lundi 12 septembre 2016

Chống cộng thật,hay… chỉ đùa cho vui?-Người Việt Thầm Lặng


Chống cộng thật,hay… chỉ đùa cho vui?-Người Việt Thầm Lặng-Hạt Sương Khuya đọc

Người Việt Thầm Lặng – Chống cộng thật, hay… chỉ đùa cho vui?


Một căn nhà, người nhìn phía trước nói rằng đẹp, người nhìn phía sau nói không đẹp. Cả hai người đều nói lên sự thật, thấy sao nói vậy. Giả như hai người này cãi nhau um sùm và đi đến đánh đấm lẫn nhau chỉ vì người nào cũng muốn người kia phải nhìn nhận về căn nhà giống như mình thì đúng là… tâm lý hai người này có vấn đề!
Bất kỳ ai cũng có lúc thế này lúc thế kia, tốt nhiều với người này tốt ít với người kia, khi làm nghề này lúc làm nghề khác, v.v… đó là chuyện thường. Kẻ được người đó ưu đãi thì nói người ấy tốt, còn kẻ bị bạc đãi thì nói người ấy xấu. Nhận thức khác nhau giữa người này với người kia, thậm chí mâu thuẫn hay ngược lại nhau về cùng một người là chuyện hết sức bình thường. Do đó, không phải vì khác nhau, mâu thuẫn nhau hay nghịch lại nhau mà có thể kết luận rằng nếu nhận thức này đúng thì nhận thức kia phải sai.
Cũng vậy, đối với một sự việc, một biến cố, một nhân vật hay một triều đại trong lịch sử, mỗi người đều nhìn từ vị trí của mình, nghĩa là từ nhiều góc độ khác nhau, đương nhiên mỗi người nhận định mỗi khác, chẳng mấy ai giống nhau. Cãi nhau chí chóe, thậm chí chửi nhau, mạt sát nhau chỉ vì nhận định khác nhau và muốn người khác cũng phải nhìn nhận sự việc giống như mình thì… có khác gì hai người trong câu chuyện căn nhà ở trên.
Qua những email qua lại trên các diễn đàn Internet, ta thấy trong hàng ngũ đấu tranh chống cộng hiện nay đang xảy ra những chuyện tương tự đe dọa sự đoàn kết trong tập thể đấu tranh chống cộng. Chẳng hạn đối với nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đó là thời Việt Nam rất hưng thịnh so với những nước chung quanh, và Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một người lãnh đạo tốt, thật sự yêu nước. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng ông là một nhà độc tài, đàn áp Phật giáo, v.v… Hay đối với việc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, nhiều người tôn vinh ông như một vị bồ tát xả thân vì đạo pháp, vì công lý, chính nghĩa. Nhưng cũng có những người cho việc tự thiêu đó là có bàn tay của cộng sản… Còn rất nhiều chuyện tương tự: cùng một sự việc, cùng một con người, nhưng kẻ bênh người chống, người thì hoan hô, ủng hộ, kẻ thì đả đảo, miệt thị… Ai cũng đều thấy mình có lý, và cho lẽ phải ở về phía mình.
Điều đáng buồn là những người nhìn sự việc cách khác nhau và trái ngược nhau ấy lại đánh phá, mạt sát nhau, tạo nên tình trạng chia rẽ giữa hàng ngũ đấu tranh chống cộng lúc này đang cần đoàn kết hơn bao giờ hết (*).
Chuyện đoàn kết, đối với người Việt, sao khó quá đi mất!? Còn chuyện chia rẽ, sao lại dễ dàng đến thế!? Quả là khó hiểu! Chỉ cần một lý do cỏn con cũng đủ làm người ta chia rẽ nhau, không liên kết được với nhau. Chẳng hạn khi ông A, bà B không ưa nhau, chống nhau và coi nhau như kẻ thù, thì ai chơi thân với ông A hoặc đồng quan điểm với ông A là cũng bị bà B thù ghét, hay ít ra không thể giao tiếp hay liên kết được. Thái độ của ông A cũng chẳng khác gì bà B đối với những ai thân thiết hay đồng lập trường với bà B. Dễ ghét nhau, dễ nghĩ không tốt cho nhau như thế thì khó đoàn kết là phải rồi? Thái độ này sao giống cộng sản quá!
Có những người lúc nào cũng tỏ ra quyết chí lật đổ chế độ cộng sản, phải tiêu diệt cộng sản với bất cứ giá nào, ai lừng khừng, không tỏ thái độ dứt khoát như họ đối với cộng sản liền bị họ chụp mũ thân cộng, muốn hòa hợp hòa giải với cộng sản, và bị họ tẩy chay, coi là kẻ thù, là kẻ không cùng chiến tuyến với họ. Cứ như thế làm sao đoàn kết được?
Cha ông ta có câu: “Đóng thuyền mà không xẻ ván”. Tổ tiên người Mỹ cũng có câu: “You can’t make bricks without straw” (Bạn không thể làm gạch mà không cần rơm) (**). Những câu ấy có ý nói đến những người muốn làm một việc mà không chịu sử dụng những phương tiện cần thiết để làm việc ấy. Chúng ta phải nói thế nào về người muốn đóng thuyền mà không chịu xẻ ván? Muốn viết mà không chịu cầm bút? Muốn mua xe đắt tiền mà không chịu bỏ tiền ra mua? Có thật là họ muốn như thế không, hay chỉ nói thế mà không phải thế?
Cũng vậy, chúng ta phải nói thế nào về những người muốn lật đổ cộng sản nhưng lại không cần đến lực lượng? Hoặc muốn có lực lượng mà không chịu liên kết với ai? Hay phải nói thế nào về những người chỉ chấp nhận liên kết với những ai cùng chống cộng theo cách của họ? Cùng chống cộng theo cách của họ được bao nhiêu người? Bấy nhiêu người đã đủ mạnh để lật đổ cộng sản chưa? Quyết lật đổ cộng sản mà sao lại cứ làm cho lực lượng của mình ngày càng ít người đi? – Có phải họ nói chống cộng chỉ là để đùa cho vui chăng?
Phải chăng họ nghĩ rằng chỉ cần một nhóm nhỏ quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản, chỉ cần chửi cộng sản hết cỡ như họ là chế độ ấy sẽ sụp đổ, không cần phải liên kết với ai để có sức mạnh? Họ có khác gì kẻ muốn ra trận, muốn chiến thắng, nhưng lại không thèm mang võ khí theo? Có thật là họ muốn chiến đấu và chiến thắng không, hay chỉ nói giỡn chơi cho vui cửa vui nhà?
Những kẻ thường gây chia rẽ, thích hạ uy tín những người cùng chiến tuyến, không tìm cách liên kết với những người cùng chí hướng, họ có chống cộng thật không? Những kẻ chuyên chụp mũ những người có quan điểm chống cộng khác với mình là “chống cộng cuội”, là thân cộng, là cộng sản nằm vùng… họ là ai? Nếu thật sự chống cộng thì đâu có thái độ như thế được?!
Trong lịch sử Việt đã có những bài học hết sức thâm thúy và đặc sắc về việc liên kết chống giặc. Chẳng hạn chuyện Đức Trần Hưng Đạo. Ông có mối thù không đội trời chung với Trần Thủ Độ vì ông này đã ép vua Thái Tông cướp mẹ mình là Công chúa Thuận Thiên làm vợ, lại còn muốn giết cha mình là Trần Liễu. Nhưng khi giặc Nguyên tới, trước hiểm họa chung của đất nước, ông đã dẹp bỏ mối thù (mà cha ông trước khi chết đã trăn trối cho ông phải trả) để liên kết với chính kẻ thù của mình là Trần Thủ Độ cùng chống giặc. Qua sự việc đó, chúng ta mới chắc chắn Trần Hưng Đạo là người thật sự yêu nước, thật sự muốn chống giặc. Nếu ông không chấp nhận liên với kẻ thù riêng để chống kẻ thù chung thì ngày nay chúng ta đâu suy tôn ông là anh hùng dân tộc, là người sẵn sàng quên mình vì đất nước?
Có tấm gương sáng và bài học quý giá như thế về liên kết, tại sao ta không áp dụng vào cuộc đấu tranh hiện nay? Nhất là khi dân tộc mình đang bên bờ vực thẳm có thể bị Trung Quốc biến thành một quận huyện của chúng với sự tiếp tay của bè lũ CSVN như hiện nay? Trước tình trạng điêu linh của đất nước với thù trong lẫn giặc ngoài, tại sao ta lại không noi gương cha ông mình, sẵn sàng dẹp bỏ những hận thù riêng tư, những bực tức nhỏ nhoi, những bất đồng quan điểm để liên kết lại với nhau thành sức mạnh? Hay chúng ta đã quên mất lịch sử oai hùng của dân tộc mình rồi? Hay chúng ta nghĩ rằng không cần sức mạnh, không cần đoàn kết vẫn có thể thắng được Cộng sản, cả Trung cộng lẫn Việt cộng? Chúng ta có phép lạ chăng?
Đang lúc chúng ta cần đoàn kết để chống CSVN và Trung Quốc, đang lúc nước nhà điêu linh đến tột cùng, thế mà chúng ta lại đi chống nhau chỉ vì không đồng quan điểm về một vài nhân vật lịch sử đã thuộc về quá khứ! Cộng sản chỉ mong chúng ta làm như vậy và đã tìm cách để xui giục chúng ta làm như vậy!
Qua những thông tin trên mạng Internet, chúng ta biết các tôn giáo ở trong nước đang liên kết lại với nhau để cùng đấu tranh. Nhưng các tôn giáo ở hải ngoại thì…
Dường như qua sự kiện kỷ niệm 50 năm nền Đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ, và kỷ niệm 50 năm HT Thích Quảng Đức tự thiêu, bọn cộng sản nằm vùng đang tìm cách “đâm bị thóc, thọc bị gạo”, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, làm cho các tôn giáo nghi ngờ hận thù nhau? Chúng đang kích động lòng yêu tôn giáo mình nơi các tín đồ đạo này để chống lại những tín đồ đạo khác. Muốn thế, chúng cố tìm cách chứng minh tôn giáo này đã hay đang làm hại tôn giáo kia. Liệu các tôn giáo ở hải ngoại có nhận thức được âm mưu của bọn cộng sản nằm vùng này không? Có tránh được cạm bẫy của chúng để cùng liên kết với nhau như những tôn giáo trong nước không?
Trước những nhân vật lịch sử, những biến cố lịch sử, mỗi người đều có quyền nhận định, đánh giá, hoặc yêu ghét tùy theo cách mỗi người tiếp cận với những sự việc ấy. Chắc chắn nhận thức của mỗi người phải khác nhau, có khi ngược hẳn nhau… Nhưng đừng vì quan điểm khác biệt nhau hay vì nhận thức trái ngược nhau mà chúng ta lại kèn cựa nhau, chê bai đả kích nhau, để rồi không liên kết được với nhau.
Thiết tưởng về những nhân vật lịch sử, những biến cố lịch sử, chúng ta mới chỉ có được những cái nhìn manh mún, vụn vặt, thấy mặt này mà không thấy được mặt kia, chưa đủ dữ liệu và chưa đứng xa đủ để có thể nhìn sự việc một cách tổng thể. Vì thế việc phán quyết những nhân vật lịch sử có công hay có tội ngoài khả năng của chúng ta mà cũng chưa phải là việc của chúng ta. Hãy nhường việc phán quyết ấy cho lịch sử. Lịch sử sau này sẽ nhận định và phê phán một cách trung thực hơn, khách quan hơn… Tranh luận hơn thua về phương diện này chẳng khác gì hai kẻ trọc đầu giành nhau cái lược… Kẻ không giành được thì bực bội, mà người giành được cũng chẳng lợi lộc gì. Có điều cả hai đều bị u đầu sứt trán và làm cớ cho những người hiểu biết chê cười! Kẻ có lợi là kẻ quăng cái lược vào cho hai người tranh giành, đánh lộn nhau!
Trước tình trạng nguy khốn hiện nay của đất nước, chúng ta dù trong hay ngoài nước, hãy tập trung vào việc đoàn kết để cứu nước! Hãy bắt chước Đức Trần Hưng Đạo dẹp bỏ mọi hận thù riêng tư, mọi dị biệt trong quan điểm để cùng ngồi lại với nhau, cùng làm chung với nhau những việc mà chúng ta vẫn làm thay vì làm riêng rẽ mạnh ai nấy làm.
Tuyệt đối không chửi nhau, không đánh phá nhau, không làm gì gây chia rẽ, gây mất hòa khí. Vì cái hại gây ra do chia rẽ luôn luôn lớn gấp bội cái hại do sự khác biệt nhau, hay do những lầm lỗi vì nhận thức chưa đúng của những người cùng chiến tuyến với mình.
Có như thế chúng ta mới là người thật sự yêu nước, thật sự chống cộng! Bằng không, việc yêu nước hay chống cộng của chúng ta chỉ là… đùa giỡn cho vui vậy thôi!
Người Việt Thầm Lặng
___________________
(*) Quan niệm “chân lý chỉ có một” hay “sự vật chỉ có một mặt” khiến người nào nghĩ mình là đúng bèn cho kẻ nghĩ khác mình là sai. Thực ra câu “chân lý chỉ có một” chỉ đúng cho Chân Lý Tuyệt Đối, là điều không thuộc về thế giới hiện tượng này. Còn thứ chân lý được sử dụng trong ngôn ngữ để diễn tả những thực tại tương đối thì không chỉ có một. Với quan niệm thực tại nhiều mặt và thường thay đổi, thì hai điều ngược lại nhau hay mâu thuẫn nhau vẫn có thể cùng đúng. Khi tờ giấy có mặt trắng mặt đen thì ai nói nó trắng cũng đúng, mà người nói nó đen cũng đâu có sai. Hôm qua người nói vật này là quả trứng, hôm sau người khác lại nói đó là con gà, tuy nói khác hẳn nhau nhưng cả hai đều nói đúng sự thật.
(**) Ngày xưa, khi chưa biết làm gạch nung, người ta làm gạch bằng đất sét trộn với rơm để gạch khó bị bể vụn. Thời xưa làm gạch mà không dùng rơm thì tương tự như thời nay đổ bê-tông mà không dùng cốt thép!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire