Nỗi buồn tiếng Việt - Chu Đậu
Ngôn
ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những
đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn
ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền
với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại
những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều
cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những
thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn,
tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những
thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm
vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30
tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn
thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở Hải Ngoại.
Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy
nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những
thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng ; Nhưng than ôi, hầu hết
những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ
dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.
Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu ?
Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã
quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để
thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối
đi. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất
là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở
TC bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một
chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Hãy duyệt
qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay :
1. Chất lượng
Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch
vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than
ôi ! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số
nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng
là : đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng
cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và
dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở Hải
Ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các
quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ
phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ phẩm chất rồi
tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ ‘chất lượng’. Tại sao lại phải bắt
chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta.
2. Liên hệ
Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra Hải Ngoại.
Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản
Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không
dùng chữ Việt là ‘nói chuyện’ cho đúng và giản dị. Chữ liên hệ dịch sang
tiếng Anh là ‘to relate to …’, chứ không phải là ‘to communicate to …’
3. Ðăng ký
Ðây là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người
Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên
phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ ghi tên (và ghi danh) để
chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ đăng ký để dịch chữ ‘register’ từ
tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ ghi tên hay ghi danh cho câu nói trở nên
sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ
người Tầu ? !
4. Xuất khẩu, Cửa khẩu
Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói xuất
cảng, nhập cảng, chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọ là
xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất,
phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Sài Gòn, thương
cảng Sài Gòn. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải
Phòng, thương khẩu Sài Gòn trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến
Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin
đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của
họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong ?
5. Khả năng
Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng
cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam người ta dùng chữ khả năng trong bất kỳ
trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là
‘trời hôm nay có thể mưa’, thì người ta lại nói : ‘trời hôm nay có khả
năng mưa’, nghe vừa nạng nề, vừa sai.
6. Tranh thủ
Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừ giản dị là chữ ‘cố gắng’, từ cái tệ
sính dúng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa
nặng nề vừa tối nghĩa là chữ ‘tranh thủ’. Thay vì nói : ‘anh hãy cố làm
cho xong việc này trước khi về’, thì người ta lại nói : ‘anh hãy tranh
thủ làm cho xong việc này trước khi về’.
7. Khẩn trương
Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng
chữ này thay thế chữ ‘nhanh chóng’. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn
những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình
làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ ‘nhanh chóng’ để dùng chữ
‘khẩn trương’. Ðáng lẽ phải nói là : ‘Làm nhanh lên’ thì người ta nói là
: ‘làm khẩn trương lên’.
8. Sự cố, sự cố kỹ thuật
Tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như ‘trở
ngại’ hay ‘trở ngại kỹ thuật’ hay giản dị hơn là chữ ‘hỏng’ ? (Nói ‘xe
tôi bị hỏng’ rõ ràng mà giản dị hơn là nói ‘xe tôi có sự cố’)
9. Tham quan
Đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng
cái chữ này của người Tầu ? ! Sao không nói là ‘Tôi đi Nha Trang chơi’,
‘tôi đi thăm lăng Minh Mạng’, mà lại phải nói là ‘tôi đi tham quan Nha
Trang’, ‘tôi đi tham quan lăng Minh Mạng’.
10. Nghệ nhân
Ta vốn gọi những người này là ‘nghệ sĩ’. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán
Việt, nhưng người Tầu không có chữ nghệ sĩ, họ dùng chữ nghệ nhân. Có
những người tưởng rằng chữ nghệ nhân cao hơn chữ nghệ sĩ, họ đâu biết
rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ nghệ
nhân là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.
11. Chuyển ngữ
Ðây là một chữ mới, xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở Hải Ngoại trong
vài năm gần đây. Trước đây chúng ta đã có một chữ giản dị hơn nhiều để
tỏ ý này. Ðó là chữ dịch, hay dịch thuật. Dịch tức là chuyển từ một ngôn
ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Ðoàn Thị Ðiểm dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc
của Ðặng Trần Côn Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Nguyễn
Hiến Lê dịch Chiến Tranh Và Hòa Bình của Leon Tolstoi ... Người viết ở
Hải Ngoại bây giờ hình như có một mặc cảm sai lầm là nếu dùng chữ dịch
thì mình kém giá trị đi, nên họ đặt ra chữ 'chuyển ngữ' để thấy mình oai
hơn. Chữ dịch không làm cho ai kém giá trị đi cả, chữ ‘chuyển ngữ’ cũng
chẳng làm giá trị của ai tăng thêm chút nào. Tài của dịch giả hiện ra ở
chỗ dịch hay, dịch đúng mà thôi. Chứ đặt ra chữ mới nghe cho kêu không
làm tài năng tăng lên chút nào, hơn nữa nó còn cho thấy sự thiếu tự tin,
sự cầu kỳ không cần thiết của người dịch.
12. Tư liệu
Trước đây ta vốn dùng chữ tài liệu, rồi để làm cho khác miền nam, người
miền bắc dùng chữ ‘tư liệu’ trong ý : ‘tài liệu riêng của người viết’.
Bây giờ những người viết ở Hải Ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ ‘tài
liệu’ mặc dù nhiều khi tà liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư
viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.
13. Những danh từ kỹ thuật mới
Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới,
hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ
thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ
này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác
về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp
…) thì việc chuyển dịch trở nên tử nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ
không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng
Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay
mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người
Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho
hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu.
Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán,
họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ
chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một
cách tự nhiên thôi. Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải
mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa
biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà.
Ví dụ như ta Việt hóa chữ ‘pomp’ thành ‘bơm’ (bơm xe, bơm nước), chữ
‘soup’ thành ‘xúp’, chữ ‘phare’ thành ‘đèn pha’, chữ ‘cyclo’ thành ‘xe
xích lô’, chữ ‘manggis’ (tiếng Mã Lai) thành ‘quả măng cụt’, chữ
‘durian’ thành ‘quả sầu riêng’, chữ ‘bougie’ thành ‘bu-gi, chữ ‘manchon’
thành ‘đèn măng xông’, chữ ‘boulon’ thành ‘bù-lon’, chữ ‘gare’ thành
‘nhà ga’, chữ ‘savon’ thành ‘xà bông’ … Bây giờ đọc báo, thấy những chữ
dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như
thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt
Nam, như :
a. Scanner dịch thành ‘máy quét’. Trời ơi ! ’máy quét’ đây, thế còn máy
lau, máy rửa đâu ? ! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà !
b. Data Communication dịch là ‘truyền dữ liệu’.
c. Digital camera dịch là ‘máy ảnh kỹ thuật số’.
d. Data base dịch là ‘cơ sở dữ liệu’. Những người Việt đã không biết
data base là gì thì càng không biết ‘cơ sơ dữ liệu’ là gì luôn.
e. Software dịch là ‘phần mềm’, hardware dịch là ‘phần cứng’ mới nghe cứ
tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ ‘hard’ trong tiếng Mỹ không luôn luôn
có nghĩa là ‘khó’, hay ‘cứng’, mà còn là ‘vững chắc’ ví dụ như trong
chữ ‘hard evident’ (bằng chứng xác đáng) … Chữ soft trong chự ‘soft
benefit’ (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là ‘quyền lợi mềm’
sao?
f. Network dịch là ‘mạng mạch’.
g. Cache memory dịch là ‘truy cập nhanh’.
h. Computer monitor dịch là ‘màn hình’ hay ‘điều phối’.
i. VCR dịch là ‘đầu máy’ (Như vậy thì đuôi máy đâu ? Như vậy những thứ
máy khác không có đầu à ?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV
(hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì ?
j. Radio dịch là ‘cái đài’. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành
ra-đi-ô hay ra-dô, hơặc dịch là ‘máy thu thanh’. Nay gọi là ‘cái đài’
vừa sai, vừa kỳ cục. Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví
dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp
nơi được.
k. Chanel gọi là ‘kênh’. Trước đây để dịch chữ TV chanel, ta đã dùng chữ
đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam … gọi là kênh nghe như đang
nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang !
Ngoài ra, đối với chúng ta, Sài Gòn luôn luôn là Sài Gòn, hơn nữa người
dân trong nước vẫn gọi đó là Sài Gòn. Các xe đò vẫn ghi bên hông là ‘Sài
Gòn - Nha Trang’, ‘Sài Gòn - Cần Thơ’ … trên cuống vé máy bay Hàng
Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Sài Gòn. Vậy
khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở Hải Ngoại cứ dùng tên của
một tên chó chết để gọi thành phố thân yêu của chúng mình ? ! Ði về Việt
Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Sài Gòn là Sài Gòn, vậy mà chỉ
cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Sài Gòn
không được dùng nữa. Tại sao ?
Ðây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì
chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất ! Tất nhiên, vì đảng
cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt Nam, nên ta khó có ảnh
hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nước, nhưng tại sao các nhà truyền
thông Hải Ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế ? !
Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là
giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân)
hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả),
hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có
trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước !
Trước đây Phạm Quỳnh từng nói : ‘Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng
ta còn thì nước ta còn’, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn
nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi !
Chu Đậu
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire