vendredi 7 octobre 2022

Thương phế binh VNCH khi cuộc chiến tàn - Thanh Trúc, phóng viên RFA

 Cuộc chiến Việt Nam, chấm dứt ngày 30 tháng Tư 1975, để lại 20.000 thương binh Việt Nam Cộng Hòa với mức độ thương tật nặng nhẹ khác nhau, trong đó số bị tàn phế, cụt tay, cụt chân, bị mù mắt, bị mất sức lao động là từ 3.000 đến 5.000 người.


Những mảnh đời rách nát

Năm 1999, tại Pháp, tuyển tập góp nhặt những bài viết ngắn do các thương phế binh trong nước gởi ra, được  nhà báo Nguyển Văn Huy và bác sĩ Phan Minh Hiển biên soạn lại dưới tựa đề Những Mảnh Đời Rách Nát, là tiếng chuông vang đầu tiên về cuộc đời khốn khổ của thương binh miền Nam ngay sau 30 tháng Tư 75. Dần dà, khi cuộc sống ổn định, những cựu quân nhân và những người dân Việt thoát ra bến bờ tự do bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại trong nước.
Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa rất cần được giúp đỡ vì họ là những người bị bạc đãi, bị phân biệt đối xử và không được hưởng một chế độ phúc lợi nào, là khẳng định của hòa thượng Thích Không Tánh, chùa Liên Trì:
“Phải nói thẳng thương phế binh rất khổ, đã có người phải lê lết đi ban vé số, đi xin ăn... khổ lắm. Thương phế binh ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và mấy vùng sâu rất khổ bởi vì sau 75 thì phần đông người ta phải ẩn lánh ở vùng xa để sống, rất tội nghiệp. Nhà nước không có sự nhân đạo đối với anh em.”

  
Khi mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đưa ra phóng sự này, thì cũng là lúc chương trình Tri Ân Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn bước sang ngày thứ tư:
“Tôi là Lê Hoàng Ngọc Sinh, bị cụt chân phải lên tới đùi. Anh em tụi tôi giờ đây có làm gì được, vợ phải đi bán phụ, hai vợ chồng già mà thôi.
Tôi là Phan Thế Hùng, bị thương vô đùi phải, ở trên Bến Cát, Bình Dương lận, đang ngồi ở Dòng Chúa Cứu Thế. Thương phế binh qui tụ về nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế này đông lắm. Không thể nào diễn tả hết cảm xúc của tụi tôi được, hoàn cảnh ở Việt Nam tất nhiên rất khó khăn, từ 75 đến giờ hiện tại tôi vẫn đi làm mướn và đang ở nhà thuê nữa . Con nó làm chỉ đủăn ăn làm sao nó giúp cho mình được. Khi được một khoản tiền dù không nhiều nhưng cũng đỡ đần được 10 ngày hoặc nửa tháng thì rất là quí tấm lòng, tấm chân tình hải ngoại gởi về để giúp đỡ cho anh em thương phế binh. Chúng tôi chân thành cám ơn.
Tôi là Nguyễn Văn Vinh, bị cụt chân phải và vết thương bên cẳng trái nữa, giờ đang ở Dòng Chúa Cứu Thế, nói chuyện với anh em bạn già cũng là linh ngày xưa đây. Ngồi để 2 giờ là lãnh quà, lần trước thì Dòng Chúa Cứu Thế đã giúp đỗ cho một cái xe lắc để đi bán vé số, nay được Dòng Chúa Cứu Thế báo tin c1o quà vậy thì cũng rất mừng, phấn khởi lắm, cũng có được xoay sở qua ngày.”
Đây là dịp tri ân bắt đầu từ ngày 28 tháng Mười Hai, đến ngày 6 tháng Giêng 2016, mỗi ngày tặng quà ủy lạo cho hai trăm hoặc hơn hai trăm thương phế binh khắp nơi đổ về. Linh mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người tích cực tổ chức ngày Trai Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế:
“Cái này là tất cả sự đóng góp của những người hảo tâm, Công Giáo cũng như không Công Giáo, trong cũng như ngoài nước. Thậm chí một người nước ngoài, có vợ là Việt Nam, biết chương trình này và chính ông về Việt Nam giúp, Chúng tôi chỉ có điều kiện tổ chức chứ không có tiền.”
 
 

Tưởng cần nhắc trước khi chương trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế từ 2013, thì mấy năm trước đã có những cuộc ủy lạo tại chùa Liên Trì. Lời hòa thượng Thích Không Tánh:
“Ngay từ những năm xưa, trước khi mời anh em về chùa Liên Trì để phát quà thì tôi có ra ngoài Quảng Trị, vùng xa xôi mà tôi đi cứu trợ bão lụt đó. Ra ngoài đó nhiều anh em thương phế binh họ khổ quá họ cũng đến xin cứu trợ. Bấy giờ tôi đặc biệt dành riêng một số để cứu trợ anh em ở Quảng trị với Thừa Thiên.
Sau đó, khi có một số ân nhân giúp đỡ thì tôi dùng cái quĩ cho bão lụt là tôi giúp hết cho thương phế binh. Tiếp đến, nhờ một số mạnh thường quân khác thì tôi mời về chùa Liên Trì, lúc đó giúp khoảng chừng hai ba trăm anh em ở vùng Sài Gòn. Sau đó cũng giúp cho anh em một số các vùng phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh miền Tây nữa. Sau thì số anh em thương phế binh họ đông quá, cũng nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển bên Pháp yểm trợ về thì chúng tôi cố gắng làm nhưng gặp rất nhiều khó khăn.”
Tiếp lời hòa thượng Thích Không Tánh, linh mục Đinh Hữu Thoại:
“Do những khó khăn, nhất là công an họ ngăn cản không cho thương phế binh vô chùa. Lúc tổ chức thì họ xen vào giữa họ quậy phá cho nên năm 2013 thầy Thích Không Tánh mới nhờ Dòng Chúa Cứu Thế cho mượn cơ sở để tổ chức. Thành ra lần đầu tiên Dòng Chúa Cứu Thế biết đến thương phế binh là do tổ chức giùm cho thầy Không Tánh và từ đó chúng tôi mới bắt đầu làm riêng.”

3.000 thương phế binh cần giúp đỡ

Từ hơn 230 thương phế binh ghi danh tham dự lúc đầu, con số tăng dần lên thành 3.000 tính đến lúc này. Đó là lý do khiến kỳ tri ân này Dòng Chúa Cứu Thế không thể tổ chức trong một ngày với từng ấy người mà phải chia ra thành 10 ngày, mỗi ngày 2 đợt, mỗi đợt 100 người buổi sáng và 100 người buổi chiều.
Được ủy lạo và nhận quà là đa số thương binh với mức độ tàn phế cấp ba, coi như mất tay mất chân, mất sức lao động,, di chuyển khó khăn, có người bị mù, có thương binh thậm chí cần người khác theo giúp. Từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nơi đang diễn ra những buổi tặng quà cho thương phế binh ăn Tết năm nay, ông Huỳnh Công Thuận, nói rằng giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa là một trách nhiệm:
“Tôi, cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tình nguyện viên của chương trình Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là chương trình đã thực hiện từ năm 2013 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Đợt này gần tới 3.000 người, trung bình một ngày 250 người, dự kiến 6 tây sẽ chấm dứt. Quà đã lo đầy đủ cho 3.000 người rồi. ngoài tiền tri ân cuối năm riêng mỗi người là một triệu đồng, chúng tôi lo cả chi phí đi đường luôn, chẳng hạn gần thì khoảng 200.000 hay 300.000, xa nhất như Quảng Trị, Đà Nẵng thì phải là 800.000 tiền xe, bảo đảm là 3.000 thương phế binh phải có đầy đủ. Anh em không đến đây vẫn có phần quà gởi tới nơi, anh em bị công an làm khó dễ chận đi không được hoặc binh hoạn đau yếu đi không được ở đây vẫn lo chu toàn cái chuyện đó.
Có rất nhiều trở ngại khó khăn từ nhiều phía, nhất là phía chính quyền, ngày giờ đến thì công an không cho đi, bắt làm cam kết này nọ, trong khi anh em mình đã bốn mươi mấy năm rồi, tàn tật, đui, què mù... còn gì đâu mà làm khó dễ! Chương trình của Dòng Chúa Cứu Thế chỉ dành cho thương phế binh loại năng, chứ còn loại nhẹ như loại một loại hai thì không thể lo nỗi hết.”
Khó khăn từ nhiều phía cũng là lý do mà Dòng Chúa Cứu Thế phải chia ra thành 10 ngày để tổ chức buổi tri ân năm nay thay vì một ngày như trước:
“Nói về thương phế binh người ta đã cụt chân cụt tay mà vẫn bắt đi học tập, đi lao động rồi phải đi kinh tế mới. Một mình đã không sống được mà cả con cái cũng không đi làm việc được. Nhà nước cộng sản không công nhận những người có lý lịch dính tới Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng Bảy năm 2013 danh sách đầu tiên là không tới 200 người. Lúc mình thông báo thì số người nghe và tới trong ngày đó là 250. Tới ngày 28 thang Tư năm 2014 thì con số vượt lên gần 600 người, đó là lần thứ hai.”
Sang đến năm 2014 Dòng Chúa Cứu Thế xúc tiến nhiều chương trình cứu trợ khác ngoài sự trợ giúp vật chất cho thương binh:
“Chẳng hạn tổ chức khám bịnh cho anh em, danh sách mỗi đợt từ 150 đến 200 người. Nếu anh em có bịnh ở đây tiếp tục đồng hành, nghĩa là trợ giúp tới lành luôn. Từ bịnh mắt tới cấp kiến, bịnh tin bịnh phổi, đo huyết áp do bác sĩ chỉ định, liên tục khám một lần 150 tới 200 người.”


  
Sau 6 đợt khám sức khỏe, đến lần thứ 7 hồi tháng Bảy 2015 với danh sách 152 người, phải hoãn lại vì một lý do ngoài ý muốn. Để có thể tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho các thương phế binh, các linh mục thuộc Phòng Công Lý Hòa Bình trong Dòng Chúa Cứu Thế như linh mục Thoại, linh mục Thanh cũng như các tình nguyện viên như ông Huỳnh Công Thuận phải thay đổi lịch trình làm việc:
“Thay vì một lần 150 người như vậy thì phòng Công Lý và Hòa Bình lo việc thương phế binh tổ chức một tuần khoảng 20, 30 người, cuối cùng một tuần 50 người. Cứ liên tục mỗi tuần thành ra con số anh em được khám bịnh cũng vượt trên 2.000 người rồi.”
Đó là chưa nói đến những chương trình trợ giúp khác của Dòng Chúa Cứu Thế như xe lăn, xe lắc, nạng hay gậy cho người bị thương tật. Tất cả những chương trình này, ông Huỳnh Công Thuận cho biết tiếp, gần như được nhiều sự đồng tình ủng hộ của người bên Lương cũng như người bên Giáo ở trong và ở ngoài nước:
“Chưa nói là những anh em mà nhà cửa khó khăn, nghèo quá mà không có điều kiện sinh sống, thì chúng tôi cho người đến xem xét và cất nhà, sửa nhà cho anh em nữa, là mấy chục căn nhà rồi. Tôi chỉ cùng anh em ở đây duyệt hồ sơ xem anh em đúng thật là thương phế binh hay không.”
Linh mục Phạm Trung Thành, nguyên giám tĩnh Tỉnh Giòng Dòng Chúa Cứu Thế, người hết lòng ủng hộ chương trình tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa từ những ngày đầu. Họ xứng đáng được tuyên dương, linh mục Phạm Trung Thành bày tỏ, vì đã hy sinh tuổi thanh xuân cũng như một phần thân thể của mình cho đất nước:
“Rất vui mừng vì có dịp để bày tỏ nhận thức của mình về anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nhận thức tôn trọng, nhận thức yêu thương, nhận thức muốn nâng đỡ.
Tri ân ảnh em thương phế binh, phục hồi quyền làm người và nhân phẩm của anh em mà trong nhiều năm qua cách này cách khác đã không được tôn trọng, đã không được đối xử đúng mức của nó. Tôi hiện diện và đóng góp với anh em linh mục nhóm Công Lý Hòa Bình để nâng đỡ và chia sẻ với anh em thương phế binh.”
Được hỏi về sự kiện một nhóm dân biểu Hoa Kỳ hôm 17 tháng Mười Hai gởi thư kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem xét việc có thể dùng các luật lệ hiện hành để tái định cư các Cựu quân nhân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam, nói rằng đây là những chiến sĩ can trường đã sát cánh chiến đấu cùng quân nhân Mỹ nhưng đáng tiếc bị lãng quên trong bóng tối khi chương trình HO được khai triển, linh mục Phạm Trung Thành trả lời rằng ông thật sự vui mừng vì sau rốt người thương binh Việt Nam Cộng Hòa được chính giới Hoa Kỳ nghĩ đến, mặt khác ông muốn trình bày ý kiến riêng trong tư cách một người gần gũi và hiểu biết tình cảnh anh em thương phế binh sau 40 năm chống chõi với đời sống nhọc nhằn:
“Có lẽ họ cũng không muốn đi nữa, tưởng tượng bây giờ họ 60, 70 tuổi rồi, mù què rồi, thân thể cũng tàn tạ đi rồi, làm sao mà hội nhập được, họ không thể hội nhập được nữa. Bây giờ có cho đi tôi nghĩ không mấy người đi. Chúng tôi có gặp nhau nói chuyện, họ bảo ‘chúng tôi sang đó làm gì bây giờ, thêm gánh nặng cho chính phủ và thêm gánh nặng cho con cháu, họ hàng, bà con bên đó’.
Nhưng mà ước vọng của họ vẫn là những đứa con đứa cháu của họ được chiếu cố, để được thụ hưởng một nền giáo dục tự do, dân chủ. Họ rất là mong điều đó. Tôi nhắc lại là tôi cảm kích trước sự lên tiếng và những nỗ lực của các vị dân biểu quan tâm chiếu cố đến những người một thời trai trẻ đã hy sinh, đã hiến dâng tuổi trẻ thân xác của mình cho đất nước.”
Được biết thư ngỏ gởi cho ngoại trưởng John Kerry có nêu rõ ý kiến của dân biểu Edward Royce, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Mỹ, dân biểu Alan Lowenthal, dân biểu Chris Smith, dân biểu Zoe Lofgren, dân biểu Gerald Connolly, rằng thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hiện đang sống cảnh nghèo nàn với nhiều vấn đề sức khỏe trong lúc phải đối diện với những sự phân biệt đối xử vì quá khứ phục vụ của họ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm khép lại đây. Với những ngày tri ân và tặng quà cuối năm tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cầu chúc quí thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa một năm mới 2016 ấm áp tình người.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/life-of-wounded-soldiers-when-war-ended-tt-12302015143532.html
2015.12.31




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire