir de renouveler le triomphe d’Autant en emporte le vent, avait acheté les droits du best-seller de 1 100 pages de Ross Lockridge Jr., Raintree County, écrit en 1948.
[4] “They say in Raintree County, there’s a tree, high with blossoms of gold, and you will find the raintree, the state of mind…or a dream…to in fall…”
[5] Suzanna: “Un arbre à pluie d’or? ..Et qu’arrive-t’il si on le trouve?”
[6] John: “Il ouvre toutes les serrures et guérit toutes les blessures?
[7] Suzanna: “J’ai longtemps cherché un arbre de la sorte?
[8] Jenny Do, «Đường Khuynh Diệp”, Viet Tribune, 3,2008; «Đường Khuynh Diệp”, Jennydando.blogspot.com [2008].  Phần trích dẫn ghi [ĐKD, Phần…]
[9] Autobiography.  Memoir. Journal
[10] Độ chừng 15 trên khoảng 3 trăm loại khuynh diệp khác nhau từng được dùng làm dược thảo.  Chất dầu khuynh diệp ép từ vỏ và lá có khả năng chữa được nhiều căn bệnh như cảm cúm, ho hen, khó thở, xưng cuống phổi, viêm mũi, bệnh tiểu đường, và cả các bệnh ngoài gia, nấm da v.v.  Dầu khuynh diệp được dùng vào việc nắn bóp cơ thể, xoa dịu bắp gần (massage), hoặc dùng theo cách Aromatherapy hay điều trị bằng hương quý đột nhập cơ thể và tâm não qua khứu giác và vị giác.
[11] Đường Khuynh Diệp 1
[12] Trong lãnh vực đông y, danh từ “Thuốc Bắc” ở Việt Nam dùng để chỉ các loại thuốc dùng cây, lá, rễ, củ, hột, v.v., đã được biến chế do một Đông y sĩ người Trung Quốc khám bịnh và cho toa.  Còn thuốc Nam, tương tự như thuốc Bắc, nhưng do một Đông y sĩ người Việt Nam đảm nhận. Các loại cây lá được biến chế trong thuốc Nam tương đối đơn giản như phơi khô hoặc sấy khô, và cân lượng cũng không có yêu cầu chính xác như một nắm lá khô, một muỗng bột rễ cây,… thay vì một chỉ, ba ly,… như ở thuốc Bắc.  Người được chẩn bịnh sau khi nhận thuốc xong, mang về nấu trong một cái nồi đất với (thông thường) ba chén nước và đun sôi. Khi nước “xắc” lại còn tám phân, bịnh nhân “chắt” nước ra, để nguội và uống. Một thang thuốc có thể uống được nhiều lần, thường là hai lần. Thuốc dân tộc chỉ được dân miền Nam nghe đến kể từ sau 30 tháng tư năm 1975 do miền Bắc xâm nhập vào. Thuốc dân tộc không cần có Đông y sĩ chẩn mạch như thuốc Bắc và thuốc Nam. (Mai Thanh Truyết).
[13] Lucien Dallenbach, Le récit spéculaire: essai sur la mise en abyme, Paris, Seuil, 1977.
[14] André Gide, Journal, 1889-1933, Paris, Gallimard, 1955, trang 41.
[15] “Killing Fields”


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire