lundi 7 septembre 2015

“Cậu bé ngủ” trên bờ biển và cơn thức tỉnh lương tri - Trần Nhã Thụy

http://l.f32.img.vnecdn.net/2015/09/04/ti-nan-6-1441337426_660x0.jpgHình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria: Aylan Kurdi chết mà như đang nằm ngủ trên  bờ biển ở Bodrum (khu nghỉ dưỡng nổi tiếng phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ) được lan truyền trên mạng như một làn sóng.
Trong những ngày qua, dường như mọi công dân trên thế giới đều phải dừng lại với hình ảnh này. Dừng lại ở ánh mắt. Dừng lại ở nhịp tim. Dừng lại trong suy tưởng. Hình ảnh “cậu bé ngủ” là một minh chứng cho bi kịch của chiến tranh. Hình ảnh như được “sắp đặt” để nhân loại nhìn vào đó.

Hoàn toàn tương phản với những gì đang xảy ra ngoài kia: con thuyền bị đắm, bao nhiêu người gào thét chống chọi với sóng nước; xa hơn nữa là những tiếng thét gào phẫn nộ, đạn bay, nhà cháy. Cháu bé nằm đây, như đang ngủ, úp mặt vào bãi cát hiền hòa. Một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Thế nhưng, hình ảnh đó đã làm cho trái tim tôi như tan nát. Tôi thử đặt mình vào hoàn cảnh đó, nếu như đó là đứa con của mình, thì chắc chắn hình ảnh đó, cái chết đó sẽ ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời.
http://tamsugiadinh.vn/upload/fckeditor/image/thoi-su/05-09-2015/Cau-be-ngu-va-con-thuc-tinh-luon-tri-1.jpg 
Bé Aylan Kurdi chết mà như đang nằm ngủ trên  bờ biển ở Bodrum

Có lẽ, nhiều người cũng mang một trái tim tan nát như tôi. Cho nên trên mạng, tôi thấy thay vì share (chia sẻ) hình cháu bé Aylan, nhiều người đã vẽ thành những bức tranh thật đẹp. Có bức tranh vẽ cậu bé đang nằm ngủ, ngoài kia là con thuyền giấy, và trên mặt biển trăng tròn đang lên. Có bức tranh vẽ cậu bé đang nằm úp mặt như ngủ và ngoài kia những sinh vật biển dễ thương đang lần lượt bơi đến vẫy chào. Một bức tranh khác vẽ cậu bé đang nằm úp mặt trên giường, bên trên là bầu trời đầy trăng sao ấm áp. 
http://tamsugiadinh.vn/upload/fckeditor/image/thoi-su/05-09-2015/Cau-be-ngu-va-con-thuc-tinh-luon-tri-2.jpg 

Nhiều họa sĩ đã vẽ "giấc ngủ" của cậu bé thành những bức tranh thật đẹp

Đây, dĩ nhiên không phải là cách con người ta đang “thi vị hóa” một cái chết. Đây là cách con người ta làm dịu lại nỗi đau nơi trái tim vốn mong manh của mình. Mỗi một tranh vẽ như một liều thuốc giảm đau. Nhưng cao hơn, đây là hành động biến cái chết của một đứa trẻ thành biểu tượng phản kháng chiến tranh.

Sự nghiệt ngã của chiến tranh là sự nghiệt ngã tận cùng. Nhưng chiến tranh không như thiên tai, chiến tranh không tự nhiên mà có. Mọi cuộc chiến tranh đều do con người mà ra. Sự xung đột quyền lực, sắc tộc, tôn giáo… khiến cho chiến tranh xảy ra liên miên. Nhưng bản chất của chiến tranh là gì? Tại sao con người hầu hết ai cũng yêu hòa bình ghét chiến tranh mà chiến tranh vẫn cứ xảy ra? Phải chăng không có chiến tranh giữa con người với con người mà chỉ có chiến tranh giữa nhà nước với nhà nước?
Hình ảnh cháu bé 3 tuổi Aylan và những người tị nạn Syria bị chết đuối ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến chúng ta không thể không nghĩ về chiến tranh. Và, chúng ta lại nghĩ đến sự trôi dạt của thân phận con người. Qua theo dõi báo chí, tôi được biết thi thể của cậu bé Aylan cùng mẹ và anh trai mình sẽ được chở bằng máy bay từ Istanbul đến Sanliurfa, rồi từ đó, họ sẽ về quê nhà Kobani (Syria) bằng đường bộ.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Cậu bé ngủ” trên bờ biển và cơn thức tỉnh lương tri
Thi thể một bé trai khác bị chết đuối ở Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến vượt biển di cư 

Một hành trình trở về đất mẹ dằng dặc, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết, sau khi không thể tới một miền đất hứa. Họ trở về cái nơi mà họ đã tháo chạy đi. Về để làm gì? Lẽ nào chỉ về để nằm dưới đất? Đúng là một kiếp người trôi dạt. Những phận người bèo bọt. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý khi nhân loại đang ngày càng văn minh.
Theo CNN cho biết thì đã có 2.600 người thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải để tới Châu Âu, tính riêng năm nay, cao hơn gần 20% so với năm ngoái. Cái con số lạnh lùng này khiến tất thảy đều phải rùng mình.
Tại sao con người sinh ra lại không thể sống, lao động, yêu thương, sinh con đẻ cái và lưu truyền nòi giống trên chính quê hương của mình? Chẳng lẽ nào cái quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc chỉ là quyền trên sách vở, lý thuyết?
Không chỉ bỏ mạng trên biển, những người Trung Đông và Châu Phi di cư còn là món mồi ngon cho bọn buôn người. Trong khi miền đất hứa còn mờ mịt phía chân trời thì họ đã phải mất vàng, mất tiền và mất mạng. Như vậy, những cái chết trên biển, suy cho cùng không phải do sự khắc nghiệt của biển cả mà chính là do sự săn lùng của con người. Để có thể được sống như con người, họ phải chọn một con đường gian nan, có khi đánh đổi bằng cả tính mạng.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Cậu bé ngủ” trên bờ biển và cơn thức tỉnh lương tri
Các gia đình vượt bển trên những con thuyền phao mong manh
Chắc chắn, khi hình ảnh cháu bé Aylan lan truyền trên mạng, chính phủ các nước Châu Âu sẽ có cái nhìn khác và hành động thiết thực với người nhập cư. Nhưng, đây chắc chắn cũng không phải là việc dễ dàng gì, trái lại rất nan giải. Hình ảnh một chiếc thuyền chở đầy người tìm một nơi cập bến, nhưng đến đâu cũng bị xua đuổi, khiến chúng ta liên tưởng tới một bộ phim dã sử cổ xưa hơn là thực tế hiện nay. Lênh đênh trên biển, đói khát, rách rưới, trôi dạt và bị xua đuổi như thú hoang, đó là tình cảnh của những người dân vùng Trung Đông và Châu Phi hiện nay.
Trái đất nhỏ bé đã quá tải, các quốc gia giàu mạnh đang gặp khủng hoảng? Hay chính lòng người đã “dột nát”?
Nói cho cùng, cái chết của cháu bé Aylan chính là một sự giải thoát. Em chết đi, và trước khi về với đất mẹ, đã kịp cho cả thế giới nhìn thấy một hình ảnh của sự phi lý. Tư thế nằm chết của em, vô tình biểu hiện như đang úp mặt ngủ vùi, khiến cho bao trái tim tan nát.
“Cậu bé ngủ” đã làm cho chúng ta phải thao thức.
“Cậu bé ngủ” đã đánh thức lương tri loài người.

*
*     *
“Tôi muốn cả thế giới trông thấy điều này”
Gia đình cậu bé người Syria: Aylan Kurdi (3 tuổi) lênh đênh trên một con thuyền tị nạn trên đường đến Hy Lạp thì bị sóng đánh lật. Cùng thiệt mạng với Aylan có anh trai Galip (5 tuổi) và mẹ em, Rehan (35 tuổi) cùng 12 người khác.
Sự việc vừa xảy ra vào ngày 2/9. Bức ảnh Aylan- cậu bé ngủ bên bờ biển được chụp bởi nhiếp ảnh gia Nilufer Demir. "Khi nhận ra chẳng thế làm cậu bé sống lại, tôi nghĩ mình phải chụp tấm hình này để thế giới thấy được thảm kịch. Tôi hy vọng tác động mà bức ảnh tạo ra sẽ giúp mang lại một giải pháp"- Nilufer Demir chia sẻ.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Cậu bé ngủ” trên bờ biển và cơn thức tỉnh lương tri
Phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ Nilufer Demir là tác giả bức ảnh cậu bé Aylan dạt vào bờ biển
"Tôi chẳng thể làm gì để mang cậu bé trở lại cuộc sống. Chẳng biết làm gì, ngoài việc chụp ảnh thằng bé. Tôi nghĩ 'đấy là cách duy nhất tôi có thể biểu lộ tiếng thét từ thi thể bất động của Aylan", Demir trả lời phỏng vấn hôm 3/9. Tiếng thét câm lặng ấy giờ đang có sức ảnh hưởng khắp thế giới.

Nói về tai nạn, người cha sống sót tội nghiệp Abdullah cho biết: "Tôi cầm tay vợ, còn các con tuột khỏi vòng tay tôi. Chúng tôi đã cố giữ con thuyền. Tất cả mọi người gào thét trong màn đêm đặc quánh. Vợ và hai con không thể nghe tiếng tôi gọi".

Ông Abdullah cũng bộc bạch: "Mọi thứ xảy ra tại đây, tại đất nước nơi gia đình tôi tị nạn để trốn chiến tranh ở quê nhà. Chúng tôi muốn cả thế giới trông thấy điều này. Có như vậy, họ mới ngăn chặn được những câu chuyện đau lòng xảy ra với người khác. Hãy để trường hợp gia đình tôi là cuối cùng". 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire