Huỳnh Quốc Bình
LTG: Sau
khi giới truyền thông loan tin ca nhạc sĩ đấu tranh chống cộng- Việt
Dzũng đã lìa trần thì lập tức người ta thấy có nhiều bài viết bày tỏ
lòng tiếc thương anh… Rồi người ta cũng thấy có bài viết hay những loại
“phát biểu” thật lạc điệu. Nó lạc điệu là vì cho dù người
dễ tính cũng dễ dàng nhận ra chân tướng và xuất xứ của nó. Bọn VC và đám
tay sai tìm cách khai thác sự ra đi của Việt Dzũng cho mục tiêu tuyên
truyền bằng loại “lưỡi gỗ” của chúng; còn người Quốc Gia chân chính nhắc
đến Việt Dzũng bằng tất cả sự mến phục, tiếc thương.
Người
viết bài này cũng xin được viết đôi lời tiếc thương người bạn cùng
chiến tuyến chống cộng. Dù muộn màng nhưng người viết cũng xin cùng mọi
người chia sẻ sự mất mát to lớn này với gia đình Việt Dzũng, với cộng
đồng chống cộng và bằng hữu… trước sự ra đi của anh. (HQB)
***
Tôi
bắt đầu biết đến danh của ca nhạc sĩ Việt Dzũng vào đầu năm 1982 khi
tận mắt chứng kiến một người trẻ tuổi hơn mình đang chống nạng gỗ, ôm
đàn và hát những bài đấu tranh rực lửa trong ngày cộng đồng người Việt
Quốc Gia miền Bắc California tổ chức xuống đường tranh đấu “Ủng Hộ Tinh
Thần Võ Đại Tôn” khi người chiến sĩ kiên cường ngày đã xổng lưng “tát
vào mặt” nhà cầm quyền VC qua lời tuyên bố trong cuộc họp báo quốc tế do
chính bọn chúng tổ chức tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982: “Tôi
không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì
lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân
tộc. Tôi sẵn sàng nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ cộng sản dành cho
tôi…”
Tôi
nhắc đến lời khẳng khái của Chiến Sĩ Võ Đại Tôn chỉ để muốn nói rằng,
lời nói ấy và những hành động dấn thân của những ai dám rời bỏ nơi êm ấm
để trở về quốc nội chiến đấu hay hết lòng vì công cuộc đấu tranh chống
cộng.. đã ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần tranh đấu của Việt Dzũng, của
tôi và nhiều người trẻ khác trong thời đó và suốt hơn ba Thập Niên qua.
Điều này tôi không nói thay Việt Dzũng, bởi chính anh đã bộc lộ bằng
lời nói trước mỗi bài hát của anh ngày hôm đó.
Viết
về tinh thần đấu tranh chống cộng và sự đa tài của Việt Dzũng trong lúc
này chẳng khác nào làm công việc “chở củi về rừng”. Dù vậy, trong bài
viết vội này tôi chỉ muốn góp thêm vài dữ kiện, về kỷ niệm mà tôi có với
anh.
Thân tình:Dù
tên tuổi anh thật “lừng lẫy” nhưng anh rất thân tình với mọi người.
Khoảng năm 1993 tôi cùng chú em họ, người mới đến Hoa Kỳ, cùng đồng bào
Bắc California biểu tình tranh đấu cho quyền làm người tại Việt Nam. Gặp
Việt Dzũng, tôi hướng dẫn chú em họ tôi đến chào anh. Dù anh đang bận
rộn, dù bao người chờ đợi bắt tay anh, nhưng anh cũng thân mật bắt tay
chú ấy và lập tức “tuyên vận” bằng một câu nói hết sức thân tình, đại ý
như sau: “Anh
hân hạnh biết em và xin chúc mừng em đến xứ tự do. Em hãy cố gắng học,
siêng năng làm việc, nhớ cùng các anh và đồng bào tranh đấu cho Việt Nam
sớm được tự do, nhé em…”
Khiêm nhường:Dù
Việt Dzũng là người đa tài, nổi tiếng khắp năm Châu, dù tuổi của anh
không nhỏ hơn tôi nhiều lắm nhưng lúc nào anh cũng gọi tôi bằng “Anh
Bình” và xưng em với tôi một cách “ngọt lịm”. Điều này đối với người
khác có thể không có gì gọi là quá đặc biệt, nhưng đối với người viết
thì nó đặc biệt, bởi Việt Dzũng không giống một số người. Có đứa “hỉ mũi còn chưa sạch”, nhưng khi mới vừa được đám đông biết đến là đã tỏ ra kênh kiệu thấy mà… “ứa gan”. Tôi
không gọi Việt Dzũng theo cách xã giao thông thường, nhưng thân tình
gọi anh là “bạn” để đáp lại tình thân mà anh dành cho tôi.
Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đến Oregon:Đó
là năm 1999, lúc tôi trực tiếp sinh hoạt trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng
Việt Nam Oregon. Trong một buổi tổ chức đấu tranh chống cộng, tôi thay
mặt cộng đồng mời anh và nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh về hát ủng hộ tinh
thần tranh đấu của đồng bào.
Hình: Việt Dzũng- Nguyệt Ánh – Quốc Hận 30-4 tại Oregon năm 1999
Khôi hài, vui tính: Sau
buổi tổ chức, một số anh em trong Hội Hoạ Sĩ tại Oregon có tổ chức buổi
ăn chiều để thiết đãi ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và Việt Dzũng, để nói lời
cảm ơn anh chị đã bỏ thì giờ quý báu lên vùng Oregon lạnh lẽo, “mưa
nhiều hơn nắng”. Trong bữa tiệc thân mật, một hoạ sĩ trẻ (Hố) cao hứng
đề nghị: “Chị Nguyệt Ánh kể
chuyện vui cho anh em nghe và nhân tiện tặng anh Bình luôn, để anh ấy
biết rằng Việt Dzũng và bà chị Nguyệt Ánh ngoài tài sáng tác và ca hát
nhạc đấu tranh, còn có thêm biệt tài kể truyện tiếu lâm, mắng chế độ VC
không hay không… lấy tiền”. Cả bàn vỗ tay tán thưởng. Chị Nguyệt Ánh lên tiếng: “Việt Dzũng nên kể cho anh Bình và mấy anh em cùng nghe, chứ chị không dám qua mặt Việt Dzũng về tài kể truyện đâu…”. Truyện
Việt Dzũng kể tôi nghe vừa dí dỏm, vừa sâu sắc, nói lên được tính ngu
dốt nhưng hay làm phách của đám lãnh đạo VC. Cả bàn tiệc có dịp cười lăn
bởi tài kể truyện của Việt Dzũng.
Hình: Việt Dzũng qua nét vẻ của Hố
Có những điều ít ai biết: Tôi
có người bạn chuyên về truyền thông và âm nhạc, kể cho tôi nghe thêm
công lao của Việt Dzũng về mặt ngoại vận hay quốc tế vận, nhưng điều này
ít thấy ai đề cập đến… Việt
Dzũng đã sử dụng tài sáng tác và ca hát để kết thân và thuyết phục được
một nữ ca sĩ phản chiến Hoa Kỳ- Joan Baez, quay 180 độ để lên án tội ác
VC. Thời chiến tranh Việt Nam, nói đến chuyện “phản
chiến” thì không thể không nhắc đến nữ tài tử điện ảnh Hoa Kỳ- Jean
Fonda. Chị này nỗi tiếng là nhờ đóng phim lõa lồ và hành vi phản bội
những người chiến binh Hoa Kỳ đang chiến đấu cho hòa bình thế giới tại
Việt Nam. Nếu so sánh về sự nỗi tiếng giữa hai người, một nỗi tiếng về
tài sáng tác và ca hát, một “nỗi tiếng” nhờ tài “phản bội” và “lõa lồ”…
Thì chắc chắc ca nhạc sĩ Joan Baez đáng cho người ta chú ý hơn.
Hình: Joan Baez – 1963
Mới
đây tôi có dịp đọc được bài viết “Thương tiếc nhạc sĩ, ca sĩ Việt
Dzũng” của tác giả Sơn Hà, tôi mới biết rõ ràng hơn. Có một đoạn tác giả
Sơn Hà viết về Việt Dzũng như sau: “Một
loạt các bài hát về thuyền nhân được anh sáng tác trong giai đoạn này
đã lay động tâm cang nhiều người, trong đó có ca nhạc sĩ Joan Baez, một
người nổi tiếng của phong trào phản chiến của Mỹ, chống lại chiến tranh
Việt Nam. Tháng Năm – 1979, Joan Baez đã tố cáo Việt cộng trên 4 tờ báo
lớn nhất của Hoa Kỳ rằng, “cộng sản Việt Nam là thủ phạm làm nên những
cơn ác mộng”. Việt Dzũng đã cùng với Joan Baez hát chung
nhiều lần ở các trường đại học vùng Trung Nam Hoa Kỳ. Thời gian này, các
chiến dịch cứu người vượt biển của Liên Hiệp Quốc và của nhiều quốc gia
tự do hoạt động rất tích cực trong công tác cứu thuyền nhân trên biển
Ðông…”
Lần cuối bắt tay anh: Năm
2009, tôi cùng với ông Lê Hồng Long, tức nhà báo Hồng Phúc, chủ nhiệm
kiêm chủ bút Tạp Chí Thế Giới Ngày Nay về Nam California để tham dự ba
cuộc hội luận chính trị trên diễn đàn “nhìn về Việt Nam” với nhà văn
Trần Phong Vũ, do Nhà Báo Võ Long Triều thực hiện trên đài SBTN. Chúng
tôi đã mạnh dạn tố cáo những kẻ “Ban ngày hô hào chống cộng, nhưng đêm
về lại chăn gối với kẻ thù”. Tôi và nhà báo Hồng Phúc có dịp gặp lại
Việt Dzũng và cùng ăn bữa cơm tối thân mật với anh. Đó cũng là lần sau
cùng tôi có dịp bắt tay anh. Chúng tôi trao đổi nhiều đề tài, nhưng đặc
biệt về truyền thanh. Anh đề nghị cá nhân tôi và nhà báo Hồng Phúc nên
thực hiện một đài phát thanh để làm phương tiện chống cộng, nhưng anh
cũng dặn dò thêm: “Nếu chú
Long và anh Bình muốn ra một đài phát thanh thì nên chờ thêm thời gian
ngắn, bởi kỹ thuật phát thanh hiện nay đang có nhiều thay đổi…”.
Được biết, Việt Dzũng gọi nhà báo Hồng Phúc bằng “chú”, bởi nghe đâu nhà
báo Hồng Phúc và thân phụ Việt Dzũng là Bác Sĩ Bảy từng là bạn thân hồi
còn ở Việt Nam.
Đang
ngồi ăn uống, truyện trò, Việt Dzũng ăn ít mà tâm tình thì nhiều; lúc
ấy có người gọi anh. Nghe những gì anh nói với người bên kia đầu dây: “Anh vẫn còn nói chuyện với Chú Long và anh Bình. Em hãy chờ anh về ăn tối, khoảng 30 phút nữa anh sẽ về tới nhà…” Tôi hỏi đùa: “Ai mà bạn nói chuyện nghe tình tứ quá vậy?” Và Việt Dzũng trả lời: “Dạ, đó là Nhà Em”.
Lần đó tôi mới viết Việt Dzũng đã lập gia đình. Được biết hiền thê của
anh là một nhiếp ảnh gia, rất ủng hộ việc làm của anh, nhất là những gì
liên quan đến đấu tranh chống cộng. Tôi và nhà báo Hồng Phúc bắt tay tạm
biệt, để “trả anh về với vợ”. Đó là lần cuối tôi có dịp bắt tay anh.
Tuần
trước, một người bạn thân của tôi mà cũng là bạn thân của Việt Dzũng
gọi báo cho tôi biết “Việt Dzũng đã qua đời”, và anh còn nói thêm: “Ai có thể không viết về Việt Dzũng, chứ còn ông dù có bận, dù ở đâu cũng phải viết vài điều về anh ấy.”
Tôi
đang hồi tưởng lại vài kỷ niệm mà tôi có được với Việt Dzũng. Tuy kỷ
niệm không nhiều, không khắng khít như người chị kết nghĩa của anh là nữ
ca nhạc sĩ đấu tranh Nguyệt Ánh, hay nhà báo Huỳnh Lương Thiện hoặc
cùng với quý anh chị em trong Đoàn Văn Nghệ Hưng Ca… Nhưng tôi muốn ghi
lại để chào vĩnh biệt người bạn đấu tranh chống cộng, chốn trần gian tạm
bợ này.
Thiết
nghĩ, tôi không cần phải cầu nguyện cho linh hồn anh vào chốn vĩnh
hằng, bởi tôi tin rằng Thiên Chúa đã dành cho anh một chỗ trên Nước
Thiên Đàng. Tôi chỉ cần cầu nguyện xin Thiên Chúa xót thương, an ủi chị
Việt Dzũng và những người thân yêu của anh, đang đau buồn, thương tiếc
trước sự ra đi của anh. Khi viết những lời này tôi đã căn
cứ vào lời khuyến cáo của Kinh Thánh rằng Nước Thiên Đàng không dành cho
những kẻ có nhiều tội mà trong các tội đó có tội “dối trá” và “hèn
nhát” (Khải Huyền 21:8)
Ngày
nay, nếu có ai nhớ đến Việt Dzũng qua truyền thanh, truyền hình về biệt
tài của anh thì chắc chắn khó ai quên về những cá tính của anh, mà tác giả Sơn Hà đã nhắc đến: “Cuộc
đời cứ trôi qua, Việt Dzũng vẫn cứ yêu đời và yêu người mà các văn nghệ
sĩ, gặp ai cũng nói, Việt Dzũng là người hiền hậu vui tính, yêu đời và
lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác…”
Xin
chào “tạm biệt” Việt Dzũng, người bạn đấu tranh chống cộng không mệt
mỏi. Anh hãy ngủ yên, vì tên anh vẫn sống trong tim nhiều người.
Huỳnh Quốc Bình
*
* *
* *
Việt Dzũng Tên Anh Vẫn Sống Trong Tim Nhiều Người Huỳnh Quốc Bình - Cát Bụi trình bày
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire